Cảm nghĩ của một nông dân @

, Khuyến cáo, 22

Đào rảnh thoát nước chống úng cho vườn tiêu vào mùa mưa

Nhân đọc bài lời chia sẻ, khuyến cáo của một nông dân trồng tiêu trên giatieu.com, bạn tieuphong ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai cũng muốn được nói lên những cảm nghĩ của người nông dân @ với cộng đồng.

Xin chào cộng đồng Giatieu.com!

Gần đây tôi đọc bài viết của nhiều bạn trên diễn đàn giatieu.com viết với những dòng đầy cảm xúc. Các bạn đã mở lòng ra với mọi người với đủ vị ngọt, bùi ,đắng, cay, dù chưa biết mặt nhưng trong lòng cũng thấy cảm mến các bạn rồi.

Anh Phát có chia sẻ với tôi rằng, vườn tiêu của anh chưa bao giờ phải dùng đến thuốc diệt cỏ, thuốc trừ bệnh gốc hóa chất, thậm chí anh còn quay lưng lại với nó nữa kia. Cho nên vườn tiêu có cây nào bị bệnh cảm thấy không trị được là anh hủy chứ không chữa. Vì sao vậy? Sống giữa thời đại với sự bùng nổ của nhiều loại thuốc hóa học mà anh ta tuyên bố như thế thì lạ quá. Điều đó làm kích thích sự tò mò trong tôi.

Vượt qua chặng đường hơn 60km để đến với anh ấy, đang dõi mắt theo dòng xe cộ thì giật mình: “tieuphong đấy ư”. Chút ngỡ ngàng, cứ tưởng anh ta cũng bụi bặm, gai góc như mình, ngược lại anh khá đẹp trai với vóc dáng thư sinh.

Sau tách cafe, lòng háo hức vào thăm vườn tiêu của anh ta. Dạo quanh một vòng tôi mới hiểu vì sao vườn tiêu anh ta ít bị bệnh, thậm chí tiêu đã trên 15 năm tuổi mà chưa thấy bóng dáng con rệp sáp nào cả.

Tôi cũng đã trên 20 năm trồng tiêu, thú thật tôi chưa thấy lá tiêu nào đẹp như lá tiêu vườn anh Phát, các lá to xanh mướt, mỡ màng nhìn thích lắm.

Theo quan sát của tôi, anh ấy biết gìn giữ môi trường hệ sinh thái trong khu vườn của mình, biết nuôi dưỡng bảo vệ các loài thiên địch có ích.

Từ những năm 1760, các nhà khoa học đã nhận thấy vai trò hết sức to lớn của côn trùng thiên địch nên viết rằng: “chúng ta không khi nào có thể phòng chống côn trùng hại thành công, mà lại thiếu sự giúp đỡ của các côn trùng khác”. Khi sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thì cũng lúc đó vô tình chúng ta tiêu diệt, xua đuổi những côn trùng, sinh vật có ích trong vườn của mình như: các loài ong, chuồn chuồn, bọ xít, bọ rùa, ruồi xám, … (đa số côn trùng là những loài có ích) và các loài chim.

Tôi nhớ cách đây 2 năm tôi có đọc tài liệu về các loại thuốc diệt cỏ, có nói loại thuốc do quốc gia nọ sản suất nhưng họ lại cấm sử dụng loại thuốc đó trong đất nước họ. Khi mang qua bán cho nước ta thì nông dân mình cứ phun xịt vô tư. Tôi có anh bạn, mỗi khi phun thuốc cỏ thì tức ngực khó thở. Khi đi khám bệnh, bác sỹ nói ngưng phun thuốc mới khỏi bệnh. Anh ta sợ quá bèn bán vườn về Sài Gòn làm ăn, quả nhiên hết bệnh. Lâu ngày gặp lại, anh ta cười hì hì mà rằng: “còn phun thuốc cỏ chắc giờ này lên mây rồi”.

