Gia Lai: huyện Mang Yang ồ ạt trồng tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 17

Cây hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Do đó, diện tích trồng tiêu của tỉnh không ngừng tăng qua các năm và huyện Mang Yang cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Người dân ồ ạt trồng tiêu

Diện tích cây hồ tiêu mới phát triển trên địa bàn huyện Mang Yang một vài năm trở lại đây, tuy nhiên nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng được ưa chuộng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện trên 533 ha và sẽ tiếp tục tăng vì hầu như năm nào hồ tiêu trồng mới cũng vượt trên 300% kế hoạch của huyện.

Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho biết: Theo kế hoạch, năm nay diện tích cây hồ tiêu trồng mà huyện giao là khoảng 20 ha. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng thì diện tích trồng mới đến thời điểm này đã hơn 107 ha, đạt hơn 500% kế hoạch và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi người dân ở các xã Kon Thụp, Lơ Pang, thị trấn Kon Dơng… vẫn đang chuẩn bị đất, trụ, dây tiêu giống để trồng mới. Theo ông Cơ, giá trị kinh tế mà cây tiêu mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác nên việc người dân đổ xô trồng tiêu là điều dễ hiểu.

Ông Trần Văn Ngọc-thôn 9, thị trấn Kon Dơng cho biết: Gia đình hiện có gần 1.000 trụ tiêu kinh doanh. Vụ thu hoạch vừa rồi sau khi trừ đi chi phí đầu tư cũng thu được trên 400 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Ông Ngọc chia sẻ thêm: Thấy giá tiêu luôn ở mức cao và ổn định nên năm nay tôi tiếp tục đầu tư gần 120 triệu đồng để mua trụ bê tông và giống để trồng thêm 500 trụ tiêu nữa.

“Sốt” dây tiêu giống và đất

Mặc dù thời điểm hiện tại vẫn chưa thích hợp để trồng nhưng dây tiêu giống trên địa bàn huyện Mang Yang là chủ đề “nóng” trong hơn một tháng qua. Ông Phan Thanh Phong ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh đang dạo các vườn tiêu ở xã Kon Thụp để tìm mua tiêu giống buồn bã cho biết: Do cây hồ tiêu ở vùng này vẫn chưa xuất hiện bệnh nên ngay từ đầu mùa mưa tôi đã xuống đặt cọc 2 triệu đồng để mua 2.000 dây tiêu giống với giá 15.000 đồng/dây. Nhưng ai ngờ sắp đến ngày chuẩn bị cắt dây về ươm thì vườn tiêu xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh, nên tôi đành bỏ tiền cọc để đi tìm vườn tiêu giống khác để mua. Tuy nhiên, dù chấp nhận mất số tiền cọc, chấp nhận mua dây tiêu giống với giá 25.000 đồng/dây nhưng đến vườn tiêu ưng ý nào thì chủ vườn cũng có chung câu trả lời là đã có người đặt mua rồi.

Bên cạnh đó, giá đất nông nghiệp hiện tại trên địa bàn cũng không ngừng leo thang từng ngày. Theo ông Phạm Ngọc Cơ thì giá đất thực tế trên thị trường hiện nay cao hơn từ 3 đến 4 lần so với giá Nhà nước. Nhất là những vùng đất thích hợp để trồng cây hồ tiêu, địa thế thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì giá càng được đôn lên cao, hơn 400 triệu đồng/ha và ngày càng có nhiều người dân ở các huyện khác tìm đến mua đất để trồng tiêu. Vì chất đất, điều kiện khí hậu ở Mang Yang tương đối thích hợp với cây tiêu và ít sâu bệnh so với các vùng đất ở Chư Sê, Chư Pưh…
Việc người dân Mang Yang ồ ạt đổ xô trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng không chỉ phá vỡ quy hoạch của huyện mà còn gây không ít lo ngại cho các ngành quản lý. Đồng thời cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro cho người nông dân khi mà tình hình dịch bệnh trên cây tiêu đang ngày càng diễn biến phức tạp, mà hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc hay biện pháp hữu hiệu nào để khắc phục tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
17 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nhà báo Gia Lai đang hô hào cỗ vũ bà con nông dân Mang Yang trồng tiêu chăng?

