Đăk Song: nhiều diện tích hồ tiêu bị chết do nấm Phytophthora gây ra

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 25

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, hiện nay, huyện có gần 1 ha hồ tiêu bị bị chết do nấm Phytophthora gây ra.

Cây hồ tiêu giữa vườn bị nấm Phytophthora tấn công

Cây hồ tiêu giữa vườn bị chết do nấm Phytophthora gây ra

Diện tích trên tập trung tại 2 xã Nâm Njang và Đăk Ndrung. Theo các ngành chức năng, nguyên nhân phát sinh nấm Phytophthora trên cây hồ tiêu là do trong quá trình canh tác người trồng bón nhiều phân hóa học làm cho đất khô cứng nên việc trao đổi chất qua rễ ở cây tiêu hạn chế.

Ngoài ra, do thiếu kiến thức về chăm sóc hồ tiêu, đặc biệt vào mùa mưa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để loại nấm này phát triển. Biểu hiện của cây hồ tiêu bị nấm tấn công là rễ cây bị đen, rụng lá, trái bị khô lại và rụng.

Được biết, nấm Phytophthora không ưa ánh nắng mặt trời, do đó để phòng ngừa nhiễm nấm Phytophthora cần phải thường xuyên bấm những dây tiêu nằm gần rễ để tạo môi trường thông thoáng, giúp cho cây tiếp nhận ánh nắng mặt trời.

Đối với cây đã bị nhiễm nấm, bên cạnh sử dụng thuốc diệt nấm Agriphos 400, Treppe Bus thì vào mùa mưa thường xuyên vệ sinh hố, để tránh ủ mầm bệnh.

Theo: Minh Trí – Tấn Sáu (Đài PT-TH Đăk Nông)

25 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tiêu nhà tôi đang có dấu hiệu chết nhanh. Trong vòng 5 ngày theo dõi thì đã có 10 gốc bị rũ lá. Dấu hiệu cây đang xanh tươi thì bị rũ lá. Thân bị thâm, gốc thối. Tôi đang rất lo cho vườn tiêu nhà tôi. Tiêu nhà tôi đã được 10 năm rồi. Xin cộng đồng giúp tôi, tôi phải sử lý như thế nào.

    • Anh cũng giống vườn tiêu nhà tôi ở Đak Lak, Buôn Ma Thuột hiện tượng bệnh lan rất nhanh, như đã khuyến cáo ở trên thì canh tác tiêu theo hướng bền vững là tốt nhất bạn à. Canh tác lấy nhiều của thiên nhiên thì phải trả lại một ít để giúp cân bằng sinh thái.

    • A trung à !
      Sục gốc, xịt lên thân lá bằng những loại thuốc diệt nấm như RidomilGold, Aliete, Mancozeb, Carbenzim, Boocdo, Agrifos 400… nhưng khả năng vô cùng thấp, có lẽ chỉ tốn tiền mà thôi. Nhiều chuyên gia khẳng định khi bệnh đã bùng phát tức là nó ủ bệnh cả năm và bắt đầu phát bệnh khoảng 2 tháng nay rồi.
      Biện pháp ngăn ngừa bệnh này tốt nhất là phòng chống ngập úng cục bộ, sục gốc và phun nấm Trichoderma + Pseudomonas định kỳ cho tiêu một năm 3-4 lần. Thân.

    • Em xin có đôi lời chia sẻ. Ở địa phương em năm 2001 cả xã toàn tiêu, ngày đó vì chưa có khoa học kĩ thuật phòng bệnh nên 2 năm sau cả xã tiêu chết gần hết, nhà em cũng không tránh khỏi tình trạng đó. May thay gặp được người chỉ cho cách chữa trị, đó là mua thuốc trị nấm hồng cao su tưới gốc, nhờ phương thuốc này mà tiêu nhà em vượt qua được dịch bệnh những năm dó và hiện nay em vãn còn áp dụng. Tuy vậy năm nay thời tiết khắc nghiệt em vẫn bị ra đi mất 2 trụ (tiêu áp dụng là tiêu sẻ, tiêu Vĩnh linh em chưa thử). Khi dùng thuốc này lá và bông sẽ rụng một ít dối với tiêu kinh doanh, còn tiêu tơ em chưa áp dụng vì năm nay em mới trồng.
      Xin chia sẻ đôi lời !

