Đâu là nguyên nhân khiến hồ tiêu Tây Nguyên chết như “ngả rạ” ?

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 38

Hàng ngàn ha hồ tiêu ở Tây Nguyên đang bị bệnh, dẫn đến bị chết, nguyên nhân không khó nhận diện: Đó là chính những chủ vườn đang vô tình “đầu độc” vườn tiêu của chính mình, dưới nhiều hình thức…

Tan tác những vườn tiêu bị dịch bệnh

“Tiêu chết do… giá cao”

Đó là đánh giá của ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai: Giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong nhiều năm dẫn đến việc người dân thâm canh quá mức: Sử dụng phân bón quá liều lượng, sử dụng phân phức hợp không cân đối tỷ lệ N – P – K và các chất kích thích, phân bón đậm đặc để thu năng suất cao đã làm cho cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại. Một nguyên nhân khác là do nguồn gốc giống không được chọn lọc, sử dụng không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh trước khi đưa ra vườn.

Giá hồ tiêu liên tục ở đỉnh điểm trong nhiều năm, trong khi các loại cây trồng khác như cao su, cà phê liên tục mất mùa và mất giá, khiến không ít nông dân ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của cả nước đã vượt ngưỡng 85.000 ha – vượt quy hoạch hơn 30.000 ha. Riêng tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, diện tích hồ tiêu chiếm trên 51% diện tích hồ tiêu toàn quốc, sản lượng chiếm trên 91% tổng sản lượng hồ tiêu toàn quốc.

Trong đó, Gia Lai là tỉnh có diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu lớn so với cả nước. Ngày 7/10/2010, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 681/QĐ-UBND, về việc quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, diện tích hồ tiêu được quy hoạch của tỉnh đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ở quy mô 6.000 ha. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã lên đến khoảng 16.000 ha. Như vậy, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai – tính đến thời điểm này đã vượt khoảng 10.000 ha, gấp nhiều lần so với quy hoạch.

Ồ ạt mở rộng diện tích, trong khi kiến thức về cách chăm sóc, cách sử dụng thuốc BVTV, cách chọn giống tốt lại không có, dẫn đến vườn cây ngày một xuống cấp, dịch bệnh lây lan…

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại tiêu liên tục cũng là nguyên nhân

Thủ phạm là… chủ vườn

Nông dân Lê Thanh Hưng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) có vườn tiêu hơn 1.300 trụ đang trong giai đoạn thu hoạch, đột nhiên chết đồng loạt không rõ nguyên nhân. Ban đầu chết rải rác, rồi chết cả vườn, ai bày gì anh cũng thử, đủ cách nhưng vườn tiêu vẫn vô phương cứu chữa. Hỏi chết vì bệnh gì: Bó tay !

Theo ThS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu: Nói về bệnh trên cây hồ tiêu, đầu tiên và nghiêm trọng nhất là do nhiễm virus, đặc biệt là ở Gia Lai nhiều vườn tiêu bị nhiễm rất nặng.

Bệnh này lây lan theo kiểu từ mẹ sang con, nếu lấy giống từ vườn bị nhiễm virus, mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi. Trong khi cây hồ tiêu được nhân giống vô tính, việc cắt cành giâm làm giống làm cho việc lây lan từ vườn này sang vườn khác càng trở nên nghiêm trọng. Hoặc trong quá trình canh tác, chỉ cần 1 đến 2 trụ trong vườn bị nhiễm mà người dân làm cỏ, cắt cành vô tình không vệ sinh dụng cụ cũng bị lây bệnh sang cây khác.

