Tiêu Việt Nam có chứa chất cấm là có thật

, Thị trường hạt tiêu, 35

tieu-den-dai-dien1Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), việc Tây Ban Nha trả sản phẩm hồ tiêu Việt Nam là có thật nhưng với số lượng rất nhỏ.

Cơ quan chức năng Tây Ban Nha đã phát hiện hàm lượng chất diệt nấm carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong lô hàng hạt tiêu đen của một doanh nghiệp Việt xuất đi Tây Ban Nha mới đây. Chiều 17/2, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có phản hồi về vấn đề này.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc trả sản phẩm về là có thật nhưng với số lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, điều lo lắng ở đây đó là việc các đối thủ khác của Việt Nam lợi dụng tình hình này để làm ảnh hưởng uy tín ngành hồ tiêu Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nói: “Ở các nước khác sẽ lợi dụng để tẩy chay sản phẩm của Việt Nam và đây mới là điều nguy hiểm nhất. Bởi vì một sự việc chúng ta có thể ngăn chặn được trong trường hợp cá biệt, còn khi mà cung vượt cầu thì người ta sẽ coi đó là một hàng rào kỹ thuật và sẽ bất lợi cho ngành hồ tiêu Việt Nam”.

Cũng theo ông Nam, việc hồ tiêu bị nhiễm chất diệt nấm hay dư lượng thuốc BVTV một phần là do diện tích hồ tiêu những năm qua tăng lên ồ ạt khiến chúng ta khó kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV của người trồng. Một phần do chính chúng ta chưa có kiểm soát hồ tiêu ngay từ trong nước trước khi xuất khẩu khiến khi bị kiểm tra là phải trả về.

Ông Đỗ Hà Nam cũng cho rằng: “Chúng ta phải tăng cường bằng cách thành lập và đầu tư cho các đơn vị kiểm định hàng hóa trong nước, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng vùng trọng điểm lớn để kiểm soát các sản phẩm này để việc kiểm soát xuất xứ theo chất lượng đã được thỏa thuận giữa người mua và người bán. Có như thế chúng ta mới ngăn chặn được mà đảm bảo uy tín giữa người mua và người bán”.

Châu Âu trong đó có Tây Ban Nha hiện nhập lượng hàng lớn của Việt Nam trên 40.000 tấn, là thị trường rất khó tính và sẽ càng khắt khe hơn khi các đối thủ của Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ tăng diện tích trồng tiêu khiến cho việc kiểm soát càng đặt ra nghiêm ngặt. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục chi phối thị trường tiêu thế giới với trên 50% sản lượng, giá trị đạt trên 2,4 tỉ USD.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
35 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Bài báo kia thì viết Bộ Y tế TBN gửi công hàm thông báo lệnh cảnh báo của EU. Còn bài báo này viết TBN trả hàng về là có thật. Rốt cuộc là đã có chuyện gì?
    Có thể mai mốt sẽ có thêm những thông tin khác nữa, chắc không ngoài mục đích đè giá tiêu VN !

  2. Tôi thấy ý kiến của ông Đổ Hoài Nam, chủ tịch VPA là rất thỏa đáng !
    Bà con mình phải biết sử dụng thuốc BVTV hợp lý, tránh hiện tượng phun xịt tràn lan, áp dụng tốt các biện pháp phòng bệnh cho tiêu. Trong những trường hợp cần thiết cũng phải biết chọn các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, phải tính toán thời gian cách ly an toàn cho tới khi bắt đầu thu hoạch.
    Bà con phải biết tự lo, chứ không ai vào đây để cứu mình đâu !
    Thân

  3. Tôi nghe chuyên gia cao cấp trên VTC16 khuyến cáo bà con nên phun thuốc nấm để phòng bệnh cho tiêu vào mùa mưa khoảng 14 ngày/1lần, vậy thì thời gian cách ly là bao nhiêu mới thu hoạch được?

    • Chuyên gia về BVTV khuyến cáo phòng trừ bệnh nấm vậy là đúng đó bạn.
      Vì chuyện thu hoạch bảo quản sản phẩm là chuyện của người khác, chuyện ai người ấy biết !

    • VTC16 khuyến cáo đúng theo tiêu chuẩn Việt Nam, luật Việt Nam. Việt Nam không có quy định giới hạn nồng độ Carbendazim trong tiêu, nghĩa là bao nhiêu cũng được, phun thoải mái.

