Giá hạt tiêu tăng và sẽ còn tăng mạnh

, Thị trường hạt tiêu, 18

Xuất khẩu hạt tiêu vẫn tăng trong dịch Covid-19, cộng với hoạt động đầu cơ, đã giúp cho giá tiêu có xu hướng tăng nhẹ ở các vùng trồng trọng điểm.

Một vườn tiêu ở Long Khánh, Đồng Nai.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), những ngày gần đây, giá hạt tiêu ở khu vực này có xu hướng tăng nhẹ và hiện đã ở mức khoảng 38.000-39.000 đồng/kg.

Thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho thấy, giá tiêu đang tăng lên ở tất cả các vùng trồng tiêu trọng điểm, có nơi đã trở lại mốc 40.000 đồng/kg.

Cụ thể, ngày 6/5: giá tiêu đen ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 40.000 đồng/kg; Bình Phước 39.000 đồng/kg, Đồng Nai 39.000 đồng/kg…

Ông Bính cho biết, giá tiêu tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu bắt đầu trở lại ở một số thị trường. Sau một thời gian tạm ngưng do dịch bệnh Covid-19, khách hàng Trung Quốc đã quay trở lại mua cả tiêu đen và tiêu trắng. Trong đó, tiêu trắng đang được họ mua nhiều.

Bên cạnh đó, do vừa qua, giá tiêu xuống thấp, được coi là đã ở mức đáy, vì vậy, nhiều nhà đầu cơ tích cực mua vào. Điều này cũng góp phần không nhỏ làm giá tiêu tăng lên.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các yêu cầu cách ly xã hội và hạn chế thông quan hàng hóa của nhiều nước trên thế giới để phòng chống Covid-19, khiến nguồn cung hạt tiêu toàn cầu bị gián đoạn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến giá hạt tiêu xuất khẩu tại một số nước sản xuất lớn tăng.

Điều đáng chú ý là trong khi dịch bệnh Covid-19 đã làm cho xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của nước ta gặp khó khăn lớn, thì xuất khẩu tiêu trong thời gian qua, dù có bị ảnh hưởng ít nhiều ở một số thị trường, nhưng nhìn chung vẫn diễn ra khá bình thường.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 4 đạt 40 nghìn tấn, trị giá 80 triệu USD, tăng 8,2% về lượng, nhưng giảm 14,3% về trị giá so với tháng 4/2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu đạt 121 nghìn tấn, trị giá 256 triệu USD, tăng 11,9% về lượng, nhưng giảm 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng, cho thấy mặt hàng này vẫn xuất khẩu tương đối ổn định trong 4 tháng qua. Còn giá trị giảm chủ yếu là do cung vẫn đang vượt xa cầu, khiến cho giá tiêu trên thị trường thế giới trong những tháng đầu năm nay tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2019.

Dự báo của Tập đoàn Nedspice cho hay, mặc dù sản lượng hạt tiêu toàn cầu ước tính sẽ giảm khoảng 12% trong năm 2020, nhưng dự kiến lượng tồn kho vẫn cao hơn tổng nhu cầu trên thị trường.

Tại một số nước sản xuất lớn, sản lượng hạt tiêu vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, ở Việt Nam, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 250 ngàn tấn. Cộng với 90 ngàn tấn tồn kho từ năm ngoái chuyển sang, tổng nguồn cung hạt tiêu là 340 ngàn tấn. Còn ở Ấn Độ, sản lượng tiêu trong năm nay dự báo tăng 20 ngàn tấn so năm 2019 và đạt 65 ngàn tấn.

Theo ông Bính, trong những tháng tới, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các khách hàng châu Âu, Mỹ … quay trở lại thị trường, giá tiêu có thể sẽ tiếp tục tăng, nhưng mức tăng không nhiều, bởi năm nay, thị trường tiêu thế giới vẫn trong tình trạng cung vượt cầu.

