Đăk Nông: trồng tiêu bằng cây trụ sống

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 93

Việc sử dụng cây sống để làm trụ tiêu không những góp phần giảm chi phí ban đầu cho người sản xuất, mà còn giữ vững môi trường sinh thái, giúp cây tiêu phát triển ổn định.

Trồng cây muồng đen để làm trụ sống cho hồ tiêu

Anh Lê Hữu Dũng, ở xã Đắk N’drung (Đắk Song, Đăk Nông) chọn cách dùng trụ cây sống để trồng tiêu đã gần 10 năm nay cho biết: “Qua nhiều năm chăm sóc, tôi thấy dùng trụ bằng cây sống để trồng tiêu vừa ít bị sâu bệnh và thời gian thu hoạch cũng dài hơn”.

Còn anh Vương Đình Trọng ở cùng xã cũng nói: “Những năm gần đây, tôi bắt đầu dùng trụ bằng cây sống để trồng tiêu thấy vừa có thể che bóng mát cho tiêu vừa hạn chế được nguồn bệnh lây lan”.

Theo tính toán của nhiều nông dân thì để trồng được 1ha hồ tiêu với mật độ 2,5×2,5m, thì phải đầu tư vào khoảng 100 triệu đồng để mua trụ cây khô, đó là chưa tính đến phân bón, giống. Trong khi đó, nếu trồng bằng trụ cây sống thì chi phí rất ít, chỉ bằng 1/3. Như vậy, việc sử dụng cây sống để làm trụ tiêu không những góp phần giảm chi phí ban đầu cho người sản xuất, mà còn giữ vững môi trường sinh thái, giúp cây tiêu phát triển ổn định.

Có thể nói, những năm gần đây, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây hồ tiêu, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến việc dùng cây sống làm trụ để trồng tiêu. Các loại trụ cây sống thường gặp là lồng mức, mít, keo dậu, muồng cườm… tùy theo sự lựa chọn của từng hộ nông dân.

Trong đó, cây muồng đen (Cassia siamea) là một trong những loại cây dùng làm trụ cho tiêu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Khi được trồng với mật độ thích hợp và rong tỉa cây trụ sống hợp lý, nhiều mô hình trồng tiêu trên cây muồng đen đã đạt được năng suất rất cao, từ 4-5 tấn tiêu/ha.

Keo cũng là một trong những cây trụ sống được nhiều người lựa chọn vì lá nhỏ, vừa có khả năng che mát, nhưng vẫn có tán xạ đủ ánh sáng cho tiêu quang hợp. Bên cạnh đó, keo là cây họ đậu nên nó không cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây tiêu và có ưu điểm là lớn rất nhanh và có tuổi thọ cao.

Thùy Dương (Báo Đăk Nông điện tử)

93 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Việc trồng tiêu bằng trụ sống là giữ vững môi trường sinh thái, giúp cây tiêu phát triển ổn định, nhưng chúng ta cần lựa chọn loại cây nào thích hợp. Theo Văn Dân tui đã trồng một số loại cây và rút ra rằng thích hợp nhất là cây muồng đen, tuy mấy năm gần đây muồng đen hay bị bệnh xì mủ rồi chết, nhưng tán lá thích hợp với cây tiêu ánh nắng tán xạ, nếu trồng cây con nhanh lớn chăm sóc tốt 2 năm là tiêu có thể leo được, hoặc muốn trồng tiêu ngay ta trồng muồng chiết cũng dễ sống. Còn cây keo tiêu leo cũng thích hợp là cây họ đậu, ít cạnh tranh thức ăn, lá có thể chăn nuôi dê, bò … nhưng hạt keo dễ nảy mầm, khi trái già rụng hạt xuống thì đây là một nan giải khi diệt nó, phải cuốc tung lên cả gốc cây con, còn nếu chắn đứt ngang nó lại nứt lên lại hai ba cành. Còn cây mức thì lâu lớn, mít hay bị chết, nhà Văn Dân tui có mấy cây mít nay tiêu bám được khoảng 6-7 năm nhưng mít cũng chết, có tiêu bám cây cau là tốt nhất nhưng muốn trồng cau làm trụ tiêu thì phải trồng cau trước khoảng 5-6 năm mới trồng được tiêu, nhà Văn Dân cũng có mấy chục cây cau làm trụ tiêu, có cây thu được 12kg/năm, ưu điểm không phải rong cành.
    Mong bà con sáng suốt lựa chọn, còn Văn Dân tui chọn giải pháp trồng xen kẻ một hàng muồng, một hàng bê tông.
    Vài ý cùng bà con.
    Chúc thành công.

    • Trồng muồng chiết ở Đăk Song mưa nhiều khí hậu ẩm ướt, muồng trồng rất dễ chết. Trọng Quyết thấy trồng muồng hạt thành đám sau đó đường kính khoảng 4-5 cm thì đào ra cắt ngọn theo ý muốn rồi đem trồng, sau đó tiến hành trồng tiêu cũng tốt. Hoặc có thể trồng muồng chiết nhưng kèm theo một cây muồng hạt sau này nếu cây chiết sống ta sẽ tính. Mong góp ý sâu sắc hơn.

    • Chào @trongquyetle
      Bạn nói ở Đắk Song mưa nhiều trồng muồng chiết khó sống, đó là sai lầm đó, Văn Dân tui trồng muồng chiết chọn thời gian mưa dầm trồng, để giảm tỷ lệ chết, vì trời mưa vỏ cành chiết không bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào làm khô vỏ và thoát nước, khi trồng bạn chú ý cho mấy điều đơn giản này thì tỷ lệ sống trên 95% :
      – trên đầu trụ bạn lấy túi nilong bịt kín tránh nước mưa vào vết chặt làm thối đầu.
      – Trước khi cho trụ xuống hố bạn đổ vào hố khoảng 1/3 hố nước, sau đó lấp ít đất dùng cây nhỏ bằng ngón chân cái chọc cho số đất đó nhảo ra bùn, tiếp đến là lấp đất đầy hố và đầm vừa chặt (đừng quá chặt) .
      • Lưu ý không làm dập u chiết của cọc .
      Còn bạn nói trồng muồng chiết còn phải trồng cây muồng con bên cạnh quá lảng phí. Nếu bạn trồng muồng con thành đám để lớn 40-50cm chặt ngọn đánh ra trồng thì quá vất vả mà chắc gì sống được 95% .
      Từ ngày làm tiêu đến nay tự tay Văn Dân trồng muồng chiết không dưới 1500 cây rồi, thấy tỷ lệ sống trên 95% cả .
      Chúc bạn lựa chọn biện pháp hợp lý.

