Bình Phước: Nhiều diện tích hồ tiêu chết không rõ nguyên nhân

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 16

Hiện nay, Bình Phước là một trong những địa bàn có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước. Song, nhiều hộ dân nơi đây đang rơi vào cảnh nợ nần, vì hồ tiêu bỗng dưng chết hàng loạt, năng suất tiêu thấp. Cùng với huyện Lộc Ninh, Bù Đốp được coi là 1 trong 2 huyện “thủ phủ” của cây hồ tiêu của Bình Phước với diện tích trên 4.500 ha. 

Người dân trồng xen cao su và nỗ lực cứu diện tích tiêu còn lại.

Bà con nông dân trồng hồ tiêu tại huyện biên giới Bù Đốp đang “đứng ngồi không yên” vì diện tích cây tiêu chết đang lan rộng trên nhiều xã. Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay đã có trên 150 ha hồ tiêu bị chết chưa rõ nguyên nhân, nặng nhất là tại địa bàn các xã Tân Thành, Tân Tiến, Thanh Hòa…  gần đây, bà con nông dân chịu tổn thất khá lớn do giá cả liên tục “lao dốc”, chỉ còn bằng 50% giá so với niên vụ năm 2016. Đáng lo hơn, gần đây các vườn hồ tiêu đang cho thu hoạch xuất hiện thực trạng chết héo cả vườn khiến nông dân “thủ phủ” hồ tiêu vô cùng điêu đứng.
Hộ ông Ngô Văn Sang (ấp Tân Định, xã Tân Thành) có 1.800 trụ tiêu chết. Cả vườn tiêu đang xanh tốt đột nhiên vàng héo lá rồi chết dần dần; gây thiệt hại tới 400 triệu đồng cho gia đình. Tuy nhiên, bà con vẫn chưa tìm được nguyên nhân khiến cây tiêu chết hàng loạt.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tiêu chết, nhà nông Trần Thị Yến (ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến) lâm vào cảnh nợ hơn 500 triệu đồng vay đầu tư 2,5 ha hồ tiêu. Bà Yến cho biết, cả vườn hồ tiêu lên đến 4.500 trụ đã trồng cách đây 4 năm cho thu hoạch gần 10 tấn. Vườn tiêu đang xanh tốt nhưng từ đầu năm 2018 đến nay bắt đầu chuyển lá úa vàng, rụng khô héo rồi chết hết cả vườn. Hiện gia đình không biết xoay sở cách nào để cứu vườn hồ tiêu bạc tỷ này.

“Sau khi thấy vàng lá, gia đình có mua thuốc theo hướng dẫn để phun xịt nhằm cứu cây nhưng không ăn thua”, bà Yến tỏ ra lo lắng.

Trong chuyến khảo sát về thực trạng cây hồ tiêu chết tại nhiều xã trong huyện, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng yêu cầu tổ chức hội thảo đầu bờ ngay tại các vườn hồ tiêu bị chết để giúp nhà nông.

Ông Hà Anh Dũng cho biết: “Trước thực trạng trên, các ngành chuyên môn đã có buổi hội thảo để hướng dẫn bà con cách cứu tiêu. Tuy nhiên thực tế thì không phải vườn nào cũng cứu được. Thời gian tới, người dân nên cải tạo lại đất vườn, thay đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. Chúng tôi sẽ quan tâm, định hướng cho người dân những khu vực thuận lợi để chuyển sang trồng cây ăn trái nhằm phá thế độc canh. Mỗi hộ gia đình có thể nghiên cứu trồng xen canh, trồng đa cây trồng kết hợp với chăn nuôi nhằm ổn định cuộc sống.”

Theo đánh giá ban đầu của tỉnh Bình Phước: Nguyên nhân tiêu chết là do niên vụ tiêu năm 2015 – 2016 bị hạn hán nghiêm trọng. Đến niên vụ 2016 – 2017, mưa nhiều kèm theo lốc xoáy liên tục. Một số vườn tiêu bị gãy đổ gây tổn thương bộ rễ cây nên khó phát triển. Mặt khác, độ ẩm đất và không khí tăng cao tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại. Cùng với đó, một số diện tích tiêu trồng trên đất trũng ngập úng khi mưa nhiều.

Hiện huyện Bù Đốp đang yêu cầu các ngành chuyên môn của tỉnh hỗ trợ về giải pháp phát triển cây hồ tiêu. Đơn vị khuyến nông cần sớm hướng dẫn kỹ thuật, cách cải tạo lại đất vườn, thay đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở vùng biên giới Bù Đốp, đồng thời khuyến khích bà con chuyển đổi mô hình cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái cho năng suất cao để phá thế độc canh cây hồ tiêu đang bấp bênh.

16 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Xem trong hình dường như tiêu bị bệnh chủ yếu là vàng lá chết chậm. Đã không chữa được mà còn trồng cây cao su vào nữa thì sai lại càng sai, chỉ có… trời cứu. Hết sức đáng tiếc !

  2. Khi kiểm soát được dịch bệnh thì không vấn đề. Nếu chưa kiểm soát được thì trồng hồ tiêu xen lẫn cây cao su, sầu riêng, muồng đen… cần phải gia tăng các biện pháp phòng bệnh tối đa. Vì các loại cây này có cùng chung đối tượng gây bệnh là nấm phytopththora thủ phạm chính gây ra bệnh chết nhanh chết chậm hồ tiêu và cũng làm xì mủ, chết cành, phá hũy mạch dẫn… Các cây này là nơi để nấm bệnh ẩn nấp, dùng thuốc BVTV tiêu diệt rất khó khăn nên phải hạn chế trồng chung.

