Quảng Trị: Khủng khiếp cây “vàng đen” chết cháy như bị… ném bom

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 24

Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu hoành hành khiến nông dân hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (Quảng Trị) lao đao. Nhiều vườn tiêu chết hoàn toàn như vừa bị ném bom.

Ông Đào Đăng Yến thu nhập nhờ vườn tiêu nhưng nay không còn…

Những ngày này, không khí u buồn bao trùm xã Trung Sơn (Gio Linh). Tiêu chết, từ lãnh đạo địa phương đến nông dân đều đứng ngồi không yên.

Có mặt tại nhà ông Đào Đăng Yến (thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn), chúng tôi chứng kiến vườn tiêu 206 cây của ông chết rụi. Đưa đôi tay bị mảnh bom cắt cụt, ông Yến đau đớn nói: “Tôi què quặt, cuộc sống cả gia đình, con cái ăn học dựa vào vườn tiêu nhưng nay không còn nữa rồi. Sau này không biết làm gì để sống”.

Ông Yến cho hay, vườn tiêu 206 cây gốc bắt đầu chết từ tháng 12.2016 cho đến tháng 1.2017 thì không còn sót gốc nào. “Nhanh lắm, như ai đổ nước sôi khiến lá rụng nhanh, thối rễ. Năm nay thấy tiêu được mùa, nhà tôi sắm thêm 2 cái thang đợi ngày thu hoạch. Nay thang còn đó, nhưng có tiêu đâu nữa mà hái” – ông Yến chép miệng.

Trước đây, với từng đó gốc tiêu mỗi năm ông Yến thu khoảng 3 tạ, ít nhất bán được 50 triệu đồng. Nay người đàn ông 58 tuổi bị cụt hai tay do bom đạn chiến tranh lại đang gánh cú sốc lớn, thu nhập chính đã mất.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi, trú thôn Kinh Môn) cũng đang đau đớn khi nhìn vườn tiêu 240 gốc chết trụi. Chỉ trong vòng 1 tuần vườn tiêu ông Hải chết sạch. Mấy hôm nay ông đang phải dọn sạch, đem tiêu đốt mong hủy được mầm bệnh.

“Mọi năm nhà tôi thu hoạch bán được 60 triệu đồng tiền tiêu để trang trải cuộc sống và lo cho hai đưa con ăn học ở xa. Nay tiêu chết, không biết trông cậy vào đâu” – ông Hải nói.

Tiêu chết rụi, ông Nguyễn Văn Hải lo lắng không có tiền cho con ăn học

Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, toàn xã có trên 55ha tiêu, nay đã chết hơn 15ha. Tiêu là cây mang hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống nhân dân nhưng nay tiêu chết, nhân dân cũng lao đao theo.

“Mong sao cơ quan cấp trên có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, giống, phân bón và kĩ thuật để tái sản xuất hiệu quả” – ông Cường đề nghị.

Thống kê của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, bệnh chết nhanh trên cây tiêu tập trung ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, diện tích 350 ha.

Nguyên nhân chủ yếu do năm 2016 mưa quá nhiều, độ ẩm đất trong các vườn tiêu quá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh và gây hại, trong đó 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại với đặc điểm lây lan rất nhanh qua đường nước.

24 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Nhà báo này viết đúng không ? Tôi nghe nói vùng Gio Linh Quảng Trị có nhiều người dùng phân bón Ong Biển, họ nói bón phân này không cần dùng thuốc trị bệnh nữa…

  2. Phân bón Ong Biển mình cũng có dùng qua rồi. Nhưng mình thấy nồng độ axit humic quá cao, mùi sốc không chịu nỗi. Đọc hướng dẫn thấy ghi bón cách xa gốc tối thiểu 30cm và không được chôn. Lo ngại dùng nhiều gây thối rễ nên mình ko sử dụng nữa. Không có gì là tuyệt đối nên chỉ dùng phân vi sinh có trộn thêm nấm đối kháng là chưa đủ. Cần kết hợp các phương pháp khác nhau thì mới được.

  3. Canh tác hồ tiêu theo lối truyền thống, khi thu hoạch xong ít ai rửa vườn, không đào mương thoát nước… Sau năm nay mong bà con Quảng Trị mình rút ra được nhiều kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác theo hướng bền vững, lâu dài hơn.

