Gia Lai: Nông dân khốn đốn vì tiêu chết

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 33

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân huyện Ia Grai đang lâm vào tình cảnh khốn đốn khi cây hồ tiêu nhiễm bệnh và lây lan nhanh.

Cây hồ tiêu mới trồng cũng chết vì nhiễm bệnh

Cây hồ tiêu mới trồng cũng chết vì nhiễm bệnh

Nhập viện vì tiêu chết

Trên nền đất ẩm ngổn ngang xác cây hồ tiêu, bà Nhữ Thị Doanh (trú tổ 3, thôn 2, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) đưa tay ngắt một chùm tiêu chi chít quả từ một gốc hồ tiêu bằng trụ bê tông cao vút và sum suê lá nhưng đã ngả vàng héo quắt. Lau những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác, bà kể: “Năm 2000, giá cà phê xuống thấp nên chúng tôi chuyển sang trồng tiêu. Gia đình tôi trồng thử nghiệm 100 gốc hồ tiêu bằng trụ gỗ, lấy giống tại huyện Chư Sê. Sau một năm, cây hồ tiêu bén rễ và phát triển nhanh. Nhận thấy cây hồ tiêu hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập cao, tôi phá bỏ vườn cà phê để trồng tiêu. Đến nay, gia đình đã có 1.600 gốc hồ tiêu, trong đó có 1.300 gốc đã thu hoạch. Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, vườn tiêu gần 2 ha ồ ạt chết. Nhìn vườn hồ tiêu trị giá hàng trăm triệu đồng mất trắng trong chớp mắt, tôi đổ bệnh phải nằm viện điều trị. Mấy đứa con cũng chán nản không thiết làm việc. Nợ nần đầm đìa”.

Cách vườn hồ tiêu bà Doanh khoảng hai trăm mét là vườn hồ tiêu của ông Dương Văn Thanh. Hơn 1 ha hồ tiêu của ông Thanh cũng đã nhiễm bệnh, thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Đã hơn 10 năm trồng hồ tiêu, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh tiêu chết vì bệnh. “Cây hồ tiêu nhiễm bệnh thì chết rất nhanh. Tôi quan sát và nhận thấy cây tiêu chết vì hai loại bệnh: 1 loại là khi cây hồ tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên rũ lá và chết; loại bệnh thứ 2 là cây hồ tiêu xuất hiện một vài chiếc lá có màu vàng, dưới gốc xì mủ có mùi hôi, các khớp héo và rụng… Trong khoảng 3 ngày kể từ khi phát bệnh thì cây hồ tiêu sẽ chết hoàn toàn. Tôi đã dùng các loại thuốc hóa học và chế phẩm sinh học nhưng không hiệu quả”-ông Thanh cho hay.

Ông Phạm Đình Huế-Trưởng thôn 2 (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cho biết: Cả thôn có 112 hộ dân, đa phần trồng hồ tiêu, hộ trồng ít nhất là khoảng 50 gốc, hộ trồng nhiều khoảng 2.000-3.000 gốc. Nguồn hồ tiêu giống được cung cấp từ các huyện Chư Sê, Chư Pưh… với các loại giống Vĩnh Linh, Lộc Ninh và Ấn Độ… Hiện có khoảng 6.000 gốc bị chết do nhiễm bệnh. Trưởng thôn Phạm Đình Huế có 1.200 gốc tiêu, trong đó có 800 trụ đang trong thời kỳ thu hoạch. Hiện tại, vườn tiêu của ông đã nhiễm bệnh và có 500 gốc tiêu bị chết. Bà Hồng (vợ ông Huế) than thở: “Chúng tôi đã mua hơn 20 triệu đồng tiền thuốc để cứu chữa nhưng không có thuốc đặc trị. Cứ đà này tiêu sẽ chết thêm nữa. Chúng tôi đã thiệt hại gần 500 triệu đồng”.

