Ðăk R’Lấp, nông dân “bỏ” cao su để trồng hồ tiêu, cà phê

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 9

Thời gian gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông đã chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu, cà phê vì cho rằng những cây trồng này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hơn 2,3 ha cao su của hộ ông Hà Tư Lệnh đã chặt bỏ để trồng hồ tiêu

Ông Hà Tư Lệnh ở thôn 8, xã Nhân Đạo cho biết: “Gia đình tôi vừa chặt 2,3 ha cao su, trong đó, có hơn 1 ha đã cho thu hoạch mủ được 3 mùa, số còn lại mới bước vào năm thứ 4 để trồng hồ tiêu. Gần cả chục năm bỏ bao công sức, tiền của ra chăm sóc, nay phải phá bỏ, gia đình tôi cũng tiếc lắm. Thế nhưng, nếu duy trì thì gia đình tôi sẽ “phá sản” sớm vì gần đây, vườn cao su cho lượng mủ rất kém, giá cả lại hạ thấp. Tính ra, thu nhập mà vườn cao su mang lại sẽ không đủ tiền bỏ phân và thuê công nhân cạo mủ”.

Tương tự, hộ ông Lê Sĩ Thông, ở thôn 3 cũng vừa chặt bỏ hơn 1 ha cao su 8 năm tuổi để trồng hồ tiêu. Được biết, năm 2005, khi giá cao su đang cao, thấy nhiều người dân trong vùng chặt bỏ cây cà phê để trồng cao su, gia đình ông cũng làm theo. Sau hơn 8 năm bỏ công đầu tư, chăm sóc đến khi thu hoạch thì lượng mủ rất ít, thậm chí có cây không có mủ, cộng với giá mủ đang hạ nên một lần nữa ông phá cao su để trồng hồ tiêu.

Ông Thông phân tích: “Nếu vườn cao su có chất lượng tốt, vào mùa thu hoạch, một ha cao su mỗi ngày cũng phải thu được gần 90 kg mủ tươi. Tuy nhiên, do trước đây, tôi mua giống kém chất lượng nên hiện nay năng suất chỉ đạt chưa được một phần tư. Chưa kể, giá mủ hiện tại chỉ có 7.000 đồng/kg thì trồng cao su sẽ bị lỗ vốn rất lớn”.

 Theo ông Phạm Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo thì thời gian gần đây, tình trạng người dân chặt cao su để trồng hồ tiêu diễn ra khá phổ biến tại địa phương. Sở dĩ như vậy là do trước đây, khi giá cao su đang cao, bà con cứ đua nhau trồng cao su theo phong trào nên không kiểm soát được việc mua cây giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Hơn nữa, nhiều người dân lại không am hiểu về kỹ thuật trồng, điều kiện thổ nhưỡng, chăm sóc… nên đến khi thu hoạch, vườn cao su cho sản lượng mủ không đạt như mong muốn.

 Qua tìm hiểu được biết, hiện tại, ở các xã Quảng Tín, Đăk Ru, Nghĩa Thắng, tình trạng người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê cũng đang diễn ra. Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Quý Thương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk R’Lấp cho hay: “Từ đầu năm đến nay, tại địa phương đã có khoảng 40 ha cao su bị người dân phá bỏ để trồng hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế, số diện tích cao su bị chặt bỏ có thể còn nhiều hơn. Hiện tại, huyện đã phối hợp với các xã tuyên truyền cho bà con bình tĩnh để xác định được loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế đích thực, bền vững, để hạn chế tình trạng “chặt, trồng” như những năm về trước”.

Theo: Nguyễn Lương (Báo Đăk Nông điện tử)

Báo Giá cà phê qua điện thoại
9 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Trước đây bà con phá cà phê để trồng cao su. Giờ lại phá cao su để trồng hồ tiêu, cà phê… Bên cạnh lí do về giá còn có lí do về giống.
    Có ai biết giống tiêu bà con nông dân trồng đã tốt, đã sạch mầm bệnh không? Hay vài năm sau thì dịch bệnh tràn lan… vô phương cứu chữa. Rõ khổ !

  2. Người nông dân khi thấy cao su giá cao, chặt cà phê trồng cao su, không quan tâm đến cây giống đó nguồn gốc như thế nào? khí hậu thổ nhưỡng có thích hợp với cây cao su hay không? Chưa kể là người dân đâu phải ai cũng nắm chắc kỹ thuật, chỉ mò mẫm, đâu phải như cây lúa hay cây bắp chỉ 3-5 tháng là ra hoa đậu trái ta biết có hiệu quả không, nhưng cây tiêu 3-4 năm, cây cao su 7-8 năm, lúc này đã tốn kém bao nhiêu tiền của đầu tư. Giờ này chặt cao su trồng tiêu, Văn Dân tui thấy bà con phiêu lưu. Tìm đâu ra giống tốt, sạch bệnh để trồng? lại càng nan giải, coi chừng “vòng tròn luân hồi”.