    • Cảm ơn Nông Văn Dân, thực ra mình chưa từng trồng cây muồng chiêt. Chỉ là mình nghe kinh nghiệm của mấy người trong xóm, vườn nhà mình chủ yếu là trụ gỗ kẹp cây muồng hạt. Kinh nghiệm của bạn có thể giảm chi phí kinh tế cho trọng quyết trong năm sau lần nữa xin cảm ơn !

    • Xin chào cả nhà! Chào anh Nông Văn Dân thân!
      Chả là nhà mới mua 4 ha, hiện đang trồng ca phê và điều già cỗi. Mình dự định tái canh toàn bộ diện tích để trồng tiêu xen cà phê hoặc xen bơ.
      Và dự kiến trồng tiêu bằng cây sống, nhưng phân vân không biết lựa chọn muồng đen hay lồng mức.
      Và không biết có nơi nào thiết kế lại toàn bộ lô thửa cho bài bản, cả hạ tầng phục vụ đường lô, hệ thống tưới nước ngầm… và giúp nhiều vấn đề khác nữa.
      Cám ơn diễn đàn. Cám ơn bác Văn Dân

    • Chào anh! Chắc anh cũng ở Đăk Nông?
      Ở khu vực Đắk Song thì có một số vườn trồng muồng đen, khi tiêu phủ trụ mà rong chặt quá tay không để cành thở, muồng hay bị chết. Anh nên tìm hiểu về cây keo CU BA (keo dậu, sản). Với khí hậu lạnh nếu trồng hạt sẽ rất lâu lớn, dùng cây chiết thì kịp. Keo khi tỉa sạch cành vẫn không bị chết.
      Tôi đã thử một số loại trụ sống rồi nên có một vài chia sẻ cùng anh.

    • Chào @ Lê Tuấn Anh. Văn Dân sẽ đưa ra ưu, nược điểm của 2 loại cây là muồng đen và lồng mức bạn tham khảo :
      – Muồng đen ưu điểm nhanh lớn, trồng muồng năm này năm sau có thể trồng tiêu được tiêu bám tốt, có thể trồng bằng cành chiết. Nhưng nhược điểm nếu để tiêu phủ kín trụ, tỉa hết cành 1 vài lần muồng sẽ chết, thỉnh thoảng có cây bị xì mủ rồi chết.
      – Lồng mức ưu điểm tiêu bám tốt, ít chết. Nhược điểm lâu lớn phải trồng trụ trước 5 năm tiêu mới có thể trồng tiêu.
      – Keo Cu Ba ưu điểm tiêu bám tốt, ít bị chết. Nhược điểm rễ ăn nổi lên, một nhược điểm lớn là hạt nó rơi xuống đất rất dễ nảy mầm do đó bạn phải tỉa cành làm sao không cho nó ra trái, nếu có trái rụng xuống thì cây con nảy lên mệt hơn làm cỏ.
      Còn khắc phục để cây muồng không bị chết khi tiêu phủ trụ rất đơn giản : bạn để chiều cao trụ vừa ý khi chặt ngọn hãm, chú ý trên cùng chừa 2 cành ngang, lúc 2 cành ngang đó to bằng cán cuốc, bạn cắt cách thân khoảng 50 cm tạo nó có 2 tay , khi tiêu phủ trụ mỗi lần tỉa cành bạn chỉ cần chừa mồi tay một cành nhỏ là đảm bảo muồng không bao giờ chết.
      Chức bạn thành công.

    • Chào gia đình giatieu.com và bác Nông Văn Dân.
      Mình sẽ chọn muồng đen bằng cây con khoảng 1ha và dùng trụ tạm cho tiêu leo sau khi trồng muồng, nhưng loại này trồng đại trà sau này có rợp quá không bác và kỹ thuật chiếc cây này như thế nào, bác giúp với.
      Bác xem như vậy được không, cám ơn bác nhiều.

    • Chào @ Lê Tuấn Anh. Nếu bạn chọn muồng làm trụ sống thì phải trồng với khoảng cách 3m x3m, hãm ngọn ở độ cao khoảng 5,5m – 6m, mỗi năm tỉa cành 3 đợt : tháng 4 tháng, tháng 7, tháng 10, nếu muồng trống năm 1 và 2 không tỉa cành, để thế cây nhanh lớn và cây sẽ lên thẳng không bị cong. Chiết muồng rất đơn giản, ngay chổ bạn định chiết lấy dao khoanh tròn cành chiết 2 vòng cách nhau 7-10cm lột vỏ cạo sạch đến gỗ, rồi để vậy khoảng 1-1,5 tháng khi có u nổi mình cắt cành về trồng, lưu ý khi chiết cành chiết phải còn cành cấp và lá mới nhanh có u.
      Chúc bạn thành công.

    • Vâng, cám ơn bác Nông Văn Dân nhiều. Chúc bác và gia đình giatieu mạnh khỏe, bội thu, được giá

  2. Cây xoan làm trụ tiêu sống là mô hình rất hiệu quả. Qua kinh nghiệm dân gian thì lá xoan là khắc tinh của các loài rệp. Chính vì vậy dân trồng tiêu đã loại được gần một nữa công việc chống tên rệp sáp vô loại. Ngoài ra cây xoan còn có đặc điểm lớn nhanh, cây thẳng ít cành ngang. Theo tôi nghĩ đây là mô hình rất hiệu quả, bà con nông dân nên cân nhắc để thực hiện. Trong cộng đồng nhửng người tâm huyết với trụ sống tham gia đóng góp xây dựng. Xin cám ơn và chờ ý kiến phản hồi.

  3. Xin chào… Rất vui đã có người quan tâm đến cây xoan, nếu bạn cần mua giống thì đến khu bán gần Viện nghiên cứu Đak lak hoặc thị trấn Măng giang. Còn sinh trưởng của nó rất nhanh, người ta trồng cùng với tiêu. Phương thức trồng như sau. Đóng một trụ tạm gần cây xoan cho tiêu leo vào năm sau cắt giống và gở dây tiêu buộc vào xoan là xong. Ta sẽ có vườn tiêu đẹp mà không tốn kém.

  4. Chào bạn Nam.
    Theo tôi bạn nói về cây soan chỉ đúng một nửa, tôi sử dụng cây soan làm trụ trồng tiêu đã hơn hai mươi năm nay rồi. Đúng là rầy, rệp không phá hại được lá cây soan, nhưng rễ của cây soan không tiết ra được chất gì để xua đuổi rầy, rệp vì tôi cũng dùng cây soan làm trụ cho cây tiêu leo, mấy năm trước đây tiêu của tôi cũng bị rệp sáp tàn phá tan nát bộ rễ. Chào thân ái, đoàn kết.

