Bình Phước: Người dân “kêu trời” vì tiêu rớt giá

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 15

Việc giá tiêu liên tục giảm, dao động trong khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu tại tỉnh Bình Phước đang trong cảnh lao đao khốn đốn.

Hơn 8.000 trụ tiêu đang chín rộ của hộ ông Huỳnh Văn Thêm (xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) chỉ có 2 người hái.

Giá tiêu giảm mạnh, nhà nông không có lời khiến các hộ không mấy mặn mà đầu tư chăm sóc cho vụ mùa sau dẫn đến tình trạng cây tiêu kiệt sức nên mất mùa. Cùng với đó, thời tiết tại Bình Phước diễn biến thất thường cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng và năng suất của cây tiêu… Hàng loạt vườn tiêu chết do các mầm bệnh như thán thư, bệnh chết chậm, chết nhanh… trong những mùa mưa.

Nỗi buồn mất mùa rớt giá chưa nguôi, người trồng tiêu tại Bình Phước lại “ngồi trên đống lửa” vì không tìm được người hái dù đã làm mọi cách để thu hút nhân công, như: tăng giá thuê hay thuê hái khoán ăn theo sản lượng hoặc chia đôi sản lượng.

Bà Lê Thị Nghĩa, ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có 2000 trụ tiêu đang chín rộ nhưng không tìm được nhân công hái cho biết: “Năm nay nhân công thu hái không có, cả vườn mà chỉ có 2 vợ chồng tôi và 2 công hái. Mỗi năm tiêu trúng mùa thì trung bình mỗi công hái được khoảng 15kg tiêu khô, chứ giờ thất mùa chỉ tầm 10kg thôi mà tiền công lên đến 150.000 – 160.000/ngày/người”.

Vụ tiêu 2019 – 2020 đang vào chính vụ, hầu hết các vườn tiêu của người dân đều chín rộ. Theo các hộ trồng tiêu, trung bình 100kg tiêu chuỗi tươi sau khi xay, phơi khô thì được khoảng được 10kg tiêu khô. Với giá tiêu như hiện nay dao động 37.000 – 40.000 đồng/kg, quy ra 10 ký tiêu khô nhà nông thu được khoảng 400.000 đồng, trừ chi phí thu hái chỉ còn 100.000 đồng, không đủ chi trả công xay, phơi khô, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón… Không tìm được công hái, nhiều hộ đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới trải dưới gốc để hứng những chuỗi tiêu chín rụng.

Ông Trần Văn Tuân, ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp chia sẻ “Nếu chia đều ra nhân công hái lấy mất hai phần, chủ nhà chỉ được một phần mà thôi. Tính hết chi phí đầu tư chăm sóc suốt một năm thì người nông dân không còn một chút nào, cho nên trắng tay. Rải lưới là để tránh thất thoát, vì tiêu không phải chín đồng loạt một lần mà chín từ từ. Bắt buộc phải rải lưới để giảm bớt thất thoát tiêu rơi xuống đất, chứ không chi phí thuê nhân công lượm lặt lại càng tốn thêm”.

Không chấp nhận giá tiêu xuống thấp, nhiều nhà vườn “găm hàng” chờ giá lên để bán. Nhưng họ không ngờ giá tiêu ngày càng xuống chứ không thấy lên, cá biệt có hộ đang ôm đến 20 tấn tiêu sau nhiều năm… Vì những khó khăn trên mà diện tích trồng tiêu của Bình Phước hiện đã giảm 132ha so với cùng kỳ năm 2018.

Trước tình trạng trên, chính quyền và hội nông dân các địa phương cũng đã vận động tuyên truyền người dân không mở rộng thêm diện tích, đồng thời có thể trồng xen canh các loại cây khác trên diện tích cây tiêu. Bên cạnh đó kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ trồng tiêu đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Trung – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho hay: “Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng tuyên truyền, vận động bà con trồng những cây xen canh để giải quyết cái trước mắt, cầm cự cây tiêu. Hy vọng giá tiêu thời gian tới lên lại. Đồng thời, cũng đang đề xuất với các ngân hàng mong muốn giải quyết gia hạn cho những hộ khó khăn, trong lúc người dân đang gặp khó khăn để người dân có thêm điều kiện sinh hoạt, ổn định vực lại kinh tế”.

Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của cả nước với khoảng 16.855ha, tập trung ở các huyện biên giới như: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập… Trong bối cảnh giá tiêu tiếp tục lao dốc, trong khi giá vật tư, phân bón, công thu hái ngày một tăng thì nguy cơ nhiều gia đình bị vỡ nợ, bỏ vườn đang hiển hiện trước mắt nếu không có sự can thiệp hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành…

15 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bài viết rất hay, viết đúng thực trạng của dân trồng Tiêu. Theo mình, Tiêu chết cũng nên chuyển dần sang cây trồng khác, trồng lại khó lắm. Làm nông nghiệp mà công thu hoạch mất 2/3 doanh thu thì còn gì ăn để sống và tái sản xuất.

  2. Cái gì mà 100kg tươi được 10kg khô, hái tiêu non hay sao vậy?
    Công trả có 150-160k một ngày không mượn được công đúng rồi. Bài viết thấy không thực tế !

    • Mình cũng thắc mắc chỗ này “trung bình 100kg tiêu chuỗi tươi sau khi xay, phơi khô thì được khoảng được 10kg tiêu khô” xay là sao là chạy qua máy để lấy hạt phải không? 100kg ra 10kg khô, tỉ lệ 10:1, ko hiểu chỗ này.

  3. Bác Vịnh copy bài ngáo ngơ ở đâu ra vậy 100kg chuỗi 10kg khô. Chưa sáng đã đớp kẹo , hay xưa giờ Toàn Tiến Sỹ…

  4. Nhà báo viết bừa hay anh nông dân trong bài nói vống?
    Tóm lại, báo chỉ đọc cho vui. Nghe theo có ngày mất hết thóc giống.

  5. Báo của Bộ Công Thương, chịu khó mà đọc nhé. Cái gì hay thì tiếp thu, điều nào chưa hay thì bỏ qua.
    Nhà báo chỉ là người đi thu nhặt thông tin chứ không phải chuyên gia ngành hàng đâu !

  6. Diễn đàn hơi vắng nên bác Vịnh đưa bài báo lên để mọi người tranh luận cho vui ấy mà, có gì đâu mà nóng. …

  7. Ở BR-VT, công hái là 200.000đ. Ba tươi được một khô. Năm được mùa thì trung bình 18 kg tiêu khô/1công 8 tiếng. Vườn nhà ai trải lưới thì hái được nhiều hơn vì không tốn công trải bạt.

Gửi phản hồi mới

(?)