Cây tỷ đô trước bệnh nan y

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 32

ây tiêu bị bệnh chết nhanh, gốc cây đã bị thối, mặc dù phía trên lá một số vẫn còn xanh

Cây tiêu bị bệnh chết nhanh, gốc cây đã bị thối, mặc dù phía trên lá một số vẫn còn xanh

XK tiêu những tháng đầu năm nay đã vượt 1 tỷ USD. Trước lợi nhuận cây tiêu mang lại, nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại bón phân, phun thuốc vô tội vạ. Việc lạm dụng này đã biến cây tiêu từ chỗ không bệnh trở thành bệnh.

Rùng mình phân, thuốc “đổ” gốc tiêu

Trong đó bệnh chết nhanh, chết chậm sẽ làm cả vườn tiêu tan nát.

Hai năm gần đây, do tiêu được giá nên nhiều hộ nông dân ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ đổ xô trồng tiêu, 1 ha trồng khoảng 1.800-2.000 nọc tiêu, sau 3 năm thu hoạch 2-3 kg tiêu khô/nọc, tức năng suất đạt chừng 4 tấn/ha, với giá bán vào giữa tháng 9/2014 là 200 ngàn đồng/kg, thu nhập thấp nhất là 400 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu cầm chắc 200-300 triệu đồng.

Chính vì lợi nhuận hấp dẫn nên người nông dân không ngại đầu tư phân bón, thuốc BVTV miễn sao cho cây tiêu nhìn xanh tốt, phát triển “rực” là được.

“Hoa mắt” với phân, thuốc

Chúng tôi về xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nơi có một số diện tích tiêu già đang có dấu hiệu bệnh chết nhanh, chết chậm để tìm hiểu.

Ông Cao Văn Hải ở thôn 4, trồng 200 nọc tiêu từ năm 2009 hiện đang ở thời kỳ tựa trái, ngày 16/9 phát hiện có một số nọc tiêu bị vàng lá, ông chạy ra đại lý V, ở thôn 1 “cầu cứu”. Tại đây, đại lý cử nhân viên đến tận vườn kiểm tra, sau đó kết luận dấu hiệu của bệnh chết nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan gây chết cả vườn tiêu.

Lập tức, đại lý kê “toa thuốc” như sau: Agri-fos 400 thể tích 1 lít (170 ngàn/chai) phối hợp Jiamamo 720 WP gói 100 gr hoạt chất Macozeb trị nấm bệnh (giá 40 ngàn/bịch = 100gr), pha nước tưới “đổ” gốc tiêu với liều lượng 5 lít nước + thuốc/gốc.

"Toa thuốc" trị bệnh chết nhanh do đại lý V kê gồm Agri-fos 400 phối hợp Jiamamo với chi phí sử dụng "trọn gói" lên đến 2,6 triệu đồng

“Toa thuốc” trị bệnh chết nhanh do đại lý V kê gồm Agri-fos 400 phối hợp Jiamamo với chi phí sử dụng “trọn gói” lên đến 2,6 triệu đồng

Điều đáng nói là, muốn tiêu hết bệnh, ông Hải phải mua 4 chai Agrifos và 16 bịch thuốc Jiamamo, và “đổ” đến 2 lần, tức chi phí trọn gói lên hơn 2,6 triệu đồng.

“Chung quanh có một số vườn tiêu bị bệnh vàng lá, sau đó chết rụi cả vườn, tui lo lắm. Ra đại lý họ chỉ sao làm vậy, tốn kém bao nhiêu cũng chịu. Từ đầu mùa mưa đến nay, tui “tưới” 4 lần rồi, lần này là thứ 5″ – ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, vào tháng 7 vừa rồi, vườn tiêu của ông cũng có dấu hiệu vàng lá, được đại lý V chẩn đoán do “tuyến trùng”, sau đó kê toa gồm Chitosan Super (360 ngàn đồng/lít) kết hợp với Iprocyman 72 WP gói 450 gr (140 ngàn đồng/gói) với số tiền mua thuốc khá lớn.

Chưa hết, khi “bệnh tiêu” ổn định, đại lý tiếp tục kê đơn với một loại phân bón lá có tên Protifert LMW 480 ml giá 160 ngàn/chai nhằm “kích thích ra rễ”.

