Giá hạt tiêu khởi sắc trở lại nhưng cũng chưa hứa hẹn điều gì

, Thị trường hạt tiêu, 9

Hôm thứ Sáu ngày 06/04, giá hạt tiêu tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu ổn định ở mức 57.000 đồng/kg, trong khi tại các thị trường nội địa khác giá hạt tiêu đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng lên dao động trong khoảng 54.000 – 56.000 đồng/kg tiêu đen xô.

Đọc thêm: >> Giá hạt tiêu tăng trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

>>  Giá tiêu thế giới ổn định, giá tiêu trong nước xuống thấp kỷ lục

Giá tiêu xô tại các thị trường nội địa ngày 06/04/2018

Thông tin tại Hội nghị Thường niên lần thứ 45 của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ở Sri Lanka cho biết, ước thu hoạch hồ tiêu năm 2018 khoảng 570.000 tấn, tồn kho gối vụ mang sang khoảng 100.000 tấn nữa. Đặc biệt nhiều nước chưa phải là thành viên của tổ chức IPC như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan có sản lượng tăng rất nhanh, sớm trở thành đối thủ của các nước láng giềng là thành viên. Tuy nhiên, đáng kể nhất là xuất khẩu của Brasil năm 2017 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2016 và còn tăng mạnh hơn trong năm 2018, sẽ là đối thủ tiềm năng của ngành hồ tiêu Việt Nam.

Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) vẫn rất lạc quan khi nhận định rằng, về dài hạn sản lượng hồ tiêu của toàn thế giới cần phải tăng thêm mới đáp ứng được nhu cầu.

Hôm thứ Năm ngày 05/04, giá tiêu Ấn Độ trên sàn NCDEX – Kochi sau khi tăng 320 Rupi trong phiên trước, đã điều chỉnh giảm nhẹ. Hợp đồng giao tháng Tư giảm 85 Rupi xuống ở mức 40.620 Rupi/tạ (tương đương 6.245 USD/tấn), trong khi hợp đồng giao tháng Năm giảm 90 Rupi xuống ở mức 40.820 Rupi/tạ (tương đương 6.276 USD/tấn), giá vẫn ổn định so với một tuần trước đó.

Giá hạt tiêu giao ngay cũng ổn định ở mức 38.600 Rupi/tạ (tương đương 5.935 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 40.600 Rupi/tạ (tương đương 6.242 USD/tấn) cho loại tiêu chọn. Tuy nhiên giá lại giảm xấp xỉ 10 USD/tấn so với một tuần trước đó do tỷ giá đồng Rupi mạnh lên so với USD.

Trên thị trường quốc tế, giá tiêu Brasil là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với giá tiêu Việt Nam hiện nay được báo cáo không có sự thay đổi do Brasil cũng cạn hàng. Đáng lưu ý là người Brasil chưa có ý tồn trữ hạt tiêu sau vụ thu hoạch do sản lượng của từng nông hộ cũng chưa được nhiều. Giá tiêu Indonesia, Malaysia cũng ổn định. Trái lại, giá tiêu đen Việt Nam được chào bán giảm bình quân 200 USD/tấn so với tuần trước.

Trong khi giá tiêu đen xô tại thị trường nội địa Việt Nam đã tăng bình quân 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Nhưng vẫn còn giảm 15.000 đồng/kg so với mức giá của ngày đầu bước vào năm 2018.

Sản lượng tiêu Ấn Độ năm nay sụt giảm không như ước tính ban đầu…

Theo các Thương nhân xuất khẩu hạt tiêu đóng ở phía Nam, giá tiêu thế giới có chút khởi sắc trong ngắn hạn do nguồn cung Brasil khô cạn khi vụ thu hoạch đã hoàn tất. Vụ mùa của Ấn Độ đang thu hoạch sẽ không đạt như đã dự báo vì thời tiết ở 2 bang trồng tiêu chính là Karnakata và Kerala không thuận lợi. Dự kiến sản lượng toàn Ấn Độ vụ mùa năm nay giảm khoảng 10.000 – 15.000 tấn xuống chỉ đạt 60.000 tấn so với ước báo ban đầu. Cho dù sản lượng vụ mùa Việt Nam hiện chi phối nguồn cung hạt tiêu toàn thế giới nhưng khối lượng hạt tiêu dự trữ của các nhà xuất khẩu cũng khá dồi dào, đủ để thực hiện các hợp đồng ngắn hạn.

Chia sẻ với các đại lý, các công ty nội địa cung ứng hàng, các nhà xuất khẩu hạt tiêu cho biết họ rất muốn giá tiêu khả quan hơn. Do phải đáp ứng nhu cầu ổn định của khách hàng nên họ thường tồn trữ một khối lượng hàng nhất định và do đó, không loại trừ họ phải mua sớm với giá cao đầu vụ để giao với giá thấp giữa vụ. Rõ ràng không một nhà xuất khẩu nào muốn thị trường biến động giảm như thời gian vừa qua.