Ông Ksor Loan-Chủ tịch UBND xã Ia Krái xác nhận: Từ đầu tháng 9-2014, tại xã Ia Krái xuất hiện dịch bệnh gây hại cây tiêu. Đến nay, toàn xã có khoảng 8.000 gốc tiêu chết vì bệnh.

Giải pháp nào cứu cây tiêu?

Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho thấy, toàn huyện hiện có hơn 380 ha hồ tiêu do người dân trồng tự phát. Xã Ia Krái có diện tích tiêu bị chết nhiều nhất huyện.

Trước tình trạng cây hồ tiêu nhiễm bệnh và chết ồ ạt, huyện đã tiến hành kiểm tra, thống kê và triển khai biện pháp phòng trừ. Qua kiểm tra đã phát hiện cây hồ tiêu mắc bệnh chết nhanh, chết chậm và úng nước. Nguyên nhân là do nguồn cung cấp cây giống hồ tiêu không đảm bảo. Nhiều loại giống đã nhiễm bệnh từ trước hoặc không hợp thổ nhưỡng. Trong quá trình canh tác, người dân không làm hệ thống thoát nước dẫn đến úng nước gây thối rễ. Mặt khác, trong quá trình làm cỏ, dọn vệ sinh vườn đã có những tác động tổn hại đến rễ và thân, do đó các loại nấm tấn công làm thối rễ…

Theo đó, Phòng đã khuyến cáo người dân không nên tự ý chặt bỏ cây trồng truyền thống để trồng hồ tiêu. Đối với những vườn tiêu chưa nhiễm bệnh cần tăng cường các biện pháp dọn vệ sinh, khử độc; hạn chế làm tổn thương rễ và thân. Với những vườn tiêu đã nhiễm bệnh phải mạnh dạn chặt bỏ, thu gom và đốt; không vội vàng trồng mới hồ tiêu trên vùng đất đã nhiễm bệnh, cần có thời gian để xử lý và làm vệ sinh đất.

33 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nhìn trên hình tiêu mới trồng chết bệnh thì chưa rõ nhưng chết úng là trông thấy.
    Có mà trời chữa khi cứ trồng âm.

    • Đi tới đâu cũng nghe tiêu chết mà vùng nào cũng thấy trồng sâu như trên hình.
      Tiêu sẽ còn chết nhiều nữa nếu bà con ko chịu từ bỏ cách trồng sâu.

  2. Nhìn vườn tiêu biết nông dân cực nhọc với cây tiêu mà không cân xứng với công sức bỏ ra, mong sao được sự đền đáp và xứng đáng.

  3. Mình đã đổ nhiều thuốc cho tiêu mà vẫn bị chết. Hiện tại mình muốn chuyển đổi qua trồng bơ sáp mà ở Gia Lai chưa thấy có địa chỉ bán giống bơ chuẩn bảo đảm trách nhiệm, nguồn gốc rõ ràng.

  4. Chào các bác và cộng đồng giatieu.com . Cho mình hỏi khi cây tiêu bị tuyến trùng biểu hiện như thế nào vậy, mình mới trồng tiêu nên chưa có kinh nghiệm.

    • Cây tiêu bắt đầu bị tuyến trùng thì phát triển ngọn và cành chậm dần, lá vẫn xanh nhưng có biểu hiện hơi buồn rũ. Rõ nhất là khi lá vàng dần một phần. Khi đã khá nặng thì từ nửa trụ trở xuống lá sẽ vàng. Nếu nặng thì dễ gây lụi tàn trụ tiêu. Nhiễm tuyến trùng còn dẫn tới bệnh chết nhanh vì nấm phitophthora dễ xâm nhập vào bộ rễ.

  5. Chào anh @Hòa Hiệp nội dung này đã được trao đổi nhiều trên diễn đàn rồi. Anh chịu khó tìm đọc trên diễn đàn để có câu trả lời nhé!

