Gia Lai: Chư Sê hướng đến giải pháp sản xuất tiêu sạch

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 29

“Đại dịch” hồ tiêu chết, sử dụng phân thuốc không hợp lý khiến thuốc BVTV còn tồn dư trên sản phẩm, diện tích vượt quy hoạch lớn… là những vấn đề đặt ra để người trồng tiêu huyện Chư Sê hướng đến giải pháp sản xuất bền vững, tạo ra những sản phẩm tiêu sạch.

Các nhà khoa học tham quan vườn tiêu sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ sinh học.

Từ sử dụng phân thuốc hữu cơ

Sau khi được tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng, ông Nguyễn Văn Hiền-tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) quyết định mua chai thuốc tiêu tuyến trùng có nguồn gốc thảo dược về ứng dụng trên vườn tiêu của gia đình. Ông cho biết, vườn tiêu có 700 trụ (400 trụ đang chuẩn bị thu hoạch, 300 trụ bước sang năm thứ 2) thì có khoảng 20 trụ có dấu hiệu nhiễm bệnh. Trước đó, ông Hiền đã mua thuốc nấm về phun nhưng không khả quan. Nghi chúng bị nhiễm tuyến trùng nên ông mua sản phẩm này về dùng thử. “Nếu thật sự mang lại hiệu quả, tiêu hết bệnh, tôi sẽ xem đây là động lực để chuyển sang sử dụng hoàn toàn các loại phân, thuốc có nguồn gốc hữu cơ cho vườn tiêu của mình”, ông Hiền cho biết.

Theo anh Bùi Văn Kiên-thôn Mỹ Thạch 1, thị trấn Chư Sê-dự kiến sản lượng của hơn 2.500 trụ tiêu của gia đình anh năm nay (800 trụ trồng mới được 2 năm, còn lại 1.700 trụ đang là tiêu kinh doanh) đạt trên 5 tấn. Số tiêu này anh trồng từ năm 2010, đến nay vẫn phát triển bình thường, ít sâu bệnh và đặc biệt “miễn nhiễm” với bệnh tiêu chết. Anh khẳng định đó là do hạn chế sử dụng phân bón hóa học. “Mỗi năm tôi chỉ phun thuốc sâu 1 lần, nhưng liều lượng cũng rất thấp, còn lại bón các loại phân vi sinh. Tôi để cho tiêu tự phát triển theo khả năng sinh tồn của nó, ít can thiệp đến phân thuốc hóa học”-anh Kiên nói…

Đến sản xuất tiêu sạch

Tại Hội nghị bàn giải pháp sản xuất hồ tiêu sạch diễn ra tại Chư Sê mới đây, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thông báo với các hội viên: Diện tích trồng hồ tiêu đang tăng quá nhanh, sản lượng dư thừa trong nước và quốc tế hiện nay là rất lớn; dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư quá nhiều trên sản phẩm…

“Không chỉ tồn dư thuốc BVTV, việc bón thừa đạm cho cây tiêu cũng dẫn đến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay quá trình lưu kho không đảm bảo cũng đang là vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến vùng trồng tiêu”, ông Bính nói.

…Với vai trò Phó Chủ tịch HH Hồ tiêu Chư Sê, ông Bính khuyên các hội viên nên tập trung vào sản xuất diện tích đang có theo hướng sinh học hữu cơ một cách bền vững để tạo ra  sản phẩm tiêu sạch. Bởi sau khi khảo sát nhiều diện tích trồng tiêu tại các tỉnh thành trong nước, các nhà khoa học đưa ra nhận định: Những vườn tiêu sử dụng phân hữu cơ, ít bón phân hóa học thì cây tiêu phát triển rất bền vững, có thể lên đến trên 20 năm.

“Theo kết quả khảo sát này, diện tích hồ tiêu Chư Sê bị lạm dụng phân bón hóa học nhiều nhất, tồn dư các loại thuốc BVTV trong đất nhiều nhất và làm hư hại đất nhiều nhất. Với nhiều cái “nhất” gây thiệt hại cho ngành hồ tiêu, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, chỉ có sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững thì mới tồn tại được”, ông Bính khẳng định.