  5. Còn một điểm của cây xoan mà ít người đề cập. Đó là nấm địa y và nấm mạng nhện rất nhiều trên loại cây này.

    • Nhà cháu thì trồng cây keo…có bờ rào trồng bằng cây keo 2 năm nay cháu rong, dưỡng những chồi keo cho thẳng mưa xuống chiết. Khoảng 1 tháng sau có rễ là chặt đi trồng tỉ lệ sống khoảng 95 phần trăm. Sau chặt những chồi keo tiếp tục mọc lên lại rong và dưỡng tới mùa mưa năm sau to cở cổ tay lại chiết…ko lo về trụ. Những trụ nào chết cháu đã trồng sẵn 1 ít cây gòn 1năm tuổi, chỉ việc thay thế vào đó…
      Mong các bác nào có ý kiến hay hơn góp ý để cháu và mọi người tham khảo với nhé.
      Chúc cộng đồng thật nhiều sức khoẻ.

    • Chào @ Hoàng Đức
      Nhà cháu có bờ rào bằng keo dùng để lấy cành làm trụ tiêu thì hay quá, cháu nên dưỡng những cành thẳng khoẻ mạnh, nhưng Văn Dân có vài ý kiến cùng cháu là đối với keo bạn không nên chiết lâu chờ có rễ đâu, chỉ cần vài tuần là chặt trồng được, keo dễ sống, nếu không chiết gặp thời tiết như nay vẫn sống hồi đầu mùa mưa Văn Dân trồng 6 trụ không chiết nay lên chồi cả rồi đó, Văn Dân thấy cây gòn không thích hợp cho tiêu leo đâu vì vỏ trơn láng thỉnh thoảng lại phải cạo vỏ, dây tiêu mới bám được, và cũng bám không chắc đâu, ở chỗ Văn Dân người ta bỏ việc trồng gòn làm trụ tiêu rồi.
      Vài ý cùng cháu.

    • Dạ cháu cám ơn bác Văn Dân.
      Như bác nói k chiết mà trồng keo vẫn sống nhưng tỉ lệ sống thấp lắm. Năm trước cháu trồng 4, 5 trăm trụ mà sống có vài trụ… Nó cũng lên chồi khoảng 1, 2 tháng sau rồi chết từ từ nên cháu chiếc cho chắc, tỉ lệ sống cao hơn.
      Thân.

    • Tôi thấy trồng cây hồ tiêu có thế nên sử dụng lấy trụ bằng cây gòn sẽ tốt hơn, dễ trồng ko sâu bệnh.

    • Xoan vùng em ít ai trồng lắm, tại cây nó cao, dễ gãy. Kiến đỏ thì cực nhiều, mà tiêu thì ko lên nỗi vì rễ của nó ghê lắm, cuỗm hết rễ tiêu luôn.

    • Điểm quan trọng khi trồng cây xoan làm trụ tiêu là mình phải rong tỉa cành hợp lý để tránh gãy đổ trong mùa mưa hay mùa khô có gió lớn. Còn lại là do chăm sóc.
      Nhiều vùng ở Đông Nam bộ trồng xoan làm trụ tiêu ổn định hàng chục năm nay rồi.
      Thân

    • Chào bác Vịnh, chào cả nhà!

      Bác cho cháu hỏi, trong thời gian đầu trồng tiêu, để cải tạo đất cháu định trồng thêm các loại hoa màu trong lúc tiêu đang còn nhỏ, ngoài những cây họ đậu, thì có thể trồng bắp được không Bác? Cháu nghe nói trồng bắp dễ lây bịnh cho tiêu.

      Cám ơn Bác nhiều.

    • Chào bác Vịnh! Chào cả nhà!
      Cho cháu hỏi thêm. Cháu vừa phá 01 ha cà phê già, năng suất thấp để sang năm trồng tiêu bằng trụ sống.
      Cháu đã cuốc đảo đất. Chú tư vấn giúp các biện pháp xử lý đất và phòng trừ dịch bệnh trước khi trồng tiêu ạ.
      Cám ơn chú nhiều!

    • Cám ơn anh Vịnh!
      Xin lỗi anh nhé, gọi bác là thân thiện theo người Bắc.
      Thôi gọi anh cho nó dễ anh nhé.
      Em đã tìm mãi mà không thấy phương án xử lý đất (vừa phá cà phê xong) anh ạ!
      Trồng ngô có bị lây bịnh cho tiêu không ạ?
      Cám ơn anh nhiều!

    • Cám ơn anh Vịnh!
      Cho em hỏi, ngoài việc kiểm tra độ pH đất (đã thử bằng dụng cụ mua ở Trung tâm NC Đất-Phân bón Miền Nam), độ pH là 5,5 thì mình cần kiểm tra đất thêm các chất hữu cơ, khoáng khác không anh Vịnh.
      Cám ơn anh nhiều!

    • Nếu có điều kiện, bạn nên lấy mẫu đất dự tính trồng đưa đi phân tích để xác định thừa thiếu chất gì. Từ đó mình mới đưa ra phương án bón phân hợp lý vẫn hơn chứ.

    • Nhà em có gần một sào giờ muốn trồng tiêu, các bác cho em xin ý kiến với ạ, trồng được bao nhiêu trụ ạ.

  6. Trồng xoan nhanh lớn nhưng hại đất, rễ ăn ngang trên mặt đất giống như rắn bò, rễ xoan tiết ra chất Fitoxut, có hại cho đất có hai cho tiêu, vài dòng mạo muội. Thân!

  7. @trongquyetle: Dạo này vườn em có nhiều trụ lá kì lắm, chấm nhỏ nâu xanh (như màu lá cỏ ủ xanh vậy) cỡ như đầu kim, nhưng mỗi chấm riêng biệt, phân bố gần như khắp lá, nhưng rìa lá thì thưa dần, không phải như nấm “mắt cua” đâu anh, biểu hiện này không có ở lá non và lá già hẳn, mà chỉ xuất hiện ở lá >2tháng, dần rồi rụng, trên lá không có đốm to, hay loang, không giống thán thư hay chết nhanh, chết chậm. Lá biểu hiện như thế này khi em ở Bình Phước chưa từng thấy. Và năm ngoái thì có vài trụ thôi, em cũng có lấy dây từ mấy trụ đó đi trồng, tiêu con vẫn bị và vẫn lên bình thường, không chết trụ nào cả. Nhưng năm nay thấy nhiều quá em đâm lo. Liệu có phải do thời tiết và phân bón không anh (đất rất màu mỡ, tiêu con, nên em bỏ rất ít phân, chỉ rón ít NPK-TE vào chớm mùa mưa thôi). Hàng xóm quanh em thì ng ta bảo thán thư, họ cũng ko chắc, phun xịt đủ thứ, nhưng mà em thấy không phải, vườn em thoát nước cực tốt, với lại các chấm rất nhỏ, không liên kết, chủ yếu ở lá bắt đầu bánh tẻ, em chưa biết bệnh nên không dám làm bừa. Em đang gắng xuống tiêu mới cho kịp, có mình em thôi, chắc vẫn phải đợi thư mới ghé anh học hỏi và nhờ thổ địa bắt bệnh được.
    Thân.

