Gia Lai: Đắng lòng vì tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 41

Để ngăn chặn việc cây tiêu chết hàng loạt, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để quy hoạch vùng, ổn định việc tổ chức sản xuất chuyên canh… Đặc biệt, xử lý kiên quyết trong việc trồng cây ngoài vùng quy hoạch…

Những vườn tiêu chết hàng loạt...

Những vườn tiêu chết hàng loạt…

Những năm qua, khắp khu vực Tây Nguyên, đi đâu cũng được nghe người người truyền nhau câu chuyện về người nông dân trồng tiêu thu vào tỷ này tỷ nọ… Vì giá tiêu luôn ở mức cao từ 140-160 ngàn đồng/kg, thậm chí cao điểm lên đến 180 ngàn đồng/kg. Thế nhưng đằng sau câu chuyện ấy lại là một góc khuất đối lập hoàn toàn, nhiều người nông dân bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.

Những ngày qua nhiều vườn tiêu tại huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) bỗng nhiên đổ bệnh, rụng lá chết dần khiến người nông dân đắng lòng. Bởi đầu tư cho cây tiêu là không nhỏ, ít nhất suất đầu tư phải trên 500 triệu đồng/ha, vì thế nhiều nông dân mất cả tiền tỷ vì cây tiêu.

Một nông dân ở thôn 5, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho hay, sau 13 năm trời, mới tích góp trồng và mãi đến giờ được hơn 2.000 trụ tiêu, trên diện tích hơn 1ha, nay tiêu chết dần chỉ còn mấy trăm trụ. Mặc dù anh đã phun thuốc theo hướng dẫn, nhưng tiêu vẫn cứ chết… Thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Một lãnh đạo của xã này cho biết, riêng thôn 5, xã Ia Pal có 100 hộ trồng từ 500 trụ tiêu trở lên. Hiện nhà nào cũng có tiêu chết, ít cũng vài chục trụ, nhiều lên đến cả ngàn trụ. Cả thôn 5 có khoảng 99.000 trụ, đến cuối tháng 12/2013 đã có hơn 12.000 trụ tiêu bị chết và vẫn tiếp tục bị chết. Số đó mới chỉ tính là tiêu đã đưa vào khai thác, còn nếu tính cả cây trồng mới thì con số đó cao hơn nhiều…

Tương tự tình trạng ở huyện Chư Sê, tình hình tiêu chết ở huyện Chư Pưh cũng diễn ra bất thường. Nhiều vườn tiêu chết gần hết, mặc dù bà con nông dân đã chi ra hàng chục triệu đồng để mua thuốc xử lý nhưng chẳng ăn thua gì. Tại huyện Chư Pưh có nhiều xã bị thiệt hại rất nặng như xã Ia Phang hơn 16ha, Ia Blứ 37ha, Ia Đreng hơn 13ha, Ia Le 10ha…

Theo ông Kpă Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, tiêu chết qua mỗi năm có chiều hướng gia tăng. Mặc dù ngành nông nghiệp đã hướng dẫn khắc phục, giúp người dân phòng ngừa, ngăn chặn nhưng diện tích tiêu chết vẫn không được cải thiện.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Phó chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Pưh lý giải: Nguyên nhân tiêu chết là do nhiều hộ nông dân không theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn, đã đầu tư trồng hồ tiêu ở cả các diện tích đất không phù hợp.

Cùng đó, do một số diện tích hồ tiêu kinh doanh có từ lâu, nên bị thoái hóa chết, số còn lại thì do bị nhiễm bệnh chết. Việc chọn giống tiêu không đảm bảo, người nông dân lựa chọn giống theo cảm tính. Theo kinh nghiệm, khi trồng tiêu mang sẵn mầm bệnh, nên khi trồng được ít năm thì dẫn đến việc chết hàng loạt…

Thiết nghĩ, để giúp người nông dân khắc phục và ngăn chặn việc cây tiêu chết hàng loạt, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để quy hoạch vùng, ổn định việc tổ chức sản xuất chuyên canh… Đồng thời tiến hành phối hợp với các chuyên gia về nông nghiệp. Đặc biệt, xử lý kiên quyết trong việc trồng cây ngoài vùng quy hoạch… Có như thế mới giảm thiểu tình trạng bị phát tán trong môi trường, giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân…

Theo TBNH

Báo Giá cà phê qua điện thoại
41 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Đọc mấy bài báo này đắng lòng cho người trồng tiêu không may gặp rủi ro nhưng càng đắng lòng hơn cho người viết báo.