Trong khi đó, giám đốc một công chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản cho biết, rất muốn liên kết với người nông dân từ khâu sản xuất cho đến việc thu mua được những sản phẩm tiêu sạch. “Thế nhưng, phải có một đơn vị như là Hợp tác xã có tư cách pháp nhân đảm bảo các sản phẩm tiêu sạch sau khi thu hoạch. Muốn vậy người dân phải tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ theo hướng sử dụng hoàn toàn phân, thuốc hữu cơ. Làm được việc này, không chỉ sản phẩm được đảm bảo chất lượng, mà thương hiệu hồ tiêu Chư Sê sẽ ngày một vang xa”, vị giám đốc này khẳng định.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
29 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. -1700 trụ tiêu kinh doanh, dự thu năm nay khoảng 5 tấn, bình quân 3kg trụ !
    Năng suất thấp chắc chắn sẽ bền vững, trong khi phần lớn dân trồng tiêu Chư Sê, Chư Pưh đưa năng suất lên 5-6 kg trụ, thậm chí 7-8 kg trụ mới vừa lòng. Nhiều bà con đã dùng phân thuốc hóa học đẩy mạnh khiến phần lớn tiêu bị mất sức đề kháng nên dễ bị nhiễm sâu bệnh và càng khó chữa…

    • Chào bạn @ Ngô Hạt.
      Có thể bạn chưa đồng tình với một số nội dung của bài báo do tính chuyên môn chưa cao. Nhưng đó là hạn chế nghiệp vụ tất yếu của phần lớn người viết báo hiện nay, nên họ cần phải trau dồi nhiều. Nhưng bạn chê báo làng, quyền bạn… nếu bạn đọc nhiều bài báo viết về hồ tiêu hiện nay, bạn sẽ thấy báo ở TW cũng cóp nhặt (tôi không dùng từ “sử dụng”) thông tin của họ. Cho nên, mong bạn không vội chê. Thân !

  2. Không có những biện pháp chế tài mạnh mẽ hay những ràng buộc nhất định thì chẳng có Hợp tác xã nào dám đứng ra bảo lãnh cho nông dân trồng tiêu vào lúc này ! Lạm dụng phân thuốc hóa học đã trở thành thói quen, và cả trong nhận thức rồi, rất khó thay đổi ngoại trừ phải trả giá !

    • Trước hết, nên thành lập những nhóm sản xuất nhỏ trong gia đình, họ hàng hay thân thuộc để sản xuất tiêu sạch. Sau đó mới mở rộng cho những nhà nông có diện tích trồng tiêu liền kề để trao đổi, bảo ban cách chăm bón… Đi từng bước mới vững chắc. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức, quyết tâm của các thành viên để thực hiện mục tiêu của mình.

  3. Rất vui khi có những nông dân hiểu rõ vấn đề như @Ngok.

    Trong XH mà niềm tin bị thách thức như hiện nay thì tất cả mọi người cần đặt cược vào việc đảm bảo chất lượng.

    Nhiều người đặt câu hỏi là sẽ được gì nếu làm tiêu sạch nhưng khi được đặt câu hỏi ngược lại là sẽ chịu phạt như thế nào nếu không sạch thì hầu như ai cũng im lặng. Vậy là sao?

  4. Muốn biết tiêu có tuyến trùng không thì bươi rễ ra coi, nếu bị nốt sần trên rễ là chính hắn.
    Làm nông cũng cần khoa học, cụ thể chứ sao lại “nghi” như… thầy bói vậy !

    • Thân chào cộng đồng !
      Năm ngoái, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã phải nhập 22.000 tấn tiêu từ Indonnesia để giao cho khách mua theo hợp đồng. Điều này đủ để nói lên những gì bà con cần phải suy nghĩ và hành động ngay lúc này. Mong bà con có quyết tâm ngay lập tức !
      Hạt tiêu là gia vị thực phẩm hàng ngày của mọi người. Nếu là bạn, tôi tin chắc bạn sẽ từ chối, sẽ không mua những loại thực phẩm mà bạn cho rằng có tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho gia đình mình…
      Sản Xuất Tiêu Sạch là lựa chọn tất yếu. Sử dụng các loại phân thuốc hóa học cho cây hồ tiêu cần hạn chế đến mức tối thiểu.
      Đừng để mọi việc trở nên quá muộn !
      Thân

  5. Đọc các bài báo viết về các vùng tiêu chết hàng loại do nhiễm bệnh, Dan Viet nói thiệt lòng là cảm xúc lẫn lộn, vừa thương vừa giận. Những nông dân đó chính là nạn nhân của chính vấn nạn do họ tạo ra bằng việc lạm dụng hóa học.

