Ấn Độ “mất mùa chưa từng thấy”, giá hạt tiêu tiếp tục cao

, Thị trường hạt tiêu, 16

Sáng nay 15/3, giá tiêu xô tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu giao dịch ở mức 128.000-130.000 đồng/kg, các thị trường khác thấp hơn 3.000-5.000 đồng/kg.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/ 3, giá hạt tiêu giao ngay trên sàn Ấn Độ, loại tiêu chọn Malabar, có giá 398 Rupi/kg, tương đương 7.978 USD/tấn và loại tiêu xô có giá 390 Rupi/kg, tương đương 7.804 USD/tấn. Trong khi tiêu kỳ hạn giao tháng 3 giá 41.350 Rupi/tạ, tương đương 8.273 USD/tấn và giao tháng 4 giá 42.215 Rupi/tạ, tương đương 8.446 USD/tấn. (1USD = 49,9848 Rupi)

Theo các thương nhân giao dịch trên sàn cho biết, các vùng trồng tiêu trọng điểm ở phía Bắc Ấn năm nay “mất mùa chưa từng thấy”. Mặc dù đang thu hoạch nhưng lượng hàng đưa ra thị trường gần như không đáng kể, chỉ bằng khoảng 25-30%. Và cũng không loại trừ nhà nông của nước này chưa muốn đưa hàng ra thị trường. Đây là lý do chính làm cho giá tiêu giao ngay của Ấn Độ hiện nay “hình như không có điểm dừng”.

Các nhà môi giới hạt tiêu tại thị trường Ấn Độ nhận định, lượng hạt tiêu khá lớn hiện nay không nằm trong tay các nhà xuất khẩu, các thương nhân hay trong tay nông dân như thường thấy mà là trong tay của các quỹ hàng hóa hay các nhà đầu cơ lớn. Đây là điều rất không tốt cho thị trường.

Nguồn cung bị thắt chặt không chỉ trong nước mà lượng nhập khẩu các nơi về cũng rất khó khăn vì vụ tiêu năm nay rất không thuận lợi, các nhà kinh doanh hạt tiêu Ấn Độ nhận định.

Các nhà môi giới hạt tiêu Ấn Độ còn tỏ ra bi quan khi các khách hàng truyền thống của họ sẽ rời bỏ thị trường này vì không thể chấp nhận với cái giá “đã quá ngất ngưởng”. Đã có nhiều khách hàng tìm đến với thị trường Singapore và cho rằng mức giá tại đây “dù sao vẫn đang dễ thở hơn”.

Cùng ngày trên sàn Singapore, kỳ hạn giao tháng 3 có giá 6.373 USD/tấn và giao tháng 4 có giá 6.287 USD/tấn. Giá chênh lệch giữa 2 sàn tiêu hiện nay tuy có rút ngắn so với tuần vừa qua những vẫn còn rất cao.

Nhiều nhà nhập khẩu Âu Mỹ đã rời sàn Ấn vì giá quá cao để tìm đến sàn Sing với giá thấp hơn khiến cho vài ngày qua khối lượng giao dịch tại thị trường này đã tăng lên đáng kể.

Hiện nay, giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ loại đặc chủng MG1 có giá 8.350 USD/tấn (C&F) cho thị trường châu Âu và 8.650 USD/tấn (C&F) cho thị trường Mỹ. Trong khi tiêu Việt Nam được chào giá 7.500-7.550 USD/tấn (FOB) cho loại 550Gr/l-Asta và tiêu Brazil chào giá 7.100-7.200 USD/tấn (FOB) cho loại B-Asta.

Sáng nay 15/3, giá tiêu xô tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu giao dịch ở mức 128.000-130.000 đồng/kg, các thị trường nội địa khác thấp hơn 3.000-5.000 đồng/kg. Lượng hàng được lưu thông ra thị trường tuy đã tăng lên đáng kể nhưng mới chỉ bằng một nửa so với năm trước, một thương lái cho biết.

Theo số liệu thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu tháng 2 đạt 8.627 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 58,3 triệu USD, tăng 151,1% về lượng và tăng 143,4 % về giá trị kim ngạch so với tháng trước. Tuy so với cùng kỳ năm trước về lượng chỉ tăng 22% nhưng về giá trị kim ngạch lại tăng đến 73,8%. Bình quân giá tiêu xuất khẩu tháng 2 đạt 6.755 USD/tấn.

