Gia Lai: Nguy cơ nhiễm bệnh từ trụ gỗ trồng tiêu

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 21

Trước tình trạng tiêu chết xảy ra trên diện rộng, nhiều hộ dân tại huyện Chư Sê, Chư Pưh phá bỏ vườn tiêu, trụ gỗ mang mầm bệnh tiếp tục được bán đi nơi khác. Việc mua bán “mầm bệnh” này ẩn họa nguy cơ lây nhiễm đến vườn cây mới nếu không được kiểm soát.

Vườn tiêu chết dần, nhiều nông dân nhổ bỏ, chuyển đổi cây trồng khác.

 Theo ghi nhận, các huyện Chư Sê, Chư Pưh có diện tích trồng tiêu lớn nhất của tỉnh với trên 5.200 ha, hiện nhiều vườn cây trên diện tích này đã bị chết bởi các yếu tố do nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm, vườn cây già cỗi… có hộ dân đã thuê chuyên gia đưa ra cách chữa trị nhưng bất thành.

Trước thực trạng trên, nhiều hộ trồng tiêu đã tìm cách cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng. Riêng với những trụ tiêu bằng gỗ được nhổ bỏ khỏi vườn và có nhiều người tìm mua, chuyển bán đi nơi khác.

Ông Trịnh Đình Đề – hộ dân trồng tiêu thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, Chư Pưh cho biết: Để có thêm kinh phí khi chuyển đổi cây trồng, những trụ tiêu bằng gỗ được nhiều người tìm mua. Không biết trụ tiêu còn mầm bệnh hay không, được giá là chúng tôi bán hết.

Qua tìm hiểu, đa phần trụ gỗ nhổ từ những vườn tiêu chết được chuyển bán đến huyện Mang Yang, Đăk Đoa hay qua tỉnh Đăk Nông, Bình Phước để tiếp tục làm trụ trồng tiêu. Trụ tiêu này đang được mua với giá từ 50 – 85 ngàn đồng tùy chất lượng.

Trụ gỗ mang mầm bệnh từ vườn tiêu chết được nhổ chất thành đống tại xã Ia Blang, Chư Sê.

Trụ gỗ trồng tiêu lấy từ vườn cây bị nhiễm bệnh tiếp tục sử dụng trồng mới chắc chắn mầm bệnh sẽ vẫn còn và lây lan nếu không xử lý. Khi các hộ dân mua lại trụ tiêu để dùng nên sử dụng vôi bột phủ hoặc hòa nước ngâm cả cây để triệt tận gốc các mầm bệnh tránh nguy cơ lây bệnh, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Pưh khuyến cáo.

Ngoài việc bán trụ gỗ ẩn họa lây lan mầm bệnh nếu không được xử lý tốt, thì hiện nay tại một số nơi, để cứu vườn cây, các hộ dân tìm và đặc niềm tin vào “chuyên gia” trị bệnh cho tiêu. Chi phí thuê những người này từ 7 – 8 triệu đồng đến khi hết bệnh trên cây. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn cây tiêu vẫn lăn ra chết dần, “chuyên gia” thì bỏ trốn, nông dân phải chịu thiệt kép.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Hợp. phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê khẳng định: Tiêu chết xảy ra trên địa bàn là do nấm bệnh, già cỗi, vườn bị nhiễm bệnh, cây chết không thể chữa khỏi. Trước đây, có các hộ dân nghe, tin theo lời hứa cứu vườn tiêu, tuy nhiên không có vườn cây nào hết bệnh mà người dân lại mất tiền. Hiện nay, người dân đã nâng cao cảnh giác, các “chuyên gia” trị bệnh cho cây tiêu hay bán giống vào địa bàn phải làm việc với xã nhằm tránh nguy cơ tiền mất tật mang, cây giống kém chất lượng.

21 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Xin khuyến cáo
    1. Tất cả trụ gỗ ở vùng nhiễn bệnh đều phải xử lý cẩn thận trước khi trồng , theo các cách sau đây:
    -Pha dung dịch booc-do 1,5% phun khắp trụ, chú ý không bỏ sót các kẻ nức trên trụ. Nên phun nhắc lại sau 5 ngày để tiêu diệt mầm bệnh triệt để hơn. Chú ý pha đúng cách, mua sunfat đồng loại chất lượng. Không mua loại rẻ, chỉ phí tiền.
    -Hoặc dùng thuốc trị nấm gốc đồng, gốc nhôm, hoặc thuốc mancozeb, hoặc thuốc hỗn hợp mancozeb+melataxyl… tùy chọn. Miễn là thuốc chính hãng, đảm bảo chất lượng.
    -Kết hợp, nếu có rơm rạ, cỏ khô… phủ lên đống trụ để đốt cho cháy sém thì tốt hơn cả.
    2. Quá trình xử lý, nếu có vướng mắc gì cứ mạnh dạn nêu lên. Diễn đàn giatieu.com sẵn sàng hỗ trợ.
    3. Cần tư vấn riêng tư, vui lòng email về chú Vịnh theo địa chỉ nguyenvinh@giatieu.com

  2. Một vị khuyên dùng vôi xử lý. Vị kia thì không thể chữa khỏi. Nông dân nghe ai đây?
    Dân trồng tiêu đã khổ vì dịch bệnh mà đưa thông tin như vậy thì quá tội…
    Nhưng trước hết là ngành BVTV nên dẹp tiệm về đi buôn vôi sẽ mau giàu.

