Chia sẻ với các bạn mới trồng tiêu

, Khuyến cáo, 41

Bài viết là những tâm tình của bạn tieuphong ở Trảng Bom-Đồng Nai dành cho các bạn mới làm quen với nghề trồng tiêu, loại cây trồng “khó tính khó nết” rất mẫn cảm với dịch bệnh. Bài viết còn là tri thức và kinh nghiệm của một người và một đời trồng tiêu muốn san sẻ với cộng đồng Giatieu.com

Theo tôi những người trồng tiêu được vài ba năm có thể gọi là những người mới trồng tiêu. Vì khi cây tiêu đi vào kinh doanh, thường từ 5 tuổi trở lên, mới cho thu hoạch đáng kể.

Trong thời gian kiến thiết cây tiêu ít gặp bệnh tật, thế nên mọi người mới chủ quan, mải mê chạy theo năng suất, chứ ít quan tâm tới việc phòng, chữa bệnh cho cây.

Gần đây tôi thường nhận được nhiều cuộc gọi của nhiều bạn ở những tỉnh trọng điểm trồng tiêu thú nhận rằng: “Từ trước đến giờ tiêu không bị bệnh nên không biết đường chữa”. Nay thì bệnh chết nhanh đã lây lan thành dịch khắp vườn, cứ mỗi ngày chết vài cây… lo quá! Hoang mang, bối rối, bi kịch cuộc đời từ đây. Lẽ thường “có bệnh thì vái tứ phương”. Thế là cuống lên, ai chỉ sao thì làm vậy, thuốc này thuốc nọ, phun phun, xịt xịt… Cuối cùng thì tiền mất tật mang, tiêu chết cứ chết, đất bị ngộ độc, người thì “tẩu hỏa nhập ma” . Phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, câu nói cửa miệng còn “xưa hơn Diễm” vẫn có giá trị muôn đời.
Ngay từ khi đào hố, làm bồn thì cũng chính cái bồn đó sẽ chôn vùi sự nghiệp trồng tiêu của mình.

Có bạn băn khoăn, nếu không làm bồn thì cho phân tưới nước như thế nào? Chẳng phải lo lắng gì cả, nên đắp đất lên gốc tiêu theo hình mu rùa, ngăn chăn nước đọng vào vùng cổ rễ tiêu. Nhu cầu nước cho cây tiêu không nhiều như café, chôm chôm… Vào mùa nắng nếu không lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, có thể tưới tràn. Tiêu mới trồng chỉ nên vét sơ thành cái bồn nhỏ. Lưu ý khi làm bồn là kéo đất bên ngoài vào, không nên vét đất bên trong gốc tiêu ra. Khi bón phân thì tưới nước, rê vòi lướt qua các bồn, nhanh tay tưới qua lại vài lần không để nước ngập bồn, phân sẽ tan mà không lo trôi mất.

Các nhà sản suất phân bón thường hướng dẫn lượng phân bón cho cây hằng năm, bón định kỳ chứ không hướng dẫn cho ta nhận biết khi nào cây cần phân. Bạn Minh Vịnh cho ta biết sinh lý của cây thể hiện qua lá. Đúng vậy, chúng ta phải biết quan sát lá cây. Vườn cây phát triển tốt là bộ lá phải xanh bóng, mỡ màng, không tì vết, lúc nào cũng có đọt non…

Bón phân lúc nào là hợp lý, muốn biết thì thường xuyên kiểm tra bộ rễ. Công việc này tôi thường nói vui là “3 trong 1”. Một là kiểm tra nấm bệnh, thường thì các vết thâm đen xuất hiện nơi cổ rễ, hai là kiểm tra rệp sáp, ba là theo dõi khi nào cây có nhu cầu về dinh dưỡng. Khi cần phân, tự cây sẽ cho ra bộ rễ cám (rễ trắng), các rễ này có nhiêm vụ hút phân. Không có bộ rễ này mà chúng ta cứ cho phân thì hiệu quả sẽ không như mong muốn. Ví như trời nắng mà phun phân bón lá, lúc ấy các lỗ khí khổng đã khép lại thì cây làm sao hấp thụ được dinh dưỡng. Rễ cây mà không hấp thụ được phân thì một phần sẽ thẩm thấu gây ô nhiễm mạch nước ngầm, một phần bốc hơi trong không khí góp phần vào hiện tượng mưa a xít, và lãng phí.