    • Hiểu biết, kinh nghiệm không bao giờ đến với những người lười biếng theo kiểu “mì ăn liền”

  6. Khơi thông mương rãnh, đào hố rút nước, vun cao gốc chống ngập úng là việc cần làm đối với người trồng tiêu.
    Hiện nay vẫn còn rất nhiều nông dân trồng tiêu nhưng chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật của loại cây khó tính này, lạm dụng và bón nhiều phân vô cơ trong mùa mưa, chủ quan với bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng…, cộng với phân thuốc BVTV dỏm…
    Cây tiêu chết thành đại dịch quả là điều khó tránh khỏi.

  7. Chào mọi người trên diễn đàn giatieu.com
    Mình cũng là người dân tại huyện Ia Grai, hiện nay đi thăm tại địa bàn thấy tiêu người dân trồng cũng khá nhiều, nhưng khí hậu ở đây cũng rất khắc nghiệt mà phần đa mọi người cũng không được hiểu nhiều về đặc tính của cây tiêu nên tình trạng chết xảy ra rất nhiều. Gần như đến thăm vườn nào cũng có những trụ bị chết, ít thì vài trụ, nhiều thậm chí 70% bị chết. Nhưng có lẽ nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là hầu như mọi người trồng tiêu trên địa bàn huyện Ia Grai không chú trọng làm thoát nước cho tiêu. Khi có 1 trận mưa chỉ cần khoảng 2 tiếng đồng hồ thì bồn tiêu gần như ngập nước. Chẳng lẽ đó lại không phải là nguyên nhân gây ra các loại bệnh dẫn đến hậu quả đáng tiếc hay sao ?

  8. Cây hồ tiêu ở Đaklak cũng chết hàng loạt, ở Hà Lan Buôn Hồ cũng chết, chắc là do phân và thuốc bảo vệ thực vật giả tràn lan trên thị trường là nguyên nhân gây bệnh đó bà con ạ

    • Mình cũng ở Hà Lan, Buôn Hồ. Hiện nay tiêu ở đây đang chết rất nhiều, Nếu thống kê lại diện tích bị lây nhiễm dịch bệnh chắc nhiều hơn cả ở IA Grai. Tiêu trồng sâu cũng chết trồng cạn cũng chết, đất dốc ráo nước cũng chết trồng xen ngã tư cafe cũng chết, tiêu tơ tiêu già tiêu con gì cũng chết cả, bón phân chăm sóc kiểu gì cũng cứ chết. Bó tay

  9. Còn chỗ tôi Định Quán Đồng Nai thì tiêu đang chết dần chết mòn đa số nông dân còn chưa hiểu cách canh tác bền vững và chủ quan khâu phòng bệnh cho tiêu… ngay cả tôi cũng vậy nhưng bây giờ phải thay đổi tập quán canh tác thôi.. Tiêu mà không có phân hữu cơ hoai mục là thua.

    • Còn chỗ mình ở Bàu Hàm, Sông Thao, Trảng Bom, Đồng Nai. Tiêu vẫn chết hàng loạt, đại đa số canh tác theo kiểu truyền thống dịch bệnh cứ lan truyền chết hàng loạt năm nào cũng vậy. Tới mùa mưa hầu hết các tỉnh trồng hồ tiêu chết rất nhiều, phải thay đổi cách canh tác theo nền hữu cơ bền vững hồ tiêu mới chủ được trên mảnh vườn của mình !

  10. Người nông dân cần được hướng dẫn để hiểu về cây tiêu, hiểu đặc tính sinh lý của cây, hiểu cách chăm sóc và quản lý dịch hại tổng hợp. Nếu không hiểu được tất cả thì ít nhất cũng phải hiểu được cái cơ bản nhất đó là: tất cả cây trồng sống nhờ đất, và để cây phát triển tốt thì cần một bộ rễ khỏe mạnh. Để rễ khỏe mạnh thì cần điều gì, đó là đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu hữu cơ, độ pH phải đảm bảo, không trồng tiêu quá sâu… Nếu đảm bảo được những điều trên cộng với kiểm soát tuyến trùng và rệp sáp hại gốc, hại rễ tốt thì đã giảm thiểu tình trạng chết nhanh hàng loạt như trên.