    Tiêu bị dịch bệnh, tiêu chết không góp ý tìm cách phòng trừ, ngăn chặn lây lan vốn đã quá sức của nông dân mà lại đề xuất những mệnh lệnh mang tính áp đặt, hành chính sự vụ… Con Phytophthora, con Fusarium… nghe qui hoạch, nghe nhà báo dọa xử lý chắc là nó chạy mất dép !

    Xác định là dịch, là lây lan nhưng biện pháp của ban ngành chức năng đã thực sự gọi là chống dịch chưa? Thủ phạm là ai? biện pháp ngăn chặn, phòng trừ tương thích phải như thế nào?
    Bào tử nấm lây lan, phát tán trong môi trường với con số khổng lồ nên nguy cơ dịch bùng phát là rất khó tránh khỏi. Nhưng con người đã làm gì để ngăn chặn? Đổ tiền ra mua thuốc BVTV nhiều đến mức… đổ nợ mà dịch bệnh vẫn không ngừng, còn lây lan thêm? Nhiều nông hộ bế tắc, cùng quẩn đến độ… ly dị vợ “vì con vợ tui không hạp với tiêu làm tiêu chết”… cười ra nước mắt vì xót xa quá ! (theo báo Gia Lai)

    Nhìn bức ảnh minh họa trên mà thấy đắng. Tiêu bị dịch chết, có nghĩa là vi khuẩn đang sinh sôi, hoành hành mà bà con không gom, tiêu hũy, phun thuốc… dập dịch, cứ để đó nhìn và chờ cho bào tử gây bệnh phát tán khắp làng, khắp xã, khắp huyện, khắp tỉnh… Mà hình như người trong hình đang vui vì chắc là mình cũng có công góp phần phát tán, tha vi khuẩn lây lan khắp nữa chăng ! Phòng chống dịch như vậy thì lấy đâu ra hiệu quả? hỏi sao mà hồ tiêu không chết hàng loạt?
    Hồ tiêu không phải chết vì dịch lây lan mà “do dân không nghe ngành chức năng khuyến cáo”.

    Hồ tiêu không những cay mà còn đắng nữa VPA ơi !

    • Cháu bây giờ mới đọc được tin này. Cháu hoàn toàn đồng ý với bác. Cái người phóng viên đó (gọi 1 cách lịch sự) hình như không có trái tim. Chắc chắn chủ vườn tiêu này tim đang tan nát, rỉ máu vậy mà 2 người đàn ông ( là ai?) cười hơ hớ như vậy…
      Phản cảm quá ! ko thể chấp nhận được !

  2. Sao thế. Phun xịt vẫn chết. Kg phun vẫn chết. Con phyto. Fusa kháng thuốc rồi sao. Thế thì nguy hiểm quá.

    • Tôi cũng là người dân trồng tiêu ở Chư Pưh, theo tôi tình hình dịch bệnh đang lây lan theo chiều hướng tăng, không chận đứng được, đồng nghĩa sẽ bùng phát vào mùa mưa năm tới nếu không có biện pháp phòng chống dịch ngay từ bây giờ. Hiệp hội Hồ tiêu Nông sản Chư Pưh thành lập hơn một năm rồi mà chưa tuyên truyền khuyến cáo cho người dân trồng tiêu nói gì đến qui hoạch vùng trồng tiêu chuyên canh. Ai là người biết chắc chỗ nào trồng tiêu được, chỗ nào thì không? Khi bệnh xảy ra thì chỉ có dân và đại lý thuốc BVTV bàn tán thuốc nây thuốc nọ dùng thử đi, qua khỏi thì thôi, lở có chết chẳng có ai là người chịu trách nhiệm. Tôi kêu gọi người dân trồng tiêu hãy trao dồi kiến thức phòng chống bệnh hại trên cây hồ tiêu để tìm ra hướng canh tác giảm thiệt hại rủi ro. Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu.