Tuy nhiên khi tìm hiểu, chúng tôi bất ngờ được biết Chitosan Super của Cty CP Jia Non Biotech VN (KCN Đức Hòa, Long An) mặc dù đích thị “phân bón chuyên dụng” nhưng trên bao bì lại ghi: “Trị bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng gây hại”; còn sản phẩm Protifert của Cty CP Tân Hiệp Thành (860/68 XVNT, F25, Q Bình Thạnh, TP.HCM), dù SX gia công trong nước nhưng trên bao bì cũng nổ: “Sản xuất tại Ý, made in Italia” (nguyên văn).

Chúng tôi tiếp tục đến vườn tiêu của bà Trần Thị Tỉnh trồng 600 nọc từ năm 2010 ở thôn 1 nằm gần bên vườn cao su của Nông trường 3, Cty Cao su Phú Riềng đang có phân nửa diện tích bị vàng lá, một số rễ cây nhổ lên đã thối, nhiều dây tiêu héo úa vàng bắt đầu chết khô. Theo người làm công của bà Tỉnh, mặc dù bà này đã bỏ ra gần 20 triệu đồng tiền thuốc nhưng tiêu vẫn chết dần do bệnh chết nhanh lây lan.

“Vì tiêu được giá nên bà con nông dân có tâm lý rất sợ bệnh chết nhanh, chết chậm, chỉ cần cây có dấu hiệu vàng lá, rụng lá là bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm đại lý hỏi mua thuốc đặc trị. Các đại lý không chỉ bán thuốc mà kiêm luôn nhiệm vụ “bác sĩ cây trồng”.

Do lợi nhuận nên không ít đại lý vẽ vời, tiêu không bệnh cũng “ra toa” trị bệnh, thay vì sử dụng 1 loại thì bán tới 2, 3 loại “kết hợp”, trong đó vừa thuốc vừa phân bón lá không biết đâu mà lần. Lạm dụng vào thuốc, phân bón lá nên nhiều vườn tiêu có thể từ chỗ không bệnh mà chuyển sang bị bệnh” – ông Trần Văn Quý, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình bức xúc nói.

“Đồng Nai hiện có khoảng 400 ha tiêu bị bệnh trong tổng số hơn 9.000 ha. Năm nay diện tích tiêu bị bệnh có xu hướng tăng hơn năm ngoái. Trong đó, bệnh chết nhanh sau 2 tuần chết nọc do nấm tấn công bộ rễ, làm héo nhanh toàn bộ cây tiêu; còn chết chậm do nhiều loại nấm tấn công, cây có biểu hiện vàng lá, sinh trưởng kém, nó không chết ngay nhưng làm năng suất giảm” (ông Nguyễn Công Tú, Phó Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai).

Lạm dụng càng thêm bệnh

Theo tìm hiểu, không chỉ thuốc BVTV mà người trồng tiêu ở đây còn lạm dụng phân bón lá và cả phân vô cơ, trong đó xuất hiện trên thị trường một số loại phân bón dạng sinh học, chế phẩm vi sinh nhưng lại được các Cty ghi quảng cáo trên bao bì là “phòng trừ, ngừa, chống được các nấm gây hại trên tiêu” như phân hữu cơ sinh học Wokozim hạt bón vào gốc (kích thích và dinh dưỡng sinh học), Agri-Fosfo 400, Viphos-K 450, Agri-Fose 400, Nagri-Fos 440…

Điều đó khiến nhiều nông dân ngộ nhận phân bón giống như thuốc BVTV, dẫn đến phòng trị không hiệu quả, đến khi quá nặng khiến vườn tiêu bị bệnh chết nhanh hàng loạt.

Tại xã Lộc Hiệp, nơi đang có 515 ha tiêu, theo ông Lê Văn Hiệp, chủ tịch HND, hai năm qua, người dân xóa bỏ dần diện tích cà phê, điều, cao su kém năng suất để phát triển cây tiêu. Tuy nhiên, do hầu hết trồng tự phát, thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên bệnh vàng lá, chết nhanh ở cây tiêu đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Hơn thế nữa, một số nhà vườn chỉ biết làm sao cho tiêu xanh, tốt để nhanh thu hoạch, vì vậy họ tập trung bón phân NPK liều cao, thiếu cân đối dẫn đến thừa đạm (N) làm cây yếu, dễ nhiễm bệnh.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Xiểng ở thôn 3, đang trồng 1,5 ha cao su được 2 năm tuổi, đầu năm 2014 ông phá để trồng 1.700 nọc tiêu. Tháng 8 vừa qua, tiêu chết gần 60% vì bệnh chết nhanh.

