Khuyến cáo về phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu

, Khuyến cáo, 9

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê vừa ra Khuyến cáo số 09/KC-HH ngày 17/9/2012 gửi đến toàn thể hội viên là bà con nông dân sản xuất hồ tiêu về phòng trừ bệnh chết nhanh và một biện pháp canh tác khác trên cây hồ tiêu ở huyện Chư Sê. Sau đây là toàn văn khuyến cáo.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nên những năm gần đây mưa bão bất thường đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu, nhất là do ngập úng nước nên tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh và làm nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt.

Vì vậy, để chống ngập úng cho vườn tiêu trong những năm tới, đề nghị các chủ vườn tiêu khi trồng mới nên đào bồn sâu nhưng trồng cạn và đồng thời, thực hiện một số biện pháp canh tác phù hợp cho vườn tiêu của mình.

Qua nghiên cứu các tài liệu, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và kết hợp thực tế của các nhà vườn đã xử lý ngăn chặn thành công bệnh chết nhanh trên cây tiêu, Thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê hướng dẫn việc phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây tiêu như sau:

I. BỆNH CHẾT NHANH:

1. Triệu chứng và cách nhận biết

Bệnh trên lá: Ban đầu có vết chấm đen ở phiến lá và các vết hoại tử dọc theo gân lá, sáu đó lan dần ra chiếm một phần góc lá hoặc có các vết tròn lan rộng trên mặt lá, vết bệnh có màu đen bóng.

Bệnh trên thân: Bệnh xuất hiện ở từng nhánh, thân của cây tiêu. Ban đầu có chấm đen nhỏ sau đó lan rộng, phủ đen từng đoạn thân, cành và dần dần phủ kín cả thân, cành làm chết dây tiêu đó.

Bệnh trên gốc rễ: Ban đầu xuất hiện chấm đen ở một vài rễ hoặc một phần của gốc ngay sát mặt đất sau đó thối đen toàn bộ gốc rễ, làm tiêu chết cả cây trong thời gian rất nhanh. Trường hợp này cây chết héo, lá vẫn còn xanh.

2. Biện pháp canh tác để xử lý gấp

– Xử lý, đào mương thoát nước dọc theo vườn cách 1 hàng tiêu, đào 1 hàng, đáy mương sâu hơn đáy bồn 20cm rạch hàng từ đáy bồn ra mương để thoát hết nước trong đáy bồn tiêu ra mương. Những vườn tiêu có độ dốc thì đào 1 mương ngang ở trên đầu vườn, cuối vườn cũng đào 1 mương ngang để tập trung dòng chảy về nơi vô hại.

Những vườn bằng phẵng không có độ dốc vẫn đào mương dọc cách hàng như trên và rạch hàng từ đáy bồn ra mương để thoát hết nước trong đáy bồn tiêu ra mương. Những vườn có bồn quá sâu trên 20 cm thì nên lấp bớt lại.

3. Thuốc và cách phòng trị

– Những vườn chưa bị bệnh: Nên sử dụng các thuốc sinh học để phòng bệnh như Nấm đối kháng Trichoderma, chế phẩm Pseudomonas hoặc dùng một số loại thuốc hóa học đặc trị bệnh chết nhanh để phun và tưới gốc 2 lần cách nhau từ 7-10 ngày bằng 2 loại thuốc có hoạt chất khác nhau.

– Những vườn đã có tiêu bị bệnh chết nhanh hoặc có hiện tượng nhiễm nấm Phytopthora: Dùng các loại thuốc hóa học phun và tưới gốc 3-4 lần cách nhau từ 5-7 ngày bằng các loại thuốc có hoạt chất khác nhau, ví dụ lần 1 dùng Aliette thì lần 2 dùng Alphamil lần 3 dùng Treppach-Bul vv…

– Pha thuốc theo hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc.

– Chỉ mua và sử dụng những loại thuốc có ghi rõ đặc trị bệnh chết nhanh cho nhiều loại cây trong đó có cây tiêu như: Aliette; Alphamil; Treppach-Bul; Mexyz; Alpine….

– Cách phun: Nếu dùng máy bơm: Phun thuốc thành tia đủ mạnh để tưới ướt đẫm thân, cành, ngọn và xung quanh gốc, dùng cần sục để đưa thuốc tới bộ rễ của tiêu. Mỗi phi 200 lít nước thuốc đã pha, xử lý cho 60 – 70 trụ tiêu kinh doanh.

– Nếu dùng bình bơm tay: Điều chỉnh béc phun hơi lớn và phun mạnh vào thân, cành, ngọn và xung quanh gốc. Mỗi gốc bằng 3-4 lít nước thuốc đã pha/lần

– Những gốc tiêu đã bị bệnh chết nhanh cũng nên xử lý 1 đến 2 lần thuốc như trên để diệt nguồn lây bệnh.

Lưu ý: Sau 15 ngày kể từ ngày dùng thuốc hóa học lần cuối cùng nên dùng 1 loại thuốc sinh học để duy trì việc phòng bệnh cho đến hết vụ.

