Giá tiêu Việt Nam được lợi lớn từ sàn giao dịch Singapore

, Thị trường hạt tiêu, 23

Mới đây, lô hàng hạt tiêu đầu tiên của thương nhân Việt Nam đã được giao dịch thành công trên sàn giao dịch kỳ hạn quốc tế SMX tại Singapore với tổng khối lượng 15 tấn.

Đầu tuần, giá tiêu kỳ hạn thế giới tại thị trường Kochi-Ấn Độ tiếp nối đà suy giảm bắt đầu có từ tuần lễ cuối tháng 3. Ngoài ra, việc điều tra về một số hợp đồng được cho là “gây rối loạn thị trường” và sự áp đặt một loạt các biện pháp kiểm soát mới của Ủy ban Thị trường kỳ hạn (FMC) khiến một số nhà đầu cơ vội vàng thanh lý và rút lui khỏi thị trường cũng làm giá rớt.

Tuy nhiên, tại phiên giao dịch ngày thứ Bảy cuối tuần 5/5 đóng cửa sớm, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX Ấn Độ gần như đã vượt qua sự e ngại để tìm lại mức cao. Kỳ hạn giao các tháng 5, 6, 7 lần lượt đứng ở 37.455 Rupi/tạ, 38.115 Rupi/tạ và 38.740 Rupi/tạ, tương đương mức 7.004 USD/tấn, 7.128 USD/tấn và 7.245 USD/tấn ( 1 USD = 53,4747 Rupi ).

Sự chênh lệch giá kỳ hạn trong vòng 1 tuần tính theo đồng Rupi không đáng kể nhưng tính theo tỷ giá đồng USD thì chênh lệch lên đến 130-140 USD/tấn do đồng Rupi suy yếu.

Giá hạt tiêu giao ngay tại thị trường nội địa Ấn Độ lên đứng ở mức 36.800 Rupi/tạ, tương đương 6.882 USD/tấn cho loại tiêu xô và mức 38.300 Rupi/tạ, tương đương 7.162 USD/tấn cho loại tiêu chọn MG1, tuy giá nội địa tăng 500 Rupi nhưng qui ra đồng USD thì giá gần như không đổi.

Tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế có giá 7.300 USD/tấn (C&F) đối với châu Âu và 7.600 USD/tấn (C&F) đối với Mỹ, không đổi. Đồng Rupi suy yếu khiến giá tiêu Ấn Độ trên thị trường quốc tế trở nên cạnh tranh hơn nữa.

Tuần qua, giá tiêu xuất khẩu của nước ta và nhiều xuất xứ khác gần như không đổi.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn giao dịch SMX tại Singapore, giá tiêu kỳ hạn giao tháng 5 tăng 289 USD, tương đương 4,56%, lên mức 6.624 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 6 tăng 252 USD, tương đương 3,92% lên mức 6.683 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh.

Biểu đồ chỉ rõ khoảng cách chênh lệch giữa 2 sàn đang được co lại

Như vậy, từ khoảng cách chênh lệch giữa 2 sàn tiêu kỳ hạn thế giới lúc cao nhất bị kéo dãn ra xấp xỉ 2.200 USD/tấn nay đã được co lại còn khoảng 400 USD/tấn. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà xuất khẩu Việt Nam mạnh dạn đưa hàng lên giao dịch tại sàn SMX nhiều hơn, hạt tiêu xuất khẩu sẽ có giá cạnh tranh hơn và giá tiêu trong nước cũng duy trì ở mức cao.

Được biết ngày 24/4 vừa qua, lô hàng hồ tiêu đầu tiên của thương nhân Việt Nam đã được giao dịch thành công trên sàn giao dịch kỳ hạn quốc tế SMX tại Singapore với tổng khối lượng 15 tấn. Tiêu chuẩn giao dịch trên sàn là tiêu đen loại 550 Gr/l, loại phổ biến của các nước sản xuất hồ tiêu ở khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Đỗ Hà Nam Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), việc giao dịch theo thị trường kỳ hạn tương lai sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu nước ta tránh được những rủi ro đáng tiếc khi giá cả thế giới biến động mạnh, nhất là khi sử dụng công cụ phòng hộ của thị trường kỳ hạn.

Sáng hôm nay 7/5, thương lái thu mua tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá 127-128 ngàn đồng/kg, tại Bình Phước giá 125 ngàn đồng/kg, tại Đak Lak-Đak Nông và Gia Lai giá 123-124 ngàn đồng/kg, tăng nhẹ.

Theo giới quan sát thị trường, thương nhân các nước nhập khẩu ở Âu Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn hàng khi giá tiêu Ấn Độ đã trở lại mức “phải chăng” hơn.

