Gia Lai: Nợ nần vì trồng tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 19

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt vì sâu bệnh làm hàng trăm gia đình lâm vào cảnh nợ nần

Nhiều nông dân Gia Lai lâm cảnh nợ nần khi cây hồ tiêu chết từng ngày

Nhiều nông dân Gia Lai lâm cảnh nợ nần khi cây hồ tiêu chết từng ngày

Giá hồ tiêu thành phẩm trong những năm qua liên tục tăng cao nên nhiều hộ dân ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông…, tỉnh Gia Lai đổ xô trồng hồ tiêu. Thế nhưng, do thiếu chăm sóc, kiểm soát sâu bệnh, cây tiêu chết hàng loạt mà không có cách cứu chữa.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có hơn 9.000 ha hồ tiêu, trong khi theo quy hoạch tới năm 2020 là 6.000 ha. Những huyện có diện tích trồng hồ tiêu lớn gồm: Chư Sê gần 3.000 ha, Chư Pưh gần 2.450 ha và Chư Prông khoảng 2.400 ha.

Những năm gần đây, chỉ qua một mùa hồ tiêu, không ít người đã trở thành tỉ phú. Với 1 ha hồ tiêu (trồng khoảng 2.200 trụ), mỗi vụ sẽ thu hoạch được từ 8 – 10 tấn, thu nhập khoảng từ 1,2 – 1,8 tỉ đồng. Vì vậy, hàng trăm hộ dân sẵn sàng chặt bỏ cà phê, cao su để chuyển qua trồng hồ tiêu. Chi phí đầu tư khá lớn, từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha nên trong bối cảnh hồ tiêu đang chết hàng loạt như hiện nay, nhiều người trồng lâm vào cảnh nợ nần.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 848 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh. Trong đó, Chư Prông là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 100 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Me, Ia Ga… Ông Lê Thanh Lĩnh (ngụ xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) rầu rĩ bên 2 ha hồ tiêu đã chết một nửa vì sâu bệnh, cho biết: “Mấy cơn bão vừa rồi gây mưa lâu quá nên hồ tiêu bị nhiễm bệnh. Vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng đầu tư vườn tược, giờ coi như mất hết, cứu được cây nào thì hay cây đó thôi”.

Cùng cảnh ngộ, anh Phạm Đức Dũng (ngụ xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) kể: “Năm 2009, tôi chỉ trồng 600 trụ hồ tiêu, cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Lợi nhuận quá cao nên năm 2010, tôi chuyển một phần diện tích trồng cà phê sang trồng 1.800 trụ hồ tiêu, ai ngờ chuẩn bị thu hoạch thì lá ngả vàng, chết 2/3 số trụ”.

Chạy theo phong trào: Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết nguyên nhân trực tiếp làm tiêu chết là do các loại vi khuẩn, nấm. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do người dân trồng tiêu không theo quy hoạch, sử dụng quá nhiều phân hóa học, phân chuồng không được ủ hoai mục. “Thấy giá tiêu cao, người dân cứ trồng theo phong trào mà không chú trọng kỹ thuật chăm sóc nên cây tiêu dễ bị nhiễm bệnh” – ông Uyển nhận định.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
19 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bài báo viết rất chính xác. Nông dân chỗ tôi mấy năm nay cũng đua nhau xem ai trồng tiêu nhiều nhất. Chạy theo số lượng mà không quan tâm đến kĩ thuật chăm sóc. Trồng tiêu mà không hề biết trichoderma là gì, phân thuốc bón tùm lum… Năm nay chỉ thấy mấy đại lí phân bón, thuốc BVTV và xuởng đúc trụ ăn nên làm ra. Còn dân thì tiêu văn điều hết… Cũng chẳng thấy cơ quan đoàn thể nào đến khuyến cáo cả. Tiêu của lãnh đạo cấp huyện, cấp xã còn toi nữa là. Có ông hạt kiểm lâm trồng hẳn 15000 trụ gỗ, thuê hẳn kĩ sư bằng đỏ trả lương 30 triệu 1 tháng mà tiêu mới chết có hơn 8000 trụ à. Thế nên dân đen chỉ biết cầu trời thôi. Còn trang web này mình giới thiệu cho mọi người tham khảo thì họ cười khẩy vậy đó. Do mình cả mà cứ trách ông trời. Làm trời cũng khổ!

