Thiếu sức mua kéo giá hạt tiêu trong nước đi xuống

, Thị trường hạt tiêu, 15

Sức mua tăng mạnh tại Ấn Độ đã kéo giá hạt tiêu tại thị trường này lên cao, trong khi ở Việt Nam và sàn giao dịch Singapore, cả người bán lẫn người mua đều vắng bóng.

Giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX tại Ấn Độ tiếp tục lên ở mức cao trong khi tiêu trên sàn SMX vẫn giữ xu hướng ngược lại.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, ngày thứ Bảy 14/7, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX tại thị trường Kochi Ấn Độ tiếp tục lên đứng ở mức cao. Kỳ hạn giao tháng 7 là 42.730 Rupi/tạ tương đương 7.789 USD/tấn, giao tháng 8 là 43.240 Rupi/tạ tương đương 7.882 USD/tấn và giao tháng 9 là 43.520 Rupi/tạ tương đương 7.933 USD/tấn. ( 1 USD = 54,8625 Rupi).

Giá hạt tiêu giao ngay song song với xu hướng giá của thị trường kỳ hạn lên ở mức 39.900 Rupi tương đương 7.273 USD/tấn cho loại tiêu xô và 41.400 Rupi/tạ, tương đương 7.546 USD/tấn cho loại tiêu chọn MG1, tăng 180-200 USD/tấn so với đầu tháng. Mặc dù tỷ giá đồng Rupi có tăng trở lại nhưng nhu cầu cao tiếp tục thúc đẩy giá tiêu nội địa Ấn Độ gia tăng.

Giá tiêu đặc chủng loại MG1 của Ấn Độ trên thị trường quốc tế khoảng 7.850-7.900 USD/tấn (C&F) cho hàng đi châu Âu và khoảng 8.150-8.200 USD/tấn (C&F) cho hàng đi Mỹ, vẫn giữ mức chênh lệch cao so với giá tiêu xuất khẩu của các quốc gia khác.

Trong khi đó, sau một thời gian khá dài thiếu khách giao dịch, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) cuối tuần này đứng ở mức 6.160 USD/tấn cho kỳ hạn giao tháng 7 và mức 5.967 USD/tấn của kỳ hạn giao tháng 8, vẫn duy trì cách biệt quá xa so với giá tiêu kỳ hạn tại Ấn Độ.

Theo ông Lo Kun Seng, giám đốc điều hành của một công ty xuất khẩu hạt tiêu lớn của Malaysia, vào nửa cuối năm thị trường hạt tiêu sẽ hạ nhiệt khi các nước sản xuất tiêu lớn như Indo, Brazil ra hàng, nông dân và thương nhân của các nước sản xuất tiêu cũng không vội vàng bán ra với mức giá hiện tại.

“Họ đang nắm giữ một lượng hàng đáng kể và đang chờ giá tăng. Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu vẫn còn cao. Khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone) cũng ít tác động đến giá tiêu thế giới”. ông Lo nhận định.

Theo lịch thời vụ, hiện nay Indonesia đã bước qua tháng thứ hai của vụ thu hoạch mới kéo dài khoảng bốn tháng, trong khi Brazil cũng sẽ có hàng vụ mới đưa ra tham gia thị trường dự kiến vào khoảng giữa tháng 10 hay tháng 11.

Trong khi tại Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, chiếm hơn 1/3 sản lượng tiêu toàn cầu, giao dịch hạt tiêu trên thị trường nội địa hiện khá trầm lắng. Một số công ty xuất khẩu tạm thời không ăn hàng còn nhiều đại lý cũng ngừng thu mua vì “công ty thiếu tiền, thanh toán chậm” khiến bà con nông dân cũng ngần ngại không muốn bán mặc dù giá tiêu xô trong nước có giảm nhẹ, theo các thương lái cho biết.

Sáng nay 15/7, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu còn 124-125 ngàn đồng/kg, Bình Phước 123 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 121-122 ngàn đồng/kg, giảm 1-2 ngàn so với đầu tháng.

Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g Gr/l-FAQ mức 6.200-6.250 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ mức 6.500-6.550 USD/tấn, trong khi tiêu trắng loại 630Gr/l-FAQ chào 9.350-9.400 USD/tấn và loại DW630Gr/l giá 9.700-9.750 USD/tấn, (FOB), giảm 100 USD.

Theo thống kê của Hải Quan, xuất khấu tháng 6 đạt 9.522 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 65,12 triệu USD giảm 22,1% về lượng và giảm 22,4% về giá trị so với tháng trước, nâng số lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 69.163 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch đạt 471,3 triệu USD, tuy giảm 0,7% về lượng nhưng lại tăng 25,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân xuất khẩu trong tháng 6 đạt 6.839 USD/tấn, vẫn ở mức cao.