Anh Văn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
16 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tại sao giá tiêu trên 2 sàn lại chênh lệch nhau nhiều như vậy? Hết sức phi lý.
    Chắc chắn nhà nhập khẩu sẽ đến Singapore để mua và nhận hàng tại kho ngoại quan Bình Dương.
    Chắc chắn giá tiêu sàn Sing sẽ được đẩy lên và như vậy người trồng tiêu VN sẽ được hưởng lợi. Xu thế giá tăng mạnh trong vài ngày tới là rõ ràng.
    Còn nếu không thì sàn Singapore đang bị đầu cơ đè giá…

  2. Hiện nay giá thu mua tại các đại lý 125.000 đến 127.000đ so với giá giao dịch tại sàn SMX là 6737usd quá bất công với người trồng tiêu. Điều này khiến các nhà xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam phải đau đầu vì nguồn hàng bị thiếu mà trong dân thì lại còn. Đừng để các nhà nhập khẩu Âu Mỹ quay lưng lại giống như sàn giao dịch Ân Độ. Theo tôi thiết nghĩ, để tìm tiếng nói chung giữa người trồng tiêu và người thu mua tiêu, phải áp dụng giá xác thực hơn nữa… Có nghỉa là giá thế giới tăng chúng ta tăng, và ngược lại giá giảm thì chúng ta giảm, đều này khiến người nông dân chân lắm tay bùn không bị bất công bởi vì giá, vả lại tránh được trường hợp găm hàng chờ giá lên. Mong các nhà xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam nghiên cứu vấn đề này, và áp dụng những biện pháp mạnh hơn với những đại lý thu mua ép giá. Nếu làm được đều này tôi tin chắc các nhà xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam không phải âu lo vì chờ hàng… Xin cảm ơn.

  3. Tôi thấy giá trong nước không tăng tương xứng với giá thế giới. Giá thế giới tăng 200USD/tấn, giá trong nước chỉ tăng 1 triệu/tấn, đúng ra phải tăng hơn 4 triệu chứ.
    Thật tội nghiệp cho bà con Nông Dân quá!

  4. Các nhà thu mua cũng sợ lắm chứ, họ cũng lo chốt giá, còn phải lo nguồn tiền để trả cho ND mình trong khi không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Năm nay kẹt vốn lắm, ai đầu cơ là đang ngồi trên lưng cọp một cách bị động mà thôi. Hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài gom hàng đều đặn để giá tiêu được bình ổn, với giá tiêu cỡ này thì ND mình no ấm rồi.

  5. Chào mọi người! Tôi thu hoạch tiêu xong ngày hôm qua rồi, đã phơi khô và quạt sạch cất vô kho hết rồi. Hồi đầu năm nay dự trù được mùa vậy mà thu hoạch không đạt như dự kiến, số gần 300 cây tiêu tốt năm 2011 thu được gần 1,5 tấn sọ khô thì năm nay chỉ thu được có hơn 5 tạ. Ở chỗ tôi năm nay rất nhiều vườn tiêu bị mất mùa, nên chỉ cầu mong vào giá cả cao lên tí thì mới có tiền đầu tư phân bón, thuốc, nước,…
    Xin hỏi anh Tiêu Sọ! Theo anh thì nếu trong thời gian gần tới đây giá tiêu mà lên được 140k chưa cộng thì ta có nên bán ra ko hả anh? Xin cảm ơn!

  6. Theo tôi thì bà con nông dân hãy cứ bình tĩnh thu hoạch, phơi khô và cất kỹ đủng đỉnh chờ thời, khi nào giá cả ở 2 sàn xem gần ngang bằng nhau không còn chênh lệch nữa thì hãy tính chuyện xem xét bán; còn nếu bí tiền tiêu thì cần đến đâu bán đến đó cho chắc.

  7. Xin cáo lỗi với bà con và Ban Quản trị, tôi xin đính chính sàn SMX giao dịch với giá là 6373usd vào ngày 15-3-2012.

    BQT: – Sàn SMX: 6.373 USD là giá đóng cửa của kỳ hạn T3 ngày 13/3/12.

  8. Không thể nào chấp nhận được! Tại sao giá của 2 sàn đều tăng mạnh gần 300USD/ 1 tấn mà trong nước lại giảm 1 triệu / 1 tấn
    Thương lái thật tàn nhẫn với nông dân

  9. Trách thương lái không đúng đâu.
    Thương lái muốn mua phải căn cứ vào giá cty, các đại lý chính phát ra.
    Trong chuỗi lợi nhuận thì phần thương lái là nhỏ nhất, có khi do đánh giá chất lượng hàng chưa chính xác hoặc tranh mua lẫn nhau… nên còn không đáng kể, có khi còn lỗ nữa!