      EU họ không cho phép nhập khẩu tiêu vào Châu Âu nếu Carbendazim vượt quá 0.1 ppm (0.1 phần triệu)

  4. Nếu bạn Thành đã nói: phun thuốc vào mùa mưa, vậy thu tiêu vào mùa khô cũng chẳng có liên quan, vả lại hiện tại trên thị trường hiện nay các loại thuốc có thời gian cách ly lâu nhất là 14 ngày vậy thì bạn cứ trước khi thu hoạch 14 thì đừng nên dùng thuốc gì cả.

    • Dan Viet có cơ hội thử nghiệm phun Carbendazim lên cây và cách ly 40 ngày và hàm lượng đo được là 0.36 ppm, hơn chuẩn EU 3.6 lần.

      Theo luật VN, chả có vi phạm gì cả nhưng nhập vô EU thì không đủ tiêu chuẩn.

    • Bạn cần phân biệt thời gian thuốc có hiệu lực, tức là diệt trừ được sâu bệnh, cũng thường được coi là thời gian cách ly với thời gian tồn dư là hoàn toàn khác nhau. Thuốc BVTV thông thường có hiệu quả tốt trong vòng 7 ngày, và có thể lên tới 10 là hết. Trong khi tồn dư phụ thuộc vào sự rửa trôi và hiệu quả bám dính, thường là 40-50 ngày. Với carbendazim có thể lên tới 80-100 ngày, trường hợp đặc biệt sau 180 ngày vẫn còn tìm thấy vết tích.
      Tất nhiên thời gian càng dài thì dư lượng sẽ càng nhỏ, vấn đề còn ở mức cho phép là bao nhiêu ppm nữa !

    • Em thấy nhiều người chưa phân biệt thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bên BVTV khác với thời gian để giảm bớt tồn dư thuốc của ngành VSATTP.
      Em đồng ý với anh @Trọng GL, trên VTC16 là chuyên gia về Trồng trọt, BVTV nên họ không quan tâm kỹ càng về VSATTP.

    • Việt Nam ta có câu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là vậy!

  5. Xin vui lòng cho biết giá tiêu thấp nhấp của Việt Nam trong năm 2015 là bao nhiêu đồng/kg? và vào tháng nào trong năm 2015? Xin cám ơn !

    • Theo mình thấy tính theo thời điểm thì gia tiêu xô vẫn đang ổn định !
      Giá có khả năng ổn định trong vài mùa nữa…

  6. Mình thấy đa số bà con đều phơi tiêu chỉ có 2 nắng, nhiều nhất là 3 vì sợ hao hụt tiêu. Bình thường nếu tiêu khô bán ra so với tiêu 2 đến 3 nắng thì vẫn thua về giá cả, vậy nên khó để cho bên thu mua tránh dùng thuốc BVTV đc, bà con nông dân lại tự làm khổ mình rồi.

    • Nếu như mỗi người, mỗi giới đều thẳng thắn nhận lỗi về mình và giới mình để sửa đổi thì mới hy vọng tình hình được cải thiện. Đá quả bóng đi chỗ khác thì không bao giờ vấn đề được giải quyết và cuối cùng thì thiệt hại sẽ quay lại đúng địa chỉ nơi nó được sinh ra.

      @Nguyễn Vương Quốc đã nêu ra được một trong những nguyên nhân gây nhiễm Carbendazim.

    • Hãy thẳng thắn, trung thực trước. Nếu thương lái mua không đàng hoàng thì bán cho thương lái khác, giờ thương lái mua tiêu rất nhiều, không cần thiết phải lệ thuộc bất kỳ thương lái nào.
      Dùng cái sai trái, gian dối để đối phó với sai trái gian dối không bao giờ có kết thúc có hậu. Bà con mình hãy:

      Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
      Lấy chí nhân để thay cường bạo.

  7. Ở vùng tôi trước khi thu hoạch ít nhất 2 đến 3 tháng không ai dùng bất kỳ loại thuốc nào hết cả.