Tôi có hai anh bạn năm nay gần 60 tuổi, một anh sử dụng phân gà, một anh sử dụng phân cút không ủ hoai, không xử lý mầm bệnh. Sau 2 năm bỏ ra hằng trăm triệu đồng để chữa bệnh mà tiêu vẫn rụng như lá mùa thu, giờ thì đành rưng rưng “tiễn em lên đường”. Gần đây có anh bạn trẻ alo cho tôi: “lá, trái rụng quá làm sao đây anh?” Năm lần bảy lượt như thế, gặng hỏi để tìm ra nguyên nhân thì “tiêu em làm bồn và cho phân bò tươi”. Ôi thôi! Cứ thuốc này thuốc nọ chạy theo nó thì e rằng lại “tiền ra như nước sông Đà…” Mong các bạn đừng theo bước chân hai anh bạn già của tôi.

Chúng ta nên tập cho mình thành thói quen ghi chép cẩn thận, chi tiết, những việc làm của mình như bón phân, làm bông và xử lý dịch bệnh, làm tài liệu lưu trữ cho mình để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Xây dựng cho mình quy trình chăm sóc, quản lý dịch bệnh.
Hãy chọn cho mình nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín để “trao thân gửi phận”. Có những cty sản xuất phân, thuốc trọn bộ, thuốc thì từ làm bông đến xử lý các loại bệnh, phân thì nên chọn loại hữu cơ vi sinh, trong phân hữu cơ vi sinh có những vi sinh vật có ích giúp cho rễ cây hấp thụ phân bón tốt hơn. Nên phun phân bón lá định kỳ để cung cấp trung, vi lượng cho cây, và có thể phối hợp với thuốc ngừa bệnh trong các lần phun. Tốt nhất là nên phối hợp các loại phân, thuốc của cùng một cty, như thế an toàn hơn. Trường hợp phối hợp thuốc giữa hai cty khác nhau thì phải có sự hướng dẫn cẩn thận. Cách đây vài hôm có một bạn nhỏ ở Dốc Mơ băn khoăn: mình sử dụng phương pháp vô cơ kết hợp hữu cơ thì nấm tricoderma làm sao tồn tại được? Vấn đề là ở chỗ đó. Làm cách nào mà đừng để cho tay phải sanh, dưỡng còn tay trái thì hủy, diệt. Điều này cũng làm rất nhiều người băn khoăn và ngạc nhiên vì chưa thấy ai đặt vấn đề, thế nên tôi mới khuyên nên pha trộn các loại thuốc với nhau của cùng một cty, vì có loại thuốc sinh học cũng trị được nấm bệnh mà không làm ảnh hưởng đến tricoderma.

Mỗi vùng, miền có thời tiết khác nhau, nhất là trong thời điểm hãm nước làm bông, không nên cứng nhắc, nương theo trời đất mà làm. Thí dụ năm ngoái phun kích thích ra hoa vào ngày 20/4 nhưng năm nay mưa muộn hơn thì phun vào ngày 2/5, nên uyển chuyển theo thời tiết. Nhìn Trời nhìn Đất mà làm chứ chẳng chống Trời được đâu. Nhà nông còn phụ thuốc rất nhiều vào thời tiết, như năm nay cơn bão số 1 nhiều người không biết “đánh thức miên trạng”của cây tiêu nên tiêu ra nhiều lá, ít bông, làm không ít nhà vườn điêu đứng.
Không dễ dàng gì mà chỉ trong một sớm một chiều thuyết phục được mọi người chuyển hướng, từ lối canh tác vô cơ theo hướng hữu cơ sinh học, thế cho nên tôi rất cách dùng từ của anh Tinh trần Ba “từ từ cai nghiện hóa học”(người đã thấy được hậu quả của việc lạm dụng hóa học). Nếu bạn nào chưa tin vào hướng canh tác hữu cơ sinh học thì nên chia vườn tiêu của mình thành 3 lô để tự kiểm nghiệm,1 lô canh tác hướng vô cơ, 1 lô canh tác hướng vô cơ kết hợp hữu cơ và 1 lô chuyên canh tác hữu cơ. Theo dõi, so sánh từ 2-3 năm để đánh giá hiệu quả, lựa chọn cho mình một con đường đi.

Một khi đã tìm được giải pháp cho mình rồi thì tình thần thoải mái, nhẹ nhàng. Vườn tiêu mỗi năm chết vài cây là chuyện bình thường, không lo dịch bệnh lây lan. Cuộc đời làm vườn của tôi mấy mươi năm sử dụng thuốc hóa học, nghĩ lại sợ quá, giờ thì mơ ước một ngày nào đó trên bao bì của một số loại thuốc có dòng chữ “sử dụng sản phẩm này có thể gây bịnh ung thư”… để mọi người biết mà cân nhắc trong việc làm của mình.

Từ đầu mùa mưa đến giờ mải mê vật lộn với con rệp sáp, lũ bất lương đó cứ chực chờ nhảy vào cắn phá rễ tiêu, nay đã tìm được cách đối phó bằng biện pháp sinh học. Hy vọng một ngày gần đây sẽ viết được một bài với cái tựa Rệp Sáp tên vô lại.

