Giá tiêu thế giới đột ngột giảm mạnh, tiêu xuất khẩu của VN vẫn tăng

, Thị trường hạt tiêu, 10

Chỉ trong 3 ngày qua, giá tiêu Ấn Độ đã giảm hơn 200 USD mỗi tấn và mất 500 USD/tấn trong vòng nửa tháng. Hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong đó được bán với giá cao hơn tuần trước 100 USD.

Nhu cầu hạt tiêu của thế giới gia tăng hàng năm bình quân đến 5%, nên sản lượng tiêu toàn cầu trong tương lai gần chưa thể bù đắp nổi. Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự kiến qua nhiều năm cho thấy, sự thiếu hụt của năm 2010 là 27 – 30 ngàn tấn, năm 2011 là 35 – 40 ngàn tấn và năm 2012 là trên 50 ngàn tấn…

Trong những năm qua, với khối lượng xuất khẩu trên 100 ngàn tấn/năm, Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 thế giới. Không những thế, với trình độ thâm canh cao, sản lượng tiêu Việt Nam cũng đứng đầu thế giới tuy diện tích trồng vẫn ít hơn các nước sản xuất chính khác như Ấn Độ, Indonesia. Cho nên trong tương lai gần cả thế giới trông chờ vào hạt tiêu Việt Nam.

Tuy nhiên, thương nhân Ấn Độ mới là người điều khiển giá tiêu thế giới. Sàn giao dịch hạt tiêu kỳ hạn thế giới đóng trên đất Ấn cũng là lợi thế để họ chi phối. Nắm bắt được nhu cầu cao, giá tiêu kỳ hạn Ấn Độ bị đẩy lên cao ngất ngưởng, lập nên những kỷ lục lịch sử mới và tạo ra sự chênh lệch lớn với giá tiêu kỳ hạn tại sàn SMX ở Singapore.

Nhận thấy sự chênh lệch đã đến mức phi lý nên vừa qua Ủy ban Thị trường kỳ hạn của Ấn Độ phải đưa ra biện pháp chấn chỉnh. Bên cạnh đó còn thêm thông tin về sản lượng vụ mùa năm nay của Việt Nam gia tăng vượt bật và thông tin có một số lượng lớn hàng nhập về từ Việt Nam góp phần làm giá tiêu trên thị trường kỳ hạn Ấn Độ hạ nhiệt.

Liên tiếp 3 ngày vừa qua, giá tiêu kỳ hạn Ấn Độ đột ngột giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 4 giảm tất cả 2.305 Rupi, tức giảm 5,9 %, xuống còn 36.795 Rupi/tạ, tương đương 7.161 USD/tấn và giao tháng 5 cũng giảm 1.945 Rupi, tức giảm 4,87 %, xuống còn 38.025 Rupi/tạ, tương đương 7.400 USD/tấn. (1 USD = 51,3851 Rupi)

Giá hạt tiêu giao ngay cũng giảm thêm 1.000 Rupi, loại tiêu chọn MG1 giảm xuống 37.500 Rupi/tạ, tương đương 7.298 USD/tấn và loại tiêu xô giảm xuống còn 36.000 Rupi/tạ, tương đương 7.005 USD/tấn, giảm hơn 200 USD.

Tương tự nhưng trái chiều, tại sàn SMX-Singapore, giá tiêu giao tháng 4 tăng 8 USD, tức tăng 0,13%, lên 6.379 USD/tấn và giao tháng 5 tăng 50 USD, tức tăng 0,78 %, lên 6.430 USD/tấn. Mức tăng tuy khá nhẹ, nhưng đã thể hiện rõ cung cầu thị trường.

Chênh lệch giá kỳ hạn giữa 2 sàn tiêu đã được thu hẹp

Như đã khẳng định, giá kỳ hạn trên 2 sàn quá chênh lệch nhau không phản ánh thực chất giá cả thị trường nên cần phải thu hẹp. Vì vậy diễn biến trái chiều giữa 2 sàn gần như là tất yếu. Cho dù khoảng cách chênh lệch rút xuống chỉ còn xấp xỉ 1.000 USD, so với tháng trước là trên 2.000 USD, nhưng vẫn còn bất hợp lý.

Trong vòng nửa tháng qua, giá tiêu Ấn Độ biến động rất mạnh, xu hướng sụt giảm chi phối thị trường cũng không làm giới thương nhân ngạc nhiên. Nhưng giá tiêu trong nước, vốn trước đây thường biến động theo thị trường Ấn Độ, gần như đứng yên khiến cho nhà nông lo lắng.