  8. Ở Huyện nào cũng có Phòng Nông nghiệp, Tỉnh nào cũng có Sở Nông nghiệp, nhưng tôi làm nông nghiệp ở đây cũng gần 10 năm mà chẳng thấy có một chương trình nào để hỗ trợ bà con nông dân cả, ra phòng hỏi xin tài liệu hay nhờ trợ giúp thì ôi thôi rồi cán bộ mắc đi họp, nhân viên kĩ thuật đi báo cáo, tài liệu đang hoàn thiện chưa xong… tất cả đều như nhau. Chủ yếu là tự tìm tòi học hỏi là chính. Đến khi các sản phẩm nhà nông bị lỗi thì bảo là do nông dân không biết quy trình xử lý, phun thuốc quá mức,… hàng ngàn lý do đổ lên đầu người nông dân. Trong khi các kĩ sư nông nghiệp rung đùi ở quán cafe, la cà ở quán nhậu, thi vở sạch chữ đẹp… Cấp tỉnh, cấp trung ương thì ra rả về việc đã triển khai đầy đủ tất cả các phương án sản xuất cho bà con, thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững… toàn những văn từ hay mà nhói lòng xót dạ. Bà con mình dầm nắng phơi sương, héo mòn vì dịch bệnh, giá cả, hàng hóa ế ẩm hay bán không xong mà ăn cũng không được. Tóm lại là bà con hãy tự lo cho cái vườn của mình, học hỏi kinh nghiệm tốt của nhau để phát huy hơn.

    • @Nguyễn Tấn Đạt, cả tôi và bác vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm tạo ra sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của của ngành NN&PTNN. Nếu từng người dân đều biết rằng các cán bộ Nông nghiệp đó được lãnh lương từ ngân sách (cũng là từ tiền thuế do chúng ta đóng) là để phục vụ cho chúng ta. Chúng ta không xin xỏ gì họ cả mà chúng ta đòi hỏi họ phục vụ chúng ta theo đúng chức năng mà XH phân công họ làm, vì họ được chúng ta trả lương gián tiếp.
      Chưa có nguyên tắc hay quy trình để những người chủ (trả lương gián tiếp) như chúng ta cách chức họ khi họ thiếu trách nhiệm thì họ vẫn tiếp tục thiếu trách nhiệm và vô sự.

      Chúng ta mang tiếng làm chủ nhưng không thực sự được làm chủ. Nếu như ai cũng im lặng cam chịu mà không dám có ý kiến thì điều này mãi mãi không bao giờ thay đổi.

  9. Theo tôi một số nơi thu mua hồ tiêu đã dùng thuốc để bảo quản cho tiêu khỏi bị nấm mốc. Còn người trồng tiêu chúng tôi hầu như không dùng thuốc trước thu hoạch 1 tháng.

  10. Sáng nay có người bạn đưa tới mấy ông Tây hỏi mua tiêu sạch, giá cao hơn thị trường bình quân 10.000 đ/kg. Họ hỏi mình chăm sóc tiêu thế nào? mình đưa mấy vỏ thùng phân biogel+biosol, nấm tricho, humic… mà mình đang sử dụng. Họ đồng ý, nhưng yêu cầu mình phải phơi tiêu trong bạt, không phơi trực tiếp trên sân xi măng vì dễ bị lây nhiễm khuẩn E.coli, rồi xin mình một ít tiêu khô về xét nghiệm và hẹn trả lời sau. Các bạn thấy sao ? mình thấy có gì khó khăn đâu !

    • Về phía nông dân như bác Thắng Lợi thì đúng là trước mắt không có khó khăn gì cả. Nhưng cái công ty của ông tây kia thì đầy khó khăn.

