Mở sàn giao dịch hạt tiêu kỳ hạn tại Thành phố Hồ Chí Minh

, Giao Thương, Thị trường hạt tiêu, 14

san ky han

Tại Hội nghị Thường niên lần thứ 43 của Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC), Việt Nam và Ấn Độ đã đồng ý về việc mở sàn giao dịch hạt tiêu kỳ hạn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị Thường niên lần thứ 43 của Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) khai mạc hôm thứ Hai ở Mysuru, bang Karnataka – Ấn Độ, ông Rajani Ranjan Rashmi, phó chánh thư ký Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết Ấn Độ và Việt Nam sẽ cộng tác để mở một sàn giao dịch hạt tiêu kỳ hạn cấp quốc gia cho Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh. Hai bên đã chính thức ký kết một biên bản ghi nhớ chung về điều này.

Hiện tại, một phái đoàn của Việt Nam đã đến tham quan Sở Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn ở thành phố Mumbai để nghiên cứu chức năng hoạt động giao dịch kỳ hạn.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị IPC, ông Rashmi nói: “Sàn giao dịch mới này sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong giá cả hồ tiêu… Giá cả sẽ được ổn định hơn thông qua sự minh bạch”.

Ông Rashmi còn cho biết vào năm ngoái giá hạt tiêu đã tăng lên khá cao và thậm chí xác lập kỷ lục là 9,90 USD/kg đối với tiêu đen và 13,57 USD/kg đối với tiêu trắng vào thời điểm tháng 10 năm 2014, và vẫn được duy trì ở mức cao cho tới tháng 10 mới đây. Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng xuất khẩu tiêu của toàn thế giới trong năm 2014 là khoảng 278.000 tấn, đạt kim ngạch trị giá 2,3 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Rashmi cũng nhấn mạnh về việc tiêu chuẩn hóa chất lượng của hạt tiêu đen, và khuyến khích việc xây dựng hình ảnh cho tiêu thành một sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Ông nói: “Tiêu nên được xử lý, đóng gói và tạo dựng thương hiệu thành một sản phẩm dinh dưỡng, thảo dược hay nguyên liệu mỹ phẩm”.

Trong cuộc hội nghị lần này có khoảng 250 đại biểu từ các nước thành viên trong IPC bao gồm Brasil, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka và Việt Nam. Cuộc họp sẽ thảo luận về những tiến bộ gần đây trong canh tác hồ tiêu, sản xuất, chế biến, tiếp thị, cải thiện chất lượng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm hồ tiêu cũng như xúc tiến hợp tác thương mại giữa các bên.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
14 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Đã làm thì phải làm tốt, hiệu quả cao, chứ đừng là “bản sao” của sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột!

    • Chỉ mới biên bản ghi nhớ của Hiệp hội Hồ tiêu VN-Ấn Độ trong hội nghị thường niên của IPC thôi, không phải của cấp nhà nước đâu. Cho nên 1-2 năm nữa hay 5-10 năm nữa sàn mới đi vào hoạt động thì có trời mới biết được.
      Cho dù thế nào tôi cũng hy vọng như bác @Tiêu sọ vậy !

  2. Các bác nông dân mình, đặc biệt là nông dân trẻ, chúng ta cùng tìm hiểu về sàn giao dịch tiêu nhé!
    Nếu dùng đúng thì đây là một công cụ tốt để phòng ngừa rủi ro về giá.
    Lưu ý là nếu ta xem đó là sòng bài thì cũng có nhiều người trắng tay như sàn cà phê lắm rồi.

  3. Khoảng mươi năm nay tôi đã nghe chuyện mở sàn giao dịch cà phê, hạt điều, cao su,…, mở đi mở lại, đánh trống gõ chiêng khai trương nhiều lần rồi, nay lại được nghe thêm sàn giao dịch hạt tiêu. Nhưng tại sao vẫn không thấy sàn nào hoạt động cho có hiệu quả? nguyên nhân là từ đâu?
    Dù sao tôi cũng hy vọng lần này sàn giao dịch hạt tiêu thành công, vì VN mình đang là nhà sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới !

  4. -Ông Rashmi nói: “Sàn giao dịch mới này sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong giá cả hồ tiêu…”
    Không lẽ vị quan chức này muốn nói sàn giao dịch tiêu Kochi xưa nay chưa được minh bạch ?

    • Chính xác là sàn giao dịch Kochi xưa nay chưa bao giờ minh bạch, chưa bao giờ đáng tin cậy. Khi có ai đó đòi hỏi phải lấy hàng thật cho giao dịch của mình thì luôn gặp vấn đề: khi thì không có hàng, lúc thì hàng hóa có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng (vụ hơn 5000 tấn tiêu bị nhiễm dầu khoáng hồi 2013 đến nay vẫn chưa giải quyết xong).

  5. Sáng nay Dan Viet nói chuyện với một chị bạn hàng đang còn 40 tấn tiêu chị ôm vào lúc 205.000/Kg, chị gần như nói không ra lời, qua giọng nói thảng thốt, cảm giác như chị sắp ngất vì 40 tấn đó là số vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Số lỗ gần như là cả gia tài mà chị tích cóp cả cuộc đời buôn bán. Cũng không biết khuyên chị thế nào nữa!