Tôi nhớ những lần dùng thuốc hóa học đổ gốc tiêu để diệt rệp sáp, ngay sau khi đổ xong, giun đất ngoi lên quằn quại chết liền. Như các bạn biết, lợi ích của giun là làm thông thoáng, tơi xốp đất. Tôi cũng nhớ đọc ở đâu đó, chuyện kể rằng, có thời Trung Quốc tiêu diệt chim sẻ, do nó ăn lúa chưa gặt kịp trên các cánh đồng. Năm sau dân trồng lúa mất mùa thê lương do sâu bọ tàn phá, vì không biết được lợi ích của chim sẻ, món khoái khẩu của chúng là các loài sâu bọ trên ruộng lúa. Thế mới biết được cái lợi về bảo vệ các loài thiên địch, chim chóc to lớn đến vậy.

Xưa kia ta cứ tưởng bọ xít phá hoại mùa màng, nay ta biết được bọ xít thuộc loại côn trùng bắt mồi ăn thịt. Chúng không ăn thực vật, nên đây là ưu thế tuyệt đối khi nuôi để thả ra ruộng làm thiên địch. Xưa kia dân mình hễ thấy vài con rầy là vác bình đi phun khắp vườn gọi là ngừa trước cho chắc ăn. Giờ nghỉ lại thương quá, thương cho cái sự nghèo nàn về kiến thức.

Theo tôi, Ông Trời sinh ra bọ trĩ để làm thức ăn cho bọ xít, nhiều loài rầy để làm thức ăn cho bọ rùa, nhiều loài chim để chúng ca hát và tiêu diệt sâu bọ… Tạo hóa sinh ra loài này để khống chế loài kia, thiên nhiên kỳ bí là vậy, cân bằng sinh thái là vậy. Quy luật muôn đời là thế, có sinh thì có diệt, ví như ta cứ tàn phá núi rừng vô tội vạ, thì thiên tai sẽ đổ sập xuống đầu chúng ta, đó là mưa bão lũ lụt…

Lâu nay chúng ta thường nghe trên các phương tiên thông tin đại chúng nói về ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp, nào là chôn xuống đất, nào là đổ xuống sông… Nhưng ít ai nói đến ô nhiễm môi trường do hóa chất sử dụng trong nông nghiệp. Bao nhiêu năm nay, cứ mỗi năm hàng trăm ngàn tấn hóa chất độc hại phun lên cây tưới xuống đất. Thế thì bao nhiêu phần trăm % lượng hóa chất ấy được phân hủy, bao nhiêu % làm ô nhiễm không khí và bao nhiêu % thẩm thấu xuống mạch nước ngầm? Chưa nói đến dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn tại trong các sản phẩm nông nghiệp nữa chứ. Mới nói đến thôi đã giật mình rồi, bấy lâu nay chúng ta đã tự đầu độc mình mà không biết.

Người ta bây giờ thường hỏi nhau: “sao bây giờ bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường… nhiều đến thế?”.

Đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc về cụm từ bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

Xin chúc sức khỏe đại gia đình giatieu.com.

tieuphong, Trảng Bom – Đồng Nai

Giatieu.com

Báo Giá cà phê qua điện thoại
22 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Xin chân thành cảm ơn bài viết của anh tieuphong! Bài viết hay quá, có dịp em muốn xuống thăm quan vườn tiêu của các anh có được không ạ? Trên em người ta và cả gia đình em rất hay dùng thuốc hóa học để trị bệnh cho tiêu. Em xin chân thành cảm ơn các anh, chúc các anh sức khoẻ!

  2. Đúng vậy. Nền nông nghiệp nước ta quá lạm dụng thuốc hoá học. Chúng ta đang đầu độc chính mình. Ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh chết người là do đâu?
    Nhiều người trồng rau, bữa nay phun thuốc rầy ngày mai đã cắt bán, thậm chí nhà họ không dám ăn cây rau mà họ làm ra nhưng lại đem ra chợ bán. Thử hỏi con người ăn vào sẽ ra sao? Đừng vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm. Rồi chính chúng ta sẽ phải nhận lấy hậu quả.

  3. Ở gần nhà tôi cò 1 vườn tiêu cũng chỉ vì lạm dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học , bây giờ đổ bệnh chết gần hết .