Chúc các bạn sức khỏe hạnh phúc.

Tieuphong, Trảng Bom- Đồng Nai

(Giatieu.com)

Báo Giá cà phê qua điện thoại
41 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bài viết rất hay, theo thói quen, tiêu tôi cũng trồng bồn sâu, năm nay mưa nhiều, tầm 20% rụng hết đọt, nhờ mấy ngày nắng thấy phát đọt mới, may mà tiêu con mới trồng nên chưa lo lắm. Định để nguyên bồn đến sau mùa tưới này bỏ phân chuồng lên mặt, tấp lấp phân đồng thời làm cao gốc cho nước xuôi ra ngoài, lấy thêm vài bộ rễ, vừa tạo thêm được bộ rễ vừa đưa gốc xuống sâu để chống chọi mùa khô hạn, cứ tầm 5 hàng đánh một rảnh thoát nước cạn theo hình bàn cờ đưa nước ra mương chính, tầm 20 hàng đào một rảnh sâu tầm 60 cm để cắt mạch nước ngầm mùa mưa dầm. Không biết vậy đã hợp lý chưa? Mong bác tieuphong đóng góp giúp.
    Mong bác nhanh có bài “Rệp sáp tên vô hại” để anh em học hỏi.

  2. Đọc bài viết của anh tiêu phong tôi mới ngộ ra nhiều điều cũng phải chuyển hướng sang dùng vi sinh nhiều hơn. Hồi đâu năm tôi bỏ phân bò ko ủ gì cả thật nguy hiểm … Cám ơn anh và đại gia đinh giatiêu.com đã chia sẻ kinh nghiệm.

  3. Tôi là người mới bước vào làm tiêu. Tôi mong muốn được học hỏi nhiều từ các bác, các anh chị làm nông. Nhân bài viết của Tiêuphong, Trảng Bom-Đồng Nai, cho tôi được góp ý và có một số câu hỏi mong các bác, các anh chị giúp đỡ:
    1. Thứ nhất, tôi mong có một bài viết hướng dẫn cụ thể về cách trồng tiêu (giai đoạn lấy giống và chăm sóc đến 1,2 năm tuổi). Cụ thể cách lấy hom giống (bằng hình ảnh or video clip), về phần này có nhiêu bài viết về cách lấy giống, nhưng vẫn chưa cụ thể và hình ảnh đầy đủ; cách chăm sóc cây tiêu con từ lúc trồng đến hết 1 – 2 năm (mùa khô và mùa mưa – phân bón cho cây tiêu con). Đại khái giai đoạn ban đâu cần chăm sóc như thế nào.
    2. Thứ hai, là tôi có một số thắc mắc: Vườn của tôi không hiểu vì sao con sùng đất rất nhiều, mỗi hố khoảng 10 đến 20 con. Cây tiêu trồng xuống hoặc khi đôn tiêu mà dây tiêu còn non là nó ăn đứt hết, hoặc chúng ăn rễ tiêu. Tôi có đọc tài liệu trên mạng được biết con sùng đất này được sinh ra từ ấu trùng của con bọ hung, mà con bọ hung này thường ở trong các loại phân chuồng nhiều. Nhà tôi, chủ yếu bón phân hữu cơ vi sinh (nhãn hiệu đầu trâu), tôi nghi ngờ loại ấu trùng này có trong phân hữu cơ vi sinh. Vậy mong các bác chi cách khắc phục lại sùng đất và cho ý kiến về loại phân này.
    Mong được sự giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệp từ các bác, các anh chị gần xa.

    • Sùng đất hay ấu trùng ve? Dù sao, bạn nên dùng thuốc khử trùng đất như basudin 10H… và bón thêm vôi bột. Còn phân thì chưa kiểm chứng nên không kết luận được, tạm thời bạn chuyển sang dùng loại khác.

    • Cảm ơn Bác Nguyễn Vịnh. Đây là sùng đất (con có mình trắng đầu vàng – có 3,4 cặp chân gần phần đầu, khúc bụng thì không có chân). Loại này cũng rất nguy hiểm vì nó ở đưới đất ẩm và tơi xốp.

    • Bác Nguyễn Vịnh cho cháu hỏi mối có hại đối với tiêu không? Và nếu sử dụng thuốc như của bác có diệt mối đc không?

    • Ở Việt Nam chưa có một điều tra nào về sự phá hại của mối lên cây tiêu. Còn trong một số tài liệu của Ấn Độ, Malaysia thì cho rằng mối là thủ phạm làm cho 10-15% vườn tiêu bị chết hàng năm.
      -Basudin là thuốc gốc lân hữu cơ, đặc trị kiến, mối và nhiều loại côn trùng gây hại sống trong đất.

