Tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng tiêu ở Gia Lai

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, Gửi phản hồi

Vào chính vụ thu hoạch, trong khi giá hồ tiêu trên thị trường đang ngày một tăng thì hàng trăm hộ nông dân trồng tiêu tại hai huyện Chư Sê và Chư Pưh đang đối mặt với một vụ tiêu trắng tay…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính (trái) hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh cho tiêu.  

Từ khoảng trung tuần tháng 7-2011 đến nay, nhiều hộ dân ở hai vựa tiêu lớn nhất tỉnh Gia Lai là Chư Sê, Chư Pưh luôn phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì tiêu chết hàng loạt. Hộ ít thì mất vài chục trụ, hộ nhiều thì đến hàng nghìn trụ. Dẫn chúng tôi đi thực địa rẫy tiêu 600 trụ của nhà, ông Nguyễn Ðức Thắng (thôn Plei Thơ Ga, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, Gia Lai) than thở: Với kinh nghiệm gần 10 năm trồng loại nông sản này, tôi có thể cảm nhận được mỗi ngày mỗi dây tiêu cao thêm được bao nhiêu phân, ra thêm bao nhiêu lá nhưng chưa bao giờ thấy tiêu chết nhiều và nhanh như thời gian vừa qua. Vườn nhà tôi bị thiệt hại hoàn toàn hơn 20% số trụ. Ðó là chưa kể số trụ phát hiện bệnh kịp thời, đã ra sức bơm thuốc theo hướng dẫn của trạm bảo vệ thực vật, tuy nhiên hiện tại, chúng cũng đang trong tình trạng sống lay lắt vì lá đang từng ngày úa vàng. Ông Thắng cho biết thêm, từ khi phát hiện bệnh, gia đình đã “đổ” vào rẫy cả chục triệu đồng tiền thuốc nhưng tiêu vẫn cứ chết, điều đáng ngại hơn là bệnh này lây lan rất nhanh. Cũng theo người dân ở đây, thôn Plei Thơ Ga nói riêng và xã Chư Don nói chung hầu như nhà nào cũng có tiêu chết vì bệnh, nhiều nhà thiệt hại từ 70% đến 80%. Thiệt hại nặng nhất là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, nhà có gần 5.000 gốc tiêu nhưng bị chết đến hơn 3.000 trụ vì bệnh.

Mọi năm, thời gian này, các vườn tiêu ở Chư Pưh đều đậu quả nhưng năm nay vườn tiêu nào cũng có cây bị chết, cây nào có quả thì cũng rất xấu. Anh Vũ Văn Bùi (thôn Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) tâm sự: Với tình hình này thì vụ tiêu năm nay của gia đình bị mất trắng, nếu không nói là sẽ lỗ vì đã đầu tư công chăm sóc, nước tưới và phân bón. Mọi năm, đến thời điểm này vườn tiêu của gia đình đã ra hoa và đậu quả và là một trong những vườn tiêu đẹp và cho năng suất cao của vùng này nhưng năm nay không thấy một hoa nào, cây tiêu ngày càng còi cọc… Còn theo ông Kpă Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh thì, chưa bao giờ vùng tiêu này có hiện tượng chết nhiều và đồng loạt như năm nay. Phòng đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của phòng tiến hành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để sớm có biện pháp phòng trừ, trước mắt, hướng dẫn người dân tăng cường công tác chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân chuồng nhằm tăng cường chất dinh dưỡng cho cây…. với hy vọng cứu một phần nào những cây tiêu chưa nhiễm bệnh.