    @ Tri có thể có 3 lựa chọn:

    1. Canh tác lạm dụng hóa học để có năng suất cao trong ngắn hạn. Hậu quả dài hạn là:

    1.1 Cây dễ nhiễm bệnh và chết, rủi ro mất trắng rất cao.
    1.2 Thị trường sẽ dần dần sàng lọc và tẩy chay hàng bẩn.
    1.3 Môi trường sống của chính bạn và gia đình bị ảnh hưởng.
    1.4 Lương tâm không thanh thản.
    1.5 Đất đai bị bạc màu, thoái hóa.

    2. Canh tác sạch tổng hợp (kết hợp vô cơ-hữu cơ) một cách bền vững, không lạm dụng.

    Năng suất khá (khoảng 80% năng suất so với lạm dụng). Lợi thế là:
    2.1 Cây bền. Chắc chắn thu nhập.
    2.2 Thị trường chấp nhận, cộng thưởng khoảng 3%
    2.3 Môi trường sống lành mạnh.
    2.4 Lương tâm thanh thản.
    2.5 Đất đai bền vững.

    3. Canh tác hữu cơ. Năng suất khoảng 60-70% so với canh tác lạm dụng và được bù đắp bằng giá mua cao hơn tương ứng.

    Các cty XNK đang khuyến khích lựa chọn số 2 chứ không phải là số 3.

  6. Nếu như đến nước này mà bà con cố tình chỉ nói ra 1/2 sự thật để đòi hỏi thì khó mà tìm được tiếng nói chung với các cty XNK.

    Các cty XNK lớn họ có các cán bộ chuyên trách, nhiệm vụ của họ là nghiên cứu thị trường và am hiểu mọi ngóc ngách của thị trường – nông nghiệp – nông dân- nông thôn như thuộc lòng bàn tay mình vậy.

    Mong rằng chia sẽ điều này sẽ giúp tìm được tiếng nói chung nhanh hơn, dễ hơn và thực chất hơn.

  7. Chào các bác, theo tôi để có được một sản phẩm hồ tiêu sạch người trồng tiêu cần am hiểu về cây tiêu và các loại phân thuốc. Rất nhiều công ty mở hội thảo phân thuốc cũng giúp cho nông dân cũng có thêm một số kiến thức về cách chăm sóc hồ tiêu nhưng bên cạnh đó cũng dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc thường xuyên làm cây kém tuổi thọ. Tôi trồng tiêu cũng mới biết đến thuốc khi cây bệnh trong vòng 3 năm trở lại đây nhưng tôi thấy canh tác hữu cơ sinh học đem lại hiệu quả hơn cây khỏe là người cũng khỏe. Chỗ tôi nói về nấm đối kháng là rất ít người biết đến ….

  8. Nếu phân biệt được tiêu bẩn với tiêu sạch rồi thu mua 2 mức giá khác nhau thì bà con nông dân sẽ không ai bơm thuốc nữa đâu.
    Đúng là cây tiêu rất sợ các loại thuốc hóa học và phân hóa học đó các bà con. Vườn nào bơm nhiều thuốc sẽ không bền vững đâu. Nên sử dụng cây sống làm trụ, bón phân hữu cơ và không dùng bất kì loại thuốc hóa học nào cả vườn cây sẽ bền. Các loại thuốc đều nói quá khả năng lên với mục đích bán được nhiều hàng, dùng thốc hóa học 1 lợi trước mắt 9 hại ngày mai. Nhưng nỗi khổ của bà con là tiêu sạch vẫn phải bán cùng tiêu bẩn mà thôi. Có máy nào kiểm nghiệm rồi mua tiêu sạch cho bà con đâu ?

