Chặt cà phê trồng tiêu, chuyện nói mãi ở Tây nguyên

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 12

Rất nhiều hộ dân đốt phá rẫy cà phê để trồng hồ tiêu.

Phần lớn diện tích cà phê ở Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ lão hóa khiến năng suất, sản lượng đạt thấp, trong khi giá hồ tiêu ngày một tăng cao. Đây là lý do khiến nhiều nông dân chặt bỏ cà phê trồng tiêu.

Thực tế này một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về việc sản xuất theo phong trào và vòng luẩn quẩn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Nguyên.

“Chuyện cũ như mới”

Nhiều diện tích cà phê có sản lượng, năng suất giảm dần theo từng niên vụ, trong khi giá tiêu đang có xu hướng tăng (120.000 -130.000 đồng/kg). Đây là nguyên nhân khiến nông dân chặt bỏ cà phê để trồng tiêu.

Ông Nguyễn Bá Khẩn ở xã Tân Tiến (Buôn Đôn, Đăk Lăk) cho biết, gia đình có 5 sào (1 sào = 1.000m2) cà phê canh tác được 17 năm, đến nay, hầu hết diện tích cà phê đã già cỗi nên sản lượng thu về chẳng đáng là bao, trong khi tiêu đang có giá nên ông chặt bỏ cà phê để trồng tiêu.

Cũng chung “chí hướng” với ông Khẩn, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Nuôl (Buôn Đôn) đang đưa trên 400 trụ tiêu vào trồng dày đặc trong 4 sào cà phê đã già cỗi. Ông Hải cho hay: “Tôi chưa phá cà phê vội vì để che bóng mát cho tiêu, chờ 1 năm sau, khi tiêu bén xanh mới chặt bỏ hoàn toàn. Khó khăn lớn nhất trong việc trồng tiêu là giá trụ hơi đắt, trên 200.000 đồng/trụ, trước đây rừng còn nhiều nên dễ kiếm gỗ, giờ phải mua lại nên chi phí sản xuất đội lên khá cao”, ông Hải nói.

Tại Cư Kuin – Đăk Lăk, những năm trước, toàn huyện có khoảng 1.200ha tiêu, năm nay tăng lên 1.500ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Đăk Lăk, diện tích tiêu của tỉnh không dừng lại ở con số 5.700-5.800ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000ha. Các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn các huyện Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300 – 400ha.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ hai cả nước sau Đăk Lăk, với gần 145.000ha. Tuy nhiên, cây cà phê đang có dấu hiệu bị thất sủng khi tiêu liên tục xác lập những mốc giá mới. Mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích cà phê bị chặt bỏ nhưng diện tích tiêu đã tăng lên gần 1.000ha, tập trung tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, trong đó có không ít từ việc phá vườn cà phê chuyển sang.

Hệ lụy khôn lường

Ồ ạt trồng tiêu nhưng người dân lại không tìm hiểu xem vùng đất, khí hậu địa phương mình có phù hợp hay không? Hậu quả là nhiều gia đình ngậm ngùi “ôm trái đắng”.

Bà Lê Thị Tám ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho biết: “Gia đình có hơn 600 trụ tiêu mới trồng cuối năm 2010, đến nay không hiểu sao vườn tiêu có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 300 trụ, nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá”. Theo phỏng đoán của bà Tám, có lẽ tiêu chết là do bị ngập úng vì mưa nhiều. Bà cho biết thêm, trước đây, gia đình phá bỏ 6 sào cà phê già cỗi để trồng tiêu. Giờ thì cà phê không còn mà tiêu cũng chẳng cho thu hoạch.

Chung số phận với những vườn tiêu khác, vườn tiêu của gia đình anh Bùi Văn Nghĩa ở xã Quảng Phú (Cư M’gar) cũng đã chết 100/300 trụ với triệu chứng tương tự. Theo anh Nghĩa, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình tìm mua thuốc chữa trị những vẫn không hiệu quả.

Việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững cây cà phê tại đây. Theo Sở NN&PTNT Đăk Lăk, tỉnh đã và đang thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với một số chỉ tiêu cụ thể như: duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ… Tuy nhiên, việc thực hiện đề án không đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Việc chuyển đổi cây trồng tự phát cũng đe dọa tiến độ thực hiện đề án nếu ngành chức năng không sớm tích cực vào cuộc.

12 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nông dân lúc nào cũng là người thiệt thòi nhất. Cứ ngẫm mà xem có bao nhiêu loại ký sinh trùng đã, đang và sẽ sống bám trên lưng những người làm nông dân. Tôi cũng đã từng làm cà, có làm cà phê mới hiểu nổi khổ của người làm ra hạt cà phê. Đào hố, đào mở bồn, ép xanh, chồi, cành. Trong những ngày mà cây cà cần nước nhất để bung bông là những ngày lạnh giá nhất, những ngày trước hay tết Nguyên Đán. Nếu có ai cố tình ép để ăn tết xong tưới cho bung hoa, lỡ mưa bay xuống ướt nụ thì coi như năm đó ăn tết luôn ngoài vườn. Gía thuê nhân công năm 1999 20.000đ/ ngày công, nay 200.000đ/ngày, dầu tưới hồi đo lít hình như 3.000 đ /l, Phân …. mọi vật tư, công cán từ đó đến nay tăng hơn 10 lần, còn cà phê tăng bao nhiêu không biết chính quyền hay là những người bắt nông dân cúi xuống viết trên lưng thành những bài báo vô thưởng vô phạt có biết hay không nhỉ ?
    Tôi cũng đã trồng tiêu, không phải vì tiêu đắt rồi trồng đâu nhé, đó là một lý do thôi. Người nông dân làm vườn đúng là vì mưu sinh nhưng cũng không hẳn là tất cả. Cũng như nhà báo thì phải được viết, nó còn bao gồm sự đam mê, khám phá nữa đó. Vậy mới có những người nông dân thời @, đầy đủ kiến thức khoa học thư anh Vịnh, anh Phát, bạn Trung…. để rồi chia sẻ cho bà con nông dân chứ chẳng phải như những ông nhà báo thi thi thoảng cứ gào lên nào là thì bà con đã tự phá vỡ cơ cấu cây trồng …
    Trở lại việc tôi trồng tiêu, năm 1999, gom góp mấy năm cũng xuống được 3.500 trụ, cũng hý hửng thu thu, hái hái … Gía cả thì bấp bênh, nhớ hình như năm 2006 thì phải, thu hái xong được 9,7 tấn, giá xuống quá, gọi thương lái bên Chư Sê qua bán được 19.000d /kg. Đúng một tháng sau giá lên 30.000đ/kg . Người nông dân như tôi vẫn phải nở nụ cười meo méo. he he.
    Rồi tiêu chết, chết sạch. Bán vườn rồi nay lại làm lại. Chả phải vì tiền tất cả như cụ nhà báo nói đâu nhé
    . Vì niềm đam mê vẫn còn cụ ạ, niềm đam mê chinh phục, khám phá một loại cây khó tính, khó trị và thứ đến mới là nếu chinh phục được nó thì cuộc sống gia đình sẽ được đảm bảo hơn .

    Người nông dân tự bơi đã quen rồi, người nông dân tự trồng Cà, quản lý cà phê, nay thì họ phá cà trồng tiêu, họ đã , đang và sẽ chịu trách nhiệm về việc mình làm. Tôi tự nhận mình là nông dân và cực kỹ ghét những bài báo như bài của bác trên đây. Một điều nữa là tôi ghét cái câu : Chính quyền phải vào cuộc ngay, rồi phải định hướng cho dân ” trồng cây gì, nuôi con gì ” . Câu này tôi nghe từ khi biết đọc báo, nay gần 40 năm tôi nghe nó vẫn mới như thế. he he.

