Một số hiểu biết khi sử dụng nấm Trichoderma và nấm ký sinh

, Khuyến cáo, 86

Rất nhiều bà con còn thắc mắc chung quanh việc sử dụng nấm Trichoderma và nấm ký sinh côn trùng một cách hợp lý để phòng chống dịch hại cho cây tiêu. Dưới đây là những chia sẻ của Tieuphong với cộng đồng giatieu.com. Mong bà con vận dụng để chăm sóc vườn tiêu của mình bền vững hơn.

Một số hình ảnh vi nấm được tái hiện dưới kính hiển vi

Thân gửi bà con cộng đồng giatieu.com!

Mặc dù ngày mùa rất bận rộn, tôi cũng cố gắng đáp ứng yêu cầu của bà con, hy vọng những ghi chép này sẽ giúp bà con bổ sung vào hiểu biết của mình về vi nấm.

Về nấm Trichoderma và nấm ký sinh côn trùng

*Nấm Tricho tấn công nấm gây hại có trong tự nhiên bằng các con đường:
– Cạnh tranh nguồn thức ăn.
– Tiết chất kháng sinh gây chết nấm gây hại rồi tiếp tục tiết Enzym phân hủy và ăn xác nấm gây hại.
-Tricho cũng tấn công tuyến trùng bằng cách tiết chất kháng sinh gây chết tuyến trùng, sau đó bao vây với số đông rồi giết chết tuyến trùng, gọi là cơ chế thắt chặt cổ tuyến trùng.

*Nấm ký sinh côn trùng chủ yếu có 3 dòng : nấm trắng, nấm xanh và nấm hồng.
Đối với nấm ký sinh trên côn trùng ( NKSCT) Tricho không cạnh tranh với NKSCT vì hai loài này dùng hai nguồn thức ăn khác nhau.Tuy nhiên Tricho tiết kháng sinh làm ức chế hoạt động của NKSCT và có thể giết chết nó với quân số cao hơn.

Vì vậy, nhà sản xuất khuyến cáo không nên sử dụng 2 sản phẩm này chung một lần. Nên sử dụng NKSCT trước ít nhất 15 ngày sau đó mới sử dụng Tricho.

Trong trường hợp sâu bệnh hoành hành thành dịch, nhà nông sử dụng NKSCT sau khi đã sử dụng Tricho thì NKSCT vẫn có thể hoạt đông được (nhưng thời gian tối thiểu phải sau 15 ngày) hiệu lực tuy có giảm bởi NKSCT được rắc, tưới tập trung vào cổ rễ sau đó theo dòng nước phân tán theo hệ rễ (nơi côn trùng tập trung), hoặc phun lên cây để tiêu diệt nhiều loài côn tùng gây hại.Thực tế trong tự nhiên, tất cả các loài vi sinh vật có lợi cũng như có hại đều cùng tồn tại và sinh sôi ở thế cạnh tranh nhau.

Vi nấm sợ chất hóa học, vậy tại sao trộn vi nấm vào phân (có chứa các thành phần hóa học)?

Cần phân biệt như sau:
-Thuốc hóa học BVTV như thuốc trừ sâu bệnh, côn trùng… các loại thuốc này đều gây hại cho động vật và vi sinh vật.
– Thuốc trừ cỏ và thuốc hóa học BVTV có gốc canazon (ví dụ hecxaconazon) là hai loại hủy diệt vi nấm hữu ích.

Các loại phân bón như NPK, các muối kim loại trung vi lượng như canxi, ma nhê, clo, lưu huỳnh, đồng, sắt, kẽm, măng gan, bo không gây hại cho động vật vi sinh vật và cho cả thực vật nếu sử dụng đúng liều lượng.

Vì vậy, việc trộn các loài nấm hữu ích vào các sản phẩm phân bón thuần túy không gây hại cho vi nấm. Một số còn là nguồn thức ăn cho vi nấm hữu ích như các amino axít (cũng là những chất hóa học). Các loại phân bón này chỉ làm cho môi trường đất bị ngộ độc (làm cho pH xuống dưới 5,5) do những gốc hóa học khó phân hủy, tích lũy trong nhiều năm canh tác và chúng làm thay đổi độ pH của đất, làm cho các loại vi nấm hữu ích bị ức chế hoặc chết. Thế cho nên vì sao trong rừng cây cỏ chen nhau mọc mà cây cỏ, đất đai trong rừng vẫn tốt?

  • Ngưỡng pH lý tưởng cho:  – Nấm Tricho : 6,5 – 6,8 ;  – Vi nấm KSCT: 6,8 – 7,2.

        Chúc bà con thành công!

Tiêuphong (Giatieu.com)

Báo Giá cà phê qua điện thoại
86 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Cảm ơn chú tiêuphong rất nhiều vì đã có một bài viết thật hay, rất đáng để học tập. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm trichoderma, vậy xin hỏi chú sản phẩm của công ty nào hiệu quả nhất hay loại trechoderma nào cũng giống nhau? Xin chú tư vấn giúp xin cảm ơn.

  2. Xin chào anh tieuphong
    Trước tiên xin cảm ơn anh về baì viết rất hữu ích, lần trước qua bài viết kỹ thuật làm bông em có hỏi anh về vi nấm 3 màu và trichoderma dùng trị rệp sáp và tuyến trùng, em đã làm thử kết quả rệp sáp chết hết, nhưng còn con rầy nâu chết ít lắm, em định gọi điện hỏi anh nhưng phần ngại vì anh cũng đang bận mùa cà phê phần vì em chưa dùng lại lần 2 nên chưa chắc chắn về kết qủa. Mà chưa làm, chưa thử hết mọi cách, chưa suy nghĩ kỹ thì em kg dám hỏi. Nay em đang dùng thử lần 2 đang chờ kết qủa.
    Hiện em đang chuẩn bị xay cà phê xin hoỉ anh cách dùng nấm trichoderma để ủ vỏ cà phê, trên em chủ yếu ngừơi dân bỏ trực tiếp anh ạ, nhưng vỏ cà phê khó phân giải nên em nghĩ làm vậy không hiệu quả. Search trên Google thì cũng có công thức nhưng em vẫn băn khoăn vì chưa làm bao giờ, chỗ em hiếm phân bò lắm có mua thì khoảng 900 – 1triệu/khối mà phân giả thì tràn lan. Em kết hợp vỏ cà với phân heo được không anh?