  3. Càng quy hoạch tập trung thì càng làm tăng sâu bệnh và càng dễ lây lan. Sâu bệnh không loại trừ chất giống hay vùng đất nào. Chúng ta phải tự cứu lấy mình và phải chủ động phòng chống ngay từ bây giờ.

  4. Cuối cùng thì chỉ có dùng sinh học mới may ra cứu được tiêu khỏi chết hàng loạt thôi. Hóa học thì tác dụng chỉ 15 ngày là hết, mà có đổ thì cũng đổ xung quanh gốc tiêu chứ chẳng ai đổ kín mặt đất cả vì như vậy thì quá nguy hiểm, quá độc hại. Nhưng sinh học thì làm được điều đó, ta phòng ngay từ đầu, mua nấm về nhân sinh khối lên đổ khắp vườn vừa an toàn, kinh tế, và hiệu quả nữa.

  5. Chào Linhtran pham. Sinh học không phải thuốc đặc trị, chỉ có tác dụng giới hạn khi phòng xa hoặc mật độ bệnh chưa quá dày. Bạn nên tham khảo kỹ lại.

  6. Nhất định là ta phải dùng sinh học để phòng ngừa lâu dài. Còn khi cần thiết vẫn phải can thiệp bằng hoá học.

    • Chào các bạn!
      Xem các thảo luận của các bạn tôi thấy rất hợp lý, tuy nhiên còn một điều nữa các bạn cần lưu ý đó là xem lại vườn của mình địa hình thế nào? Đầu mùa mưa cần đào mương thoát nước và chận nước từ xung quanh chảy vào cộng với cách phòng trừ hóa học và sinh học thì sẽ giảm rất nhiều mầm bệnh. Mấy năm gần đây chỉ một cơn mưa 3 giờ lượng mưa cả 100 ml, nếu mưa kéo dài bộ rễ tiêu bị ngộp thở, thối rễ là điều khó tránh khỏi. Một vài chia sẻ. Thân

  7. Thân chào các bạn. Chào cộng đồng !
    Phải biết sống chung với lũ. Nông dân Việt Nam làm nên nhiều kì tích nhất nhì thế giới, nhưng bản thân đang tự bơi trong vùng lũ. Cộng Đồng Giá Tiêu.com là chiếc phao cứu sinh cho người trồng tiêu. Phải phê phán nhà báo này, giống như bọn theo đóm ăn tàn.

  8. Chào Bác Vịnh… cháu đọc máy bài viết khác thấy rữa cây tiêu sau khi thu hoạch là như nào và bằng dung dịch gì ạ. thân

    • Chào cháu @Phát Nguyễn.
      Gọi là rửa, do thực chất là dùng dung dịch thuốc gốc đồng (Đồng đỏ, Boocdo…) phun lên cây để tẩy rửa sạch bào tử nấm bệnh nếu có. Thuốc sẽ diệt nấm làm cây sạch bệnh, làm cho lá bệnh lá già rụng để ra lá mới, … giúp cây chuyển giai đoạn sinh dưỡng sang sinh thực và phân hóa mầm hoa. Thao tác này thực hiện sau thu hoạch, thường trước khi mưa xuống hay tưới bung bông khoảng 35-45 ngày.
      Nếu chủ động được thời vụ thì phun bón lá trước khi tưới bung bông khoảng 1 tuần và lặp lại ngay sau khi tưới… Có lẽ chú sẽ nói rõ sau thu hoạch để cộng đồng dễ theo dõi và thực hiện. Thân

