Bộ NN&PTNT chỉ đạo triển khai một số hoạt động sản xuất hồ tiêu theo đề nghị của VPA

, Thị trường hạt tiêu, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 24

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cho một số nông sản Việt Nam về mặt lâu dài, vừa qua tại Hà Nội, Lãnh đạo Bộ và các Vụ, Cục chức năng thuộc bộ đã có buổi làm việc với một số Hiệp hội ngành hàng trong đó có Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA).

Sau khi nghe một số ý kiến kiến nghị của Bà Nguyễn Mai Oanh, P.Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đại diện cho ngành hàng hồ tiêu, Thứ trưởng  Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã có ý kiến kết luận và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện,  nội dung cụ thể như Thông báo Số 3734/TB-BNN-VP, Ngày 5/5/2017 của Văn phòng Bộ NN&PTNT như sau:

1/- Công tác chọn tạo giống hồ tiêu: Giao Vụ KHCN và MT chỉ đạo Viện KHKTNLN Tây Nguyên và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nghiên cứu xác định đặc tính nông sinh học của một số giống Hồ Tiêu đang trồng phổ biến ở một số vùng trồng tiêu trọng điểm, chọn lọc, phục tráng để tạo được bộ giống hồ tiêu sạch bệnh phục vụ sản xuất, báo cáo Bộ trước tháng 7/2017;

2/- Hoàn thiện quy trình canh tác hồ tiêu bền vững: Giao Cục Trồng trọt phối hợp với Cục BVTV, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam từng bước hoàn thiện hơn nữa quy trình canh tác hồ tiêu bền vững, để có sản phẩm hồ tiêu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu  trên cơ sở Quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu đã được ban hành;

3/- Thí điểm quy hoạch, cấp Chứng nhận, Mã số vùng trồng cho một số địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu an toàn: Giao Cục BVTV phối hợp Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và một số đơn vị liên quan triển khai thí điểm việc cấp Mã số vùng trồng cho hồ tiêu phục vụ xuất khẩu, trước mắt chọn một số địa phương có điều kiện đất đai phù hợp và áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
24 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nông dân VN mong muốn bộ NN-PTNT làm những việc thiết thực, cụ thể cho các ngành sản xuất nông lâm thủy sản nhiều hơn nói !

  2. Anh Vịnh.
    Máy này phun khói mù mịt (thuốc trừ sâu rầy được pha trong dung môi ; 2lít dung môi +1/2 lít thuốc BVTV xįt cå 1 ha. Tiêu diệt các loài sâu rầy trong rẫy chuối rất hiệu quå.
    Trong rẫy tiêu chưa biết, bạn nào đã dùng xin cho ý kiển. A Vịnh đăng hình cho các bạn cùng xem.
    Xin cám ơn.

    >> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2017/06/phun-nhiet-1.jpg.jpg
    >> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2017/06/phun-nhiet-2.jpg.jpg

  3. 1. Để người nông dân trồng hơn cả 100 ngàn ha rồi mới bàn đến chuyện chọn giống tiêu gì ?!
    2. Để người nông dân tự mày mò, đưa sản lượng, năng suất tiêu lên hàng đầu thế giới rồi mới nghĩ đến quy trình trồng tiêu ?! Chỗ này không rõ Nhà Khoa học theo Nông dân hay Nông dân học Nhà Khoa học !
    3. Xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới, trở thành cây tỷ đô mới cấp chứng nhận, mã vùng để làm gì. Chẳng nhẽ những vùng trồng tiêu không có chứng nhận, mã vùng, mấy năm nay đem đổ ra biển à !
    Thực sự không hiểu bộ NN, Hiệp hội Hồ tiêu tồn tại để làm gì ! Vì những lẽ trên nên tôi suy ra thôi. Không nói cũng không được, vì còn mắt còn tai, vì xót tiền thuế của dân quá !
    Có gì không phải mong các vị đại xá, do tầm nhìn nông dân suốt ngày ngoài đồng nên rất thiển cận !

  4. Bác Luận nói rất chuẩn. Ai có liên quan thì hay đọc và suy gẫm… Thân làm công bộc của dân chắc mất hết sỉ diện rồi ! Chẳng biết nền nông nghiệp mình còn qua học Lào, Campuchia thứ gì nữa !

  5. Chính phủ có chỉ đạo nhưng các bộ ngành làm theo kế hoạch của mình. Việc gì dễ kiếm tư túi, dễ xà xẻo thì lo làm trước. Lệnh cho cấp dưới nhưng thiếu đôn đốc rà soát việc thực hiện. Hưởng lương của dân mà việc gì cũng “hãy đợi đấy” !