  3. Không chuyển đổi cây trồng thì nông dân mình cứ mãi sống trong cảnh khó nghèo.
    Chuyển đổi tốn kém biết bao nhiêu tiền của nhưng không biết kết quả chờ đợi ở phía trước ra sao?
    Tương lai của nông dân mù mịt thật !

  4. Xin chào diễn đàn.
    Mấy hôm nay trời trở gió, đất có vẻ khô hơn, nhìn tiêu không thấy sâu bệnh gì nhưng lá hơi vàng vàng, trông buồn buồn chứ không mơn mởn như mọi khi. Do mới về trồng tiêu nên thiếu kinh nghiệm, xin diễn đàn tư vấn cho biết cách chăm sóc tiêu hợp lí nhất vào thời điểm này. Xin cám ơn.

    • Chào bạn. Có thể mưa kéo dài làm hệ thống rễ suy yếu nên cây bị thiếu dinh dưỡng. Đất ẩm ướt cũng dễ cho nấm hại phát triển.
      Bạn nên đổ Amino để hồi phục rễ, tăng cường phân chuồng + xịt thêm bón lá để cây nhanh lấy lại sức, cho thêm tí Tricho + Pseud thì tuyệt… nói chung hồi phục thể trạng của cây là chính. Thân.

  5. Bà con chia diện tích trồng nhiều loại cây khác nhau là giống tôi, ít nhất cũng phải 2 loại cây khác nhau. Trật cây này có cây khác, khác thời vụ nên ít có áp lực về công chăm sóc thu hoạch, … , tuy không thật trúng như… độc đắc nhưng bù lại, ít bị thất thế hơn trồng 1 cây…

  6. Xin chào.
    Tôi nghe nói là trong vòng 5 năm qua, năm nào diện tích tiêu cũng tăng xấp xỉ 10%, nhưng sản lượng tiêu cả nước 3 năm qua lại không tăng. Vấn đề là ở đâu? xin được trao đổi với cộng đồng.

    • Thì mấy năm trước tui thấy mấy người gần nhà năm nào cũng thu hơn chục tấn, tiêu phơi lênh láng. Nhưng 3 năm nay tui thấy họ thu có đc hơn tấn. Tuy diện tích đc mở rộng nhưng cứ trồng lên cắt giống nhà dư tiền nên bỏ cho cố phân hóa học, đổ đủ thứ thuốc vào gốc. Mưa xuống nó điên sạch trơn. 10 nghìn trụ không bằng trồng 1 nghìn.

  7. Thân chào @Thái Trắng, Nguyễn Văn Lưu!
    Các bạn đã từng sống ở Tây Nguyên thì chắc cũng hiểu ít nhiều về cuộc sống du canh du cư của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đồng bào chặt phá rừng trồng cây khoai mỳ (củ sắn), trồng xong khoảng 2 mùa thu hoạch thì bỏ. Sau đó tiếp tục khai phá rừng mới để tiếp tục trồng trọt, vì đất cũ đã bị khai thác kiệt quệ nhưng không bổ sung dinh dưỡng. Điều này làm rừng mỗi ngày bị phá hoại một cách thầm lặng. Khi trồng tiêu hay cây nông nghiệp trên đất mà chỉ biết lấy đi những gì trong đất nhưng không bón trả lại và bổ sung dưỡng chất cho đất thì đất bị thoái hoá gây ra hiện tượng như hai bạn nêu trên.
    Sau nhiều năm khai thác đất trở nên chai hoá và mất dinh dưỡng, cây trồng sẽ bị hiện tượng như bạn mô tả. Chúng ta chỉ biết lấy hết tài nguyên trong đất mà không hiểu đất chỉ khỏe và hồi phục sau khi ta trả lại độ mùn và hữu cơ cho đất. Đã làm nông nghiệp nên hiểu nhiều hơn về đất.
    Cây tiêu cần đủ chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng (thừa không được, thiếu không xong). Tôi đã và đang trồng tiêu trên đất đã trồng cà phê 18 năm, sau khi cải tạo lại đất bằng vôi, lân nung chảy và hàng trăm khối phân chuồng hoai mục để cải tạo và trả lại những gì đã lấy của đất.
    Hiện giờ chủ đề tiêu đang chết nhanh chết chậm, tuyến trùng rây hại luôn là chủ đề nóng nhưng mình chưa gặp phải vấn đề này. Vấn đề đơn giản là bổ sung lại những gì đã lấy bằng phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng, sử dụng phân hữu cơ sinh học cải tạo lại đất. Tôi rất sợ rệp sáp hại cây tiêu nhưng giờ thì rệp sáp không còn đáng sợ nữa, phòng ngừa trước khi rệp bùng phát, còn những bệnh khác phần chính do biện pháp canh tác của mình.
    Một ít hiểu biết về đất mẹ xin chia sẻ!

Gửi phản hồi mới

(?)