Cũng theo ThS Ngọc thì, nông dân mua giống không lựa chọn, chỉ điện thoại đặt hàng là “đầu nậu” gom giống từ các vườn chở tới bán mà không cần quan tâm đến việc tiêu giống có mang mầm bệnh hay không. Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống chỉ vì lợi nhuận họ sẵn sàng mua cây giống với giá rẻ, sau đó nuôi bằng thuốc, phân bón ngay trong vườn ươm. Thấy cây giống xanh tốt, người dân mua về trồng thì khoảng 2-3 tháng là chết…

Cũng theo ThS Ngọc, hiện tượng các vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng đang là vấn đề rất nghiêm trọng, thậm chí ngay cả những vườn tiêu đang xanh tốt cũng xuất hiện tuyến trùng. Tất cả các vườn bị bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra đều xuất hiện tuyến trùng, đây là tác nhân đầu tiên tạo ra vết thương để cho nấm xâm nhiễm. Còn chết chậm là hiện tượng vàng lá chứ không phải bệnh, do canh tác dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến vàng lá chết chậm…

“Nông dân chưa trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng trong sản xuất, đặc biệt là với cây hồ tiêu.

Đến giờ người dân còn chưa phân biệt được thuốc sâu với thuốc bệnh, khi cây bị bệnh thì phun thuốc sâu, bị sâu thì phun thuốc bệnh.

Bón phân cho cây hồ tiêu mà mỗi lần bón đến 5-7 lạng, họ cứ nghĩ đằng nào cũng bón vào đất, cây ăn không hết thì từ từ ăn. Nhưng như thế thì quá nhiều trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần 1,5 đến 2 lạng/gốc đối với hồ tiêu kinh doanh. Chưa kể cũng lượng phân này nhưng phải chia nhỏ ra bón nhiều lần.

Ngoài ra, theo hướng dẫn, người dân phun thuốc 2 lần/tuần, mới phun được 2 đến 3 ngày thấy không ổn, họ lại chạy mua thuốc khác về đổ vào thì không cây nào chịu nổi, tiêu chết một phần cũng do là chính người dân tự đầu độc cây, chưa kể là phân, thuốc có đảm bảo chất lượng hay không.

Ngoài ra, nhiều nông dân cũng tưới quá nhiều, cứ 3 đến 5 ngày tưới 1 lần, làm cho cây tiêu không có mùa khô, dễ bị nhiễm nấm, rồi lại đổ phân thuốc vào gốc khiến cho dư lượng này tồn đọng trong đất, cây hút đến ngày thu hoạch. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm hồ tiêu Việt Nam liên tục bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép…”. ThS Nguyễn Quang Ngọc

Báo Giá cà phê qua điện thoại
38 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Theo tôi, bài báo viết ý này không chính xác: “…Còn chết chậm là hiện tượng vàng lá chứ không phải bệnh, do canh tác dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến vàng lá chết chậm…”
    Vàng lá là hiện tượng, có nhiều nguyên nhân như đất chua (pH thấp), tuyến trùng, thiếu trung vi lượng,… đều không làm cây chết. Khi bị chết vì bệnh vàng lá thường kèm theo hiện tượng thối rễ, thâm mạch dẫn, rụng lóng, tháo khớp… do các loại nấm Fusarium sp., Rhizoctonia sp., Pythium sp,… nên còn gọi là bệnh vàng lá chết chậm !

  2. Bón phân hữu cơ, hữu cơ sinh học sẽ giúp tiêu gia tăng kháng thể, trong khi bón phân hóa học khiến cho kháng thể của tiêu càng yếu thêm, thậm chí kháng thể bị tiêu diệt nếu bà con lạm dụng.
    Vấn đề là bà con không thể phân biệt nước thải của những nhà máy chế biến nông sản như nhà máy đường, cao su, củ mì, cà phê… và nhiều nhà máy chế biến khác thải ra đều chứa chất hữu cơ… được xử lý mùi hôi và bổ sung đa, trung, vi lượng… biến thành phân hữu cơ sinh học trong khi các yếu tố độc hại hữu cơ vẫn chưa được xử lý…
    Dùng loại phân này không làm cho cây tiêu mang bệnh mới là lạ !