  3. Xin chào anh tiêu Phong. Em ở Lâm Đồng, em có một thắc mắc muốn hỏi mong anh vui lòng cho em biết. Hiện em đang trồng thí điểm 200 trụ tiêu theo sự tìm hiểu hơi chủ quan của em, người bán giống tiêu cho em họ nói là giống tiêu Ấn Độ nhìn ngoại hình phàn lá xanh và dày, các cành tược có 2 đến 3 cành cho một đốt, hiện vườn tiêu của em đang ở độ tuổi năm thứ nhất,rất mong anh giả thích giùm em đó có phải giống tiêu Ấn Độ hay không, em xin cảm ơn nhiều.

  4. Cảm ơn chú Tiêu Phong rất nhiều, bài viết của chú rất tuyệt vời và hữu ích. Từ đây biện pháp sinh học bắt đầu được sử dụng nhiều hơn biện pháp hoá học trong phát triển cây tiêu theo cách bền vững. Đọc được bài viết này của Chú, cháu như người trôi sông gặp được cứu phao. Trị rệp sáp (vị khách không mời mà đến), trị tuyến trùng (kẻ sát thủ thầm lặng) bằng phương pháp hoá học cháu còn sợ và đau đầu hơn là phòng trị bệnh chết nhanh do nấm phytophthora (kẻ hủy duyệt hàng loạt) vì ở nơi cháu phân chuồng, tro mía rất nhiều, nấm trichoderma và vi nấm 3 màu đều có thể tìm được. Cháu là người luôn muốn sử dụng sinh học vào nông nghiệp, nhưng Cháu không biết mua dầu sáp ở đâu nên cháu định sử dụng dầu hỏa pha chung với vi nấm ba màu để phòng trị rệp sáp cháu không biết có đạt hiệu quả không, cháu mong chú chỉ giúp (cháu không muốn dùng thuốc hoá học để trị rệp sáp và tuyến trùng vì dùng thuốc thì giun đất bị chết hết, mất giun đất thì đất bị chai hoá, giảm khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây và đất cũng không thở được). Rất mong Chú có nhiều bài viết giúp nông dân trồng tiêu! Thân chào Chú!

    • Phản hồi của bạn không được hiển thị do có thể gây tổn hại cho các thương hiệu theo nguyên tắc cộng đồng.
      Xin mời đọc thêm những Nguyên tắc gửi phản hồi ! Cám ơn.

  5. Cháu chào chú Vịnh! Cháu xin hỏi chú mong được sự hướng dẫn của chú, cháu chưa biết nhiều về trico giờ cháu muốn dùng để phun vào gốc cà phê để lá và cành cà nhanh phân hủy khỏi mất công vét lá được không chú.

  6. chào anh Tiêu Phong bài viết của anh thật bổ ích cho những người trồng tiêu mà chưa hiểu biết gì nhiều như tôi.anh có thể cho tôi xin số điện thoại của anh để học hỏi một ít kinh nghiệm nhe anh.

  7. Chào anh Vịnh! anh cho tôi hỏi, trên lá non và đọt non, kẽ cuống lá non có nhiều chấm trắng nhỏ li ti. Khi lấy tay bóp nổ bép bép và có nước ướt. Cho tôi hỏi đó là hiện tượng gì? liệu có phải là do dư đạm trong cây không?

    • Chào bạn. Nội dung này đã được trao đổi rất nhiều lần trên diễn đàn. Lần sau bạn nên cố gắng tìm đọc.
      Đây là trứng côn trùng, có mùi tanh. Theo tôi khảo sát, tìm hiểu tại Trảng Bom – Đồng Nai, là trứng của một loại nhện đỏ rất nhỏ, dùng kính lúp mới thấy rõ. Chúng chích hút lá tiêu làm lá giảm khả năng quang hợp, cây suy, hạt tiêu không mẩy.
      Sử dụng thuốc nhủ dầu trừ côn trùng, xịt 2 lần cách nhau 7-10 ngày sẽ hết.

    • Chào anh Vịnh. Em ở Sóc Trăng, anh cho em hỏi vườn cam sành mình có tưới nâm trico được ko anh. Em có một lần tưới xong rồi rải phân lân lên đậy cỏ lại, làm như vây nấm có sống trong đất ko anh? Cám ơn anh.

    • Tricho là nấm đối kháng, hữu ích, giúp ngăn chặn một số nấm bệnh gây hại trên hệ rễ của cam sành thường làm cho cây chết héo.
      Sau khi đổ tricho, tủ gốc giữ ẩm là biện pháp hợp lý. Nhưng rải phân lân là sai hoàn toàn vì phân lân gây ức chế, không cho nấm tricho hoạt động, thậm chí còn tiêu diệt cả tricho.

    • Bạn có thể cho mình nguồn nói về vấn đề lân làm ức chế sự phát triển của tricho được không? tại mình chỉ mới biết tới tricho giúp phân giải photphos (lân) khó tiêu giúp cây hấp thụ chứ chưa thấy tài liệu kêu ức chế hết. Cảm ơn bạn nhé.

    • Phân giải lân chủ yếu là vi khuẩn thuộc 2 chi Bacillus và Pseudomonas. Có một số vi nấm cũng phân giải lân như Penicillium, Rhizopus,… và xạ khuẩn Streptomyces. Nhưng nói tricho phân giải lân là không hợp lý và cũng không ai nói. Vì với nông dân trồng tiêu, nói đên tricho là nói nấm đối kháng !
      Cần chú ý từ ngữ, tôi nói phân lân có thể… ý là phân lân Văn Điển, chứ tôi không nói lân (phospho).
      Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cho bà con nông dân trồng tiêu tham khảo, không nhất thiết đi sâu vào học thuật. Mà đã là học thuật cần phải chính xác !