Anh Văn

Báo Giá cà phê qua điện thoại
15 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Trong khi giá tiêu kỳ hạn Ấn Độ gần tới 8 ngàn/tấn thì tiêu kỳ hạn tại Sing chỉ 6 ngàn/tấn. Chênh lệch rõ ràng là quá bất hợp lí. Hơn nữa sàn Sing lại giao hàng tại kho ngoại quan ở Bình Dương khiến cho giá tiêu VN không thể ngóc đầu lên được.
    Các nhà XK nước ta và Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam VPA chẳng nhẽ lại bó tay !

  2. Theo tôi, giới đầu cơ tiêu Ấn Độ đang dùng một món võ rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả khi họ nắm được tâm lý và cách giao dịch của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Họ đang lợi dụng sàn giao dịch SMX Singapore để đánh sụt giá tiêu đen của Việt Nam, bằng cách đặt mua giá rất thấp, thấp hơn giá tiêu trong nước, rồi cũng chính họ bán đúng bằng số lượng họ đặt mua là họ đã áp được giá thấp cho tiêu Việt Nam, mà họ không phải chịu sự rủi ro là giao hàng thực, trong khi chỉ mất chút ít phí môi giới 6 USD/ 5 tấn.
    Tôi nghĩ ta hoàn toàn có thể khắc phục được sự ép giá của giới đầu cơ Ấn Độ (nhưng tôi nghĩ là hơi khó làm được, bởi vì khó thay đổi cách làm ăn giao dịch của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam):
    – Doanh nghiệp và nông dân đồng lòng không xuất hàng giá rẻ, không ham chén mà bỏ mâm.
    – Đồng thời tham gia tích cực trên sàn SMX, ta cứ đặt mua hàng giấy với giá cao hơn giá trong nước chút đỉnh, cứ làm như vậy ngày qua ngày, ta sẽ nâng dần giá tiêu Việt Nam lên gần với giá tiêu Ấn Độ (tuy nghe có mùi đầu cơ, nhưng tôi nghĩ sẽ vô cùng hiệu quả trong việc chống lại đầu cơ Ấn Độ!)
    Khi ta làm như vậy, giới đầu cơ Ấn Độ sẽ tuyệt đối không bao giờ dám bán hàng giấy với giá quá thấp như hiện nay (bởi vì họ rất sợ giao hàng thật trong khi họ không có hàng thực giá rẻ). Nếu làm được như vậy, cả doanh nghiệp và nông dân sẽ được lợi. Việt Nam chắc chắn sẽ thắng giới đầu cơ Ấn Độ.

    Rất hy vọng nhận được sự chia sẻ, chỉ dạy của mọi người để tôi học hỏi thêm.
    Trân trọng kính chào.

  3. Sàn Sing là sân sau của nhà đầu cơ Ấn Độ, mới hoạt động vài tháng qua. Bọn này toàn đưa thông tin ảo, hù VN. Bà con ta rất tỉnh táo, chẳng ai bán giá rẻ mạt, trong khi giá sàn Kochi phản ánh đúng quy luật cung cầu.

    Quý I/2012 VN, Ấn Độ và một số quốc gia thu hoach tiêu với tổng sản lượng chiếm 60 lượng tiêu toàn cầu, phần lớn hàng đã được tiêu thụ. Riêng VN ước còn tồn trong dân và các doanh nghiệp khoảng 45.000-50-000 tấn số này cho XK 6 tháng cuối năm.

    Indonesia, Malysia, Brazil… thu hoạch vào 6 tháng cuối năm với tổng sản lượng chỉ 40% lượng tiêu thế giới và họ bán, xuất khẩu từ nay đến tháng 6/2013, không ngu gì họ bán rẻ.

    Bà con nhớ rằng tháng 9-10 2011 giá tiêu trong nước đạt 160.000-165.000đ/kg, nay tỷ giá gần 21.000đ/1USD.
    Bà con đừng tin bọn đầu cơ tại sàn Sing, hãy tẩy chay sàn này. Chúng ta hãy đồng lòng giữ hàng chỉ bán khi thật cần thiết, giá tốt

    Cân đối cung cầu toàn cầu về hồ tiêu, đến giờ này cung vẫn không đủ cầu, điều này sớm muộn gì giá sẽ tăng.

  4. Việt Nam minh dở thiệt, quốc gia Singapo tí tẹo mà để nó khống chế giá tiêu toàn lãnh thổ Việt Nam trong khi giá tiêu của thế giới cao vời vợi.

