Gia Lai : Tiêu chết trắng, người trồng bỏ nhà trốn nợ

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 19

Hồ tiêu chết hàng loạt khiến nhiều nông dân lâm nợ.

Hai huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu” của Tây Nguyên, nơi có nhiều tỷ phú nông dân nhất cả nước. Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác khi thời gian gần đây, nhiều diện tích tiêu bị chết trắng, khiến nhiều người lâm nợ nần, phải bỏ nhà tha hương làm ăn…

Tan tác thủ phủ tiêu

Tin nhiều người trồng tiêu ở Chư Sê và Chư Pưh lâm nguy, nợ nần chồng chất khiến tôi giật mình. Còn nhớ, cuối niên vụ 2015-2016 giá tiêu vẫn ở mức cao chót vót, hơn 200.000 đồng/kg, chưa kể bà con đã có nhiều năm tích lũy từ cây tiêu, vậy sao lại có chuyện khó tin này? Để tìm hiểu thực hư, tôi đã đến các xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ của huyện Chư Pưh và những gì tận mắt thấy khiến tôi bàng hoàng. Sau những ngôi biệt thự đủ màu sắc là những vườn hồ tiêu đã héo khô, trơ cọc dưới cái nắng như quạt lửa mùa khô…

Ngồi trong nhà nhìn ra vườn tiêu chỉ còn lác đác vài trụ, bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) nghẹn lời kể: “Nhà tui ở Nghệ An, vì làm ăn khó quá nên mới dắt nhau vào đây lập nghiệp. Hồi đầu thấy đất đai màu mỡ, làm cái chi cũng có tiền nên ham lắm. Đặc biệt là từ khi trồng được cây hồ tiêu thì kinh tế gia đình thay đổi hẳn, có của ăn của để. Nhà tui có 4.000 trụ tiêu, mỗi năm thu hoạch 4-5 tấn, hàng năm có vài trăm triệu bỏ túi nhẹ nhàng. Năm vừa rồi tôi vay ngân hàng 300 triệu đồng, rồi vay thêm bên ngoài 200 triệu nữa để xây căn nhà gần 2 tỷ đồng. Cứ tưởng mọi chuyện xuôi chèo mát mái, nào ngờ nhà vừa xây xong thì hồ tiêu đồng loạt rụng khớp, trụi lá, cả vườn chỉ còn vài cây. Nhìn cảnh tiêu chết mình cũng muốn bệnh theo”.

Bây giờ, để có tiền trả lãi ngân hàng và trang trải chi phí cho gia đình hàng ngày, bà Vân đành phải… nhổ trụ tiêu đã trồng lâu nay mang đi bán. “Mình mua vào giá trên 200.000 đồng/trụ, nay nhổ đi bán chừng 100.000 đồng/trụ thôi, thế mà tìm người mua cũng khó. Giờ dân ở đây có tiền thì lo cho nồi cơm trước đã, ai còn sức đâu mà mua trồng mới” – bà Vân than thở.

Theo ông Nguyễn Duy Trung – Trưởng thôn Thủy Phú (xã Ia Blứ), chuyện tiêu chết hàng loạt là tình trạng chung của nhiều vườn tiêu trong khu vực. Theo thống kê sơ bộ, đã có đến 80% vườn hồ tiêu bị chết. Còn theo ông Nguyễn Long Khánh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Chư Pưh, qua thống kê, toàn huyện Chư Pưh có 2.800ha hồ tiêu thì đã có 300ha tiêu chết.

Tương tự, huyện Chư Sê có khoảng 3.750ha hồ tiêu thì năm 2016 đã có 350ha bị chết, giảm 25% sản lượng… Theo ngành nông nghiệp các địa phương, tiêu chết do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do hạn hán, nấm bệnh và một phần do bà con dùng phải thuốc BVTV, phân bón giả. Không ít vườn tiêu đang tươi tốt, bón phân xong thì dần rụng đốt rồi chết.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “UBND huyện đã làm việc với các ngân hàng đề xuất cho người dân trồng tiêu được dãn nợ, vay mới để vượt qua giai đoạn khó khăn, tuy nhiên việc khoanh nợ thuộc thẩm quyền cấp bộ, Chính phủ chứ ngân hàng không quyết được. Hiện tổng dư nợ trong dân trên địa bàn huyện đã lên tới 1.200 tỷ đồng”.