    • Bạn Nguyễn Xuân Phước ở Huyện Chư Prông hả, bạn ở chỗ nào dzậy? Mình làm quen nhé, có gì học hỏi kinh nghiệm làm tiêu. Mình tên Phúc, ở TT. Chư Prông. Hiện mình có vườn tiêu 400 trụ, may mắn là mình đang canh tác theo hướng sinh học nên năm nay không bị chết trụ nào cả. Rất hân hạnh được làm quen.

  2. Làm ruộng lúa không đủ ngày công. Giá cao su, cà phê hạ dưới giá thành sản phẩm. Tiêu thì bệnh, chăm sóc chữa trị tốn kém nhưng vẫn chết. Không phải là người nông dân không quan tâm chăm sóc, mà đúng hơn là không biết cách chăm sóc, và đúng hơn nữa là không có cách chăm sóc! Trong khi giá sinh hoạt cứ tiếp tục gia tăng… Đấy là thực trạng của nông dân hiện nay.

  3. Khó khăn như vậy giá tiêu mới lên ào ào, còn dễ như cà phê thì có trái để hái nhưng bán ra không đủ chi phí !

  4. Chào @Nguyễn xuân phước
    Đọc xong mình cũng thấy rất buồn, gì mà cái ông ở hạt kiểm lâm trồng tới 15000 trụ tiêu gỗ, ông là kiểm lâm mà lại còn trồng hẳn 15000 trụ gỗ như thế thì thấy thật buồn, buồn cho sự quản lý. Mong mỗi người trồng tiêu chúng ta hãy là người trồng tiêu thông minh và hãy biết bảo vệ môi trường!

    • Đọc tâm sự của bạn mà tôi lo lắng cho sức khỏe của bạn, chỉ có việc cỏn con của tay kiểm lâm mà bạn buồn, thì bạn biết thêm cở vài người trong xã hội có ” quy mô” tầm cỡ gấp vài chục đến vài trăm, thậm chí gấp vài ngàn lần 15000 trụ tiêu…., đến khi đó bạn có buồn nữa không? bảo trọng để trồng tiêu bạn nhé!

  5. Làm kiểm lâm mà phá rừng lấy gỗ để trồng tiêu chết hết là đúng rồi. Phá rừng kiểu đó chưa vào tù là hên lắm rồi ông kiểm lâm đó ơi. Để trồng được cây tiêu thì mỗi chúng ta phải biết yêu con người, yêu động vật, yêu cây cối, yêu thiên nhiên, và có lòng vị tha đối với người khác và chính mình.

  6. Có lẽ rồi đây không chỉ riêng người dân Gia lai nợ nần vì tiêu chết mà còn có ở những địa phương khác nữa. Do giá bán đang cao người dân đua nhau mở rộng diện tích trồng tiêu, lượng cây giống cần rất lớn. Vấn đề là ở chỗ người đi tìm nguồn hom giống. Hằng ngày có rất nhiều người của các cơ sở ươm cây giống và những người tìm cắt hom bán lại kiếm tiền sục sạo vào ra tất cả các vườn tiêu. Việc vào ra như vậy cùng những dụng cụ của họ sẽ không tránh khỏi nguồn lây bệnh từ nơi này qua nơi khác. Một vườn tiêu mà một buổi sáng không biết bao nhiêu người vào ra, có người còn chờ đến trưa cho chủ nhà về để vào kiếm hom giống. Đây thật là mối hiểm họa tiềm ẩn cho vườn tiêu mà chưa mấy ai để ý

