Hậu Giang: Trồng tiêu dưới tán rừng tràm

, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 10

Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm kết hợp nuôi thủy sản của ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, là điển hình, sáng tạo trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn.

Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm kết hợp với nuôi thủy sản.

Mô hình trồng tiêu dưới tán tràm kết hợp với nuôi thủy sản.

Để tạo bước đột phá mới trong việc chuyển đổi cây trồng và tránh cảnh được mùa mất giá, ông Bình đã chủ động đi tham quan, tiếp cận các mô hình làm ăn mới để về thử nghiệm 3 công đất trồng tràm kém hiệu quả của mình. Ông Bình kể: “Tôi chủ động học hỏi các nhà vườn trồng tiêu ở Kiên Giang. Nhận thấy tiêu là cây trồng có nhiều triển vọng nên năm 2009, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm 100 gốc tiêu trên thân cây tràm”. Do chưa có kinh nghiệm nên qua 3 năm trồng, 100 nọc tiêu của ông chỉ có 63 gốc phát triển tốt và cho thu hoạch. Vừa rồi, mỗi nọc tiêu cho thu hoạch 2 kg hạt khô, bán với giá 160.000 – 200.000 đ/kg, thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng.

Đang chăm sóc vườn tiêu 5 năm tuổi, ông Bình cho biết: “Làm nọc tiêu có thể lấy các loại gòn, dừa, nhưng vài năm thì nọc sẽ bị gãy hoặc chết, khi đó phải thay thế nọc mới nên rất tốn công và kinh phí. Còn tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không bị ảnh hưởng. Trồng dưới tán tràm giúp dây tiêu tránh được sự biến đổi bất thường của thời tiết”.

Một nông dân khác cho biết, trồng tiêu không quá khó vì tiêu chịu được đất phèn và ít sâu bệnh. Người trồng chỉ lưu ý đến việc khai thông hệ thống nước tưới tiêu, đào rãnh thoát nước tránh ngập úng, khoảng cách giữa các nọc tiêu khoảng 1,5 – 2m để dây tiêu mọc nhánh nhiều.  Mỗi năm bón cho dây tiêu khoảng 3 lần phân NPK. Ngoài ra, để tiêu ngon, thơm nồng, thì sử dụng thêm phân chuồng để bón gốc. Thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng tiêu dưới tán rừng tràm, hiện tại mô hình của ông Bình được nhân rộng lên với 1.000 nọc tiêu (diện tích 3.000 m2)…

Ông Bình cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trồng tiêu thì năm thứ 3 tiêu bắt đầu cho thu hoạch khoảng trên dưới 1,5 kg/nọc. Nhưng đến năm thứ 5 – 7 thì một nọc tiêu có thể cho từ 3 – 5 kg. Mỗi nọc tiêu có thể cho hạt tới 20 năm. Đến khi dây tiêu già cỗi không cho năng suất nữa thì có thêm nguồn thu từ cây tràm”. Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: “Do đất phèn nên trước khi trồng nên sử dụng 50 kg vôi bột rải trên 1.000 m2, sau 7 ngày trồng thì sử dụng phân chuồng để để bón với liều lượng 5 – 7 kg/gốc tiêu. Liều lượng bón sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, màu mỡ cho đất. Tràm trồng từ 1,5 – 2 năm tuổi sẽ tiến hành trồng tiêu. Chi phí để đầu tư phân chuồng, thuốc BVTV, giống chỉ 2 triệu đ/công”.

Về hiệu quả của việc trồng tiêu trên đất phèn, ông Bình so sánh: “Trồng tiêu cho thu nhập cao gấp chục lần trồng mía mà không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư, sản phẩm không phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng khác. Hộ nghèo, ít đất vẫn có thể SX, chỉ với 2 công trồng 700 nọc tiêu sau 5 – 7 năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng”. Không chỉ vậy, nhờ tìm tòi, học hỏi nên ông Bình đã nắm được kỹ thuật ươm tiêu giống. Ngoài việc chuẩn bị giống để mở rộng thêm 3 ha, mỗi năm ông còn cung cấp cho thị trường trên dưới 6.000 nọc với giá 6.000 đ/nọc, lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Với việc trồng tiêu, kết hợp với nuôi cá, ốc… mỗi năm đem lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng cho gia đình ông Bình.