    Bà con nông dân mình rất ít ai biết kiểm tra theo dõi đất, kiểm tra rễ cây để có cách khắc phục kịp thời mà chủ yếu là chỉ đợi đến khi cây biểu hiện bệnh mới bắt đầu nghĩ đến thuốc gì. Trong khi do trước đó không kiểm tra để phát hiện bệnh từ đầu. Giai đoạn cây biểu hiện bệnh nó giống như con người bị ung thư giai đoạn cuối rồi, chữa trị tốn kém mà không hiệu quả là điều đương nhiên.

    Cây tiêu là một cây trồng khó tính, đòi hỏi người trồng phải am hiểu nó, am hiểu được nó cộng với một ít hiểu biết về khoa học thì người ta sẽ tự có cách khắc chế bệnh tật trên cây tiêu. Nông dân mình thì đa số không có được sự am hiểu này. Để nông dân hiểu rõ hơn về cây tiêu thì cần những cơ quan chức năng phải thực sự có trách nhiệm và có trình độ để tổ chức những buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thường xuyên và cặn kẽ đến người nông dân. Nhưng điều này e có vẻ hơi khó, nông dân phải tự bơi lấy.
    Bà con cần hiểu cách chăm sóc và quản lý tổng hợp ngay từ ban đầu, đảm bảo bộ rễ cây tiêu được khỏe. Con nít lười ăn, suy dinh dưỡng thì sau này thể chất và trí tuệ kém phát triển còn cây tiêu con bộ rễ kém phát triển mà cứ kích thích và dưỡng lá để đẹp mã đẹp mắt thì sau này sớm muộn cũng khốn đốn như tiêu đề bài viết.

  11. Sử dụng phân sinh học hay hữu cơ đều tốt cho đất và cây tiêu, cảm thấy đất hơi xấu thì tăng lượng phân chuồng hoai mục và chia ra làm 4 lần bón trong năm để cải tạo đất, đất tốt cây trồng khỏe vi sinh vật có lợi chiếm đa số sẽ đỡ lo cây bị bệnh.
    Phân hóa học được coi như là thức ăn nhanh, giúp duy trì và bổ sung kịp thời đảm bảo cây phát triễn mà không bị gián đoạn (bón ít, chia làm nhiều lần, bón cân đối dựa theo màu sắc cây tiêu để tự bón cho hợp lý). Nên tự tìm hiểu các chất mà cây cần để am hiểu hơn về phân bón, kiến thức và cách sử dụng hơn nhau là ở chỗ này.
    Đó là những gì tôi học được ở giatieu.com. Cảm ơn chú Vịnh cảm ơn những cộng tác viên tích cựch của diễn đàn, xin chúc bà con mùa bội thu.

    • Côn trùng chích hút quá nhiều, hư hết dàn lá…
      Phun các loại thuốc BVTV diệt côn trùng, nếu kết hợp bón lá sinh học biosol để trợ sức cho tiêu thì càng tốt. Cần chú ý là loài côn trùng này chủ yếu ăn đêm, ban ngày ẩn núp chỗ tối. Phải phun thuốc vào chỗ có nhiều khả năng côn trùng sẽ ẩn nấp mới diệt được.
      Nhất thiết phải phun nhắc lại sau khoảng 7 ngày.

  12. Nhìn vào hình cho thấy tiêu cuả bạn bị côn trùng cắn phá khá nặng. Việc trước tiên bạn nên làm là phun thuốc bvbv, xịt cách nhau 7 ngày xịt lại. Mỗi lần xịt thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh lờn thuốc và côn trùng kháng thuốc. Khi côn trùng chích hút và bệnh giảm, bạn dùng các loại phân bón lá hay đổ gốc sinh học để phục hồi lại cây. Đối với tôi bạn ko nên pha chung thuốc diệt côn trùng với phân bón lá vì có thể gây ra phản ứng ko mong muốn và làm giảm hiệu quả cuả thuốc. Tôi và 1 số bạn trên diễn đàn và bác Lập Cây Gáo có lúc pha chung để xịt mà côn trùng ko chết, trong khi đó xịt riêng côn trùng chết sạch. Đôi lời chia sẻ.