  4. Đúng vậy, thực trạng nông dân mình là thế. Chỉ muốn tăng nhanh năng suất cây trồng… Được các phóng viên nhà báo thổi phồng lên, hư cấu sự việc. Nào là “Mô hình điểm của huyện nhà, nào là điểm trình diễn cho bà con tham quan, học hỏi”… Thế là vài năm sau quay lại chỉ còn một rừng cây với củi…
    Ta là thế “Nông dân tự làm, cán bộ lấy thành tích”. Không người hướng dẫn, không theo quy trình, tự phát, tự học, tự làm… Các ông khuyến nông ngồi không báo cáo: “Sản lượng năm nay cao hơn năm trước, vượt kế hoạch đề ra”… Một tràng pháo tay vang lên… Chúc mừng xã nhà, huyện nhà… 50%, 100%.
    Than ôi! Còn nói đến hữu cơ,chế phẩm sinh học, vi sinh vật có lợi, bảo vệ các loài thiên địch, bảo vệ môi trường, bảo vệ thế hệ mai sau… Thôi để vài ba mươi năm nữa hãy nói.
    Các bạn thông cảm “Trung ngôn nghịch nhỉ”. Thân chào.

  5. Đọc bài này của tieuphong và mấy bài viết khác mới thấy hậu quả của thuốc hóa học, lâu nay chỗ tôi ai ai cũng dùng thuốc diệt cỏ, diệt mầm, lưu dẫn, kiểu này sợ quá…!
    Như nhà tôi, cứ thấy vườn tiêu (chỉ 300 trụ thôi) có cỏ mọc là phun thuốc diệt cỏ, kèm theo diệt mầm, được khoảng 3 tuần là phải phun 1 lần. Giờ mới biết sao vườn tiêu nhà mình luôn vàng khè. Còn những nhà nào trồng màu thì sau khi tỉa xong phun diệt mầm, thấy cỏ mọc thì dùng phễu phun thuốc diệt cỏ qua tưng hàng 1, sau khi thu hoạch xong lại 1 lần diệt cỏ, nếu thấy cỏ dày thì phun lưu dẫn. Ngẫm lại thấy chỗ tôi toàn dùng thuốc hóa học kinh khủng quá, từ nay chắc tôi không xịt thuốc diệt cỏ nữa.

  6. Các anh không nên xịt thuốc diệt cỏ, chịu khó làm cỏ chút xíu. Nếu có thời gian nên xịt chế phẩm sinh học, 1 tháng xịt 1 lần đảm bảo tiêu xanh tốt. Nhà em cũng sài loại này, thấy tiêu đẹp lắm! Chúc các anh sức khỏe!

  7. Thấy mấy bạn viết rất hay, mình ở Tân Phú cũng có vườn tiêu, nhưng năng xuất ko bằng những gì bạn nói. Mình hay theo dõi về vấn đề chăm sóc tiêu, cách phòng bệnh cho tiêu, tiêu nhà mình năm trúng năm thất. Vậy bạn nào có bí quyết chỉ mình tham khảo, mình thấy tiêu nó là vậy đó.

    • Chào bạn!
      Không phải hồ tiêu là năm trúng năm thất đâu bạn. Một phần là do giống cùng chế độ chăm sóc, và giai đoạn phân hóa nhủ hoa nếu để tự nhiên thì sẽ năm trúng năm thất. Nhưng nếu nắm bắt được giai đoạn này thì tiêu sẽ cho năng suất đều, ổn định.
      Trong kỹ thuật trồng hồ tiêu khó nhất không phải là làm sao cho cây tiêu sống ít bệnh tật. Mà là cây tiêu vừa cho năng suất cao vừa ít bệnh tật và bền vững. Trong đó kỹ thuật làm bông là quan trọng nhất. Cây không có bông có trái thì cũng chẳng khác gì cây mọc lang, mọc dại.
      Thân!

  8. Chào các thành viên Giatieu.com!
    Tôi đến từ Kiên Giang, gia đình tôi có 6ha lúa nhưng mỗi vụ cho lợi nhuận thấp quá không đủ sống, tôi có nghe nói trồng tiêu thu lợi nhuận rất cao, nay tôi muốn chuyển đổi sang trồng tiêu. Xin nhờ các anh em cho ý kiến, kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu cho mỗi nọc tiêu là bao nhiêu, nếu được tôi sẽ chuyển ra Đăk Nông trồng tiêu. Xin chân thành cảm ơn!

