Campuchia: Triển vọng tiêu cực đối với hạt tiêu

, Thị trường hạt tiêu, 15

(05/07 – Giacaphe.vn) Diện tích trồng tiêu phát triển nhanh chóng ở Campuchia cùng lúc với giá cả trên thế giới gia tăng đã dấy lên mối lo ngại sản lượng hạt tiêu tăng mạnh trên khắp Vương quốc có thể khiến thị trường rớt giá vụ mùa tới và thúc đẩy ngành này sụp đổ.

Hean Vanhan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, cho biết việc trồng tiêu với quy mô lớn trong những năm gần đây được khuyến khích nhờ giá cả tăng cao, đã giúp gia tăng sản lượng hạt tiêu của Campuchia.  Ông cho biết tổng sản lượng hạt tiêu đã tăng gấp đôi vào năm ngoái và đã tăng lên gấp 8 lần kể từ năm 2013, đã gây ảnh hưởng lên nguồn cung toàn cầu do sản lượng gia tăng tương tự ở các quốc gia sản xuất hạt tiêu lớn khác.

“Theo số liệu của chúng tôi, sản lượng hạt tiêu đã tăng lên đáng kể, nhưng bây giờ mối quan tâm lớn của nông dân là thị trường đã trì trệ”, ông nói hôm qua.

Số liệu của Bộ cho thấy tổng sản lượng hạt tiêu đã tăng lên 20.054 tấn trong năm nay, so với 11.819 tấn vào năm 2016 và chỉ có  2.498 tấn hồi năm 2013.  Hiện nay đã trồng hơn 5.000 ha tiêu so với chỉ 400 ha vào năm 2013.

Sản lượng tiêu phần lớn ở tỉnh Tbong Khmum với gần 15.000 tấn năm ngoái. Trong khi các tỉnh Ratanakiri và Kratie, mỗi tỉnh đóng góp khoảng 1.200 tấn.

Giá hạt tiêu thế giới đã tăng gấp ba lần trong khoảng năm 2009 – 2015, đã khuyến khích nhiều sự đầu tư mới vào việc canh tác hạt tiêu và nhờ đó diện tích trồng tiêu đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, giá cả đã giảm mạnh do Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới, tiếp tục tăng cường năng lực sản xuất hạt tiêu.

Quốc gia này chiếm khoảng 1/3 sản lượng tiêu toàn cầu, dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng lên hơn 200.000 tấn trong năm nay, từ 175.000 tấn vào năm ngoái.
Ông Vanhan còn cho biết nguồn cung tăng và giá giảm đã đẩy ngành này đến một thời khắc đầy khó khăn.

Giá tiêu đen tại Campuchia, không bao gồm hạt tiêu Kampot, đã giảm khoảng 60% kể từ khi cao điểm vào năm 2014. “Chi phí và thị trường đã trở thành những vấn đề quan trọng đòi hỏi cần cải thiện ngay”, ông nói. “Nếu không, ngành có thể không cứu vãn được.”

Theo ông Vanhan, Chính phủ và các tổ chức liên quan nên nỗ lực phối hợp để bảo vệ và thúc đẩy ngành tiêu của Campuchia trên thị trường quốc tế, do nông dân trong nước chủ yếu dựa vào các nhà môi giới Việt Nam để mua hạt tiêu của mình bán cho khách quốc tế.

Var Rothsan, chuyên gia của Bộ Thương mại, cho biết nguồn cung quá mức đã gây áp lực giảm giá tiêu, trong khi các công ty môi giới mua của nông dân địa phương với giá chỉ 3 USD/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.
Ông nói rằng Bộ đã nhận thức được những thách thức mà nông dân trồng tiêu Campuchia đang đối mặt và đang tìm kiếm các giải pháp.

“Chúng tôi biết vấn đề này và chúng tôi đang cố gắng cung cấp cho nông dân cơ hội tìm kiếm thị trường riêng của họ, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Rothsan còn cho biết thêm Bộ cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu tập thể mới cho hạt tiêu Campuchia nhằm nâng cao sức tiêu thụ hạt tiêu trên các thị trường quốc tế, một động thái giúp nông dân tiếp cận các thị trường này và giảm sự phụ thuộc vào các nhà môi giới Việt Nam.

“Chúng ta cần thời gian để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng thông qua một nhãn hiệu tập thể, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm của hạt tiêu của chúng tôi”, theo ông, việc tung ra nhãn hiệu có thể sẽ mất 2 năm nữa.

Yin Sopha, giám đốc điều hành Hợp tác xã Phát triển Nông nghiệp Memot Dar Pepper, cho hay giá tiêu đen tại địa phương đã giảm xuống còn 3,5 USD/g, thấp hơn mức đỉnh vào năm 2014 là 10,5 USD/ kg. Ông nhấn mạnh, sự suy giảm này đã khiến cho người trồng tiêu lâm vào cảnh nợ nần.