Bỏ nhà đi trốn nợ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết: Cách đây 3-4 năm, xã Ia Blứ là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện, tỉnh. Nay tiêu chết hàng loạt, kéo từ năm trước sang năm sau nên gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều hộ dựa vào hồ tiêu vay vốn để xây nhà, giờ vỡ nợ; thậm chí có người phải bán nhà, bán đất, bỏ đi làm ăn xa. Trước đây, chính quyền đã có khuyến cáo người dân tính toán kỹ khi trồng tiêu ồ ạt, nhưng người dân vẫn cố trồng bằng mọi giá.

Ông Khương Văn Tỵ – Trưởng thôn Thiên An thở dài ngao ngán: “Nếu năm 2010-2013, người dân xây nhà ào ào thì nay có đến 2/3 số hộ có hồ tiêu lâm vào cảnh điêu đứng. Tiêu chết khiến nhiều hộ không có thu nhập, lâm vào cảnh túng quẫn, treo bảng bán đất cũng không ai mua, dù so với trước đây giá đất đã hạ xuống gần một nửa. Một số hộ nợ nần nhiều, không có khả năng trả nợ ngân hàng thì bỏ nhà trốn… Vào mùa này, thanh niên ở đây đa phần vào TP. HCM làm thuê chứ ở nhà không có việc gì làm. Ngay cả 2 đứa con tôi cũng phải đi làm ăn xa bởi nhà tôi có 1.000 trụ tiêu, song nay chỉ còn đất trắng vì tiêu đã chết cả”.

Ông Tỵ còn cho biết, những hộ không có khả năng trả nợ, bỏ đi khỏi địa phương đều “cắt đứt liên lạc”. Như tại xã Ia Blứ, hộ anh N.N.K (thôn Thiên An) bỏ đi từ nhiều tháng nay, hộ anh M.T.S (thôn Thủy Phú) vay 350 triệu đồng để xây nhà, xong xuôi thì 2.000 trụ tiêu chết khiến vợ chồng phải kéo vào TP.HCM làm ăn… “Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều hộ dân là chủ nhà nhưng không phải người giữ chìa khóa nữa, mà là ngân hàng. Riêng thôn tôi đã có trên 80% số hộ vay vốn ngân hàng. Một khi ngân hàng làm căng, bắt trả đúng kỳ hạn cả gốc lẫn lãi vào tháng 3 này thì nhiều người sẽ mất nhà. Mong nhất của bà con bây giờ là được ngân hàng cho dãn hoặc khoanh nợ” – ông Tỵ nói.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
19 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Đoạn kết buồn cho người trồng tiêu ở thủ phủ hồ tiêu. Liệu cơm gắp mắm chưa bao giờ là sai.

  2. Khi người nông dân có thu nhập cao và ổn định, đó là điều đáng mừng. Cá nhân cháu xin được chia sẻ những khó khăn mà những cô chú nông dân trồng tiêu bị chết do nấm bệnh dịch hại…nói riêng và tất cả bà con nông dân làm những ngành nghề khác nói chung. Cháu thiết nghĩ các ngân hàng cũng nên chia sẻ với nông dân những lúc khó khăn như thế này. Vì dù sao nông dân cũng là khách hàng của ngân hàng. Suy cho cùng ngân hàng làm ăn cũng cần có khách hàng mà.
    Cháu chỉ co vài dòng xin được chia sẻ với những cô chú bác nông dân đang gặp khó khăn.

    • Chào @ Hoang duc. Nếu mình thu nhập hàng năm được 100 triệu. 5 năm như vậy mình cũng không dám xây căn nhà giá trị 500 triệu. Ông bà ta từ xưa có câu nông dân ăn cho chắc mặc cho lấy bền

  3. Tốn cả núi tiền mà vẫn không thể cứu được vườn tiêu.
    Bị phân giả, thuốc nhái bao vây thì chỉ có trời mới cứu !

  4. Diện tích tăng quá nóng, mật độ trồng dày đặc, canh tác lạm dụng hóa học để tăng năng suất làm đất đai thoái hóa nhanh chóng. Tiêu đã mất sức đề kháng mà còn gặp sâu bệnh phát triển vượt tầm kiểm soát, kèm theo thuốc BVTV toàn loại hàng nhái, hàng dỏm chất lượng trời ơi nên bà con phải trả với giá quá đắt. Đất đai vùng này bỏ hoang 10 năm nữa cũng không chắc hồi phục được.