  5. Các nhà xuất khẩu tiêu ở Việt Nam đang làm trò gì vậy. Giá sàn Ấn cao tại sao không giao dịch được để cho giá tiêu Việt Nam càng ngày càng đi xuống. Phải chăng đang muốn nông dân Việt Nam bán giá rẻ để kiếm lời. Bà con hãy yên tâm giữ hàng đợi khi lượng hàng thật không còn thế nào giá tiêu chúng ta cũng lên.

  6. Hiện nay giới đầu cơ hạt tiêu thế giới đang tập trung để khống chế giá tiêu kỳ hạn tháng 8 trên sàn SMX, hòng dùng giá sàn này để đè giá tiêu của VN rồi ra tay gom hàng về bán lại thu lời.
    Mong các nhà xuất khẩu của nước ta tỉnh táo, không dại gì đi bán rẻ để kiếm lời bằng cách đè giá tiêu của nông dân xuống !
    Thị trường tiêu thế giới sẽ biến động mạnh vào tháng 9-10. Khi đó nắm hàng thực có nghĩa là mình có quyền ra giá.

  7. Cảm ơn anh, 2 ngày vừa qua tôi đã áp dụng và thành công trong việc nâng giá tiêu kỳ hạn tháng 7 trên sàn SMX.
    Nhưng mỗi ngày tăng nhiều nhất được 5%, khoảng 300 USD/ 1 tấn.

  8. Theo báo cáo của SMX của kỳ hạn tháng 7 (chỉ còn 3 ngày giao dịch) thì giá ngày 16/7 tăng 308 USD, ngày 17/7 giảm 108 USD. Cũng không dễ dàng nâng đâu. Hi vọng phản hồi lần sau của bạn Thiện xác thực hơn!
    Theo tôi, hiện nay cần cải thiện ở kỳ hạn tháng 8, có thời gian dài để dễ tạo đà và thiết lập mức cao cho tiêu VN là hợp lí hơn cả.

  9. Đáng buồn thay cho nông dân trồng tiêu Việt Nam!
    Lúc giá tiêu thế giới giảm thì giá tiêu nội địa giảm đã đành, đằng này khi giá tiêu thế giới tăng cực mạnh thì giá tiêu nội địa cũng vẫn giảm. Cụ thể, ngày 16/7/2012 giá Sàn Ấn tháng 7 tăng 770Rupi, Sàn Singapore tháng 7 tăng 308 USD thì giá nội địa lại giảm 1.000đ, còn rất nhiều ngày như vậy nữa nhưng tôi chỉ nêu ra 1 ngày cụ thể.
    Riêng Sàn Ấn 2 tuần nay tăng rất mạnh từ 40.000Rupi lên 43.000Rupi nhưng giá nội địa thì lại giảm từ 127.000đ xuống còn 122.000đ (quá vô lý).
    Còn Sàn Singapore thì Sàn Ấn tăng bao nhiêu thì Sàn Singapore giảm bấy nhiêu. Sàn này chỉ phục vụ lợi ích cho nhà xuất khẩu còn nông dân ra sao thì mặc kệ vì họ cứ hạ giá bán để kéo khách càng nhiều càng tốt và giữ khoảng cách lời 200-300USD/tấn. Vì vậy, hiện nay họ bán giá thấp hơn Sàn Ấn gần 2.000USD/tấn, điều này đã lập đi lập lại nhiều lần từ hôm Sàn Singapore ra đời cho đến nay. Họ muốn đè cho nông dân chúng ta không ngốc đầu lên nổi vì vậy chúng ta làm cách nào để tẩy chay sàn này.
    Mở cửa ngày hôm sau không ăn khớp với đóng cửa ngày hôm trước, họ muốn cho bao nhiêu thì tuỳ tiện. Cụ thể kỳ hạn tháng 7 ngày 17/7 đóng cửa ở mức 6.791USD, qua ngày hôm sau mở cửa ở mức có 6.360USD (không có sàn nào như sàn này).

    *NCDEX ngày 16/7, kỳ hạn 6, 7, 8 tăng 365Rs, 500Rs, 415Rs.

    *SMX ngày 17/7, kỳ hạn tháng 7 mở cửa 6145, cao 6791, thấp 6145, đóng cửa 6360.

    *Giá mở cửa không nhất thiết phải ăn khớp với giá đóng cửa của hôm trước.

    Đề nghị bạn kiểm tra lại! Xem thêm phản hồi của bạn Tiêu sọ.