  9. Nhìn trong hình của bài báo này cũng như những bài báo viết trước về cây tiêu ở Gia Lai, thấy tiêu bị chết nhiều nhưng nhìn xa xa vẫn thấy còn tồn tại vườn tiêu xanh tốt. Vậy vẫn còn những người chăm sóc và phòng trị bệnh rất giỏi, để cây Tiêu mãi tồn tại và xanh tốt được trên đất Gia Lai. Rất nhiều người chỉ biết cây tiêu trên lý thuyết nhưng không biết đến vị cay hay đắng của cây tiêu làm sao giúp nông dân (cho dù là cử nhân bằng đỏ), tiêu ở nhà mình cũng góp vui với xóm làng ra đi mấy bụi đã thấy buồn trong lòng, may là đã phòng, trị bệnh tích cực, nhưng đã rút ra bài học kinh nghiệm mong những mùa mưa đến không còn gốc tiêu ra đi như tên gọi của tiêu……, (đã hiểu được nguồn gốc gây bệnh và biện pháp phòng ngừa, sao để bệnh phát triển thành đại dịch).
    Giatieu.com là điểm tựa tinh thần và kỹ thuật của nông dân trồng tiêu. Rất mong mỗi ngày có thêm nhiều nông dân trồng tiêu biết đến diễn đàn này.

  10. Năm vừa qua cũng là bài học để chúng ta ghi nhớ và rút kinh nghiệm cho năm nay. Kỹ sư chỉ lý thuyết thì không bắng những người có kinh nghiệm “thời gian qua đã chứng minh”.
    Theo tôi thời gian này vun gốc đào rãnh hoặc hố giữa ngã tư chống úng. Đào càng sớm càng tốt, nhỡ có phạm rễ thì tới khi mưa nhiều rễ đã lành sẹo. Khi hái quả xong cắt tỉa cành thông thoáng. Cắt bỏ tán sát gốc ít nhất 60 cm trờ lên vì bệnh rất thích ẩm thấp không có ánh sáng. Nguồn bệnh chủ yếu ở phần đất mặt quanh gốc và phát sinh từ đó sau lan xuống rễ và lên trên. Vài lời chia sẻ. Mong đóng góp ý kiến của các bạn.

  11. Chào cộng đồng !
    Tôi thành công rực rỡ trong việc phòng và trị bệnh Chết Nhanh, Chết chậm trên cây tiêu. Nhưng thất bại trong việc làm bông cho cây tiêu, cho đến bây giờ tôi chẳng dám nói gì…
    Thân chào !

    • Chào anh Trịnh Văn Ba
      Điều tôi còn băn khoăn là không nắm được diễn biến thời tiết hay vụ mùa trong năm của vùng đất anh ở để áp dụng quy trình làm bông cho hợp lý.
      Qua tìm hiểu thì 40% cho là thuộc về khí hậu miền tây Duyên hải trung bộ, 35% cho là thuộc khí hậu Tây nguyên trong khi vẫn còn tới 25 % (không nhỏ) cho là vùng không phân định rạch ròi vì ở đỉnh Trường Sơn, không thuộc về Đông hay Tây. Trong khi thời tiết hiện nay ngày càng tỏ ra thay đổi bất thường. Tuy nhiên về mặt khoa học thì không điều gì là không thể mà chỉ là chưa thể thôi. Hy vọng có dịp trao đổi kỹ càng hơn.
      Thân

  12. Chào anh Nguyễn Vịnh cho tôi hỏi tiêu nhà tôi bị bệnh nấm ở cả lá và quả nám có màu vàng sẫm nhìn kỹ thì lông mịn hiện nay trái cũng già rồi tôi nên phun thuốc gì vậy?

    • Bạn nên dùng các loại thuốc diệt nấm phổ rộng đều được, như thuốc Mancozeb, Carbendazim hay Vicarben chẳng hạn.

  13. Chào anh Trịnh Văn Ba. Tôi thì lại trái ngược với anh. Tôi cũng thành công khi tiêu ra hoa nhưng chưa nhiều kinh nghiệm về bệnh chết nhanh. Vẫn còn đang mày mò tìm hiểu và cũng chỉ suy luận, cũng chẳng biết đúng hay sai. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm phòng trị bệnh chết nhanh, chậm cho bà con được kg anh? Cảm ơn anh.

  14. Anh Vịnh cho em hỏi tí. Tiêu nhà em vừa thu hoạch xong, cắt tỉa cành xong, tới 21 tháng 3 mới là Cốc Vũ, vậy bây giờ em đã xịt thuốc đồng và hãm nước được chưa hay phải tính cách 30-45 ngày mới hãm vậy? Mong anh tư vấn giúp với. Cảm ơn anh nhiều !

