Ngã ngửa với… giống tiêu Amazon

, Thị trường hạt tiêu, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 13

 

Giống tiêu Amazon đang được ghép tại các vườn ươm trên địa bàn Đăk Nông

Giống tiêu Amazon đang được ghép tại địa bàn Đăk Nông

Nhiều nông dân tỉnh Đăk Nông đổ xô tìm tới các vườn ươm để đặt giống cây tiêu Amazon về trồng. Tuy nhiên đây lại là giống cây mới, chưa qua khảo nghiệm nghiên cứu, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo tìm hiểu của PV, hiện ở Đăk Nông xuất hiện nhiều vườn ươm, cơ sở bán giống tiêu ghép Amazon. Đây là một loại tiêu ghép được ghép từ gốc ghép là cây dây leo rừng Amazon với các giống tiêu địa phương.

Cây dây leo rừng Amazon được sử dụng làm gốc ghép có tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ, được nhập từ Campuchia, Thái Lan về để ghép, chúng có hình thái khá giống cây trầu nên thường được bà con gọi nôm na là cây trầu Nam Mỹ.

Khi đưa vào Việt Nam, các cơ sở SX ươm giống đã dùng cây này làm gốc để ghép các giống tiêu truyền thống cho ra các giống tiêu mới. Theo các thông tin đánh giá ban đầu từ những chủ cơ sở vườn ươm thì giống tiêu này có bộ rễ rất khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh cao và đặc biệt là không bị úng nước nên được người dân ưa chuộng và ồ ạt tìm mua để về trồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá, giống tiêu ghép Amazon này chưa có kết quả nghiên cứu đánh giá của các ngành chuyên môn và nhà khoa học cũng như chưa được tổng kết, đánh giá qua mô hình trồng thực tế để chứng minh về năng suất, chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV Đăk Nông cho biết: “Trước thông tin nhiều người dân đổ xô tìm tới các vườn ươm để đặt giống tiêu Amazon về trồng, Chi cục đã phối hợp với phòng kỹ thuật nghiệp vụ thuộc Sở NN-PTNT đã xuống tận Đồng Nai, nơi được coi là cái nôi SX giống để kiểm tra.

Để hạn chế thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra cho nông dân, Sở NN-PTNT Đắk Nông đã có các văn bản khuyến cáo, chỉ đạo Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã trong tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền không ồ ạt trồng giống tiêu Amazon, đồng thời tăng cường công tác quản lý việc SXKD giống trên địa bàn.
Về phía người nông dân cũng cần thận trọng trong việc tìm hiểu các giống cây trồng mới để đưa vào SX, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có sau này.

Qua khảo sát tại các vườn ươm ở Đồng Nai, đoàn nhận thấy việc nhân giống tiêu Amazon chủ yếu là do các vườn ươm dựa trên các đặc tính tốt của cây trầu Nam Mỹ, sau đó tự ý ghép chung với giống tiêu Việt Nam chứ chưa qua quá trình nghiên cứu, đánh giá nào.

Nhiều vườn tiêu Amazon đang héo dây, chết mòn, không thể cứu được

Nhiều vườn tiêu Amazon đang héo dây, chết mòn, không thể cứu được

Hiện tại vẫn chưa có bất cứ chứng nhận về chất lượng nào đối với giống tiêu Amazon mà nông dân đang tìm mua về trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua”.

Mặt khác, sau một thời gian theo dõi thực tế 5 ha tiêu Amazon đang được trồng khảo nghiệm trên địa bàn huyện Krông Nô, thị xã Gia Nghĩa, ông Phạm Hùng Vỹ, Phó phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết, giống tiêu Amazon được người dân tìm về trồng tại địa phương bộc lộ rất nhiều hạn chế, không giống như lời đồn thổi, quảng cáo từ các nhà vườn ươm giống.

Giống tiêu này có khả năng chịu hạn rất kém, không phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng của địa phương Đăk Nông cũng như khu vực Tây Nguyên.

“Các hộ dân ở thị xã Gia Nghĩa trồng giống tiêu này đa phần bị chết dây, vàng lá cả vườn tiêu, không thể cứu được nên thiệt hại không hề nhỏ. Bên cạnh đó giống tiêu Amazon ra hoa thường không đồng loạt dẫn đến thời gian thu hoạch kéo dài, do đó chi phí thu hoạch tăng hơn các giống tiêu khác.