  8. Chào tất cả mọi người. Em là lần đầu tiên tham dự diễn đàn này. Các anh chị cho em hỏi làm thế nào để trị được bệnh thối gốc và héo rũ trên cây hoa vạn thọ. Em mua trichoderma ở ngoài cửa hàng về bỏ gốc cây vạn thọ mà vẫn chết như thường. Giờ em đang làm mùa vụ mới. Cây con của em nay được 20 ngày tuổi rồi mà cứ chết từ từ, thân cây bị đen rồi teo tóp lại chết. Có cây vắt có giọt nước như sữa chảy ra, nhưng lá còn xanh có khi chỉ bị có 1 nhánh thôi rồi chết cả cây luôn. Có ai biết cách trị bệnh này không chỉ em với. Mong mọi người giúp đỡ em. Thân chào.

    • Chào @Hoa Mai
      Bệnh thối gốc và héo rũ cây con trong giai đoạn vườn ươm thường được gọi là bệnh chết luộc, do 1 loài nấm hại gây ra. Có 2 loại thuốc được sử dụng :
      – Thuốc hóa học: hầu hết các loại thuốc chống nấm phổ rộng, có tác dụng lưu dẫn, đều phòng trừ có hiệu quả. Tuy nhiên thuốc Metalaxyl tỏ ra hiệu quả vượt trội hơn. Có tác dụng tức thì.
      -Thuốc sinh học: như kháng sinh Phytomycin có tác dụng chống, đặc biệt an toàn cho rau củ quả làm thực phẩm hơn, nhưng có tác dụng chậm.
      Vi nấm Trichoderma có tác dụng phòng ngừa cao hơn là diệt trừ nấm bệnh. Do đặc điểm của vi nấm đối kháng nên chỉ dùng trước khi bệnh xảy ra.
      Thân

    • Chào bạn @Hoa Mai.
      Bệnh heo rũ cây con vườn ươm có thể dùng bài thuốc trừ sâu bệnh sinh học tự bào chế từ tỏi + gừng + ớt + riềng, mỗi loại 1 kg giã nhỏ ngâm với 4 lít rượu. Bạn làm với số lượng 1/10 để dùng thử xem hiệu quả ntn? Thời gian ngâm khoảng 15-20 ngày. Bạn lấy 15-20cc rượu đã ngâm pha với nước sạch trong bình 8 lít để xịt.
      Bài thuốc này trên nhiều báo về nông nghiệp, nông thôn có đăng, mà có bài chỉ có 3 vị, không có củ riềng. Bạn nhớ phản hồi kết quả cho cộng đồng biết với nhé. Chúc bạn thành công.

  9. Chào chú và diễn đàn.
    Ở chỗ cháu tự dưng khoảng 1 tuần nay trời chuyển mưa dầm mà mưa rất lớn, cháu nghe nói là có áp tháp nhiệt đới kéo dài và bị El nino ảnh hưởng nữa. Cháu lo là mưa nhiều, đất quá ẩm sẽ làm cho dịch bệnh phát triển nên cháu tính bón tricho để phòng ngừa bệnh. Cháu bón bữa nay đươc không chú? cháu nên bón loại nấm tricho nào? cháu tính nhân sinh khối lên để bón cho lợi được không chú? Xin chú cho cháu lời khuyên. Cháu cám ơn

    • Muốn phòng ngừa bệnh, bạn nên bón trichoderma sp 2 lần đầu và cuối mùa mưa, và chỉ cần bổ sung thêm 1 lần ít hơn giữa mùa mưa. Mùa nắng không cần bón vì các loại nấm bệnh hầu như không hoạt động khi thời tiết khô hạn, độ ẩm xuống thấp.
      Chỉ nhân sinh khối nếu chắc chắn mật số sẽ tăng lên nhiều hơn.

    • Mình xin cám ơn bạn. Bạn chia sẻ cho mình biết sản phẩm trichoderma nào có chất lượng để mình sử dụng với nhé.

    • Yêu cầu này của bạn nghe chừng cũng khó lắm vì nông dân như mình làm sao biết được chất lượng.
      Theo mình thì ngược lại, anh nào cứ “một tất đến giời” thì mình tránh xa.

    • Chào các bạn.
      Bàn về vấn đề sử dụng vi sinh vật khó cho bà con mình thật !
      Mình thấy sử dụng nấm tricho của thương hiệu nào là do bà con đã dùng rồi chia sẻ lại với nhau hợp lý hơn cả. Hoặc các bạn dùng thử một sản phẩm với số lượng nhỏ, sau thời gian ngắn thấy nấm lây lan nhanh, tỏ ra có hiệu quả mới dùng đại trà.
      Mình cũng đồng ý với @Văn Bình là bỏ qua mấy anh “nổ”.

  10. Chào mọi người! Tiêu con trồng tầm một tháng bây giờ bón phân được chưa? Mọi người cho xin ý kiến ạ! Rất mong nhận được phản hồi sớm. Xin cám ơn ạ.

    • Chào bạn. Tiêu con trồng mới rất cần được bón lót nền hữu cơ đảm bảo đầy đủ, cẩn thận.
      Thường thì trong vài tháng đầu chưa cần bón phân gì thêm. Lúc này bộ rễ còn non, nếu muốn, bạn nên dùng phân sinh học đổ gốc kích cho bộ rễ phát triển mạnh là tốt hơn cả.

  11. Chào chú Vịnh và mọi người. Cho cháu hỏi làm sao cho pH đất trở lại trung bình.
    Cháu một năm bón vôi một lần một sào một tạ vôi bột và một trụ 10k phân chuồng và 1,5k phân vôi lân địa long, mà đầu mùa mưa cháu đo pH chỉ có 3,5 – 4. Mong mọi người chỉ cháu cách khắc phục.