    • Chi phí để kiểm định chất lượng mặt hàng này rất tốn kém nên phần lớn nhà sản xuất tự công bố chất lượng và bà con sử dụng một thời gian mới đánh giá được.
      Trong khi bà con trồng tiêu cũng thường hay pha trộn chung nhiều loại phân thuốc cho lợi công mà không quan tâm có những phản ứng hóa học bất lợi nào xảy ra.

  3. Trong khi bà con còn thiếu kiến thức thì một số cá nhân tổ chức liên tục mở hội thảo phân này thuốc nọ, toàn loại kém hoặc không có chất lượng bà con càng dùng càng chết tiêu.

    • Tổ chức hội thảo là quyền của công ty, đơn vị kinh doanh mặt hàng đã được cấp phép.
      Mua hay không là quyền tự do lựa chọn của người sử dụng.
      Có ai bắt bạn phải mua đâu !

  4. Trước đây nông dân có bao giờ quan tâm tới tuyến trùng đất, với lại trong đất tự nhiên cũng có nhiều vi sinh đối kháng giúp cây chống chịu với các loại sâu bệnh. Chỉ đến khi tái canh cà phê thất bại liên tục mới tìm được nguyên nhân do sử dụng phân thuốc hóa học quá nhiều làm đất đai thoái hóa, tuyến trùng lan tràn khắp trong đất. Không thể tái canh được, phải dùng thuốc bvtv hóa học để xử lý thì lại rơi vào vòng lẫn quẩn. Tiêu trồng xen cà phê cũng bị ảnh hưởng…
    Mấy năm nay tôi sử dụng sinh học biogel+biosol và tăng cường bổ sung nấm đối kháng tricho thường xuyên nên cũng không còn lo tuyến trùng và chết nhanh chết chậm nữa, chỉ thỉnh thoảng gặp vài lá bị nấm thán thư không đáng kể.

    • Ưu điểm nổi bật của phân sinh học biosol+biogel là các chất GA3+Auxin giúp điều hòa sinh trưởng và chất cytokinin diệt nấm bệnh, tuyến trùng, mà không phải ai cũng nhận thấy hay có sự quan tâm đúng mức.
      Bà con chỉ thích tiêu bốc nhanh như dùng phân hóa học

  5. Anh @ Hoàng nói chính xác ! Dù sao sử dụng phân hữu cơ sinh học này vẫn tốt cho cây trồng nói chung. Nếu nhà nông tăng cường thêm nhiều vi khuẩn hữu ích E.M (Effective Microganism) để xử lý thì yếu tố độc hại hữu cơ sẽ giảm đi rất nhiều…

  6. Mình cũng nghĩ phân sinh học có nhiều ưu điểm nhưng phần đa người trồng tiêu đang cường canh nên sử dụng phân thuốc hóa học nhiều hơn.

  7. Mâu thuẩn giữa sử dụng phân thuốc hóa học cho năng suất cao với hữu cơ bền vững nhưng năng suất thấp làm bà con khó lựa chọn..!

  8. Chuyện phân thuốc thật giả lẫn lộn nông dân như chúng em thì làm được gì ?
    Chỉ trông mong vào việc quản lý của cơ quan chức năng nhà nước cho bà con nông dân nhờ !

    • Ngành nông học kết luận mấy chục năm nay rồi chứ không phải mới hôm qua !

  9. Chào cộng đồng. Em phải phục vườn tiêu của bác nông dân ở hình trên, tiêu trồng sâu như vậy mà tiêu vẫn đẹp. Ai biết địa chỉ vườn tiêu đó ở đâu không? cho em xin để tới học hỏi. Em xin cám ơn và chúc cộng đồng giá tiêu một mùa bội thu

    • Vấn đề trồng tiêu có bồn hay không chưa đủ để bạn kết luận điều gì. Tuy là rất đáng lo, nhưng chỉ khi bồn gây ra đọng nước mới thực sự nguy hiểm…

    • Bà con nông dân ở An Giang vét mương trên ruộng lấy đất đắp lên rồi trồng tiêu, dưới mương thả nuôi cá…
      Thấy tiêu vẫn tốt xanh um đâu có vấn đề gì…

  10. Chị Thanh Hà coppy dòng cytokinin ở đâu diệt nấm bệnh vậy? Cytokinin là chất tạo chồi phân nhánh, auxin tạo rễ. Sao lại nói cytokinin diệt nấm bệnh ?