  9. Bác Nguyễn Văn Hưởng nói đúng khó khăn của cả người bán và người mua tiêu sạch trong việc tìm đến với nhau.

    Người mua muốn sang lọc tiêu sạch thì gặp trở ngại trong việc:

    – Kiểm nghiệm mất thời gian và chi phí, muốn kết hợp nhiều nông hộ để kiểm nghiệm (do quy mô bán mỗi lần nhỏ lẻ) và phụ thuộc vào sự kê khai trung thực của nhóm nông hộ (những hộ kê khai trung thực lẫn với những hộ không kê khai trung thực) hậu quả là cho tới giờ này, những lô hàng ghép kiểm nghiệm tập thể như thế này tỷ lệ fail >90%.
    – Kiểm nghiệm từng cá thể thì quá tốn kém nên cuối cùng thì số tiền chênh lệch còn lại (đáng lẽ là dùng để cộng thưởng) không còn lại bao nhiêu. Hay nói cách khác, nông dân trung thực không được hưởng trọn tiền thưởng vì những nông dân không trung thực.
    – Nông dân không biết giá bán tiêu sạch của các nước khác nên có Xu hướng đòi hỏi quá mức.

    => 3 điều trên kết hợp lại làm nản lòng những cty XNK thiện chí trong việc mua tiêu sạch.
    Nói ngắn gọn: Tiền thưởng không còn nhiều vì chi phí “gạn đục khơi trong” cao, cty XNK phải test từng lô hàng của từng nông hộ để tách hàng sạch ra khỏi hàng bẩn.

    Nông dân, muốn được thưởng nhiều thì phải chứng minh bằng cách có những liên kết nhóm thực sự cam kết (có thưởng có phạt) để có được hàng sạch đủ số lượng cần thiết cho 1 lần test.

    Đa phần hiện nay thì nông dân sạch chưa bao giờ đấu tranh với nông dân không sạch, mặc kệ cty XNK chịu tốn kém và một mình tự xoay xở. Cty tốn kém thì họ buộc phải cắt bớt tiền thưởng đi chứ không còn cách nào khác ?

    Nói tóm lại: Tiền thưởng không còn nhiều vì chi phí “gạn đục khơi trong” cao, cty XNK phải test từng lô hàng của từng nông hộ để tách hàng sạch ra khỏi hàng bẩn.

    Nông dân, muốn được thưởng nhiều thì phải chứng minh bằng cách có những liên kết nhóm thực sự cam kết (có thưởng có phạt) để có được hàng sạch đủ số lượng cần thiết cho 1 lần test.

    Đa phần hiện nay thì nông dân sạch chưa bao giờ đấu tranh với nông dân không sạch, mặc kệ cty XNK chịu tốn kém và một mình tự xoay xở. Cty tốn kém thì họ buộc phải cắt bớt tiền thưởng đi chứ không còn cách nào khác ?

  10. Dan Viet không theo bất kỳ tôn giáo nào nhưng tin vào luật nhân quả.

    Những người thật sự nghĩ đến sự an toàn của người tiêu dùng thì sẽ gặt hái được quả lành, nhận được kết quả tốt đẹp.
    Nếu như bỏ qua quy tắc đạo đức đó, sẵn sàng đầu độc khác hàng để trục lợi thì cuối cùng sẽ hái trái đắng.

  11. Nông dân Cam vốn chưa có kinh nghiệm như nông dân VN nên mấy năm vừa qua họ dùng toàn bộ tiền bán tiêu để tái đầu tư cây tiêu nên không có dự phòng, vì vậy mà khả năng giữ hàng chờ giá không cao.
    Giờ mưa xuống, họ phải đạp hàng ra để lấy tiền mua phân, thuốc cho vụ mới.
    Theo nguyên tắc nước chảy chỗ trũng, nơi nào chào bán giá thấp nhất thì đơn hàng sẽ dồn về đó.

