Khuyến cáo cho các chủ vườn tiêu

, Khuyến cáo, 21

Hiệp Hội Hồ Tiêu Chư Sê có một số khuyến cáo cho bà con nông dân trồng tiêu và hội viên là chủ vườn tiêu đang thu hái hoặc sau thu hái như sau:

Khuyến cáo:

1. Những vườn tiêu kinh doanh trồng bằng giống Vĩnh Linh, Phú Quốc ngay sau khi thu hái xong thì rạch rãnh quanh bồn sâu từ 3 đến 5 phân và rộng từ 20 – 25 phân rồi để nguyên như vậy từ 3 đến 5 ngày cho khô hết vết thương của rễ tiêu bị đứt, sau đó tiến hành bón phân chuồng đã ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học càng nhiều càng tốt cộng với 5 lạng đến 1kg phân lân, 1 lạng u rê và nửa lạng kali hoặc từ 1,5 đến 02 lạng NPK 16-16-8-13S+TE. Mục đích là để cây nhanh chóng hồi phục sức khỏe để tích lũy dinh dưỡng và phân hóa mầm hoa để chuẩn bị ra hoa vụ mới, xong để nguyên như vậy cho đến khi có mưa đều và từ nách lá có nứt nanh gié tiêu thì sẽ tiếp tục chăm bón kỹ cả phân bón gốc và phân bón lá để tiêu tập trung ra hoa, đậu trái, mà cụ thể là phân bón gốc từ 1đến 1,5 lạng u rê  trộn với 0,5 đến 1 lạng kali hoặc bón 1,5 -2 lạng phân NPK 16-16-8-13S+TE và phun phân bón lá 03 lấn, mỗi lần cách nhau 07 ngày theo hướng dẫn trên bao bì để giúp cây ra hoa đậu trái nhiều và tập trung kịp.

Riêng vườn tiêu trồng bằng giống Lộc Ninh, không nên phun hoặc bón phân nữa mà chỉ tiếp tục tưới nước đủ ẩm chờ đến khi thu hoạch xong mới chăm bón tiếp.

2. Nhà vườn có điều kiện ngay từ bây giờ nên mua phân chuồng và vỏ cà phê để tiến hành ủ với phân lân và chế phẩm Trichoderma càng sớm càng tốt, để chuẩn bị bón cho vụ tới.

Hiện nay trên thị trường phân chuồng giả rất nhiều, vì vậy khi mua phân chuồng nên mua tận gốc hoặc cần lưu ý kiểm tra chất lượng phân để tránh mua nhầm phân chuồng giả.

3. Nhà vườn cần tư vấn kỹ thuật và các việc khác liên quan đến sản xuất tiêu thụ hồ tiêu xin liên hệ số điện thoại: 0593.851.231 hoặc 0914.150.570.

  Theo Hiệp Hội Hồ Tiêu Chư Sê

Báo Giá cà phê qua điện thoại
21 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Vậy sau khi bón phân như thế thì mình có cần phải tưới cho tan phân không? Nếu để yên như vậy thì sao mà cây hấp thu được? Tiêu nhà em trồng bằng giống Vĩnh Linh, em tưới nước lần cuối vào dịp giáp Tết ấy thế mà bây giờ có một số cây đã nhú đọt non rồi thì làm theo khuyến cáo có đúng quy trình không? Sao năm nay tiêu lại ra đọt sớm thế nhỉ? Em đã để ý tưới nước hạn chế rồi mà.

  2. Vườn tiêu của các bạn ra đọt non chứng tỏ sự sung mãn của nó, đó là tín hiệu vui mừng chứ băn khoăn lo lắng gì . Kể cả khi tiêu đang nuôi trái,vào mẩy mà cây vẫn ra đọt non nghĩa là cây phát triển tốt, hãy vui lên đi các bạn.

  3. em lại không nghĩ như tieuphong. Tiêu mà ra đọt lọt chọt như thế thì sao ra hoa tập trung được,tiêu lại chín rải rác quanh năm ấy chứ.

  4. Ra đọt sớm kèm theo quả sớm năm nào mình cũng bị. Mình làm 2 vườn nhưng chỉ 1 vườn luôn ra đọt quả sớm chứng tỏ do từng loại giống.
    Ra quả sớm thường bị rụng bông rất nhiều vào đầu mùa, đến mùa thu hoạch phải hái lựa 2,3 đợt rất nhọc.

