Giá hạt tiêu nội địa lẫn xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh

, Thị trường hạt tiêu, 9

Nhiều thương lái cho biết, giá tiêu đang tăng với tốc độ nhanh song việc thu gom hàng lại trở nên khó khăn hơn vì người trồng tiêu không muốn bán ra.

Thị trường hạt tiêu thế giới lẫn nội địa trong tuần qua đều biến động mạnh do nỗi lo về nguồn cung, nhất là sau khi ngành nông nghiệp nước ta dự kiến xuất khẩu hạt tiêu năm 2012 sẽ giảm khoảng 30% khối lượng.

Nguyên nhân chính là vụ thu năm 2012 sẽ sụt giảm nghiêm trọng vì thời tiết bất lợi, mặc dù năm qua diện tích trồng tiêu của cả nước tăng nhanh ngoài kế hoạch nhờ giá cao. Con số sản lượng ước giảm 30 – 40% do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khảo sát tại các vùng trồng tiêu trọng điểm hồi cuối năm 2011 đã khiến các nhà xuất khẩu thực sự lo lắng.

Trong tuần qua, tuy mới được đưa lên giao dịch tại sàn SMX (Singapore) nhưng giá tiêu đen chỉ 1 tuần đã tăng 250 USD, tức 4,15 %, lên mức 6.301 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 3 và tăng tới 354 USD, tức 5,57 %, lên mức 6.354 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 4, mức tăng rất mạnh. (xem biểu đồ)

Giá hạt tiêu trên sàn SMX trong tuần giao dịch đầu tiên -USD/tấn (nguồn: CafeF)

Giá tiêu đen xô tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu trong tuần qua cũng tăng thêm 5.000 đồng, tương đương 4,1 %, lên 127.000 đồng/kg. Các thị trường nội địa khác cũng có mức tăng rất nóng không kém, như Đăk Lăk-Đăk Nông tăng 7.000 đồng, lên 122.000 đồng/kg, Gia Lai tăng 8.000 đồng, lên 124.000 đồng/kg.

Nhiều thương lái cho biết, mức tăng của giá tiêu đầu vụ so với năm trước như vậy là rất mạnh nhưng việc thu gom hàng hiện nay cũng khó khăn hơn vì người trồng tiêu không muốn bán ra. Điều này cũng dễ hiểu vì giá tiêu năm trước đạt đỉnh xấp xỉ 160.000 đồng/kg khiến cho những nhà vườn bán sớm vẫn còn nuối tiếc.

Trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ, trong tuần qua, giá tiêu kỳ hạn tháng 3 tăng tổng cộng 1.265 Rupi, tức 4,24 %, lên 31.080 Rupi/tạ, tương đương 6.310 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 1.370 Rupi, tức 4,55 %, lên 31.465 Rupi/tạ, tương đương 6.388 USD/tấn, mức tăng mạnh hơn. Riêng giá hạt tiêu giao ngay chỉ tăng 842 Rupi, tức 2,73 %, lên 31.664 Rupi/tạ, tương đương 6.429 USD/tấn.

Giá hạt tiêu xuất khẩu của tất cả các nước cũng tăng cao. Tiêu Ấn Độ loại đặc chủng MG1 đi châu Âu giá 6.700 USD/tấn và đi Mỹ giá 7.000 USD/tấn (C&F), tăng 250 USD. Tiêu Brazil loại B1 được chào mua 6.700 USD/tấn và loại B2 thấp hơn 100 USD/tấn, tăng 350 USD. Tiêu đen Việt Nam loại 500 Gr/l-FAQ được chào giá 6.300 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ chào giá 6.600 USD/tấn, (FOB), tăng 300-350 USD.

Được biết, các hãng tàu biển quốc tế đều thông báo tăng giá cước kể từ đầu tháng 3 này, nhằm khôi phục lại giá cước đã giảm sâu kể từ năm 2008. Việc tăng giá cước vận tải biển sẽ khiến cho các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp khó vì lâu nay việc vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các hãng tàu của nước ngoài.

Dự kiến sắp tới giá tiêu trong nước vẫn duy trì ở mức cao.

Anh Văn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
9 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Một lần nữa cho phép tôi gởi lời cám ơn đến anh Nguyễn Vịnh, vì những gì anh đã đem lại cho dân trồng tiêu. Tôi xin thông tin thêm về tình hình tiêu ở Đồng Nai. Năm nay giống tiêu Vĩnh Linh tại Đồng Nai thất thu đến 70%, hiện tại nhân công thu hoạch tiêu bị thất nghiệp, khoảng từ 2-3 tuần nữa giống tiêu địa phương mới chín. Nông dân giữ tiêu lại thành ra dân buôn gặp khó khăn khi gom hàng. Chúc anh và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

  2. Cám ơn lời thăm hỏi và động viên của anh.
    Hiện rất nhiều bà con muốn biết cách tính tiền bán tiêu của từng vùng để rút ra những điểm chung làm nền tảng. Mong được anh chia sẻ về cách tính tiền bán tiêu ở vùng của anh đang ở. Trân trọng.