      1. Tiền test rất mắc. Trong nước là 160 USD/Mẫu xét nghiệm trên 4 chất chính: Carbandazim, Metalaxyl, Cypermethrin, Propamocarb và 4 ngày mới có kết quả, đôi khi kết quả test trong nước khác xa kết quả test ở châu Âu và chưa được hải quan nước nhập khẩu công nhận. Nếu test ở EU thì tiền test khoảng 300EU và thời gian test là 2 tuần. Không có gì đảm bảo là bác Thắng Lợi sẽ bán hết lô hàng của bác cho họ. Hoàn toàn có khả năng là khi thương lái TQ nhảy vào mua thì bán sẽ bán hết cho TQ nếu giá mua của TQ cao hơn tại thời điểm đó nên tiền test của họ coi như đi bụi.
      2. Không nói cụ thể bác Thắng Lợi, chỉ nói chung chung (nhưng thực tế là đã xãy ra) chỉ nêu ra để các bác hiểu và thông cảm với những cty that sự muốn mua tiêu sạch ở VN: Khi cty đẩy giá cao hơn thị trường để mua thì có xãy ra hiện tượng đánh tráo hàng vì lợi nhuận ngắn hạn. Giả sử như nông dân A được cty lấy mẫu về test, kết quả OK, trong thời gian chờ kết quả thì có thương lái khác mua cao hơn, thế là nông dân A bán lô hàng. Khi có kết quả test, cty đó quay lại mua thì nông dân A lấy hàng ở chỗ khác để giao hàng, hưởng mức chênh lệch mà không cần quan tâm đến việc cty đã tốn rất nhiều tiền để test.
      3. Có những trường hợp nghe nói bán được cao hơn giá thị trường 10k nếu không dùng những thuốc BVTV nên kê khai không trung thực (có dùng nhưng khai là không dùng, hoặc nói không đúng về thời hạn cách ly) kết quả là test không đạt, tốn kém nhưng cũng không biết tại sao.

      Nói ngắn gọn là thị trường mua bán sản phẩm nông sản sạch (tiêu sạch, rau sạch, thịt sạch…) là thị trường mua bán uy tín, niềm tin với số lượng lớn (chứ không phải nhỏ lẻ, nghĩa là cần 100% những người có liên quan phải tự giác, trung thực, 90% cũng không được vì 10% không trung thực cũng sẽ làm hỏng nguyên lô hàng của 90% trung thực). Muốn bán được uy tín, chúng ta phải có uy tín tập thể (vì 1 cá nhân thì số lượng hàng không đủ nhiều để test).

  11. Chào cháu @Dan Viet.
    1. Một bác nông dân sau khi đọc phản hồi của cháu nêu lên thắc mắc rằng: nếu có kết quả test ở EU sau vài tuần thì giá lao dốc, mấy ông tây vin vào kết quả test không đạt để không mua nữa có phải nông dân đã mất cơ hội bán cho thương lái TQ thì sao đây? Tất nhiên là nông dân không thể biết kết quả test thực và lúc này cũng chưa có gì để ràng buộc 2 bên.
    2. Cháu có thể nêu ra một số yêu cầu với nông dân, nếu họ liên kết sản xuất tiêu sạch. Chú thấy ý muốn tham khảo của bà con là chính đáng, vì bà con cần hình dung những việc cần phải làm để liệu sức mình.
    Cháu cũng biết là nông dân mình thường có tâm lý lo sợ bị thiệt, còn thêm tiền thì ai chẳng muốn. Hy vọng cháu sẽ kết nối, hỗ trợ.
    Thân

  12. Chào chú Nguyễn Vịnh, cháu cảm thấy cơ hội được hơp tác với các nhóm nông dân càng ngày càng đến gần và sự hợp tác càng ngày càng thực chất.

    Trước mắt, cháu xin gửi đường link về mô hình hợp tác, chịu trách nhiệm nhóm hiệu quả, thiết thực nhất hiện nay trên thế giới: mô hình ngân hàng tín dụng tín chấp dành cho người nghèo Grameen.

    https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A2n_h%C3%A0ng_Grameen

    Nguyên tắc cốt lõi của hoạt động ngân hàng này tóm tắc như sau:

    “…Mỗi nhóm gồm năm cá thể được vay một khoản tiền, nhưng cả nhóm sẽ bị từ chối nhận tín dụng tiếp nếu một cá thể vỡ nợ. Việc này tạo động lực kinh tế cho nhóm hoạt động có trách nhiệm, và làm tăng tính khả thi kinh tế của Grameen.

    …Tại các khu vực khác, kỷ lục đáng ngạc nhiên của Grameen là tỷ lệ hoàn vốn đạt đến trên 98 phần trăm…..”