  12. Xin chào mọi người. Em mới lần đầu tham dự diễn đàn này. Mọi người cho em hỏi là bình xịt đã dùng qua thuốc trừ sâu rồi, còn có thể sử dụng chế phẩm sinh học được không? Hay là phải dùng bình xịt mới? Rất mong sự phản hồi…

    • Súc rửa bình, vòi phun, dây ống… thật sạch sẽ, phơi nắng để bay mất hết mùi là dùng được.

  13. Chào Cô, Chú, con đang tìm hiểu về việc làm giá thể để trồng rau mầm. Nhưng con chưa biết phải làm ra sao cô, chú có thể góp ý cho con là nên làm gì và chọn loại vi sinh vật nào cho vào đất để phân hủy xơ dừa tốt nhất cho rau mầm không ạ. Con cảm ơn.

    • Bạn trồng rau mầm có thể dùng xơ dừa, trấu, cát… làm giá thể đểu được, miễn là chất làm giá thể đó còn mới chưa nhiểm bẩn. Làm rau mầm thời gian thu hoạch ngắn (khoảng từ 7 đến 10 ngày) nên bạn không cần dùng bất cứ một loại phân, thuốc nào cả, chỉ tưới cho rau bằng nước sạch (rau siêu sạch mà). Nều là lần đầu bạn làm nên vào Ggoogle tìm hiểu “cách làm rau mầm” có nhiều video hướng dẫn chi tiết lắm. Chúc bạn thành công.

  14. Chào các bạn
    Không rõ các bạn nghe thông tin từ nguồn nào cho rằng vi khuẩn mới len lỏi vào bên trong tế bào để tiêu diệt độc tố do nấm bệnh tiết ra còn nấm tricho không làm được vì không thể sống trong tế bào cây được.
    Có lẽ có sự nhầm lẫn đâu đó vì các nhà sản xuất tricho đều có đưa ra cách sử dụng là phun lên cây. Bạn thử nghĩ phun lên cây rồi thì nó làm gì? đi đâu? không lẽ nằm đợi tia tử ngoại tiêu diệt? căn cứ vào đâu để cho rằng nó không vào được trong cây? nấm bệnh sống trong tế bào cây được thì sao nấm tricho không sống được ? Nó cũng là vi sinh vật mà !
    Nếu vì lí do nào đó để ưu tiên chọn nấm tricho là lời khuyên chính xác, vì tricho có nhiều chức năng hơn. Ngoài dòng đối kháng nấm bệnh, còn có dòng “ăn thịt” côn trùng, “săn” tuyến trùng, phân hũy xác bã hữu cơ… khoa học chưa phát hiện hết, còn điều kiện để phân lập theo từng dòng cũng rất khó khăn nên nhà sản xuất gộp chung là trichoderma sp (chưa phân lập).
    Pseud là vi khuẩn, các bạn cần thận trọng khi dùng sản phẩm này.
    Xin chia sẻ để cộng đồng giatieu.com cùng tìm hiểu thêm.

  15. Chào cộng đồng giatieu.com. Cho em hỏi có thể hòa chung trichoderma + biogel rồi tưới vô gốc tiêu được không vậy

    • @ Hòa Hiệp!
      Trichoderma hòa chung với biogel đổ gốc tiêu là tuyệt hảo rồi, có gì đâu khiến bạn phải mất công suy nghĩ.

  16. Chào @ tiêu lép!
    Một số nhà sản xuất (không phải tất cả) khuyên bà con phun tricho lên cây (họ xúi bậy đấy), tôi cương quyết phản đối quan điểm này.

    Tôi xin giải thích nhé, tricho là nấm đa bào, có dạng hình sợi phân nhiều nhánh, ở giai đoạn trưởng thành, có thể quan sát bằng măt thường. Lỗ khí khổng của lá thì vô cùng nhỏ, khi phun tricho đã nhân sinh khối (nấm sinh dưỡng), sợi nấm dài ngoằn như thế chui qua khí khổng sao được. Cho rằng không phun nấm sinh dưỡng mà chỉ phun bào tử tricho lên lá, bào tử tricho được “hút” vào lá theo cơ chế thẩm thấu tự nhiên, sau đó bào tử nảy mầm rồi ăn gì để lớn, chả lẽ lại ăn luôn thịt lá sao. Cứ cho là tricho vẫn sống và lớn lên được, nhưng sợi và các nhánh của nó sẽ vươn đi đâu khi các tế bào lá xếp sát cạnh nhau, khe hở giữa các tế bào cây nhỏ hơn phần triệu milimet. Đến đây chắc bạn đã biết có nên phun tricho lên lá hay không rồi chứ.
    Thứ hai, tất cả các dòng nâm tricho đều sử dụng nguồn thức ăn chính là các loại đường như đường đơn (glucozơ, fructozơ), đường đôi (sacarozơ), đường đa (tinh bột và xenlulozơ). Riêng các dòng tricho đối kháng săn mồi dùng đa dạng thức ăn hơn như protein (thịt tuyến trùng).
    Thứ ba, bạn nói rằng nấm gây hại sống được trong cây thì sao tricho không thể sống được. Nấm gây hại tiết enzym và độc tố phá hủy tế bào sống, chúng ăn thịt tế bào đã bị trúng độc (vì thế mà chúng bị gọi là nấm gây hại). Tricho thì ngược lại, tricho và rễ là bạn tốt của nhau, hệ enzym do tricho tiết ra kích thích bộ rễ phát triển mạnh hơn.
    Pseud chỉ duy nhất 1 tế bào, di chuyển linh hoạt nhờ có roi ở đầu (tricho không di chuyển được, chỉ đứng yên 1 chỗ trong suốt cuộc đời). Vi khuẩn Pseudomonas có đến hàng nghìn chúng loài, đa phần là gây hại. Pseudomonas gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người. Chỉ có 1 ít loài là có ích được dùng trong nông nghiệp. Loài được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là Pseudomonas fluorescens.