  3. Kính chào anh Vịnh, hơn sáu năm nay tôi không bán tiêu cho các đại lý nữa, lý do là tôi không đồng tình với cách thu mua của họ. Tôi xin thuật lại với anh như sau: Khi đem tiêu tới họ cân,cân xong họ xâm từng bao để lấy mẫu sau đó thì đổ lẫn lộn tiêu của mình vào tiêu của họ, rồi họ mới làm rem và đo độ ẩm và tính giá thành. Với cách làm đó tôi không hài lòng, vì sản phẩm của mỉnh mà giá cả do họ quyết định, họ đã tước đi cái quyền thỏa thuận, mặc cả, kỳ kèo giá cả của mình (điều này họ chỉ dành riêng cho những con buôn nhỏ, mạng lưới thu gom hàng cho họ).Có lần tôi không đồng ý với cách làm của họ thì gặp phải khó khăn là hàng của mình đã bị đỗ lẫn lộn với hàng người khác. Thế đấy, bây giờ trước khi bán,tôi đt.trao đổi với những bạn đồng nghiệp,thăm dò giá với một số bạn hàng,kỳ kèo,thuận mua vừa bán. Với cách bán hàng này tôi được thỏa mãn về mặt tâm lý và có quyền quyết định trên sản phẩm của mình. Thú thật với anh rằng tôi đã quên cách tính tiền bán tiêu rồi,chỉ biết rằng giá của tôi bán luôn cao hơn bảng báo giá của Y5 từ 5.000đ-10.000đ/kg tùy theo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên tôi có một ít kinh nghiệm bán hàng là: 1-khi bán hàng hãy chọn thời gian nào đó khi nhiệt độ lên cao nhất trong ngày. 2-trước khi đo độ ẩm không cho phép người mua hàng trực tiếp cầm sản phẩm của mình trên lòng bàn tay, mà phải qua một vật trung gian bằng kim loại hoặc nhựa khô ráo, như vậy mình sẽ có lợi hơn. Vài chia sẻ nhỏ, kính chúc anh luôn mạnh khỏe.

  4. Chào chú Vịnh, chú Tiêu phong. Cháu cũng ở Đồng Nai, (Long Khánh) là đại lý thu mua NS, chủ yếu là tiêu cho tiêu thụ nội địa, cách tính tiền như sau:
    1. Xăm hàng lấy mẫu. 2. đo dung trọng , độ ẩm, tạp chất, tỉ lệ tiêu, lừng, lép, trứng, cám, tạp chất (đất đá, que cọng, đầu ruồi…). Công bằng cho cả 2 bên mua bán là theo chuẩn Vina (chuẩn 500g/l, độ ẩm 15o, 1% tạp, 1-2% trứng, 5-10% lép lừng). Dân buôn nhỏ họ hay đánh lận những chuẩn này để ăn chênh lệch. Nếu ở Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cháu sẽ thu mua tại chỗ (số lượng lớn cho đủ 1 xe), số lượng nhỏ thì phiền các chú chở ra kho nhà cháu, cháu có thể bao giá trong ngày.
    Chú Vịnh có thể Link hay post giá tiêu trực tuyến giống như trang Y5Cafe trên trang của chú cho tiện được ko chú, cám ơn các chú nhiều.

  5. Gởi Gia phong , mình làm đại lý tại Đak Lak chuyên mua nông sản, vậy mong gia phong cho số điện thoại để liên lạc trao đổi và bán hàng nhé, đ/t của mình 0905460382 . email phuceadar@yahoo.com . Mong bạn hồi âm.

  6. Tâm lý người nông dân lúc nào chẳng vậy. Khi giá xuống thì tranh nhau bán vì sợ rớt nữa, khi giá lên thì lại khư khư ôm hàng chẳng ai chịu bán ra… Chu kỳ giá tăng kéo dài 5-6 năm là quý lắm rồi, giờ phải trở về mới mặt bằng giá cả nông sản nói chung cũng hợp lý thôi.
    Làm nông nghiệp chỉ mong bền vững, “oanh liệt” thì chỉ nhất thời.
    Bài báo này lâu rồi nhưng vẫn “thời sự” nhỉ !

Gửi phản hồi mới

(?)