  13. Kinh nghiệm cốt lõi cháu học được từ nguyên tắc ngân hàng Grameen là: hãy để những người nông dân tự liên kết và tự chịu trách nhiệm lẫn nhau, tự kiểm soát lẫn nhau vì uy tín, danh dự của tập thể. Cụ thể trong việc sản xuất và bán tiêu sạch thì nguyên tắc đó được áp dụng như sau:

    1. Từng nhóm 5-10 nông dân biết rõ nhau và tin tưởng lẫn nhau liên kết lại, đăng ký nhóm bán hàng chung. Nhóm này có quyền lợi và nghĩa vụ liên đới chặt chẽ với nhau và tự giác kiểm tra nhắc nhở nhau làm đúng, chỉ cần 1 hộ làm sai, có thể ảnh hưởng đến kinh tế, uy tín của các hộ còn lại (ảnh hưởng như thế nào thì cháu sẽ nói cụ thể bên dưới). Sở dĩ phải liên kết vì tiền test rất mắc, chi phí test không thể gánh vác nổi nếu lô hàng nhỏ hơn 10 tấn/lần test. Nhóm này bầu ra một trưởng nhóm.
    2. Khi có nhu cầu bán hàng đủ 10 tấn, nhóm gọi cty đến thương lượng giá và giám định dung trọng, ẩm, tạp cho TỪNG CÁ NHÂN riêng lẽ để tính tiền riêng lẽ theo GIÁ THỊ TRƯỜNG tại thời điểm đó, thanh toán tiền luôn theo GIÁ THỊ TRƯỜNG. Như vậy, tại thời điểm mua-bán và giao nhận hàng thì nhóm nông dân hợp tác này CHƯA ĐƯỢC GÌ nhưng cũng KHÔNG MẤT GÌ. Nguyên lô hàng sẽ được gửi đi giám định dư lượng thuốc BVTV bằng một mẫu duy nhất lấy mẫu đại diện lấy từ tất cả các bao hàng.
    3. Nếu test đạt yêu cầu, cty sẽ thanh toán khoản tiền thưởng THÊM sau khi có kết quả. Khoản tiền này nhiều hay it là tùy cty. Nếu cty nào làm ăn chụp giật, ngắn hạn (đạt nhưng báo không đạt chẳng hạn) thì sẽ mất uy tín, không thể tiếp tục mua hàng từ nông hộ. Ngược lại, nếu trong nhóm nông dân bán chung, nếu có một hộ không đạt nhưng các hộ khác hay nhóm trưởng thông đồng làm ngơ thì cả nhóm sẽ không được khoản thưởng THÊM này và cũng sẽ không được cty tiếp tục mua hàng.

    Bằng nguyên tắc như vậy, người nông dân liên kết phải giám sát nhau chặt chẽ để đảm bảo uy tín và lợi ích kinh tế tập thể.

    • Bạn @Dan Viet ạ. Theo tôi thấy áp dụng phương thức của Grameen ở VN mình không được đâu khi tư tưởng sống chết mặc bay, cháy nhà hàng xóm vẫn bình chân như vại, cứ mặc kệ… còn chi phối xã hội, do bà con thiếu niềm tin vào cộng đồng, ý thức đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, tệ nạn tràn lan như hiện nay ở nước ta thì Grameen cũng sẽ sớm phá sản vì thua lỗ, không thu hồi được…!

    • Chào @Trọng GL.
      Nếu ai cũng trông chờ người khác hành động thì xã hội không thể nào phát triển. Chưa đủ sức để làm lớn thì ta làm nhỏ như ý kiến của @Dan Viet. Chỉ cần sự khởi đầu với vài nông hộ lân cận, hoặc trong họ hàng, miễn sao đảm bảo được lượng hàng tối thiểu rồi ta sẽ mở rộng ra. Tôi tin chắc nhiều bà con đang trông chờ thành quả từ những nhóm ban đầu còn nhỏ để quyết định tham gia. Đây sẽ là con đường này góp phần khẳng định thương hiệu hồ tiêu VN một cách tích cực nhất và hỗ trợ cho người trồng tiêu có lợi nhất.
      Chúng ta có quyền hy vọng chứ bạn !
      Thân

  14. Nhà tôi mỗi lúc ra hoa, mới xịt cho bọ xít khỏi chích hoa, hoặc kích thích đậu, chứ ngoài ra ko sử dụng

  15. húng tôi đã trồng tiêu cả hơn chục năm nay. Việc dùng thuốc trị nấm đúng là có nhưng chỉ dùng trong mùa mưa, tới khoảng tháng 9 là dừng lại không phun, tưới bất cứ loại thuốc gì. Cho tới tháng 1 chúng tôi mới bắt đầu thu tiêu.
    Qua thời gian dài như vậy, không hiểu tại sao lại có chuyện hồ tiêu của chúng ta còn hàm lượng thuốc trị nấm. Hay phải chăng vấn đề còn nằm ở khâu trung gian phía thu mua muốn bảo quản hạt tiêu được lâu? Vẫn mong cơ quan chức năng làm rõ để nông dân chúng tôi không bị trách oán.