    Không nên căn cứ vào bất kỳ sàn nào để mua hay bán mà chỉ nên căn cứ vào giao dịch thật.
    Đó là lời khuyên của Dan Viet.

    • Giá ở mức này thì mua ngay bán ngay kiếm ăn liền chứ mua để ôm trữ thì liều thật !
      Thuyền to thì gặp sóng lớn là chuyện thường trên thương trường mà…

    • Muốn ăn nhiều thì ôm nhiều, lời lỗ là chuyện thường tình. Đem cả gia tài ra buôn bán, nếu được thì ăn sung mặc sướng, có xe hơi lượn lờ, mất thì mất hết cũng bình thường. Chỉ có nông dân là giàu hay nghèo cũng từ mảnh đất và sức lao động mà ra, được ko nhiều nhưng mất cũng chẳng đên nỗi.

    • Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho mình và cho gia đình mình. Đằng sau chị ấy là cả gia đình, chồng con.
      Trong sự thành công/hay thất bại của ngành hồ tiêu đều có sự đóng góp của mọi người, các bác nông dân, chị em thương lái, nhà XNK. Dan Viet ước ao một ngày nào đó mọi người có thể nhìn nhau thiện cảm hơn, thân thiện hơn, tin cậy nhau hơn, và biết đau xót khi nhìn thấy đồng bào đau, cùng nhau xây dựng ngành hàng (và rộng hơn nữa là xã hội ) công bằng, bình đẳng, bác ái.

  6. Tôi nghe nói hiện nay các DNXK đã chào bán tiêu vụ mới chỉ 8.500 Usd/tấn ra Tết mới giao nên giá tiêu mấy hôm nay lao dốc. Có phải vậy không? xin mọi người trao đổi.

    • Dan Viet xin được miễn bình luận về mức giá mà các cty XNK chào ra ngoài hay được các đại lý chào. Chỉ bàn về có chế giá xuống/chào hàng kỳ hạn.

      1. Xuất phát từ nhu cầu bán tiêu non (bán tiêu trên cây) của nông dân, các thương lái ứng trước tiền cho những nông dân cần tiền gấp nhưng chưa thu hoạch tiêu. Giá cả đương nhiên là phải thấp hơn giá hiện tại vì lúc đó hái rộ và thương lái phải chịu nhiều rủi ro nên phải trừ hao nhiều.
      2. Các thương lái muốn chắc ăn (chỉ ăn khoản tiền chênh lệch mà thôi) sẽ ký hợp đồng kỳ hạn với các cty XNK để đảm bảo được hưởng mức chênh lệch.
      3. Tuy nhiên, cũng có những thương lái liều lĩnh, ký khống (chỉ chốt với các cty XNK nhưng không chốt với nông dân) nếu giá xuống thấp hơn mức đã ký thì họ mua vào, giao hàng và kiếm lời. Nếu giá không xuống như họ tính thì họ buộc phải mua giá cao hơn hoặc bỏ cọc (trong ngành tiêu, muốn ký hợp đồng kỳ hạn với các cty XNK thì bạn hàng phải đặt tiền cọc 10% để đảm bảo giao hàng chứ không “xù” khi giá thị trường cao hơn giá đã ký tại thời điểm giao hàng).

      Do diễn biến thị trường những năm gần đây đã làm khá nhiều đại lý ký khống bị phá sản nên có lẽ vụ tới, tỷ lệ các đại lý dám ký khống rất thấp, đa số chỉ ký khi đã chốt với nông dân. Nói như vậy để mọi người thấy là giá giảm là xuất phát từ nông dân chứ không phải do đại lý hay cty XNK.
      Nếu như cty XNK đã ký được hợp đồng kỳ hạn với giá thấp hơn, hiện nay họ cũng đủ hàng để xuất thì không có lý do gì phải mua vô khi mà 1-2 tháng nữa chắc chắn họ sẽ có hàng giá thấp hơn (vì đã ký hợp đồng và nhận cọc 10% của đại lý)

  7. Dan Viet ơi cho tôi hỏi một chút. Việc mở sàn giao dịch cần tốn nhiều tiền và mặt bằng để xây dựng. Mình có thể mở một sàn giao dịch ảo trên mạng Internet được không. Tôi thấy mấy sàn giao dịch lớn như ở Luân Đôn (trên TV) họ tập trung nhiều người lại rồi la hét om xòm, gọi điện chí choé, thao túng giá cả mặt hàng mà họ không đổ mồ hôi mới có được. Tôi thấy thật bất công. Nếu có được một sàn giao dịch tiêu ảo trên mạng Internet và liên kết các bác nông dân lại cùng nhau chi phối thị trường, giá cả ắt hẳn nông dân có lợi.
    Mình tiêu đứng đầu thế giới mà lại phụ thuộc vào Ấn Độ thiệt là tức chết

Gửi phản hồi mới

(?)