Ông Xiểng than thở: “Một dây tiêu giống Vĩnh Linh mua 30 ngàn, mất 1.000 dây vị chi 30 triệu tiền giống, chưa kể tiền phân tro, thuốc BVTV bỏ ra bón, đổ gốc cũng lên tới vài chục triệu đồng, nhưng dây tiêu vẫn héo vàng rồi chết”.

Mặc dù ông Xiểng đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa, hỏi thăm nhiều cách chữa bệnh cho tiêu nhưng kết quả vẫn số không.

Ông Lê Thúc Long (Trưởng phòng BVTV, Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước) cho biết, đến cuối năm 2013, diện tích cây tiêu là 10,5 ngàn ha (tính tròn), năm 2014 “nhảy” lên trên 11,6 ngàn ha, tức trồng mới đạt trên 1.000 ha.

Theo đó, tiêu nhiễm bệnh chết nhanh cũng tăng 1,1% và bệnh chết chậm tăng 6,1% so cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu là huyện Bình Long với trên 800 ha; thứ hai là Bù Gia Mập 90 ha. Nguyên nhân chính do phần lớn trồng tiêu tự phát, không theo quy hoạch, trồng trên vùng đất bị ngập úng dẫn đến bệnh tấn công và gây hại.

Đặc biệt, trong mùa mưa, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm bệnh gây hại, đặc biệt là nấm Phytopthora và Fusarium gây bệnh chết nhanh và chết chậm.

“Thời gian qua, cùng với việc mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh tăng năng suất, diện tích tiêu nhiễm sâu bệnh ngày càng tăng, do đó số lượng thuốc BVTV, phân bón lá có xu hướng tăng lên. Trong đó, người dân sử dụng thuốc để phòng trừ bệnh chết nhanh và chết chậm chưa hợp lý” – ông Long nhận định.

“Tiêu vàng lá do nhiều nguyên nhân, trong đó hai nguyên nhân phổ biến là độ pH đất thấp ngăn cản tiêu hấp thụ trung vi lượng, và nguyên nhân khác là do tuyến trùng cắn phá rễ làm cây không hút được dinh dưỡng.
Hai trường hợp này cần phải đo và điều chỉnh độ pH đất về mức 5,5-6,5 và dùng các loại thuốc đặc trị tuyến trùng cho tiêu. Vì vậy, không hẳn cứ thấy cây tiêu vàng lá là qui kết ngay dấu hiệu của bệnh chết nhanh, chết chậm để sau đó nghe lời đại lý mua thuốc, phân bón đổ gốc tùy tiện.
Trong đó, “đổ” nhiều thuốc trong đất tuy diệt được nấm bệnh nhưng cả những loại nấm đối kháng có lợi cho cây tiêu cũng chết theo”. (TS Đinh Thanh Sang, Trưởng phòng NCKH&HT Quốc tế, Trường Trung cấp Nông lâm Bình Dương).

Theo Đỗ Quyên (Báo NNVN)

32 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Thời gian gần đây, đọc báo thấy gọi cây mắc ca là cây “tỷ đô”, giờ bài báo này cũng gọi cây hồ tiêu là cây “tỷ đô”. Tôi nghe trong cách gọi này hàm ý như có cái gì đó “ghen ăn tức ở” với nông dân mình hay sao hả quý vị viết báo? Hay không lẽ mình nghèo từ đến mức phải gọi như vậy?

    • Tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung bác Vịnh đã nêu trên. Xin nói thêm:
      -“thay vì sử dụng 1 loại thì bán tới 2, 3 loại “kết hợp”, trong đó vừa thuốc vừa phân bón lá không biết đâu mà lần”.
      Không biết nhà báo căn cứ vào đâu để viết ý này? Nếu người thân của nhà báo đi khám bệnh thì BS cho toa gồm mấy loại? có thuốc bệnh lẫn thuốc bổ không hay chỉ cần 1?
      Muốn trưởng thành trong nghề phải cần có tâm với cộng đồng hơn nữa nhà báo ạ !…

  2. Tôi mới đọc tiêu đề cứ tưởng cây Mắc ca bị bệnh gì nghiêm trọng. Vào đọc nội dung thì đã hiểu.

  3. Khi ông Lê Thúc Long ở Chi cục BVTV Bình Phước phát biểu: “người dân sử dụng thuốc để phòng trừ bệnh chết nhanh và chết chậm chưa hợp lý”. Nếu Đỗ Quyên là nhà báo của nông dân thì ắt sẽ hỏi giúp: vậy bà con dùng thuốc nào mới hợp lý? Nhưng nhà báo đã không hỏi, vì mục đích viết bài này nằm ở chỗ khác.
    Đề nghị với giatieu.com cần cân nhắc khi đăng lại những bài báo không ích gì cho bà con trồng tiêu, và cây hồ tiêu VN. Xin có đôi lời.