“Trồng tiêu dưới tán rừng tràm là mô hình hay giúp địa phương giữ được và phát triển diện tích rừng tràm. Hiện diện tích trồng tiêu dưới tán tràm của Long Mỹ là 2,8 ha. Bình quân cho thu nhập 40 – 50 triệu đ/ha đối với tiêu 2 – 3 năm tuổi, trên 100 triệu đ/ha đối với cây 4 – 5 năm tuổi”. Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ – Vị Thanh, cho biết.

Báo Giá cà phê qua điện thoại
10 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Thật ngạc nhiên nếu vùng này trồng được!
    Kiểm tra sơ bộ trên google earth, Dan Viet thấy độ cao so với mực nước biển của vùng này chỉ 4-5 mét.
    Sẽ đi thăm tận mắt mới được!
    Nếu như có thể nhân rộng mô hình của ông Dương Thanh Bình thì cây tiêu sẽ được nhân rộng với quy mô và tốc độ không tính nổi vì trồng ở đâu cũng được.

  2. Không có gì phải ngạc nhiên vì diện tích trồng mới chỉ là đơn lẽ, không đáng kể. Nhưng khi trồng đại trà thì mới phát sinh dịch bệnh và không có biện pháp ngăn chặn phù hợp, kèm theo thái độ “mặc kệ” như ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ… thì tiêu luôn.
    Càng tốc độ thì càng sớm tai họa !

    • Anh tiêu lép!

      Sự âm thầm đón đường cái mới luôn cho chúng ta nhiều cơ hội quí báu. Chúng tôi còn phải nhờ các công ty ở miền đông nhân giống cấy mô gia công cho chúng tôi nhằm có giống sạch bệnh, không phủ nhận phương pháp trồng cổ điển bằng nguồn giống sẵn có.
      Có khi cộng đồng sẽ thấm thía việc không nên tiếp các đoàn quay phim phóng sự, đôi khi mất nhiều hơn được.
      Từ khi tôi biết cây tiêu, tôi rất ngại nhìn thấy tiêu bị bồ cào thưa anh!