    • Chào bạn Bùi Hữu Tài,
      Bây giờ bạn bỏ ruộng ra mua đất để trồng tiêu mình nghĩ có quá nhiều rủi ro cho bạn,

    • Gởi bác Tài.
      Kỹ thuật thì thông qua các bài viết, bác có thể đọc tham khảo, vướng chỗ nào anh em đóng góp thêm. Nếu bác quyết thì bác chuyển đổi sao cho phù hợp. Tôi làm hơn chục năm mà nay vẫn cứ mơ mơ màng màng nên khó một lần ai nói rồi lĩnh hội hết được, vì thế, tôi cứ hỏi miết nhiều khi làm anh em bực mình luôn.
      Còn chi phí thì tôi biết (theo giá cả trên tôi).
      -Đất đỏ tùy theo xa gần, tưới điện hay tưới máy nổ, giếng khoan hay hồ, điều kiện đi lại, giao thông…
      dao động trong tầm 200 tr đến 500tr/ha.(Nay nhiều khi phải mua vườn điều, cà phê… phá bỏ trồng tiêu chứ đất trống mà tiện nước nôi thì hơi hiếm, tuy nhiên cũng kiếm được).
      -Trụ : Trụ gòn bằng bắp chân : 80.000đ/trụ. Hoặc trụ bê tông cao 4m : 155.000đ/trụ.
      -Giống : Nếu trồng dây ác : một trụ = 2 dây = 60.000đ ; dây lươn : 10.000đ bầu * 2 bầu trụ = 20.000đ (bác có thể xin dây lươn về tự ươm).
      -Phân, tầm 20.000 đ/trụ bón lót (tính rộng rải)
      -Công đào lỗ, đào hố trồng, xả thành đảo phân … cái này gia đình có thể làm hoặc thuê thì theo giá thị trường nhưng tầm khoảng trên dưới 50.000 đ/trụ.
      Đó là theo thị trường trên tôi, nơi khác thì tôi không biết. Chúc bác có quyết định đúng đắn. Nhờ anh em khắp mọi miền tư vấn thêm cho bác Tài.

  9. Anh Minh Vịnh ơi, đã bao giờ anh bị mất mùa tiêu chưa? Chắc là chưa? Anh có biết khi mất mùa bà con mình buồn khổ đến dường nào. Người nông dân một nắng hai sương để tìm kế sinh nhai nhưng mất mùa thì bao khốn đốn đỏ ập xuống. Nắm chắc được kỹ thuật trồng tiêu, có nhiều bài viết hay .Vậy anh có thể viết một bài về kỹ thuật làm bông giúp ra hoa tập trung để hồ tiêu đạt năng suất cao giúp bà con được không anh? Rất mong sự giúp đỡ của anh.
    Chào anh, chúc anh có nhiều thời gian và sức khỏe để giúp bà con.

    • Chào Bạn!
      Cũng thất bại nhiều lần rồi mỗi năm tự đúc kết kinh nghiệm. Để ý tại sao cây này nhiều trái cây kia ít trái. Vùng đất đó như thế nào. Giống đó ra làm sao. Ngoài ra đọc kỹ tìm hiểu rõ đặc tính ra hoa hay đặc tính thụ phấn của cây tiêu lâu lắm mới rút ra được kinh nghiệm. Chắc bạn mới vào diễn đàn nên ít để ý. Trong bài viết kinh nghiệm bón phân cho cây tiêu có một phần nhỏ kỹ thuật làm bông. Cây hồ tiêu có giai đoạn phân hóa mầm hoa nắm bắt được giai đoạn này thì cây lúc nào cũng cho ra trái. Như năm nay bão số 1 tới sớm bà con không hãm nước được mất mùa là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu biết thì có thể khắc phục được. Và nhu cầu dinh dưỡng của loại cây này yêu cầu phải cân đối. Quá suy hoặc quá sung thì cây cũng không cho trái. Ngoài ra một phần còn do giống đấy. Kỹ thuật trồng hồ tiêu khó nhất là làm bông mà bạn. Tôi sẽ cố gắng làm một bài viết chia sẻ kỹ thuật làm bông cho bà con.
      Thân!