    -“Theo ông Cơ, giá trị kinh tế mà cây tiêu mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác…”
    -“Vụ thu hoạch vừa rồi sau khi trừ đi chi phí đầu tư cũng thu được trên 400 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.”
    -“chất đất, điều kiện khí hậu ở Mang Yang tương đối thích hợp với cây tiêu và ít sâu bệnh so với các vùng đất ở Chư Sê, Chư Pưh…”

    Vậy thì tại sao bà con nông dân Mang Yang không trồng tiêu?

  2. Năm nào vào thời điểm này, báo chí đều đăng bài lo ngại và kêu gọi nông dân đừng tự phát sẽ phá vỡ quy hoạch nhưng diên tích tiêu VN mỗi năm mỗi giảm(???). Nên theo tôi, những nông dân ở vùng đất mới (chưa trồng tiêu) thì nên trồng nhưng phải rút tỉa kinh nghiệm những người trồng truóc theo hướng sinh học bền vững.
    Với tình hình cây tiêu của thế giới và VN chưa tìm ra giải pháp bền vững thế này thì theo nhận định của tôi thì giá tiêu trong 3 năm tiếp theo giá vẫn còn hấp dẫn.
    Tôi làm một bài toán thế này: Nếu canh tác bằng sinh học, mỗi năm tỷ lệ chết trên cơ chế tự nhiên dưới 2%, mỗi năm 1 trụ cho từ 3-4kg, với giá tiêu 60.000đ/kg, chi phí tất cả cho 1 trụ tiêu 60.000đ/năm thì người nông dân vẫn sống tốt.

  3. Hôm nay có bé gái ở GIA LAI hỏi tôi về cách chăm sóc phân bón cho cây hồ tiêu. Tôi có đôi chút kinh nghiệm tư vấn cho nhiều người chăm sóc cây hồ tiêu, nên tôi hỏi rất cặn kẽ về cách trồng và tình hình đất đai như thế nào để tư vấn cho thích hợp. Cô bé cho biết là khi trồng không có điều kiện bón lót giờ phải làm sao? Đặc biệt, đất trồng tiêu thuộc vùng trũng, khi đào hố để trồng xuống khoảng 60 cm thì gặp nước. Cô bé nói khiến tôi thật ngỡ ngàng, nghe sao mà thương quá đi thôi. Thế đất như vậy thì mùa mưa sẽ úng nước còn mùa nắng thì hốc nước, mà tiêu thì đã trồng rồi. Với thế đất như vậy ở miền Đông Nam bộ thì trồng Chôm Chôm là hợp lý nhất. Tôi chỉ biết khuyên rằng cố gắng đào mương thoát nước cho tốt, mỗi gốc tiêu cho vài nắm phân vi sinh đừng quá lo sợ loài mối, vì hàng trăm loài mối thì chỉ có vài loài mối gây hại, vì tiêu là loài thân thảo chứ không phải là thân mộc nên đừng quá bận tâm về loài mối gây hại, đất mà không có mối thì đó mới là điều đáng lo, đừng nên sử dụng lung tung các loại thuốc hóa học để phòng trừ mối mà gây ô nhiễm môi trường. Nhân đây xin có lời khuyên với những người có ý định trồng tiêu, hãy lựa chọn vùng đất thích hợp trước khi trồng.

  4. Có ai biết cho mình hỏi cây tiêu trồng trên đất đỏ bazan thì cần nhất là những loại phân bón nào, và bổ sung các loại khoáng vi lượng nào để cây có thể phát triển 1 cách tốt nhất?

    • Bạn Phan Hải Anh,
      Canh tác trên nền sinh học kết hợp với hữu cơ là xu hướng tất yếu và bền vững nhất đấy bạn. Trên đất đỏ bazan thì thường có độ pH thấp nên hạn chế bón phân có hàm lượng lưu huỳnh(S). Đất bazan có sắt (Fe) và nhôm (Al) lớn nên nếu canh tác hoá học đất sẽ chai cứng, không có keo đất nên Fe va Al sẽ di động làm cho đất dẽ bị ngộ độc do cây trồng khó hấp thụ dinh dưỡng, đó là lý do đất thì tốt mà cây trồng kém phát triển đấy bạn.
      Vài điều chia sẽ cùng bạn.