Anh Văn

23 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Chưa thấy có bức phá gì mới, xem ra bà con cũng phải bán bớt một phần để trang trải, hy vọng cuối tháng 5 thì giá sẽ bức phá.

  2. Tiêu tăng nhẹ. Nông dân chỉ mong thoát nợ. Nếu được giá 150.000 đ/kg thì nông dân thoát nợ hoàn toàn. Có lời chút đỉnh là được rồi. Bà con nào còn giữ được thì ráng chờ thêm 45-50 ngày nữa hãy bán, có thể giá sẽ lên.

  3. Giá tiêu khó mà tăng lên được. Với tình trạng như hiện nay, thì trong khoảng 45-50 ngày nữa thì giá vẫn như hiện nay thôi….

  4. Xem ra năm nay giá khó lên 150.000d/kg, mong được 140.000 cũng mừng rồi.
    Thật ra nếu bán tiêu dược giá như năm nay 130.000 gởi tiết kiện với lãi 12%/ năm tính ra cung được 142.000d/kg còn trữ lại sau 1 năm nếu lên được trên 150 mới có lãi,… tính ra trữ tiêu cũng khó.

  5. Có vẻ tâm lý lo âu giá tiêu kỳ vọng bắt đầu lung lay rồi… Đây là tâm lý mà con người lúc nào cũng mắc phải. Cuối cùng cuộc chơi lợi nhuận rơi vào các nhà kinh doanh.

  6. Bạn BAOPN nói sai rồi, tôi cũng là người kinh doanh nhưng tôi thấy lợi ở chỗ nào đâu? Không ai biết trước được giá sẽ lên hay xuống thế nào đâu nhé, vì chúng tôi không phải là người quyết định giá tiêu.
    Người dân bán thì chúng tôi mua chứ chúng tôi không ép phải bán. Khi chúng tôi mua vào có lợi là bán ngay, với cái giá như thế này chúng tôi cũng không dám trữ hàng với số lượng lớn.
    Xin hỏi bạn không có người kinh doanh thì bà con bán cho ai, không lẽ bán cho nhà nước? Bạn nên nhớ nhà nước bán ra thì giá ở trên trời nhưng khi thu cái gì đó thì giá nằm dưới đất.
    Đừng nói cái gì cũng đem người kinh doanh vào, cứ y như bà con bán lỗ cũng là do chúng tôi.

  7. Mình cũng hy vọng giá sẽ lên, nên chưa bán hạt nào. Hãy cứ để xem sao, của nhà làm ra mà…

  8. Các bạn tham khảo:

    -Ngày 9/5/2011, giá tiêu Bà Rịa-VT: 110.000 đồng/kg. Tiêu Ấn Độ: 29.714 Rupi/tạ ~ 6.694 USD/tấn.
    -Ngày 9/5/2012, giá tiêu Bà Rịa-VT: 127.000 đồng/kg. Tiêu Ấn Độ: 36.700 Rupi/tạ ~ 6.882 USD/tấn.

  9. Năm 2011 giá tiêu đến tháng 9,10 dương mới lên cao mà. Ko biết tình hình năm nay sao nữa nhưng ta cứ hy vọng giá sẽ lên như năm trước.

  10. Thanh Tâm nhớ khá chính xác ! Năm ngoái, giá tiêu xô nội địa lập đỉnh là ngày 12/10.
    -Hình như cuối tháng 7 chuotdong bán cà phê, lấy tiền về còn đi mua tiêu mà.

  11. Dạ vâng. Năm ngoái chị chuotdong mua tiêu tháng 7 giá 120k, sang cuối tháng 9 bán giá 140k lãi gần 100 triệu đó ạ. Nên năm nay em cứ thử vận may xem sao, cứ để thêm vài tháng nữa.

  12. Thân gửi bác Nguyễn Vịnh. Nhà cháu làm tiêu cũng được 10 năm rồi nhưng tiêu nhà cháu dã chết 2/3 nguyên nhân là do rệp sáp hại rễ. Cháu đã đổ đủ các loại thuốc trừ sâu nhưng vẫn không có hiệu quả vừa rồi cháu có xem video clip Quản lí dịch hại tổng hợp IPM trên cây tiêu có nói đến loại nấm Metharizhum cháu đã đi tìm mua khắp Buôn Ma Thuột mà không có. Bác có biết chỗ nào bán mách giùm cháu cháu xin chân thành cảm ơn.

  13. Bạn thân mến. Việc dùng đủ loại thuốc sâu để phòng chống dịch bệnh như bạn là một quan niệm sai lầm của bà con trồng tiêu và nhà nông nói chung. Bạn phải biết mình cần phòng gì, chống gì để sử dụng đúng thuốc chứ. Bạn nói “dùng đủ loại thuốc trừ sâu” khiến tôi không hiểu nổi. Không lẽ như ta đau bụng nhưng lại ra hiệu thuốc mua “đủ loại thuốc tây” về uống sao? Thuốc hóa học không chỉ tiêu diệt hết những vi sinh vật có ích mà còn hũy hoại môi trường sống, để lại những tàn dư độc hại cho cả con người. Xu thế hiện đại sử dụng thuốc sinh học là vậy.

