Bà Rịa-Vũng Tàu: Ồ ạt chuyển sang trồng hồ tiêu ghép

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 9

Tiêu ghép

Tiêu ghép

Tuy đã được khuyến cáo không nên ồ ạt mà nên trồng thử nghiệm giống hồ tiêu ghép với số lượng nhỏ để kiểm tra tính hiệu quả của cây giống này nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế đáng tiếc có thể xảy ra nhưng nhiều hộ dân trồng tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chuyển sang trồng loại cây này.

Thời gian qua, do giá tiêu liên tục tăng cao nhưng nhiều diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị dịch bệnh làm tiêu chết hàng loạt, khiến người trồng tiêu rất lo lắng. 

Nắm bắt được tâm lý của nông dân, hơn một năm trở lại đây, trên địa bàn các huyện có trồng tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu như Châu Đức, Xuyên Mộc nhiều hộ trồng tiêu đã nhập khá nhiều giống tiêu ghép không rõ nguồn gốc để bán và trồng đại trà vì cho rằng, giống tiêu ghép này có khả năng chống chịu bệnh, chịu ngập úng tốt.

Ông Nguyễn Bách Thắng (ở thôn Tam Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết trước đây, nhà ông trồng giống tiêu Vĩnh Linh nhưng bị chết gần hết do bệnh chết nhanh, chết chậm. Năm vừa rồi, nghe thông tin có giống tiêu ghép có thể hạn chế được các loại dịch bệnh, chịu ngập úng tốt nên ông đã mua giống tiêu ghép về trồng thử. Khi mua giống tiêu ghép này về, thấy cây vẫn phát triển bình thường (hiện vẫn chưa cho quả), nên ông cũng muốn trồng thử thêm một ít nữa. Nếu phát triển tốt ông sẽ nhân rộng diện tích tiêu ghép.

Cũng như ông Thắng, anh Nguyễn Bé (ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cũng vừa mới mua thêm 200 gốc tiêu ghép về trồng. Cách đây một năm, anh Bé có mua trồng thử 30 gốc tiêu ghép (hiện cũng chưa cho quả), thấy cây phát triển tốt và không có hiện tượng mắc bệnh như tiêu thông thường. Dù chưa biết năng suất từ giống tiêu ghép này ra sao song do vườn tiêu gần 1ha của anh Bé đang mắc bệnh nên anh Bé dự định chuyển sang trồng tiêu ghép nếu giống này phát triển tốt. 

Anh Bé cũng cho biết anh chỉ mong giống tiêu này phát triển tốt, còn năng suất chỉ bằng 1 nửa giống tiêu bình thường là “sống” rồi, còn như giống tiêu đang trồng thì cứ trồng xuống là bị chết khiến người dân liên tục bị thất thu.

Theo ông Nguyễn Bàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Long, huyện Châu Đức, xã có khoảng khoảng 100 hộ trong tổng số 1.000 hộ trồng tiêu đã chuyển sang trồng loại tiêu ghép này trên diện tích tiêu bị chết. Hiện nay hiệu quả của việc sử dụng giống tiêu ghép còn chưa rõ ràng, năng suất và khả năng kháng bệnh cũng chưa được khẳng định. 

Tiêu ghép có gốc ghép mà các nhà vườn thường gọi là gốc Amazon là loại cây chịu nước, chống ngập úng tốt… Cách đây bảy năm đã được một vườn ươm tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai dùng để ghép thành công với cây tiêu, đưa vào trồng và cây đã cho trái 2-3 năm trở lại đây.

Thực tế cho thấy, vẫn chưa có cơ sở nào cho rằng giống tiêu ghép sẽ đem lại hiệu quả cao và có thể thay thế các giống tiêu hiện tại. Ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa thống kê được số hộ dân và số diện tích trên địa bàn đã chuyển sang trồng loại cây này. Nhưng qua kiểm tra, giống tiêu ghép chưa có kết quả nghiên cứu, đánh giá của các ngành chuyên môn và nhà khoa học, cũng như chưa được tổng kết, đánh giá kết quả qua mô hình trồng thực tế của những hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đất-Phân bón và Môi trường phía Nam thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa, cho biết ông rất băn khoăn về khả năng thích ứng giữa nhánh ghép với gốc ghép, khả năng cho năng suất của tiêu ghép này cũng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là khả năng kháng bệnh. Nguyện vọng của người trồng tiêu là có được giống tốt, phát triển, kháng bệnh và cho năng suất tiêu cao. Tuy nhiên cây giống tốt đòi hỏi phải có ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đánh giá về chất lượng. Do vậy, bà con nông dân hãy cân nhắc trong việc lựa chọn giống tiêu ghép này về trồng.

 

Báo Giá cà phê qua điện thoại
9 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Một bài báo của TTXVN thì không thể mơ hồ. Không biết tác giả Hoàng Nhị dựa vào đâu, cứ liệu cụ thể nào, để viết đoạn này :

    “Tiêu ghép có gốc ghép mà các nhà vườn thường gọi là gốc Amazon là loại cây chịu nước, chống ngập úng tốt… Cách đây bảy năm đã được một vườn ươm tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai dùng để ghép thành công với cây tiêu, đưa vào trồng và cây đã cho trái 2-3 năm trở lại đây…”

    Đề nghị giatieu.com đăng ý kiến của tôi và mong tác giả sớm có câu trả lời, xin cám ơn.

