Ấn Độ đã đồng ý gỡ bỏ Lệnh tạm ngưng nhập Hồ tiêu từ Việt Nam

, Thị trường hạt tiêu, 26

Theo thông báo chính thức của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sau khi có Công văn khẩn cấp của VPA gửi trực tiếp cho Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc ngay với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam chiều ngày 16/3/2017.

Sau buổi làm việc, hai bên đã thống nhất cùng gỡ bỏ một số Lệnh cấm nhập khẩu một số nông sản của hai nước mới ban hành đầu tháng 3/2017 vừa qua.

Thời gian qua ngành Hồ tiêu Việt Nam đã có được sự tăng trưởng nhanh, diện tích ước đã là 130.000 ha, sản lượng xuất khẩu năm 2016 trên 179.000 tấn, đạt kim ngạch trên 1,4 tỷ đô-la. Dự kiến sản lượng xuất khẩu 2017 sẽ tăng khoảng 15%.

Ngày 7/3/2017 vừa qua, Hiệp hội đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp về việc tạm dừng cấp Chứng nhận Kiểm dịch Thực vật của Cục BVTV Việt Nam vì lý do có Văn bản của cơ quan BVTV Ấn Độ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ, Ngày 6/3/2017 thông báo về việc yêu cầu Cục BVTV Việt Nam dừng cấp Chứng nhận Kiểm Thực vật từ ngày 7/3/2017 với 6 mặt hàng trong đó có hồ tiêu. Do đó, từ ngày 7/3/2017 đến nay doanh nghiệp Việt Nam không dám xuất hạt tiêu đi Ấn Độ mặc dù Cục BVTV Việt Nam vẫn đồng ý cấp, dẫn đến khả năng thiệt hại lớn do hàng đã đóng container không giao được, hàng đã mua nhập kho chưa xuất được, các hợp đồng ngoại thương đã ký có khả năng bị huỷ, số lượng bị dừng xuất ước hàng ngàn tấn.

Cũng thời điểm, giá hạt tiêu trên thị trường trong nước đã sụt từ 120.000 đồng xuống dưới 100.000 đồng /kg làm cho tình hình thị trường trong nước và người sản xuất lo lắng. Ần Độ là thị trường hết sức quan trọng đối với hạt tiêu của Việt Nam. Năm 2016 vừa qua sản lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ đã đạt trên 11.000 tấn, đứng thứ 3 chỉ sau vào Mỹ và Tiểu vương quốc Ả Rập. Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam của Ấn Độ được dự báo là sẽ có thể đạt 15.000 tấn trong năm 2017. Những ngày qua các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang rất sốt ruột mong muốn Lệnh tạm ngưng nhập khẩu hạt tiêu được Chính phủ sớm gỡ bỏ để các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thương mại đã ký với các đối tác.

Trong bối cảnh sản lượng hồ tiêu tăng cao, lại đang vào vụ thu hoạch, quyết định gỡ bỏ Lệnh tạm ngưng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam đã thực sự đem lại sức sống cho toàn ngành. Từ hôm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có thể mạnh dạn cho hàng đi Ấn Độ.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
26 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Đây cũng chỉ là trước mắt thôi các bác ạ.
    Để lâu dài thì mình vẫn phải cứu mình là chính.
    Hãy cùng nhau tạo ra sản phẩm sạch mới là bền vững.
    Thân chào các bác chúc vụ mùa 2017 giá cao.

  2. Biết chắc thời gian tới giá tiêu sẽ lên nhưng hoàn cảnh còn khó khăn, đến hẹn lúc trả nợ phải trả. Gần 2 tấn tiêu bán hết cả rồi, tiếc quá…!

  3. Đọc bài viết này mà cảm thấy được ăn ủi. Cũng hy vọng là giá tiêu sẽ có những chuyển biến tích cực hơn

  4. Sản xuất tiêu sạch là nghĩa vụ của người trồng tiêu với cộng đồng. Mua giá khuyến khích, cộng thưởng chỉ là biện pháp động viên nhất thời của nhà xuất khẩu. Nếu bà con vẫn duy trì lối sản xuất “bẩn” thì giá tiêu không chỉ xuống dưới 100k mà còn rớt sâu nữa thì sao ?!
    Hay là để mất bò mới lo làm chuồng !