  6. Các ông cứ ngồi phòng lạnh ra lệnh… Nhà tôi trồng tiêu và kinh doanh phân bón bán cả thuốc bảo vệ thực vật… Chưa hề thấy ông nào bên ngành NN xuống hỏi thăm, phổ biến kiến thức để bà con trồng và xịch thuốc thế nào mới gọi là đúng quy trình để có sản phẩm đạt chuẩn đâu !

  7. Xin các chú cho cháu hỏi, ở chỗ cháu thương lái đi mua tiêu không mua tiêu sấy khô mà chỉ mua tiêu phơi tự nhiên. Họ bảo là tiêu sấy khô bị nhiễm chất PaHs rất độc, gây ung thư cho người nên tiêu xuất khẩu đi nước ngoài họ không mua. Chất PaHs là chất gì, sinh ra từ đâu, gây độc như thế nào? Mong các chú giải thích giúp ! Bà con vùng cháu thường sấy tiêu vì vào mùa thu hoạch không phơi kịp. Cháu cám ơn các chú nhiều !

    • Theo mình biết, chưa có bằng chứng nào cho thấy PAHs gây độc cho người mà kèm theo nhiều nguyên nhân khác mới gây hại được… Xin bác Nguyễn Vịnh và cộng đồng phản hồi, mình chỉ biết lõm bõm vậy thôi.

    • Chào cháu @ Liên Lý
      Bà con hiện sấy tiêu theo 2 cách : thủ công và công nghiệp.
      – Thủ công : lò sấy chuồng đốt lửa bên ngoài, thổi vào dưới chuồng để nhiệt bốc qua lưới và đi xuyên qua hạt tiêu làm bay hơi nước theo khói lên cao giúp hạt khô. Cách này thường sấy hạt điều tươi và cà phê tươi còn nguyên quả… mà không nên sấy hạt tiêu vì sẽ ám mùi khói, giảm chất lượng hạt tiêu xuất khẩu.
      – Công nghiệp : máy sấy trống quay có buồng đốt cách ly và ống dẫn khói khói lên cao, mô-tơ sẽ chỉ hút nhiệt dẫn vào trống quay làm nông sản bên trong nóng lên và bốc hơi ẩm. Vấn đề là khi mô-tơ hút nhiệt dẫn vào trống quay có hút theo khói không ? Theo tôi, chi tiết này rất quan trọng, bà con lưu ý khi mua máy sấy công nghiệp.

      Về chất PAHs, bà con tham khảo theo link bạn @ ngọc phan đã dẫn. Tôi xin nói thêm: PAHs tồn tại quanh ta rất nhiều và cũng có nhiều khuyến cáo đề phòng như khói các lò đốt than, khói nhà máy công nghiệp như xi măng, nhiệt điện, khói xăng dầu từ xe cộ, cháy rừng, đốt nương rẫy… Nhưng rất tiếc chưa có bằng chứng khoa học nào để kết tội khói vì khói gây ra bệnh tật cho người, như ung thư chẳng hạn, thường kết hợp với rất nhiều lý do và vô số chất khác nữa. Bản thân khói chỉ có 1 tội duy nhất là gây ngạt, có thể làm chết người chỉ trong vòng vài phút vì thiếu oxy để thở…

      Vì vậy, khói ám trên hạt tiêu có chất PAHs gây hại những gì vẫn chưa rõ ràng. Nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hương vị hạt tiêu xuất khẩu. Có lẽ thương lái, đại lý sợ hạt tiêu bị ám mùi khói sẽ không bán được cho công ty hay nhà xuất khẩu nên dựa vào cớ không rõ ràng này để không mua tất cả tiêu sấy chỉ là sự nhầm lẫn, không phân biệt được. Khuyến cáo nhà nông áp dụng công nghệ sau thu hoạch để hỗ trợ sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản. Nhưng không vì thế mà đánh đồng các công nghệ như nhau. Bà con cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn sản phẩm công nghệ hợp lý để sử dụng. Với hạt tiêu, hương vị là hàng đầu nên không chấp nhận mùi lạ.
      Xin chia sẻ với cộng đồng.
      Thân

  8. Cả nhà cho hỏi, mình có một số tiêu 2 năm tuổi lên gần 3 mét. Không biết sao từ gốc lên khoảng 1mét lá bị vàng. Nhưng phần trên thì vẫn mọc xanh tốt. Mong cả nhà cho ý kiến để xử lý ạ. Cám ơn nhiều.

    • Tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết chậm, cần ngăn chặn ngay đừng để bệnh phát triển mạnh càng thêm tốn kém !

      – Bạn và mọi người cần nêu câu hỏi trên những bài phù hợp với nội dung cần tư vấn.

