Đăk Lăk: Đồng bào Mông phát triển cây hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 3

Vườn tiêu của bà con dân tộc Mông

Vườn tiêu của bà con dân tộc Mông ở Cư Đrăm, Krông Bông.

Những năm gần đây, do hồ tiêu được giá nên nhiều hộ dân ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) đã mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu. Cũng theo phong trào này, một số bà con dân tộc Mông của xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây hồ tiêu. Hiện nay 6 thôn đồng bào Mông của xã Cư Đrăm đã trồng được trên 6 ha cây hồ tiêu.

Nhận thấy chất đất và thời tiết hợp với cây hồ tiêu, năm 2011 anh Sùng Seo Pao ở thôn Nao Huh đã học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hơn 3 sào cà phê kém hiệu quả để trồng 400 trụ hồ tiêu. Diện tích hồ tiêu này hiện nay đã phát triển tốt và cho thu hoạch được 2 năm. Năm 2015, anh chuyển đổi tiếp hơn 2 sào cà phê để trồng 350 trụ và trong năm nay anh dự tính sẽ trồng thêm 130 trụ nữa. Anh Pao chia sẻ: “Khi mới trồng mình cũng lo lắm vì trồng hồ tiêu cần kỹ thuật cao và rất dễ bị sâu bệnh. Do chăm sóc tốt, nước tưới đầy đủ nên cả vườn chỉ chết có 6 trụ. Năm vừa qua gia đình mình thu được hơn 1 tấn hạt khô từ 400 trụ, bán được 200 triệu đồng. Năm nay ước tính 400 trụ này sẽ thu được khoảng 2,5 tấn hạt khô. Trồng hồ tiêu đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác…”.

Ông Vàng Seo Tạ (ở buôn Tơng Rang B) có hơn 2 ha đất sản xuất. Năm 2012, ông chuyển đổi gần 1 sào đất trồng ngô lai kém hiệu quả để trồng 100 trụ hồ tiêu; diện tích còn lại ông vẫn trồng các loại cây như đậu, ngô lai, cà phê, lúa. Năm vừa qua từ 100 trụ tiêu gia đình ông đã thu được hơn 40 triệu đồng. Ông Tạ cho biết, sắp tới gia đình ông sẽ mở rộng trồng thêm khoảng 100 trụ nữa…

Vườn hồ tiêu của ông Vàng Seo Tạ ở buôn Tơng Rang B

Vườn hồ tiêu của ông Vàng Seo Tạ ở buôn Tơng Rang B

Trồng hồ tiêu đã trở thành phong trào ở 6 thôn đồng bào Mông của xã Cư Đrăm vì hiệu quả kinh tế của nó mang lại khá cao. Hiện nay người dân ở đây đang tiếp tục trồng mới với diện tích ước tính hơn 10 ha. Nhiều nhất là các thôn Ea Hăn: khoảng 4 ha; thôn Cư Đhắt: 3 ha; thôn Ea Luêh: 2,7 ha… Ông Sùng Minh Hoàng, Trưởng thôn Ea Hăn cho biết: Trong thôn có nhiều hộ đã và đang có dự định chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Người ít thì vài chục trụ, người nhiều đến 500 trụ. Hiện nay các hộ đang chuẩn bị chôn trụ và xuống giống. Đa số các hộ tự túc được trụ, mua giống rẻ của người quen, một số gia đình trồng bằng trụ sống nên đỡ chi phí đầu tư.

Trên thực tế, hiện nay đất nông nghiệp của xã ngày càng bị thu hẹp, nhiều cây trồng kém năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn người Mông vẫn còn trên 30%. Do vậy để người dân canh tác đất nông nghiệp hiện có với hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu thì rất cần định hướng cho bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết. Mặt khác, cây hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp “khó tính”, yêu cầu về kỹ thuật cao, vốn đầu tư ban đầu lớn; trong khi đồng bào Mông chủ yếu trồng theo phong trào, chưa có kinh nghiệm, ít bón phân nên cây hồ tiêu rất dễ bị sâu bệnh hoặc kém năng suất, vì vậy cần tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để bà con chuyển đổi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao…

3 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Cho em hỏi, bài báo có viết : Trên thực tế, hiện nay đất nông nghiệp của xã ngày càng bị thu hẹp,…
    Vậy thì đất nông nghiệp ở đây đã bị chuyển đổi mục đích để làm gì? Không lẽ bà con bỏ hoang không canh tác vì khô hạn hay lý do nào khác nữa…? Ở chỗ em cũng vậy, bây giờ bà con kiếm không ra đất để mở rộng sản xuất.

  2. Vùng này ảnh hưởng thời tiết hai miền cuối Tây Nguyên và đầu với Khánh Hoà. Khó làm bông, năng suất không đạt.

    • Vùng này nằm trên đỉnh dãy Trường Sơn nên thời tiết không ổn định, chịu ảnh hưởng khí hậu của cả Đông lẫn Tây Trường Sơn, mà… “Trường Sơn đông nắng tây mưa…”

Gửi phản hồi mới

(?)