Quảng Trị : Hồ tiêu mất mùa, mất giá

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 11

Hồ tiêu Quảng trị chất lượng thơm cay nổi tiếng

Hồ tiêu Quảng trị chất lượng thơm cay nổi tiếng

Khác với mọi năm “được mùa mất giá, mất mùa được giá” thì năm nay người dân trồng tiêu ở Quảng Trị lại phải đối mặt với nỗi lo mất mùa, mất luôn cả giá. 

Cây hồ tiêu là “mỏ vàng đen” ở miền tây huyện Gio Linh, Quảng Trị, được đánh giá có chất lượng cao nhất nước với hạt chắc, vị thơm và cay. Tuy vậy, mùa thu hoạch hồ tiêu năm nay người dân gặp nhiều khó khăn…

Mất mùa, mất giá

Ông Lâm Quang Hoàng, chủ hộ trồng tiêu ở làng Gia Bình, xã Gio An cho biết do năm nay mất mùa nên vườn hồ tiêu của gia đình ông có diện tích gần 5 sào cho thu hoạch được khoảng 250 kg tiêu xanh, tương đương với khoảng 100 kg hạt tiêu khô. Nếu bán thời điểm hiện tại sẽ thu về được 16 – 17 triệu đồng. Cũng diện tích ấy, năm trước hồ tiêu được mùa, gia đình ông thu được đến 500 kg tiêu khô, bán được giá 210.000 đồng/kg, tổng số tiền thu về hơn 100 triệu đồng.

“Vua hồ tiêu” của xã Gio An, ông Lê Phước Hoạch tâm sự: “Năm nay hồ tiêu mất mùa, tán thưa, nhiều cây cho rất ít buồng, nếu có buồng thì cho rất ít hạt nên công việc thu hoạch rất vất vả”.

Ông Hoạch có vườn hồ tiêu rộng 1ha, trong đó khoảng một nửa diện tích với 500 cây đã đến tuổi thu hoạch. Mỗi năm bình quân ông Hoạch thu về đến 1 tấn hạt tiêu khô. Ông là người trồng tiêu nhiều nhất xã Gio An nên người ta thường gọi đùa là “vua hồ tiêu”.

Tuy vậy, do mất mùa nên năm nay vườn hồ tiêu của ông chỉ thu về được 150 kg hạt tiêu khô. Tiêu thưa buồng, thưa hạt nên lại tốn công thu hoạch. Mỗi ngày công thu hoạch hồ tiêu có giá trị 150.000 đồng nhưng vẫn rất khó để thuê được lao động. Vì thu hoạch hồ tiêu phải leo cao, vừa nhọc nhằn vừa nguy hiểm nên ít người muốn đi làm. Ông Hoạch cho biết dù khó khăn nhưng trồng hồ tiêu cho thu nhập gấp nhiều lần làm lúa.

Nhiều chủ vườn cho biết, nguyên nhân năm nay hồ tiêu mất mùa là do đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2015 có thời gian quá dài, nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C đúng thời điểm cây trổ buồng non, không chịu được rét nên buồng bị rụng, còn buồng có hạt thì queo quắt khiến hạt non không sinh trưởng nổi làm năng suất đến kỳ thu hoạch giảm mạnh.

Khác với mọi năm “được mùa mất giá, mất mùa được giá” thì năm nay người dân trồng tiêu ở Quảng Trị lại phải đối mặt với nỗi lo mất mùa, mất luôn cả giá. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ thu mua hồ tiêu hàng năm tại xã Gio An cho biết, hiện tại giá mỗi kg hạt tiêu khô đang ở vào tầm 160.000 – 170.000 đồng/kg. Năm nay, mất mùa nhưng giá tiêu khô lại thấp hơn các năm trước từ 20.000 – 30.000 đồng, thậm chí là thấp hơn 50.000 đồng/kg. Các nhà buôn và người nông dân vừa tiên liệu, vừa hy vọng giá tiêu sẽ tăng lên ở thời điểm vào cuối mùa.

Nông dân ở xã Gio An, huyện Gio Linh thu hoạch hồ tiêu

Nông dân ở xã Gio An, huyện Gio Linh thu hoạch hồ tiêu

Vẫn là cây trồng số 1

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, toàn xã đang có gần 100ha hồ tiêu và đang khuyến khích người dân phát triển thêm 10ha tiêu mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020 đưa tổng diện tích cây hồ tiêu xã Gio An đạt 150ha.