    • Bà con ngoài này dùng phân thuốc cũng lung tung lắm. Đã không có sự hiểu biết mà còn nghe quảng cáo qua mấy công ty “làm ăn” với ngành Khuyến nông hay Nông hội thì chỉ có chết…

    • Bà con thường quen phối trộn nhiều loại phân thuốc chung với nhau cho đỡ tốn công mà không quan tâm sẽ gây ra những phản ứng hóa học bất lợi gì ? Đã tốn của mà còn hư cây là điều hết sức đáng tiếc !

  4. Nhìn chung mấy năm nay bà con ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, năm nay có tập huấn mấy đợt bà con có dùng thuốc nhưng không đáng kể, đa số là xử lí cục bộ thôi. Khi người dân chưa đủ kiến thức thì chỉ còn tin vào cán bộ khuyến nông hay nông hội thôi. Vừa qua có một số nhà dùng phân bón Ong Biển, những kết quả không thành công. Đáng buồn thật…

  5. Trước khi Tiêu chết đả sử dụng loại phân bón nào đây là nguyên nhân khá quan trọng bà con nên biết để tránh không dùng loại phân đó nữa nhớ kỹ bà con nha…

  6. Nông dân không hiểu biết về kiến thức phân bón nên bị bọn lừa đảo nó lừa một chút phân trộn humic nồng độ cao bón vào kích thích sinh trưởng gây rối loạn sinh trưởng. Do thấy tiêu xanh tốt bón nhiều nên khả năng nhiểm bệnh cao trong mùa mưa hậu quả nông dân chịu, cơ quan khuyến nông nhắm mắt làm ngơ vì có hầu bao thế là xong.

  7. Giữa lúc thị trường đang thừa tiêu không sạch và thiếu tiêu sạch thì bài báo này làm bà con Quảng Trị thêm khó khăn. Tại sao?

    Thử trả lời vài câu hỏi đơn giản sẽ thấy rõ vấn đề thôi:

    1. Tại sao tiêu chết?
    Theo những gì bà con trao đổi thì thấy rõ là tại phân, thuốc dỏm, thời tiết vv.. và nhìn xa hơn một chút là tại bà con thiếu kinh nghiệm (bao gồm kinh nghiệm canh tác và kinh nghiệm phân biệt thuốc giả-thuốc thật).
    2. Tiêu chết như vậy, liệu bà con có nỗ lực cứu hay không?
    Chắc chắn là có rồi.
    3. Ai sẽ tư vấn cho bà con cách dùng thuốc như thế nào để cứu cây?
    Còn ai nữa, nếu không phải là các đại lý thuốc BVTV địa phương.
    4. Các loại thuốc đó có để lại dư lượng không?
    Chắc chẳng ai quan tâm.
    5. Bà con có mót tiêu đem bán không?
    Chắc không cần trả lời hén.
    6. Tiêu đó đại lý thu mua có trộn với các nông hộ khác không?
    Chắc chắn có rồi.
    7. Với 6 câu hỏi và trả lời nêu trên, nếu cty XNK nào muốn mua tiêu sạch, họ sẽ tìm đến vùng dịch để mua hay sẽ né đi cho nó lành?

    Các nhà quản lý VN hay có suy nghĩ là khi giá tiêu rớt, đăng những bài báo như vậy là để cứu giá tiêu, thực tế là sẽ tạo ra phản ứng ngược lại hoàn toàn.

  8. Năm nay mưa nhiều quá, vườn không thoát nước được, bón phân chuồng mà không có nấm đối kháng để phòng bệnh, tiêu chết nhiều hơn. Em đã dùng nấm đối kháng thấy kết quả rất tốt, khi thấy tiêu mới có biểu hiện bệnh là xử lí thuốc ngay… năm này mất vài cây. Nhiều vườn đã thấy héo rũ vài cây rồi mà cứ để vậy, chậm xử lí bệnh cũng là một nguyên nhân tiêu chết hàng loạt.
    Sau đợt dịch này mong bà con Quảng Trị mình phải tích cực học hỏi, tìm tòi, quan tâm hơn nữa kỹ thuật canh tác để mua tiêu tiếp theo chủ động phòng dịch tránh thiệt hại nặng nề.