    Theo tôi, nếu vườn chăm sóc tốt, có nền hữu cơ dồi dào, đất tơi xốp thoáng khí, không úng nước, đọ pH thích hợp,…thì chỉ cần dùng tricho thường xuyên là quá tốt rồi. Nhưng nếu vì lý do nào đó làm cản trở sự phát triển của tricho, nấm gây hại có điều kiện xâm nhập, phát riển mạnh và độc chiếm vùng rễ, nấm gây hại đi đến đâu đều để lại độc tố xung quanh môi trường, độc tố này khiến tricho(do ta bổ sung) không thể tiếp cận (giáp lá cà) với nấm gây hại được. Trong đấu tranh đối kháng, tricho ôn hòa, còn pseud hung dữ và quyết liệt hơn nhiều. Vì vậy khi trị bệnh cho tiêu, nên phối hợp binh chủng, cho pseud làm tiên phong công thành, pseud phân hủy, hoá giải độc tố và enzym của nấm bệnh tiết ra, tricho với vai trò hậu quân, tái chiếm và tiếp quản những vùng đất vừa được pseud giải phóng. Sau đó cả tiền quân và hậu quân phối hợp tiêu diệt tàn quân. Tricho tiếp tục ở lại giữ thành trì đất đai còn pseud tự hủy dần vì không có khả năng tạo bào tử.

    Quan điểm của tôi về tricho và pseud là như vậy đó. Nếu các bạn thấy tôi nói có điểm nào vô lý và phản khoa học thì mong các bạn thẳng thắn góp ý cho. Chúc cộng đồng Giá Tiêu luôn vui khỏe và thành công. Chào thân ái!

    • Chào Cộng đồng Giatieu!
      Trước hết, con cảm ơn bác Nguyễn Vịnh hôm trước tư vấn cho con rất bổ ích
      Hôm nay, mình đọc trong phản hồi của bài viết này thấy có phản hồi cua bạn @Trần thấy có vẻ hợp lý. Nhưng tính đúng sai như thế nào mong các cô chú, anh chị em có nhiều kinh nghiệm về trồng tiêu trên diễn đàn nhận xét để mọi người, trong đó có mình được học hỏi.
      Mình xin cảm ơn, chúc cộng đồng 1 ngày tốt lành!

    • Thân chào mọi người trên diễn đàn!
      Tôi xin nêu rõ vấn đề chữ “sp” ở đây nha. Vì trichoderma có rất nhiều dòng khác nhau và cơ chế tác động cũng khác nhau nên nhà sản xuất không muốn cho công ty đối thủ biết dòng Trichoderma mà họ sản xuất nên chỉ ghi là Trichoderma sp (sp đây là viết tắt của chữ species – loài hay chủng, giống…). Ai muốn quan tâm hiểu rõ về trichoderma hơn thì xin nêu câu hỏi để tôi giải đáp.
      Về qui trình ủ phân thì trên mạng có nhiều lắm quan trọng bạn có tin vào điều họ viết không. Nhưng tôi từng thực nghiệm và tham khảo nhiều quy trình ủ phân duy nhất với trichoderma của nhiều nông dân quá trình ủ có thể kéo dài đến 5-6 tháng mà vẫn chưa hoai mục hoàn toàn. Nhưng tôi tâm đắc ở bạn Châu Phong là nên sử dụng thêm EM trong quá trình ủ tăng thêm chất lượng phân và rút ngắn thời gian ủ.
      Đôi điều chia sẻ !

  17. Cho em hỏi, nhà em thường ủ phân chuồng với nấm tricho để thật hoai mới đưa bón cho tiêu. Nhưng bác hàng xóm bảo là phải bổ sung nấm tricho khác mới đưa ra bón vì tricho bỏ khi ủ đã chết hết rồi. Ba em thì bảo không cần bỏ thêm nữa vì đã ủ bằng tricho rồi… Em thấy ý kiến của ai cũng có lý cả.
    Xin cộng đồng giatieu cho em thêm ý kiến. Em xin cám ơn. Chúc mọi người sức khỏe.

  18. Chào Chú Vịnh cùng cộng đồng!
    Cám ơn Chú những tư vấn hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt. Chú cho cháu xin hỏi thêm vể cách ủ phân Vi Sinh.
    Vì khu vực cháu ở Huyện Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu có trồng rất nhiều điều, hàng năm có một lượng lớn lá điều khô bỏ đi lãng phí quá… Vậy có cách nào ủ lá điều này làm phân Vi Sinh để bón cho tiêu và điều được không. Nếu có cách làm Chú cho cháu xin quy trình ủ phân có được không ?
    Cám ơn Chú và cộng đồng nhiều .

    • Mọi xác bã thực vật, rác thãi nông sản… đều có thể ủ làm phân vi sinh.
      Bạn áp dụng theo qui trình ủ vỏ cà phê hay ủ phân vi sinh có trên giatieu.com. Chọn mua nấm tricho chất lượng tốt để ủ là rất quan trọng và cần bổ sung thêm các vi sinh vật hữu ích (EM) bằng nhiều nguồn khác nhau để phân ủ giàu chất dinh dưỡng hơn.
      Mình thường bổ sung từ phân sinh học biogel thấy rất hiệu quả.

  19. Cháu chào bác Vịnh, chú tieuphong và các cô, chú trên giatieu.
    Cháu thấy chú tieuphong có giới thiệu nhiều chủng loại nấm tricho. Nhưng trên thị trường vô số hãng để mua để mua sp đạt chất lượng thì cháu không biết chú và mọi người có thể giới thiệu cho cháu với.

  20. Chào tất cả mọi người!
    Nhà em có trồng 400 trụ tiêu nhưng trong đó có 10% là bị tiêu điên, nhà em không cắt dây hay bỏ phân hóa học chỉ bỏ bánh dầu. Mọi người có thể chỉ cho em nguyên nhân và cách điều trị được không ạ.
    Còn 1 vấn đề em muốn hỏi là em mới trồng khoảng 300 trụ vào năm nay nhưng không hiểu tại sao 1 số thì đứng tại chỗ không ra đọt, 1 số thì lên khoảng được 20 phân thị bị vàng lá rồi chết. Đất nhà em thoát nước khá là tốt độ dốc khoảng 5%.
    Mong mọi người tư vấn và hướng dẫn dùm em cách điều trị. Chúc tất cả mọi luôn thành đạt trong công việc.