Miền tây huyện Gio Linh bao gồm 8 xã Gio An, Gio Bình, Gio Sơn, Gio Hoà, Linh Thượng, Linh Hải, Hải Thái, Vĩnh Trường đã có diện tích 1.000ha hồ tiêu. Dù giá cả năm nay có hạ thấp chút ít nhưng thời gian qua cây hồ tiêu đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho biết, về thương hiệu và giá trị thì hạt tiêu của vùng miền tây Gio Linh được đánh giá là có chất lượng tốt nhất nước ta (cùng với các vùng trồng tiêu khác như vùng Cùa (Cam Lộ), Khe Sanh (Hướng Hoá) và huyện Vĩnh Linh của Quảng Trị do hạt chắc, thơm và cay nên giá hạt tiêu ở đây thường ở mức cao hơn so với những nơi khác, được thương lái khắp nơi tìm về thu mua xuất khẩu.

Nhờ có chất lượng thơm cay nổi tiếng, nên hồ tiêu Quảng Trị rất có tiềm năng xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nếu được tổ chức tốt việc xây dựng chỉ dẫn xuất xứ, địa lý, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, tạo kênh phân phối bài bản, hồ tiêu Quảng Trị thực sự sẽ đạt giá trị cao trên thị trường.

Tuy nhiên, cây hồ tiêu ở đây thường có sản lượng không cao. Nguyên nhân là do hồ tiêu được người dân trồng quảng canh trong vườn nhà và chăm sóc theo truyền thống, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng cái được rất lớn vì đây là vùng tiêu sạch nên bạn hàng rất thích.

Cũng vì chưa được đầu tư thâm canh tốt nên cây hồ tiêu vẫn chưa thể đạt năng suất tối đa, mới chỉ ở mức từ 1,1 – 1,3 tấn/ha. “Nhưng so sánh với các cây trồng khác thì không có cây nào mang lại giá trị kinh tế ổn định hơn cây hồ tiêu trên cùng diện tích đất”, ông Lê Văn Viễn khẳng định.

Ông Lê Quang Chiến, Bí thư Huyện uỷ Gio Linh cho biết, so với tiềm năng đất đai sẵn có thì diện tích cây hồ tiêu toàn miền tây Gio Linh ở mức 1.000ha là đang khiêm tốn. Nghị Quyết 03 của Huyện ủy cũng chỉ rõ phát triển mạnh cây hồ tiêu để thúc đẩy miền tây Gio Linh thành vùng kinh tế tiềm năng của huyện. Lợi thế của miền tây Gio Linh có điều kiện phát triển cây hồ tiêu với đất đỏ bazan màu mỡ, được phân bố tập trung ở địa hình bằng phẳng, gần khu dân cư. Vì vậy huyện có chủ trương hỗ trợ người dân SX, đưa hồ tiêu trở thành cây trồng chủ lực và phát triển bền vững. Cố gắng đến năm 2020 toàn huyện đạt diện tích 1.200ha hồ tiêu chất lượng cao. Huyện sẽ có chính sách hỗ trợ về giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu cũng như kỹ thuật canh tác cho nông dân, góp phần tăng năng suất, chất lượng loại cây được xem là “vàng đen” của miền đất này.

Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, đến năm 2016 tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh đạt 2.274ha, trong đó diện tích tiêu kinh doanh đạt 1.800ha, cho sản lượng 2.160 tấn, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha. Tuy nhiên, năm nay hồ tiêu mất mùa nên năng suất thu về chỉ bằng 1/5 của vụ trước. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Quảng Trị sẽ đạt 2.650ha. Bộ KH-CN cũng đã có quyết định số 1399 về việc đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
11 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Hậu quả của đợt rét đậm trước Tết âm lịch 2016 không chỉ làm cho riêng bà con trồng tiêu Quảng Trị mất mùa mà thôi đâu !

  2. Thật không thể tin nổi vua hồ tiêu trồng 1 hecta tiêu mà chỉ thu được 150kg. Bình thường mình trồng 50 cây thôi vẫn thu được chừng đó rồi. Nhìn hình cây tiêu cũng không tệ, không biết tác giả bài báo có nhầm lẫn không nhỉ?

  3. Đợt rét vừa qua làm cho cây tiêu vùng Quảng Trị của tôi rụng lá xanh và hoa hàng loạt, nên năm nay hầu hết sản lượng mất 60 – 90%. Hồ tiêu ở đây được trồng trên trụ sống, cây cao và xanh tốt, nhưng sản lượng còn thấp, rất ít người áp dụng kỹ thuật làm bông và sử dụng phân bón lá. Mất mùa do thiên tài là 6 phần, còn yếu tố con người 4 phần. Bài báo này viết đúng đó các bác.