    • Em định gửi 1 số mô hình nhưng không copy và paste được. Anh cho em xin địa chỉ mail để em gửi tài liệu cho anh duyệt qua mô hình tăng thu nhập người dân trồng tiêu lên gấp 5 lần trên cùng 1 diện tích. Em nghĩ ông Quéo làm được thì chả có lý do gì chúng ta không làm được thậm chí còn làm hơn thế nữa. mail của em là. thekyxanh21@gmail.com

    • Chào bạn
      Tiêu nhà bạn chỉ có 10-20 con thì chỉ bằng 1/3 nhà tôi thôi, theo như bạn nói là sai rồi. Đó là con sùng trắng là ấu trùng của con bọ tê giác đấy. Nó không có ở trong phân vi sinh đâu mà có rất nhiều trong vỏ caphe đấy.
      Bạn nên mua chế phẩm NÂM XANH-NẤM TRẮNG mà rải cũng có tác dụng lắm đó. Chúc bạn thành công.

  4. Chào anh Tiêu Phong!
    Các anh trồng tiêu giỏi sao ai cũng “văn chương thơ phú” ngập tràn vậy? Nhờ anh chia sẻ luôn kinh nghiệm này nhé. Tôi cũng mơ ước như anh, mơ bà con mình luôn có ý thức bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường, tránh xa thuốc hóa học càng nhiều càng tốt.
    Anh cho tôi hỏi điều này nhé : Bài viết có nói “nên đắp đất lên gốc tiêu theo hình mu rùa…” nhưng thú thật với anh cách đây vài năm tôi cũng làm thế nhưng trụ sống chỗ đất lấp vào nó bị thối rồi chết hết. Vậy là hết vườn tiêu. Đã kinh nghiệm nhiều năm vậy có cách nào hay để trụ không chết nhờ anh tư vấn giúp nhé. Chân thành cảm ơn anh.

  5. Chào bạn Nhân. Bạn cứ làm theo cách của bạn, hôm nào mưa lớn chịu khó ra xem dòng chảy thấy thoát nước tốt là được rồi. Theo tôi hãy chọn vài chỗ trũng trong vườn đào mấy cái hố, để dẫn dòng chảy về đó, mỗi cái khoảng 20m3 là được rồi.

    Chào Nam Giao. Bạn xem lại trụ sống đó là giống cây gì, có thích hợp với vùng đất của bạn không? Theo bạn tả, tôi đoán là bị thối cổ rễ, bạn thay đổi giống cây làm trụ xem sao, vì đắp thêm một ít đất đâu có ảnh hưởng đến sinh lý của cây, tôi trồng nhiều loại trụ sống mà chưa bao giờ gặp trường hợp như bạn.
    Thân ái.

    • Chuyện này không có gì khó hiểu. Do khi phá “mu rùa” để kéo đất vào gốc trụ sống bạn để cuốc phạm vào gốc cây trụ tạo nên vết thương mà không để ý. Mầm bệnh có sẵn nên xâm nhập vào khiến cây chết. Tôi cho là cây trụ sống của bạn thuộc loại cây có mủ…

  6. Chào các bác trong gia đình giatiêu.com em thấy sôi nổi quá nên em hỏi các bác, vườn em bỏ phân bò nên mọc nhiều cỏ gấu loải cỏ này nó có củ rất khó diêt xạc ko hết dùng thuốc diêt lưu dẫn ko dc vì mọc nhiều nhổ thì lâu… bác nào có cao kiến gì giúp em với, em cám ơn trước. Chúc đại gia đình giatiêu.com vui khỏe và đóng góp nhiều giúp bà con.

  7. @tieuphong!
    Bạn già như tớ cũng cần phải học: “Học, học nữa, học mãi”… Tất cả vì cộng đồng Giatieu.com.
    Cám ơn anh bạn trẻ!

  8. Chào anh, chào bà con!
    Tôi rất tâm đắc với câu nói này “sử dụng sản phẩm này có thể gây bịnh ung thư”. Đúng là phải cần có một bài viết về cách hạn chế loại bỏ bớt độc tố khi sử dụng phân và thuốc hóa học cho bà con rồi.
    Có một bạn chia sẻ với tôi là bố bạn ấy mất vì bệnh ung thư do lạm dụng phân và thuốc hóa học. Vườn hồ tiêu bạn ấy cũng bị bệnh và hỏi tôi. Tôi chia sẻ rất chân tình với bạn ấy. Bạn ấy cũng chia sẻ làm tiêu một thời gian chuyển sang chăn nuôi vì sợ thuốc hóa học. Nếu bạn ấy tham gia diễn đàn này nhiều chắc cũng nhận ra nhiều bà con trồng hồ tiêu năng suất cao mà cũng ít sử dụng thuốc hóa học. Bố tôi cũng mất vì ung thư, nhưng có lẽ do thuốc lá. Mà trên bao bì của bất kỳ bao thuốc nào cũng ghi: Hút thuốc có hại cho sức khỏe. Thế đấy.
    Thân!

