Gia Lai: Sản xuất hồ tiêu còn nhiều mối lo

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 29

Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã tiến hành điều tra phỏng vấn các nông hộ sản xuất hồ tiêu cho thấy công tác giống, biện pháp canh tác và sử dụng phân bón và tình hình dịch bệnh cũng như quản lý dịch hại trên cây tiêu còn nhiều vấn đề phải bàn.

Nông dân Gia Lai đang sử dụng máy xạc tiêu theo quy mô nông hộ

Nông dân Gia Lai đang sử dụng máy xạc tiêu theo quy mô nông hộ

Dự án chọn huyện Chư Sê và Chư Pưh là các huyện trọng điểm trồng tiêu nổi tiếng của tỉnh. Tại Chư Sê điều tra sản xuất ở xã Dun và Kong H’tok. Tại huyện Chư Pưh điều tra tại xã Ia Phang và Chư Đôn (mỗi xã chọn 25 hộ).

Về giống và phương thức nhân giống: Trên 90% số vườn sử dụng các giống tiêu Trung Lộc Ninh và Vĩnh Linh. Đây là 2 giống tiêu có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao, thời gian từ trồng đến cho quả bói và bước vào giai đoạn kinh doanh sớm. Phương thức nhân giống chủ yếu từ hom thân (93% số hộ), đa phần người dân sử dụng liếp cát để ươm hom (95% số hộ) nên có những hạn chế so với việc ươm hom bằng bầu trong việc loại bỏ cây nhiễm bệnh từ giai đoạn vườn ươm.

Về các biện pháp canh tác và sử dụng phân bón: Hầu hết người dân lựa chọn đất trồng tiêu có độ dốc tốt, tuy nhiên việc thiết lập hệ thống thoát nước không được quan tâm. Hầu hết các hộ sử dụng phân hữu cơ ở các dạng vi sinh hoặc tự ủ. Phân hóa học được 100% hộ dân sử dụng với lượng bón cao hơn khuyến cáo từ 2 – 3 lần và mất cân đối giữa các yếu tố N-P-K. Việc bón đạm quá nhiều và chưa áp dụng tốt các biện pháp canh tác là một trong những nguyên nhân làm cho cây hồ tiêu dễ nhiễm và lây lan các loại dịch bệnh.

Tình hình bệnh hại: 3 loại bệnh nguy hiểm trên cây hồ tiêu đều xuất hiện ở mức khá phổ biến đến rất phổ biến trên các vùng điều tra. Tại huyện Chư Sê, xét về mức độ nguy hiểm và cấp thiết thì có thể xếp hạng ưu tiên phòng trị chết nhanh – chết chậm – virus; tại huyện Chư Pưh có thể xếp hạng ưu tiên phòng trị virus – chết chậm – chết nhanh.

-Tại huyện Chư Sê: 100% số vườn điều tra đều có nhiễm bệnh bệnh chết nhanh ở các mức độ khác nhau. Đáng chú ý có đến 60% số vườn nhiễm ở mức độ từ 10 – 20% số trụ trong vườn bị nhiễm. Đặc biệt khoảng 10% số vườn có số trụ bị nhiễm bệnh trên 20%. Có 90% số vườn điều tra nhiễm bệnh chết chậm, tập trung chủ yếu ở mức từ 10 – 20% và mức lớn hơn 20% số trụ bị nhiễm lên đến 80% số vườn. Có 70% số vườn nhiễm virus ở các cấp độ, tập trung chủ yếu ở mức nhỏ hơn 10% và mức từ 10 – 20% trụ bị nhiễm bệnh chiếm khoảng 80% số vườn.

-Tại huyện Chư Pưh: 84% số vườn điều tra nhiễm bệnh chết nhanh, tập trung chủ yếu ở mức nhẹ và mức từ 10 – 20% trụ tiêu bị bệnh, chiếm 90% số vườn tiêu. Có 96% số vườn nhiễm bệnh chết chậm tập trung ở mức 10 – 20% và trên 20%, chiếm trên 85% số vườn tiêu. Có đến 100% số vườn điều tra đều bị nhiễm bệnh virus, tập trung chủ yếu ở các mức cao trên 10% và thậm chí có vườn trên 20%, chiếm hơn 88% số vườn.

