Giá hạt tiêu tiếp tục suy yếu bởi nhu cầu thấp

, Thị trường hạt tiêu, 5

Giá tiêu xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu 121-122 ngàn đồng/kg, tại Bình Phước 120 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 118-119 ngàn đồng/kg, giảm bình quân 3.000 đồng/kg so với tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần chiều thứ Bảy ngày 21/7, trên sàn giao dịch NCDEX tại thị trường Kochi Ấn Độ, giá hạt tiêu biến động trái chiều giữa các kỳ hạn. Trong khi các kỳ hạn gần  giao tháng 8, 9 giảm nhẹ thì kỳ hạn xa giao tháng 10, 11 tăng nhẹ, cho thấy rõ thị trường tiêu kỳ hạn đang bị sức ép của nguồn cung.

Đóng cửa phiên, lần lượt các kỳ hạn giao tháng 8, 9 đứng ở mức 43.275 Rupi/tạ, 43.650 Rupi/tạ tương đương 7.788 USD/tấn, 7.855 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 10, 11 đứng ở mức 44.175 Rupi/tạ, 44.400 Rupi/tạ tương đương 7.950 USD/tấn, 7.990 USD/tấn. ( 1USD = 55,5672 Rupi )

Giá hạt tiêu giao ngay tăng lên mức 40.100 Rupi tương đương 7.216 USD/tấn cho loại tiêu xô và 41.600 Rupi/tạ, tương đương 7.486 USD/tấn cho loại tiêu chọn MG1, tuy có tăng nhưng chủ yếu là do tỷ giá đồng Rupi tiếp tục xuống thấp.

Giá tiêu đặc chủng của Ấn Độ loại MG1 có giá 7.900-8.000 USD/tấn (C&F) đối với hàng xuất đi châu Âu và 8.200-8.300 USD/tấn (C&F) đối với hàng xuất đi Mỹ, tăng 50-100 USD.

Theo Reuters, hiện giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ có mức chênh lệch đã lên đến 700-1000 USD/tấn cao hơn so với giá tiêu của các nguồn gốc xuất xứ khác.

Trong khi đó, giao dịch tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) đã sôi động trở lại. Chốt phiên cuối tuần này, kỳ hạn giao tháng 8 đứng ở mức 6.120 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 đứng ở mức 6.187 USD/tấn, vẫn còn chênh lệch quá lớn so với giá tiêu kỳ hạn tại Ấn Độ.

Các thương nhân tại Ấn Độ cho rằng, tuy Indonesia và Brazil hai nước sản xuất tiêu hàng đầu thế giới đã ra hàng nhưng sức ép của nguồn cung vẫn chưa đáng kể. Vì nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Ân Độ vẫn còn cao nên họ đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng từ các nước, nhất là khi tháng lễ Ramadan của Hồi giáo sắp đến.

Một số nhà nhập khẩu Ấn Độ đã mua tiêu loại B1 của Brazil với giá 6.300 USD/tấn, giá FOB, còn các nhà buôn tiêu Việt Nam cho biết da của hạt tiêu này rất mỏng và do đó dễ dàng để chế biến thành hạt tiêu trắng.

Tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g Gr/l-FAQ được chào giá 6.000-6.050 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ được chào giá 6.300-6.350 USD/tấn, (FOB), giảm 200 USD, trong khi tiêu trắng loại 630Gr/l-FAQ chào giá 9.000-9.050 USD/tấn, (FOB), giảm 350 USD nhưng nhu cầu đang rất yếu.

Giá tiêu đen xô trong nước cũng giảm đáng kể. Sáng nay 22/7, giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu xuống 121-122 ngàn đồng/kg, tại Bình Phước còn 120 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên còn 118-119 ngàn đồng/kg, giảm bình quân 3.000 đồng/kg so với tuần trước.

Theo thống kê của Hải Quan, xuất khấu nửa đầu tháng 7 đạt 3.038 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 22,9 triệu USD, nâng số lượng xuất khẩu 6 tháng rưỡi đầu năm lên 72.251 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch  494,7 triệu USD. Giá bình quân xuất khẩu trong kỳ đạt 7.561 USD/tấn, tăng 10,5 % so với giá bình quân tháng trước.

5 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Kính gởi ANH VĂN. Trong bài này có đoạn viết “nhất là khi tháng lễ RAMAĐAN của HỒI GIÁO sắp đến” có nghĩa là đến tháng 8 thì nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu sẽ tăng lên phải không? Nhờ ANH VĂN giải thích thêm đoạn nầy. Xin cám ơn !
    Nông dân VN trông đứng trông ngồi cho thị trường hạt tiêu nóng lên.

  2. Bạn vui lòng hiểu đầy đủ thông tin trong câu: “Vì nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Ân Độ vẫn còn cao nên họ đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng từ các nước, nhất là khi tháng lễ Ramadan của Hồi giáo sắp đến”.

    Ý bạn hỏi chỉ là một bổ ngữ để làm rõ người dân Ấn Độ có nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào thời gian tháng lễ Ramadan. Nhưng do sản xuất trong nước còn hạn chế nên họ phải tìm mua hàng từ nhiều nguồn khác nhau mà mua từ Brazil chỉ là 1 ví dụ cụ thể.

    Còn bạn hiểu đến tháng 8 nhu cầu tiêu thụ tăng thì thực tế ở khu vực các quốc gia Hồi giáo đều như vậy, nhưng họ đã mua hàng dự trữ từ trước đó rồi. Tháng Ramadan là tháng ăn chay cầu nguyện và cử hành các nghi lễ tôn giáo chứ người theo Hồi giáo không buôn bán gì đâu.

    Hy vọng giúp bạn hiểu rõ !

  3. Xin chào Anh Văn,

    Rất cám ơn về bài viết và phản hồi. Như vậy theo ý anh là sau tháng lễ Ramadan, nhu cầu tiêu sẽ tăng cao hơn ở các nước Hồi giáo. Và vì thế Ấn độ đang thu gom lại để xuất khẩu sang các nước đó hay là “người dân Ấn Độ có nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào thời gian tháng lễ Ramadan”

    Tony

  4. Xin được trao đổi ý bạn Tony Tran như sau:

    1. Bạn vui lòng chỉ chỗ nào gây ra sự hiểu nhầm để tôi rút kinh nghiệm. Tôi không thấy có chỗ nào để bạn hiểu “sau tháng lễ Ramadan, nhu cầu tiêu sẽ tăng cao hơn ở các nước Hồi giáo”. Nên ý tiếp của bạn “Và vì thế… ” là không hợp lý.

    2. Người dân Ấn theo đạo Hồi và các nước Hồi giáo tiêu thụ tăng cao trong tháng lễ Ramadan là đúng. Xin miễn giải thích lý do. (bạn tìm hiểu ở mục lễ hội…)

    Cám ơn những trao đổi của bạn.

  5. Nhìn chung ko thể đoán được giá tiêu sẽ như thế nào, nó có thể lên 150k thì cũng có thể hạ xuống 50k thôi… nhớ hồi nhỏ có năm tiêu lên đỉnh 90k sau đó hạ xuống còn 20 mấy ngàn gì đó.

Gửi phản hồi mới

(?)