  4. Báo Nông nghiệp Việt Nam mà không giúp đỡ cho bà con nông dân trước vấn nạn tiêu bệnh chết, lại đi lo chuyện cạnh tranh của thị trường nghĩa là sao đây?

    • Báo thời buổi kinh tế thị trường mà bác. Bác trông đợi làm chi cho mất công !

  5. Nhà báo cầm đèn chạy trước ô tô.
    Thực ra ở thời điểm này, theo thống kê thì chưa tới, nhưng theo dự đoán sẽ là như vậy (tin này mới phát trên VTV1): nông dân, ngư dân, diêm dân v.v… cây con gì, làm gì cũng có rủi ro rất lớn. Rủi ro từ chủ quan cho tới khách quan… Cũng phải bám nghề, bám biển, bám đất, bám cây, bám vật nuôi… để mưu sinh. Biết rủi ro vẫn phải làm đó là cái nghề và nghiệp cho dù đi biển gặp rủi ro ở trên biển, làm ruộng, làm rẫy có rủi ro ở ruộng rẫy, các loại vật nuôi có rủi ro của các loại vật nuôi…
    Đừng vội quy kết chụp mũ cho người nông dân, quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thì phải quản lý tại gốc, định hướng thì cũng phải vì lợi ích của người lao động. Nhà báo viết bài này chắc có trái tim nhân tạo, còn cái đầu thực sự lạnh. Nếu là chỉ vì đưa tin thì vài dòng ngắn gọn thôi. Nhưng dù sao cũng cảm ơn nhà báo đã liếc mắt ngó qua khá chi tiết.

    • Anh Ba nói hay đấy ” Liếc mắt, ngó qua khá chi tiết”

  6. Cháu chào các anh các chú. Cháu ở Xuân Thọ – Xuân Lộc – Đồng Nai
    Cháu không thích báo chí lắm, chỉ quý trọng kinh nghiệm và thực tại những gì đang diễn ra tại vườn tiêu mà thôi.

    Vườn tiêu của cháu mới trồng hồi tháng 5 vừa rồi, hiện tại có vài bụi bị sùng trắng cắn phá làm chết vài dây tiêu, cháu muốn diệt chúng bằng biện pháp sinh học, nhưng không muốn dùng vi nấm (ba màu, …), cháu sợ vô tình gây hại cho thiên địch.

    Trong thời gian này cháu nên dùng phương pháp (sinh học) nào là tốt nhất, mong các anh và các chú chỉ giúp cho. Vườn cháu chưa sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào, từ khi trồng tới giờ, chỉ bón và phun phân nước cộng Trichoderma, vườn cháu dạng đất cát pha thịt.

    Cháu tìm hiểu trên mạng, thấy có nói: trong quá trình ăn rễ cây, sùng bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh trắng sữa và chết. Bản thân cũng vài lần tình cờ thấy sùng chết trong quá trình làm vườn nhưng không biết có phải do vi khuẩn hay không. Tiện đây cháu mạo muội nêu lên mong được chỉ dẫn từ các anh các chú.