  9. Nghe bạn @ Dương tôn nói giống nhà mình bị vàng lá chắc vườn bạn đã bị tuyến trùng bạn nên đổ tuyến trùng và thuốc nấm là hết bạn nên làm luôn, chúc bạn có vườn tiểu như ý

    • Nên chia làm 2 đợt để xử lý, nấm bệnh trước tuyến trùng sau.
      Xử lý cùng lúc hiệu quả thấp, dễ làm cây mất sức !
      Làm nông đừng ngại tốn công mới có kết quả cao.
      -Bị tuyến trùng, hoặc độ pH thấp, thường làm vàng đều cả cây !

  10. Bạn @ Hoàng ơi. Theo bạn nói bị tuyến trùng hoặc độ pH thấp cây sẽ bị vàng đều cả cây. Còn của mình chỉ vàng từ gốc lên khoảng 1 mét. Phần còn lại vẫn mọc xanh tốt mà.

    • Chịu khó đọc kỹ hơn nữa các phản hồi trao đổi xoay quanh vấn đề của bạn nhé !

  11. (PAHs) là từ viết tắt tiếng Anh của chữ Polycyclic Aromatic Hydrocarbons dịch ra tiếng Việt mình là hợp chất hydro-các-bon thơm. Nói cho dễ hiểu hơn nữa thì đó là tổng hợp của các hóa chất hữu cơ sinh ra trong quá trình cháy chưa hoàn chỉnh.

    Trong ngành tiêu, hay gặp nhất là chất Anthraquinone, thường phát hiện trong tiêu Brazil do nông dân họ dùng lò sấy để sấy tiêu.

    Anthraquinone được sinh ra từ hai cách sau:

    1. Lò sấy dùng khói đốt lò trực tiếp để sấy sản phẩm. Nếu như quạt hút nhiệt từ lò đốt trực tiếp thổi vào sản phẩm thì những sản phẩm này bị ám khói, và khả năng nhiễm Anthraquinone rất cao. Có một số nông dân đầu tư lò đốt nóng gián tiếp, nghĩa là họ dùng lò đốt nóng hệ thống ống, sau đó thổi gió đi qua hệ thống ống này để lấy khí nóng sấy sản phẩm, khí này nóng nhưng không tiếp xúc trực tiếp với khói, tuy nhiên vẫn phát hiện Anthraquinone trong thành phẩm….vì
    2. Anthraquinone thứ cấp. Bản chất là họ sấy ở nhiệt độ quá cao nhằm tiết kiệm thời gian làm cho chính hạt tiêu bốc cháy và sinh ra chất Anthraquinone từ chính phản ứng cháy của nó.

    Như vậy, nếu dùng lò sấy mà muốn tránh nhiễm Anthraquinone nói riêng hay PAHs nói chung thì cần phải:
    1. Dùng gió nóng gián tiếp (đốt nóng bên ngoài ống cấp nhiệt cho lò sấy) hoặc dùng điện để làm nguồn cấp nhiệt.
    2. Khống chế nhiệt độ sấy tối đa không vượt quá 50 độ C (nếu không thì sẽ sinh ra phản ứng tự bốc cháy phát sinh PAHs tự sinh)

    Cách sấy an toàn nhất vẫn là phơi nắng hoặc dùng hiệu ứng nhà kính.

    • Tóm lai, không nên dùng lò sấy chuồng để sấy hạt tiêu vì đốt trực tiếp. Dùng lò sấy công nghiệp cần chọn lọc kỹ càng, nhất là hệ thống dẫn nhiệt tuyệt đối không đưa khói vào hạt tiêu cần sấy !
      Theo tôi, có thể sấy khô 3/4, phần còn lại phơi nắng trực tiếp hay phơi trong nhà kính..?!

  12. Nhân đây cũng nói thêm, các bạn hàng Brazil đang đấu tranh với EU để đưa Anthraquinone ra khỏi danh mục chất cấm. Lý lẽ của họ là: EU cho phép thịt xông khói (chắc chắn nhiễm Anthraquinone) nhưng lại cấm đối với tiêu là không hợp lý. Không phải là họ không có lý nhưng “chờ được vạ thì má đã sưng” nên bà con mình tự hạn chế là tốt nhất nhé.

    • Xét về lý như anh @ Dan Viet nói. Nhưng thịt xông khói còn được chế biến kỹ trước khi làm thực phẩm trong khi tiêu nghiền hay tiêu hạt chỉ chế biến sơ để giữ hương vị.
      Tuy nhiên, như bác Vịnh nói không có bằng chứng khoa học nào để kết tội khói. Chất Anthraquinone cũng chỉ mới khuyến cáo có khả năng gây ra ung thư mà thôi.
      Khuyến cáo này tương tự như khuyến cáo ăn các món nướng có nguy cơ gây ra ung thư vì khói và thực phẩm bị cháy khét. Nhưng có ai từ bỏ các món nướng đâu !

Gửi phản hồi mới

(?)