Giá hạt tiêu vẫn vững ở mức cao

, Thị trường hạt tiêu, 6

Trong tháng 4, xuất khẩu hạt tiêu đã tăng 15,5% về lượng và tăng tới 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu thế giới trong tháng 4 vừa qua đã suy yếu do trước đó nhà đầu tư trên thị trường kỳ hạn đã đẩy giá lên cao, khiến giá tiêu Ấn Độ xuất đi Mỹ cao hơn các nước khác trên cả ngàn USD và các nhà nhập khẩu Mỹ cũng đã đẩy mạnh nhập tiêu từ nhiều nguồn khác nhau để dự trữ.

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thương mại Gia vị Mỹ (ASTA), được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua tại bang Florida, đã xuất hiện tin đồn được cho là của nhà đầu cơ rằng, nguồn hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ vẫn còn dồi dào chứ không bị thắt chặt như đã dự đoán. Trước mắt, tin đồn này sẽ không có lợi cho các nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu vì Mỹ là thị trường nhập khẩu lượng tiêu rất lớn ở khu vực Bắc Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 2/5, giá tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ hồi phục nhẹ. Kỳ hạn tháng 5 tăng 385 Rupi lên 37.245 Rupi/tạ, tương đương 7.070 USD/tấn và kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 320 Rupi lên 37.870 Rupi/tạ, tương đương 7.189 USD/tấn. (1 USD = 52,6784 Rupi)

Đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày, trên sàn giao dịch SMX tại Singapore, giá tiêu kỳ hạn giao tháng 5 tăng 118 USD lên mức 6.445 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 6 vẫn giữ nguyên mức 6.425 USD/tấn không thay đổi.

Chênh lệch giá kỳ hạn giữa 2 sàn từ trên 2.000 USD đã được rút ngắn lại xuống rất đáng kể.

Tiêu đặc chủng (MG1) Ấn Độ có giá 7.300 USD/tấn (C&F) đối với châu Âu và 7.600 USD/tấn (C&F) đối với Mỹ, giảm 200 USD. Trong khi tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g Gr/l-FAQ ở mức 6.450-6.500 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ mức 6.750-6.800 USD/tấn, tăng 150-200 USD so với tuần trước.

Giá hạt tiêu giao ngay tại thị trường nội địa Ấn Độ giảm 300 Rupi xuống ở mức 36.300 Rupi/tạ, tương đương 6.891 USD/tấn cho loại tiêu xô và mức 37.800 Rupi/tạ, tương đương 7.176 USD/tấn cho loại tiêu chọn MG1, giảm 200 USD.

Sáng nay 3/5, giá tiêu xô trong nước tăng nhẹ thêm 1-2 ngàn đồng/kg do nhu cầu mua mạnh của nhà xuất khẩu. Cụ thể, tại Gia Lai và Đak Lak – Đak Nông giá 122-123 ngàn đồng/kg, tại Bình Phước giá 124 ngàn đồng/kg và giá cạnh tranh nhất vẫn là tại Bà Rịa – Vũng Tàu 127 ngàn đồng/kg.

Tính đến thời điểm này, những vùng trồng tiêu trọng điểm ở Đông Nam bộ và Tây nguyên đã hoàn tất việc thu hái của vụ mùa năm nay, chỉ những diện tích tiêu của vùng Duyên hải Trung bộ còn khoảng 2 tháng nữa mới vào vụ.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, xuất khẩu tháng 4 ước đạt 17 ngàn tấn tiêu các loại, kim ngạch đạt 116 triệu USD, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 4 tháng lên con số 48 ngàn tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu 326 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng tới 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh do nguồn cung hạn chế, giá bình quân 3 tháng đạt 6.821 USD/tấn, tăng gần 39,34% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ tăng khá ở hầu hết các thị trường chính.

Anh Văn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
6 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Giá tiêu Ấn Độ sẽ còn tăng vì đồng Rupi đang rớt giá thê thảm.
    Năm ngoái giá tiêu VN lên 160 ngàn/kg thì đồng Rupi còn ở mức 45 Rs = 1 USD.
    Nay giá tiêu đang ở 125 ngàn/kg thì đồng Rupi chỉ còn ở mức 53 Rs = 1 USD.
    Tất nhiên người Ấn sẽ không bao giờ bán rẻ hạt tiêu của mình đâu.

    Không biết các nhà xuất khẩu hạt tiêu VN học được gì từ người Ấn? Họ vẫn là nhà buôn gia vị giỏi nhất thế giới !

  2. Giá tiêu tại Daklak vẫn giữ giá 122-123 ngàn/kg. Theo dự đoán của các chuyên gia, giá tiêu có thể tăng trở lại vào tháng 6 tới. Bà con đừng để bị ép giá.

  3. Giá tiêu hiện nay đang cao so với mọi năm, nhưng thực lòng vẫn chưa dám bán, vì sợ vài tháng nữa giá lên thì tiếc lắm.

  4. Theo tôi, giá tiêu Ấn sẽ xuống ít thôi vì người Ấn biết chắc nhu cầu thế giới đang thiếu nên họ sẽ không bán giá thấp.
    Cho nên giá tiêu Việt Nam tăng lên để giá nội địa 2 nước tương đương nhau là hợp lý hơn cả.
    Phải vậy không bà con?

  5. Cứ cái gì của Việt Nam cao ắt nước ngoài sẽ thấp mà cái gì thấp ở Việt Nam thì nước ngoài sẽ cao…, ấy vậy mà toàn những cái bất lợi. Như xăng dầu và vàng ở thế giới còn thấp thì Việt Nam kêu lỗ, đòi tăng giá. Tiêu thì nước ngoài cao Việt Nam thấp, coi như người nông dân chịu thiệt. Thiệt không hiểu nổi!

Gửi phản hồi mới

(?)