    • Chào bạn. Xin được góp ý với bạn như sau:
      Bạn nên xác định lại tiêu điên hay là bị rối loạn dinh dưỡng. Nếu là tiêu điên thì biện pháp duy nhất là nên nhổ bỏ. Vì tiêu điên sẽ không cho năng suất cao. Và chữa trị sẽ rất tốn kém và không có hiệu quả. Khả năng cao là nhà bạn đã mua giống tại vườn tiêu đã bị bệnh. Còn tiêu mới trồng đã vàng lá rụng đọt bạn có làm như sau. Bạn dùng thuốc có hoạt chất Mancozeb+Metalaxyl phun đều trên lá và phun đẫm dưới đất. Sau đó khoảng 7-10 ngày tiếp theo bạn có thể đổ biogel kết hợp với nấm trichoderma để phục hồi bộ rễ và phòng các bệnh hệ rễ cho tiêu. Đây là ý kiến cá nhân bạn nên tham khảo thêm. Thân ái

    • Chào cháu @nguyễn hiền.
      Tiêu điên có rất nhiều nguyên nhân, có thể tóm gọn trong 4 nguyên nhân chính:
      1. Do nguồn giống không sạch bệnh hay bị lây nhiễm virus trong quá trình lấy giống, nhất là dụng cụ dùng cắt hom giống không sát trùng cẩn thận, kỹ càng.
      2. Do quá trình chăm sóc hay môi trường sống không thuận lợi như để khô hạn làm thiếu ẩm, bị nắng gắt không che bóng, bón phân, phun thuốc, cắt giống không đúng lúc, cây không hấp thụ được dinh dưỡng…
      3. Do bón phân không cân đối, đầy đủ, phù hợp nhu cầu, chủng loại… chủ yếu là thiếu các trung vi lượng…
      4. Bị côn trùng chích hút, cắn phá lá non hay các bệnh về lá.
      Phải xác định được nguyên nhân đúng mới chữa trị khỏi.
      Riêng bị virus có thể chữa được bằng một số kháng sinh thực vật nhưng hiệu quả không cao, khá tốn kém. Biện pháp hợp lý nhất là nên loại bỏ, trồng lại.
      Thân

  21. Chào @Trần!
    Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn về việc tricho không thể phun lên lá cho dù nhà sản xuất có ghi.
    Lí do: thứ nhất, giống như bạn đã trình bày.
    Thứ 2: tôi có thằng em rể là kĩ sư công nghệ sinh hoc đang làm việc cho một cty chuyên sx tricho và các loại phân bón, thuốc BVTV sinh hoc. Mấy lần nó có cho tôi mấy bịch tricho, thấy trên bao bì có ghi: “có thể phun lên lá”, tôi mới hỏi phun lên lá thì làm sao tricho nó sống được. Nó trả lời tại nông dân người ta thích vậy thi ghi vậy cho dễ bán. Vậy đôi điều trình bày cùng bạn!

    • Quan điểm của tôi cũng vậy !
      Phun bào tử lên lá thì làm sao nấm sinh trưởng trong môi trường nắng gió thiếu ẩm được ?

  22. Ở chỗ cháu mùa này có nhiều vườn bùng phát dịch bệnh, tiêu chết hàng loạt.
    Cháu lo lắm, cháu muốn được tư vấn cách ngặn chặn ko cho dịch bệnh lây lan qua vườn mình. Có người bảo bố cháu mua thuốc nấm đổ ngừa cả vườn, có người lại bảo đổ nấm đối kháng trichoderma để phòng… Bây giờ cháu phải làm sao ?

    • -Dùng tricho để phòng là biện pháp thân thiện với môi trường, nhưng phải bón ngay khi mới trồng tiêu và bổ sung theo định kỳ thì mới có hiệu quả. Hoặc bón tricho ngay sau khi đã xử lý hóa học trừ bệnh trước đó.
      Nếu chung quanh đã bùng phát bệnh thì khó xử. Có thể đổ thuốc hóa học là một lựa chọn hoặc chỉ đổ khi bắt đầu thấy hiện tượng nấm bệnh cụ thể.
      Theo mình, tăng cường bón các loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, vi sinh, acid humic… hay một số hoạt chất gốc hữu cơ để kích kháng sẽ ngăn chặn được nấm bệnh mới là lựa chọn hợp lý, lâu dài…
      Phải có ý thức dùng tricho càng sớm càng tốt mới có hiệu quả. Đừng để nấm bệnh phát triển, tấn công lên cây rồi thì rất tốn kém, dai dẳng…

  23. Các bác cho em hỏi nên bón phân chuồng ủ với trichoderma đã hoai mục vào thời điểm nào cho tiêu.

  24. Chào mọi người, cho mình hỏi mình thường trồng hoa cúc trong chậu bán tết, hoa thường bị thối gốc, nhổ lên không thấy còn rễ, những cây này thường bị héo cả cây. Có cây xé thân làm đôi thì thấy thân bị rỗng ruột. Có thuốc nào trị bệnh này tốt không, dùng trichoderma tưới gốc có hiệu quả không, chỉ mình với?

  25. Theo tôi tìm hiểu lignin có hầu hết trong thực vật. Vậy khi sử dụng trichoderma ủ phân hữu cơ có xử lý được lignin không? lignin có làm chết vi sinh hay không?

