Gia Lai: Tiêu chết đồng loạt sau mưa

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 29

Mưa lớn suốt một thời gian dài, giờ nắng lên, hàng trăm ha hồ tiêu đồng loạt chết. Không ít chủ vườn đang phải đối mặt với một khoản nợ lớn.

Một vườn tiêu đồng loạt chết

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết: Toàn huyện có trên 350 ha hồ tiêu bị chết, có vườn chết trắng cả ngàn trụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tiêu chết nhiều ở các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Dun, thị trấn Chư Sê… “Hiện chúng tôi đang đi kiểm tra, thống kê lại toàn bộ diện tích hồ tiêu chết để có hướng khắc phục”, ông Hợp nói.

“Hàng xóm” với Chư Sê là huyện Chư Pưh cũng thống kê được hơn 145 ha, cụ thể là 290.017 trụ bị chết (trong đó hơn 24 ha chết do bị úng nước, 120 ha bị bệnh chết). Tổng số 998 hộ bị thiệt hại do tiêu chết.

Đak Đoa là huyện có diện tích tiêu cũng tương đối lớn của tỉnh Gia Lai. Thống kê cho biết đã có khoảng 100 ha hồ tiêu bị chết (chết do mưa bão hơn 19 ha, sâu bệnh 72,6 ha và già cỗi 5,7 ha). Nhiều nhất là các xã Nam Yang 32,8 ha, Kdang 28,7 ha, Ia Pết 5,3 ha, Ia Băng 8 ha, Hà Bầu 5,6 ha… Chưa hết, có 245 ha xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ, 120 ha bị thán thư lá, 285 ha bị vàng lá thối rễ tơ, 125 ha bị bệnh đốm đen…

Tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng một số địa phương khác như huyện Chư Pah, Đức Cơ, Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai.. cũng đã có không ít vườn tiêu bị chết.

Anh Mai Văn Trung – làng Ia Đất (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) có hơn 1.000 trụ tiêu tính: Năm nay sẽ thu được khoảng 4 tấn tiêu khô, với giá tiêu hiện tại khoảng 53.000 đồng/kg, anh thu được hơn 200 triệu đồng để trả nợ.

“Mưa kéo dài hơn 3 tháng, giờ nắng lên, bộ rễ của cây bị thối và chết đồng loạt. Gia đình tôi đã phải vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng để thuê đất, mua trụ, giống, phân bón và công chăm sóc. Hẹn ngân hàng sẽ trả sau 3 năm, giờ chuẩn bị thu hoạch lại thành trắng tay!”, anh Trung chua chát nói.

Khi bộ rễ đã bị thối thì cây tiêu không thể sống nổi

Cũng ở làng Ia Đất (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa), nông dân Vọng Khi Anh có 1.100 trụ tiêu thì đã có hơn 750 trụ tiêu bị chết do ngập úng. Ông Anh nói: “Vườn tiêu với 1.100 trụ thì chết 750 trụ, số còn lại cũng đang bị héo lá. Đầu mùa mưa, tôi đã đào mương chống ngập nhưng mưa nhiều quá, nước thoát không kịp. Trắng tay rồi!”.

Hiện UBND huyện Chư Pưh đã lập tổ kiểm tra, thẩm định diện tích hồ tiêu bị chết trong năm 2018, tổng hợp báo cáo tỉnh. Để giúp người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, huyện đã chủ động mời Cty CP TPXK Đồng Giao về liên kết sản xuất – tiêu thụ một số loại cây ăn quả như dứa, chuối tiêu hồng, chanh leo, măng bát độ…

Ông Hà Ngọc Uyển – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Gia Lai cho biết, đang rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Đọc thêm: >> Phòng trừ dịch bệnh gây hại hồ tiêu khi thời tiết thay đổi

>> Ứng dụng xạ khuẩn Streptomyces sp trong nông nghiệp

Báo Giá cà phê qua điện thoại
29 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Có vẻ như người dân muốn đầu độc, muốn tự tay phá nát vườn tiêu của mình…
    Ai cũng biết tiêu chết vì bị nhiều loại nấm tấn công, nhưng những trụ tiêu đã chết để lại bao nhiêu bào tử nấm thế hệ tiếp theo? Có ai đã xử lý, dọn dẹp sạch sẽ chưa? Hay vẫn để cho nấm bệnh sinh sôi nẩy nở tràn lan (như trên hình đã chứng tỏ). Quá ngao ngán !

    • Đã bị thiên tai lại còn thêm nhân tai thì biết tránh ngả nào !