Đến thời điểm này vẫn chưa có một biện pháp nào để có thể giúp cây tiêu Amazon cho ra hoa, kết trái đồng loạt”, ông Vỹ nói.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
13 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Ở vùng quê Chư Pưh chúng tôi năm ngoái trồng rất nhiều, nhìn chỉ biết khuyên răng nhưng bà con lại nói “mày biết gì mà nói”… nghĩ mà buồn. Hỏi vườn ươm có vườn nào chứng minh không, họ chỉ nói, vào Đồng Nai mà hỏi. Thử hỏi tui nông dân thứ thiệt, quanh năm chỉ biết trồng tiêu và hoa màu, kêu tui vô tới ĐN, chẳng khác nào ” mài Fe thành Xà Ben”

  2. Việc thay đổi giống cây để cho năng suất cao hơn, kháng bệnh tốt hơn là một việc nên làm, nhưng giống cây đó phải được các nhà khoa học thử nghiệm và có kết quả tốt, lúc đó chúng ta mới làm, chứ bà con mới nghe qua lời của những nhà ươm giống thì chưa đáng tin cậy. Có câu : “Trăm nghe chẳng bằng một thấy”, do đó bà con ta không nên trồng loại giống mà mình và nhiều người chưa từng thấy hiệu quả của nó, mà chỉ nghe qua đồn thổi.

  3. Quê tôi Đồng Nai đây, một số người Hoa ở xã Bàu Hàm và Sông Thao đã mua về trồng mới được hai năm nay cho nên chưa biết được hiệu quả ra sao. Năm ngoái có vào thăm vườn của anh Lập Cây Gáo không thấy anh ấy trồng giống tiêu này, mà cũng chẳng nghe anh ấy nói về giống tiêu này. Nông dân mình cả tin, cứ nghe các nơi bán giống thổi phồng lên là tin ngay, trong khi các cơ quan chức năng chưa lên tiếng, và chưa tận mắt nhìn thấy vườn mẫu của người ta thì chớ vội tin. Tiền mất tật mang là vậy.

  4. Năm vừa rồi nhà trồng thử 100 trụ, cây phát triển mạnh. Do không nắm kỹ thuật nên cây nào cũng bị mặc quần đùi cả, đành kéo xuống trồng giống tiêu lươn, không biết có trụ nỗi không.

  5. Nông dân ở chỗ tui không đủ sức dài hơi để chờ đợi các nhà khoa học vào cuộc nên đành phải bò thôi. Hơn nữa, nhờ thời đại phát triển, thông tin phong phú, đa dạng nên không ít việc nông dân tự thực nghiệm có thể coi là thành công.
    Tôi cũng thấy các bác khuyên mỗi nông dân chúng tôi hãy tự làm một nhà khoa học đó sao !
    Chuyện cây tiêu ghép Amazon tràn lan bao nhiêu năm nay nó sẽ không tràn lan nếu ngành Nông nghiệp&PTNT có trách nhiệm với bà con nông dân chúng tôi hơn nữa.
    Cám ơn bài báo của PV báo NNVN, dù muộn còn hơn không.

  6. Giá tiêu đang hấp dẫn làm nhiều người quyết tâm trồng cũng là lẽ thường tình. Cây tiêu là cây “khó tính” đòi hỏi phải nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, canh tác thích hợp với nơi nó được trồng. Tuy nhiên vẫn có những bà con trồng tiêu chưa làm được điều quan trọng này nên để vườn tiêu của mình sinh ra chứng này bệnh nọ. Khi vườn cây có vấn đề và nghe tin đồn có thuốc này hay thuốc kia trị tốt sâu bệnh là có người vội sử dụng liền mặc dù chưa rõ được chứng bệnh và loại vật tư, nông dược này có thích hợp hay không. Vì tâm lý mong muốn sớm có vườn tiêu tốt nên khi được các vườn ươm tư vấn, tiếp thị “nghe hợp cái bụng” cùng với những đồn thổi về ưu điểm nổi trội của giống nên có số bà con mua về trồng là đương nhiên. Trước đây có giống tiêu ghép gốc trầu không cũng đã một thời vang bóng như vậy, nhưng nay “không như người ta tưởng” nên dần đi vào lãng quên.
    Bà con ơi ! Canh tác tiêu mà không đúng khoa học thì giống gì đi chăng nữa cũng không mang lại hiệu quả đâu !

  7. Giống nào cũng có ưu nhuợc điểm của nó, phải tìm hiểu kĩ. Tốt nhất cứ trồng thử chục cây lấy kinh nghiệm. Các nhà khoa học phải chờ sự cho phép của nhà nước đã nên cũng ko trách được.
    Thân

  8. Giống này tôi có trồng thử rồi , úng nước cả tháng không sao nhưng nắng gắt mấy ngày là héo. Cây tiêu có tuổi thọ trên 30 năm còn gốc trầu Nam Mỹ này thì không thọ như vậy , cho nên không thể bên nhau đến “đầu bạc răng long” được.