  12. Chỉ một vài cá nhân biết giá trị của tiêu sạch thì liệu có đủ sức mạnh thay đổi chất lượng của Hồ Tiêu Việt Nam.

  13. Nông dân mình đầu óc chai lỳ lắm, không chịu quan tâm đến việc người tiêu dùng đang cần gì mà cứ “cắm đầu” sản xuất ra những sản phẩm đang ngày càng bị hạn chế bởi các tiêu chuẩn ATVSTP cao hơn. TT nước ngoài được ví như kho tiền khổng lồ trước mắt nhưng bà con không dám đưa tay ra lấy nó mà chỉ chờ đợi xem có tờ nào tự rơi vào tay mình không. Chẳng lẽ nó là cái phận của Nông dân Việt. Không phải đâu ạ, chỉ vì các bác cứ cắm đầu chạy, không chịu ngẩng lên suy nghĩ và nhìn xem mình đã chạy đến đâu và có còn trong chặng cùng mọi người (nông dân các nước và thị trường nước ngoài) hay đã chạy lệch 1 mình để còn biết mà điều chỉnh. Nguyên nhân của cả lãnh đạo và người dân, bên thì hô hào rồi đánh trống bỏ dùi, bên thì không chịu thay đổi tư duy chỉ thích ăn ngay, ăn nhanh, ăn tham rồi chết cũng không sao.
    Vì thế cháu rất mong Chú Vịnh, anh @ Dân Việt sớm có các bài đăng về tiêu chuẩn “chất lượng” nhập khẩu hồ tiêu của nhiều thị trường, thời gian ra nghị quyết tiêu chuẩn và thời gian áp dụng để bà con tham khảo, quy trình kỹ thuật chăm sóc để đạt được tiêu chuẩn từ đó lập nên các vùng sản xuất, nhóm nông dân, HTX, tổ sản xuất… theo các yêu cầu tiêu chuẩn nhất định của thị trường. Đồng thời các vùng, nhóm, HTX, tổ sản xuất cũng đăng lên hoặc gửi tới các cty XNK đã sản xuất được mặt hàng đạt tiêu chuẩn này để các nhà XNK hoặc khách hàng nước ngoài đặt mua hàng để có những hợp đồng tốt nhất = => nông dân có nguồn ra ổn định, giá bán tốt nhất, doanh nghiệp và khách không mất thời gian tìm hiểu nhiều hoặc thuê người đi tìm nguồn hàng.
    Ý kiến riêng của con.

  14. Thưa bà con, tôi có 500 trụ tiêu 10 năm tuổi, bốn năm gần đây mỗi năm thu trên dưới 3 tấn. Tôi không mất tiền cho thuốc phòng trừ bệnh, làm theo hướng tiêu sạch, chất lượng hạt tiêu chắc chắn là đảm bảo. Nhưng giá bán đâu có hơn ai. Theo tôi nghĩ để người làm tiêu sạch không phải chịu thiệt, thì từ cty xnk đến đại lý thu mua và thương lái phải có máy kiểm định chất lượng đến từng bao tiêu như thế mới được, còn trồng theo vùng, xuất xứ địa lý vẫn bị thương lái mập mờ gian lận nên bà con mình không yên tâm sản xuất tiêu sạch. Trên đây là ý kiến của tôi cũng xin nhận được sự phản hồi của cộng đồng, nhất là sự chia sẻ của anh Nguyễn Vịnh. Xin chào tạm biệt.