    *Mong có phản hồi chính xác hơn! Admin

  10. Đề nghị Hội Nông Dân Việt Nam, Hiệp hội hồ tiêu và những người trồng tiêu lên tiếng phản đối, dẹp bỏ ngay cái sàn SMX này đi. Từ ngày sàn SMX hoạt động cho đến bây giờ không mang lại lợi ích gì cho nông dân cả, mà toàn làm những điều ngược lại. Tôi ngạc nhiên vì không thấy Hội nông dân, hiệp hội hồ tiêu những tổ chức có tư cách pháp nhân, lên tiếng một cách mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của người trồng tiêu.

  11. Cái sàn SMX của Singapore, ở nước người ta sao bác lại dẹp được? Cũng không loại trừ có ai trong nước mình luồng gió bẻ măng, mượn giá sàn này để ép giá thu mua tiêu của nông dân mà kiếm lời?
    Tôi nghĩ chúng ta đoàn kết lại để chiến đấu như bạn @Nguyễn Tri đề nghị là hợp lý hơn cả, nhưng vấn đề là ai làm “quản trò” đây?

  12. Trước hết, xin cảm ơn anh Tiêu Sọ đã quan tâm và ủng hộ ý kiến của tôi.
    Đúng như anh nói: vấn đề quan trọng bậc nhất là ai sẽ làm “quản trò”?

    Theo tôi nghĩ thì việc này chỉ có cơ quan, đoàn thể, hiệp hội mới có thể làm được. Nhà nước thay vì bỏ ra hàng trăm triệu Đô la để thu mua tạm trữ tiêu cho nông dân, thì có thể dùng số tiền nhỏ hơn rất nhiều để thành lập một quỹ gọi là quỹ bảo trợ giá tiêu cho nông dân, quỹ này sẽ tham gia chống lại đầu cơ nước ngoài ép giá lên tiêu Việt Nam.
    Khi quỹ hoạt động bài bản, các nhà đầu cơ Ấn Độ chỉ cần nghe quỹ hắt xì thôi là khiếp vía rồi.
    Vấn đề là người có đức có tài có được trọng dụng để điều hành quỹ hay không thôi.

    Rất hy vọng nhận được sự chia sẻ, chỉ dạy của mọi người để tôi học hỏi thêm.
    Trân trọng kính chào

  13. Thật vui khi có những người luôn quan tâm đến việc này như các anh, sáng nay vô tình lướt qua giatieu.com mà thấy mấy comment hấp dẫn quá, cho em tham gia với, mong học hỏi được nhiều từ các anh. Em cũng tập tành buôn bán tiêu, (còn nhỏ người và vốn nhỏ nên đi bán hàng cho mấy đại lí, tiểu thương ở chợ thôi).
    P/S: em nghĩ mấy cái hiệp hội như Hội Nông dân, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam… có lẻ làm ngơ chứ thật sự họ làm thì được việc (làm ngơ vì ko ảnh hưởng đến chén cơm của họ). Khổ nhất vẫn là những người nông dân. Họ thực sự chưa biết giá trị của họ làm ra, vì mặt hàng tiêu có giá cao hơn các mặt hàng nông sản khác nên họ thiết nghĩ như vậy là đủ rồi còn hơn là làm cafe, lúa, hoa màu… Nhưng 1 phần lớn nông dân chúng ta ko biết được giá trị thực của nó nên việc đồng lòng chống lại sự o ép của mấy nước thật sự khó. Em mong muốn sao có tổ chức nào đó họ thực sự làm được vai trò “quản trò” thì hay biết mấy, em thấy trong trong cái foroom này cũng nhiều anh tài (anh tài vì thấy có tâm huyết và tài năng ở đó) vậy thì sao chúng ta ko lập 1 hội để trao đổi về vấn đề này, để em có cơ hội học hỏi ở các anh.

  14. Kính gửi Ban biên tập Y5 Cafe
    Xin vui lòng giải thích giùm tôi: sàn NCDEX giao dịch tiêu kết thúc lúc 18h30 thường ngày nhưng đến sáng hôm sau thì lại thấy kết quả khác (chưa giao dịch). Như vậy tính đóng cửa là giá trị nào? Xin cảm ơn!

    *Bạn có thể Search giá đóng cửa, giá mở cửa trên Google !

  15. Kính thưa bà con! theo tôi được biết thì cách tính dưới đây được tính theo năm rồi 2011 (chưa có sàn SMX). Gía sàn Ấn 43275 Rs/tạ, 1 R = 368 VND ra 159,000 VND/kg trừ đi chênh lệch là 15,000 VND còn lại 144,000 VND/kg là đúng. Đằng này giá Việt Nam chỉ có 120,000 VND/kg. Đúng là sàn SMX và nhà xuất khẩu ép nông dân chúng ta quá đáng. Vì vậy chúng ta không nên bán hàng ra trừ trường hợp quá cần thiết. Thân chào bà con!

Gửi phản hồi mới

(?)