    • Bác Nhân viết hay lắm ! Hay bác thử viết báo coi sao. Cứ chinh phục đi lợi nhuận cao lắm đó…

    • Bác Đỗ Trường Sơn.
      Sáng sớm ngứa mồm nên viết đại mấy dòng không biết bác khen thật hay mỉa nhưng dù sao một ý kiến mới viết ra của tôi được nhiều phản hồi vậy là tôi vui rồi.

      Còn chuyện làm báo thì tui nghĩ cũng không quá khó. Ví như Bác Nguyễn Minh Vịnh viết nhiều bài rất dài về kỹ thuật trồng tiêu để giúp bà con. Bài dài nhưng vẫn khúc chiết, rõ ràng, bố cục chặt chẽ, đọc không trùng lặp, gắn gọn nhưng chuyển tải được nhiều kiến thức. Mà điều quan trọng là kiến thức đó phải đúng, tôi có cảm giác như con làm rút ruột nhả tơ vậy đó mới là người tôi khâm phục. So với tay nhà báo kia thì trên diễn đàn nhiều anh em một ngày đẻ ra 100 bài kiểu vô thưởng vô phạt cũng được chứ thống kê 3 cái thông tin anh A, bà B trồng 100 chết mất 50 thì có gì đáng nói.
      Đang quá rảnh nên lan man thêm chút, có những nhà báo rất dũng cảm, hồi này tương đối hiếm. Loại mà tôi hay gặp là cứ cuối năm vô cơ quan tôi và một số cơ quan khác, sau khi chìa ra một cái giấy giới thiệu cỏn con rồi đặt vấn đề “Qúi cơ quan có cần viết một bài phóng sự về hoạt động làm nổi bật thành tích của cơ quan không ạ!” thì tôi gặp nhan nhản.(Chắc gì cơ quan tôi có thành tích mà đòi viết để làm nổi bật).

      Diễn đàn chủ yếu nói về tiêu nên viết bậy sẽ bị phạt chắc. Tôi đang nói về sự dũng cảm. Người viết về kỹ thuật trồng tiêu tôi nghĩ cũng là những người bản lĩnh và dũng cảm. Vườn tiêu đối với nhiều người là cả gia sản, là bát cơm manh áo, là cuốn vỡ của con đi học. Chỉ một tư vấn sai là hậu quả khôn lường. Sau khi viết hướng dẫn, nhiều anh em còn nhận hình qua mail rồi tìm tòi, tư vẫn cho bà con một cách không vụ lợi. Tôi mới trồng được mấy bữa mà đã có 2 anh chạy cả trăm km lên coi rồi giúp đỡ về kỹ thuật. Đó cũng là điều bản lĩnh, dũng cảm và trách nhiệm, tâm huyết với cộng đồng. Thông qua những lời vừa viết, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các anh Vịnh, tieu so, tieuphong, Phan Phát, Chí Trung … và đại gia đình giatieu.com. Chúc đại gia đình ngày càng phát triển.