    • Chào @thanh giang
      Lignin trong thực vật được coi như là thức ăn góp phần cấu tạo vách tế bào cũng như các chất cellulose, pectin, nên rất cần để tricho gia tăng sinh khối. Một số tài liệu còn cho rằng lignin có khả năng sát khuẩn nhưng chưa rõ ràng mặc dù lignin gây khó cho quá trình phân rã hữu cơ nhờ đặc tính bền vững là chính.
      Tóm lại, lignin tuy gây khó nhưng là chất cần cho tricho.
      Thân

  26. Chào mọi người. Xin cho em hỏi năm nay em tính xuống ít tiêu trên đất trồng cao su. Sử lý đất bằng vôi bột + phơi đất? vậy em cần tưới bổ sung trichoderma hay không. Nếu cần thì nên tưới vào lúc nào với liều lượng ra sao? Thời gian bao lâu thì xuống giống. Em chân thành cảm ơn !

    • Tưới tricho phòng bệnh ngay khi xuống giống.
      Liều lượng tùy theo nhà sản xuất, có hướng dẫn trên bao bì.

  27. Cho mình hỏi là có thể trộn chung nấm trichoderma với nấm trắng nấm xanh và nấm tím để sử dụng cùng một lúc được không ?
    Xin cảm ơn !

  28. Chào mọi người. Mình mới tham gia vào đây, nên xin mọi người giúp đỡ mình. Cho mình hỏi dùng trichodarma tưới thẳng vào gốc không cần ủ phân có được không vậy. Dùng phân hóa học có phải diệt chết những nấm có lợi của trochodarma hay không xin mọi người giúp đỡ nhiều. Cảm ơn mọi người rất nhiều.

    • Bạn nên tìm hiểu kỹ mọi thứ phân thuốc trước khi sử dụng mới đạt hiệu quả. Trichodermma ủ phân là để…ủ phân, tricchoderma tưới vào gốc là để… đánh nhau, liên quan gì !
      Dùng phân hóa học nhiều, lâu dài sẽ ức chế sự hoạt động, tricho không phát triển được.

  29. Chào bác Vịnh và cộng đồng giá tiêu !
    Mọi người cho cháu hỏi là có thể sử dụng trichoderma để phòng nấm bệnh cho cây hoa Lan được không ?
    Cháu cảm ơn và chúc mọi người mạnh khỏe, thành công.

    • Dùng được, nhưng hiệu quả không cao vì thiếu môi trường sống thuận lợi cho tricho !

  30. Chào bác Vịnh và cộng đồng giá tiêu !
    Cháu mua phân bò không kịp vì bữa nay họ mới chở phân tới giao, qua đợt mưa dầm này cháu mới ủ được. Nếu ủ xong chắc là làm bông rồi cháu mới bón chung với trichoderma để phòng bệnh. Tạm thời cháu dùng humic để cung cấp acid hữu cơ cũng được chứ nhỉ. Mọi người cho cháu tham khảo ý kiến. Cháu cám ơn và chúc mọi người 1 vụ bông thành công.

  31. Cháu chào chú Vịnh. Chú cho cháu hỏi tiêu nhà cháu năm nay cho thu bói nhưng nó có biểu hiện vàng nửa lá và chỉ vàng ở các là già. Đó là biểu hiện của bệnh gì vậy chú.

    • Lá già vàng thì có gì lạ ? Cây cũng cần thay lá chứ !
      Cũng không thấy được gì qua lời phản ánh của bạn. Tốt nhất là bạn hãy chụp vài tấm hình thật rõ hiện tượng vàng lá, gửi qua email của bác Nguyễn Vịnh nhé. nguyenvinh@giatieu.com

  32. Hôm nay em lần đầu tiên vào trang giatieu.com đọc mới biết sử dụng nấm đối kháng trichoderma để phòng bệnh cho cây hồ tiêu. Cho em xin hỏi :
    -Vì sao mình nên sử dụng nấm đối kháng thay vì dùng thuốc hóa học để phòng bệnh ?
    -Sử dụng nấm đối kháng cho cây hồ tiêu vào lúc nào trong năm ?
    Em mới trồng cay hồ tiêu từ đầu mùa mưa năm nay, mới được 4 tháng.
    Xin tư vấn cho em, em xin cám ơn.

    • Vòng đời của vi nấm tricho trong khoảng 12-14 ngày và phát triển tốt trong khoảng 18 tháng với điều kiện tối ưu, còn điều kiện bình thường khoảng 6 tháng. Trong khi dùng thuốc BVTV chỉ hiệu quả cao trong vòng 1 tuần, rồi sau đó giảm dần do phân hũy tự nhiên. Nếu bạn theo dõi kỹ các chương trình tư vấn dành cho nhà nông trên truyền hình, các chuyên gia khuyến cáo sau 2 tuần phải lặp lại thuốc mới phòng được bệnh. Bên cạnh đó, vi nấm tricho còn góp phần cải tạo, làm tăng độ phì của đất, trái ngược hoàn toàn với các thuốc hóa học góp phần làm đất đai thoái hóa bạc màu…
      Do điều kiện tự nhiên không phải lúc nào cũng thuận lợi nên diễn đàn giatieu.com khuyến cáo bà con đổ vi nấm tricho phòng bệnh cho tiêu tối thiểu 3 lần/năm, vào đầu-giữa-cuối mùa mưa. Những khi thấy bất lợi như sau mưa dầm hay khi dịch bệnh phát triển tràn lan ở địa phương cần tăng cường bổ sung…
      Bạn cần đổ tricho ngay cho hồ tiêu của mình và lặp lại khoảng giữa tháng 12 DL là được. Nếu đổ chung với phân sinh học biogel thì quá tốt, phân làm thức ăn cho tricho phát triển khỏe hơn.

    • Luôn luôn nhớ phương châm : Trị bệnh bằng hóa học, phòng bệnh bằng sinh học !
      Vi nấm đối kháng trichoderma chính là vắc xin của cây trồng.

    • Em nghe nhiều người nói nên phối hợp thêm Pseud nữa sẽ tốt hơn, có phải vậy không anh ?