    • Chào duy! nếu lá mà không vàng úa, không mềm, không héo rủ thì đừng vội xịt thuốc. Triệu chứng mà em nói tuyệt đối không phải là thán thư. Không biết vừa rồi em đả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng gì, và bón phân gì nếu có gì gấp thì phôn cho anh. Anh sẽ thu xếp thời gian sang thăm cho rồi mình sẻ thảo luận. Từ nhà duy ra ngả ba rừng lạnh có xa, không đường có đi xe ô tô được không ?
      Đôi khi chấm trên lá lại là triệu chứng khác mà rụng lá lại là nguyên nhân khác. Thân!

  8. Tôi ở Đức Cơ Gia Lai, hiện nay ở đây bà con trồng tiêu bằng trụ bê tông, giá thành rất đắt nhưng không bền vững, trồng gòn xanh thì hay bị sâu đục thân xì mủ, chết hàng loạt. Năm nay bà con lại trông cây hông để làm trụ cho tiêu leo, hiện giờ thì cây hông rất đẹp mau lón, nhưng không biết về sau thế nào. Tôi cũng muốn trồng cây hông làm trụ tiêu vì cây mau lớn rất khỏe.
    Mong các bạn tư vấn, chỉ giúp để gia đình tôi cũng như bà con vùng nầy chọn lựa phù hợp.
    Xin chân thành cảm ơn

    • Thân chào huỳnh thanh tùng.
      Mình đã từng trồng qua cây hông, vài nhược điểm để bạn tham khảo. Cây hông có thể bị tuyến trùng hay bị thối rể do nấm tùy theo đất. Rất hợp với đất sỏi, quặng bô xit. Không hợp đất ẩm thấp. Cây hông có rễ quá mạnh cành ngang quá nhiều và tán quá lớn. Nhưng khi tiêu lớn quá nhanh thì cây hông sẽ bị hiếp lại. Hông là loài thân mềm nên khi chết mang luôn cả bụi tiêu rất đẹp đi theo thật đáng tiếc. Vài ý kiến mong suy xét kỹ và tìm thêm ý kiến khác, Thân chào.

    • Anh Tùng ở Đức Cơ à?
      Em cũng làm việc ở Đức Cơ. Năm nay em định trồng ít tiêu, đã học được ít nhiêu kinh nghiệm trên diễn đàn. Nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế. Không biết anh ở xã nào, hôm nào cho em tham quan vườn được không?
      Anh cho em số điện thoại của anh nhé!
      Mong được anh giúp đỡ.
      Trân trọng

  9. Trồng keo, khoảng cách 3m3 x 3m3 nọc đôi, khoảng cách 02 cây của nọc đôi khoảng 0,5m, trồng vậy được 1800 cây /ha, có thể cao 8m. Cây đủ ánh sáng, năng suất khoảng 5k/ cây => khai thác không quá mức, năng suất ổn định 7 đến 9 tấn/ha (tất nhiên nếu chăm sóc tốt, ngừa bệnh, làm bông)

    Không thì trồng thử khoảng cách 3m5 x 3m, cũng nọc đôi, nhưng khoảng cách 02 cây của nọc đôi là 1m, chiều cao 6m, mình đang trồng thử theo cách này

  10. Bạn Hoàng Đức thân!
    Nhờ bạn hướng dẫn cách chiết cây keo giùm tôi với nhé. Cách làm của bạn thật tiện lợi.
    Thân!

    • Chiết keo thì đơn giản mà. Mùa này thay vì chặt bờ rào thì bạn dưỡng những chồi đó, rong sơ những cành ngang dưới cho nó lên thẳng, tới mùa mưa năm, sau nó to cở cổ tay bạn khoanh lột 1 khúc vỏ khoảng 2,3cm rồi bó đất vào thôi, lấy mấy cái bao đỏ cắt ra để bó cho nhanh. Đất thì lấy ngay dưới gốc nó cho khỏe. Bó 1 it đất vào để nó giữ ẩm thôi mà. Khoảng 1 tháng sau chặt xuống đem đi trồng rồi trồng tiêu luôn. Không có bờ rào thì bạn chọn những cành nào thẳng kích kỡ cho tiêu bám được thì cũng chiết như vậy. Chờ trời mưa nhiều chiếc cho khỏe nắng quá vài ngày phải tưới mệt.
      Vài ý cùng bạn. Thân.

  11. Vấn đề cây sống hợp lí cho Tiêu cũng làm tôi nhức đầu nhiều ngày. Nhưng tôi mới tìm được cây Bình Linh làm trụ sống.ưu điểm thân cứng, lớn nhanh (phù hợp với tiêu ăn thẳng và cắt dây), thân cây thẳng, ít làm chồi, tỉa cành.
    Nhược điểm: lá không tự phân hũy như keo, cẩm…
    Mong gia đình giatieu.com tư vấn giúp, ai đã trồng loại cây này rồi cho thêm ý kiến.
    Còn cây Hương làm trụ thì ưu, nhược điểm thế nào nhỉ?
    (keo, cẩm, gòn, lồng mứt tôi đều trồng qua nên muốn thử loại cây trụ khác)

  12. Thân chào anh Liêm, anh Gia Khánh!
    Em cũng muốn trồng cây Keo dậu (keo Cu Ba) để làm trụ sống cho cây Tiêu, nhưng ở Gia Lai em không thấy ai bán giống cây này, hai anh có hạt Keo thì có thể chia cho em một ít hạt em ươm làm giống và nhân rộng làm trụ sống cho Tiêu. Số điện thoại của em 0979791499. Cảm ơn hai anh rất nhiều.

    • Hạt giống keo thì ai mà bán a ơi? Nó mọc đầy, xin người ta cho hái cả rổ. Trồng tiêu mà để cành lớn quá ko chặt kịp nó ra trái rụng hạt xuống mọc đầy diệt còn mệt ấy chứ. Ở Gia lai chổ nào chứ em ở huyện Chưpưh đâu cũng thấy trồng đầy mà.

