Bình Phước: Nông dân Bù Đốp “đánh bạc” với giống tiêu lạ

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 10

Bước vào những tháng cao điểm mùa mưa, nông dân trong tỉnh đã và đang tích cực xuống giống các loại cây trồng. Theo báo cáo tình hình thực hiện kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của UBND tỉnh, Bình Phước hiện có 13.880 ha hồ tiêu, tăng 1.759 ha so cùng kỳ.

Việc trồng mới tăng là do những năm gần đây, giá hồ tiêu tăng đáng kể. Và bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhiều nông hộ vẫn trồng tiêu thiếu khoa học từ việc chọn đất, trụ và giống, điển hình là tại huyện Bù Đốp.

Miễn sao có trụ cho dây tiêu leo

Việc nhà nhà trồng tiêu đã dẫn đến tình trạng khó kiếm trụ tiêu. Gỗ không còn nên người dân đã sáng tạo ra nhiều cách độc đáo. Có hộ cắm cây khô xuống làm trụ tạm, đồng thời trồng một cây sống xen kẽ (thường là cây anh đào hoặc cây gòn). Tại ấp 2, xã Thanh Hòa, gia đình bà Nguyễn Hồng Thắm trồng hơn 500 trụ tiêu, thế nhưng tất cả trụ đều không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bà trồng thêm cây anh đào làm trụ sống. Bà Thắm nói: “Biết nọc chết không đảm bảo nhưng tôi trồng tạm để chờ cây anh đào lớn. Thấy người ta làm thì mình cũng làm”. Hộ ông Nguyễn Văn Quang, ngụ cùng ấp có kinh nghiệm trồng tiêu trên 20 năm nhưng do không tìm được cây tốt nên ông trồng trụ kém chất lượng. Để giúp các trụ đứng vững, ông dùng dây kẽm giằng các trụ với nhau. Nọc sống và nọc chết được trồng xen kẽ. Việc trồng nọc chết chỉ là tạm thời, khi trụ hỏng thì thay bằng nọc sống là cây gòn…

Đau xót nhìn giống tiêu Srilanka mới trồng của gia đình đang chết dần

Đau xót nhìn giống tiêu Srilanka mới trồng của gia đình đang chết dần

Giống tiêu lạ “Srilanka”

Hạn hán mùa khô 2016 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn Bù Đốp. Có gia đình toàn bộ vườn tiêu bị chết hoặc tiêu truyền thống thường mắc bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm. Một số hộ cho biết, vừa qua có người ở Công ty Nam Long, TP. Hồ Chí Minh đem giống tiêu Srilanka lên quảng cáo và bán tại địa bàn. Họ cho biết giống tiêu này có khả năng chịu úng, bộ rễ khỏe, kháng được các bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm, năng suất cao. Vì vậy, nhiều hộ có vườn tiêu bị chết đã mua giống tiêu Srilanka về trồng, với mong muốn loại trừ được dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trụ tiêu giống Srilanka chưa kịp bén rễ thì đã chết.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liễu (1971), ngụ ấp 1, xã Thanh Hòa là một trong những hộ đầu tiên trồng thử nghiệm giống tiêu này. Bà Liễu cho biết, tháng 6-2016, Công ty Nam Long tổ chức hội thảo về phân bón sinh học và giới thiệu giống tiêu Srilanka tại nhà văn hóa ấp. Người dân được xem clip quảng cáo về giống tiêu mới này. Bà Liễu đã mua 20 bầu tiêu Srilanka về trồng thử. Tuy nhiên, mới để được 2 ngày đã có 2 cây chết và 5 cây khác bị rụng đọt. Bức xúc vì chưa trồng đã chết, bà Liễu gọi điện thoại đến Công ty Nam Long thì được họ đền bù 4 bầu ươm mới, đồng thời tặng 1 chai thuốc tưới cho tiêu đã trưởng thành. Bà Liễu trao đổi qua điện thoại với nhân viên tên Tùng (người phân phối giống tiêu này tại ấp 1) thì nhân viên này chỉ đảm bảo cây tiêu cho bà Liễu trong vòng 20 ngày.

Bà Nguyễn Thị Dày (1950) cũng gặp trường hợp tương tự. Nghe giới thiệu của một số người quen về giống tiêu Srilanka hiệu quả, bà Dày đã bỏ ra hơn 4 triệu đồng mua giống với giá 100 ngàn đồng/bầu về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, khi xuống giống chưa đầy 3 ngày, cây tiêu có hiện tượng rụng đốt, đến nay đã bị chết 15 bầu ươm.

Đừng để “tiền mất, tật mang”

Hiện trên địa bàn huyện Bù Đốp có khoảng 20 ha trồng giống tiêu Srilanka. Theo người dân nơi đây giống tiêu này cần rất nhiều nước tưới. Mặt khác, bộ rễ của cây dễ bị mối ăn hoặc bị nứt mắt ghép, ra trái răng cưa… Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc,  Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp cho biết: Trong các buổi tập huấn khuyến nông, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt giống tiêu Srilanka vì chưa được thử nghiệm và nghiên cứu rõ.

Mấy năm trước, nông dân huyện Lộc Ninh đã được cảnh báo về giống tiêu Malaysia, rồi bị điêu đứng bởi giống tiêu Amazon, nay nông dân Bù Đốp lại đang “đánh bạc” với giống tiêu Srilanka. Theo Trưởng trạm Khuyến nông Bù Đốp, ở Bình Phước có 2 giống tiêu Vĩnh Linh và Lộc Ninh được trồng từ lâu. Đây là 2 bộ giống tốt nhất hiện nay và năng suất cũng gấp nhiều lần so với bình quân của thế giới. Vì vậy, người dân không nên trồng các giống tiêu chưa được ngành chức năng nghiên cứu và công bố, tránh “tiền mất, tật mang”.