  7. Kính chào Cộng đồng giatieu.com !
    Theo tôi, tiêu bị bệnh do mình nhiều hơn do yếu tố khách quan. Có mấy việc làm mà dây tiêu rất “sợ” và mấy việc làm mà tiêu rất “khoái” như sau :
    1/ Những việc làm mà tiêu rất sợ :
    + Bón nhiều phân hoá học .
    + Phun thuốc trừ cỏ trong vườn tiêu.
    + Làm bồn để tưới cho tiêu .
    2/ Những việc làm mà tiêu khoái :
    + Bón phân hữu cơ nhiều lần trong năm, còn phân hoá học chỉ nên pha loãng với nước với nồng độ 1% để tưới cho tiêu.
    + Đào mương và rãnh thoát nước vào đầu mùa mưa và vét phục hồi trong suốt mùa mưa.
    + Đắp cho gốc tiêu một cái ụ đất nhỏ bằng cái nón lá úp ngay gốc tiêu để làm chỗ “tị nạn” cho rễ tiêu khi gặp điều kiện dư ẩm vào mùa mưa nhiều .
    Thân chào .

  8. Không riêng gì 02 huyện Chư Sê, Chư Pưh mà Đak Đoa, Mang Yang cây Tiêu cũng đang bị tiêu rất nhiều với hai nguyên nhân chính là khách quan và chủ quan.
    – Khách quan: Năm nay mưa rất nhiều, bão nối bão, nước giếng lên ngang mặt đất.
    – Chủ quan: Nông dân chăm sóc không đúng kỹ thuật là chính, không phòng bệnh, khi tiêu đỗ bệnh không biết thuốc gì chữa bệnh gì, ra đại lý họ đưa thuốc gì thì dùng thuốc đó. Bồn tiêu sâu như bồn cà phê, lạm dụng quá nhiều phân hóa học, phân chuồng và vỏ cà phê không cần ủ, mùa mưa thì sợ cỏ cứ cuốc xới liên tục…
    – Mình có ông bạn làm tiêu được 10 năm trên vùng đất trũng, đào giếng ở khu vực thấp nhất trong vườn, mùa mưa tốn thêm ít chi phí bơm thoát nước ra khỏi vườn nhờ vậy mà tiêu không bị úng, năm nay chỉ đi lai rai vài gốc.

  9. Nhà tôi cũng trồng 500 trụ nhưng cây tiêu lên rất chậm, có cây đang phát triển thì tự dưng lại chết, bế tắc không biết làm sao cả. Mọi người giúp đỡ giùm tôi nhé

    • Bạn không nói triệu chứng, biểu hiện cụ thể của bệnh thì cộng đồng lấy gì để góp ý cho bạn đây?

    • Chào bạn.
      Tiêu con lên chậm thường do đào hố quá nhỏ, xử lý hố chưa sạch sẽ và cẩn thận, thiếu nền hữu cơ, giống xấu, chứa mầm bệnh, cách trồng không hợp lí, chăm sóc không đúng cách… Bạn kiểm tra lại từng bước cụ thể để khắc phục, chứ bà con làm sao biết được để giúp bạn. Thân

  10. Chú Vịnh cho con hỏi mùa nắng bây giờ những cây vàng vàng có cần đổ gốc trị tuyến trùng không?

    • Chào @Sáng tiêutơ.
      Tiêu bị vàng lá có nhiều nguyên nhân, chú Vịnh góp ý trên nhiều phản hồi rồi, mình không nhắc lại. Bạn xác định vì bị tuyến trùng thì bạn cần trị ngay để tiêu khỏi suy. Sử dụng các loại thuốc đã trao đổi trên diễn đàn như tervigo, marshal, vimoca, map logic, basudin… Sau đó bạn dùng phân bón lá và phân đổ gốc hữu cơ sinh học Biogel+Biosol để giúp cây nhanh hồi phục rễ. Thân

  11. Ngày xưa trồng tiêu, vốn tiền là hàng đầu. Còn nay thì vốn kỹ thuật mới là hàng đầu. Chỉ 5 sào tiêu chăm sóc tốt với giá này cũng lên tới tiền tỷ. Còn nhiều tiền trồng mà bị chết thì cũng chẳng có thu.

  12. Trồng tiêu bền vững phải tổ chức như nuôi gà trang trại. Người vào trang trại phải đi giày, dụng cụ… của trang trại, nước tưới từ giếng ngầm… bón phân phải đúng nhu cầu… bỏ qua những điều này thì thất bại là cái chắc.

Gửi phản hồi mới

(?)