Tình hình quản lý bệnh hại: Đa phần chủ hộ được điều tra chưa có hiểu biết đầy đủ về con đường lây lan các loại bệnh hại nguy hiểm về chết nhanh, chết chậm và virus. Hầu hết người dân (100% số hộ điều tra) đều sử dụng thuốc hóa học để phòng trị bệnh hại, tuy nhiên đa phần dựa vào kinh nghiệm nên việc lựa chọn đúng loại thuốc cần sử dụng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phần lớn hộ chưa biết sử dụng các loại thuốc có hoạt chất khác nhau nhưng cùng công dụng để thay thế, một bộ phận còn sử dụng không đúng thuốc.

Qua điều tra đánh giá hiện trạng cho thấy, tình hình dịch hại trên cây hồ tiêu tại các địa bàn Chư Sê và Chư Pưh đang diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Ngoài 2 loại bệnh hại nguy hiểm (chết nhanh và chết chậm), bệnh do virus (tiêu điên) đang lây lan rất nhanh, hiện phổ biến hầu khắp các vườn tiêu trên các địa bàn, nhất là ở khu vực Chư Pưh. Trong bối cảnh người dân tăng diện tích trồng tiêu quá ồ ạt, việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, việc phòng trị 3 loại bệnh nguy hiểm này phải được tiến hành đồng thời trong suốt quá trình sản xuất và áp dụng biện pháp kỹ thuật “Quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu”…

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Giá cà phê qua điện thoại
29 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Hôm qua có công việc nên tôi phải đi lại qua rất nhiều xã của hai huyện Chư Sê và ChưProng, qua để ts quan sát thì nhận thấy diện tích tiêu con mới trồng khá nhiều, trong khi đó vườn kinh doanh thì chết vô số, nhìn cả vườn còn được mấy trụ không phát triển được, thiệt là buồn cho bà con nông dân. Người người làm tiêu, nhà nhà trồng tiêu, tận dụng những chỗ có thể để trồng tiêu nhưng việc học kỹ thuật thì không phát triển đồng đều. Một vài chia sẻ cùng cộng đồng!

  2. Chào bà con, chào các bạn !
    Hiện tại đang là mùa phát triển mạnh của rệp sáp, “nhà tôi đã phát hiện được 2 gốc”. Bà con cần khẩn trương kiểm tra vườn tiêu nhà mình, nhất là vườn tiêu tơ. Thấy có biểu hiện vàng lá từ dưới gốc, thì bới gốc ra kiểm tra, nếu thấy rệp sáp, cần xử lý ngay bằng thuốc đặc trị.

  3. Nhà tôi cũng đã và đang trồng tiêu, nhưng thực sự là kỹ thuật chăm sóc tiêu hầu như không có, không riêng gì tôi mà là cả khu vực tôi đang sinh sống, hiện cây hồ tiêu đang bị chết rất nhiều cũng tỷ lệ thuận với số cây tiêu sẽ được trồng lại, và vài năm trở lại đây thì việc trồng và chăm sóc cây tiêu (Đặc biệt là cây tiêu con) vô cùng khó khăn, tôi và những người đang trồng và chăm sóc cây tiêu đang rất lo lắng cho thực trạng cây tiêu tại địa phương, chúng tôi thường hay đùa câu là: Tiêu chết kiểu này chắc phải chuyển đổi cây trồng thôi
    Nói vậy thôi, chứ chẳng ai trồng cây gì khác ngoài cây tiêu cả.
    Tôi đang cố gắng tìm hiểu về cây tiêu, và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc nó để có thể mong cải thiện tình hình tiêu chết như hiện nay
    Nỗi buồn đáng lo cho những người nông dân tại vùng quê của tôi
    Xã Iablu – ChuPuh – GiaLai

  4. Qua điều tra ở 2 địa phương Chư Sê và Chư Pưh cho thấy tình hình dịch bệnh thật đáng lo ngại.
    Tổng hợp từ bản điều tra trên báo, có bảng so sánh sau:
    Đơn vị điều tra / chết nhanh/chết chậm / nhiễm virus
    Chư Sê 100% 90% 70%
    Chư Pưh 84% 96% 100%
    – kết luận: Nhiễm bệnh 100%. Thật đáng báo động đỏ!