  5. Đúng như TanGL nói đó, bông ra kiểu đó thất thu hơn là ra hoa tập trung vì mình phải tốn công kéo bạt mất vài đợt.

  6. Tháng ba mà tiêu đã ra đọt non là thất bại. Do tưới nhiều nước. Giảm ngay việc tưới nước, chỉ tưới giữ sự sống cho tiêu là được.
    Đâm bông trái mùa rồi cũng rụng thôi, thất thu lắm! Nhất là giống tiêu Vĩnh Linh, Mã lai chỉ ra bông một đợt nên bây giờ ra bông mưa xuống sẽ không ra nữa.
    Kinh nghiệm của tôi là bón phân trước khi hái một tháng để phân nuôi trái và nuôi thân sau khi thu hoạch. Nếu muốn thu hoạch sớm để dễ thuê công hay có tính toán khác thì có thể tưới nước thật nhiều cho bung bông luôn, nhưng độ ẩm trong đất kéo dài ngày hơn sẽ làm cho tiêu dễ bị bệnh.
    Phân chuồng có thể bón bây giờ để đỡ bận rộn vào đầu mùa mưa nhưng chỉ tưới ít nước thôi. Đợi mùa mưa đến bón tấp phân hóa học thật nhiều để ra bông một lượt dễ thu hoạch.
    Còn giống tiêu sẻ thì ra bông nhiều đợt nên phải hái nhiều lần. Giống này bây giờ người ta ít trồng vì tốn công hái, năng suất kém.

  7. Vào giai đoạn nuôi trái, cứ 2 tuần là em tưới nước một lần, mỗi lần khoảng 70-80 lít thôi. Em tưới lần cuối hồi 27 tết ấy, vậy mà cách đây khoảng 1 tháng tiêu lại ra đọt chứ. Mà sao Trần Bình lại bỏ phân trước khi hái một tháng là sao nhỉ.

  8. Không biết thời tiết thổ nhưỡng ở vùng bạn thế nào. Tôi ở BR-VT thì thường từ tháng 12 đến tháng tư năm sau là nắng. Cây tiêu thường phát bông lá cành vào đầu mùa mưa và đầu mùa nắng. Lúc này nhờ ánh sáng mạnh, độ ẩm vửa phải. Còn vào giữa mùa mưa, mưa nhiều không những tiêu mà nhiều cây khác cũng phát triển chậm. Mùa nắng thì quang hợp tốt nhưng lại thiếu nước. Vùng bạn tiêu ra đọt cách đây một tháng có thể do khí hâu (ánh sáng, độ ẩm) cuối đông, đầu xuân thuận lợi. Nếu vậy đọt ra thường là ở phần trên ngọn để phát triển chiều cao, dễ nhận thấy ở tiêu it tuổi. Bông ra đợt đông xuân này cũng ít không đáng kể Còn tiêu ra lộc ở các cành ngang khắp cả trên dưới bụi tiêu sẽ cho bông. Tiêu ra lộc thế này thường là tưới nước quá nhiều hoặc gặp mưa trái mùa. Nói chung vẫn là dư nước.
    Bỏ phân trước khi hái môt tháng là thế này:
    Khi còn mưa không dám bỏ nhỉều phân sợ tiêu đang nhiễm bệnh sẽ chết. (Như người đang ốm mà dùng thuốc bổ là không được). Chờ đến khi trời nắng bỏ phân, phân lại không tan. Cho nên trong những lần tưới nước đầu tiên của mùa nắng kết hợp bỏ phân và tưới nước phân sẽ tan. Sau khi thu hoạch trong gốc vẫn còn phân để nuôi cây tiêu cho đến đầu mùa mưa. Nếu hái tiêu xong bỏ phân tưới nước nhiều, tiêu sẽ ra đọt non và bông. Các sách hướng dẫn thường cho rằng hái tiêu xong, cây tiêu sẽ rất mất sức cần phải bón phân ngay để phục hồi. Nhưng các nhà hướng dẫn quên rằng nếu phục hồi bằng cách bỏ phân tưới nhiều nước thì cây tiêu lại ra bông trái vụ. Tất nhiên là thất thu!
    Phân bỏ đợt này chủ yếu là Urê và Kali để nuôi trái cho no tròn và cho tiêu cầm cự suôt mấy tháng nắng mà không bị kiệt sức. Đợi đến khi mưa xuống mới bỏ phân cho vụ mới. Đầu mùa mưa đủ phân, đủ ấnh sáng, vừa độ ẩm cây tiêu sẽ phát chồi lộc mạnh, nhiều bông.
    Hầu hết các cây vùng nhiệt đới muà nắng sẽ rụng lá, không phát triển để chờ mưa xuống mới phát lộc đâm chồi.Cây tiêu cũng vậy. Tiêu đang thu hoạch tưới nước nhiều vào mùa nắng là không tốt.

