Tín hiệu vui cho ngành Hồ tiêu Việt Nam

, Nông nghiệp, Thị trường hạt tiêu, 22

Diện tích Hồ tiêu tăng mạnh cùng việc canh tác thiếu khoa học, sử dụng phân bón và thuốc BVTV quá mức cho phép của một bộ phận người nông dân trồng Hồ tiêu của Việt Nam đang đem đến sự lo lắng cho ngành Hồ tiêu, bởi thị trường nhiều nước nhập khẩu đang cảnh báo về chất lượng Hồ tiêu VN và có thể ngừng nhập khẩu nếu vấn đề dư lượng thuốc BVTV trên Hồ tiêu VN không được cải thiện.

Toàn cảnh Hội nghị ngày 15/12/2015 tại Tp.HCM

Toàn cảnh Hội thảo ngày 09/12/2015 tại Tp.Hồ Chí Minh.

Với tinh thần cùng quyết tâm sớm giải quyết vấn đề, Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) cùng với Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), Cục XTTM – Bộ Công Thương (VietTrade) đã có buổi gặp gỡ thảo luận tại Bonn, Đức tháng 10/2015, xây dựng kế hoạch hành động.

Hoạt động khởi động đầu tiên là Hội thảo ngày 9/12/2015 tại TPHCM vừa qua về vấn đề “Quản lý chất lượng và dư lượng thuốc BVTV đối với Hồ tiêu VN xuất khẩu”.

Có thể nói chưa bao giờ Hội thảo chuyên đề Hồ tiêu lại có được sự có mặt đầy đủ mọi thành phần quyết định đến sự phát triển của ngành Hồ tiêu đến như vậy. Ngoài các Lãnh đạo đến từ các Hiệp hội Gia vị Châu Âu, Mỹ và Canada là đại diện cho hàng nghìn nhà NK Hồ tiêu và gia vị, hàng năm nhập khẩu khoảng 50% lượng Hồ tiêu từ VN, còn có hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu (gồm cả DN VN và DN FDI), các nông dân đang sản xuất, kinh doanh Hồ tiêu cùng đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương mà đặc biệt là 3 đơn vị quản lý Nhà nước liên quan trực tiếp tới vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên Hồ tiêu là Cục Quản lý Chất lượng NLS và Thuỷ sản (NAFIQUAD), Cục BVTV (PPD) và Cục Trồng trọt (PCD) thuộc Bộ NN&PTNT.

Với tinh thần đối thoại thẳng thắn các nhà nhập khẩu Mỹ, EU và Canada cùng một số công ty XNK đã chỉ ra những tính chất nghiêm trọng với chất lượng Hồ tiêu VN hiện nay và các qui định đang hiện hành mà nếu không sớm khắc phục chắc chắn sẽ làm suy giảm đáng kể sản lượng Hồ tiêu XK vào các thị trường này nếu VN không thay đổi phương thức tổ chức SX, cung cách quản lý vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV…) đối với Hồ tiêu.

-Các thị trường EU yêu cầu Hồ tiêu NK vào EU phải tuân thủ các qui định:

(1) Với thuốc trừ sâu bệnh (Pesticides): Mức tồn dư tối đa cho phép phải tuân theo Qui định (EC) Số 396/2005, Qui định (EC) Số 178/2006, Phụ lục 1; Qui định (EC) Số 149/2008 , Phụ lục 2, 3 và 4.

(Có thể tham khảo CSDL về thuốc BVTV do Uỷ ban Châu Âu qui định trên Internet :  http://ec.europa.eu/sanco_pesticides/public/index.cfm )

(2) Với các chất gây ô nhiễm (Contaminants): Tuân thủ Qui định (EC) Số 1881/2006, trong đó với Hồ tiêu và gia vị đă biệt lưu ý các chất như: Aflatoxin, Ochratoxin A (OTA), Polycyclic Aromatic Hydrocarbons (PAH), Anthraquinone(AQ), Chlorates, Perchlorates và Pyrrolicidinealcaloids (PA);

(3) Với nhóm chất diệt khuẩn ( Biocide): Uỷ ban Châu Âu đang xem xét để hài hoà với các qui định đối với 2 nhóm chất trên.
Ngoài ra còn cần tham khảo các Qui định (EC) Số 882/2004 và Qui định (EC) 669/2009 qui định về mức độ gia tăng kiểm soát NK với các thực phẩm có nguồn gốc phi động vật.