  3. Trồng tiêu quan trọng bộ rễ. Thường do rệp sáp tấn công rễ rồi nấm phyto… tấn công gây bệnh chết nhanh, chết chậm. Mình dùng nấm đối kháng trichoderma ủ phân chuồng bón cùng phân hữu cơ vi sinh thì không sao cả. Chỉ chỉ cần đất tơi xốp, tăng vi sinh vật có lợi bằng cách bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ nấm tricho là ok.

    • Đơn giản như vậy thì làm gì có chuyện vườn tiêu của bà con ra đi hàng loạt…
      Bạn quá chủ quan… rồi sẽ thấy !

    • Việc ủ phân chuồng với vi nấm tricho và việc sử dụng tricho phòng bệnh đã được diễn đàn trao đổi khá cặn kẽ rồi. Bạn nên tìm học lại cẩn thận, tránh nhầm lẫn chủ quan đáng tiếc !
      Bộ rễ không chỉ tổn thương do rệp sáp mà con do tuyến trùng làm tổ để tranh dành dinh dưỡng với cây nữa.

  4. Kính gửi chú Nguyễn Vịnh cùng gđ giatieu.com hiện tại vườn tiêu nhà cháu bị chết năm ngoái còn một ít đến bây giờ còn môt số cây nhưng lâu lâu vẫn có cây bị chết. Cháu muốn trồng lại vì tiếc giàn trụ quá, vậy xin chú Vịnh và gia đình giatieu.com góp kiến làm thế nào ạ.

    • Rất tiếc vì bạn chỉ xử lý nửa vời nên bệnh mới dây dưa kéo dài cho đến nay. Muốn trồng lại cũng phải xử lý theo quy trình như trị bệnh, phun và đổ gốc mới hòng tiêu diệt sạch bào tử nấm bệnh. Sau đó sẽ tiến hành đào hố, xử lý hố, bón lót đợi mưa đều (khoảng giữa tháng 5) mới trồng.

  5. Tác giả bài báo đã nêu một vấn đề rất đúng đắn mà từ trước đến nay có lẽ vì tế nhị hay nhạy cảm nên không thấy được đề cập trên công luận. Nguy hiểm và lây lan dịch bệnh là từ việc bà con coi thường không xem dịch bệnh cho cây cũng lây lan như dịch bệnh của người, đều do lây nhiễm từ vi sinh vật mà mắt thường không thấy được nên sinh ra chủ quan.
    Đưa trụ gỗ đã trồng từ Gia Lai về Đăk Nông, trước mắt sẽ chưa thấy gì nhưng 3-4 năm nữa sẽ trả với một giá rất đắc nếu không xử lý thật cẩn thận !

  6. Chào @trung hiếuvđ4. Bạn chưa nói rõ giàn trụ nhà bạn trụ gỗ hay trụ bê tông, hay trụ sống cho cộng đồng biết rõ. Để có cơ sở cho mọi người có thể tư vấn giúp bạn có hướng khắc phục lại vườn tiêu.

  7. Xin chào @ Hoàng. Không phải mình xử lý nửa vời, mình cũng tham khảo trên diễn đàn và đại lý BVTV và theo bao bì cũng như kinh nghiệm làm tiêu gần 10 năm của mình mà cũng không thể dừng chết. Giờ mình định liều trồng lại vì tiếc giàn trụ quá nhưng không biết có thành công không nữa, phân vân quá…

    • Hình như bạn đã nhầm lẫn giữa đại lý bán thuốc BVTV với nhà chuyên môn…

  8. Chào gia đình giatieu.com. Trụ nhà tôi là trụ muồng cũng gần chục năm rồi mà giờ còn trơ trụ ra đó, nhìn vừa buồn vừa chán vừa chưa biết xử lý thế để trồng lại tiêu chứ giờ phá đi thì tiếc quá. Bao nhiêu năm làm tiêu rồi dù giá rẻ thì cây tiêu cũng đã ăn vô máu rồi. Xin gia đình giatieu.com chia sẻ