  9. Nấm đối kháng nếu muốn dùng hiệu quả thì một tháng rãi một lần (trên bao bì ghi như vậy). Giá tiêu bèo bọt thế này không khéo lỗ vốn mất. Đó là suy nghĩ chung của đa số người trồng tiêu nên khâu phòng bệnh thường ít được chú trọng. Hy vọng sau bài học đắt giá mọi người sẽ lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề phòng bệnh, đừng chờ bệnh rồi mới chữa. Lúc đó e đã quá muộn rồi.

    • Mỗi tháng bỏ 1 lần là tricho chất lượng quá kém, không nên dùng hoặc dùng không có hiệu quả. Giatieu đã đưa ra khuyến cáo chỉ bỏ 3-4 lần / năm là tối đa nếu vườn chăm bón hợp lý, không lạm dụng phân thuốc hóa học gây bất lợi cho tricho. Nhưng lạm dụng thì tháng / lần cũng không phòng nổi. Trong tự nhiên, tricho kéo dài sự sống nhiều chu kỳ liên tiếp có thể tới 18 tháng, nhưng sẽ tốt hơn trong vòng 6 tháng với những thương hiệu sx tin cậy.

  10. Thấy các bạn nói về tricho mà tôi không dám nghĩ các bạn không hiểu rõ – Với tôi tricho không thể thiếu phân chuồng. Xin lưu ý cho

  11. Cảm ơn bạn Ngok đã phản hồi !
    Mình đang sử dụng sp của cty DT tuy nhiên thấy chưa ưng ý lắm.
    Các sp khác có giá cao hơn vì có bổ sung thêm tí vi lượng.

  12. Vi sinh sống bằng chất mùn hữu cơ nên khi vườn có nhiều lượng mùn thì vi nấm sẽ sống tốt. Nông nghiệp hữu cơ vi sinh

  13. Lời đầu tiên xin chào chú Nguyễn Vịnh và toàn thể các anh các chú trên diễn đàn.
    Em là lính mới trong nghề trồng tiêu nên có một vài khó khăn xin các anh các chú chỉ bảo giúp.
    1: em muốn hỏi về kỹ thuật ủ phân hữu cơ, cụ thể là ủ phân bò, theo em biết là khi ủ phân bò thì có thể trộn chung với xác bả thực vật, em muốn hỏi là mình có thể ủ phân bò chung với cồi tiêu được hay không vậy, vì em thấy sau khi thu hoạch em thường thấy người ta đổ bỏ hoặc đem đốt cồi tiêu, em thấy hơi phí nên muốn tận dụng. Hoặc là em sử dụng xác bả thực vật có sẵn trong vườn như cỏ và lá tiêu rụng để ủ chung với phân bò có được hay không, vì em sợ là trong lá tiêu rụng có cả lá tiêu bị bệnh thì khi đem ủ chung như vậy có được hay không.
    2: em muốn hỏi về xử lý tuyến trùng, thì em có xem trên mạng, cụ thể (….)
    Em rất mong được các anh các chú trên diễn đàn giải đáp và hướng dẫn giúp em ạ, em chân thành cám ơn

    • Chào @ Tuấn Vũ
      -Thứ gì cũng ủ được, miễn là xác bả nông sản, thực vật… Ủ đúng phương pháp, đúng qui trình thì các mầm mống sâu bệnh sẽ bị tiêu diệt khi nhiệt độ ủ tăng cao.
      -Tuyến trùng nên xử lý đầu mùa mưa, nhờ đất đủ ẩm thuốc mới lan tỏa, tiếp xúc để phát huy hiệu lực. Mùa mưa quá ẩm làm loãng thuốc, hiệu quả sẽ kém. Xử lý vào mùa khô, lúc bắt đầu hãm nước là tốt nhất, sẽ không gây tác động xấu vì cây đang nghỉ, tuyến trùng tập trung về rễ để chích hút kiếm ăn.
      -Nói thêm: không nên lôi đích đanh bất kỳ của ai ra để bàn luận vắng mặt. Muốn trao đổi, nên tìm cách nào đó trực tiếp…
      Thân

  14. Cháu cám ơn chú Vịnh nhiều ạ..
    Cháu nghĩ là đưa nguồn và tên thì sẽ là dẫn chứng cụ thể hơn nhưng không biết là điều đó là không phải, cháu xin rút kinh nghiệm ạ.
    Vậy cho cháu hỏi lại là hiện tại vườn cháu đang bị tuyến trùng thì lúc hãm nước cháu xử lý rồi đầu mùa mưa cháu xử lý lại thêm 1 lần nữa, còn trong mùa mưa thì dùng nấm đối kháng để phòng phải không chú.