  5. Chào bạn Phạm Thanh Hải!
    Trên cơ sở những ý kiến của anh Lê Minh, tôi xin đóng góp thêm một số hiểu biết của tôi về đất đỏ bazan để bạn tham khảo.
    Đất đỏ Bazan tương đối màu mở và thích nghi với nhiều loại cây trồng nhưng độ PH của đất thì thấp do đó những người nông dân khi trồng cây đỗ phộng (đỗ lạc) trên đất này phải bón vôi trước khi trồng để nâng cao độ PH trong đất và tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đất (khử trùng đất) thì cây đỗ lạc mới cho năng suất và ít bị sâu bệnh phá hoại.
    Đất đỏ Bazan thành phần chính là những hạt đất rất mịn, mùa nắng hạn thì hạt đất dễ bay theo gió tạo thành những đám khói bụi gây khó chịu, nhưng khi mưa nhiều thì kết dính lại như đất sét do đó rất dễ tạo ra hiện tượng ngập úng cục bộ, cũng chính diều này nên hố trũng khi mưa nhiều thì những hạt đất mịn sẽ thẩm thấu theo mạch nước và lấp kín mặt đất làm cho mặt đất nhanh bị chai cứng đồng thời lượng nước đọng tạo nên áp lực đè chặc lên mặt đất góp phần làm cho mặt đất thêm dẻ chặc lại, do đó hiện tượng ngập úng trong mùa mưa của đất đỏ Bazan là chuyện bình thường. Canh tác nông nhiệp trên đất đõ Bazan cần tránh ngập úng và bị chai cứng ta nên bón phân hữu cơ với hàm lượng lớn để đất không bị chai hóa, đồng thời phải tạo hệ thống thoát nước tốt.
    Bạn trồng một cây xanh nhưng sau đó bạn láng bê tông xung quanh gốc cây làm cho mặt đất không thoáng khí bạn thấy cây phát triển như thế nào?
    Một ít kiến thức về đất đỏ Bazan xin chia sẽ cùng bạn!

    • Rất cảm ơn những lời chia sẻ của Lê Minh và Nguyễn Thành Xuân rất nhiều, Chúc 2 bạn luôn thật nhiều sức khỏe.

  6. Cộng đồng cho mình hỏi đât rừng keo mới khai thác trồng tiêu có tốt ko? Đất đen có pha đá ong.

  7. @nguyenthihue thân.
    Đất trồng keo rồi phá ra trồng cây khác ít nhiều chất đất, độ màu mỡ cũng kém đi. Nên múc đất lại làm sạch rẽ cây, rải vôi bỏ 1 năm rồi trồng lại tốt hơn. Vài dòng chia sẻ

  8. Chào diễn đàn. Nhà em có 100 mấy trụ, nhìn bằng mắt thấy cây nó vàng, thân và đốt vẫn còn xanh, trái sần sùi, bồ cào, lá nhỏ, có hình lướt sóng, nhìn thấy gân lá, không phải vàng từ trên xuống hay từ dưới lên mà vàng hết cả cây luôn. Mong được giúp đỡ.

    • Chào TiêuF!
      Thiếu Mg trầm trọng. Bổ sung ngay trung vi lượng.
      Thân!

    • Có thể kết hợp với thuốc ngừa tuyến trùng + phân amino sinh học, và phân bón lá kết hợp trichoderma. Như thế cây sẽ mau hồi phục. Tôi xin lưu ý với bạn. Gọi người khác bằng @tên còn chấp nhận vì không biết tuổi tác tiên xưng hô. Chứ @ @ không không thì có vẻ như không tôn trọng người khác. Tôi trả lời câu này không phải vì bạn mà vì cộng đồng.
      Thân!

  9. Chào Bác Vịnh. Cháu mới tham gia diễn đàn, có gì sai sót mong Bác bỏ qua, cháu sẽ sửa đổi. Chân thành cám ơn Bác

  10. Không biết cộng đồng giá tiêu có ai có tài liệu về diện tích hồ tiêu của các huyện ở Gia Lai không cho mình với. Rất mong nhận được hội âm của mọi người!

    *Bạn có thể vào tìm ở trang web của hiephoihotieuchuse.

Gửi phản hồi mới

(?)