    • Tôi ở Yaly-Gia lai, tôi định năm tới trồng 1,7 ha. Tôi hái được một số hạt keo từ cây keo cao khoảng 5-7m, nhưng tôi nghe 1 người bạn nói làm trụ tiêu bằng 1 giồng keo khác ít rể hơn và thân lá cũng ít phát triển hơn để sau này đở mất công chặt tỉa cây keo. Anh bạn này cũng đả trồng mấy chục trụ bằng giống keo đó, hạt giống anh ta xin ở Chư Sê. Bản thân tôi vẫn phân vân không biết là keo dậu chỉ có 1 giống hay nhiều giống, có giống cây to và giống cây nhỏ ? Ai biết thì tư vấn cho tôi với. Xin cám ơn !

  13. Chào bạn Gia Khánh. Tôi đã trồng cây bình linh này từ năm 1987, cây mau lớn nhưng là cây da láng nếu đầu mưa bạn không cột đọt tiêu cẩn thận thì đổ mưa dây tiêu của bạn sẽ tụt hết dưới đất, tôi cũng đã lãnh đủ. Còn rễ cây mọc ngang trên mặt tranh thức ăn với tiêu, khi rễ lớn dễ bị kẹp gốc tiêu.

  14. Chào Huỳnh Thanh Tùng, tôi ở Đắc nông chổ tôi mấy năm trước người ta trồng cây hông nhiều lắm. Nhưng năm nay ko thấy ai trồng nữa cả. Ưu điểm mau lớn 1 mùa mưa là trồng tiêu oke, cành lá mềm dể giựt. NHƯỢC điểm : cây mau lớn quá tranh chấp dinh dưởng với tiêu nhiều, đặc biệt vào mùa nắng cây hút nước rất nhiều. Nếu tiêu 1 năm tuổi cở 7 đến 10 ngày mà chưa tưới là thấy tiêu vàng liền. Mùa mưa cành lá rất mau tốt nên phải thường xuyên cắt tỉa. Gió lớn cũng thấy gãy ngọn nhưng ko nhiều. Trên tôi mấy năm nay đổ xô trông cây hông, nhưng bây giờ họ phá đi cũng khá nhiều, lý do cạnh tranh dinh dưỡng hút nước quá tiêu lên ko nổi. Thân chào

  15. Bạn Thành Xuân thân!
    Bạn Hoàng Đức nói đúng đó, hạt keo ai mà bán bởi nó rất nhiều trái, cuối mùa rụng đầy. Bạn tìm nhà nào gần đó có vườn keo thì hỏi xin. Tôi ở mãi tận BMT, hạt thì nhiều lắm nhưng làm sao gửi cho bạn được. Bạn có người quen ở BMT không? Nếu có nhờ xin giùm rất dễ.
    Thân!

  16. Bạn Hoàng đức thân!
    Cảm ơn bạn thật nhiều nhé. Xin hỏi mùa này có chiết keo được không và khi chiết được một tháng cây ra rễ nhiều không và nhận biết bằng cách nào?
    Thân!

    • Bạn Liêm thân.
      Mùa này đang mưa nhiều khỏi tưới chiết keo quá tuyệt. mấy bửa trước mình củng đả khoanh vỏ hết rồi nhưng còn bận nhiều việc nên chưa bó đất được.bạn chiết khoảng 1 tháng là lá keo bắt đầu vàng và rụng. cần thiết thì bạn mở thử 1,2 bầu ra kiểm tra. Rễ vừa nhú ra là trồng tốt. chiều dài trụ tùy ý bạn chặt 3,4,5 mét gì củng được. Khi chặt lấy rựa hoặc cưa lốc cho nhanh, đừng lo bể bầu, vẩn sống tốt. Năm ngoái mình chiết hơi lâu rể ra dài chặt xuống bầu đất bể, rể củng gãy hết trồng 135 trụ chết khoảng gần 10 trụ. Có gì bạn ấn vào trả lời để hiển thị trong phần thảo luận mình biết nhé.bây giờ mình mới đọc được phản hồi của bạn.
      Thân.

  17. Theo các anh, các chú liệu giá tiêu ngày 3/8 như hôm nay còn có thể lên nữa ko, cho em 1 lời khuyên. Vì em đang định bán mà vẫn còn lưỡng lự…

    • Tôi nghĩ bạn nên giữ lại, ko nên bán ồ ạt… Các bạn càng bán ra giá sẽ càng xuống dốc. Đó là chiến thuật của các đầu cơ, ko ép đc giá người dân khoảng tháng 11 là phải lên giá thôi

  18. Cảm ơn Trọng Quyết và Bình An, đã cho mình góp ý chân thành.
    Nhân đây cũng cho mình xin hỏi là: Có mấy loại keo. Loại keo nào mau lớn, trồng tiêu phù họp, phân biệt thế nào để nhận biết keo ta và keo lai.
    Thân chào bạn

    • @Huỳnh thanh tùng.
      Keo có rất nhiều loại, mình chỉ biết được một số cây đó là keo đậu, keo tai tượng, keo lai nhưng chỉ thấy người ta trồng keo đậu (tức keo Cu Ba) nhưng loại keo này vẫn rất chậm lớn còn keo lai và keo tai tượng chỉ dùng để trồng rừng.
      Trồng tiêu bây giờ thích hợp nhất vẩn là cây muồng đen. Nếu không có trở ngại bạn nên nghiên cứu thử. Trọng Quyết thì chuyên trồng muồng hạt, còn Nông Văn Dân thì trồng muồng chiết lại rất hay ! Chúc thành công

  19. Thân chào gia đình Giátiêu.com
    Hiện nay trong vườn nhà tôi cây tiêu có hiện tượng trên lá xuất hiện những chấm như màu gỉ sắt to như đầu đũa, đầu que tăm. Mỗi lá có đến vài ba chục chấm như vậy. Xin mọi người giải thích dùm đó là bệnh gì, cách phòng trị, và quá trình phòng trị như vậy tiêu có bị rụng trái hay không? Rất mong sự góp ý của gia đình giá tiêu. Tôi xin cảm ơn.

  20. Chào các bác! Có bác nào đã dùng cây cẩm lai làm trụ tiêu chưa? có thể chia sẻ ưu nhược điểm của cây này cho mình biết được không. Nghe nói ở Quảng Bình đang trồng loại này. Cảm ơn các bác nhiều.