    • Cám ơn @ Ngok đã phản hồi giúp.
      Minh ít khi lên diễn đàn cũng bởi không thích gặp những bạn thiếu thiện chí như vậy.

  11. Chào cộng đồng giá tiêu. Cám ơn @ ngok, lần đầu tiên em mới biết trang này. Vào đây để học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước, để áp dụng cho vườn nhà. Ở vùng em họ vẫn trồng sâu như vậy nhưng tỉ lệ tiêu chết nhiều hơn tiêu sống. Em ở thị xã Buôn hồ, Đăklăk. Em đoán vườn tiêu trên cũng ở tây nguyên nên em xin địa chỉ đến học hỏi kinh nghệm.
    Cám ơn @ bich ngoc. Em đã thấy ở đó nông dân trồng tiêu như vậy rồi, nhưng ở vùng em trồng tiêu mức nước như vậy tiêu úng nước chết hết. Vậy mới có câu (thiên thời địa lợi} có gì em không đúng mong cộng đồng chia sẻ.
    Em xin cám ơn

    • Cám ơn bạn. Như vậy chứng tỏ kết cấu đất vùng bạn không tơi xốp, khó rút nước, ẩn chứa nhiều nấm bệnh… Bà con cần cải thiện tính chất vật lý của đất, giúp đất tơi xốp và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bổ sung nhiều vi sinh vật hữu ích (EM) mới ngăn chặn được bệnh tật… Khi nào trong vườn có thật nhiều giun dế thì đất ở đó mới tốt.

  12. Cảm ơn @ Ngok đã trả lời câu hỏi. Do mình cũng sử dụng Cytokinin để điều chế dung dịch phun cho cây cảnh. Hiện dung dịch mình có bán cho các nhà vườn trồng riêng cây cảnh thôi. Có thể do thiếu sót mình chưa cập nhật được thêm công dụng trừ nấm nếu có. Cảm ơn diễn đàn giatieu.com

    • Mình chỉ nhắc bạn : Cytokynin gốc hóa học và Cytokinin gốc sinh học tác dụng có khác nhau, như phân hữu cơ với phân vô cơ vậy !

    • Bạn này không thực sự cầu thị mà cũng thiếu thiện chí ! Đáng ra bạn nếu tìm hiểu kỹ rồi trao đổi, chứ còn cứ “nếu”, “có thể” thì sẽ không bao giờ kết luận được điều gì..

  13. Nhà tôi trồng tiêu ở khu vực Ia Hla Chư Puh, thu năm nay cũng là năm thứ tư khoảng 1000-1100 trụ bao gồm khoảng 300 trụ bắt đầu thu kinh doanh. Năm nào cũng thu đều khoảng trên dưới 5 tấn. Xung quanh các gia đình khác cũng trồng và gần như không có gia đình nào đạt sản lượng như thế, trong khi số lượng chăm bón của gđ tôi chỉ bằng 2/3 các gđ khác. Nhà tôi cũng chưa từng bỏ phân bò hay các loại phân cao cấp như tảo biển… Năm ngoái khi chăm bón thấy cây yếu có bón hơi nhiều phân thì cây càng yếu đi. Theo tôi thấy việc chăm sóc tiêu không phải cứ bón nhiều phân đạm là tốt. Quan trọng là việc tưới ủ giữ ẩm cho cây. Ngoài ra gđ tôi sử dụng lân Lâm Thao là chính vì loại này trước kia bón cho cây lúa rất đảm bảo đỡ hại cây. Nên đừng quá lạm dụng phân bón. Quan trọng là quy trình tôi chăm sóc bảo vệ cây.