    • Chào diễn đàn! Cháu thấy bây giờ là thời điểm cho thị trường quảng cáo thuốc, phân bón trên tiêu lên ngôi. Các công ty, cửa hàng thay phiên nhau tổ chức hội thảo, quảng cáo phân bón và thuốc, hầu hết chạy theo lợi nhuận, không chú ý đến duy trì sức sống bền vững cho cây tiêu lâu dài, đến khi tiêu của người dân chết thì đổ tại bệnh này bệnh kia, người dân phải chịu hết. Vì vây người nông dân từ chỗ bao nhiêu năm chịu khổ rồi lại tiếp tục chịu cực. Do đó các công ty, cửa hàng, các nhân viên kỹ thuật phải có tâm, kiến thức. Bản thân mình đi mua thuốc trị bệnh cho tiêu, mô tả triệu chứng vàng lá là cửa hàng phán ngay là tiêu bị bệnh vàng lá do nấm liền đưa ra cho mình một loạt thuốc trị bệnh nấm. Rồi đến khi thu được hạt tiêu bán cho thương lái, xuất khẩu ra nước ngoài kiểm tra dư lượng bảo vệ thực vật lại quá cao, không xuất khẩu được. lại khổ nông dân. Mọi thứ người nông dân lại phải chịu. Tiền lời từ kinh doanh thuốc BVTV cửa hàng thuốc được hưởng, tiền lời từ bán tiêu thương lái được hưởng. Tiêu chết, tiền nợ ngân hàng, bị ép giá, hàng không bán được, giá thấp … Theo cách thức dùng thuốc mà không hỏi đến tiểu sử của vườn cây, yếu tố đất đai, kỹ thuật canh tác nên trị bệnh chưa hẳn đã hiệu quả.
      Ông bà ta có câu : “Trồng trầu thì phải khơi mương, làm trai hai vợ phải thương cho đồng”, nếu trồng tiêu mà không thiết kế hệ thống thoát nước, trồng trên đất không thoát nước, thì trồng tiêu thì trước sau cũng thất bại. Tiếp đến là khâu chọn giống, Bón phân cân đối, hợp lý… Cây trồng cũng như con người, ăn nhiều quá cũng dễ bị bội thực, ngâm mình lâu trong nước thì cũng bị cảm lạnh, dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến kháng thuốc, dùng nhiều thuốc bổ nhiều, không đúng cách dẫn đến phản tác dụng của thuốc… Giờ nhiều người nông dân cũng không biết làm như thế nào, ui? thì cứ trồng đại, làm đại, tiêu sống năm nào thì hay năm đó, trời thương thì được hưởng… Rồi lại tiếp tục trong vòng luẩn quẩn chịu khổ, rồi lại chịu cực!

  7. Chào cộng đồng giatieu.com. Ở chổ tôi (Cư Mgar, Dak Lak) chưa bao giờ có 1 cuộc hội thảo hay có buổi tập huấn cho nông dân để người nông dân biết mà làm. Tôi được con cho cái máy tính, mày mò sao lại gặp được trang mạng này. Mừng quá, nằm đọc hết 1 ngày. Cám ơn anh Nguyễn Vịnh và các anh chị em trên cộng đồng. Từ nay tôi sẽ áp dụng kinh nghiệm của các bác để có vườn tiêu được lâu dài hơn. (tôi trồng 500 trụ, thu bói được 1 tấn rồi, may chưa chết cây nào)

  8. “Chưa bao giờ có 1 cuộc hội thảo hay có buổi tập huấn cho nông dân để người nông dân biết mà làm”. May cho anh chứ những bàn tay lông lá đó mà thọc vào thì chắc anh mất ăn mất ngủ và tiêu cũng mất tiêu…

  9. Bạn @Viết Quang
    – Còn nơi chúng tôi H.Trảng Bom, Đồng Nai, phải nói là: Hàng năm có rất nhiều cuộc hội thảo trong phòng, hội thảo đầu bờ, các lớp IPM học cả trên tháng trởi, cũng như có các công ty có uy tín hướng dẫn cách dùng thuốc BVTV (thuốc của cty)… Ngay mới ngày 26-9 vừa qua tỉnh tổ chức tọa đàm về sản xuất và canh tác hồ tiêu bền vững theo hướng hữu cơ sinh học. Tỉnh mời GS Nguyễn Thơ -TS Nguyễn tăng Tôn hướng dẫn. Tôi may mắn là 1 trong 2 người được dự (1 huyện 2 người). Còn tại huyện, P. Khuyến nông – P. BVTV vẫn sát cánh với nông dân và giúp ích rất nhiều và rất nhiệt tình, khi có yêu cầu, các phòng này giúp ngay.
    Vậy nơi các bạn ở tỉnh nào? huyện nào? Hay tỉnh đó KHÔNG CÓ Sở NN&PTNT – không có Chi cục BVTV? Và nếu có thì họ làm gì cho dân? Để trong canh tác tiêu, dân vẫn còn – mùa nắng: làm bồn – mùa mưa: lấp lại ! Và dân vẫn làm giầu cho các đại lý phân thuốc “giả”.
    Với bài này, hy vong được những ông “đày tớ” của nhân dân của các bạn đọc được – Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
    Lập Cây Gáo

    • Bác Lập ơi cháu mới trồng được 800 cây tiêu , vậy sẵn lúc này cháu gắng hệ thống tưới tự động có được không bác, xin bác cho cháu lời khuyên

