Bình Phước: Sản xuất tiêu sạch giúp bảo vệ môi trường

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 1

Với mục đích giúp nông dân tạo ra sản phẩm tiêu sạch, an toàn cho chính mình và bảo vệ môi trường sống, Câu lạc bộ sản xuất tiêu bền vững xã Thanh An, huyện Hớn Quản với sự tham gia của các hộ gia đình có từ 700 nọc tiêu đang cho thu hoạch trở lên được thành lập từ tháng 7/2013.

 

Vườn tiêu ở Bình Phước trồng trên đất dốc

Một vườn tiêu ở Bình Phước trồng trên đất dốc

Ban đầu chỉ được một vài thành viên tham gia vì còn hoài nghi tính khả thi và những lợi ích mang lại cho người trồng tiêu, đến nay qua hơn 2 năm hoạt động Câu lạc bộ này đã thu hút được 31 thành viên tự nguyện viết đơn xin gia nhập.

Gia đình anh Phạm Văn Giàu ngụ tại ấp Địa Hạt, xã Thanh An là một trong những hộ gia đình trên địa bàn xã Thanh An, huyện Hớn Quản tham gia mô hình trồng tiêu sạch. Vườn tiêu của gia đình anh có diện tích hơn 2 ha trồng từ năm 2002 với 2.700 nọc tiêu trong đó có 1.500 nọc là giống tiêu Ấn Độ, còn lại là tiêu Vĩnh Linh, năng suất đạt gần 3 tấn. Nhìn những trụ tiêu vươn cao xanh mướt khoe trái trĩu hạt, anh Giàu cho biết, nhờ chăm sóc đúng quy trình, cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt không bị bệnh chết nhanh chết chậm nên cho năng suất cao lại an toàn cho người sử dụng.

“Từ ngày tham giao vào câu lạc bộ tiêu sạch bền vững tới giờ, tôi được câu lạc bộ hướng dẫn rất tận tình về về cách chăm sóc cây tiêu từ cách bón phân cho tới phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, kết hợp với phương thức chăm sóc vườn tiêu riêng của mình giúp tôi giảm được lượng phân hóa học và giảm được xịt thuốc hóa học nên cũng đỡ gây hại cho người cũng như môi trường”, anh Giàu vui vẻ cho biết.

Theo lời kể của ông Mai Lê Dân ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh An. Năm 1984, ông từ vùng quê nghèo Quảng Xương, Thanh Hóa theo diện di dân kinh tế mới vào Sông Bé lập nghiệp, mưu sinh với đủ nghề. Ban đầu với diện tích đất ít ỏi, gia đình ông chủ yếu canh tác cây điều. Nhận thấy hiệu qủa kinh tế mang lại từ cây trồng này không cao nên năm 2001, ông quyết tâm vay mượn để đầu tư tiền mua thêm đất chuyển đổi sang trồng tiêu. Hiện tại gia đình ông đang sở hữu hơn 1.500 nọc tiêu, với giá cả như hiện nay mỗi năm ông thu được gần 2 tấn, thu nhập mỗi năm trừ chi phí ông còn lãi khoảng hơn 200 triệu đồng. Là thành viên câu lạc bộ tiêu sản xuất tiêu bền vững ông sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, hạn chế sử sụng phân hóa học, chỉ sử dụng thuốc trừ sâu nằm trong danh mục cho phép, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường.

“Tham gia vào mô hình câu lạc bộ tiêu sạch này, chúng tôi cảm thấy yên tâm, bởi vì công ty là bao tiêu cho sản phẩm đồng thời hướng dẫn các cái quy trình chăm sóc cũng như là thuốc bảo vệ thực vật thì có các danh mục công ty đưa về là những loại nào không được sử dụng, cấm sử dụng công ty đã có cái mẫu. Bên cạnh đó, về giá bán, nếu không muốn bán mà đem ký gửi thì sau này bán, nếu không may xuống giá so với lúc đầu thì công ty sẽ hỗ trợ cho giá bán bằng lúc ký gửi nếu lên thì mình được bán lên đó là cái an tâm nhất”, ông Dân cho biết.

Câu lạc bộ phát triển tiêu bền vững nằm trong dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Phát triển Hà Lan, Công ty chế biến gia vị Nedspice Việt Nam liên kết thực hiện. Theo đó công ty chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và các hộ trồng tiêu ký kết hợp đồng đây là dự án mang lại nguồn lợi cho 2 bên. Điểm đặc biệt của dự án là các hộ trồng tiêu có thể ký gửi tiêu cho Nedspice và được ứng 70% tiền theo giá thời điểm ký gửi để chờ giá tốt. Người trồng tiêu có thể chốt giá bán bất cứ lúc nào và sẽ được công ty thanh toán 100% tiền theo giá hiện tại.

Ông Võ Thanh Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất tiêu sạch xã Thanh An, huyện Hớn Quản cho biết: “Sau một thời gian tham gia câu lạc bộ tiêu sạch bền vững, không chỉ tôi mà các hộ nông dân đều thấy được hiệu quả rõ rệt. Không chỉ vì lợi ích kinh tế, người các thành viên tham gia câu lạc bộ cũng đã ý thức được một lợi ích quan trọng khác là bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc cây tiêu như phân bón, thuốc trừ sâu…”

Ông Nguyễn Văn Chơ, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đánh giá cao mô hình câu lạc bộ tiêu sạch trên địa bàn xã Thanh An. Theo ông Chơ, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Với tiềm năng và thế mạnh về đất, khí hậu, kèm với kinh nghiệm canh tác lâu năm của nông dân, trong những năm gần đây cây tiêu đã đem lại giá trị thu nhập cao, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Là loại cây công nghiệp lâu năm đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên việc hình thành và phát triển câu lạc bộ sản xuất tiêu bền vững có ý nghĩa rất quan trọng giúp người nông dân yên tâm hơn trong việc thâm canh cây trồng khó tính này.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
1 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Mình ở Đắk Nông nhờ đọc các sách báo và các tài liệu trên giatieu.com nên cũng làm thử được 300 nọc tiêu. Nay đã ra bói quá đẹp. Tiêu hữu cơ sử dụng cực ít phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nay muốn nhập câu lạc bộ sản xuất tiêu sạch, không biết ở Đắk Nông có câu lạc bộ nào không. SĐT 01682458723. Liên hệ Nam. Rất mong được sự giúp đỡ của các bạn.

Gửi phản hồi mới

(?)