  14. Đọc thấy Nguyễn Tiến mô tả, chứng tỏ đất nhà bạn quá tốt, hãy giữ sức sống cho đất. Thân.

  15. Phân thuốc bây giờ tràn lan, các hội thảo của các công ty quảng cáo, hót hay. Nông dân như đi vào ma trận

  16. Chào các bác theo tôi thấy kết luận trên đều do nông dân đầu độc tiêu hết cũng không khách quan lắm. Bao nhiêu loại phân thuốc kém chất lượng không thấy đề cập. Phân vi sinh mà ủ từ nguyên liệu mang nhiều nấm bệnh thì làm sao hết được, giờ tiêu chết dân đem bỏ vào thùng rác đô thị không tiêu hủy thêm phần lây lan bệnh…

  17. Xin chào chú Vịnh và cộng đồng giatieu, cho cháu hỏi là cháu có xem chương trình hỏi đáp của kênh VTC16 (phần bệnh chết nhanh trên cây tiêu) thì một vị tiến sĩ có khuyên không nên tưới quá ẩm vào mùa khô, vậy cho cháu hỏi như vậy thì nên tưới như thế nào ạ.
    Vì cháu có vườn tiêu năm thứ 4, mùa vừa rồi trái cũng nhiều nên khi vào mùa khô cháu sợ cây mất sức nên khoảng 4-5 ngày là cháu tưới 1 lần, sau khi thu hoạch thì khoảng 30% gốc tiêu bắt đầu vàng lá, rụng lá, tháo đốt, cháu đã đổ carbosunfan trị tuyến trùng 2 lần, sau 1 tuần đổ gốc và tưới trên cây metalaxyl + mancozep 2 lần, nhưng cây vẫn bị chết, trước đó thì cây vẫn xanh tốt bình thường, trong mùa mưa thì cháu vẫn đổ thuốc ngừa tuyến trùng và có sử dụng nấm đối kháng thường xuyên. Vậy có phải là do cháu tưới nhiều trong mùa khô không ạ. Xin cho cháu hỏi nguyên nhân và nên sử lý những gốc chết đó như thế nào ạ, xin chân thành cám ơn chú.

    • Tiêu chết là do bệnh, còn không thấy bị bệnh gì thì trả lời sao ? Tưới bao nhiêu là quá ẩm ? mùa khô vì sao không tưới ? toàn là mơ hồ…
      Bạn đã đổ thuốc phòng trừ không hiệu quả là do thuốc không chất lượng… Nói chung, bệnh chết nhanh thường phát trong mùa mưa, chết chậm đầu mùa khô. Bạn phải tích cực phòng ngừa trước khi nhiễm… bằng các loại sản phẩm uy tín, chất lượng !

  18. Cám ơn phần trả lời của ngok.
    Do mình viết chưa cụ thể nên làm bạn đọc thấy kho hiểu. Mình xin nói lại là mình có xem trên youtube chương trình hãy hỏi để biết của đài vtc16, có 1 người hỏi chương trình về cách phòng bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, thì trong phần trả lời có đề cập đến vấn đề cơ giới đất như: làm mương thoát nước tốt vào mùa mưa và tránh tưới quá ẩm vào mùa khô (mình thấy khó hiểu chổ này nè).
    Vì như mình thấy (ý chủ quan của mình) mình phòng bệnh cho vườn của mình tương đối ổn mình đổ thuốc ngừa bệnh 2 lần (xin nói thêm là của công ty nổi tiếng) vào đầu mưa và cuối mưa, trong mùa mưa mình sử dụng nấm đối kháng và EM để tưới trên cây và đổ gốc nhiều lần.
    Nên mình muốn nhờ cộng đồng giatieu giải thích dùm mình xem có phải do mình cũng tưới nhiều vào mùa khô (4-5 ngày 1 lần) nên làm cho nấm bệnh phát triển mạnh không, nhưng mình đã đổ thuốc vào cuối mùa mưa rồi, với lại sao lại phát bệnh chết vào gần cuối mùa khô như vậy. Xin cám ơn