II. MỘT SỐ KHUYẾN CÁO KHÁC:

1. Qua tổng hợp nhiều nguồn thông tin và qua khảo sát thực tế kết quả sản xuất vụ mùa năm 2011-2012 của 6 tỉnh trọng điểm trồng tiêu trong nước là Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Thường trực Hiệp Hội hồ tiêu Chư Sê khuyến cáo và đề nghị quý hội viên là nông dân sản xuất hồ tiêu hiện đang còn hồ tiêu khô lưu trữ trong nhà mình thì cố gắng trữ lại thêm một thời gian nữa và theo dõi sát sao diễn biến của thị trường giá cả để quyết định việc mua bán cho phù hợp và đạt giá cao.

2. Đề nghị các chủ vườn thường xuyên kiểm tra bộ rễ xem vườn tiêu của mình nếu bị sâu bệnh hại như: rệp sáp, tuyến trùng, thối rễ tơ thì đề nghị các chủ vườn tiêu nhanh chóng tập trung chữa trị kịp thời và dứt điểm, đồng thời tăng cường sử dụng các loại chế phẩm, phân bón giúp tiêu ra rễ mới để đủ sức hút dinh dưỡng giúp cho cây tiêu phát triển tốt và bền vững.

3. Khi cắt dây tiêu giống, đề nghị các hộ gia đình phải sử dụng dụng cụ thật sắc bén để cắt dây tiêu, mục đích là để mặt cắt của dây tiêu không bị dập ảnh hưởng cho sự phát triển của cây tiêu sau này. Đồng thời, phải khử trùng dụng cụ cắt dây tiêu thật kỹ bằng cồn 90 độ hoặc các dung dịch khử trùng khác nhằm mục đích tránh lây lan nấm bệnh gây hại cho tiêu từ những cây mang bệnh sang cây khỏe. Nhất là vi rút gây bệnh tiêu điên.

Trên đây là hướng dẫn của Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê để phòng trị bệnh chết nhanh trên cây tiêu, có gì chưa rõ xin liên hệ số điện thoại: 0593.516767; 0914.150.570.

9 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Theo Hiệp Hội Tiêu Chư Sê bà con đừng nóng vội, cố gắng trữ lại thêm một thời gian nữa và theo dõi sát sao diễn biến của thị trường giá cả để quyết định việc mua bán cho phù hợp và đạt giá cao.

    Mình cũng nhất trí với ý kiến này, đợi tiếp đến đầu tháng 10 xem sao. Xin cám ơn.

  2. Chào các bạn. Tình hình là mình vừa lên thăm vườn tiêu mới phun thuốc BORDO COP SUPER 25WP thấy tiêu có hiện tượng rụng lá nhiều, có phải do mình phun kỹ quá không? Cũng có thể do mình rửa bồn phun lần trước có chứa thuốc cỏ (mình đã rửa rất kỹ). Các bạn cho mình biết nên làm gì bây giờ với, nó mà dụng sạch lá và quả thì toi. Các bạn giúp mình với nha.

  3. @nam thân! Trước khi phun thuốc tiêu anh có hiện tượng như thế nào? Đến hôm nay phun được mấy ngày rồi?

  4. Mình phun được 3 ngày rổi, do tiêu mình bị bệnh chết nhanh nên mình phun thuốc đó để phòng, không ngờ hôm nay lại như vậy. Giờ mình phải làm sao đây?.

  5. @nam thân!
    Bạn mô tả chưa kĩ, tôi không thể giúp bạn. Nếu bạn xác định chết nhanh mà xịt như khuyến cáo ở bài trên là đúng. Chúc bạn thành công. Thân chào!

  6. Chào anh Phan Phát. Em ở Bình Thuận, cho em hỏi mua những loại thuốc đó ở đâu? Và cách trị như vậy có hết không? Tại em mới nghe cách trị như vậy làn đầu, phun thuốc 3 lần mà 3 lần đều 3 loại thuốc khác nhau. Tiêu nhà em chết nhiều lắm bây giờ vẫn còn bị lây và chết. Giá những loại thuốc đó có đắt không anh. Em mới vô nghề mong anh chỉ giúp dùm em. Em cảm ơn nhiều.

    • Các thuốc trên chỉ cầm cây tiêu lại thôi chứ không hết hoàn toàn đâu. Muốn hết thì phải sử dụng hàng sinh học mới hết. Thân chào bạn.

  7. Chào tất cả các bạn mình.
    Cho mình hỏi toàn bộ lá trên cây tiêu lá nhỏ và xoăn, ngọn tiêu phát triển chậm là bệnh gì? hay thiếu phân gì? nên điều trị như thế nào? tiêu mình bị rất nhiều tình trạng như vậy, các bạn chỉ rõ giúp mình nhé.
    Rất mong được sự phản hồi sớm nhất. Mình xin cảm ơn

  8. Chào các thành viên của giatieu.com. Mình là người mới trồng tiêu nên chưa có nhiều kinh nghiệm.Mình muốn hỏi làm thế nào để ủ phân chuồng với trichoderma, và làm sao để biết nấm tricho đã ủ thành công và sinh sôi.

Gửi phản hồi mới

(?)