    • Chào bạn Đồng, theo như bạn đã sử dụng phương thuốc này cho vườn cây nhà mình bạn thấy có hiệu quả. Vậy ta có thể áp dụng cho các vườn tiêu khác tương tự như nhà bạn, bạn có thể chỉ rõ loại đó là gì? Thành phần hoạt chất?
      Trân trọng cảm ơn bạn! Thân

    • Chào bạn.
      Khi tiêu bị bệnh nông dân chỉ biết ra tiệm bán thuốc BVTV nói họ bán cho về mà phun, nếu biết được tên thuốc để nói thì khá lắm rồi, chứ nông dân làm gì biết được tên thuốc, thành phần hoạt chất… là gì gì mà bạn hỏi? Hiểu được như bạn chắc là tiêu không bị chết.

    • Chào A Trung!
      Tiêu nhà anh đã được 10 năm thì chắc ít nhiều anh cũng đã có kinh nghiệm phòng chống bệnh cho tiêu, cũng đành như chữa cháy thôi anh. Bản thân trong đất đã có những nấm hại, sau cả tháng mưa vừa qua là điều kiện thuận lợi để nấm bùng phát, không riêng gì vườn nhà anh đâu. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng theo tôi, ta cần dập lửa trước đã, song song với việc thoát nước, làm cho đất khô thoáng thì vẫn phải dùng thuốc hoá học để ngăn chặn và diệt nấm, sau đó mới dùng phân sinh học và nấm đối kháng để phục hồi bộ rễ và ngăn ngừa nấm hại phát triển trở lại.

  2. Chào anh Nguyễn Vịnh.
    Hôm qua em có đi một ngày quanh mấy thôn khu vực em sống thì em thấy người dân bắt đầu trả giá cho việc trồng tiêu mà lạm dụng quá nhiều hóa học cũng như thiếu kiến thức khoa học. Rãnh thoát nước không có, bồn sâu như cà phê, mấy ngày mưa vừa rồi có rẫy nước ngập đến lưng ống chân kéo dài hai ngày, thử hỏi tiêu không chết mới lạ. Đi qua khoảng 18 mảnh rẫy, nhiều thì 40 trụ, ít thì 15 – 17, còn những nhà 5 – 7 trụ thì nhiều lắm !
    Trước đây em có khuyên vài người làm tiêu theo hướng bền vững và các kỹ thuật như trên giatieu.com đã hướng dẫn thì họ nhìn em như người ngoài hành tinh, vì em mới trồng tiêu mà.
    Nhìn những trụ tiêu cao 6m sổ lá từ ngọn xuống mà xót xa.

    • Chào anh@bùi văn đại
      Tôi cũng đã tiên liệu điều này sẽ xảy ra, nhưng biết làm sao bây giờ. Nông dân mình cực kỳ chủ quan, đặc biệt là khi họ có được những thành công ban đầu.
      Anh có đọc bài báo mới đây do nhà báo VOV-Tây nguyên viết: “Đi trên Quốc lộ 14 qua hai huyện trọng điểm hồ tiêu của Gia Lai là Chư Pưh và Chư Sê, suốt mấy chục km, chỉ thấy những vườn tiêu tàn tạ…” vựa tiêu Tây nguyên mà còn như vậy huống gì là nơi khác. Cái giá bà con mình phải trả cho sự chủ quan là quá đắt anh ạ.
      Với lại, nông dân mình bao nhiêu người có Net ? trong đó, có bao nhiêu người đọc trang web giatieu.com? và bao nhiêu người làm theo??? Xót xa lắm!

    • Chào các anh!
      Em là 1 sinh viên mới ra trường được 2 năm, hiện nay em đang làm ở khoa Công nghệ Sinh học, trường đại học Bình Dương.
      Em xin nói những gì em cảm thấy nhé, nếu có sai sót gi mong các anh chỉ bảo giúp.
      Như em nhìn nhận về Nấm phytopthora, nó là dạng nấm có sẵn trong đất, dù cho có khử trùng đất hay phun thuốc gì đi chăng nữa nó cũng vẫn còn. Như vậy, khi gặp điều kiện tốt để sinh trưởng và phát triển nó sẽ lại bùng phát dịch. Do vậy, theo em nên tạo ra 1 môi trường không thích hợp cho nấm phytopthora, thì nấm sẽ không phát triển và gây hại được.
      Để làm được điều này, cần làm mát mặt đất của mình bằng cách trồng 1 số loại cây phủ xanh mặt đất như cây lạc dại và trụ nên trồng bằng trụ sống. Bên cạnh đó nên làm vườn có độ dốc thoát nước tốt tránh để rễ tiêu bị úng, sẽ tạo ra vết thương giúp cho nấm có cơ hội tấn công rễ tiêu.
      Em còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ nên chỉ dám nói đôi lời em biết.
      1 lần nữa rất mong các anh chỉ bảo thêm nếu em có nói sai điều gì.
      Em sinh ra và lớn lên tại Chư Sê, nơi vùng tiêu bị chết rất nhiều nên cũng mong muốn sẽ làm được điều gì đó cho quê hương.