    • Bác Nhân thân mến! Mấy hôm nay trời mưa không làm gì được nên lên mạng học hỏi thêm kinh nghiệm về cây tiêu. Đọc bài báo này và đọc binh luận của bác, tôi thấy ai cũng có cái đúng riêng. Tôi xin chia sẻ một chút về việc làm theo phong trào, thời giá.
      Năm 1995 (22tuổi) khi giá caphe đang rất cao tôi cũng hòa theo dòng người rời miền quê Long Khánh ĐN, lên Bù Đăng BP lập nghiệp trồng caphe, vốn ít nên phải vay mượn rất nhiều. Đến khi có thu hoạch thì ôi thôi cà phê thua cà pháo, nợ NH, nợ người quen bủa vây, có nhiều người bỏ của chạy lấy người. Còn tôi không có chỗ để chạy đành chịu trận. Rẫy thì trồng chuối xen điều trồng thêm tiêu trên trụ điều vườn cà không chăm nhưng không phá. Người thì làm đủ nghề: lâm tặc, thọc bắp chuối, lá chuối vv…, khó khăn trăm bề. Rồi khó khăn cũng qua đi ,chuối tàn tôi phục hồi cà phê lại hiên tại một năm tôi thu được khoảng 6 tấn cà, 2 tấn tiêu, 2 tấn điều trên DT 2,2ha. Tôi có trồng thêm 350 cây sầu riêng Thái được 4 năm.
      Thời gian gần đây bà con mình đang cưa điều trồng cao su, cưa caphe trồng tiêu. Tôi thấy trồng gi cũng được nhưng nên trồng nhiều loai cây vì mất cái nọ còn cái kia, thà tiến chậm mà tiến chắc. Bây giờ mà trắng tay thì khó có cơ hội làm lại. Rất vui được sự gop ý chân thành của bác và bà con. Thân

    • @ bác Nhân: Tôi rất thích bài viết của bác và cũng rất thích … bác, bác cố làm lại lần nữa đi, tôi đang cố làm đây, tôi mong bác có cở 3 năm 9,7 tấn tiêu/ năm…. rồi sau đó nó chết hết cũng được, tôi nghĩ lúc này tiêu chết nhưng bác không cười he he…

    • Bác Nhân ơi, những điều mà bác nói là kỳ ghét đó, tôi nghĩ không phải riêng mình Bác đâu. Đó là suy nghĩ chung của rất nhiều người. Họ biết những điều đó chỉ là: KHẨU HIỆU (khẩu hiệu dùng để hô to cho hào hùng chơi chứ thực tế thì nó còn cách xa xa lắm với thực tiễn), chắc có lẽ là nhiệm vụ nên người viết báo phải hô to lên ấy mà. Nghề gì, việc gì cũng có cái khó cả mà… Mình thông cảm cho họ tí xíu !

  2. Chính quyền vào cuộc ư? chính quyền yêu cầu nông dân trồng cây này không nên trồng cây kia? Rồi đến khi bà con nông dân thua lỗ vì theo cây chính quyền thì miếng cơm, manh áo của bà con chính quyền có lo được không? Hôm trước tôi đọc bài báo về việc Nestle hổ trợ nông dân về giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây cà phê để cho ra sản phẩm chất lượng cao. Và Nestle sẽ thu mua trực tiếp của nông dân với giá cao hơn. Vậy mà có một số doanh nghiệp lại kiện cáo nữa chứ. Phải để cafe tự do cạnh tranh chứ để doanh nghiệp ép giá như thế thì bà con ai dám trồng nữa. Thử tính xem để cho ra những hạt cà fe thì phai bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của. Vậy mà bán ra được giá bao nhiêu. Chính quyền trước khi can thiệp vào thì phải có kế hoạch bảo trợ nông dân trước đã rồi nói tới chuyện quy hoạch đất trồng cây này, cây kia.

  3. Hôm qua tôi đi khám bịnh, có anh bạn mới quen than rằng: “Tôi không uống rượu, ăn uống nghỉ ngơi cẩn thận mà cũng bị đau bao tử”. Tôi bảo rằng: “Lo lắng quá cũng đau bao tử đấy”. Anh ta đáp trả: “Thời buổi này ai mà không lo, không lo chuyện này thì lo chuyện khác. Cũng may mà chưa bị điên đấy”.
    Hôm nay đọc bài viết của bạn Nhân, tôi thấy anh bạn ấy có lý. Tôi có nghe ai đó nói rằng cười hi hi là cười vui còn cười he he là cười mếu. Trước kia tôi cũng như bạn Nhân (cười he he) nay tôi học được bài học rằng: “Đừng bao giờ đặt quá nhiều niềm tin vào điều gì đó” để không phải cười he he.
    Tôi cũng là nông dân như bạn Nhân, nên hơn ai hết tôi hiểu tâm trạng của bạn ấy. Xin chia sẻ cùng bạn.
    Thân ái.