“Giá đã giảm đáng kể trong năm nay và phần lớn nông dân không có khả năng trả lãi cho các khoản vay ngân hàng,” ông nói.

Anh Văn (theo The Phnom Penh Post)

Báo Giá cà phê qua điện thoại
15 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chỗ tôi ở huyện Cẩm Mỹ Đồng Nai, mặc dù giá tiêu xuống thấp và tương lai còn xuống nữa, vậy mà ngày từng ngày tôi vẫn chứng kiến hàng trăm xe tải chở cây gòn đưa lên Tây Nguyên. Không hiểu dân Tây Nguyên họ nghĩ gì, giá tiêu này mà còn mở rộng diện tích, thật khó hiểu quá !

  2. Tình thế hiện nay nên lựa chọn biện pháp xen canh cùng 2-3 loại cây, sẽ an toàn hơn là trồng thuần chỉ cây hồ tiêu hay cây cà phê như phần lớn diện tích ở TN.

  3. Không biết giá tiêu còn xuống nữa không ? Hiện nay giá tiêu thì giảm nhưng giá công làm lại tăng (1 công làm tương đương 3 kg tiêu). Mỗi sào tiêu bình quân 3 tạ như vậy nếu tính trừ chi phí thì người làm tiêu phải âm nợ vậy mà bà con còn lao vào làm gì không hiểu. Có lẽ rồi phải giải cứu như đu đủ hay lợn mà thôi.

  4. Các bạn trồng tiêu mà một sào 3 tạ thì chưa đủ tiền công hái, lổ tới xương. Ở Tây nguyên chi phí cho một tấn tiêu khô công hái mất 15 triệu, chưa kể phân thuốc cho một năm. Phải đưa năng suất lên… Tiêu tôi năm 3 thu một sào 6 tạ, năm nay vào kinh doanh sẽ cao hơn…

    • Chê người ta trồng tiêu năng suất thấp, nhưng khi nói tổng sản lượng gia tăng làm giá giảm thì la oai oái. Anh nào cũng kêu mất mùa thì lấy gì ăn…!
      Vì sao tiêu người ta bán 8.000 USD/tấn, còn tiêu cuả mình chỉ bán 3.500 USD/tấn mà còn khó khăn…?

  5. Chào bạn Ngok. Tiêu giá giảm thì phải tăng sản lượng để bù giá trị chứ bạn.
    Mình chỉ mong bà con được mùa để đỡ vất vả thôi, chứ không có ý chê bai…

  6. Diện tích tiêu đã vượt quy hoạch, giá tiêu đang thấp và ở thế đang xuống dốc. Vậy mà chỗ tôi ngày nào cũng có vài xe ô tô vừa đi vừa rao bán gòn làm trụ tiêu, chiều đến lại tập kết ở ngã 3 đường suốt mấy tháng nay…

  7. Cái gì ế thì người ta cần rao bán, khuyến mãi, giảm giá…. để thúc đẩy bán hàng chứ !
    Gòn vốn được làm trụ ở ĐN và BR-VT là chính chứ Tây nguyên chuộng trụ gỗ hơn. Do trụ gòn bi ế ở thị trường quen thuộc nên người ta mới đem lên Tây nguyên để mở rộng thị trường mới, tăng cơ hội bán hàng mà.

  8. Diện tích tiêu ở Tây Nguyên năm nay vẩn tăng là do, những nông dân đã có dự định trồng nên đã chặt bỏ vườn cà phê sau thu hoạch khi giá tiêu còn cao. Những năm cây tiêu giá cao có thể nói vườn ươm tiêu giống ở thời điểm này hầu như đã bán hết, còn năm nay thì hầu như đang ế hàng.