  5. Ở chỗ tôi, bắt đầu nhiễm bệnh 3 năm gần đây. Tới nay toàn thôn đã chết khoảng 70%. Nhà tôi vừa rồi cũng chết 20cây, xác định toàn vườn đã nhiễm bệnh chết nhanh. Tôi cũng đang tìm hiểu và phòng chống từ bây giờ. Chẳng biết năm nay có qua được hay không. Cứ đà này thì chỉ 3 năm nữa là xoà sổ toàn thôn. Người dân chẳng mấy ai tin vào thuốc và phòng trừ được bệnh chết nhanh này. Thật là nỗi lo mất ăn mất ngủ.

    • Mời các nhà sàn xuất, đại lý vật tư nông nghiệp, bác sĩ (cây trồng) ở các ngành, các cấp, mà khoán thẳng, cho họ chữa trị, hết bệnh mới trả tiền. Nếu họ vui vẻ nhận lời thì nông dân mới dám tin vào hiệu quả, trăm nghe không bằng một thấy… để tránh họa tiền mất tật mang. Càng dùng nhiều sản phẩm vật tư nông nghiệp (mà sự hiểu biết chưa thấu đáo) thì lại càng xa rời với tự nhiên, trái với sinh lý, sinh hóa cây trồng, thì tiêu chết là điều tất yếu.

  6. Chào anh hiênchâu. Khoán trắng như vậy chẳng ai dám nhận. Vừa rồi cũng có mấy nhà hợp đồng với kỹ sư nhưng tiêu vẫn chết hàng loạt, giữa cuộc lại bỏ chạy mất dép. Cách duy nhất bây giờ lả chỉ có tự mình tìm hiểu, học hỏi để cứu lấy chính mình. Mong rằng đại dịch này sẽ qua.

  7. Có thể nuôi sự sống trong phòng thí nghiệm, cấy mô, thụ tinh nhân tạo, sữa chế biến thay sữa mẹ… nhưng không có cách nào bằng hay tốt hơn những “tự nhiên sẵn có”. Giải mã hàng tỷ gene trong nhiễm thể, ở đấy chúng hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp, chặt chẽ, không có tổ chức hay sắp xếp nào bằng để duy trì sự sống… đến nỗi một vị tổng thống phải la lên: đấy là sự điều hành của thượng đế… Vậy thì sự can thiệp cùa nông dân vào vào sự sống (cây tiêu) hiệu quả đến đâu!? lợi hay hại!? Kiến thức của con người về sự sống chỉ là giọt nước trong đại dương, vậy nên chỉ can thiệp vào sự sống trong điều kiện cấp bách và tam thời…

  8. Xin chào anh Minh Vịnh và cộng đồng giatieu.com.
    Cho tôi hỏi là tiêu nhà tôi trồng được 1 năm, mới đầu tiêu lên rất đẹp không hiểu sao gần đây tiêu có hiện tượng ngọn nhỏ lại, lá bạc và cây không phát triển , trồng 1000 trụ mà bị mất 80%, thật sự tôi rất buồn. Mong anh Minh Vịnh và cộng đồng trả lời giúp tôi để có biện pháp khắc phục lại vườn tiêu . Xin cảm ơn

    • Trồng 1000 trụ mà mất đi 800 là kế như thất bại, số còn lại e rằng cũng bị lây nhiẽm, nên mình đề nghị giải pháp tốt nhất là bỏ đi, trồng lại, đào hố sớm, cho xác bã tiêu chết cây cỏ xung quanh xuống hố, đố trấu hay vỏ cà đầy hố rồi đốt, càng lâu càng tốt, trước khi trồng nên ngừa nấm, tuyến trùng lần nữa, đo lại độ pH sau khi đã bỏ lân Văn Điển+vôi sửa soạn hố trồng như đã hướng dẫn bình thường, và cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, mong bạn thành công. Mình cũng có tiêu trồng sắp tròn 1 năm, mất đi 15% đã thấy không yên.