  9. @Nam Giao thân!
    Không biết vườn bạn trồng cây trụ sống là giống cây gì còn ở Đồng Nai cách nay 10 năm một trận đại dịch trên toàn tỉnh trụ trồng bằng cây vông chết 80%, thế là nàng tiêu cũng buồn rầu đi theo anh vông. Theo các nhà khoa học cho biết vông chết do nhiễm vi rút. Vài thông tin chia sẻ cùng bạn. Thân chào!

  10. Chào anh Minh Vịnh, chào quí bà con.
    Tôi cũng là người mới trồng tiêu chừng 4 năm nay, Anh Minh Vịnh thông cảm cho tôi hỏi chút nhé.
    Vườn tiêu nhà tôi năm ngoái rất tốt trái sai lắm (bình quân 5kg/cây). Trước khi thu hoạch thì không thấy biểu hiện gì cả. Nhưng sau khi hái trái xong khoảng 2-3 ngày thì thấy cây bắt đầu tháo đốt rất nhiều, tôi không hiểu vi sao? Cả năm nay tôi chăm sóc nhưng cũng không sao phục hồi lại được, bây giờ sắp đến mùa thu hoạch tôi lo lắm. Anh có cách gì để hạn chế cây tháo đốt cố gắng chỉ giúp tôi với. Năm ngoái mặc dù trước khi thu hoạch tôi vẫn phun CARBENDEM Và BIOKINH định kỳ.
    Nước tưới đây đủ, vậy mà vẫn bị tháo đốt. Anh cố gắng giúp tôi với nhé. Cảm ơn anh.

    • Chào bạn!
      Trước tiên là bạn phải xem công thu hoạch nhà mình. Họ hái làm gãy tay suy cây. ĐẶc biệt với những giống như ấn độ hái không cẩn thận thì tay gãy rất dể làm mất mùa liên tiếp vài năm liền mới hồi phục. Khi thu hoạch bằng thang tre dựa vào cây cũng làm hiện tượng này. Nhưng cũng không đáng kể tới mức tháo đốt trầm trọng như là thiếu Canxi. Nếu thiếu những nguyên tố trung lượng như Si, Ca… thì cây sẽ rất dể gãy tay. Cây rất cần cả ba yếu tố đa trung vi lượng.
      Trong quá trình thu hoạch nếu không tưới theo và cây thiếu Kali thì hái rất dai, và cũng hay bị tháo khớp. Hãy xác định rõ tháo khớp là do nguyên do nào thì ta mới khắc phục. Không hẳn tháo khớp hoàn toàn là do nấm đâu bạn à. Vườn bạn theo mô tả như vậy nguyên do là thiếu Kali, thiếu một vài trung lượng, và có thể là vi lượng như Vitamin C làm cây mất đề kháng.
      Để khắc phục ta có thể xịt phân bón lá định kỳ. Vừa làm to trái vừa bổ sung nhu cầu dinh dưỡng trung và vi lượng mà cây trồng thiếu. Bổ sung một lượng vôi nhất định nào đấy sau thu hoạch. Có thể dùng phân bón lá có thành phần này để rửa cây sau thu hoạch thì sẽ giảm hẳn hiện tượng trên. Nên cân đối dinh dưỡng cho cây hồ tiêu, bổ sung Kali vào giai đoạn to hạt chắc trái thì cây sẽ giảm hiện tượng rụng trái hoặc tháo khớp.
      Cuối cùng nên thu hoạch nhẹ nhàng hạn chế gãy tay tiêu và phải tưới theo cho cây không bị suy. Mùa sau có trúng mùa tiếp hay không là nhờ mùa này đấy.
      Thân!

    • Chào anh Minh Vịnh. Cảm ơn anh nhiều.
      Theo như anh phân tích thì tôi hoàng toàn yên tâm rồi. Vườn nhà tôi trồng băng trụ bê tông chỉ cao có 3m thôi nên khi hái thì không xảy ra vấn đề gảy tay tiêu đâu (vì tôi rất thận trọng trong chuyện này).
      Còn bón phân thì như thế này anh xem có được không nhé.
      Tôi rất hạn chế phân hóa học chỉ sử dụng kali thôi mỗi năm bón 0.5kg cho 1 cây chia làm 3 đợt. Còn lại thì tôi sử dung phân hữu cơ ủ (vỏ caphe+phân chuồng+lân+ure+men tricodema+rỉ đường+vôi và làm như chỉ dẫn) 1 gốc bón khoảng 60kg chia làm 3 đợt trong mùa mưa. Còn về phần trung vi lượng thì tôi phun theo bản hướng dẫn của công ty BVTV sài gòn. Thế mà hái xong vẫn bị tháo đốt nên tôi rất lo.
      Vậy anh xem giúp tôi còn thiếu chỗ nào trong khâu chăm sóc thì chỉ giúp tôi với chứ thật tình tôi không biết nhờ ai cả.
      Mong anh thông cảm cho. Cảm ơn anh.