Hội thảo đưa ra một số hướng giải quyết cấp bách đối với vấn đề tồn dư thuốc BVTV trên Hồ tiêu như sau:

-Cơ quan quản lý thuốc BVTV phải dứt khoát loại bỏ một số thuốc BVTV có thành phần hoá học mà các nước nhập khẩu Hồ tiêu không cho phép, trong đó đăc biệt có những hoạt chất như Carbendazim, Cypermethrin, Metalaxyl …. Trước mắt, Bộ NN&PTNT có thể làm ngay để loại bỏ những chất này trên Hồ tiêu là đưa Hồ tiêu vào loại thực phẩm ăn liền để có thể áp dụng như Chè, Rau Quả tại Thông tư 34/205/TT-BNNPTNT. Tuy nhiên, đồng thời Cục BVTV cũng phải đưa ngay vào danh mục những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có thể thay thế vì tình hình dịch bệnh trên Hồ tiêu vẫn đang có chiều hướng ngày một gia tăng;

-Cục QLCL NLS–TS (NAFAQUAD) sẽ cập nhập thường xuyên thông tin về tình hình tồng dư thuốc BVTV trên Hồ tiêu nhập khẩu vào các thị trường EU, Mỹ, Canada (các hiệp hội Gia vị Châu Âu, Mỹ, Canada đã cam kết chia sẽ thông tin thường xuyên) để đưa ra cảnh báo sớm vì các phòng thí nghiệm hiện nay của NAFIQUAD hoàn toàn có thể xác định được những nhóm chất có tần xuất xuất hiện nhiều nhất trên Hồ tiêu Việt Nam như Carbendazim, Cypemethrin v.v…

-Cục Trồng trọt sẽ sớm hoàn thiện qui trình GAP cho Hồ tiêu trong Quí 1/2016 trên tinh thần là bộ qui trình không quá phức tạp, chỉ tập trung vào những qui định về canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV khoa học để đảm bảo VSATTP;

-Đặc biệt tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ cho nông dân trong canh tác và bảo quản sau thu hoạch đảm bảo có Hồ tiêu sạch. Về việc này, ngoài đẩy mạnh tập huấn khuyến nông, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 51 đưa ra Bản cam kết với 10 Tiêu chí qui định về SX an toàn, in vào một mặt Bản cam kết, yêu cầu hộ nông dân ký vào. Với cánh làm này ít nhất có 10 triệu hộ nông dân cả nước (trong đó có hộ ND trồng Hồ tiêu) sẽ có thể cập nhập nhanh nhất kiến thức về SX vệ sinh an toàn.

-Về lâu dài Bộ NN&PTNT cần xây dựng các qui trình quản lý SX từ hộ nông dân, qui hoạch vùng nguyên liệu để có thể tiến tới cấp chứng nhận vùng SX trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được hồ sơ chỉ dẫn xuất xứ, truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, một trong những điều mà các nhà NK tham dự hội thảo luôn nhấn mạnh trong các báo cáo trình bày.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
22 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. VAP ở đâu ta ? ai là hội viên ? tổ chức nói lên cái gì ? Nói thật là vô nghĩa với người trồng hồ tiêu ! vì – người trồng tiêu – chưa được hưởng thứ gì từ VAP – CAO THÌ BÁN CAO, THẤP THÌ BÁN THẤP – ở giữa không mất phần chăn !

    • Theo cháu biết VPA là hiệp hội của các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hồ tiêu VN. Ngoài ra còn có thêm hiệp hội hồ tiêu ở các địa phương tham gia. Chú Ba là hộ nông dân cá thể nên chưa đủ điều kiện để tham gia làm thành viên của hiệp hội này !

    • Ban đầu thì VPA là hiệp hội của các nhà XNK hồ tiêu VN, nhưng giờ thì VPA mở cửa với cả nông dân, HTX nông nghiệp. Ai sẵn sàng đóng góp hội phí đều có thể tham gia.
      Trong VPA hiện nay đã có nhiều hội viên là nông hộ cá thể.

