Đăk Lăk: Nông dân đang “đánh bạc” với hồ tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 5

Thời gian qua, do giá tiêu hạt tăng đột biến nên người dân Đăk Lăk ồ ạt chặt cà phê trồng hồ tiêu, bất chấp sự may rủi và khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Anh Hoàng Minh Hùng vừa phá 1ha cà phê đang chuẩn bị đổ trụ trồng tiêu chia sẻ với phóng viên.

Anh Hoàng Minh Hùng vừa phá 1ha cà phê đang chuẩn bị đổ trụ trồng tiêu chia sẻ với phóng viên.

Trồng theo phong trào

Điều đáng lo ngại là, tại các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Cư Kuin…, người dân đang trồng xen tiêu trong vườn cà phê với mật độ dày, thậm chí phá bỏ vườn cà phê, cao su,… để trồng tiêu.

Gia đình ông Hoàng Minh Hùng ở khối 3, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) vừa phá bỏ 1ha cà phê để trồng tiêu, cho biết: “Do cà phê đang giảm giá mạnh, trong khi giá tiêu hạt tăng cao, nhu cầu thị trường lớn nên gia đình tôi chặt bỏ cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Ở đây nhiều nhà cũng làm như vậy”.

Khi được hỏi nếu hồ tiêu bị sâu bệnh, mất mùa hay rớt giá thì sẽ như thế nào, ông Vũ Đức Thành (thôn 1, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) cho hay: “Biết vậy, nên chúng tôi phải trồng xen canh, đa canh cà phê, hồ tiêu, bơ,… Được cây gì ăn cây đó, có mất mùa thì may mắn ra còn vớt vát được ít vốn”.

Ông Lại Quốc Huy (buôn Tơng Lia, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Thời gian qua, giá cao su, cà phê xuống quá thấp, để đảm bảo cuộc sống gia đình, chúng tôi quyết định phá cà phê và trồng xen tiêu vào diện tích cao su. Hy vọng giá tiêu ổn định như hiện nay để gỡ gạc lại chút vốn”.

Ngay cả gia đình ông Đặng Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Dliê Ya (Krông Năng) cũng vừa trồng thêm 500 gốc hồ tiêu. Ông tiết lộ: “Do giá cà phê thấp nên người dân tự phát làm thôi, chính quyền chẳng can thiệp được. Năm 2015, diện tích cà phê trên địa bàn giảm đáng kể do người dân phá bỏ để trồng tiêu, năm nay dự báo còn nhiều hơn, hiện đã có khoảng 60-70ha cà phê bị phá để nhường chỗ cho cây tiêu”.

Ông Châu Văn Lượm, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 25.000ha càphê nhưng do hạn hán rồi giá cả không ổn định nên bà con từng bước thay thế bằng các loại cây trồng khác, trong đó có tiêu, bởi giá tiêu hạt đang ổn định, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cà phê. Điều này lý giải vì sao diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng nhanh, hiện đạt khoảng 3.200ha, dự kiến đến cuối năm 2016 tăng lên 3.500ha”.

Được biết, Đăk Lăk hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng hồ tiêu lớn nhất Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc mở rộng diện tích chủ yếu do người dân chạy theo phong trào, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch, ngoài tầm kiểm soát của các địa phương.

Nghiêm trọng hơn, bà con còn chủ quan khi đưa giống tiêu không rõ nguồn gốc vào trồng đại trà, chủ yếu trồng trên cây trụ chết, trên vùng đất dễ bị ngập nước, khiến cây dễ bị dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Với việc trồng tiêu ồ ạt như hiện nay, dự báo diện tích tiêu của tỉnh Đăk Lăk sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc trồng tiêu ồ ạt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng khiến vườn tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt. Lúc đó, hậu quả thật khó lường.

Nông dân đơn độc

Khi được hỏi về việc “can thiệp” của các cấp chính quyền địa phương trong định hướng phát triển các cây trồng chủ lực trên địa bàn, ông Hoàng Minh Hùng cho biết: “Việc vay vốn trồng và tái canh cà phê chúng tôi rất khó tiếp cận bởi thủ tục rườm rà, nhiều điều kiện kèm theo, đa số các hộ gia đình không có đủ diện tích đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, chúng tôi vẫn tự trồng, tự bán, tự chịu trách nhiệm về việc được mùa mất giá”.