  4. Bán thứ người ta đang cần thì hay hơn bán cái mình có nhưng họ không cần. Hồ tiêu có giá cao khi xuất khẩu thu ngoại tệ về nhiều, lợi ích này không phải một mình nông dân được hưởng. Chuyển đổi cây cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng hồ tiêu, việc làm này suy cho cùng cũng vì người dân mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nay mai sản lượng cà phê giảm – sản lượng hồ tiêu tăng thì giá cà phê tăng – giá hồ tiêu giảm, đó là quy luật điều tiết của thị trường. Cà phê hay hồ tiêu đều có thời vận về giá bán cả. Điều quan trọng là người dân phải biết đặc tính sinh trưởng, kỹ thuật canh tác cho từng loại cây, có niềm đam mê với công việc khi đó mới mang lại hiệu quả thiết thực.

  5. Bạn @Honam có bài viết thật ý nghĩa, cám ơn bạn nhiều, và mong bạn có nhiều chia sẻ hơn, chúc bạn thành công trong việc tái canh cây tiêu của mình!

    1. Về các bài báo, bà con nên cẩn thận, nhiều tác giả hay nói quá, cách đây 2 năm, tôi có tìm hểu về cây trầm (gió bầu), cũng theo chân 1 bài báo tôi tới tận nơi mục sở thị, thức tế đã làm tôi thất vọng, nên bà con nào có ý định trồng trầm nên cân nhắc cho kỹ, tạo trầm là cả 1 vấn đề lớn, sau 10 năm trồng, cây cao chừng 4m (phần thân gỗ) đường kính gốc chừng 15 – 20cm, trầm đâu chẳng thấy, bán chẳng ai mua ! Rồi tội cả mảnh đất lẫn chủ nhân.

    2. Về cây tiêu, tôi nghĩ ai có ý định trồng mới, nên dự tính giá có thể xuống 60,000/kg để tính toán hiệu quả, và như vậy phải đảm bảo năng suất 4 tấn/ha trở lên hãy trồng, thu 240tr, riêng trừ phân, thuốc theo tôi dự tính cỡ 150tr/ha, chưa tính công, đất (nếu mua), trụ, giống, … (Đảm bảo hòa vốn trong tình huống xấu). Còn ông trời thương cho trên giá đó là cái lộc mà bà con xứng đáng được hưởng. Nhân đây cũng góp ý thêm với bà con là giá tiêu đang chững lại, nhưng tôi cho rằng giá có thể còn lên tiếp, bà con cũng nên cân nhắc thêm, đâu đó nói giá tiêu sẽ hạ thời điển này, không loại trừ ý kiến của mấy DN mà họ đang muốn mua giá rẻ, diễn đàn mà, ai nói sao chẳng được.

    Quan trọng nhất là phải tâm đắc với cây trồng như các bác tiền bối ở đây với cây tiêu: Nguyễn Minh Vịnh, Phanphat, Tieuphong, Honam, … Nhìn tấm hình trên không biết chụp rẫy của ai mà thấy … thương. Trơ trụi vậy mùa khô tới đất nào chịu nổi, không chai cứng mới là lạ, tôi nghĩ trồng cây gì cũng thất bại chứ đừng nói khó tính như cây tiêu.

    Chúc bà con khỏe, được mùa, được giá.