  21. Chào bạn Vinhthanh. Nhà mình cũng có trồng cẩm lai cho tiêu leo. Đặc điểm cẩm lai thân cứng, vỏ nhám, lá nhỏ, tán xạ ánh sáng tốt, ít đổ ngã. Nhược điểm hơi chậm lớn, trồng tiêu một lần phải có trụ tạm, tốt nhất là trồng cẩm lai trước 1,2 năm.
    Thân chào bạn !

    • Chào bạn Huỳnh Thanh Tùng! Không biết việc mình cắt tỉa chồi thường xuyên có ảnh hưởng đến chất lượng gỗ không? Cảm ơn bạn đã chia sẻ.

    • Cây cẩm lai có nhanh lớn không bạn ? giống mua ở đâu chỉ giúp, xin cảm ơn !

    • Chào Văn Dân.
      Theo mình thì cẩm lai, cà te, giáng hương, bình linh, sưa đỏ… đều tăng trưởng chậm như lồng mức, sử dụng làm trụ tiêu rất tốt nhờ thân mọc thẳng, ít cành nhánh (riêng sưa đỏ thì nhiều cành hơn). Văn Dân lên Ea Kmat tìm thử xem. Thân

  22. Các bác cho em hỏi chút nhé. Tình hình là nhà em có vườn tiêu dùng cây keo dậu, mà ko hiểu sao thỉnh thoảng cây keo cứ chết, các bác gup em với.

  23. Chào bạn vinh thanh.
    Cẩm lai trồng làm trụ tiêu leo cần phải vặt cành non, mình nghĩ không ảnh hưởng gì đến việc lấy gỗ sau này vì cẩm lai rất lâu có lõi. Mình không chắc lắm vì chưa khai thác gỗ bao giờ. Bạn nên tìm hiểu thêm.
    Thân chào bạn

    • Cách đây 25 năm Văn Dân thường đi rừng lấy gỗ phát hiện một kinh nghiệm những cây cẩm lai nào cành bị gãy vì gió bão thì những cây đó lõi có nhiều bông hoa văn đẹp lắm, thế thì chắc có lẽ cây mình trồng mà vặt cành nhiều thì có lẽ cũng có lõi bông đẹp.

  24. Em có ý tưởng thế này nhờ các bác trên diễn đàn xem có được không ? Em muốn trồng cây sưa để làm trụ tiêu nhưng sưa lâu lớn nên em trồng thành đám khoảng cách 50cmx50cm trồng 3 năm sau chiết như chiết cây muồng đi trồng làm trụ. Trồng như vậy tiện cho việc chăm sóc cây vươn cao không phải tỉa cành. Dự kiến sau 3 năm đường kính 7_8cm chiều cao 4m như vây có thể làm trụ được rồi, thế là mình có một vườn tiêu bàng trụ gỗ sưa giá trị hơn cẩm hay hương nhiều.

  25. Tiêu trồng trên cây lồng mức rất tuyệt vời. Nhược điểm của cây là chậm lớn mà thôi. Tiêu bám rất chắc và sinh trường rất mạnh. Vườn nhà mình sử dụng làm cọc chủ yếu là lòng mức. Rất ít khi thấy cây bị chết. Muốn phát triển bền vững vườn tiêu phải lựa chọn cây nọc sao cho phù hợp với vùng thổ nhưỡng là tốt nhất. Thân chúc bà con trồng tiêu 1 vụ mùa boi thu.

  26. Chào diễn đàn. Mọi người cho em hỏi vào thời điểm bây giờ em bắt đầu trồng cây sống, cây con ý. Cụ thể là cây muồng đen với cây lồng mức có được không ạ. Vốn là em mới mua được 1 ha rẫy em định trồng cây sống trước để 1,2 năm sau trồng tiêu nhưng do chưa có kinh nghiệm do chưa trồng bao giờ. Bây giờ trồng có muộn không ạ. Chúc cộng đồng giatieu.com sức khỏe và thành đạt. Thân chào.

  27. Chào diễn đàn ! Tôi mới mua được 2 hécta rẫy dự định trồng tiêu bằng trụ sống. Mọi người cho hỏi cây xoan nhừ (ngoài miền Bắc thường gọi là cây dâu da xoan) có thể trồng làm trụ sống cho tiêu leo được không ? Tôi thấy cây dâu da xoan (tại Đak Lak có vùng lại gọi là cây xoan đào, không phải cây xoan ta, sầu đông) rất mau lớn, thân mọc thẳng, có thể trồng cùng lúc với tiêu. Ai biết thông tin xin chỉ dùm, nhất là ưu nhược điểm của cây này. Chúc gia đình giatieu.com sức khoẻ.

  28. Chào Nguyễn Xuân. Chào Diễn đàn.
    Lâu nay không thấy ai nói đến cây này làm trụ tiêu. Riêng nhà tôi Gần 1.000 trụ tiêu gần 100% dùng cây này làm trụ sống, đã được gần 14 năm rồi. Bạn nên trồng. Khi ươm cây 1m bạn có thể trồng tiêu ngay. Cây này 1 năm tuổi vừa chăm tiêu vừa chăm trụ, có đường kính gốc từ 12 -> 15 cm.
    Ưu điểm : lớn nhanh, bộ rễ tốt, chịu được giông bão (thực tế trong vùng trụ xây, trụ bê tông đổ gãy lỗng chỗng nhưng nhà tôi không việc gì mặc dù ở đầu gió) khi cần rong cành chỉ cần 1 cây sào bằng le và 1 cây liềm cắt lúa 1 ngày 1 lao động có thể rong được vài trăm trụ. Lá là món ăn khoái khẩu của dê, cây rụng lá ngủ đông như cây xoan, tiêu bám chắc, để cao tùy ý. Quả chín ăn được, bán sỉ giá từ 5 -> 7.000 đ/kg.
    Nhược điểm : không được thẳng như ý, thân lá cành quả gây chua cho đất, cần bón tăng lượng vôi.
    Nếu bạn ở gần đến tôi cho giống và tư vấn thêm kĩ thuật. Km 62, quốc lộ 26. Khối 11 thị trấn Ea K’Nốp – Ea Kar – Đak Lak

  29. Chào Nguyễn Xuân,
    Qua tìm hiểu trên Internet thì cây Dâu da xoan này trồng làm cây bóng mát ở HN rất nhiều (lần đầu công tác tại HN nhìn thấy tường nhầm cây cóc) nhưng mấy cây ở HN nó cong cong, quẹo quẹo nhìn mà nản. Vì vậy để nó thẳng chắc phải có cây cột cho thẳng => chi phí phát sinh. Vậy thì mình đầu tư cây cọc cho cây sưa luôn đi. Đầu tư là lâu dài, không nên nôn nóng

    Em có một góp ý như sau: trồng cây sưa, cột vào cây nọc cho cây sưa được thẳng, cao 6m hay 8m gì thì tùy. Ưu điểm sưa lớn nhanh (1 năm to bằng bắp tay) nếu chăm sóc tốt (hố 60 x 60 x60, 10 kg phân hữu cơ, vôi, lân). Sau 1 năm thì ươm tiêu lươn trong bầu lớn (bầu dài 40cm x rộng 10cm) để có bộ rễ cho ngon và ươm trong vườn 8 tháng rồi đem ra trồng trực tiếp vào cây sưa (lúc này sưa gần 02 năm và to bằng cổ chân).