  10. Từ trước đến giờ tôi không đồng tình với nhận định “nông dân quyết định giá tiêu ; nông dân làm chủ thị trường” mà cho rằng đó chỉ là nhận định theo lối mị dân của nhiều quan chức (và của cả nhiều nhà nông thích “tự sướng”).
    Đến giờ này, khi giá tiêu trên cả 2 sàn tăng cao, sàn Ấn tăng mạnh hơn, nhưng giá tiêu trong nước cứ ì ạch, thì nhận định đó càng bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết.
    Nông dân làm chủ thị trường khi họ quyết định cầm hàng, chưa bán ra khi giá chưa thỏa mãn, và do đó góp phần điều tiết thị trường. Nhưng nói nông dân quyết định giá tiêu…? Bạn nào lý giải vì sao giá cứ ì ạch như mấy ngày qua, do nông dân muốn quyết định vậy chăng?

  11. Giá thế giới tăng hơn 200USD/ tấn = tương đương 4 triệu / tấn
    Trong nước tăng 1 triệu đến 2 triệu
    Thật lắm bất công, mà chẳng có quan nào lên tiếng bênh vực,
    Cứ kiểu này nông dân tức quá mà chết thôi, chẳng cần “lê máy chém” đi làm gì?

  12. Bình tĩnh bạn Van ơi! Có tức thật đấy, nhưng mà đừng có chết nha… Mình thu tiêu xong rồi, nhưng mà giá này mình ko bán đâu, lúc nào thấy thật cần tiền vào việc gì thì mới bán. Năm ngoái mình găm mãi đến tháng 9 dương lịch mà ko thấy lên gì cả, vừa quyết định bán đầu tháng 9/2011 giá 118k được hơn 1 tháng thì giá lên vùn vụt, tiếc lắm nhưng bán rồi thì phải chịu thôi. Năm nay làm liều để lại xem sao? Mình còn cất hơn 5 tấn.

  13. Xem trên bảng giá sàn Ấn tăng mạnh còn sàn Sing lại giảm mới vô lý làm sao. Chắc chắn mấy nhà đầu cơ trên sàn Sing đang cố ép giá nông dân VN phải bán tiêu giá rẻ để họ ôm lượng hàng đó sang sàn Ấn bán. Chỉ ngồi mua bán giữa 2 sàn mà họ đã có chênh lệch trên 2000USD/t thì thật là bất công. Còn các nhà xuất khẩu VN cũng đang nhân cơ hội này thừa nước đục thả câu để kiếm lợi nhuận khủng chứ có ai cấm họ mua bán theo sàn Ấn đâu? Họ đang cố tình ép nông dân. Nếu nông dân VN quyết giữ hàng không bán thì sao nhỉ? và sao cũng chẳng thấy Ban quản trị có ý kiến gì để tư vấn cho nông dân?

  14. Hôm nay thế giới không giao dịch, “Nông dân tự làm chủ giá tiêu” bằng cách tự giảm mỗi tấn 1 triệu đồng.

  15. Bình tĩnh các bạn ơi… Cái gì cũng có lý do của nó. Tại sao 2 sàn đều tăng giá mà hạt tiêu của Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Theo tôi thiết nghĩ, thứ nhất là các nước Âu Mỹ mặc dù đã đến với sàn Singapore nhưng hợp đồng mua bán chưa đáng kể, thứ hai là những thị trường còn lại…Trung quốc và miêng…chưa chịu ăn hạt tiêu của Việt Nam mà thôi. Hiện nay các đại lý chính thức cũng đang hoạt động cầm chừng vì lượng hàng chưa xuất khẩu ra ngoài được, vì vậy mấy ngày qua giá cả tại Việt Nam ì à ì ạch là thế. Các bạn hãy bình tĩnh…sau cơn mưa trời sẽ sáng mà. Mức tiêu thụ hạt tiêu thế giới năm nay có xu hướng tăng, mà cung thì lại không đủ đáp ứng cho cầu vì thế các bạn phải tin rằng giá sẽ tăng nay mai… khi thị trường có bán có mua.

Gửi phản hồi mới

(?)