    Tại Buôn Ma Thuột tôi chưa thấy có bán chế phẩm chứa nấm Metharizhum.

    Bạn đọc thêm bài này để tìm 1 giải pháp hữu ích cho mình: > Quy trình kĩ thuật trồng Hồ Tiêu ở Chư Sê – Phần 3

  14. Chào bạn Minh Quang. Vườn tiêu của tôi cũng bị rệp sáp hại rễ nhưng bị ít hơn của bạn, trước kia tôi sử dụng thuốc Mo cáp để tiêu diệt chúng, nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Lý do là rệp dễ dàng tái phát và ô nhiễm môi trường, tiêu diệt hết vi sinh vật có ích ở trong đất, sử dụng nhiều có nguy cơ đất dễ bị ngộ độc.

    Tôi đang sử dụng thuốc sinh học, hiệu quả thật đáng mừng, nếu bạn quan tâm thì tôi mách giùm cho.
    Chào thân ái.

  15. Xin cám ơn bác Vịnh đã mách giùm cháu cách để trị bệnh rệp sáp hại rễ (cách này cháu đã làm mà chưa đúng quy trình như trên). Để cháu thí nghiệm thử đã xem sao, trước hết cháu xin chân thành cám ơn.

  16. Gửi bạn tieuphong cùng toàn thể bà con trong cộng đồng mạng. Mình làm tiêu thực ra đúng từ năm 2000, ban đầu tiêu rất tốt nhưng sau khi thu hoạch được 3 năm thì bị rệp sáp hại rễ tấn công. Mình đã dùng nhiều loại thuốc trừ sâu trong đó có: basudin, nocap, vophatoc, viphuran… Nhưng kết quả không như mong muốn mà ngược lại cây tiêu lại chết nhanh hơn, cho tới bây giờ mình cảm thấy quá bất lực vì không biết cách phòng trị làm sao cho đúng cách. Mong bạn và bà con trong cộng đồng mạng biết cách mách bảo giùm mình. Mình xin cám ơn nhiều.

  17. Chào Tiêu phong . Anh có thể giúp tôi các loại thuốc sinh học để trị rệp sáp, tuyến trùng, sùng đất và nấm hại tiêu được không ? từ trước tới giờ tôi vẫn sử dụng thuốc hóa học nhưng ít hiệu quả và rất độc hại. Anh có thể gửi cho tôi qua mail: tinhvanhhp@yahoo.com , hoăc đt 0985962697. Chân thành cám ơn anh!

  18. Chào hai bạn Minh Quang, tinh tran ba. Tôi ở Đồng Nai, không biết hai bạn ở địa phương nào, nếu ở gần tôi thì hay quá, chúng ta có thể trao đổi với nhau kỹ hơn hoặc có thể tham quan vườn của tôi (mắt thấy, tai nghe).
    Chế phẩm của tôi đang sử dụng là vi nấm ba màu và dầu sáp, hai chế phẩm này hòa chung với nhau, tưới từ cổ rể và chung quanh gốc tiêu, mỗi gốc tiêu tưới từ 3-10 lít nước hoặc có thể nhiều hơn tùy theo gốc lớn, nhỏ khoảng 10 ngày sau các bạn bới gốc sẽ thấy rệp chết khô, hai bạn nên mua một ít về dùng thử xem, hiệu quả hơn cả sự mong đợi. Có thể liên hệ với tôi qua số 01693968134.
    Chúc hai bạn may mắn.

  19. Chào bạn tieuphong mình ở Buôn Ma Thuột. Trước hết mình cám ơn bạn đã chỉ bảo một phương pháp hay qua đây mình xin cám ơn bạn rất nhiều. Nếu có điều kiện xuống Bình Dương hoặc Sài Gòn chơi mình sẽ ghé thăm bạn.

  20. Hiện nhà mình đang có khoảng 1000 gốc tiêu kinh doanh. Nhưng trong đó có 200 gốc mới vào kinh doanh. 200 này chậm phát triển và lá bị vàng về mùa nắng nhưng không chết, hiện tại thì đã phủ trụ hết rồi nhưng không hiểu sao nó không thể ra hoa. Mình có nghe có chế phẩm vườn sinh thái gì đó. Định dùng thử nhưng không biết hiệu quả như thế nào mong các bác tìm hiểu giúp mình về chế phẩm này và cho mình ý kiến được không ạ?

Gửi phản hồi mới

(?)