  10. Chào diễn đàn, chào bác Lập. Bởi vì nhiều người chưa có hệ thống tưới tự động nên việc mùa nắng làm bồn mùa mưa lấp bồn là điều cần phải làm, cháu cũng đang phải làm như vậy nhưng cháu thấy làm như vậy mất thời gian quá… Mong bác và mọi người chỉ giúp cháu cùng những ngươi hiên đang làm nt hướng canh tác mới có hiệu quả hơn, đỡ tốn thời gian và công sức hơn. Rất mong được sự giúp đỡ từ bác và mọi người…

  11. @Le Vinh – “làm bồn – lấp bồn là điều cần phải làm”. Bạn làm làm chi vậy ? Chính bạn nói mất thời gian, đúng, nhưng bạn không cảm thấy sẽ mất cả vườn tiêu : gốc tiêu đâu cần phải tưới nổi nước như một bạn mới đưa lên, để có một câu hỏi “…để tỉa lúa”. Mùa mưa, đủ độ ẩm, đủ phân bón … bộ rể phát triển mạnh. Rồi qua mùa nắng, bạn làm bồn, cuốc hết các rễ tiêu non (rễ hút dinh dưỡng) và bạn mở cửa mời nấm, mời tuyến trùng thoải mái đi vào. Rồi tới mùa mưa, bạn lại kéo đất lấp đầy bồn, thế là bạn lại mời nấm và tuyến trùng vào nhiều hơn, và khi các vi sinh vật có ích bị chết cả do dùng thuốc và phân hóa học, cây trở nên yếu không còn sức đề kháng, rồi kết quả là tiêu tan !
    Tại sao không làm bồn thì không tưới được? Trước khi có hệ thống tưới tiết kiệm, tôi vẫn kéo ống đi tưới, có sao đâu, có thiếu nước đâu?
    Muốn vườn tiêu bền vững chỉ có một cách duy nhất là canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Còn cứ dùng cách thuốc hóa học, lạm dụng phân hóa học vô tội vạ thì…

    • Rất cám ơn chú Lập vì những chia sẻ quý báu. Chúc chú và gđ sức khoẻ…

  12. Bạn @Trung Dương. Thời điểm nào cũng có thể làm, nhưng khi đào chôn ống, có thể cuốc trúng các rễ mọc ngang, khi tôi làm, thì luôn có một bình xịt thuốc gốc đồng, mỗi khoảng dài 10, 15m xịt ngừa các rãnh đặt ống, nếu trúng đứt rễ, xịt kỹ hơn.

  13. Chào chú Vịnh và cộng đồng tiêu, cháu mới bắt đầu làm tiêu, cháu nghe những người gần chổ cháu người thì nói nên cắt gốc tiêu khoảng 30cm cho thoáng đở bệnh, người thì nói không nên cứ để vậy nuôi trichoderma, giờ cháu phân vân quá.
    Còn vấn đề nữa là ,cách đây 2 tháng vườn nhà cháu (ba cháu trồng đi sống lại cả 4,5 năm nay nên giờ tiêu nhỏ có, lớn có) bắt đầu xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm khoảng hơn 20 gốc (vườn nhà được 800), cháu có xịt mexyl 72wp 2 lần cách nhau 10 ngày thấy cũng đỡ, tiếp 10 ngày sau cháu phun phân bón lá đồng tiền vàng của công ty vidan+trichoderma.
    Tiêu nhà cháu từ trước tới giờ bố cháu toàn bón phân hoá học, hiện tại cháu đang khuyên ba cháu làm theo hướng sinh học nhưng ba cháu không chịu, cháu sẽ khuyên từ từ, khi nào có kết quả cháu sẽ báo tin mừng, chúc chú và gia đình tiêu nhiều sức khoẻ, thân

  14. Cháu hãy tìm phương pháp hợp lý để chăm sóc, còn dùng thuốc hóa học ất sẽ ra sao khi mà các vi sinh vật hữu ích,… giúp cây sống khỏe, tăng sức đề kháng ,… Hãy tìm đọc những tài liệu về cây tiêu – về trồng cây theo hương sinh học bền vững, để ba cháu đọc.
    Cần cắt cao để đất không văng dính vào lá có thể đem theo nấm và tuyến trùng, còn để vậy nuôi tricho – thì với cách xịt như vậy thì làm gì còn tricho đâu mà nuôi.