  15. Chào @balo con coc. Cốc vũ chỉ tương đối. Có khi mưa trước hoặc sau 1 tháng. Mỗi năm khác nhau, bạn phải chẩn đoán thời tiết vùng mình. Nếu cắt nước sớm thì khi ra hoa rất kém và không tập trung. Thân.

    • Rất đồng ý với anh @Nguyễn Văn Chinh. Tiêu sung cắt nước sớm thì hại ít, nhưng tiêu suy cắt nước sớm thì “tiêu” luôn đó. Cần phục hồi tiêu trước và sau thu hoạch bằng một lượng phân nhất định. Phải có thời gian để cho tiêu phục hồi sức trước khi hãm, nếu không sẽ phân hóa kém và chuỗi sẽ không đạt.

  16. Nhờ chú Trịnh văn Ba chia sẻ cách phòng và trị bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu cho cháu cùng mọi người trên diễn đàn học hỏi.
    Cháu chân thành cảm ơn chú trước, chúc chú luôn vui khỏe.

  17. Chào mọi ngưởi
    Trong tình hình thời tiết hiện nay ở khu bắc Tây nguyên lạnh hơn mọi năm, chính vì vậy sự phát triển của tiêu bị dừng lại. Tại vùng Dak Lak giáp Gia lai hiện nay lá non ra nhỏ và mầu sắc trắng, nhìn tổng thể tôi thấy như sự phát triển bị dừng lại nhất là tiêu năm đầu và năm thứ hai. Băn khoăn chưa biết chăm sóc thế nào. Mong cộng đồng chia sẻ giúp chúng tôi những người trong vùng khí hậu khó canh tác hiện nay.

  18. Chào bác Trịnh Văn Ba. Hiện giờ cháu vẫn còn tiêu chết nhanh, chết chậm. Bác có cách hay có thể chia sẻ cho bà con được không ạ. Cảm ơn bác. Chúc bác nhiều sức khỏe.

  19. Chào @nam. Tôi cũng có it trụ tiêu năm 2 nhưng không ảnh hửởng nhiềù vì tôi trồng ở trụ sống. Theo tôi chỉ có chăm sóc tốt để cây tăng sức chịu đựng và tủ ẩm tốt, năng tưới hơn bình thường. Tiêu con tôi tưới khoảng 7 ngày/lấn đất không bị kịp khô. Thân

  20. Không đáng lo lắm đâu. Tiêu có thể chịu đựng nhiệt độ xuống 8 độ. Chỉ khi xuống 6-7 độ sẽ có hiện tượng rụng bớt lá và sẽ chết đồng loạt ở ngưỡng 4 độ C. Cần tăng cường tủ gốc, thường xuyên tưới giữ ẩm và có cây chắn gió, chăm bón tốt, dùng thêm biogel+biosol liều lượng thấp, để giúp tiêu không bị suy mới đủ sức chịu đựng không khí lạnh.
    Có thể bón thêm 100 gr/gốc kali đỏ để tăng sức.

  21. Khảo sát, thiết kế, kế hoạch, qui hoạch là cần thiết, nhưng đừng biến thành rào cản, xin cho, bồi dưỡng, tiêu cực, mô hình nào quy hoạch có hiệu quả chống được dịch bệnh?!… Các nông lâm trường quốc doanh thua lỗ đã chứng tỏ khả năng của quản lý qui hoạch. Muốn chống dịch bệnh thì trước nhất phải trang bị hiểu biết và trách nhiệm cộng đồng cho nông dân.

  22. Tai sao các ban ngành chức năng lai buông thả trong việc kiểm tra chất lượng phân và thuốc. Mức phạt lại quá nhẹ đối với các đại lí bán phân thuốc giả, trong khi đó người dân phải gánh chịu hậu quả quá lớn.