    • Mình không nói trộn thuốc diệt côn trùng với phân bón lá, vì quá nhiều loại thuốc BVTV, nhiều loại phân bón lá nên phải thận trọng khi đưa ý kiến ra cộng đồng… Mình chỉ nói trộn với phân sinh học biosol, chắc do bạn đọc chưa kỹ hay chưa sử dụng biosol.
      Có thể nhóm của bạn và bác Lập pha thuốc để xịt nhưng bị hỏng là do cảm tính.
      Chưa tìm hiểu kỹ hoạt chất của thuốc và thành phần của phân bón lá mà nghe nhà sản xuất “nổ” thì ắt phải bị thương là đúng rồi.

  13. Chào bạn! Theo nguyên tắc gửi phản hồi là ko nêu tên công ty, ko nêu tên sản phẩm vì thế tôi chỉ nói là phân bón lá. Bà con có thể lựa chọn sản phẩm mình ưa thích ko nhất thiết phải máy móc quá. Phân bón lá dù là hoá học hay sinh học khi kết hợp với thuốc BVTV cũng đều có thể gây ra phản ứng hoá học đó bạn. Bạn tư tin biosol là phân sinh học khi phối trộn với thuốc BVTV ko việc gì? đó là quan niệm sai lầm. Thận trọng

    • Nhà sản xuất có nói rõ phân bón lá biosol có thể phối trộn với thuốc BVTV sau khi hòa loãng riêng rẽ. Chú Trịnh Văn Ba cũng nêu kinh nghiệm “pha riêng xịt chung”, không thể cho đây là quan niệm sai lầm mà là kinh nghiệm sử dụng kết hợp phân thuốc của chú Ba.
      Còn nếu không tự tin thì nên pha với lượng nhỏ và theo dõi phản ứng hóa học xảy ra rồi phun thử… có gì khó đâu? Mình nhớ bác Lập đã nêu kinh nghiệm pha thử này trên giatieu rồi.
      Ý của bạn “Phân bón lá dù lá hóa học hay sinh học…” hết sức vỏ đoán, vì không chỉ ra được sự lợi hại, “vơ đũa cả nắm”. Trong khi với nhà nông việc pha chung phân thuốc là hết sức bình thường, nhưng cần phải chú ý, thận trọng, nhất là phải có kinh nghiệm.
      Tuyệt đối không pha chung mới thực sự là máy móc, sai lầm !

    • Cám ơn bạn, đây không phải là quan niệm mà mình đã sử dụng sinh học biosol hơn 2 năm nay cho cà phê, tiêu và một số rau củ rồi nên mình mới chia sẻ. Bạn nói đúng, không nhất thiết phải máy móc quá, như con chim một lần bị tên nay thấy cái cung là run sợ,… phân bón lá sinh học không nên đánh đồng với phân hóa học. Tất nhiên nếu có sử dụng thì sẽ biết rõ những ưu thế hơn.

  14. Chào anh Châu Phong có lẽ anh đồng quan điểm với @Trọng GL, nhưng có lẽ ko hiểu ý tôi. Như @Trọng GL nói bạn ấy chỉ nói phối trộn thuốc trừ sâu với bisol, chứ ko phải nói phối trộn phân bón lá. Vậy 2 bạn suy nghĩ biosol là gì! Đối với tôi tất cả các loại phân xịt trên lá đều gọi chung là phân bón lá. Tôi chưa bao giờ đăng phản hồi khuyên ai tuyệt đối ko pha chung, chỉ đơn giản là khuyên thận trọng. Có lẽ tôi viết tóm tắt nên các bạn k hiểu hết ý. Khi pha chung phân bón lá với thuốc trừ sâu tuỳ tùng hoạt chẫt của thuốc có thể gây ra phản ứng, có hoạt chất khi pha chung với phân bón lá ko gây ra phản ứng cũng làm giảm công dụng của thuốc. Khi côn trùng cắn phá ở mức độ nặng hay những côn trùng mau kháng thuốc bạn mới hiểu đc hiệu quả khi kết hợp với phân lá. Tôi đã là nạn nhân nên tôi xin chia sẻ. Còn các bạn làm theo cách mình thì chia sẻ theo cách cuả mình.