  9. Trụ nhà bạn là trụ muồng thì cần xử lý bằng booc đô khoảng 2-3 lần, pha 1 phần trăm hay 1.5 phần trăm phun thật kỹ từ dưới lên trên. Bạn cần rong tỉa cành thật kỹ rồi xử lý, vì cây muồng đen thường hay bị xì mủ màu đen rồi hay chết. Bệnh này tôi quan sát thấy một loại bò xít chích làm cây chảy mủ và nấm xâm nhập gây bệnh, loại bệnh này cũng lây sang tiêu và chết cả muồng và tiêu. Trồng trụ muồng đen bạn cần để ý về vấn đề này. Tôi đã tìm nguyên nhân từ một trụ tiêu bỗng đỗ lá hàng loạt và ban đêm tôi thấy mủ của cây muồng nhỉ như nước mưa trên lá tiêu, tôi liền cưa ngay cành muỗng và trị ba lần thuốc. Sau đó cây hết đổ lá và phát triển tốt vẫn cho năng suất tốt. Điều quan trọng vẩn là tìm được nguyên nhân gây bệnh rồi trị sẽ hiệu quả. Một vài chia sẻ, chúc bạn thành công.

  10. Chào Senca cùng gia đình giatieu.com.
    Lên diễn đàn để cùng chia sẻ những kinh nghiệm và chuyên môn với nhau, không bao giờ là đủ.
    Mong mọi người nhiệt tình giúp đỡ. Chân thành cảm ơn mọi người.

  11. Tiêu bị bệnh chết thì việc trồng lại sẽ rất khó khăn vì mầm bệnh ở trong đất tồn tại rất lâu ! Tôi đã thấy những cây trồng lại lên rất đẹp nhưng khi ra trái mùa đầu thì mới chết ! Tôi nghĩ tốt nhất khoan vội trồng mà nên để cách ly vài mùa thì hay hơn !

  12. @ ho nam rất chính xác.
    Lưu ý thêm:
    -Tiêu trồng lại lên rất đẹp nhưng khi ra trái mùa đầu mới chết là do bị nhiễm bệnh nấm từ khi còn hom, nhiễm từ cây mẹ có mang mầm bệnh hoặc do lấy giống không chọn lọc, mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Khi tiêu trưởng thành, chuyển từ sinh dưỡng sang sinh thực (ra bông, nuôi trái) mới bùng phát bệnh và chết.
    Tuy nhiên, nếu thời kỳ tiêu tơ được chăm bón theo hướng hữu cơ sinh học thì cây sẽ sinh kháng thể, kết hợp với các vi khuẩn kháng sinh, nói chung là các EM (lợi khuẩn), được cung cấp thường xuyên thì cây vẫn khỏe, phát triển tốt. Trái lại, thời kỳ này lạm dụng hóa học thì cây vẫn tồn tại mầm bệnh chỉ chờ cơ hội sinh thực để bùng phát.
    -Cách ly mà không xử lý đất cẩn thận thì mầm bệnh vẫn tồn tại. Thậm chí, sai lầm lớn nhất là dùng máy cuốc đảo đất, chôn lấp bào tử nấm bệnh xuống tầng sâu, sẽ không thể biết khi nào là cơ hội để bệnh bùng phát lại.
    -Tiêu còn nhỏ bị bệnh, nhổ bỏ trồng lại thì không vấn đề gì. Còn tiêu lớn đang thời kỳ kinh doanh, ai có thể nhổ bỏ mà không suy tính, đắn đo ? Các bạn bỏ ra năm chục, một trăm, hai trăm để cứu hay bình thản nhỗ bỏ ? Thực sự là không đơn giản…
    – Không thể chữa được. Cơ sở nào để các bạn phủ định sạch trơn vậy? Nhà nước cho đăng ký thuốc chữa bệnh cho tiêu với hàng chục, thậm chí hàng trăm danh mục, theo các bạn là để làm gì? Ngành BVTV tồn tại để làm gì?…
    Không biết lái xe mà vẫn lên cầm vô-lăng, nhưng khi xe không chạy là lỗi của người lái hay của xe? Người lái chính là các bạn, còn xe là thuốc vậy !
    Tất nhiên chính nông dân, người chủ vườn mới là người quyết định chứ không ai có thể thay mình.
    Đôi lời chia sẻ
    Thân

  13. Cám ơn ý kiến quý báu của chú Nguyễn Vịnh đã giúp cháu hiểu rõ thêm nhiều vấn đề.
    Cháu cũng nghĩ cây tiêu bị mất sức đề kháng là do bà con cường canh và lạm dụng hóa học, chưa quan tâm hữu cơ, sinh học đúng mức nên không có sức chống chịu với môi trường, sâu bệnh…

  14. Tìm trên bao bì sản phẩm có số điện thoại của nhà sản xuất.
    Gọi cho họ để xác thực nguồn gốc rõ ràng !
    Hoặc tìm vào trang web của họ…

Gửi phản hồi mới

(?)