  4. Trồng hồ tiêu mà không sử dụng phân bón lá là một thiếu sót lớn, bởi lẽ:
    -Hồ tiêu là cây dây leo, tán không lớn như thân trụ nên bộ rễ phát triển không tương xứng. Khi thúc đẩy cây phát triển mạnh, leo càng cao, bộ rễ sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nông bằng phân bón lá. Khi cây nuôi trái nhiều, cho năng suất cao, hay rễ tơ bị thối do mưa úng không lấy được dinh dưỡng thì phân bón lá là lựa chọn duy nhất đúng.
    -Khuyến cáo của một số chương trình hỗ trợ cho bà con Quảng Trị canh tác hồ tiêu còn nhiều bất cập, lãng phí, nặng về quảng cáo nhiều hơn là những giải pháp thiết thực. Từ đó, việc sử dụng phân bón lá không được quan tâm đúng mức.
    Đôi lời chía sẻ.

  5. Xin mọi người tư vấn giúp chúng cháu với:
    Năm nay khi mùa mưa xuống tiêu trồng dược 1 năm ở khu vực chúng cháu vườn nào cũng bị hiện tượng lá non mất màu, chuyển màu vàng, quăn lại và rụng, ngọn thì teo lại không phát triển được, sau một thời gian lá và đỉnh sinh trưởng chuyển sang trắng bạch và giống hiện tượng tiêu điên. Vườn nhà nào cũng vậy, có vườn bị 100%. Phần phía dưới lá vẫn xanh nhưng không phát triển được, khu vực chúng cháu mói trồng tiêu được 1- 2 năm nay nên đa phần là không có kinh nghiệm, nhìn nhiều vườn tiêu muốn khóc quá mà không khóc được. Ra ngoài các đại lý hỏi thì người ta nói bị thiếu kẽm trầm trọng, mua kẽm về bón và bơm nhung cũng không cải thiện được. Mọi người giúp chúng cháu với ạ. Cháu thay mặt mọi người cảm ơn bác và cộng đồng.

  6. Nếu đúng như bạn thanh eahleo nói thì xin chia buồn với bạn đó là bị thâm mạch dẫn rồi, chữa trị cũng ko được đâu chỉ có cách nhổ bỏ trồng lại thôi. Bạn có thể bẻ đọt bị teo ra xem sẽ có vết thâm, ở dưới vẫn xanh là vì nó còn bị thâm lấm chấm thôi từ từ nó cũng lan xuống cả dây.

  7. Chào bác Vịnh, sau đợt rét bà con cũng được tập huấn chăm sóc hồ tiêu, nhưng họ cứ bảo phòng bệnh toàn bằng hóa học, không thấy đề cập tới nấm tricho… Hồ tiêu ở đây được trồng gần nhà, chẳng ai dám phun xịt nhiều. Bây giờ bắt đầu vào vụ trổ bông cũng ít người xịt bón lá… Cháu hy vọng phun Biosol mùa tiêu năm nay năng suất sẽ tăng.

    • Không phải cứ phun biosol năm nay năng suất sẽ tăng mà cần phải biết sử dụng hợp lý, phun đúng lúc mới có hiệu quả.

  8. Em ở xã eakhal, chiều nay em sẽ chụp vài tấm hình nhờ bác Vịnh và cộng đồng tư vấn.
    Theo nhận định của anh Lê Minh chiều em sẽ kiểm tra xem, nếu đúng như anh nói thì giờ phải xử lý thế nào để phòng cho những trụ chưa bị ạ? Cũng có một số người cắt hết phần trên bị bệnh đi chỉ để phần còn xanh ở dưới như vậy có được không anh? Sao năm nay ở khu vực em bị hiện tượng này nhiều quá, năm ngoái một số nhà trồng thì không sao cả.

  9. Chào. Giờ bạn cứ bẻ hết đoạn bị thâm đi tới đoạn hết thâm rồi thì phun thuốc nấm như Aliette phun 2 lần liên tục 7 ngày, dưới gốc đổ amitage+thuốc nấm đặc trị, cũng đổ gốc 2 lần xem thử có chặn đứng ko thâm nữa không. Nếu khoảng nửa tháng mà dừng ko rụng đọt nữa thì tiến hành đổ gốc biogel liên tục 2 tuần 1 lần làm 3 lần như vậy, trên lá phun biosol 10 ngày 1 lần cũng làm 3 lần là có thể hồi phục. Còn vẫn tiếp tục rụng thì nhổ bỏ luôn cho nhanh.
    Thân

  10. Em cảm ơn anh Lê Minh, đúng như anh nói, em cắt ra kiểm tra thì thấy mạch dẫn bị có những vết thâm đen, đặc biệt bị nhiều tại mắt đốt, mắt đốt bên trong đen rất nhiều, trụ nào bị nặng thì đóng cục đen và cứng cứng. Em mới xịt boocdo 1% do em pha hôm qua, vậy 1 tuần nữa em bơm lại Aliete được không anh. Hiện tượng tiêu như vậy có phải bị nhiễm khuẩn không anh?

Gửi phản hồi mới

(?)