  2. Việc cho phép dùng thuốc nào, cấm dùng thuốc nào là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuốc BVTV.

    Nếu Dan Viet là người có trách nhiệm, thực tâm muốn đóng góp cho sự tiến bộ của đất nước nhưng không đủ điều kiện để thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, thì chỉ đơn giản là copy luật của các nước: cái gì họ cấm thì mình cấm, cái gì họ khuyến cáo dùng, thì mình cũng khuyến cáo dùng.

    Đó là cách duy nhất để mình hội nhập với thế giới.

  3. Tại sao trong thuốc trừ côn trùng có hoạt chất cypermethrin có nhà sx lại ghi ít độc đối với người nhưng bài viết trên lại đề cập nhiều đến hoạt chất cypermethrin vậy? phải chăng hoạt chất này rất độc?

    • @ Y Moan,
      Danh sách các hoạt chất, thuốc uống hay thuốc BVTV được phép dùng hay cấm dùng luôn thay đổi theo thời gian.

      Do sự tiến bộ của KHKT, Y học nên người ta có thêm thông tin về sự tác động của những chất hóa học lên cơ thể sống (người, động vật). Có thể có những chất hóa học trước đây được khuyên dùng, nhưng do có những bằng chứng khoa học sau đó chỉ ra là nó gây hại thì người ta lại cấm.

      Chúng ta không có điều kiện làm những nghiên cứu đó thì cách hay nhất là sử dụng kết quả nghiên cứu (thừa hưởng) của người khác tiến bộ hơn mình

    • Theo tôi biết hoạt chất cypermethrin thuộc nhóm độc II, có 3 loại chính là Alpha-cypermethrin, Beta-cypermethrin và Zeta-cypermethrin… Trong đó Alpha-cypermethrin từ lâu đã được sử dụng làm thuốc nhúng mùng, xua đuổi côn trùng trong ngành Y tế. Nhưng từ năm 2012 đã được Cục BVTV khuyến cáo cấm sử dụng trong chăn nuôi thủy sản, thận trọng khi sử dụng trong trồng trọt và tuyệt đối không sử dụng trong sản xuất rau an toàn.

  4. Ngày xưa DDT là thuốc của ngành Y dùng diệt muỗi để ngừa bệnh sốt rét. Nhưng nhiều năm nay đã bị cấm tiệt ! Tại sao vậy ? Độc, tồn dư quá lâu, nguyên nhân của các loại bệnh ung thư.
    Thuốc BVTV hiện tại có an toàn không ? Không có đâu !
    Tôi đang cố gắng giảm sử dụng thuốc BVTV để lấy mật ong tại vườn nhà.
    Giá như Công nghệ Sinh học bùng nổ như Công nghệ Thông tin bây giờ thì hay biết mấy !
    Được vậy, tôi tin là tôi và các bạn không bao giờ từ chối.

    • Cháu có đọc đâu đó là nơi nào loài ong sinh sống thì các loại côn trùng bay gây hại it bén mảng tới. Chú Ba nuôi ong có vì mục đích đó không?

    • Dân Viêt à ! Chú không có nuôi ong mà nó tự tìm đến làm tổ kết mật ở ngay trên trụ tiêu vườn nhà ! Chú rất ngại cộng đồng cho là “nổ”… Chú đang muốn vườn và sản phẩm là sạch, chứ chưa dám nghĩ đến “hữu cơ sinh hoc”. Chú đang làm vài năm nay. Hiện chưa nói được gì. Cảm ơn cháu ! Cố giúp người trồng tiêu trong khả năng của mình mà lâu nay cháu đang cố làm. Một lần nữa cảm ơn cháu !

  5. Nói rất nhiều, họp hành rất nhiều nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn chưa làm được.
    1. Chưa xây dựng được quy trình hoàn chỉnh về trồng chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây tiêu. Khi đã có quy trình chuẩn để áp dụng thì nông dân sẽ ko còn lo tiêu bị bệnh và chất lượng hạt tiêu ko bị ảnh hưởng.
    2. Chưa xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Việt Nam đủ lớn để những người sử dụng hạt tiêu biết họ đang ăn tiêu VN (hiện nay hạt tiêu VN chiếm 1/3 tổng lượng xuất khẩu trên thế giới).