    • Mua phân thuốc đúng thương hiệu, đảm bảo đúng chất lượng, tìm hiểu cách sử dụng kỹ càng thì sẽ hạn chế tối đa việc biến mình thành nạn nhân.
      Trồng tiêu mà thích “mì ăn liền” thì chỉ có từ chết đến bị thương.

  15. Chào Châu Phong, do viết phản hồi quá dài nên ko đủ, nên tôi gửi phản hồi tiếp theo. Vấn đề phân thuốc cũng khá nóng đó bạn. Trên giatieu cũng có bài viết và nhiều bình luận rồi. Do nguyên tắc gửi phản hồi nên tôi chỉ có thể nói chung là thuốc bvtv hay các loại phân xịt trên lá gọi là phân bón. Bạn nói tôi quơ đũa cả nắm là ko đúng, vì chú Vịnh ko cho đăng chi tiết đầy đủ các loại phân thuốc mình nêu đâu. Vì thế đối với lão nông hay những người ham học hỏi thì ko sao. Đối với nhửng bạn thích xơi “mì ăn liền” việc tư vấn chung như vậy đôi khi mang tai hại với họ đấy bạn à. Vì mình biết họ mua thuốc gì để phối trộn. Với lại nông dân việc phối trộn là hết sức bình thường nhưng ko phải ai cũng biết phối trộn đâu nhé.

  16. Tốt nhất là xịt riêng rẽ, nếu muốn tiết kiệm công thì “có thể pha chung” nhưng nếu muốn pha chung thì đọc kỹ hướng dẫn sử dụng! Trả giá 100% thì biết được, nhưng 20-30% thì khó thấy, hãy nhớ rằng cây tiêu rất mẫn cảm với thời tiết, phân bón và nông dược!

  17. Kính chào các bác trên diễn đàn giá tiêu ạ. Cho cháu hỏi tiêu nhà cháu bị bệnh vàng lá chết chậm từ đầu mùa mưa. Cháu xịt và đổ gốc nhiều loại thuốc nhưng không hết bệnh. Giờ đang lây lan sang nhiều cây khác. Cháu lo lắm. Mong các bác giúp đỡ ạ. Xin chân thành cảm ơn các bác.

    • Bị từ đầu mùa mưa tới nay thì bệnh đã lan ra khắp vườn rồi.
      Do bạn đã sử dụng nhiều loại thuốc rồi nên rất khó để góp ý.
      Lần này có thể pha boocdo 1,5% để xịt và đổ gốc xem.
      Khoảng 1 tuần sau xịt Pseudomonas nhắc lại.

  18. Chào bạn! Bạn nói sơ thế thì bà con cũng khó mà góp ý với bạn.
    Bà con cần những thông tin về quá trình xử lý bệnh của bạn thì mới có thể góp ý chính xác. Bạn chụp vài tấm hình gửi email nhờ chú Vịnh đăng để bà con xem và góp ý thì tốt hơn.

  19. Xin chào diễn đàn giatieu. Cho tôi hỏi xịt cho tiêu KNO3 thời điểm này được ko. Nó có ảnh hưởng gì cho tiêu ko. Mong diễn đàn tư vấn dùm, xin cảm ơn.

    • KNO3 sẽ hỗ trợ tốt để tiêu mẩy hạt, làm chắc hạt. Nhưng cần phải chú ý chất lượng phân và liều lượng khi pha, nhất là KNO3 công nghiệp dễ làm tiêu cháy lá non.

Gửi phản hồi mới

(?)