  30. Chào Nguyễn Xuân !
    Giống trụ tiêu nhà tôi đã phát tán nhiều tỉnh, riêng Gia Lai thì chưa ai đến đây tôi hoàn toàn biếu giống tư vấn về kĩ thuật chưa bán bao giờ. Nếu ai có duyên thì đến. Nếu có điều kiện đến thăm và lấy giống bạn sẽ mê luôn .Còn mục đích chính làm trụ để thu tiêu. Người trồng tiêu ai cũng nhắm đến cái đích đấy là chính.

  31. Chào cháu Nguyễn Xuân !
    Vì thời gian gấp chưa trao đổi được kĩ. Số quả đó cháu cứ để tự nhiên cho chín đều. Rồi chà, đãi sạch, phơi trong mát cho thật khô. Cho vào túi nilon đen để khô thoáng vài ngày rồi ngâm ủ. Giống như ta làm giống cà phê. Khi gieo thì gieo vào cát lên vài lá thật mới đưa vào bầu (khi ngâm có thuốc kích thích nẩy mầm càng tốt, hạt sẽ nẩy mầm đều và khỏe tỉ lệ cao. Có vấn đề cần hỏi thì Mail hoặc hỏi trên diễn đàn.
    Thân chào !

  32. Kính chào mọi người! tôi đã trồng tiêu trên trụ sống là cây Xoan, sau 1 năm thấy cây xoan phát triển rất nhanh, đặc biệt là rể rất nhiều. Cho tôi hỏi rể cay xoan có ảnh hưởng đến cây tiêu không.

  33. Kính chào các bác.
    Em có hỏi 1 thầy ở viện nghiên cứu cây trồng nhiệt đới tp.HCM. Thầy khuyên nên trồng cây gỗ Nghiến làm trụ tiêu.
    Không biết có bác nào đã dùng cây này chưa, và hiệu quả như thế nào?

    • Gỗ Nghiến là loại cây lâm nghiệp, thân lên thẳng như gỗ Tếch hay Lồng Mứt. Nhưng để trồng làm nọc sống cho tiêu leo thì không được chọn vì phải trồng trước ít nhất 4-5 năm. Quá lâu phải không bạn?

  34. Kính chào mọi người.
    Em mới tập tanh trồng tiêu nên có một thắc mắc nhờ mọi người giúp đỡ. Đó là năm nay em đang có ít đất trồng cây cao su năm thứ ba, nhưng giờ muốn trồng tiêu nên đang lưỡng lự ko biết nên cưa luôn cao su để trồng mới hay tận dụng cây cao su để làm trụ luôn cho đỡ tốn kém. Nhờ cộng đồng trồng tiêu giúp đỡ.

  35. Chào diễn đàn!
    Hiện nay ở khu vực Eakar – Đăk Lak một số bà con trồng cây núc nác lá nhỏ làm trụ tiêu rất nhiều. ưu điểm là cây mọc rất nhanh, thẳng như tru bê tông trong 1 năm đầu ít phân cành, chỉ từ năm thư 2 mới phân cành. Có thể trồng tiêu và núc nác cùng thời điểm.

    • Chào bạn @haigiang. Bà con Eakar-Đăk lăk trồng cây núc nác cho tiêu leo được mấy năm rồi bạn? Tôi định trồng mà không biết thế nào, ở chổ tôi họ có bán cây giống (10.000/cây nhỏ). Cám ơn !

    • Xin chào diễn đàn. Cho tôi hỏi ai đã trồng cây núc nắc cho tiêu leo? và qua thực tế hạn chế của cây núc nắc tiêu leo là gì? Cảm ơn các anh chị.

  36. Chào diễn đàn!

    Vừa rồi tôi có lên các Cơ sở cây giống để mua cây Núc nác lá nhỏ về trồng tiêu. Thì chủ cơ sở có giới thiệu cho tôi cây Gỗ tếch dùng làm trụ sống cho cây tiêu. Cho tôi hỏi ai đã trồng tiêu trên cây gỗ Tếch có thể chia sẻ về loại cây này khi trồng tiêu ? Mong bà con chia sẻ cùng tôi.
    Xin cám ơn mọi người.

    • Không được đâu bạn ơi
      1. lá quá to
      2. rụng lá vào mùa khô
      3. . . . .

  37. Chào diễn đàn , chào chú Vịnh !
    Cháu thường vào diễn đàn tìm thông tin về cây hồ tiêu. Đây là lần đầu tiên cháu lên diễn đàn, cháu có một vài ý kiến : trồng tiêu bằng cây gì làm trụ sống để hiệu quả mà đỡ tốn kém. Ở những vùng khí hậu, đất đai các vùng khác cháu cũng chưa rõ lắm, nhưng cháu thấy ở Đăk Nông trồng cây hông thấy hợp lí nhất, vì cây hông nhanh lớn, giống rẻ, trong thời kì đang khủng hoảng về dịch bệnh đang hoành hành mà bà con hiểu biết về kiến thức về cây tiêu còn hạn hẹp lỡ sau này rủi ro thì tổn thất về kinh tế còn đở hơn là trồng các loại cây trụ bê tông, trụ gổ, hay các loại cây sống khác đắt tiền.

  38. Theo tôi dùng cây sống làm trụ cho tiêu: Đối với cây xoan không nên trồng dễ gãy, dặc biệt rễ ăn ngang, rễ lớn, hại dất nhưng nhanh lớn. Cây keo có thể trồng, nhanh lớn nhưng rễ cũng hại đất khi keo hơn 5 năm tuổi. Cây cẩm trồng được, cần 3 năm mới trồng tiêu được.
    Ở Châu Đức, BRVT, hầu hết nhà nhà trồng gòn, người trồng gòn, nhanh lớn, cây thẳng, dễ trồng, có thể tận dụng những khoảnh đất nhỏ, rợp để ươm gòn, có thể trông thanh đám vì cây gòn lên thẳng từ lúc nhỏ. Hiện tại tôi cũng đang trồng gòn đám vào đầu mùa mưa, kế hoạch là sẽ cho tiêu bám vào đầu mùa mưa năm sau.