  23. Chào cộng đồng !
    Thưa các bạn, ở vùng tôi ngày xưa, trước năm 2005 tiêu bạt ngàn nhưng mùa mưa năm 2005 gặp đại nạn như Chư Sê bây giờ. Nhưng vườn tiêu nhà tôi thoát nạn bởi vì gặp được thầy được thuốc. Thời đó chưa có phổ biến nấm Tricho… tôi đã tốn khá nhiều tiền để dùng các loại thuốc hóa học nhưng không hiệu quả. Gặp được Agrifos 400 nên đã cứu được vườn tiêu, lúc đó tôi suy luận rất thông thường nấm thì trị nấm, tuyến trùng trị tuyến trùng, mất rễ thì kích thích ra rễ nên tôi sử dụng Agrifos 400 + thuốc đặc trị tuyến trùng + thuốc dâm chiết cành, để tưới vào gốc và xịt trên lá. Liên tục giữ độ ẩm trên đất và không bón bất cứ loại phân nào khác. Sử dụng 7 ngày/1 lần, sử dụng 2 lần thì dứt bệnh. Sau đó sử dụng phân vi sinh dạng dung dịch thì cứu được vườn tiêu. Đó là trị bệnh.
    Còn phòng bệnh thì dài lắm, hẹn các bạn vào lần sau. Bởi vì tôi cần có thời gian để nói ngắn gọn dễ hiểu dễ làm, mong các bạn thông cảm.
    Thân chào . Xin cảm ơn !

    • chào @ Trịnh Văn Ba tôi thấy anh nói hay ở chổ : nấm thì trị nấm, tuyến trùng trị tuyến trùng, mất rễ thì kích thích ra rễ , nhưng anh nói : sử dụng Agrifos 400 + thuốc đặc trị tuyến trùng + thuốc dâm chiết cành , vậy cả 3 thứ này trộn lẫn có an toàn không? có bị tác dụng phụ không ?
      thân

  24. Chào bác Trịnh Văn Ba. Cảm ơn bác rất nhiều ạ. Qua kinh nghiệm bác truyền đạt thì bà con lại có thêm một công thức trị bệnh cho tiêu hiệu quả. Thân ái

  25. Anh Nguyễn Vịnh cho em hỏi. mẹ em ăn cau trầu (lá trầu, vôi chết, cau), nhã bả, khi đk một thùng thì em đi đổ, em xối xả vào gốc tiêu đang bị bệnh chết chậm thì tự nhiên cây tiêu phát triển xanh tốt trở lại, và ra trái rất sai. Cho em hỏi dung dịch này là chất gì vậy… và có thể theo một cách nào đó tạo ra 1 số lượng lớn đk không?

    • Chào bạn.
      Dung dịch vôi + cau + trầu là một hổn hợp có tính sát khuẩn rất mạnh bắt nguồn từ tinh dầu của cau + trầu. Còn vôi thì nhiều người biết rồi. Trong dân gian, các bà thường dùng nước trầu để bôi lên vết chàm (do nấm) hay lỡ loét ngoài da. Tôi cũng dự tính dùng chất này để trị bệnh cho cây trồng mà chưa làm được… !

  26. Tiêu thì chết chanh chết chậm, giá tiêu càng ngày càng rớt như diều mà hết gió, mấy ông lớn lương tết thì tỉ này tỉ nọ mà thuốc giả này, rồi phân kém chất lương kia… bao nhiêu cái xối lên đầu nông dân… bất công quá !

  27. Chào @balo con coc. Hình như bạn là 1 anh bộ đội cụ Hồ thì phải, mình cũng là bđ về bạn ạ. Mình ở Cuwmga Đăc Lăc. Càng đọc diễn dàn tiêu càng xót xa cho những người 1 nắng 2 sương trồng đc cây hồ tiêu đâu phải là dể, giữ đc nó lại càng khó hơn. Theo mình nghỉ những bạn lên diễn dàn đều là những người có tâm huyết nhất là những tiền bối về tiêu. Chia sẻ cùng bạn một điều về cách làm bông cho tiêu nhé, theo quan điểm mình cũng nhất trí với 2 bạn Ng văn Chinh và tiêu lep là không nên hãm nước sớm làm tiêu sẻ suy và mất sức, khi nuôi trái gặp rất nhiều khó khăn nếu như không chăm sóc hợp lý. Mình trồng toàn tiêu trâu, mấy năm trước làm ra hoa là một điều nan giải. Có những lúc nghĩ quẩn muốn cho nó chết luôn, nhưng bây giờ thì mình cũng đở lo về khâu ra hoa. Sau khi thu hoạch mình chăm sóc bình thường không cho tiêu héo, sau mấy trận mưa mình quan sát thấy nhú mầm là mình xả lá bằng nước lã không tốn tiền, cây sạch sẽ rệp sáp không còn con nào. Sau đó mình phun rửa cây kích thích ra hoa, hoa ra đồng loạt thu một lần. Thấy rất hiệu ngiệm mình chia sẻ cùng bạn và cộng đồng cách này cũng hơi dài dòng,… thân chào