    • Chào bạn!
      60kg trên gốc là quá nhiều tức phải tương đương với 2 bao cám. Nhu cầu chất xơ của cây hồ tiêu kinh doanh thì khoàng hơn 10kg/gốc. Và ta bón tầm 15-20 kg là đất rất tơi xốp rồi. Anh ủ vỏ cà phê nên ủ cẩn thận nhé. Vỏ cà phê mà ủ không kỹ rất nóng dể sinh nấm bệnh. Đặc biệt là nấm mạng nhện và mốc trắng đôi lúc có rỉ sắt nấm hồng của cà phê còn tồn lại.
      Phân bón lá cây trồng rất dễ hấp thu. Nhưng không thể thay thế phân bón lá bằng phân bón gốc.
      Bạn nên lưu ý điều này. Bạn mô tả chỉ bón kali chia làm 3 đợt. Và bỏ lân + ure chung với phân hữu cơ. Về cơ bản các nguyên tố đa lượng là đã đầy đủ còn các nguyên tố trung và vi lượng bạn dùng phân bón lá. Theo tôi như vậy là chưa đủ. Phân bón lá đa phần là vi lượng thôi.
      Kinh nghiệm bón phân của tôi là lần nào tôi cũng dùng phân NPK +TE( TE chính là trung và vi lượng) nhưng hàm lượng mỗi giai đoạn khác nhau. Ngoài ra còn bón phân hữu cơ chuyên dùng cho cây hồ tiêu nữa. Như vậy nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu sẽ cân đối hơn ta dùng phân đơn.
      Thân!

  11. Chào anh Phát ! Vườn nhà em trụ sống là cây chùm ngây anh ạ . Chỗ em cách đây khoảng 10 năm cây vông cũng chết gần hết. Bây giờ hầu như không ai dám trồng cây này làm trụ trồng tiêu nữa.

  12. Chào anh Tiêu Phong!
    Anh cho em hỏi : làm thế nào để kiểm tra bộ rễ của tiêu hả anh ? Em chưa làm nên không biết. Nhờ anh tư vấn giúp nhé. Cảm ơn anh.

  13. Các bác có thể cho cháu hỏi chút
    Nhà cháu năm nay mới xuống đc 500 trụ tiêu mới, trồng trên đất cafe đã già cỗi phá đi và đưa máy múc vào cuốc đảo cẩn thận, đất nhà cháu ko phải là đât đỏ bazan mà đất hơi sỏi, hơi dốc ko đọng nước. Cháu muốn hỏi mình nên chăm sóc thuốc thang như thế nào trong nhưng năm đầu này. Tiêu nhà cháu trồng theo phương pháp cắt dây ác rồi trồng trực tiếp. Hiện tại thì cây đã nảy mầm và bám trụ tầm 80% nhưng một số cá biệt dây vẫn còn sống nhưng ko chịu nảy mầm. Tiêu nhà cháu trồng bữa 10/5 nhưng do thời tiết năm nay ko ổn định, có đợt nắng cả gần tháng mà tiêu con tưới liên tục cũng ko ăn thua mấy. Nẩy mầm ko to mập như mọi năm.
    Trước nhà cháu đã trồng đc hơn 100 trụ hệ tiêu 98-2000, cũng từng bị nấm nhưng đổ thuốc nó cũng qua khỏi nhưng cây ko xanh tốt nữa. Năm nào cũng có 1 đến 2 trụ bị chết.
    Cháu cũng đang phân vân sợ nấm bệnh sẽ lây sang đám tiêu con này, sợ nhất là bệnh chết nhanh. Vì đầu tư nhiều mà ko biết có ăn thua ko nữa. Các bác có giải pháp hay phương án nào để cháu có thể phòng và trị bệnh cho cây tiêu ngay từ giai đoạn đầu này ko?

    • To bạn bmt.
      Những điều bạn hỏi mình cũng đã hỏi rất kỹ trong các chuyên mục của diễn đàn. Bạn chịu khó đọc lại là thấy. Chắc mấy ảnh thấy có người hỏi và đã trả lời chi tiết nên không trả lời trùng lặp.
      Chúc bạn thành công.