  9. Tôi ở Đak Nông, đúng là bà con nông dân đang đổ xô đi trồng tiêu ghép. Là nông dân thì cứ lợi thì làm và nghe có lợi là làm. Cái này nếu trách thì có tội của các cơ quan chức năng

  10. Nhà cháu có trồng 500 gốc nhưng cháu chưa biết sao cả. Cháu có lời khuyên nếu mua giống tiêu này thì coi chừng bị thúi rụng mắt ghép lẫn chết nửa mắt ghép. Hãy coi chừng bị chết đó, cẩn thận đừng trồng nhiều như mhà cháu. Mua 500 gốc mà chết 200 rồi.
    Có bác kia mua trước nhà cháu trồng hết 15 triệu sống được 15 cây, hãy cẩn thận khi trồng nó coi chừng thúi mắt ghép, hãy phun thuốc trước khi trồng. Đó là thất bại mà nhà cháu bị rồi. Nhưng còn một số gốc ra đẹp cháu chưa thấy sao nó phát triển tốt lắm.

  11. Có lẽ mình có lỗi với những bạn hỏi về cây tiêu ghép, vì minh có một ít kinh nghiệm qua bạn bè: Cách khoảng 3 năm, được đi thăm người sản sinh ra cây tiêu ghép, vườn 2 năm tuổi, cực đẹp, nhưng vườn 5 năm tuổi, dứt khoát không cho thăm, và không cho biết lý do? (tại sao?) Ông ta bẻ vất đi 1 nhánh, mình cầm về, ông ta nói: “anh nhân giống sống được tôi có thưởng”, sống luôn cả 4, bây giờ vẫn còn. Nhưng mùa khô: 4 ngày là héo, phải 20 lít nước, 4 phút tươi lại ngay. 7 ngày rụng hết lá, 12 ngày chết luôn! Nhiều người hỏi sao anh không ghép? Tôi cười nói chờ 10 năm nữa bộ rễ xuống sâu, đủ sống mình mới ghép. Rồi khi chính người tạo ra cây ghép này xuống thăm vườn mình. Tôi nói với ông ta là tôi không tin, ông ta chỉ cười.
    Và một kinh nghiệm đau thương nữa của anh Phát, khi anh tới thăm tôi và thấy cây để ghép, anh nói chớ dại vì sau cây vẫn bị bệnh bình thường, phải tưới nước luôn kể cả khi cần cấm nước vì thế năng suất rất kém, hoa ra không đồng loạt. Sau đó anh múc mỗi gốc tiêu 1 lỗi rồi kéo đôn xuống hết. Gốc ghép năm thứ 3 rất dễ rớt ra: chết. Khi kéo dây xịt cao áp: mắt ghép rơi ra: chết. Chỉ trồng tốt nhất là dưới sông, trong ao nuôi cá nuôi tôm, vì cây này sống trong vùng đầm lầy. Tôi đã yêu cầu anh lên tiếng trên diễn đàn ít nhất là 2 lần, anh vẫn im lặng. Và bây giờ nữa: Lên tiếng đi anh Phát !
    Và mới đây, nhân viên một trang trại tiêu từ Campuchia ghé qua vườn, tôi có hỏi. Họ bảo dở lắm, bên chúng tôi đầy dẫy, nhưng không ai ghép cả. Còn trong vùng tôi, rất nhiều người trồng và cũng đã đang chết vì gốc ghép rơi ra. Thực ra cũng không ít người tới hỏi, tôi chỉ trả lời tôi không tin. Vậy mà có người nói vì tôi không còn đất trồng nên không muốn ai hơn ổng.
    Tôi cũng mới đi một vòng Dalat – Dac Nông – Bình Phước – Binh Dương, hỏi rất nhiều, đã có người chê, cũng có khen, nhưng chê nhiều hơn vì bị chết. Đúng là có lợi cho người sản xuất giống. Còn sau đó: Sống chết mặc bay…
    Vài dòng chia sẻ. Mong anh Phát lên tiếng.

    • Tôi cũng muốn trồng tiêu ghép, nhưng qua thông tin các anh chị cập nhập tôi cũng phải suy xét lại. Xin cảm ơn những chia sẻ quý báu từ anh Lập.

  12. Ở chổ tôi (Ia Phang – Chư Pưh – Gia Lai) có một vườn trồng loại tiêu này cũng thấy đẹp lắm. Nhưng tính ra công chăm sóc và đổ thuốc (trị mối) rất nhiều. Chủ vườn chỉ mới trồng được một năm nhưng cũng được hai phần trụ rồi. Theo như tôi quan sát thì với việc đầu tư và chi phí như vậy thì nông dân mình chỉ có lỗ. Thay vì vậy “ta về ta tắm ao ta” cho chắc.

Gửi phản hồi mới

(?)