  16. Đồng quan điểm và ý kiến giống anh. Những người đi mua tiêu dạo nhiều lắm ! Chiêu trò thì nhiều – lon 0,85 – 0,9… họ mua cả tạp chất mà ta bỏ đi. Họ bù độ ẩm khi âm… Chuỗi dài quá ! Anh em ta làm thật vẫn mang tiếng.
    Cơ quan chức năng ư ? Đang bận !

  17. Để giải quyết bài toán thu mua tiêu sạch, chúng ta vướng phải vấn đề về số lượng lớn bán một lần. Do quy mô sản xuất nhỏ nên chúng ta cần sự liên kết và niềm tin giữa những người nông dân với nhau, giữa tập thể nông dân với cty thu mua.

    Có vẻ như niềm tin là thứ xa xỉ trong cái xã hội này.

  18. Xin chào các anh trên diễn đàn. Tôi là nông dân cũng trồng tiêu và ngày nào cũng theo dõi trên diễn đàn, chủ yếu là để học hỏi ở diễn đàn này. Thấy các anh tranh luận về vấn đề tiêu không sạch mà chưa biết từ đâu, tôi cũng mạo muội góp ý như sau : Vườn tiêu cả 1000 trụ không thể tránh khỏi có vài chục trụ bị bệnh, cụ thể là vàng là. Vậy là chủ vườn sẽ làm bác sĩ vừa là chữa thử vừa là thí điểm để coi sao. Với số lượng vài chục trụ thì không ngại đầu tư, với lại thí điểm mà. Vậy là tất cả các loại thuốc ông nào nói tốt đều được xịt tất, bất kể thời điểm nào kể cả gần lúc thu hoạch do sơ ý thôi. Nhưng đến lúc hai tiêu thì cái ông xịt thuốc đó không đi hái mà thuê công hái. Vậy là họ hái cuốn chiều lẫn lộn hết, thế là mấy chục trụ kia tuy chẳng bao nhiêu sản lượng nhưng nó lại nhiễm quá nhiều thuốc. Thế là ảnh hưởng trực tiếp đến ngân trụ tiêu nhà mình và rất nhiều trụ của bà con nữa…

    • Xin chào cộng đồng giatieu.com.
      Mấy năm trước vườn nhà tôi cũng hay bị bệnh vàng lá, đổ và phun xịt thuốc BVTV hóa học liên tục. Mùi thuốc xông lên nồng nặc, ngửi mãi thấy oãi cả người. Mỗi lần phải ra làm vườn nghe mùi thuốc là thấy ớn lạnh…
      Chú em về thăm khuyên dùng trichoderma để phòng bệnh. Tôi tích cực nghe theo 3 năm nay không thấy cây nào vàng lá nữa, vườn đầy giun dế, cây cối xanh mướt rất bắt mắt. Tự nhiên lại thấy thích ra vườn hơn ở nhà.
      Tôi vẫn dùng thuốc BVTV hóa học để xử lý ngay khi thấy cây nào bị sâu bệnh cụ thể, rõ ràng, cần thiết chứ không phun xịt tràn lan như trước để bảo vệ hệ vi sinh vật của vườn, nên chi phí thuốc BVTV hóa học hiện nay hầu như không đáng kể.
      Lâm-Cưmgar.

  19. Tôi cũng có nhận định rằng: nông dân chúng tôi bao giờ cũng ngừng phun thuốc BVTV trước mùa khô và thu hoạch vào giữa mùa khô khoảng thời gian là hơn một tháng thì làm gì còn dư lượng thuốc BVTV chứ, có ở đây thì cũng chỉ từ khâu trung gian thôi. Nông dân thì bảo đảm tiêu mình sạch còn khách hàng thì nói tiêu bẩn. Vậy phải làm thế nào? Có doanh nghiệp hay công ty nào dám đứng ra mua trực tiếp từ dân không. Nông dân chúng tôi đảm bảo là có hàng sạch. Còn hàng nhà nào bẩn tuyệt đối không mua thì bố người nào dám phun dư thuốc.

Gửi phản hồi mới

(?)