  14. @tieuphong!
    Đúng là Tiêu Phong một thời ngang dọc của tác giả Kim Dung. Cố lên tí nữa ông bạn già. Hôm nào gặp nhau nói dóc một bữa cho đã nhé.

  15. Chào Lê Vũ.
    1- Những cây chớm bị nấm cổ rễ có những vết thâm đen nhỏ có thể chữa được, bị bịnh nặng cổ rễ bị thối đen, rụng lá, tháo khớp thì bó tay, bạn phải dùng “hỏa công” để xử lý thôi.
    2- Khi vệ sinh, làm cỏ vùng rễ phải để ý, nếu thấy kiến bò lên, xuống thân cây hoặc kiến làm tổ ở gốc cây thì moi xuống vùng quanh cổ rễ khoảng 5-10cm để kiểm tra rệp sáp. Cây vàng lá, đột nhiên rụng trái, rễ không hút được dinh dưỡng nuôi cây, có thể bị rệp sáp, đến mức độ này thì rệp đã đóng măng xông bó quanh cổ rễ và các rễ phụ rồi có thể chữa được, phải biết cách chữa, kiên trì lập lại từ 2-3 lần và phải mất thời gian dài cây mới phục hồi lại được.
    3-Gần đến kỳ cho phân, lấy cái bao nhỏ hoăc cục đá bằng cuốn vở học sinh đặt cách cổ rễ một gang tay cứ ba ngày nhấc lên kiểm tra một lần, khi nào thấy ra chùm rễ trắng thì cho phân.
    Hiện nay chỗ tôi mưa cả đêm đến giờ vẫn còn mưa mưa cứ to dần, trời lạnh mà lòng thì nóng.
    Thân ái.

  16. @tay nguyen tieu thân!
    Theo tôi được biết thuốc CARBENZIM 500FL đặc trị bệnh đốm lá do nấm Rosellina sp. (Bệnh đốm lá do nấm Rosellina sp mặt dưới lá có các vết nâu rải rác và tập trung ở bìa lá nặng thì toàn lá héo vàng). Cơ bản nhất bạn phải xác định tiêu bạn bị bệnh gì chứ mô tả như bạn rất khó biết. Bạn nói :”Hái xong 2-3 ngày tháo đốt”. Ta dùng phương pháp loại trừ để đoán bệnh. Giả sử tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, rệp sáp… hiện tượng này thường xảy ra trước thu hoạch. Còn bệnh tuyến trùng theo mô tả của bạn cũng không phải. Vậy chỉ còn bệnh Rosellina sp (bệnh Rosellina sp ít khi bị tháo khớp). Bạn thử thay thuốc này xem sao Top sin M70 WP (xịt trên lá) và kết hợp đổ thuốc trị tuyến trùng vào cuối mùa mưa. Chúc bạn thành công. Thân chào!

    • Rất chân thành cảm ơn anh Minh Vịnh và anh Phan Phát nhé. Tôi sẽ làm theo 2 anh xem thử vụ này thế nào.
      Chúc 2 anh sức khỏe. Chào tạm biệt, hẹn gặp lại lần sau.

    • Chào Bác Phát!
      Nhờ Bác tư vấn cho, tôi muốn ủ phân bò có nên dùng thuốc Basudin để khử ban đầu không? Năm ngoái tôi ủ phân bò song đến khi đưa ra sử dụng thấy con Giun rất nhiều và cũng có rất nhiều con Sùng đất thật to, tôi sợ khi mang đi bón con Sùng phá hại bộ rễ quá. Còn nếu dùng thuốc basudin thì sợ diệt luôn cả nấm tricho ta trộn vào. Mong bác chỉ giúp.

    • Tôi thấy bạn chưa biết về qui trình ủ phân hữu cơ!
      Bạn nên đọc lại tài liệu để hiểu rõ hơn. >> http://giacaphe.com/9763/ky-thuat-che-bien-vo-ca-phe-thanh-phan-huu-co-sinh-hoc/
      >> http://giacaphe.com/10771/quy-trinh-che-bien-phan-huu-co-vi-sinh-tu-vo-ca-phe/?trashed=1&ids=13555

      Thuốc Basudin để diệt các loại côn trùng gây hại, được dùng để xử lý ngay ở vùng đất có côn trùng chứ tuyệt đối không dùng để xử lý đống ủ.

      Khi đống ủ phân hũy sẽ xảy ra quá trình sinh nhiệt lên đến trên 70 độ. Không có giun dế hay hạt cỏ nào kể cả các loại nấm hại hay các vi sinh vật gây hại có thể sống ở nhiệt độ đó. Nếu đống ủ của bạn có giun, sùng đất là do bạn để tái nhiễm sau khi qui trình ủ đã hoàn tất thôi.