10 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Hơn 10 giờ sáng nay – tôi nhận được 1 cuộc gọi ; nội dung chính nói nhiều về giống tiêu lạ này. Không phải ở Bình Phước – mà ngay chính ở Đak Lak.
    Nội dung giống như bài viết. Kèm theo là chương trình bán giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau này > Chiêu này đã quá rõ ; Tôi chỉ nhắc : “Coi chừng …”

    • Giống chuyện tiếu lâm thời đại qua chú Ba. Thu mua tiêu hay kinh doanh hạt tiêu mà còn phân biệt hạt tiêu trồng là giống gì, Sri hay Indo… thì đúng là bó tay !
      Mà sao họ nói vẫn có người tin họ được nhỉ? hay thật đó !

  2. Mình ở Bù Đốp, khoảng hơn 1 tháng trước trong xóm có người khoe mua được giống tiêu mới, nghe họ nói là năng suất cao, chịu hạn tốt, giá 200k 1 hom, không biết chú ấy mua và trồng chưa mà nghe kể có vẻ hớn hở lắm vì tìm được giống tiêu tốt. Nghe giá đắt gần gấp 10 lần tiêu Vĩnh Linh mà nghe thấy rùng mình.

    • Giống tiêu lạ cũng giống thuốc BVTV, ko đội giá lên thì ko ai mua. Đó là điểm yếu của nông dân vì cứ nghĩ giá cao là hàng “xịn”…

  3. Nếu nông dân cứ lạm dụng phân thuốc hóa học thì k có loại cây nào đủ sức đề kháng sâu bệnh

  4. Trồng vài bụi thấy hợp thì nhân giống, không hợp thì thôi chứ có sao đâu. Srilanka mình làm 2 bầu, Trâu Xanh mình làm 2 bầu, trúng giống không phù hợp thì bỏ, bà con đừng trồng giống lạ số lượng quá lớn là được. Giống thấy đạt phù hợp thổ nhưỡng thì nhân tự nhân ra. Mà bài viết cũng mang tính chất khuyến cáo, chưa hẳn là đã xấu vì mới du nhập, mới trồng và trồng chết là có nhiều nguyên do !

  5. @Thanh Điền nói ngắn nhưng đủ ! Mắc ca – Ai mua ? Tiêu Amazôn xôn xao 1 thời, nay tắt lịm – không hồi âm. Tiêu lạ – có hồi kết giống cái thứ gì ? Quy trình di thực 1 thứ giống ở nước ngoài về – rất nhiêu khê và phức tạp; chưa kể đến việc trồng khảo nghiệm mất rất nhiều năm. Vậy mà – nhiều người vẫn cứ tin ; “Tiên trách kỷ ; hậu trách nhân”. Đừng vì nghe lời nói hay mà phải ngậm bồ hòn.
    Đôi lời chia sẻ cùng các bạn !

  6. Nông dân còn quá nhiều điều chưa biết nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng đến giờ này vẫn còn mù tịt thông tin. Việc các công ty mượn danh nghĩa hội thảo quảng cáo phổ biến và lôi kéo bà con nông dân chuyển hướng sử dụng sản phẩm sinh học để tăng năng suất, giảm chi phí và không độc hại. Song song đó họ bán kèm vài loại phân bón lá theo họ gọi là sinh học với giá cắt cổ. Nông dân có thể không biết nhưng những công ty kiểu này đã làm rầm rộ từ bao nhiêu năm nay mà chẳng một cơ quan chức năng nào xử lý thì cũng thật quá lạ. Họ làm gì trong thời gian qua nhỉ? Rồi việc họ lôi kéo dụ dỗ người dân mua giống tiêu ở trên với giá cắt cổ nhưng chưa biết hiệu quả thế nào nhờ miệng lưỡi được rèn luyện của họ. Cũng không thấy ông nhà nước nào can thiệp. Công ty Nam Long ở trên là một trong số nhiều công ty hoạt động theo kiểu đó, biến tướng, đổi tên, đổi địa điểm, thay nhãn mác sản phẩm nhưng với người có chút kiến thức về lĩnh vực này thì nhìn ra ngay. Vậy mà không ông nhà nước nào biết hay là mấy ổng không đủ trình độ hoặc là quy mô lừa đảo mới chỉ khắp các vùng tiêu vẫn chưa đủ lớn để mấy ổng phải giải quyết nhỉ

    • Tới địa phương tổ chức hội thảo bán đủ thứ sao lại không ai biết !
      Hầu như chỗ nào, cuộc hội thảo nào cũng có mặt ngành khuyến nông, hội nông dân, chính quyền huyện, xã…thống kê, báo cáo thành tích kèm theo phong bao phong bì gọi là hỗ trợ địa phương, bồi dưỡng quan chức… Chuyện này nhan nhãn trên báo đài mà.
      Thậm chí họ còn tổ chức hội thảo rầm rộ từ tỉnh này sang tỉnh khác như ở Đak Lak, Đak Nông, Quảng Ngãi…công khai bán cả nhãn hàng không được bộ Nông Nghiệp cấp phép như EMZ. Nông dân thì luôn nhận được lời khuyên “làm người tiêu dùng thông minh” và tự mình quyết định. Hai bộ Nông nghiệp, Công Thương, quản lý phân thuốc hóa chất thì chồng chéo, lúng túng…
      Quốc Hội mới thay Bộ trưởng rồi nhưng bộ máy, thông tư, nghị định, không đổi thì lợi ích nhóm vẫn còn nên mọi chuyện vũ như cẩn mà thôi !

Gửi phản hồi mới

(?)