  3. Chào Anh Dan Viet!

    Anh không cần phải ngạc nhiên vì ngoại lệ này. Vùng đất này xưa kia phèn chua nhưng hơn 10 năm nay đã được rửa phèn rất tốt kết hợp thủy lợi nội đồng với hệ thống đê bao khép kín, gần như không có khả năng bị nước lũ xâm nhập.
    Trường hợp này, phù hợp với câu nói ” Cái ngoại lệ khẳng định quy tắc”, đất có tầng canh tác thấp nhưng kết hợp rửa phèn, thiết lập đê bao và sử dụng phân hữu cơ từ các nhà máy đường đang là một lợi thế cho cây trồng. Tiêu Phú Quốc đã được chúng tôi trồng thử nghiệm 3 năm nay, có dịp mời anh cùng cộng đồng ghé thăm và trao đổi.
    Thật tình, chúng tôi đang liên kết sản xuất tiêu tại 3 tỉnh gồm Phú Quốc/Hà Tiên-Kiên Giang, Ngã Bảy/Phụng Hiệp-Hậu Giang và Vũng Liêm-Vĩnh Long với cơ cấu thử nghiệm từ năm 2010. Nếu tiêu miền đông được lợi thế nhờ các yếu tố tổng hợp đất, khí hậu, con người thì tiêu miền tây sử dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ kết hợp đất phù sa sẽ góp phần không nhỏ cho thương hiệu tiêu Phú Quốc.
    Vườn nhà Anh Bình sử dụng giống tiêu sẻ địa phương đã được trồng tại Hậu Giang từ lâu nên năng suất chưa cao. Hiện tại ở Ngã Bảy đang tập trung trồng tiêu Phú Quốc, chúng tôi đang sử dụng công nghệ nuôi cấy mô tạo ra dòng tiêu sạch bệnh cho các vườn tiêu kết hợp thực hiện ghi chép các thông số sản xuất liên tục. Các thông số này sẽ được xử lý và đưa ra trình bày cho các nhà nông, dựa trên các ý kiến ghi nhận sẽ tổng hợp thành quy trình trồng cho phát triển vườn tiêu sau này.
    Chúng tôi rất trân trọng các ý kiến trên diễn đàn và sử dụng có chọn lọc các ý kiến, chúng tôi rất chú ý với Anh Dan Viet về các phản hồi, phân tích các dữ liệu thị trường kết hợp các dự báo dài hạn. Tuy nhiên, cần biết rằng, sự đoàn kết của chúng ta đang trở nên có hiệu quả trong việc dự đoán và ảnh hưởng đến giá tiêu hiện tại.
    Chúng tôi không nghĩ rằng, trồng tiêu ở đâu cũng được mà là làm việc gì cũng phải có đam mê. 14 năm trước, cha mẹ tôi đã không đồng ý lập nghiệp với cây tiêu tại Xuân Lộc thì chúng tôi sẽ tạo dụng cơ hội lại tại miền đất đồng bằng này ngày hôm nay. Chúng tôi đang âm thầm từng bước cho mục tiêu này.
    Anh Dan Viet thân! Bài báo này đã có từ 2 năm trước, tôi biết Anh sẽ thốt ra câu nói “cây tiêu sẽ được nhân rộng với quy mô và tốc độ không tính nổi vì trồng ở đâu cũng được” khi tận mắt chứng kiến các vườn tiêu. Bây giờ Anh có thể thay đổi suy nghĩ khi trồng tiêu cần tầng đất canh tác dày A mét, mực nước ngầm sâu B mét, lượng mưa cần C mm và phải là đất đỏ mới canh tác được cây tiêu và anh không cần lo đầu ra nữa. Chúng tôi đã từ chối KSS Nhật Bản và phát triển một hướng đi tự chủ nhưng không phải là gia công cho nước ngoài.
    Một ngày nào đó, anh sẽ hiểu “giá tiêu hiện tại là kết thúc cho sự khởi đầu nhưng sẽ là khởi đầu cho sự Hưng Thịnh”, bọn Trung Quốc rất thèm trồng cây tiêu nhưng chúng tôi đã tỉnh táo cho sự việc này và không cần chúng tróc đao cho chúng tôi.
    Chúc Anh và cộng đồng luôn sức khỏe cho nhiệt huyết cháy bỏng trong tim vì cây tiêu
    Email của tôi : haiauvo87@gmail.com

  4. Chú ơi ! Bài này viết lại tin đăng hồi đầu năm trên báo Hậu Giang, phần độ chế hơi bị quá trớn.
    Ví dụ: Hộ nghèo, ít đất vẫn có thể SX, chỉ với 2 công trồng 700 nọc tiêu sau 5 – 7 năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng”. 2 công = 2.000 m2 mà trồng 700 trăm nọc thì cháu chắc người viết lại ở Bắc nên không biết công ở Nam bộ là cái chi chi rồi. Link để bà con tham khảo cho vui nè:
    >>http://www.baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE180F68/Trien_vong_kinh_te_tu_mo_hinh_trong_tieu_duoi_tan_rung_tram.aspx

  5. @Hưng Điền Hậu Giang

    Đọc ý kiến của Hưng Điền Hậu Giang, tôi hiểu là bạn biết rõ việc bạn đang làm.

    Để trồng được tiêu trên đất thấp, vấn đề cốt lõi là chống úng cho rễ. Chìa khóa then chốt của bạn là gì?

    Vấn đề thị trường, đầu ra, vấn đề cốt lõi là làm sao để chứng minh được nguồn gốc sạch, canh tác hữu cơ của mình. Chìa khóa then chốt của bạn là gì? Số lượng tiêu bạn đang có trong niên vụ tới là bao nhiêu? Dám cam kết không? (bán giá cao hơn thị trường, cam kết bồi thường nếu kiểm tra không đạt yêu cầu thuốc BVTV).