  2. Vườn tiêu chuẩn bị thu hoạch nay chết trắng tay, nợ nần chồng chất, tâm lý chán nản… Hỏi có mấy người bỏ công ra lôi xác dây xuống rồi gom đốt sau đó thuê máy múc rễ tiêu lên để tiêu hủy cho đúng quy trình khoa học… Điều phải làm lúc này để chuyển đổi cây trồng là nhổ cả ngàn nọc bê tông xếp gọn lại cũng hao tiền tốn của rồi…

  3. Năm nay phải nói Gia Lai tiêu chết rất nhiều, việc thu dọn cây chết là một việc hầu như chả mấy ai làm. Thứ nhất trời mưa nhiều cũng khó thiêu hủy, hai là nản vì vườn nhà nào cũng chết nên ít hy vọng đành để vậy công đâu mà dọn. Cũng có nhà dọn để trồng cây khác thì lại đưa cây tiêu chết ra bờ đường vứt ngổn ngan lại tạo nguồn bệnh phân tán do các phương tiện qua lại. Vấn đề này thật phức tạp, ở Gia Lai giờ đi đâu cũng thấy tiêu chết tìm được vườn xanh tốt không bị chết là số hiếm.

  4. Những bài báo này cho thấy năm tới sản lượng tiêu sụt giảm nên Việt Nam sẽ tiếp tục tăng giá trong suốt cả năm.

  5. Nếu anh không thu dọn tiêu bị bệnh chết hay đem vứt bừa bãi tức là anh gây hại cho cộng đồng.
    Rồi sẽ có ngày anh sẽ được nhận quả đắng từ cộng đồng trả lại cho cho anh.
    Có qua ắt sẽ có lại, quy luật mà !

  6. Chỗ mình ở Ia Grai thấy nhiều nhà cũng bị tiêu chết. Nhưng nhà mình không bị chết nhưng mưa kéo dài xuất hiện bệnh nấm gây rụng lá, rụng quả.

  7. Tiêu năm nay thì ở đâu cũng chết chứ không riêng gì Gia Lai, ở Đak Lak cũng có nhiều nhà xóa sổ cả nghìn trụ tiêu. Nhưng có thể vì tiêu chết thì giá lại tăng lên, chứ nếu tiêu không chết thì để đâu cho hết tiêu.

  8. Đất trồng tiêu mà bị chết thì xử lý đất lại, trồng loại cây khác vào, tuyệt đối không nên trồng lại tiêu vì như vậy rất rủi ro.

    • Tại sao trồng cây khác được mà tuyệt đối không trồng lại tiêu ? Mong bạn chia sẻ !

  9. Mấy bác đánh võ mồm hay quá, vô thực tế rồi hãy nói. Nhà tui đây tiêu năm 5-6 lúc đó giá 190k/kí cũng lôi xuống cũng đốt cũng đổ thuốc tốn gần 100tr rồi sao, giờ trắng vườn. Nói chung tiêu đã chết là đã nhiệm bệnh hết rồi. Giờ có làm cái gì cũng vậy thôi.

    • Bạn có thể chia sẻ vì sao mình tốn cả trăm triệu nhưng vẫn thất bại để cộng đồng rút ra bài học kinh nghiệm được không ? Thất bại là mẹ thành công, kinh nghiệm của bạn mới thực sự là vô giá đó !

  10. Bạn nào thực sự có thiện chí mời về nhà mình tham quan, 800 trụ tiêu Vĩnh Linh trồng trụ bê tông 10 năm nay vẫn xanh tốt. Thực chất nông dân mình do chưa am hiểu kỹ thuật canh tác + nghe một số cá nhân tổ chức hội thảo bán phân bón, thuốc bvtv rồi mua về đổ vào không tuân thủ 4 đúng là chết.

    • Nếu không hội thảo, không nói vống mà chỉ nói đúng, nói thật thì bà con không muốn nghe… Bà con chỉ thích nghe nói những loại phân thuốc nào đại khái phải thật Siêu hay cỡ Vua (King) trở lên … nghe mới sướng tai.

  11. Chuyện về hồ tiêu khó nói lắm. Tại vì bệnh chết nhanh là do nấm phitopthora tấn công, nấm phitopthora được sinh ra từ đất. Khi mà pH của đất dưới 4,5 như vậy ba con nông dân làm sao có thể hiểu, biết được.

  12. Bạn @Nguyễn Quang Trung nói đúng.
    Dường như nhiều bà con không quan tâm việc sử dụng thuốc bvtv theo nguyên tắc 4 đúng.
    Tôi thường thấy bà con để cho bệnh phát triển quá nặng, gần như ở giai đoạn cuối mới đi mua thuốc thì đã quá muộn. Nhiều bà con dùng thuốc không theo phác đồ hay liều lượng chỉ định mà theo thói quen, hay dùng thuốc này chưa kịp có hiệu quả đã vội vàng chuyển qua thuốc khác, làm bệnh chưa kịp bớt lại còn nặng thêm.
    >> http://www.giatieu.com/nguyen-tac-4-dung-trong-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat/6416/

  13. Mình cũng thấy như vậy bạn @Ngok bạn @Nguyễn Quang Trung ạ.
    Dùng thuốc bvtv quan trọng là phải theo 4 đúng mới có hiệu quả.
    Thông thường mỗi loại thuốc đều có cách dùng khác nhau do sự tác động hoặc cơ chế trừ sâu bệnh khác nhau chứ không thể máy móc, rập khuôn…
    Bệnh nấm Phytoph gây chết nhanh hồ tiêu chủ yếu còn do phát hiện chậm hoặc do xử lý chậm nữa.