Các nhà xuất khẩu dự kiến Brasil sẽ vào thu hoạch vụ mùa mới năm nay trong khoảng tháng 9, 10, 11 sắp tới, chắc chắn sức ép về giá sẽ gia tăng trở lại và khả năng sẽ còn xấu hơn năm nay. Trong khi đó nguồn cung sản lượng tăng của Campuchia, Indonesia cũng góp phần gia tăng sức ép về giá, không biết tương lai chu kỳ giảm lần thứ Tư này của giá tiêu sẽ khi nào kết thúc.

Anh Văn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
9 Phản hồiGửi phản hồi mới
    • Thời điểm bạn nói là chu kỳ suy thoái lần thứ Ba.
      Giá cà phê cũng rơi xuống đáy 4.000 đ/kg.

  1. Trồng tiêu tùy loại đất thích hợp. Diện tích nhỏ trồng tiêu khả quan hơn.
    Diện tích lớn ta nên chuyển đổi cây trồng vì có giá trị kinh tế hơn…

  2. Đã có thời điểm hàng trăm tấn tiêu xô từ Brasil nhập về VN với danh nghĩa tạm nhập tái xuất nhưng được nhà buôn tung ra thị trường Đông Nam bộ khi họ thấy giá cả thị trường trong nước có lời ăn ngay.
    Việc này gây thêm sức ép lên giá tiêu nội địa nhưng không ai có thể kiểm soát được !

    • Quy luật thị trường mà, khi nào hàng hóa chẳng chảy về nơi có giá cao hơn !

  3. @Sam Sam.

    Chính xác là 1300 tấn. Đảm bảo là số tiêu Brazil kia được tái xuất chứ thị trường VN tiêu thụ chỉ 6-7000 tấn/năm nên tiêu nhà làm ra ăn còn không hết cần gì phải nhập.

    Số tiêu nhập trên đem về và bán trong nước để thoả mãn nhu cầu mua tiêu trữ của giới đầu cơ trong nước.

    Sau khi ôm hoài mà giá không thấy lên thì họ lại bán cho đại lý cắt lỗ, đại lý bán cho các cty XNK, và họ lại xuất ra nước ngoài. Dan Viet đảm bảo là số tiêu trên không hề cạnh tranh chiếm thị trường tiêu thụ nội địa của tiêu VN.
    Chỉ có tiền là chạy từ túi của những người đầu cơ vào túi của đại lý rồi từ đó chảy vào túi câc cty XNK đã nhập hàng về bán mà thôi. Họ thật thông minh, xứng đáng được thưởng.
    Dan Viet nhớ là đã cảnh báo việc này trên diễn đàn này rồi và nhận được sự nghi kỵ của nhiều người lúc đó.

  4. Theo tôi nghĩ cty XNK không nhập để tiêu thụ nhưng dùng làm công cụ tạm thời để ép giá tiêu trong nước giảm xuống. Sau này vào mùa thu hoạch giá tiêu trong nước giảm thấp họ sẽ mua lại và khai hàng tái xuất để được miễn giảm thuế.
    Tôi thấy Hải Quan nên đánh thuế nhập khẩu để giữ giá tiêu trong nước mới hợp lý, như Ấn Độ đang áp dụng thuế nhập khẩu theo giá bình quân tối thiểu hiện nay.

  5. Đó chính là tự do thương mại toàn cầu.

    Nếu như chúng ta ngăn sông cấm chợ đối với hàng nhập thì các nước khác cũng sẽ áp dụng biện pháp tương tự với ta đối với các mặt hàng khác và chúng ta sẽ từng bước quay lại thời bao cấp.

    Một khi đã chấp nhận tham gia sân chơi chung của tổ chức thương mại thế giới WTO thì phải tôn trọng luật chơi thôi. Tiêu VN đem qua Ấn Độ, Indonesia, Malaysia dập hàng nội địa của họ tơi tả (và vỗ tay hoan hô khi ta toàn thắng) đến nổi nông dân họ kêu gọi chính phủ cấm hàng VN để giải cứu tiêu nội địa thì cũng phải chấp nhận việc tiêu Brazil đem về VN bán thôi.

    Dan Viet nghĩ như vậy cũng hay vì nó làm cho những nhà buôn VN phải mở rộng tầm mắt hơn khi tham gia thương trường, nói bây giờ là biển lớn chứ không còn là cái ao làng nữa. Các nhà đầu cơ nội địa cần có trải nghiệm thực tế để biết được rằng vụ mùa ở Brazil hoàn toàn có thể tác động đến giá tiêu ở VN.

Gửi phản hồi mới

(?)