  3. Thường thì thuốc trừ nấm hồng cao su thì thuộc gốc Validamycin , tưới gốc thì chưa biết thế nào nhưng gốc thuốc này phun lên lá khả năng gây rụng lá rất cao !

    • Đúng vậy, thuốc chạm vào lá là rụng lá vậy nên em chưa bao giờ dám phun chỉ tưới cổ rễ phòng chết nhanh khi mưa nhiều, mưa ít cũng khong dám tưới sợ rụng lá và trái.
      Có bác nào dùng thử thì 1 can 5 lit chia làm 3 phi tưới quanh cổ rễ khoảng 6-7 lit.

    • Chào các bạn. Nhà sản xuất không đăng ký thuốc này dùng phòng trị các bệnh nấm gốc như héo rũ, chết nhanh chết chậm của hồ tiêu. Bà con nào đã dùng cho tiêu có kết quả trong trường hợp cụ thể xin chia sẻ.
      Còn dùng để ngừa như bạn thì khó xác định, vì chưa chắc tiêu đã bị nhiễm bệnh.

  4. Chào anh Nguyễn Vịnh.
    Anh nói rất đúng. Tôi là dân trồng tiêu ở Chư Puh, xung quanh nơi tôi ở bà con trồng tiêu theo kiểu “sống lâu lên lảo làng”, ít được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật trồng tiêu, trồng tiêu nhờ trời là chính, nên giờ đang phải trả giá đắt, không hề biết đến trang web giatieu.com, hoặc có biết cũng rất ít.
    Theo tôi trang web nầy là cả kho kiến thức về trồng và chăm sóc hồ tiêu cho những ai mới bắt đầu trồng, cả người đang trồng hồ tiêu. Vậy mà ít người dược biết, thật uổng quá !
    Điệp khúc mưa rồi nắng lên tiêu chết cứ lập đi lập lại, càng chết càng trồng mới nhiều hơn. Thậm chí đi nơi khác mua đất tiếp tục trồng tiêu. Đó là những người có đươc vài năm trúng mùa còn người dân nghèo vốn liếng chỉ vài trăm trụ tiêu thì sao? Tiêu chết, tiêu bệnh người cũng bệnh theo.
    Tôi có anh bạn trồng 800 trụ tiêu, đang bị chết khoảng 300, mới gặp anh bảo trong 1 tháng đổ 4 lần thuốc mà không có biến chuyển gì giờ đành bó tay, đến đại lý BVTV họ chỉ gì mua đó. Thật đau lòng quá!!! Bản thân tôi trước đây cũng từng lạm dụng phân bón hóa học nên vườn tiêu nhanh suy yếu già cổi, từ ngày chuyển sang canh tác theo phương pháp sinh học thấy tiêu hồi phục dần ít chết hẳn.
    Mong bà con truyền miệng cho nhau tìm hiểu trên trang web nầy để trao dồi kiến thức từ đó áp dụng cho mảnh vườn nhà mình tránh được rủi ro đáng tiếc trong canh tác hồ tiêu. Chúc anh Vịnh và bà con mạnh khỏe.
    Thân chào

    • Chào bạn
      Tôi rất vui vì những chia sẻ chân tình của bạn. Mong rằng qua bạn, bà con trồng tiêu ở Chư Pưh biết đến diễn đàn giatieu.com nhiều hơn. Thân

  5. Nông nghiệp chúng ta nói chung, vẫn theo hướng tự phát. Phát triển tự phát, quy trình canh tác…tự tìm hiểu?!. Rất ít số địa phương có công tác khuyến nông ngư bài bản hiệu quả.
    May mắn chăng hồ tiêu có trang web này, nhưng được bao nhiêu hộ biết và có khả năng truy cập? Nông dân chúng ta vẫn bơi và giữ lấy những gì mình đang có. Chúc thành đạt và phát triển!

  6. Trước tiên tôi xin chào bác Vịnh và cả cộng đồng Hồ tiêu đã tham gia diễn đàn.
    Đến giờ tôi cảm nhận diện tích trồng mới rất lớn nhưng diện tích mất đi cũng chừng ấy. Những chia sẻ trên diễn đàn rất giá trị trong canh tác hồ tiêu. Nhiều ý kiến giúp nhau trong cách chữa trị tiêu phát bệnh, nhưng tôi tâm đắc nhất là những chia sẻ hướng dẫn cách xây dựng vườn tiêu theo hướng bền vững. Phòng bệnh là chính chứ để nhiễm bệnh khi nặng khó gỡ ra được.
    Nông dân nhà mình khi chưa phát bệnh hướng dẫn cách phòng trừ họ ít mặn mà làm theo. Thân.