Tuy nhiên, đến cuối năm nay và sang năm sau, giá tiêu nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu Việt Nam sẽ giảm đáng kể. Mấy năm qua, do giá tiêu xuống thấp, nhiều hộ trồng tiêu không còn khả năng, hoặc không còn quan tâm nhiều tới việc đầu tư cho vườn tiêu. Do đó, tuy diện tích tiêu giảm chưa nhiều, nhưng sản lượng những vụ tới có thể sẽ giảm mạnh do năng suất chung bị giảm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam, ngành hồ tiêu đã thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp đang nâng cấp khâu chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong thời gian tới.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
18 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Tiêu đâu mà mới 4 tháng mà xuất nhiều thế, năm nay mất mùa nhiều nơi dân bỏ ko thu vì giá quá rẻ

  2. Thực ra, nếu để ý kỹ thì trong cùng một ngày, thậm chí từng giờ các tờ báo, thông tin của các hiệp hội trái chiều nhau, cạnh tranh, định hướng giữa người sản xuất, thương mại đan xen nhau nhưng phần thiệt nhất là người nông dân. Có báo cách đây vài ngày, lúc ấy giá tiêu 40 trở lên thì lại đăng lại tiêu đề như này: ….Tiêu có lúc 35.000 đ/kg hoặc nó tăng, giảm theo ngày đều cập nhật muộn hoặc sai bét; những bài thuộc dạng này phục vụ cho ai, những đối tượng nào thì người từng trải có thể ít nhiều đoán được. Mỗi người chúng ta hành xử đúng các giao dịch mà ở đó người sản xuất và kinh doanh đều được lợi ích sòng phẳng thì mới tốt được; nếu nói đã kiểm soát được Covid 19, giao lưu thương mại được thức đẩy nên giá tiêu tăng là ngụy biện; vì trước dịch và sản lượng của nước ta chiếm tới hơn 40% thị trường thế giới muốn điều tiết tăng giảm là do mình, còn giờ tiêu có tăng là do sản lượng thấp, xóa sổ, bỏ canh tác ngày càng tăng do sản xuất lỗ, hết vốn đầu tư, lĩnh vực khác hấp dẫn hơn và rủi ro bệnh tật mà thôi.

    • Mỗi khi có ai đó muốn dân ôm tiêu vào là họ viết bài tung hô theo hướng tích cực: “dân bỏ bê, tiêu chết hàng loạt”

      Nếu họ muốn dân bán ra, dìm thì: “hàng tồn nhiều, dịch Covid, khách hàng giảm mua”.

      Hiện nay thì các yếu tố trên đang đan xen vào nhau nên nhìn theo hướng nào thấy cũng có lý cả.

      Ý kiến Dan Viet không thay đổi: “không nên vay mượn để ôm tiêu hoặc nợ nần chuyện khác có tính lãi nhưng tiêu nhà thì ôm lại không bán”. Số người bể nợ vì vay mượn ôm tiêu 5 năm qua đông lắm rồi.

      Bác nào có vốn nhàn rỗi thì tuỳ, muốn sao cũng được.

  3. Tăng có mấy ngàn mà tăng mạnh. Năm nay hạn hán mãi không mưa, giá 30000- 40000vnd/kg thế này, liệu còn mấy ai trụ nổi.

    • Không sao đâu bạn !
      Cần chuyển đổi, giảm bớt khoảng 20% diện tích trồng tiêu hiện có…

  4. Tiêu phải tăng lên nữa chớ năm nay rẻ quá dân bỏ ko chăm sóc, lại hạn nặng chết gần hết rồi còn tiêu đâu nữa mà không tăng.
    Ai còn tiền thì cứ để, tôi nghĩ sang năm tiêu lên 100k cũng không có bán đâu.

  5. Tôi thấy là sản lượng Tiêu bắt đầu xu hướng giảm từ 2019.
    Năm 2019 giảm do diện tích tiêu bị chết nhiều ở các vùng trọng điểm.
    Năm 2020 sản lượng tiếp tục giảm vì giá thấp người trồng ít mặn mà đầu tư.
    Hiện nay người dân không mấy ai tái canh mà đã chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Diện tích đang có sẽ cho sản lượng thấp vì không mấy ai mặn mà đầu tư.
    Dự kiến sản lượng Tiêu năm 2021 cũng sẽ giảm thêm.
    Như vậy có lẽ phải đến cuối năm 2021 giá cả bắt đầu sẽ khả quan hơn vì luật Cung – Cầu !

    • Tôi nghe nói bữa nay TQ chuyển sang mua tiêu của VN theo chính ngạch nên giá cả có phần tốt hơn, phải không mọi người ?

  6. Giá tiêu đen đang tăng một cách bất thường, khó nhận diện. Trong khi tiêu trắng chào bán giá không tăng được. Khả năng phải tạm dừng, chế biến với giá này không ai làm vì thua lỗ…

Gửi phản hồi mới

(?)