    Nghe nói các thầy ở Đại Học Nông Lâm TP HCM cũng trồng được một số cây thực nghiệm trong khuôn viên trường, năng suất 5kg/trụ

    Chắc chắn sẽ đi thăm mọi người sớm.
    Dan Viet cũng là dân miền tây đây. Thật xúc động khi đọc những gì mà mọi người đã làm được.

  6. Coi trong báo mà thấy bức xúc. 2,5 công đất mà trồng cả 1000 trụ tiêu hay 2 công đất trồng 700 trụ. Chí ít phải hiểu đôi chút để viết lên báo chứ sao mà nói quá lên vậy. Đã là rừng tràm thì mật độ trồng kín đất không gian đâu nữa mà trồng tiêu. Mặt khác đất nhiễm phèn có thể trồng tiêu có điều năng xuất kém, đầu tư cao. Dưới tán tràm với mật độ như trên thì tiêu chỉ có lá không có trái…

  7. Nói như anh @Hưng điền Hậu giang: bài báo này đã có từ 2 năm trước, vậy trong bài trên có đoạn “Vừa rồi, mỗi nọc tiêu cho thu hoạch 2 kg hạt khô, bán với giá 160.000 – 200.000 đ/kg, thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng.” là không đúng sự thật. Giá tiêu hai năm trước không hề có giá này. Thậm chí vào mùa thu hoạch vừa rồi giá cao cũng chỉ khoảng 160.000

  8. Có lẽ bài báo này viết lại theo nguồn cháu @Trung Anh đã chỉ, người viết chỉnh sửa cho hợp lý thời điểm nhưng không nắm được ký thuật như @duongtam nói. Theo tôi, không quan trọng vì chỉ để bà con tham khảo cho biết.
    -Vùng miền Tây vẫn trồng tiêu được với điều kiện tầng đất mặt tối thiểu khoảng 3m đủ cho hệ rễ phát triển để nuôi cây ; không sợ úng như @Dan Viet e ngại vì có lối canh tác hữu cơ hợp lý đã giúp vsv hữu ích ngăn chặn được các nấm bệnh gây hại (nhưng khi diện tích trồng tiêu phát triển tràn lan, chạy đua theo năng suất, thì sẽ ra sao?…).
    -Tiêu bồ cào vẫn có cách hạn chế như trồng thêm cây chắn gió, cung cấp đủ ẩm khi hoa thụ phấn, ko tác động lên bông vào thời điểm, tăng cường dinh dưỡng giúp tăng khả năng thụ phấn, thả côn trùng có lợi như ong… tất nhiên không thể tuyệt đối. Từ khi cho nước sông Mêkông chảy ra biển Tây, hết lũ, thì miền Tây trồng tiêu được nhưng năng suất không thể bằng miền Đông.
    -Muốn trồng tiêu có hiệu quả thì phải cần điều kiện thích hợp tối thiểu chứ @Hưng Điền. Tiêu cấy mô được chứ tại sao không?
    Thân

  9. Tôi đồng ý với bài viết của anh Trung Anh. Với 2 công (chắc 2.000m2) mà trồng 700 nọc thì chỉ có thu dây để nhân giống vì mật độ quá dày, không đủ ánh sáng để kích thích phân hóa mầm hoa. Và thực tế hình ảnh trong bài viết chỉ thấy lá tiêu xanh mướt nhưng không thấy chuỗi tiêu nào, đồng thời, hàng năm ông này nhân giống tới 6.000 nọc (tôi cũng không hiểu 6.000 nọc là bao nhiêu dây, có phải 1 dây tính 1 nọc hay 1 nọc gồm 3 dây giống).
    Thực sự tiêu rất dễ trồng, không kén đất, nếu đất tốt thì cây lên nhanh, cỏn đất xấu thì lên chậm, nhưng việc phòng trừ bệnh là chuyện khó. Trong điều kiện đất nhiễm phèn và mực nước thấp là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển nên có thể nhanh chóng bị chết.

Gửi phản hồi mới

(?)