    • Chào anh @ nguyễn minh dũng
      Qua phản hồi, tôi muốn anh suy nghĩ cặn kẽ, thấu đáo hơn.
      -Anh sản xuất tiêu sạch là rất tốt, nhưng từ trước từ trước giờ anh bán cho ai ? bên mua (đại lý, thương lái) có nhu cầu tiêu sạch không ?… như vậy anh nhận định đã hợp lý chưa ?
      -Máy kiểm định ? không đơn giản như anh nghĩ ! Hiện nay các cty XK tiêu phải gởi mẫu qua EU để test dư lượng, chi phí không ít đâu. Nếu bà con bảo đảm tiêu sạch, tiền phí này chắc sẽ được cty gộp vào giá mua cho bà con. Cty mua tiêu áp dụng mức giá thưởng cũng từ đó.
      -Muốn khẳng định xuất xứ, bảo đảm tiêu sạch, sao bà con không thành lập tổ, nhóm sx… rồi mở rộng thành HTX để giúp đỡ, bảo ban nhau và nhất là mới có đủ 1 lượng hàng nhất định để làm đối tác cho nhà XK, bỏ bớt các khâu trung gian, gia tăng lợi nhuận.
      -Vấn đề nữa là lấy gì chứng minh rằng anh sx tiêu sạch nếu không gửi mẫu đi test ?
      Kêu gọi bà con sx tiêu sạch, hầu như mọi người còn chần chừ, nhìn nhau. Nhất là lo sợ năng suất giảm, chi phí đầu tư tốn kém… Nhưng không ai chịu nghĩ vì sao giá lao dốc như hiện nay ! Đôi lời chia sẻ.
      Thân !

  15. Cháu ở Đăk Lăk cũng thường xuyên theo theo dõi trên diễn đàn những theo cá nhân cháu thì mọi việc đều xuất phát từ nông dân mà ra.
    Đã số nông dân đều chăm sóc theo kiểu truyền thống có nghĩa là làm hố sâu để chứa được nhiều nước, bón phân nhiều cho năng suất cao…thêm vào đó là khi tiêu mới chớm bị bệnh chưa rõ nguyên nhân thì đã chạy ra đại lý thuốc BVTV để mua về phun, thuốc này không khỏi thì mua thuốc khác…Cứ như vậy vậy thì cho cho dù tiêu có khỏi bệnh thì cũng dư hàm lượng là điều tất nhiên.
    Nhà cháu cũng trồng được 500 trụ, năng suất cũng tạm ổn mỗi năm cũng được khoảng 2 tấn. Tuy năng suất không cao như nhiều hộ gia đình khác nhưng riêng nhà cháu thì suốt 10 năm qua không có một trụ nào ra đi vì cháu luôn làm theo đúng nguyên lý sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Đôi lời chia sẻ.

  16. 1 cái máy để đánh giá mắc tiền lắm bác ơi. Rồi phải kiểm định liên tục, rất tốn kém. Việt Nam ko thể tự kiểm định được máy này. Như thế chỉ có một số cty lớn mới có khả năng mua và sử dụng. Bác làm tiêu sạch mà nói miệng ko ai tin đâu. Bác nên nhờ bên thứ 3 test mẫu và công nhận cho bác, khi bán đừng trộn tiêu nhà người khác vào nha bác @ nguyễn minh dũng.

  17. Xin chào chú Vịnh. Cho cháu hỏi chú và cộng đồng giatieu một tí là tiêu đang trổ bông thì có xịt được thuốc côn trùng chich hút không.

    • Có thể xịt nhưng không được pha quá liều hướng dẫn trên bao bì và chỉ xịt vào buổi chiều muộn. Không được xịt buổi sáng nói chung, nhất là lúc bông tiêu đang phơi mao thụ phấn !

  18. Xin cảm ơn anh Vịnh và Tiến Long đã chia sẻ. Những điều các bác nói rất đúng tôi cũng biết. Ý của tôi muốn nói cái khó khăn là đó, khắc phục bằng cách nào khi một số ít làm tiêu sạch còn lại đa số chạy theo sản lượng. Còn bản thân tôi sức khỏe là trên hết nên tôi vẫn theo con đường sản xuất bền vững từ nhiều năm nay. Để xây dựng được thương hiệu chỉ mình nhà nông không làm nổi đâu. Phải có đủ 4 nhà mới làm được có phải thế ko ạ.

  19. Xin chào Văn Thanh, bạn ở huyện nào vậy, tôi ở Krông Ana. Suy nghĩ và cách làm của bạn cũng giống tôi nếu gần tôi muốn giao lưu cùng bạn.

  20. Tôi ở xã Ea Kao thành phố Buôn Ma Thuột. Tôi cũng đang muốn liên kết với nhiều hộ nông dân để sản xuất tiêu sạch bán giá trực tiếp cho công ty nước ngoài. sđt của tôi 0973080106, mong sự hợp tác.

Gửi phản hồi mới

(?)