  9. Giá tiêu liên tục sụt giảm trong thời gian qua là do đâu :
    – Do cung dư thừa : Không đúng. Tổng sản lượng khoảng 500.000 tấn cho hơn 7 tỷ người. Có thể cung – cầu tạm cân đối, nhưng không vì thế mà giá thấp. Tại sao giá không cao hơn, tương ứng với giá trị là thực phẩm gia vị hàng đầu.
    – Do nhà XK bán rẻ : Không đúng. Theo tin thị trường, giá bán xuất khẩu liên tục giảm thấp, giá tuần sau thấp hơn tuần trước gần 10% trong 1 thời gian dài. Nhà XK không làm từ thiện, không bán hộ nông dân… Nên họ phải bán với giá, ít nhất : vốn + chi phí + lợi nhuận tối thiểu. Họ bán rẻ, đơn giản là do mua được rẻ.
    -Do ND bán rẻ : Cũng không đúng. Ai muốn bán rẻ mà không muốn bán giá cao hơn ? Vậy thì vì sao bán khi giá đang rẻ. Do nhu cầu hoàn vốn, tiền lãi vay, chi phí tiêu dùng, đầu tư… vô số khoản có tên và không tên buộc ND phải bán. ND khá giả tích trữ, đầu cơ ngay chính nông sản của mình, chỉ bán ra khi giá vừa ý. Số ND này chắc chắn không nhiều…
    Có gì mâu thuẫn ở đây? Ông chủ tịch VPA luôn cho rằng, chính ND quyết định giá… có thể đúng, vì họ bán nên nhà XK mới có mà mua.
    Nhưng mà : Sáng nay cần một số tiền mặt, tôi chở 1 bao tiêu ra bán cho đại lý quen. “Bác ngồi chơi, cháu chưa mua, chờ công ty phát giá đã…” Úi trời ! Ai quyết định giá đây ?
    Lại có ý kiến, thị trường thuận mua vừa bán. Cty phát giá, nhưng bác không bán thì không thể gọi là “họ mua rẻ”. Rõ rồi ông chủ tịch ạ, do nghèo…! Đúng là lẩn quẩn.
    Ở bên Tây, ND đem hàng gửi kho, ứng tiền… hoặc lấy phiếu gửi thế chấp NH mà vay. Lỡ mai kia giá rớt nữa thì sao ? Chuyện, vậy mới nói ND quyết định mà…
    Đôi dòng lạm bàn. Ngoài trời đang mưa to, chẳng làm gì được !

    • Các nhà nhập khẩu, ai chã muốn trả rẻ để mua được rẻ. Những khi họ cần mua họ phải mua cao. Những khi anh cần bán anh phải bán rẻ… Quy luật thị trường đơn giản là vậy !
      Giá cả thị trường do chính đôi bên thuận mua vừa bán.

  10. Giá cả do thoả thuận, cả người mua lẫn người bán đều chịu áp lực người mua luôn muốn mua rẻ, người bán luôn muốn bán giá cao tuy nhiên, không phải muốn là được.
    Nếu hàng trong kho người mua gần cạn thì bên mua chịu áp lực phải mua để làm đầy kho trở lại
    Nếu bên bán chịu các áp lực trả tiền chi phí cho các khoản vay để đầu tư, chi phí sinh hoạt thì bên bán chịu áp lực bán.
    Nếu áp lực bán lớn hơn áp lực mua, giá giảm.
    Ngược lại, nếu áp lực mua lớn hơn áp lực bán, giá tăng.
    Cuộc đấu tranh đó không bao giờ kết thúc, tuy nhiên thì tại mỗi thời điểm cuối cùng thì điểm mà đôi bên đạt được thoả thuận chính là giá thị trường.
    Thị trường hồ tiêu là thị trường toàn cầu, nếu xem đơn hàng là nước thì nước luôn luôn chảy về chỗ trũng nhất. Bác Nam nói VN chiếm hơn 50% thị phần nên kiểm soát giá thị trường là chưa chuẩn. Nói chuẩn phải là: nước nào bán giá thấp nhất sẽ là nước điều tiết thị trường, giá của nước đó sẽ là chuẩn để do sánh với các nước khác.
    Đa phần thì giá VN thấp nhất nhưng tại thời điểm này, giá Cam, Indo và Brazil đang thấp hơn VN nên họ đang là giá chuẩn của thị trường thế giới chứ không phải ta. Mình nghĩ thì nước khác bán.

  11. Theo tôi giá cả có đắt rẻ hơn thua một tí không quan trọng trong thời gian này. Chúng ta có được khách hàng cộng với nguồn cung lớn nhất thế giới thì làm chủ cuộc chơi thị trường hồ tiêu không có gì là khó cả
    Riêng nông dân chúng ta phải hướng tới hữu cơ sinh học làm ra sản phầm tiêu sạch, để bảo vệ cho sức khỏe người tiêu dùng.

  12. Không chỉ riêng Cam, nhiều nước gia tăng sản lượng là một thực tế. Do giá tiêu mấy năm liên tục đứng ở mức cao đã khuyến khích nông dân nhiều nước mở rộng diện tích trồng mới. Khi nguồn cung đồi dào, các nước nhập khẩu có quyền yêu cầu hàng chất lượng cao, giá rẻ, ATVSTP… là điều đương nhiên.
    Thị trường quốc tế cũng đã xuất hiện hiện tượng tranh bán. Nông dân các nước Brasil, Indo thu tới đâu bán tới đó, không có hiện tượng ôm hàng đợi giá. Chính điều này là tia hy vọng khoảng 2 tháng nữa giá cả sẽ cải thiện hơn khi các nước hết hàng…

  13. Theo mình giá tiêu sẽ còn tiêu cực cho tới cuối tháng 8.
    Khi đó Indo và Brasil không còn hàng vụ mới nữa.

Gửi phản hồi mới

(?)