  39. Xin chào mọi người, nhà em mới lên kế hoạch trồng tiêu bằng trụ xây bằng gạch giống hình chữ T có 3 mặt mỗi mặt 25 cm cao 4 m. Em không biết trồng như vậy có đúng không? Xin anh chị cho em hỏi ý kiến thêm ạ.

  40. Chào mấy bác trên diễn đàn. Có bác nào trồng t iêu trên cây thiên ngân hay còn gọi là cây gáo vàng chưa? Cho em được lĩnh giáo ah. Em đang có dự định trồng cây thiên ngân để trồng tiêu

  41. Chào các anh các bác. Cây dái ngựa và cây thiên ngân cho làm trụ có được k ạ . Ai có nhiều kinh nghiệp góp ý cho em với.

  42. Chào mọi người trên diễn đàn. Em muốn trồng cây anh đào để trồng tiêu mà trồng bằng cành sống nhưng không hiểu về đặc tính của nó. Nên em muốn hỏi mọi người ai đã trồng xin chỉ dùm em về kỹ thuật để em trồng. Em chân thành cảm ơn mọi người, cảm ơn diễn đàn.

  43. Chào mọi người trên diễn đàn,
    Hiện tại tôi đang gặp vấn đề về cây muồng đen mong được mọi người giúp đỡ.
    Vấn đề: cây muồng rất dễ bị bênh xì mủ trên thân khi bón phân chăm sóc cho cây tiêu.
    Khi đọc những thông tin trên diễn đàn tôi đã quyết định chọn cây muồng để làm trụ tiêu. Sau hai năm trồng thì tôi bắt đầu trồng tiêu con. Trong quá trình chăm sóc, bón phân cho tiêu thì cây muồng xảy ra hiện tượng xì mủ, một số cây bị nặng rồi chết. Tôi không biết lý do là do phân bón hay do nguyên nhân nào khác. Tôi đang cân nhắc là hạn chế tối đa bón phân hóa học nhưng như vậy thì tiêu con phát triển rất chậm, không biết phải làm thế nào. Mong diễn đàn giúp tôi có hướng giải quyết cho vấn đề này.
    Tôi xin chân thành cảm ơn.

  44. Về cây muồng đen, bà con đã thảo luận rất nhiều trên diễn đàn rồi. Bạn có thể tìm đọc để tham khảo
    > http://www.giatieu.com/trong-muong-den-lam-tru-song-cho-cay-ho-tieu/6760/
    > http://www.giatieu.com/lua-chon-cay-gi-de-lam-tru-song-cho-ho-tieu/5649/

    Giatieu.com xin bổ sung:
    Trước đây do số lượng trồng ít nên dịch bệnh không có điều kiện thích hợp để lây lan. Nay số lượng muồng đen được trồng gia tăng theo diện tích trồng tiêu ồ ạt như hiện nay là môi trường vô cùng thuận lợi cho nấm Phytophthora, loại nấm gây bệnh xì mủ trên cây cao su, sầu riêng… cũng là loại nấm gây bệnh héo chết nhanh trên cây hồ tiêu, khu trú và lây nhiễm mà giatieu.com đã có lần nhắc nhở.
    Bạn cần tăng cường nhiều biện pháp thích hợp để phòng chống bệnh xì mủ nói trên. Theo Giatieu.com, bà con nên trồng xen nhiều loại cây khác nhau làm trụ sống cho tiêu leo trên cùng một diện tích để hạn chế môi trường lây lan nấm bệnh cũng là một biện pháp hợp lý.
    Riêng ý kiến không bón phân hóa học là tiêu con không phát triển là không có cơ sở. Có lẽ do bạn đã mua phải nhiều loại phân hữu cơ kém chất lượng hoặc có thể do bạn tự ủ phân hữu cơ nhưng không đúng phương pháp nên đã làm thất thoát dinh dưỡng trong quá trình ủ.
    Khi rong tỉa cành muồng đen, cần chú ý khâu vệ sinh, sát trùng vết thương ngay sau khi cắt, như hòa nước vôi loãng quét lên vết cắt chẳng hạn.

  45. Tôi thấy các bác bàn luận nhiều về cây keo, muồng, mít … để làm trụ cho tiêu leo nhưng không biết đã có bác nào trồng cây tếch làm trụ chưa? Bác nào đã trồng tếch chia sẽ kinh nghiệm giúp.

  46. Xin hỏi bạn tuấn, bạn có biết cách sử lý sao cho cây lồng mứt đánh ở rừng về vào mùa mưa này khi trồng xuống tỉ lệ cây chết là thấp nhất không? Nếu biết thì chỉ mình với, cảm ơn trước nha. Mọi người đã có bạn nào trồng cây chùm ngây làm trụ tiêu chưa? Nếu có xin phân tích ưu và nhược điểm với. Xin cảm ơn.

  47. Chào bạn Nguyenminh !
    Với kinh nghiệm sẵn có tôi xin hướng dẫn giúp bạn về cách trồng lồng mứt nhé : Đào gốc lấy cả rễ khoảng 30 – 40 cm, chặt hết cành sau đó bạn để nó nằm yên trên đất (nằm rời nhau, đừng chất đống bạn nhé) khoảng 15 đến 20 ngày cây sẽ ra rễ trăng trắng quanh gốc lúc đó bạn mới trồng xuống hố (nên chuẩn bị hố trước). Với cách này tỷ lệ sống rất cao.
    Còn cây chùm ngây, ưu : nhanh lớn, da xù xì tiêu dễ bám. Nhưng đến năm thứ 4 thứ 5 trở lên cây hay bị sâu bọ đục thân dẫn đến gãy đổ chết cây. Nhà tôi trước kia cũng trồng trụ tiêu bằng chùm ngây nhưng do nguyên nhân trên nên tôi đã thay hết rồi.
    Thân!

  48. Sao các bạn phải cầu kỳ vậy. Nếu muốn trồng lồng mức thì lấy hạt ương vào bịch trước 3 tháng. Khi cây cao khoảng 30 cm đem trồng cùng với tiêu luôn. Chăm sóc tốt sau 1 năm cắt dây lấy giống xong là tiêu leo thẳng vào cây lồng mức luôn. Riêng ở Bình Phước toàn làm vậy.

Gửi phản hồi mới

(?)