  2. Với những giống tiêu ghép này trước mắt đã đem lại lợi nhuận kha khá cho các chủ vựa bán giống, nhưng khuyến nông đã có lời khuyên thì tốt nhất nên nghe theo.
    Nông nghiệp VN còn hạn chế so với các nước khác nên việc lai tạo ra giống tiêu mới thì còn quá xa vời. Không đơn giản chỉ là cấy ghép mà còn phải có sự đầu tư và nghiên cứu rất kỹ lưỡng.
    Mong rằng bài báo này giúp ích cho mọi người ý thức hơn trong công việc chọn giống cây trồng.

  3. Bảo người ta cân nhắc trong khi giống cũ thì dễ chết, năng suất thấp thua lỗ. Lúc nào nông dân cũng phải tự tìm kiếm phương án mới cho vấn đề nông nghiệp của mình. Thua lỗ thì bảo là ồ ạt theo xu thế mà có lời thì nói là người làm nông giỏi. Bao giờ cũng để nông dân trồng rồi mới biết kết quả. Sao không có bộ phận nghiên cứu phát triển và hỗ trợ giống để nông dân đỡ khổ nhỉ ? Đọc 1 bài khá mơ hồ.

  4. Bài báo mơ hồ hay các cơ quan có trách nhiệm mơ hồ. Nông dân làm gì khi không nghe theo khuyến nông cảnh báo còn bảo thủ. Thích làm là làm đã vậy còn đòi hỏi trách nhiệm. Thử hỏi bạn đã làm được gì trong công đoạn lai tạo giống mới, kháng bệnh, năng xuất…

  5. Tôi rất đồng thuận với ý kiến anh @phuochuy. Những việc như lúc này bà con rất cần tới các nhà khoa học và sư hổ trợ của nhà nước vậy mà cứ nghe các bài báo luôn đổ lỗi cho nông dân. Theo tôi thì giống tiêu ghép này đã có từ mấy năm nay rồi, tại sao các nhà khoa học ko vào cuộc nghiên cứu mà đến nay báo chí vẫn còn nói mơ hồ như thế.

  6. Thân chào các anh chị !
    Tui xin kể câu chuyện của tui về giống tiêu ghép ạ : đầu năm 2011 tui có nghe mấy người bạn “ca” về giống tiêu ghép dữ quá nên mê lắm, hỏi thì các bạn ấy cho số điện thoại của anh T. ở ấp Láng Me, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Gọi điên thoại hỏi mua thì anh bảo là dặt cọc đi rồi năm sau mới có giống. Gần đó có anh Sáu Sắc có trồng hơn 200 nọc tiêu ghép đã qua năm thứ 3 rồi, tui xin vào thăm thì thấy vườn tiêu tốt lắm, nên càng mê hơn. Sau đó thì vài tháng tui xin tới thăm 1 lần thấy tiêu vẫn tốt, nhưng bị trống chân lên gần 2m so với mặt đất và bông ra rải rác liên tục vì cắt nước để làm bông thì nó không “phê”. Trong nhiều lần tới lui vùng đó, tui nài nỉ và chia được 2 cây tiêu ghép về trồng, đến nay đã hơn 3 năm, dây tiêu phát triển bình thường, không hơn các dây tiêu khác nhân giống bằng lươn hay ác. Có điều, dây tiêu bị trống chân lên hơn 2m mới thấy đâm cành ác, hình như người ghép lấy ngọn của lươn để ghép chứ không phải lấy ngọn của dây thân. Nếu đôn như tiêu lươn thì sẽ mất vai trò của gốc ghép, còn cắt như hom ác thì nó bung ít cành.
    Cách đây hơn 6 tháng tui có quay lại thăm vườn tiêu ghép của anh Sáu Sắc (hơn 1 năm rồi tui không tới) thì vườn tiêu ghép đã không còn nữa mà thay vào đó là vườn tiêu Vĩnh Linh nhân giống bằng hom thân (bà con mình quen gọi là cành ác ),…
    +

  7. Khuyến cáo bà con không được trồng tiêu ghép bởi các lý do sau:
    1. Giống chưa được công nhận đưa vào sản xuất đại trà
    2. Gốc ghép mối rất thích cắn phá (tôi trồng thử nghiệm 100 trụ, 2 ngày sau chỉ còn lại 50 trụ)
    3. Mối ghép không biết tách ra khi nào
    4. Cây này ưa nước nên mùa mưa sinh trưởng phát triển tốt, nhưng mùa khô thì tốn nhiều tiền và công để tưới nước cho tiêu ghép (mà sẽ khốn khổ cho những vùng khan hiếm nước)
    5. Do cây khi nào cũng thích nước nên việc ngắt nước để làm bông là không được, hoa sẽ ra hoa quanh năm và khi đó sẽ thu hoạch hoa quanh năm.
    ………………………

  8. Mình ở miền trung, đất ở mình là đất cát, mình muốn thử nghiệm trồng tiêu trên đất cát, mình nghe nói nói tiêu ghép trên gốc trầu, ở mình thì trầu trồng được phát triển tốt lắm, mong các chuyên gia tư vấn giúp mình

  9. Xin chào diễn đàn.
    Tôi cũng chỉ mới bắt đầu trong tiêu nên về kinh nghiệm chăm sóc thì chưa có nhiều, nhưng về tiêu ghép Amazon thì tôi đã chứng kiến và chính nhà tôi đã trồng. Cây thì sống khỏe, chịu hạn tốt nhưng không phải là không bị bệnh và chết. Nhưng có một điều mà chúng ta cần lưu ý đó là gốc cây Amazon trồng được vài năm thì ngay chỗ ghép đó nó sẽ bị nứt ra và tiêu sẽ bị chết. Vì giữa cái phần tiêu ghép vào gốc Amazon do nó to lên không đồng đều.

Gửi phản hồi mới

(?)