    • Theo bác Nguyễn Vịnh, kiểm tra nếu thấy nốt sần trên rễ do tuyến trùng làm tổ thì xử lý thuốc hóa học 2 lần liên tiếp cách 7 ngày, không thấy thì thôi… Nấm đối kháng vẫn dùng quanh năm để phòng ngay từ đầu, tăng cường thêm khi thấy các vườn chung quanh có dấu hiệu bùng phát nấm bệnh.
      -Dẫn nguồn để nói ai đó đúng sai thì có nên chăng, nếu bạn không có căn cứ thuyết phục, cụ thể…

  15. Bón nhầm phân gi rồi mấy bác ơi. Năm vừa rồi chú mình cũng bị phân giả nó hủy diệt hết 100 gốc luôn.

  16. Gia đình mình trồng tiêu ở Daklak rất ít sữ dụng thuốc BVTV và phân bón hóa hoc, chủ yếu dùng các nguồn phân xanh, phân chuồng ủ hoai và xử lý mầm bệnh. Những loại phân này rất dễ kiếm hoặc dễ mua.

  17. Kính Gửi Chú Nguyễn Vịnh,
    Chú cho con hỏi nhà con ở vùng đất Gio Linh Quảng Trị, nhà con trồng khoảng 300 – 350 gốc tiêu, những năm trước đây cho thu hoạch rất tốt, trái nhiều & to. Nhưng 2-3 năm nay liên tục mất mùa, cây khi nào cũng xanh tươi (bên vườn nhà con hay đổ phân chuồng hoai trên mặt vườn), đến mùa mưa ra hoa rất nhiều , cũng đậu trái nhưng trái to xíu là bắt đầu rụng, rụng rất nhiều (khoảng tháng 12-01 âm lịch) đến khi thu hoạch chỉ còn rất ít. Nhiều khi ko muốn hái (nhà con cũng có bón một số loại phân bón lá mà ko thấy hiệu quả). Cây ít nuôi trái được sức lại phát triển xanh hơn. Thường ngoài con là rằm tháng 7 là mưa đầu khi đó cây bắt đầu hồi sức(ngoài con thu hoạch vào tháng 5), đợi mưa sau mới ra hoa, nhưng tiêu nhà con được sức sẵn cây ra hoa luôn, mà mưa đầu mấy bữa rồi hạn ko tưới nổi, mà có tưới cũng không được vì nắng thét làm cháy lá, đến mưa sau lúc đó ra hoa ít lại (đã bung ở mưa đầu). Chưa kể có mấy trận mưa dầm do ảnh hưởng của bảo là thấy cây ra lộc xanh cả vườn. Cứ mấy năm nay liên tục như vậy hơn 300 gốc tiêu mà bây giờ thu được khoảng 100 -150 kg. Từ khi mất mùa 1 năm nay nhà con ko bỏ phân chuồng ủ nữa mà chỉ bón phân hữu cơ vi sinh. Chú có phương pháp nào cải thiện không giúp con với ạ. Ngoài ra với tiêu từ 1-3 năm tuổi nhà con tưới nước từ bioga đã qua xử lý thay vì nước sạch thì có nguy cơ mang lại mầm bệnh gì ko ạ.
    Một số thông tin con gửi chú, mong chú có thể giải đáp giúp con.
    Mong thông tin từ chú
    Cảm ơn chú

    • Chào cháu @ Văn Trí
      Do thời tiết thất thường, đặc biệt là những lúc khô hạn cục bộ, nhà cháu cần chủ động tưới nước hỗ trợ chứ không thể phó mặc cho mưa nắng tự nhiên như ngày trước được. Tưới nước từ bioga chắc chắn có nguy cơ, nhưng qua xử lý là sao, cách xử lý ntn, chú không rõ… Chú cũng không thể (và không nên) bàn vì phân vi sinh quá nhiều loại….
      Nhà cháu nên dùng tricho ủ phân chuồng để bón, bổ sung thêm một ít khoáng đa trung vi lượng xét thấy cần thiết là được.
      Nông trường Tân Lâm lấy của chú nhiều mồ hôi lắm đó !
      Cần hỗ trợ chi tiết thì chú phải trao đổi kỹ càng hơn. Cháu có thể email cho chú.
      Thân

Gửi phản hồi mới

(?)