  5. Bà con mình phải làm tiêu sạch giá cả mới ổn định được, bằng không bà con mình tự giết chết mình đấy

  6. Ko phải do nông dân họ không làm. Nếu công ty về mở đại lý thu mua tiêu sạch để nông dân có thể hợp thành nhóm đủ sản lượng rồi ra ngay đại lý gửi hàng rồi thử mẫu bớt dk nhiều giai đoạn. Chứ bảo họ gửi hàng xuống Sg rồi đợi kết quả đợi cty trả tiền thì nông dân ai dám làm. Gửi đại lý gần nhà còn sợ bùng. Nhiều nhà tài sản chỉ có vài tấn tiêu nên họ chỉ biết ăn chắc mặc bền. Ko thể đổ lỗi cho người nông dân được.

    • Mình không tin người ta hà cớ sao lại bắt người ta phải tin mình ?
      Không phải do nông dân không làm có nghĩa là biết bẩn mà các bạn vẫn làm ?!
      @ Thanh Hà nói có lí, mình không tự cứu mình thì ai cứu đây ?

  7. Không biết người ta mua tiêu bụi tiêu lép về làm gì mà ngày nào cũng hỏi mua.. Chắc là những người mua đi bán lại họ trộn đủ thứ vào nên mới có khái niệm tiêu bẩn.

  8. Giá tiêu lên cho nông dân bớt khổ, hôm bữa xuống mức 92 ngàn/kg đã vậy lái buôn còn hô hào sẽ xuống nữa làm người dân sợ nên thi nhau bán tiêu hậu quả là lỗ nặng.

  9. Đó là cách và chiêu trò của những lái buôn, lợi dụng hoàn cảnh lúc tiêu rớt giá. Họ đánh vào tâm lí nông dân chúng ta để trục lợi thu mua. Tâm lí, lập trường không vững thì sẽ lung lay và hoang mang. Nhưng…cũng khó vì rất nhiều lí do khiến nông dân phải như vậy, biết tiêu sẽ lên giá nhưng phải chờ thêm thời gian nữa. Những người đi vay mượn để đầu tư, và kỳ hạn và lãi suất nó không chờ một ai. Nếu như ta không có vốn để xoay sở thì phải đành chua xót bán tiêu với giá rẻ đi để mà trả thôi.

    • Chấp nhận thua thì nghiến răng chịu, bàn cũng bằng không…

  10. Không quan tâm cho lắm. Doanh nghiệp Việt muốn ép giá thì cũng không lên được. Nguồn cung thế giới chưa tới mức dư. Biến đổi khí hậu trồng tiêu không phải dễ, dịch bệnh nhiều. Thấy dân bán thì doanh nghiệp giảm, găm hàng lại thì họ tặng vài ngàn lấy lệ.

  11. Có hai vấn đề liên quan đến tiêu bẩn. Một là sử dụng thuốc vô tội vạ, hai là trộn bụi đất vào tiêu. Chúng ta cần giải quyết cả hai vấn đề trên. Mọi người có đồng ý không?

  12. Tất nhiên là rất đồng ý rồi, nhưng chúng ta còn nhiệm vụ nữa là ngăn chặn hoặc tố cáo với các cơ quan chức năng khi thấy ai làm 2 vấn đề trên.

    • Nếu tôi trộn thêm bụi đất, tất nhiên là tôi có lợi hơn, mà vẫn bán được thì mắc gì không trộn ?
      Tiêu tôi nhiều bụi đất nhưng thương lái vẫn mua, thậm chí tranh mua vì họ có lợi. Vậy thì họ bán lại cho các cty, đại lý ntn ? Vấn đề nằm ở đâu ? Mọi người trao đổi rõ ràng đi…