    • Pseudomonas là vi khuẩn, thuộc loại hung hăng hiếu chiến. Dùng trong môi trường nếu kiểm soát được thì khá hiệu quả. Tốt nhất là phải dùng riêng vì nó sẵn sàng “đối kháng” hết mà không chừa một ai, nên “lợi bất cập hại”, cần thận trọng…

  33. Điều tôi năm ngoái bị chích hút và nấm nặng lắm làm chết cả đọt, thất mùa 80%. Thu mùa xong tôi cũng chưa xịt loại thuốc gì. Hiện giờ thấy nhiều cây cũng chưa hồi phục, có cây thì đang ra lá non. Tôi đang tính xịt thuốc gốc đồng để rửa vườn chuẩn bị cho đợt thay lá sắp tới. Tôi không biết xịt vậy có tác dụng tốt hay ảnh hưởng gì không mong vì tôi chưa làm vậy lần nào. Mong cộng đồng và các chuyên gia cho lời khuyên. Xin cám ơn rất nhiều !

    • Trong vườn điều hiện đang chứa đầy bào tử nấm bệnh, chỉ chờ điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát, nên không thể không diệt. Có thể dùng thuốc gốc đông, nhôm, kẽm … đều được. Nhưng không lưu dẫn hiệu quả bằng thuốc có 2 hoạt chất mancozeb+melataxyl 72 WP.

    • Có nhiều nguyên nhân làm tiêu vàng lá, có thể qui về 3 nguyên nhân chính:
      – Bị tuyến trùng rễ.
      – pH đất quá thấp làm cây không hấp thụ được dinh dưỡng, nhất là trung vi lượng.
      – Do bị các loại nấm bệnh tấn công…
      Phải xác định được nguyên nhân mới chữa trị đúng !

    • Mùa này tiêu vàng lá thì chỉ có bệnh thối rễ, lỡ cổ rễ, xì mủ, chết chậm…
      Bạn tưới gốc sơ rồi bươi nhẹ rễ ra xem kỹ có hiện tượng gì lạ không.

  34. Cho em xin hỏi:biogel là thức ăn cho tricoderma, vậy em ngâm tricoderma trong dung dịch biogel trong 1 hoặc 2 ngày thì có ảnh hưởng gì đến mật số trico không ạ ?

    • Không rõ mục đích bạn ngâm tricho để làm gì ? Nhưng nói chung chỉ mới đủ thời gian kích hoạt, không liên quan gì đến mật số.

  35. Cảm ơn anh Hoàng đã phản hồi. Em lỡ hòa vào bể tưới nhưng có việc đột xuất nên phải ngâm lại thôi, chỉ sợ chất lượng bị giảm xuống thì lại phải bố sung thêm nấm thôi.

  36. Nấm ba màu có thể sử dụng để xịt trên cây chanh dây phòng trừ côn trùng chích hút được không ạ ?

    • Khi bạn phun lên cây thì nấm ba màu sẽ sống và hoạt động trong môi trường nào ? thời gian sống được bao lâu ?

    • Dựa vào đâu để cho là chuẩn? Rất vui khi bạn sẵn sàng trao đổi !

  37. Nói chung đa phần các sản phẩm đều khuyến cáo là bón gốc và tưới gốc. Nhưng cũng có sản phẩm của cty sản xuất nấm nhiều chủng loại họ khuyến cáo nên phun trên cây và tưới dưới gốc. Năm nay một năm có thể nói thời tiết quá khắc nghiệt với nông nghiệp, mưa nhiều cây tiêu luôn ẩm ướt trong thân thì trichoderma cũng có thể tồn tại nếu phun lên cây. Theo ý tôi thì chỉ đổ gốc với thời tiết thế này chắc không ổn dịch bệnh tràn lan người dân hầu như chẵng mấy ai quan tâm đến trichoderma để phòng cả, chỉ tin hóa học.

  38. Nếu trên lá, trên chùm hạt bị nấm các bạn dùng thứ gì để trừ nấm, trong khi nhất định không dùng hóa học ?

    • Chào bác Hoàng Văn Lập.
      Lâu lắm mới gặp lại bác trên diễn đàn giatieu.com… Bác vẫn khỏe chứ ạ !
      Nếu nhất định không dùng hóa học thì sinh học sẽ thành lựa chọn duy nhất. Cho nên vi nấm đối kháng Trichoderma, vi khuẩn Pseudomonas và các EM sẽ là lựa chọn tất yếu.
      Nhưng bây giờ cháu chọn vi khuẩn kháng sinh Streptomyces, vì có phổ tác dụng rộng hơn, hiệu quả cũng cao hơn !

  39. Hình như bác HVLập vẫn chưa rạch ròi giữa việc phòng ngừa bệnh và diệt trừ bệnh…
    Khi có sâu bệnh, phun tricho và các EM sẽ tấn công tiêu diệt sâu bệnh tức thì. Nhưng phun để phòng thì nó sống ở đâu? Có thể tạm thời nó bám trên thân lá, nhưng liệu có được lâu? Và hết vòng đời nó thì bào tử nấm vòng đời sau bám vào đâu? Hay bị nắng gió tiêu diệt, hay thổi bay qua Campuchia Lào ráo trọi !
    Ý cháu là không đồng tình phun tricho lên thân lá để phòng ngừa, chỉ đổ gốc phòng mới có môi trường ẩm để nó tồn tại và phát triển.

  40. Chào Ngok. Cám ơn lời thăm hỏi. Mình luôn theo dõi hằng ngày.
    Đúng Streptomyces rất hiệu quả, nhưng nông dân mình bị đại lý vô lương tâm và kém hiểu biết về phân thuốc BVTV dùng “bùa nói” quảng cáo và dân mình dính mối. Đầu mùa mình dính phân SITTO kém chất lượng. Đau yếu quá không tự trộn phân npk được.

    • Xin lỗi bác Hoàng Văn Lập. Chắc là do cháu đọc nhiều ý kiến bà con xoay quanh việc phòng và trừ lẫn lộn nhau nên hiểu nhầm ý kiến của bác là phun tricho để phòng.
      Chúc bác và gia đình dồi dào sức khỏe và một ngày Chúa Nhật Hạnh Phúc An Lành !
      Cháu Hoàng.

Gửi phản hồi mới

(?)