    • Chào anh Đình Hiếu!
      1000 trụ trồng 1 năm số tiền bỏ ra đầu tư là không nhỏ. Phương pháp nhổ bỏ trồng mới nói nghe đơn giản mà thực hiện quá đắng lòng. Không biết anh ở đâu. Chứ tôi vừa đi Gia Lai. Ở đây hiện tượng đó gần như là 100%. Lý do trụ chết quá nắng và quá lạnh. Biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm là quá khủng khiếp. Dẫn đến cây bị hiện tượng như anh mô tả. Với mô hình trụ sống sẽ đỡ hiện tượng trên. Hiện tại mùa khô này nếu vào vùng tôi thì nhìn tiêu đẹp mê mẫn lòng người.
      Bộ rễ tổn thương quá nặng cây sẽ bị hiện tượng trên.
      Nếu anh tự sản xuất phân sinh học như phân cá, đậu, bánh dầu… dùng cây sẽ ít hiện tượng này.
      Còn nếu anh không có những loại phân trên việc xử lý tái tạo lại bộ rễ sẽ khá tốn kém. Nhưng không phải là không có thuốc chữa. Nếu cứ chữa theo cách thông thường chắc chắn cây sẽ từ từ chết dần chết mòn.
      Cách chữa những cây bị hàng loạt như anh mô tả tôi xin chia sẻ như sau để anh tham khảo.
      Xới nhẹ đất rắc maplogic + lân nung chảy bón cho cây. Tưới cho phân và thuốc đi sâu xuống đất. Trên lá xịt lân đỏ kích thích ra rễ. Tiếp đến dùng phân sinh học tự ủ như phân cá, bánh dầu, đậu… tưới cho cây. Nếu không có thì mua phân sinh học đổ gốc phục hồi rễ bón cho cây. Dùng liên tục 2 lần cách nhau 10-15 ngày. Đồng thời trên lá xịt phân bón lá, sắt, kẽm + vi lượng. Sau cùng dùng nhiều phân chuồng hoai mục ủ trichoderma. Nếu làm được như trên khả năng cây khỏi sẽ trên 80%. Chỉ có tái tạo lại được bộ rễ cây sẽ tự khỏe lại. Hãy lưu ý từng câu chữ. Đây là kỹ thuật rất hay. Nếu thấy tận mắt tôi làm thì sẽ biết không ngờ nó đơn giản đến thế.
      Thân!

    • Bạn có thể thăm dò vài đoạn rễ tìm khối u để xác thực, nếu có tuyến trùng làm tổ mới rắc thuốc Maplogic. Kinh nghiệm của tôi nếu không có hiện tượng vàng lá đặc trưng thì không có tuyến trùng.
      Thời tiết chênh lệch ngày đêm quá lớn, tiêu con trồng trụ gổ, trụ bê tông, không có gì che chắn vào mùa khô thường bị hiện tượng này. Nhiều người thường gọi chung hiện tượng rối loạn sinh lý này là bệnh tiêu điên.
      Cách khắc phục tổng hợp của Minh Vịnh rất hay. Bạn không được để đất bị khô, che bớt nắng gắt, dùng phân hữu cơ sinh học loại đa thành phần như Biosol+Biogel đổ gốc và xịt lá khoảng 2-3 đợt sẽ cải thiện nhiều.

  9. Chào anh Minh Vịnh! tôi ở huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai, cảm ơn những chia sẻ của anh, tôi sẽ làm theo hướng dẫn của anh và mong rằng cây sẽ phục hồi lại, khi nào có kết quả tôi sẽ lên đây báo lại với anh. Chào anh.

  10. Chào anh Vịnh cùng toàn thể bà con trên diễn đàn. Em cũng ở Gia Lai em có một băn khoăn không biết hỏi ai đó là rẫy tiêu nhà em độ dốc khá tốt, sau mỗi đợt mưa đi kiểm tra thấy không hề có hiện tượng đọng nước, mùa khô e phải vét hố khá sâu để tưới nước nhưng mùa mưa chỉ sau vài trận mưa gần như không còn hố và vườn cũng không bị đọng nước vậy em xin hỏi
    – Em có nên làm rãnh thoát nước không? Nên làm với khoảng cách ra sao, qui cách nông sâu thế nào và làm chiều rãnh theo chiều dốc hay chắn ngang chiều dốc.
    – Nếu đã bố trí vườn tiêu vào kinh doanh rồi chưa làm rãnh thoát nước bây giờ mới làm có được không, có sợ tổn thương rễ tiêu không, (khoảng cách hàng – trụ là 3 x 3)

    • Độ dốc khá tốt thì không lo ngập úng nên bạn cũng không cần đào rãnh thoát nước. Nhưng có thể thấy vườn bạn bị xói mòn khá nhanh nên cần phải đào rãnh để chống rửa trôi, đào theo đường đồng mức (chắn ngang chiều dốc).
      Tuy theo mức xói mòn mà tính cho hợp lý, trung bình sâu khoảng 40-50 cm.