  13. Xin đóng góp vài ý kiến:
    1. Hồ tiêu phần lớn được sử dụng làm thực phẩm: ăn trực tiếp, tẩm vào thức ăn. Hãy tưởng tượng gạo hàng ngày chúng ta nấu cơm mà có nhiều thuốc BVTV hay hóa chất bám trên gạo cùng với dính đất cát, cọng cành, bụi bặm thì chúng ta sẽ hiểu người tiêu dùng thế giới khó chấp nhận sản phẩm tiêu với chất lượng như vậy.
    2. Sở dĩ tiêu Việt Nam vẫn bán được nhiều là vì các công ty xuất khẩu mua tiêu nguyên liệu từ đại lý/công ty trung gian về rồi sàng lọc, tách cọng cành, đất đá, kim loại rồi phân loại lại để cho ra các sản phẩm theo quy định của ASTA (hiệp hội gia vị Hoa Kỳ), một số công ty còn đầu tư máy móc để tiệt trùng (diệt hết vi khuẩn). Các sản phẩm mua mà chưa qua sơ chế trên chủ yếu bán cho Trung Quốc hoặc các nước dễ tính (đồng nghĩa giá thấp).
    3. Các nước tiêu thụ tiêu Việt Nam đều phản ánh vấn đề chất lượng tiêu của chúng ta, chủ yếu là dư lượng thuốc + tạp chất (bụi, tiêu lép – light berries, đất đá). Với dư lượng thuốc thì chỉ có bà con nông dân mới giải quyết được qua kỹ thuật canh tác chứ các khâu còn lại chỉ có thể làm giảm bớt (qua sơ chế). Với tạp chất trong tiêu, không một công ty xuất khẩu nào lại dại dột bán hàng gian dối này vì sẽ làm mất uy tín của mình + bị khách hàng phạt hay trả hàng về. Trong thực tế, một số khách hàng trung gian thế giới hay các đại lý trung gian, vì muốn giá cạnh tranh + gian lận nên họ vẫn mua/bán hàng nhiều tạp. Tuy nhiên việc mua bán hàng nhiều tạp chất đang giảm dần, mối nguy chính của tiêu Việt Nam vẫn là vấn đề dư lượng thuốc.
    4. Trong bối cảnh cung vượt cầu như hiện tại, tiêu Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh rất gay gắt và quyết liệt từ tiêu Ấn Độ, Brasil, Campuchia, Indonesia. Do đó, thiết nghĩ không ai cứu được chúng ta mà chỉ có chúng ta tự cứu mình, bằng cách:
    – Bà con đừng trồng mới thêm nữa, hãy tập trung vào chăm sóc vườn tiêu hiện có để tránh dư cung quá lớn.
    – Bà con hãy canh tác tiêu theo hướng bền vững (sử dụng thuốc, phân ở mức cho phép và đúng quy trình)
    – Các công ty trung gian/xuất khẩu nâng cao năng lực chế biến, kiểm soát chất lượng sản phẩm bán ra đúng cam kết, không mua bán hàng gian dối nữa.

  14. Giá tiêu tăng-> Mọi người ồ ạt trồng tiêu dù cho thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp + thiếu kiến thức về trồng và chăm sóc cây hồ tiêu (lạm dụng thuốc, ai bày gì xịt đó) + khí hậu thất thường dễ gây bệnh cho cây hồ tiêu (mưa nhiều, nắng nhiều) + thương buôn ép giá. Vấn đề chắc ai cũng biết có điều ai sẽ giải quyết?

  15. Cần xử lý nghiêm ngay vấn đề mua bán tiêu lép. Mua tiêu lép để làm gì từ đó dẫn dến vấn nạn hạt tiêu mất chất lượng… Ngành chức năng cần mạnh tay hơn nữa.

  16. Tiêu bẩn ở đây ý là tiêu có dư lượng các chất hóa học gây ung thư. Vấn đề tiêu lép là không thể cấm được. Khi cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ như siêu thị chẳng hạn họ sẽ yêu cầu một chỉ tiêu chất lượng cụ thể như độ ẩm, tạp chất…và dung trọng là điều cơ bản nhất. Nếu họ yêu cầu tiêu có dung trọng 500gr/l mà tiêu mình cung cấp có dung trọng cao hơn thì sao? Bắt buộc phải phối trộn thêm tiêu lép vào để phù hợp với giá cả và yêu cầu của họ chứ sao nữa. Nếu không thì họ sẽ bỏ mình mà tìm một đối tác khác. Làm ăn là vậy đó.

Gửi phản hồi mới

(?)