Ông Châu Văn Lượm cũng thừa nhận: “Người nông dân đang đơn độc. Bởi, họ chưa được hỗ trợ nhiều trong sản xuất, chưa hình thành mối liên kết giữa “4 nhà” để giúp họ sản xuất ổn định, theo định hướng thị trường”.

Thiết nghĩ, trước thực trạng phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu không theo quy hoạch và thiếu kỹ thuật như hiện nay thì việc người dân gặp rủi ro trong sản xuất là điều khó tránh khỏi. Do đó rất cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành tỉnh Đăk Lăk để những phong trào “trồng – chặt, chặt – trồng” như thế này không tái diễn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay đã có 30.000ha cà phê bị phá bỏ để trồng hồ tiêu và các loại cây khác.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng: Việc chặt bỏ cà phê và thay thế vào đó cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Vì vậy, ngoài việc ngành nông nghiệp các tỉnh cần định hướng rõ cơ cấu cây trồng thích hợp riêng cho từng vùng, bà con cũng cần cân nhắc kỹ việc phá diện tích cao su, cà phê và đổ xô trồng hồ tiêu.

“Tuyệt đối không trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su vì dễ bị nhiễm nấm phytopthora làm chết cây cao su. Không trồng tỉa cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, thậm chí cả diện tích cao su đang bắt đầu khai thác để trồng tiêu’’, ông Tự khuyến cáo.

5 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. “Giã biệt Đắng tôi tìm Cay bầu bạn
    Nghe tim mình quặn thắt những cơn đau.
    Ba mươi bảy năm làm bạn cùng nhau
    Nay từ giã không một câu hẹn trước…”

    Làm nghề nông quanh năm bán mặt cho đất – bán lưng cho trời, không ngại gian khổ, vất vả chỉ ngại giá cả thu hoạch không bù chi với bao nhiêu chi phí sản xuất, gia đình… Chỉ dựa vào mấy hạt cà phê thì làm sao mà không trăn trở…
    Kính chúc bà con chuyển đổi cây trồng thành công, toại ý!
    Là nông dân tôi xin chia sẻ sự đồng cảm sâu sắc với đồng bào!

  2. Đúng rồi anh Quốc Phạm…

    Nông dân chân chất , cũng vì muốn cuộc sống tốt đẹp hơn…

    Không nhưng cây tiêu. Bất kể cây gì Nông dân chúng ta thấy có giá đều phải suy nghĩ, trăn trở.

    Biết khó khăn nhưng cũng phải làm mà thôi !!!

  3. Tôi có 2ha đất, trồng mì, đậu, mè năm được năm thất, cafe, cao su đang rớt giá, năm nay chỉ có điều, hồ tiêu được giá. Hỏi cơ quan chức năng không khuyến khích trồng điều, tiêu thì trồng gì? Xin cho một lời khuyên.

  4. Trồng cây gì là việc của bạn.
    ” Mất mùa mất giá đó là do nông dân tự phát không theo quy hoạch, khuyến cáo. Được mùa được giá là nhờ cán bộ lãnh đạo, cơ quan khuyến nông địa phương đã quan tâm, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho bà con”. Ở đâu không biết chứ tôi đào hố trồng cây gần 45 năm nay mong dài cả cổ mà chưa hề thấy anh nào mở lớp tập huấn kỹ thuật gì cả. Còn hội thảo bán phân thuốc của mấy anh Cty tư nhân thì đâu nửa tháng lại tổ chức 1 lần, phân bón mà quảng cáo là “đặc trị” chết nhanh-chết chậm…
    Thôi thì cứ trồng cây gì mình thấy có triển vọng và phù hợp điều kiện tài chính, thổ nhưỡng… tìm niềm hi vọng mới vậy.

Gửi phản hồi mới

(?)