Tại huyện Chư Sê, tình hình cũng không khá hơn. Diện tích tiêu bị chết chủ yếu tập trung tại các xã Ia Glai, Dun, H’bông… Theo ông Lê Ðình Quốc, người có hơn 20 năm trồng cây hồ tiêu và là một trong những người tiên phong của vựa tiêu Chư Sê thì, cây tiêu rất khó tính do đó tiêu bệnh và chết đa phần do người dân canh tác không đúng kỹ thuật, bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học quá nhiều, trong nhiều năm liền đã khiến cây tiêu kiệt sức, không đủ sức kháng bệnh, dẫn đến chết dần. Bên cạnh đó, lợi nhuận của cây hồ tiêu là quá lớn do đó nhiều người đã đổ xô đi trồng tiêu mặc dù chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ thuật về loại cây khó tính này, cứ mỗi người làm một kiểu, mỗi người làm một cách khác nhau, ai chỉ gì làm nấy… Bên cạnh đó, ăn theo cây tiêu là các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học bán tràn lan khắp hai vựa tiêu này cũng góp một phần làm cho cây tiêu xuống cấp, dễ mắc bệnh.

Trước tình hình trên, lãnh đạo các huyện Chư Sê, Chư Pưh cũng đang cố gắng tìm giải pháp giúp nông dân trồng tiêu cứu vãn các vườn tiêu đang xuống cấp từng ngày. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê Lê Sỹ Quý, cho biết: “Trước hết, chúng tôi nhận định tình hình thời tiết biến đổi trong những ngày tiếp theo để giúp nông dân chủ động có biện pháp chăm sóc tiêu. Kết hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ – Thực vật hướng dẫn cho người dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân như thế nào để vườn tiêu nhanh chóng phục hồi. Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên để có biện pháp hỗ trợ, giúp người dân cứu vườn tiêu”. Chung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Trần Văn Sơn, chia sẻ: Nông dân ở Chư Pưh đa phần làm tiêu, kinh tế gia đình phụ thuộc gần như toàn bộ vào cây tiêu. Cách đây một tháng, nông dân mừng vì giá tiêu rục rịch tăng, nhưng thời gian gần đây, các vườn tiêu trên địa bàn huyện bị chết hàng loạt. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để trích ngân sách hỗ trợ các hộ có tiêu bị chết nhiều, góp phần giảm thiệt hại cho người dân…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính cung cấp thêm: Qua tìm hiểu, bước đầu chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hai cơn bão số 9 và 11 của năm 2009, nước ngập lâu đã làm đổ, lay gốc rễ, giập thân, tiêu thối rễ… là điều kiện thuận lợi để rệp sáp và các loại nấm xâm nhập phá hại; mặt khác thời gian gần đây nắng nóng kéo dài đã làm các vườn tiêu bị chết, xuống cấp nghiêm trọng, rồi nằm ủ bệnh, khi gặp mưa nhiều (mùa mưa năm 2011) làm độ ẩm đất và độ ẩm không khí rất cao. Ðây là môi trường thuận lợi để các loại nấm bệnh phát triển và phá hoại vườn tiêu, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm… Ðể giúp hội viên, nông dân phục hồi vườn tiêu kinh doanh, cứu vãn vụ tiêu năm nay, Ban Chấp hành Hiệp hội đã khuyến cáo, tập huấn cho hội viên và nông dân những biện pháp cần làm ngay để phục hồi vườn tiêu kinh doanh và những biện pháp phòng ngừa bằng cách đào mương thoát nước và xử lý phòng bệnh bằng các loại thuốc hóa học. Trước mắt, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường bón phân hữu cơ, vô cơ nhằm tăng cường chất dinh dưỡng cho cây phát triển trở lại.

Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai, tập trung ở vùng chuyên canh thuộc hai huyện Chư Sê và Chư Pưh với gần 3.000 ha, cho sản lượng hằng năm từ 12 nghìn đến 15 nghìn tấn tiêu hạt, bảo đảm chất lượng để xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, cộng với sâu bệnh trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây hồ tiêu, làm cho đời sống của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn; nhiều gia đình đã không còn vốn để đầu tư lại, nhiều hộ đang lâm vào cảnh nợ nần do vay tiền để đầu tư vào trồng tiêu. Hơn ai hết, người nông dân đang mong chờ vào sự hỗ trợ của các ngành, các cấp có liên quan.

Báo Giá cà phê qua điện thoại

Gửi phản hồi mới

(?)