  28. Tiêu chết vì : chủ quan và thiếu kiến thức, như nuôi ngỗng châu Âu, nuôi gia súc gia cầm bằng thức ăn tăng trọng, nuôi heo bằng chất siêu nạt, ở VN … trái với lẽ tự nhiên nên tiêu chết là điều tất yếu. Nhà mình trồng rau sạch, khi bỏ vào tủ lạnh đối chứng với rau không sạch thì rau không sạch thối ũng trước rau sạch 6 ngày… Nên cho cây trồng, vật nuôi phát triền bình thường (trung bình) dể có thời gian chúng hoàn chỉnh cấu trúc tế bào, mô, cơ quan, cơ thể… như vậy, cây trồng vật nuôi có tuổi thọ lâu hơn, chống chịu đưoc bệnh tật tốt hơn, có lợi hơn… Phát triển nhanh, năng suất cao là việc có thể làm với tiến bộ hiện nay nhung tuổi thọ ngắn hơn và chi phí chăm sóc, chữa trị bệnh tật lại tốn kém nhiều hơn. Cây cao su dùng chất kích thích ra mủ thì mủ nhiều nhưng chúng có thể chết ngay trong năm kế tiếp.
    Mong các bạn cân nhắc khi dùng dao 2 lưỡi…

  29. Chào bác hienchau!
    – Bác nói rất đúng về sự phát triển của sinh vật khi bị lạm dụng quá mức về phân bón và chất kích thích sinh trưởng kể cả hoocmon sinh trưởng. Về chủ quan và thiếu kiến thức thì quả đúng với rất nhiều nông dân hiện nay. Trên Gia Lai có rất nhiều vườn tiêu bị xóa sổ năm 2013 nhưng cũng gần như nhường ấy nông dân không hiểu tiêu chết vì nguyên nhân gì, họ chỉ bảo là do mưa nhiều.
    – Lạm dụng phân hóa học vô độ để được khen vườn tiêu đẹp phát triển nhanh giữa mùa mưa.
    Đôi dòng chia sẽ chung với Bác hienchau!

  30. Qua vùng H’Leo DL ,Chư Sê Gia Lai , thấy tiêu chết hàng loạt, còn trơ trụ gổ mà ngậm ngùi. Có lẽ người trồng tiêu:
    Kêu trời, trời ngoảnh mặt
    Giậm đất đất làm thinh
    Hỏi ông Khoa học, trách nhiệm, quản lý xứ mình
    thì các ộng còn lo “qui hoạch”…

    Vậy thì minh đề nghị các ông làm các việc này có ích hơn: để trồng lại tiêu vùng này
    !/ vận động dùng staping out (dùng hỏa công) trên diện rộng.
    2/ cải tạo môi trường: nhiệt độ, cường độ ánh sáng,… thành lập vùng tiểu khí hậu phù hợp cho cây tiêu
    3/ cải tạo đất: độ pH, cấu trúc vật lý, hóa học… bằng vi sinh và hữu cơ tại chỗ là rẻ nhất, có thế trồng lac dại (vì lợi ich của chúng như bài báo đã viết)
    4/ đo lại độ thông thoáng (oxy), mật độ vi sinh gây hại trong đất… Không nên dùng tia tử ngoại để sát khuẩn, vì tính hủy diệt toàn phần của nó
    5/ trồng đối chứng, và quan sát đối chứng, chăm sóc hợp lý… Cây tiêu khỏe mạnh, sẽ chống được bệnh tật và hoàn cảnh khắc nghiệt…
    Chẳng lẽ tri thức, hiểu biết hiện nay lại đầu hàng… thì xấu hổ !

Gửi phản hồi mới

(?)