    • Năm nay nghĩ cũng thương bà con. Nhà tôi thì trái trĩu trịt mà qua nhà hàng xóm đi hoài cũng không có trái. Lâu lâu có một cây trái chỉ lèo tèo bằng cây tiêu suy của nhà tôi.
      Thật sự nói tới mà đắng lòng. Nhưng biết làm sao được, không gõ cửa thì cửa sao mở.

    • Em mới tham gia và đang tìm hiểu về cây tiêu. Bác Minh Vịnh ở Cẩm Mỹ có thể cho em số phone em xin diện kiến và thọ giáo bác về kỹ thuật trồng tiêu được không?
      Rất vui khi bác đồng tình. cảm ơn bác !

    • Chào bạn!
      Bạn cứ chia sẻ quan điểm và thắc mắc về cây hồ tiêu trên diễn đàn. Sẽ có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ bạn.
      Thân!

  10. Anh Tài muốn mua rẫy tiêu à? Em cũng đang ở Đăk Nông, đang muốn bán rẫy đây. Nếu anh muốn mua thì liên lạc với em!
    Rẫy em diện tích 5 sào rưỡi (5500 m2), có sổ đỏ, Trồng 1 ngàn mốt trụ tiêu, tiêu đang kinh doanh sản lượng là 3 tấn 3/năm, trung bình 3kg/trụ. Có nhà và máy tưới đầy đủ. Nói chung anh mua về chỉ việc chăm sóc và thu thôi.
    Cảm ơn các anh rất nhiều!

  11. Chào anh Vịnh và tất cả các anh! Năm nay trên em tiêu Vĩnh Linh bị mất mùa, kể cả những nhà thu hoạch sớm cũng vậy. Tiêu Vĩnh Linh nhà em thu hoạch cùng với tiêu Sẻ, ngược lại tiêu Sẻ năm nay trúng mùa luôn. Nhất là mấy bụi tiêu Ấn Độ, nhìn trái trĩu trịt đã mắt luôn, nói chung năm nay chắc sản lượng bằng năm ngoái thôi vì có tiêu Sẻ bù qua cho Vĩnh Linh. Nếu biết được kỹ thuật hãm tiêu của anh Vịnh sớm hơn chút thì chắc sẽ không mất mùa!
    Chúc các anh sức khỏe!

  12. chào anh Vịnh, cảm ơn anh vì những bài viết của anh rất hay. Em học được ở anh rất nhiều kinh nghiệm hay. Chúc anh và gia đình anh sức khỏe. Mong anh có nhiều bài viết ngày càng hay và bổ ích hơn.

  13. Đây là những kiến thức bổ ích và đúng đắn những gì gọi là cân bằng sinh học, hy vọng tất cả chúng ta nên đồng lòng làm theo. có như thế thì môi trường sẽ được cải thiện hơn.

  14. Xin chào toàn thể cộng đồng giatieu.com!
    Cho cháu và gia đình gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến toàn thể cộng đồng vì đã giúp cháu và gia đình rất nhiều khi chia sẻ và giải đáp thắc mắc trong kỹ thuật chăm sóc cây tiêu. Từ những chia sẻ quý báu đấy cháu đã có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm trong chăm sóc tiêu – “chén cơm” chính của gia đình.
    Cách đây 2 năm cháu lập gia đình với sự nông nỗi, ngông cuồng của tuổi trẻ đã lấy hết tiền cưới 2 bên gia đình cho và vay mượn thêm để trồng 500 trụ tiêu. Hậu quả là vì chơi nhiều hơn làm, không chịu học hỏi… nên sau gần 1 năm chỉ còn 50 trụ sống lay lắt và 1 món nợ ngập đầu.
    Nhưng cháu đã tỉnh ngộ nhờ vợ cháu kịp thời “lên chức” cho cháu. Giờ cháu đang từng bước gây dựng lại với lòng quyết tâm và lấy những chia sẻ chân thành về kỹ thuật của cộng đồng làm từ điển tra cứu cho mình !
    Một lần nữa cháu xin mạn phép diễn đàn bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến toàn thể cộng đồng giatieu.com !

Gửi phản hồi mới

(?)