  6. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hề xấu. Cho dù có trồng theo phong trào đi chăng nữa thì người thức thời vẫn sống. Ví như cà phê năm 1995-1996 xuống tới mức dân trồng cà phải đi làm thuê. Nhưng vẫn có nhà giàu lên nhờ vậy đó thôi, thu mua giá rẻ đợi giá lên thì xuất. Chỉ có nông dân là người thiệt thòi nhất. Ở đây đa phần là nông dân trí thức cả, mà người đã có trí thức thì bỏ ở đâu cũng không chết. Cây hồ tiêu cũng vậy. Lên xuống là chuyện bình thường. Mình chiếm lĩnh thị trường thì người ta cần mình chứ mình đâu cần người ta. Trồng hồ tiêu hay cà phê có cái lợi thế là được giá thì bán. Không được thì để lại vì thời gian trữ được rất lâu. Nếu bà con không yên tâm trong vấn đề trồng và chăm sóc hồ tiêu thì mình có thể làm mô hình trang trại kết hợp với trồng hồ tiêu. Ví dụ như nuôi dê lấy công làm lời, nuôi trùn quế lấy phân bón tiêu… Hoặc có thể trồng xen canh như nhà tôi chẳng hạn.
    Nhà tôi trước đây trồng cà phê xen hồ tiêu. Cũng chỉ vài trăm trụ tiêu đa phần là cà. Có một ít sầu riêng mỗi năm cưa dần cưa dần. Sau đó thấy 2 cây cam ở nhà trái sai quá chừng. Và năm nào cũng bán được mấy thúng mấy thúng. Thấy ham trồng xen cam sành vô. Khi cây cam sành đã lớn. Thì giá cam rẻ bèo. Thấy quít đường lên giá cao ngây ngất. Chặt cam sành trồng quít đường, sau đó quít đường khó chăm sóc lại không phù hợp với đất đỏ bazan nhà tôi lắm. Lại thấy chôm chôm nhãn ngon quá 1 cây mà bán cả triệu bạc nên trồng xen vô, sau thấy rợp quá lại chặt đi trồng bưởi. Khi bưởi nhà tôi trái lủng lẳng quá chừng mà toàn bị ruồi ong vàng chích. Lại chặt bưởi trồng măng cụt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng liên tục. Rốt cục nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi thường hay đùa với những người trong nhà là nhà mình rất hay. Trồng cây gì là chặt cây đó. Cho nên gia đình tôi cũng quyết tâm là cây măng cụt là cây cuối cùng không chặt nữa đâu. Trồng hoài không có trái, nhiều lúc nản chí. Tới nay nhà tôi còn trụ được chính là nhờ những cây cà phê già cỗi và những cây hồ tiêu còn đứng sừng sững ngang lưng trời mà các bạn đã thấy. Thế mới biết là mình có duyên với cây hồ tiêu.
    Việc trồng cà phê lại cũng rất khó khăn. Vì mối, sùng, tuyến trùng từ những gốc cà già để lại. Ảnh hưởng tới những cây cà phê mới trồng sau này. Rất khó chăm sóc. Tôi cũng trồng thử cà phê ghép gốc mít nhưng cũng không ăn thua. Và quyết định đi theo mấy chàng hiệp sỹ đứng ngang lưng trời. Đến nay phần nào đã chinh phục được. Tôi cũng đặt mình vào hoàn cảnh xấu nhất là giá tiêu sẽ thấp hơn 60.000 đ/kg. Sẽ trụ được hay không? Dịch bệnh tấn công bất khả kháng thì cầm cự được trong mấy năm.
    Điều gì đến sẽ đến. Sự phấn đấu và quyết tâm của mình cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Măng cụt đã cho trái bói nằm xen giữa vườn hồ tiêu là đủ nuôi sống 1 gia đình nho nhỏ, không bao giờ bệnh tật. Hồ tiêu chính là thứ để tôi mua xe hơi thăm mô hình của đại gia đình giatieu.com. Bà con có chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì cũng phải tính toán đường tới lui. Tới có thể chinh phục được đỉnh núi. Lui có hậu phương vững chắc. Thế mới bền vững.
    Tôi toàn lấy ruột gan chia sẻ với bà con nên những lời tâm huyết đó dễ nhập tâm.
    Thân!

Gửi phản hồi mới

(?)