  17. Chào anh Minh Vịnh ! Em cũng rất đồng tình với anh là nên có một bài viết về “Cách hạn chế-loại bỏ bớt độc tố khi sử dụng phân và thuốc hóa học”. Anh ạ, bà con mình nhiều người cứ chạy theo lợi nhuận kinh tế mà quên rằng mình đang làm một việc “kinh thế” đâu anh.
    Chờ bài viết của anh, anh tư vấn cách bảo hộ khi dùng thuốc luôn nhé! Cảm ơn anh trước.

  18. Chào anh Phan Phát
    Cả buổi sáng nay tôi đi tìm mua thuốc TOP SIN M70WP nhưng thị trường ở đây không có (tôi đang ở Chư Prông – Gia Lai). Anh vui lòng cho tôi biết hoạt chất của loại thốc này là gì? Chứ còn tên thương hiệu thì nhiều lắm chẳng biết mô mà lần.
    Anh cho tôi hỏi luôn là cây tiêu bị chết phần ngọn (trụ bê tông) có phải là do nấm hồng không? Tôi có thể dùng ANVIL được không?
    Cảm ơn. Chờ hồi âm.

    • Thân chào @ tay nguyen tieu!
      Bạn nên xem xét cẩn thận chỗ chết trên ngọn, vì có nhiều nguyên nhân làm cho tiêu chết từ giữa trụ lên đến phần ngọn. Bạn kiểm tra thật kỹ xem chết là do nấm bệnh, vết thương cơ giới hay là do động vật cắn phá.
      Chúc bạn mau chóng trị hết bệnh trên vườn tiêu của mình.

    • Chào bạn!
      Đó là bệnh sài đầu. Nguyên nhân do nấm gây ra. Bạn có thể dùng thuốc trừ nấm tiêu diệt dùng thêm nấm đối kháng để ngừa. Cắt bỏ phần tiêu bị nấm tấn công đó đem đi tiêu hũy thì cây sẽ không bệnh nữa. Bệnh này có lây lan y như chết nhanh chết chậm. Chết từ ngọn chết xuống. Bạn xem lại vườn nhà mình. Nên dọn dẹp vườn cho thông thoáng thì cây sẽ ít bệnh.
      Thân!

  19. Ở Gia Lai thì anh lên TP để mua sẽ tốt hơn, vừa rẻ và vừa đảm bảo hơn dưới huyện. Em biết có 2 cửa hàng lớn trên Tp là: Siêu Thị Nông Nghiệp đối diện Head Hoàng Anh Gia Lai, cửa hàng Khánh Hiền-351 Lê Duẩn.
    Tiêu bị chết phần ngọn thì không chữa được đâu, anh chữa mất công, nên phòng thì tốt hơn

  20. @tay nguyen tieu thân!
    Bạn có thể gọi đt cho tôi để tư vấn trực tiếp, nhớ quan sát thân, cành, lá, cổ rễ, dưới đất… triệu chứng. Tôi chờ bạn đt (gọi lúc chiều tối). Thân chào!

    • Cảm ơn anh Phan Phát nhé. Nhưng tôi lại không có có số máy của anh, anh làm ơn cho tôi xin số máy được không? Tôi cũng như anh chỉ rảnh vào buổi tối thôi… vì còn phải lên rẫy nữa. Nhà nông là thế mà.
      Số máy của tôi là 0936577860. Chào anh.

  21. Cháu chào các chú các bác ạ! Cháu tên là Phát ở Trảng Bom. Do nhà có mảnh đất trống nên cháu đã xin gia đình cho canh tác hơn 300 đọt tiêu. Giờ đã đựơc 3 năm tuổi, nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chỉ trong vài tuần này hơn nửa số tiêu đã chết do vàng lá, thối rễ. Giờ bệnh vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Cháu cũng không biết làm sao mong các bác chỉ giúp cháu thuốc khiến bệnh ngừng lây lan được không ạ. Cháu vô cùng cảm ơn.

  22. Chào cả nhà.
    Em là người mới vô nghề nên không am hiểu lắm về cách chăm sóc tiêu. Thấy bài viết của anh chắc chắn anh là người có rất nhiều kinh nghiệm. Em muốn hỏi các anh ở đây là không biết có anh nào dùng chế phẩm sinh học không? và loại nào thích hợp cho tiêu có thể tư vấn giúp em không ạ. Còn 1 băn khoăn là có nên trồng cỏ Lạc trong vườn tiêu không? Em thấy ở 1 số nơi có trồng nhưng em vẫn còn phân vân. Mong các anh giúp đỡ. Hiện tại em đang ở Đăk Nông.
    Em là sinh viên tke mới ra trường nhưng rất thích trồng cây và chăm sóc cây. Mong cả nhà nhiệt tình giúp em. Em cảm ơn.

Gửi phản hồi mới

(?)