Theo các nhà buôn tiêu ở Đồng Nai, lượng hàng đưa ra giao dịch sụt hẳn, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Lúc này vụ mùa thu hoạch của Việt Nam đã vào giai đoạn cuối và tâm lý chờ đợi, nghe ngóng giá cả, vẫn bao trùm khắp các vùng trồng tiêu chính.

Giá tiêu Ấn Độ, loại đặc chủng MG1 xuất khẩu đi châu Âu có giá 7.450-7.500 USD/tấn và xuất đi Mỹ có giá 7.750-7.800 USD/tấn (C&F), giảm 500 USD/tấn chỉ trong vòng nửa tháng qua.

Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu loại 500 Gr/l-FAQ có giá 6.100-6.150 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ chào mức 6.450-6.500 USD/tấn (FOB), tăng 100 USD so với tuần trước.

Hôm nay 15/4, tiêu đen xô trong nước tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá 120-121 ngàn đồng/kg, tại Bình Phước giá 117 ngàn đồng/kg, tại Đak Lak-Đak Nông và Gia Lai giá 116 ngàn đồng/kg, duy trì trở lại mức giá lập từ ngày đầu tháng.

Anh Văn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
10 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. “Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), kết quả sản xuất vụ tiêu năm 2012 trong phạm vi cả nước về sản lượng ước đạt 95.000 – 100.000 tấn, giảm 10 – 15% so với vụ 2011” có chính xác?
    Theo tôi được biết sản lượng giảm và tiêu chết thì sao? Nước ngoài tung tin để đạp giá xuống thôi. Tháng 7-8 sẽ rõ!

  2. Con số ước là con số dự đoán. Sao bạn lại còn hỏi “có chính xác”, là có ý muốn hỏi gì ?

    Mong Addmin lưu ý diễn đàn cần có những ý kiến thảo luận đóng góp, xây dựng nhiều hơn.

  3. Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân…

    Ráng găm hàng thêm vài tháng nữa đi bà con ơi, đừng nghe tin đồn nhảm không đâu vì chắc chắn giá tiêu sẽ lên rồi.

  4. Nếu chênh lệch giữa 2 sàn là phi lý như chú Anh Văn nói thì có nghĩa là:
    -Giá tiêu sàn Ấn Độ sẽ còn giảm nữa.
    -Còn giá tiêu sàn Sing sẽ như thế nào? (biểu đồ thì thấy đang yếu dần)
    ==> Giá tiêu trong nước theo hướng giảm?
    Xin được nghe ý kiến của mọi người. Cám ơn nhiều!

  5. Theo tôi dự đoán thì biểu đồ của 2 sàn sẽ dịch chuyển gần lại nhau. Việc chênh lệch giá ở 2 sàn trong những tháng đầu trước và trong thời điểm thu hoạch là không thể tránh khỏi. Sàn Ân Độ họ muốn đẩy giá cao vì những ý đồ hết sức rõ ràng như chúng ta thấy, sau khoảng thời gian này (đến hết tháng 4 và tháng 5) giá tiêu sẽ trở nên bình ổn hơn, giá tiêu giữa 2 sàn có thể nằm ở mức 7.600-7.900 USD/tấn. Mức giá này hoàn toàn có thể đạt được và chúng ta đều mong chờ điều đó!

  6. Nếu tiếp tục giữ hàng tiêu phải tăng giá thôi. Nhu cầu sẽ quay trở lại, tâm lý khách hàng đang chờ giá giảm thêm.
    Tình hình này giá sẽ không giảm thì nhu cầu sẽ quay trở lại trong nay mai thôi.

  7. Giá 2 sàn sẽ còn chênh lệch nhiều. Lí do: Sàn Ấn Độ là nơi mua bán giao dịch của các thương nhấn Ấn Độ (người nước ngoài không được phép tham gia). Còn sàn Sing của SMX giao dịch tiêu tại Việt Nam. Các chi phí vận chuyển, nhân công, thuế, phí, … của 2 quốc gia khác nhau và cách biệt nhau hoàn toàn.

  8. Việc các nhà đầu tư Ấn Độ thao túng thị trường kỳ hạn, đẩy giá tiêu nội địa cũng như xuất khẩu của Ấn Độ lên cao ngất ngưởng là một hiện tượng hết sức nguy hiểm (tuy trước mắt là có lợi cho người trồng tiêu).
    Có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường này để sang thị trường khác.
    Điều này cũng khiến cho UBTTKH Ấn sẽ đưa ra những quyết định chấn chỉnh, và có thể là bất ngờ nữa. Cho nên sàn tiêu Ấn không biết rồi đây sẽ như thế nào!

  9. Tiêu lên sao không nghe ai bình luận gì hết vậy? Năm nay mấy Bác dự đoán giá có thể lên đến đâu? Bao nhiêu thì bắt đầu bán được?

Gửi phản hồi mới

(?)