  14. Trồng tiêu theo kinh nghiệm là chính, có mấy ai mà lấy đất đem đi đo độ pH, hay đi thử xem có nấm bệnh chưa. Vườn tiêu nhà không chết, phát triển mạnh và tham quan các vườn khác thì đầu tiên nhìn nhận rằng đất tơi xốp, nhiều trùn. Cỏ mọc củng rất mạnh. Trồng tiêu bón nhiều phân chuồng, ủ nấm đối kháng rất tốt. Bổ sung npk, có tiền có thể bón thêm phân hữu cơ càng tốt. Bón phân chia làm nhiều đợt trong năm, nhiều vườn làm vậy, tiêu rất tốt…

  15. Nhiều nhà vườn trồng tiêu đã mua máy đo độ pH nhiều lắm rồi, không còn việc lấy đất đi nhờ đo độ pH nữa đâu…

  16. Thu 4 tấn tiêu, được hơn 200 triệu trả nợ. không tính tiền phân tro, công hái, thuốc men sao…
    Xin lỗi nha, thu được chừng đó thì đủ tiền công cán, rồi đầu tư lại thôi. Giờ kiếm 4 tấn tiêu không phải đơn giản đâu, chưa làm tiêu thì chưa biết đâu. Hồi xưa giá tiêu cao đầu tư mạnh may ra 1000 trụ được 4 tấn. Với giá tiêu hiện tại thì 1000 trụ mà thu được 4 tấn thì e khó.
    Giá tiêu này mà đâu tư như hồi xưa thì chỉ có lỗ. Ông Trung này liều nhất quả đất rồi. Dám vay ngân hàng số tiền lớn đi trồng cây rủi ro nhất. Giờ nhận cái kết cục không thể đắng hơn.

  17. Hiện tại không có cơ hội để sản xuất hồ tiêu. Thời gian chữa trị chậm trễ và bệnh chết nhanh lây lan quá nhiều.

  18. Mấy năm trước, vào thời điểm giá tiêu vẫn còn ở 200k, nhiều người vay tiền NH mở rộng diện tích trồng tiêu như ông Trung thì không thể cho rằng họ không biết gì hay liều mạng nhất quả đất. Và ngành NH cũng đã tính đến tính khả thi chứ không dễ mà đem tiền đi cho ông liều mạng vay.
    Nói vậy thì tội cho bà con lắm bạn ơi !

  19. @Thắng Lợi
    Một vài năm trước giá hạt tiêu tăng và người ta vay vốn và mở rộng vườn ồ ạt.
    Bây giờ nhiều người đang mắc nợ, nhiều vườn tiêu chết liên tục là kết quả.

  20. Cũng như cây sầu riêng hiện nay thôi…
    Vẫn những con người đấy. Vẫn nền kinh tế đấy. Vẫn tập quán làm ăn đấy…
    Chuyện gì đã xảy ra, rồi sẽ xảy ra… Có gì khác nhau đâu.

  21. Bạn @Minh nói đúng đấy. Hiện nay cuộc đua trồng sầu riêng chẳng khác nào Nga và Mỹ chạy đua vũ khí vậy. Trên là trời, dưới là sầu riêng. Sầu riêng đã cư ngụ cả trong vườn tiêu rồi. Chỉ cần báo cáo tôi trồng được vài trăm cây, thế thôi.
    Trồng như trồng cà phê vậy. 3m có 5m có, chẳng cần kỹ thuật gì cả. Nhìn mảnh vườn giống nối lẩu thập cẩm vậy. Tính ra mỗi loại cây chỉ cách nhau 1m. Không biết sau này sẽ ra sao…

  22. Ai cũng kêu tiêu nhà mình bị nhiễm bệnh, không thèm chạy chữa. Nhưng thấy ông hàng xóm đổ thuốc thì cũng nóng ruột, lại vội vàng đi ra cửa hàng ôm cả đống thuốc về đổ… Không biết được rằng mình đã để quá muộn, không cứu được tiêu mà còn mất thêm tiền thuốc.
    Chữa hay không, phải lựa chọn dứt khoát. Để quá muộn thì chỉ có thuốc thánh mới may ra…

  23. Biết đâu nhân cơ hội này bà con sẽ thu hẹp diện tích hồ tiêu như nhà nước khuyến cáo.
    Kỳ vọng bà con lựa chọn cây trồng mới đảm bảo đủ thu nhập cho cuộc sống gia đình ổn định.

Gửi phản hồi mới

(?)