  19. Chào Tuấn vũ. Cho dù bạn phòng cả hóa và sinh chu đáo “đó chỉ là theo cách nghĩ chủ quan”.
    Bệnh nó bùng phát bất cứ khi nào và cây sẽ chết khi không còn sức chịu đựng. Theo tôi có thể vườn bạn bị nhiễm giữa và cuối mùa mưa, có thể do nhiễm muộn hoặc nhẹ nên mùa mưa cây vẫn còn sức chịu đựng không thấy rõ biểu hiện ra ngoài. Đến mùa khô thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, khi cây không còn sức chịu đựng lúc này mới chết. Mùa khô bệnh phát triển rất chậm cho dù bạn tưới rất nhiều, rất ẩm cũng không thể làm cho bệnh bùng phát chính ở mùa khô. Hoặc có thể do chăm sóc bón phân không hợp lý ở chỗ nào đó làm cho cây yếu không còn sức đề kháng bệnh vì phòng bệnh là phòng bằng biện pháp chăm sóc tổng hợp.

  20. Chào cộng đồng – chào các bạn !
    Đoc bài viết của tác giả – nhiều ngày đêm suy ngẫm để rút ra kết luận … Chẳng có gì mới – Kiểu như : “Chỉ tay 10 ngón “Ngón nào cũng trúng , ngón nào cũng đúng” như sách đã dẫn !
    Tôi không dám luận – nhưng cũng dẫn theo sách thôi – Cây hồ tiêu chỉ thích nghi ở vùng địa lý rất hẹp – (không rộng như cà phê hoặc cao su) cho nên mọi biến động bất thường của thời tiết sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cây hồ tiêu. Huống chi Năm 2016 -> đầu năm 2017 ; Mưa và mưa quá lớn, kéo quá dài, mất cả mùa khô nên tiêu chịu không nổi – nông dân bó tay – kỹ sư bó tay – thuốc vô dụng !

  21. Cộng đồng ơi ! Cho em hỏi là vỏ ca cao mình dùng để ủ phân bón cho tiêu có được không ạ ?
    Vì nhà em trồng ca cao, nhìn đống vỏ bỏ đi thấy uổng phí quá !

    • Theo ý kiến của bác Nguyễn Vịnh : Tất cả các loại rác thải ủ làm phân hữu cơ vi sinh đều rất tốt, miễn là bạn phải ủ đúng cách với men sinh học chất lượng và các chất phụ gia thích hợp.

    • Mình còn đi xin bả mía của nhà máy đường, cùi bắp, hay nhặt quả điều tươi về ủ phân vi sinh nữa nè…!

  22. Tốt nhất là mình tự mua về mà ủ, an toàn yên tâm lại hiệu quả. Cây tiêu cũng giông như con người mình, khi cây tiêu mà mất sức đề kháng thì khác gì người bị HIV. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của HIV là ko có hệ thống miễn dịch, chỉ là bệnh nhỏ thôi cũng không thể khỏi. Tiêu cũng vậy, lạm dụng thuốc hóa học, bón phân không cân đối làm cho tiêu không có hệ thống miễn dịch. Lúc này các dòng tuyến trùng, các loại nấm chuyển hộ khẩu tới mặc sức mà cười mà phá. Hãy coi tiêu như là người con của mình, con bị bệnh thì bố mẹ đau lòng chạy đôn chạy đáo mà chữa chạy cho con. Cho dù là ngày hay đêm, trời mưa hay bão, chỉ cần con khỏi bênh. Đừng để khi quá muộn !
    Hình hài bố mẹ ban cho,
    Trí khôn đời dạy, đói no do mình.

Gửi phản hồi mới

(?)