  15. Chào các bác, các anh trên diễn đàn giatieu.com!
    Các vấn đề nông dân cần quan tâm trong canh tác tiêu hiện nay:

    1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu không theo một kiến thức hệ thống nào, 100 người trồng tiêu thì có 100 kiểu trồng khác nhau (kiến thức lại bị hỗn loạn bởi các hội thảo của các công ty phân thuốc tràn lan). Vì vậy khuyên bà con nông dân trước khi trồng tiêu và đang trồng tiêu nên tìm hiểu nhung tài liệu về tiêu chính thống, hỏi các chuyên gia giỏi về hồ tiêu, và học hỏi kinh nghiệm những nông dân trồng tiêu giỏi trên diễn đàn giatieu.com…

    2. Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu: Bà con hầu như nghe bệnh này là rất sợ, bởi vì hầu hết bà con để cho cây tiêu khi nào có biểu hiện bệnh mới đi mua thuốc về trị mà không bao giờ chuẩn bị phòng bệnh trước. Bà con cần phải hiểu bản chất của con nấm này nó tồn tại 2 dạng: dạng nấm và dạng bào tử. Thuốc hóa học chỉ diệt được 50% (sợi nấm); còn dạng bào tử (đem qua sa mạc Sahara với điều kiện khắc nghiệt như vậy mà 30 năm sau mới chết) – còn lại 50%.

  16. Mấy con nấm này sống dai thiệt, điều kiện thích hợp là nó sinh sôi nảy nở giống tricho. Mấy con nấm này mắt thường không thấy được, nên có nhiều người cũng chủ quan, hoặc phòng không tới nơi tới chốn

  17. Dạ cháu cảm ơn bác Lập.
    Xin cho cháu hỏi bác và anh chị giatieu.com, em vừa trồng tiêu lươn được 1/2m rồi, nhưng cũng khoản 100 cây chết. Vậy có nên trồng tiếp không các bác vì em nghe mọi người nói là để mùa sau trồng.
    Xin diễn đàn cho em ý kiến.

  18. Chào bác Hoàng Văn Lập, chào diễn đàn.
    Tôi ở Đak Lak là người đã nhiều năm canh tác hồ tiêu theo hướng bền vững tuy không được hoàn hảo như bác song kết quả cũng rất tốt. Nhưng có điều là năng suất kém hơn một số hộ đi theo hướng nhiều phân vô cơ và các loại thuốc hóa học. Vẫn biết với họ thì rủi ro nhiều hơn và phải chấp nhận.
    Bác là người nhiều kinh nghiệm trong canh tác xin cho tôi và mọi người hiểu thêm một số vấn đề về bón phân vô cơ cho tiêu. Vẫn biết bác chủ yếu là dùng phân hữu cơ và sinh học xong việc bổ xung phân vô cơ thì bác tiến hành như thế nào qua từng thời kỳ để giúp tiêu đảm bảo sinh trưởng và năng suất không bị giảm sút nhiều.
    Đôi điều mộc mạc muốn tham khảo ý kiến bác giúp tôi thêm kinh nghiệm sản xuất tăng thu nhập kinh tế.
    Xin cảm ơn chia sẻ của bác

  19. Chào chú Vịnh cùng bà con trên diễn đàn, vườn tiêu của cháu vừa rồi có chết hết 20 trụ, cách chết cây đang tươi tốt xanh nhưng thấy lá buồn buồn rồi 1 đến 2 ngày héo từ trên ngọn xuống trong vòng từ 3 đến 5 ngày là tới gốc. Cháu có ra đại lý hỏi thì họ cho kỹ sư vào xem vườn, sau khi xem vườn xong thì họ nói không phải bệnh chết nhanh mà là bệnh thối cổ rể.
    Họ giải thích bệnh chết nhanh là do nấm phytoptora, còn bệnh thối cổ rể là do nấm fusarium và 1 loại nấm khác mà cháu quên tên mất nó làm cho phần cổ rể lúc nào cũng ướt rồi hoại tử làm cho cây tiêu chết.
    Họ bảo cháu đào cái dây tiêu mới chết lên và thấy dây tiêu nó chỉ bị thối rửa từ mặt đất xuống khoảng 30cm, còn phần ở dưới sâu hơn thì thấy nó vẫn còn cứng. Họ bảo bị bệnh chết nhanh thì toàn bộ phần dây tiêu mình đôn hoặc rể dưới mặt đất nó sẽ thối hoàn toàn. Lần đầu tiên cháu nghe về vấn đề này nên không biết có đúng như vậy không nên cháu lên diễn đàn mong chú cùng bà con trên diễn đàn giúp dùm cháu thắc mắc trên.
    Cháu xin chân thành cảm ơn.