  9. Hiện nay đa số các vườn tiêu đa thu hoạch xong rồi, vậy ai có kinh nghiệm gì về phương pháp vệ sinh vườn hay là phun thuốc trừ sâu bệnh hại thì đưa lên diễn đàn em tham khảo với.

  10. Như vườn tiêu của tôi, sau khi thu hoạch thì chỉ tưới nước cho cây không chết thôi. Khi mưa xuống mới bắt đấu bón phân và chăm sóc, thấy ra hoa rất đều. Tuy nhiên quả khi thu hoạch lại rất nhỏ, nhẹ cân, chắc bỏ thiếu phân?
    Mà tôi thường hái xả, chín 60% là tôi hái rồi, đỡ công hái nhiều lần. Như vậy có được không các bác?

  11. Làm như bạn Trung Hiếu tôi thấy là đúng. Trái nhỏ , lép nhiều nhẹ cân thường là thiếu phân, trồng mật độ dày, tùy theo giống tiêu. NGoài phân chuồng (có nhiều mà bón thì quá tốt), ta còn phải bón phân hóa học. Cách bón của tôi thế này (tính cho một sào 1000m2):
    – Đầu mùa mưa bỏ một bao super lân (bỏ riêng). Trộn 30kg ure và 5kg K2O (kali) bỏ vào gốc rồi xịt nước cho tan ngay.
    – Giữa mùa mưa bón 10kg ure hay môt bao 30kg NPK chia làm 2 lần. Có người cho rằng giữa mùa mưa “đất lạnh” bón Ure hay bị chết tiêu.
    – Đầu mùa nắng khi tưới tiêu kết hợp bón một lần phân nữa khoảng 25kg ure và 10kg Kali. Bỏ xong là tưới ngay. Phân bỏ đợt này nhiều Kali hơn để nuôi trái. Phần dư của phân sẽ nuôi thân cây không bị yếu sức sau khi thu hoạch.
    Quan điểm của tôi là bỏ phân ít, hiệu quả cao: Ure và Kali dễ tan, bỏ xong là tưới ngay để tránh bốc hơi làm thất thoát phân. Hạn chế bỏ phân hỗn hợp NPK tuy tiện lợi nhưng thường phân giả, nhiều đất sét, không đủ hàm lượng. Tính ra nếu bón đủ lượng N-P-K như trong phân Ure, Kali, super lân thì bón phân hỗn hợp NPK đắt hơn nhiều mà chất lượng lại không bảo đảm.
    Thú thật, tôi là viên chức nhà nước, không có thời gian chăm sóc. Rãy tiêu của tôi ở nơi trũng,13 năm chưa được một giỏ phân chuồng, chỉ bón toàn phân hóa học mà tiêu không chết, xanh tốt hơn các rãy xung quanh.
    Chín 60% hái là quá tốt rồi. Nơi tôi ở tiêu mới chín chưa được 10% là người ta đã lo hái. Chờ đến khi tiêu chín nhiều mới hái, sợ thuê không được nhân công. Ngày nay người ta trồng tiêu Vĩnh Linh nhiều vì có năng suất, hái một đợt, chín nhanh. Cao điểm của vụ thu hoạch tiêu chỉ chừng 2 tuần, thuê không ra nhân công. Để chín quá tiêu rụng đầy cả gốc.