    • Cảm ơn bạn nhé. Mình băn khoăn ngoài tác dụng thoát nước phải chăng rãnh còn tác dụng chống lây lan bệnh từ hàng nọ, hố nọ tới bàng kia hố kia …

  11. Xin chào chú Nguyễn Vịnh, anh Minh Vịnh và bà con trên diễn đàn giatieu.com.
    Nhà cháu dự tính sẽ cắt giống để ươm tiêu trồng mùa mưa này, nhưng nghe nhiều bà con bảo cắt giống không đúng cách thì sẽ bị tiêu điên. Cháu chưa biết phải làm sao, xin các chú các anh và bà con trên diễn đàn tư vấn cho cháu để cắt giống đúng cách với. Cháu xin cám ơn nhiều !

    • Chào @Sơn Hà
      -Tiêu điên có nhiều nguyên nhân, trong đó cần chú ý nguyên nhân lây lan virus do dụng cụ cắt giống không được khử trùng cẩn thận. Còn các nguyên nhân sinh lý, dinh dưỡng, chăm sóc… cũng đã có nhiều ý kiến đưa ra nên cần phải chú ý để phòng tránh.
      -Theo tôi, không bón các loại phân hóa học trước và sau khi cắt tối thiểu 20 ngày, không tưới nước trước và sau cắt 2 ngày để vết thương khô ráo, cắt vào lúc trời đã dịu mát, sau cắt chỉ bón phân hữu cơ các loại như hữu cơ sinh học, vi sinh, phân chuồng ủ hoai, amino, phân cá, phân bánh dầu… để tiêu sớm trở lại cân bằng rồi sẽ chăm sóc như bình thường.
      Thân

  12. Bác Nguyễn Vịnh cho em hỏi làm thế nào để đo được độ PH trong đất và độ pH thích hợp với tiêu con là bao nhiêu ? Em mới thử nghiệm trồng tiêu nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Mong bác tư vấn giúp!

  13. Vườn tiêu nhà mình đã tròn 8 tháng tuổi, quan sát thấy lá non màu hơi bạc, lá già dày, xanh đậm. Trồng tiêu lươn thì dã bắt đầu phân ác, trồng tiêu ác đã ra lươn (sau này thành thân chính) và trồng thân chính đã ra ác. Dự tính thân chính không đôn, và các dây khác thì khoanh vòng 0,7 m. Trụ trồng keo giậu (đậu) cùng năm không lớn kịp theo tiêu. Chỉ tốn 400 nghìn đã có dụng cụ tưới phân tan theo nước. Đã quay video lên điện thoại dđ mở ra xem lại thì thấy vườn tiêu, trụ tiêu không giống ai nhựng vẫn hài lòng về cách trồng và chăm sóc tiêu theo ý tưởng của mình.
    Thước dạy thầy cây dạy thợ, dự tính trồng mới năm nay 2000 trụ, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, giới hạn trong định mức 100 triệu cho năm đầu

  14. Mình có thể làm (chăm sóc) tiêu lớn rất nhanh, nhưng còn ngại cấu trúc, tế bào, cơ quan, cơ thể của tiêu không hoàn chỉnh, không có lợi, dễ mắc bệnh cho sau này… Mình đang rất quan tâm về lý thuyết di truyền tế baò chất và đang ứng dụng nó hàng ngày để mong rằng cây tiêu cũng dễ dạy, dễ bảo như các loài cây khác.