  7. Chú Vịnh và cộng đồng cho cháu hỏi. Có phải các loại nấm có lợi như trichoderma và khuẩn pseudomonas hoạt động yếu và có thể bị tiêu diệt trong điều kiện khô nóng và nắng nhiều. Vậy trong mùa khô mình dùng nấm có ích có hiệu quả không. Và nếu sử dụng thì nên sử dụng như thế nào để nấm có ích có thể tồn tại và phát triển hạn chế vsv có hại.

    • Các loại vi sinh vật chỉ hoạt động tốt trong môi trường có độ ẩm cao. Khi bị khô nóng đa số vsv sẽ chuyển sang dạng bào tử và nằm chờ.
      Sử dụng mùa khô cần phải tăng độ ẩm bằng cách tưới nước. Do bản chất cạnh tranh nên cần cung cấp vsv thường xuyên, chỉ khi vsv có ích bao phủ trước thì vsv có hại mới không thâm nhập được. Do đó dùng vsv phòng ngừa luôn có hiệu quả cao hơn chống. Thân

  8. Chào chú Vịnh, cho cháu hỏi ở chổ cháu người ta hay mua trụ tiêu bằng gỗ ở vùng tiêu đã bị chết đem về trồng, nếu mình dùng boocđô hay đồng đỏ để sử lý, hoặc đem phơi ngoài nắng 1 thời gian có diệt được nấm phytotora hay ko? nhờ chú tư vấn dùm cháu, cháu cảm ơn.

  9. Tôi xin anh tư vấn giúp tôi. Tôi mới trồng tiêu đến nay được 6 tháng nhưng chưa đổ thuốc gì. Hôm nay (TƯC LÀ 12/01/2014) tôi mới đổ thuốc nokap trị tuyến trùng xin hỏi anh trong mùa khô này có nên đổ nokap và thuốc trị nấm bệnh không anh ? Và đổ có ảnh hưởng xâú gì cây tiêu ko? Xin anh cho tôi lời khuyên. Tôi cảm ơn anh.

    • Chào @Xuân đương
      Bạn hỏi có nên đổ thuốc hay không, trong khi bạn mới đổ xong. Giờ tôi bảo không được!
      Bạn tính làm sao đây?
      Mong rằng bà con sẽ không có những câu hỏi tréo ngoe tương tự trên diễn đàn nữa. Cảm ơn

  10. Chào Xuân đương theo tôi trước khi bạn tưới thuốc thì cần xác định mức độ sâu bệnh. Nếu tuyến trùng đến mức gây hại thì mới tưới vì mùa khô hiệu quả không cao như mùa mưa. Còn nấm phitopthora tưới bây giờ thì cũng bằng không vì sợi nấm bị khô hạn tự chết còn bào tử nấm mùa mưa ở độ ẩm cao khoảng 70 – 80% trở lên thì mới nờ và phát bệnh. Đổ thuốc hoá học rất hại cho đất. Thân.

  11. Chào anh Nguyễn Vịnh ! Tôi trồng tiêu ở Bình Long, Bình Phước cũng được khoảng từ năm 1985 đến nay. Nhưng kỹ thuật phòng chữa bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu cũng còn hạn chế, qua mô tả về dấu hiệu của bệnh chết nhanh tôi thấy vườn tiêu nhà tôi cũng như hầu hết các vườn hồ tiêu ở các huyện Lộc Ninh và Bình Long trong thời gian qua bị chết nhiều là do loài nấm Phitophthora gây ra bệnh thối cổ rễ vào thời gian giữa mùa mưa. Thực tế loài nấm này khi đã phát triển thì rất khó trị mà chỉ có cách phòng ngừa khi dùng loại nấm đối kháng Trichoderma theo định kỳ mỗi năm phun khoảng 03 lần vào đầu giữa và cuối mùa mưa. Ngoài ra cần lưu ý trước khi trồng tiêu phải xử lý làm sạch đất, đào hệ thống mương thoát nước mưa cục bộ và nước ngầm trong đất, mùa khô cần có hệ thống tưới nước đầy đủ và dùng rơm ủ gốc. Cần hạn chế dùng thuốc hoá học có tính độc cao hoặc phân hoá học mà tăng cường dùng phân vi sinh phun trực tiếp vào đất theo định kỳ. Một vài ý kiến chia sẻ cùng anh và bà con. Trân trọng !

Gửi phản hồi mới

(?)