    • Cháu chào chú Vịnh và các bác các chú. Thiệt tinh mà nói cháu không quá tin những gì bài báo viết… cháu trồng tiêu đã trên 10 năm, 2000 trụ giờ chỉ còn 1/10. Không biết bao nhiêu thuốc trị, chết… vẫn chết. Thế mà chú cục trưởng + phó của bài báo có biết nguyên nhân từ đâu không hay chỉ biết trách dân dùng thuốc vô tội vạ. Cháu xin thưa với chú Cục trưởng + phó nếu thuốc thật thì dân đâu khổ thế này. Cháu rất mong gia đình giatiêu.com hãy mạnh dạn lên tiếng để nông dân mình đỡ khổ vì phân thuốc giả.
      Cháu xin chân thành cảm ơn !

  20. Xin chào diễn đàn.
    Nông dân ta còn phải khổ dài dài với nạn phân giả, thuốc giả. Tôi mà có quyền lực tôi chu di cửu tộc bọn này để bà con ta bớt khổ.

  21. Hôm trước bác HVLập có cho biết Đài PTTH Đồng Nai khuyến cáo phun thuốc BVTV phòng bệnh cho tiêu 2 tuần/lần thì môi trường nào cho vi sinh vật hữu ích tồn tại được? và bác cũng phê phán khuyến cáo như vậy thật là “kinh khủng”. Đọc phản hồi, mình nghĩ chắc là do tiêu ở ĐN bị chết nhiều quá nên địa phương mới khuyến cáo như vậy.
    Nhưng sáng nay tình cờ xem CT tư vấn trên VTV16, cô ptv đọc một loạt khuyến cáo của vị TS, chuyên gia cấp cao, cũng đưa ra liều dùng thuốc hóa học 15 ngày/lần để phòng bệnh cho tiêu trong suốt mùa mưa. Thật sự quá kinh khủng bác và cộng đồng ạ !
    Không biết bộ Y Tế đã lên kế hoạch mở mỗi tỉnh 1 BV ung bướu chưa?

  22. @ Thắng Lợi – Mình không hiểu sao lại có những khuyến cáo kiểu đó ! Mặc dù mỗi tỉnh và mỗi huyện đều có sở phòng Khuyến Nông và BVTV – và không thiếu những kỹ sư có khả năng và đầy thiện chí – và hiểu tình trạng dư lượng thuốc BVTV trong hạt tiêu đã bị thế giới “tẩy chay”… Vậy mà ông TS đó khuyến cáo phòng chữa bệnh như vậy.
    Tiến sĩ ôi ! tiến sĩ ! Những phản hồi này mong ông đọc được – tôi sẽ là người đầu tiên đối thoại với ông. Chẳng hy vọng gì ông đọc được vì ông còn có “quá nhiều v i ệ c ….” Đáng buồn thay !

  23. Dan Viet đọc mà giận run người bác Lập ạ.

    Cái loại tiến sỹ đó không có chút sĩ diện nào nữa. Họ bán lương tâm rẻ lắm. Bài phát biểu như vậy, họ được trả 2-5 triệu là cùng nhưng tác động phá hoại của nó thì không sao kể hết được.
    Với nông dân thì đó là tiền mất tật mang, gây ô nhiễm nguồn đất, ô nhiễm nước, làm cho hàng hóa mất giá trị.
    Với các Cty XNK thì đó là thảm họa.
    Ô nhiễm đất, nước, môi trường, hủy hoại tài nguyên đất…

  24. Buồn thật !
    Mọi nổ lực cố gắng của Giatieu.com cùng các nhà nông giàu kinh nghiệm kêu gọi cộng đồng chuyển sang canh tác theo lối hữu cơ bền vững, dùng sinh học, giảm thiểu tối đa hóa học để phòng chống dịch bệnh cho hồ tiêu, nhằm góp phần đưa giá tiêu và uy tín thương hiệu hồ tiêu VN lên tầm cao mới, có vẻ làm các vị khó chịu, ghen ăn tức ở hay sao? Hẳn các vị cùng thừa biết VN hiện là nước có tỷ lệ người bệnh mắc ung thư hàng nhất nhì thế giới rồi chứ? Trong khi toàn cầu cũng kêu gọi ăn sạch, uống sạch,… theo hướng hữu cơ (organic), xa lánh hóa chất, hàng chục năm nay rồi. Các vị lại còn muốn khuyên nông dân làm ra nông sản bẩn nữa hay sao?
    Đừng vì cái lợi nhỏ, riêng tư mà đẩy bà con nông dân vào cảnh khốn cùng các vị ạ…

Gửi phản hồi mới

(?)