  3. @ Hoàng nói đúng. Vậy mà nhà báo lại ghi là
    Chết không rõ nguyên nhân mới hay. Trong khi bệnh chết nhanh chết chậm đã phổ biến nhiều năm nay.

  4. Nhà báo thì làm gì mà rõ nguyên nhân tiêu chết. Họ viết vậy là hoàn toàn chính xác rồi còn gì. Có điều theo kinh nghiệm của tôi thì khi tiêu đã bị nhiễm bệnh và chuyển sang giai đoạn chết thì khó chữa trị, tỷ lệ chữa trị thành công rất thấp, hơn nữa các cây đã bệnh thì dù có khỏe lại năng xuất cũng không cao. Tốt nhất bà con ta nên phòng ngừa định kì, nếu đã bị bệnh thì nhổ bỏ là thượng sách. Chào bà con

  5. Cách làm của @ Nguyễn Thanh Tuấn rất hay. Tuy mới làm tiêu nhưng tôi đã làm theo cách này. Vì khi tiêu nhiễm bệnh cho dù có cứu được nó thì nó cũng không còn tốt như lúc chưa bệnh nữa. Đễ lại chỉ tốn thêm thời gian. Nhổ bỏ trồng cây mới chăm sóc kĩ vào còn nhanh hơn. Mỗi năm tôi đều phun thuốc nấm định kì 2 lần. Đầu và cuối mùa mưa. Chút kinh nghiệm chia sẻ cùng mọi người. Thân

  6. Theo mình, bị bệnh chết nhanh này thì chữa làm gì cho tốn tiền nhổ bỏ trồng cây khác thôi. Càng chữa càng mang nợ, bó tay thôi. Thân chào

    • Nhổ bỏ trồng cây khác cũng được, nhưng mầm bệnh còn trong đất thì bạn xử lý thế nào ?

  7. Bình thường thì chuyên gia tiêu với bác sĩ cây trồng liên tục vào tận vườn để tư vấn bán phân thuốc.
    Giờ tiêu bị bệnh thì chẳng thấy bóng dáng của ai đi ngang qua !

  8. Tôi có một vấn đề mà cứ băn khoăn mãi, mong được cộng đồng trao đổi để được hiểu rõ. Đó là hầu như có khá nhiều (tôi không dám cho là rất nhiều) bà con mình cho rằng tiêu bị bệnh thì không thể chữa được. Nếu có chữa cũng rất tốn kém, nếu cây còn sống thì cũng èo uột năng suất kém. Tốt nhất là nên nhổ bỏ để trồng lại cây con mới.
    Nhưng tại sao Nành Nông Nghiệp vẫn cho bán thuốc BVTV để chữa bệnh, thậm chí còn cho quảng cáo với những lời lẽ rất hoa mỹ như siêu này siêu nọ, diệt tận gốc trốc tận rễ… với hàng ngàn cửa hàng bán khắp mọi làng xã…!
    Tôi thấy có cái gì sai sai mà không biết ở đâu, vì cái gì… Mong được chia sẻ.
    Cám ơn giatieu.com và toàn thể cộng đồng !

  9. Thực ra thì công dụng của thuốc là để trị bệnh tuy nhiên mỗi loại bệnh thì khác nhau mà người dân chúng ta thì không phải bác sĩ, hơn nữa những người bán thuốc cho ta cũng chỉ chẩn đoán bệnh mà đưa thuốc. Bấy nhiêu thôi thì cũng đủ cho thấy một điều là “đau hàm mà cho uống thuốc nhức răng” rồi còn gì.
    Một điều nữa tôi muốn chia sẻ cùng các bác, bệnh dịch trên cây tiêu cũng như dịch trên gia súc gia cầm vậy thôi. Nếu đã có ổ dịch thì tiêu hủy, khử trùng chứ chữa làm sao được nữa. Vài điều chia sẻ cùng các bác và @ Ngoc Nga. Thân chào

    • Không biết nên mình mới hỏi, hóa ra bạn càng không biết hơn mình…
      Có những bệnh dịch, tiêu hũy là sự lựa chọn hợp lý nhất. Vì đơn giản là chưa tìm ra cách diệt dịch, chưa xác định được đối tượng gây bệnh, hoặc có thể vì quá tốn kém. Trong khi bệnh trên cây hồ tiêu đã xác định được do một số loại nấm gây ra và đã có thuốc diệt nấm. Vấn đề đau khổ của bà con nông dân là ngành BVTV đã để cho thuốc kém chất lượng, thuốc nhái, thuốc dỏm tràn lan làm người nông dân không biết sử dụng loại nào, thương hiệu nào mới hiệu quả !

    • @ Nguyễn Thanh Tuấn
      Sao bạn lại đánh đồng chị Bán Thuốc với ông Bác Sĩ. Lỗi ở bạn chứ, chết là phải !

  10. Tiêu bị bệnh chết nhanh có ai dám nói mình chửa được không, tự mình hiểu lấy.
    Nếu chữa được thì mấy tay đó nổ banh xác luôn rồi. Thân chào

  11. Hỏi người dân ở đây có đổ nấm trichoderma phòng bệnh cho hồ tiêu ko ?
    Nhiều người không biết nấm trichoderma là gì, một số người có nghe ngoài tiệm bvtv giới thiệu nhưng ko thấy ai đổ nên cho qua luôn…
    Thế mới biết nông dân ta còn hời hợt, chủ quan quá !

Gửi phản hồi mới

(?)