  6. Chào cộng đồng! Cộng đồng cho tôi hỏi.
    Tôi cho phân NPK ngâm vào phi 2 ngày 2 đêm rồi mới ₫em ra tưới.
    Ngâm như vậy có giảm chất lượng của phân không.
    Xin cám ơn.

    • Theo cháu việc chú ngâm phân rồi bón vào cây so với việc chú bón phân trực tiếp vào gốc cây thì như nhau mà! Thậm chí bón trực tiếp sẽ tốt hơn so với việc chú ngâm vào nước đợi 2 ngày gì đó rồi bón!
      Cháu nghĩ việc chú ngâm vậy sẽ ảnh hưởng tới lượng đạm có trong phân vì đạm có thể bay hơi ra ngoài không khí nếu chú ko che đậy cẩn thận.

    • Chắc chắn ! Nếu ngâm trong 2 ngày 2 đêm thì số phân NPK bạn ngâm sẽ bị bốc hơi, giá trị chỉ còn lại khoảng 40 – 45%. Phải khuấy tan thật nhanh và tưới ngay để giảm thất thoát.

  7. Chào bạn! ngâm phân mục đích là làm cho phân tan hết rồi tưới, bạn chỉ cần ngâm từ chiều hôm nay sáng mai tưới là đc rồi. Trong thời gian ngâm lâu lâu quậy cho mau tan là ok. Phân sẽ theo nước bốc hơi, đặc biệt là N nếu bạn k đậy nắp phi lại…

  8. Thế bây giờ tôi muốn hái tiêu thì hái xanh hay là chín thì tốt hơn, hay hái thế nào. Để cho hạt tiêu nặng kí hơn.

    • Hái tiêu chín đỏ hay bị rơi rụng, nhặt nhạnh khá tốn công. Cây phải nuôi hạt tiêu tới khi chín cũng mất sức, dễ suy, ảnh hưởng ra bông vụ sau, cần phải tăng cường thêm phân bón gốc, bón lá và một số dưỡng chất khác để hỗ trợ kịp thời cho cây.
      Hái tiêu chín già, chớm ngã sang màu vàng nhạt là vừa, dung trọng cũng đạt cao, là lựa chọn hợp lý hơn cả, nếu không có mục đích hái tiêu chín đỏ để làm tiêu sọ hay tiêu đỏ.

  9. Theo tôi muốn có sản phẩm tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất chúng ta nên dùng loại thuốc trừ sâu sinh học không gây độc hại cho người và môi trường. Tôi thấy có thuốc trừ sâu sinh học, ngoài bao bì có ghi rõ vi nấm 3 màu (nấm xanh, nấm trắng, nấm tím) sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản. Loại này trừ được nhiều loại sâu hại như sâu bọ xít, rầy nâu, rệp, ve sầu, tuyến trùng vv… Dùng trồng rau sạch không cần phải có thời gian cách ly. Mong bà con quan tâm và sử dụng trong trồng trọt.

    • Vi nấm 3 màu diệt côn trùng đã sản xuất ở nước ta lâu rồi. Tôi nhớ hình như là công ty TN ở Đồng Nai đã tung ra thị trường từ năm 2011. Ban đầu cũng được bà con hồ hỡi đón nhận vì ai cũng ngán dùng thuốc BVTV hóa học. Nhưng một thời gian không còn ai sử dụng không biết do chất lượng không như mong muốn hay do hiệu quả của thuốc trừ sâu sinh học thấp thì tôi không rõ…

  10. Vậy thì nhà nước phải nghiêm cấm sản xuất những lọai thuốc có thành phần trên. Như vậy sẽ không có Hồ tiêu dư lượng thuốc BVTV. Giờ ra tiệm thuốc nào cũng có thành phần carbendazim, thuốc sâu thì có cypermethrin đầy đó. Thử hỏi cứ cho sản xuất thì sao mà nói được.

    • Vấn đề này rất phức tạp, mình chỉ nói ngắn gọn là tùy vào nguồn nguyên liệu và các chất phụ gia. Nếu nguyên liệu từ TQ thì để lại dư lượng rất cao, rất lâu…

Gửi phản hồi mới

(?)