  5. Mua phân bón – khi mình đã tìm hiểu và tham khảo thật kỹ ở trên mạng, chốt Thương hiệu, giá cả. Ra đại lý có uy tín kéo về, thế mà trước khi mang về, ông chủ cứ xui mua phân bón loại gà mờ, giá trị bằng 1 phần 2, mà lại tốt gấp đôi…
    Các bạn tự hiểu nhé !

    • Như vậy thì sao bạn lại gọi là đại lý “có uy tín” ?
      Làm mình chợt nhớ có đại lý ở Đắc Lắc (xin không nói tên) tuyên bố : hàng nào có lãi nhất là hàng tốt nhất !

  6. Chia buồn với các nông hộ ở Chư Sê, Chư Pưh !
    Đất canh tác lâu năm chắc chắn mang nhiều mầm bệnh và điều kiện thời tiết cũng là nguyên nhân để bệnh hại ngày càng trầm trọng hơn.
    Bà con sử dụng nhiều phân chuồng hoai mục rất tốt nhưng nếu bà con không chú ý tăng pH đất sẽ ngày càng chua do tác động của phân hóa học và lượng hữu cơ bón vào. Nếu không có giải pháp cân bằng pH (6-6,5), thoát nước và tăng cường vi sinh vật đối kháng với các bệnh hại trong đất thì khó có thể hạn chế dịch bệnh chết nhanh và chậm của hồ tiêu.
    Đất canh tác lâu năm thường chai cứng do quá trình canh tác sử dụng quá nhiều thuốc hóa học, phân bón và suy thoái nên thường thoát nước kém. Nên thoát nước là phải làm cho đất tơi xốp chứ không phải biện pháp đào mương xẻ rãnh như bà con hay làm. Đào mương xẻ rãnh chỉ giải quyết được nước chảy trong vườn, không phải là biện pháp thoát nước cho hồ tiêu như quan niệm cũ trước đây.

  7. Bác Thắng Lợi đã nói lên một sự thật đau lòng.
    Có thể nói là những địa danh đó bây giờ là vùng đất chết.

  8. Sản lượng cao thì cây trồng phải suy, đó là qui luật của ngành trồng trọt.
    Không có gì mà bàn cãi, các nước khác cũng vậy thôi.

  9. Ở chỗ tôi Đakmil Đaknong bây giờ bà con truyền tai nhau rắc phân hóa học gì mà giá trên trời. Không quan tâm tới hữu cơ vài năm nữa đất chỗ tôi cũng chết

  10. Trước đây một năm tôi sang thăm một người bạn ở Chư Sê thấy vườn tiêu đã nhiểm bệnh tiêu điên và hiện tượng chết chậm rất nhiều. Để tìm được một nọc tiêu khỏe mạnh là rất ít, nhưng họ vẩn phá bỏ những vườn cà phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu. Qua trao đổi họ cho rằng tiêu thế này vẩn hơn cà phê. Đây là một vấn đề cần suy tính đối với những người làm tiêu chưa có kinh nghiệm, cần phải đa canh đừng độc canh. Đối với cây tiêu với thời tiết thay đổi như hiện nay cộng thêm phân thuốc kém hiệu quả nên người trồng tiêu phải đối mặt với rủi ro là rất cao.

  11. Anh Cao Sang nói thật có lí, năm nay vùng tôi có vài nhà thuê máy đào nhỏ, vào xới đất toàn bộ vườn của họ. Sau mùa mưa vừa qua thì thấy cả vườn tiêu không có bệnh chết nhanh chết chậm gì hết.

    • Máy cuốc đảo đất giúp tơi xốp, hệ rễ tiêu phát triển mạnh là rất tốt với những vườn sạch, không ẩn chứa mầm bệnh. Ngược lại, cuốc chôn bào tử nấm bệnh xuống sâu giúp chúng ẩn nấp kỹ vài năm sau mới bùng phát thì càng thua hung. Vậy thì có lí không bạn.

  12. Thủ phủ HỒ TIÊU bây giờ thật xơ xác, rất hiếm vườn nào trông đẹp mắt. Trồng mới bây giờ cây cũng rất khó phát triển bình thường.

Gửi phản hồi mới

(?)