  15. Cả đời sống về nông nghiệp, đối diện với cây trồng, vật nuôi, mình chưa thất bại về ốm đau bệnh tật cùa chúng mà trầy da, tróc vảy về giá cả thị trường, giá cả nông sản dao động với biên dộ lớn, khả năng chịu đựng rủi may của nông dân lại kém, nên bỏ cây con này trồng nuôi cây con khác là lãng phí lớn. Để tồn taị và phát triển, mình đang xây dựng chiến lược:
    1/. Vận dụng triệt để ưu thế tự nhiên, điều chỉnh chúng phù hợp cho cây trồng, vật nuôi, để chúng có thể tự động “chăm sóc” lẫn nhau.
    2/. Coi trọng tuần hoàn hữu cơ, mở rộng sự tương quan, tuong đồng giữa cây trồng và vật nuôi, điều chỉnh chúng tránh thất thoát.
    3/. Áp dụng lý thuyết di truyền tế bào chất để điều chỉnh cây trồng, vật nuôi phù hợp với môi trường đang có.
    4/. Sử dụng phế thải, thứ phẩm làm ra sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiêp chẳng những làm ra sản phẩm, mà còn là phương tiện tốt nhất để làm sạch môi trường sống.
    5/. Cải tiến công cụ lao động, để cho năng suất lao động cao hơn.
    Mong cộng dồng giúp mình thực hiện chiến lược này.
    Cảm ơn

    • Nông nghiệp tổng hợp được nhiều sinh chất và dưỡng chất cần thiết hơn bất cứ một công nghệ nào, đấy là ý nghĩa, an ủi, tự hào … của người nông dân

    • Chào chú Hiền Châu !

      Lướt qua chia sẻ của chú cháu rất tâm đắc, cháu còn trẻ và chỉ mới bước vào làm nông thôi, đang còn phải học hỏi và thực hành rất nhiều, rất mong được chú chia sẻ. Xem những thông tin về các nước có nền nông nghiệp phát triển như Ukraina, hoặc những nước có ngành công nghiệp phát triển phục vụ cho nông nghiệp như Đức, cháu rất muốn công nghiệp hóa và công nghệ hóa các cây trồng công nghiệp. Chúc chú luôn gặt hái nhiều thành công trong công việc của mình.

  16. Tôi trồng 15000 trụ mấy năm trước, nay đã có thu hoạch 1 năm rồi. Năm nay tiêu nhiễm bệnh nhiều, đặc biệt là bệnh chết nhanh khiến tôi rất lo lắng, lâu lâu cũng chết đôi trụ.

    • Chào bạn @Mạnh Vinh
      Chân thành khuyên bạn chuyển sang chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ sinh học, hạn chế hóa học. Đó là con đường duy nhất đúng để bảo vệ thành quả lao động của gia đình mình. Hầu như chúng ta đang phải trả giá vì sự lạm dụng hóa học trên nhiều mặt.
      Tuy nhiên tôi cũng chưa thấy bạn muốn chia sẻ điều gì cụ thể. Hay là có vấn đề gì tế nhị?
      Bạn có thể gửi email cho tôi. Tôi rất vui khi được chia sẻ cùng bạn và cộng đồng.
      Thân

  17. Chào cộng đồng. Bệnh chết nhanh chưa qua, bệnh tiêu điên lại đang hoành hành. Phần lớn bà con ta rất chủ quan khi tuyển giống và khi chăm sóc cũng chủ quan với bênh tiêu điên. Nhất là vườn đã nhiễm virut, chỉ vài cây trong vườn đã mhiễm virut mà không phòng tránh tốt thì cả vườn bị nhiễm. Vườn đã nhiễm rồi mà cắt giống thì nguy cơ trờ thành lùn xoắn lá rất cao và cả giống mới cắt. Theo tôi đã nhiễm thì không nên cắt giống. Cây nặng nhổ bỏ, những cây nhẹ phủ được trụ vẫn cho năng xuất cao nếu ta chăm sóc tốt.

  18. Chào Bác Vịnh, chào diễn đàn.
    Cháu nghe bà con nói trồng giống tiêu ghép Nam Mỹ ở rừng Amazon là có sức đề kháng tuyến trùng và không bị bệnh chết nhanh chết chậm, cho năng suất cũng khá. Nhà cháu tính đầu tư mua giống này về để trồng thay thế những trụ đã bị bệnh.. Không rõ thực hư thế nào mong bác Vịnh và bà con diễn đàn cho ý kiến tham khảo. Gia đình cháu xin cám ơn nhiều.

Gửi phản hồi mới

(?)