  12. Đối với đất đỏ, không nên tưới đủ nước vì cây sẽ ra đọt và ra bông mạnh, sau đó nếu gặp nắng hạn thì năm đó bạn sẽ… tiêu luôn.
    Còn cắt đứt rễ và bón phân mà không tưới thì… ure sẽ bay hết, cây yếu vì bị đứt rễ.
    Bạn nên: chỉ phun phân bón lá kích thích ra hoa để tạo mầm hoa cho cây, khi mưa đều thì bón phân bón gốc cho cây ra đọt và ra hoa.
    Còn tưới cho cây là tưới cho cây đủ để chống chịu nắng nóng, không cho cây bị chết mà thôi.
    Vài lời tư vấn.
    phanbonla@gmail.com

  13. Anh Trần Bình kinh nghiệm cũng khá nhiều. Nhiều người không biết thu hoạch xong bón phân là thất bại. Người ta nếu có dùng phân hữu cơ hằng năm mà bón đợt làm tiêu chắc hạt to trái dợt cuối là đã chống suy tiêu rồi. Tưới theo 3 đợt sau khi hái không bón gì cả. Hãm tiêu 30-45 ngày tùy cây tiêu sung hay suy, nếu tiêu suy tưới theo luôn cho cây hồi phục sau đó xịt kích thích ra bông thì nó cũng ra bông như cây khác thôi. Ngoài ra nếu muốn ra bông tùy ý thì sau khi hãm tưới thật đậm như mưa 1 hoặc 2 đợt, đợt sau đó tưới thúc phân kết hợp phân bón lá ra hoa hàng loạt thì tiêu nhà bạn trái ai cũng nể.
    Nói về kỹ thuật làm trái thì tôi còn có mẹo nhỏ thế này : Khi thu hoạch thì đem theo vài sợi dây buộc tiêu. Những cây tiêu sung quá gỡ tháo cho rũ xuống cỡ 30cm, cắt sơ đầu đọt cho khỏi ra tiêu thòng, sang năm thì trái thì thôi chứ đặc nghẹt và bão hay gió tiêu không bị tuột nữa chứ quá hoàn hảo. Vừa làm được chồi vừa làm tiêu năng suất.

  14. Muốn vườn tiêu ra hoa tập trung và nhiều, bác nào có kinh nghiệm xin hãy chỉ cho em biết với. Thông thường thì dùng phân bón lá phun bổ sung nhưng loại nào tốt nhờ bác nào biết chỉ giùm với. Vườn tiêu của em đang ra lá non, gié.

  15. Tôi ở GiaLai, vừa rồi tôi có mua 1 vườn tiêu khỏan 500 trụ, tiêu đã thu hoạch được 4 mùa rồi. Xin các bạn chỉ gìum cách chăm sóc trước khi, sau khi thu họach và lúc đang ra hoa, nuôi trái. Và làm sao để nhận biết lọai tiêu đó là lọai giống nào? Các bạn nào có kinh nghiệm chỉ giùm với vì mình chưa bao giờ làm vườn cả.

    • Bạn hỏi toàn những vấn đề cơ bản, nhưng đã có nhiều bài viết và được thảo luận rất nhiều trên diễn đàn rồi. Bạn chịu khó tìm đọc lại để nắm trước đi đã nhé!

  16. @nguyenlevu; anh nên đến những nhà vườn có vườn tiêu đẹp trong vùng tham quan và học hỏi kinh nghiệm của họ là tốt nhất, em có đi qua Chư Sê vài lần công nhận là tiêu ở đây đẹp thiệt. Nhìn cái là mê liền, chúc anh thành công!

  17. Chào bác Nguyễn Vịnh! chào cộng đồng giá tiêu!
    Cháu mới trồng tiêu nên chưa có kinh nghiệm, bác cho cháu hỏi một số vấn đề được không ạ?
    Sau khi đọc được bài viết trên cháu đã tiến hành lâm như sau : khi thu hoạch xong cháu tiến hành rửa dây tiêu bằng thuốc gốc đồng. khoảng một tuần sau cháu đào xung quanh gốc và bỏ phân bò ủ nấm tricoderma. Bác cho cháu hỏi làm như vậy có được không bác?

    • Chào Trần Ngọc Sang. Tiêu thu hoạch xong chưa phục hồi mà rửa cây để tiêu ra đi hết à. Khi dùng thuốc gốc đồng để rửa cây thì ngưng hết phân thuốc. Khi nào tới mùa mưa thì mới tiến hành bỏ phân bò,npk, amino…. Cho tiêu.
      Thân

Gửi phản hồi mới

(?)