Giống cây mới: Sachi – vua của các loại hạt…

, Nông nghiệp, Nông sản, 15

qua sachiNhờ những dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng vô giá mà Sachi đã soán “ngôi vương” của dầu oliu vốn được coi là một loại dầu thực vật cao cấp nhất từ trước đến nay của loài người.

Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 48ºC, khuất lấp trong khu vực thí nghiệm của Khoa Công nghệ Sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam có một thứ cây vẫn kiên gan chống chịu lại sự khắc nghiệt của thời tiết: Sachi. Loài cây đã vượt trùng dương để đến đây từ một lục địa khác. Sacha Inchi hay còn có tên là Sacha đậu phộng, Inca Inchi, Penut inca… khi đưa giống cây này về Việt Nam để dễ nhớ và phù hợp với mục đích xuất khẩu sản phẩm ra thế giới nên cây được đặt tên là Sachi. Tên khoa học của Sachi là Plukenetia volubilis L là thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu). Nó gồm 19 loài, có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon phân bố từ Bolivia tới Mexico nhưng phổ biến nhất là ở Peru, Ecuador và Colombia.

Những ngày nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 48ºC có một thứ cây vẫn kiên gan chống chịu. Lá vẫn xanh biếc, hoa vẫn xòe nở và quả vẫn lấp ló như những ngôi sao năm cánh trên giàn. Đó là vườn thử nghiệm Sachi của Công ty CP Sachi Vina thuộc Tập đoàn Tâm Hoàng Việt kết hợp với các nhà khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia.

Cây sachi ở quê hương Pêru

Cây sachi trồng ở quê hương Nam Mỹ

Sachi có một lịch sử phát hiện rất ly kỳ. Sachi được thổ dân vùng rừng rậm Amazon sử dụng từ 3.000 năm nay để duy trì sức mạnh và tồn tại giữa một tự nhiên khắc nghiệt. Trên bia đá những ngôi mộ cổ của người Inca ở đây còn thấy khắc hình loại quả xòe ra như năm cánh hoa này. Đối với người dân bản địa, Sachi được coi như là “nguồn sức mạnh của lòng can đảm” hay là “cây của sự sống” vì những giá trị dinh dưỡng vô giá mà nó mang lại.

Mãi sau này, các nhà khoa học của thế giới hiện đại khi phân tích thành phần dưỡng chất của loại hạt đã khiến cho người Inca tôn sùng ấy và họ đã kinh ngạc. “Ông vua của các loại hạt”, “Siêu thực phẩm mới”… là những cụm từ thường được dùng để nói về hạt của Sachi bởi tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và các axit béo không bão hòa đối với con người rất cao, đạt đến 96%. Omega 3 có trong Sachi là 48-54% giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng các tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên. Omega 6 chiếm 35-37% đóng vai trò trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch, các bệnh viêm khớp, điều hòa huyết áp, nâng cao trí lực, giảm thoái hóa não, tăng cường thị lực. Omega-9 (6-10%) có tác dụng chống rối loạn tim mạch và cao huyết áp.

hoa sachiSo với các loại cây lấy dầu khác Sachi có hàm lượng omega cao nhất, đặc biệt là omega 3 cao gấp 17 lần dầu cá, gần 50 lần dầu oliu. Sachi được phong tặng là “Dầu ăn tốt nhất trên thế giới” tại Paris (Pháp) năm 2007, được các thị trường khó tính nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản săn lùng.

Ngoài omega, Sachi còn chứa các chất chống oxy hóa như Vitamin A và Vitamin E, một số loại axit amin thiết yếu và protein. Đây là các thành phần có vai trò quan trọng trong tái tạo và cải thiện da và tóc, phát triển thể chất và trí tuệ, phần nào giúp cho khu vực Nam Mỹ trở thành một trong những cái nôi sản sinh ra các người mẫu, hoa hậu của thế giới. Chính nhờ những dưỡng chất này mà nó đã soán “ngôi vương” của dầu oliu vốn được coi là một loại dầu thực vật cao cấp nhất từ trước đến nay của loài người. Công nghiệp dinh dưỡng dùng Sachi làm ra các sản phẩm từ hạt, bột dinh dưỡng. Công nghiệp dược phẩm dùng dầu Sachi làm viên nang, dùng lá làm trà thảo dược. Công nghiệp thực phẩm dùng dầu Sachi để trộn các món salad cao cấp, ngọn có thể làm rau. Công nghiệp mỹ phẩm dùng để dưỡng da, tóc, bảo vệ sắc đẹp…

Thấm thoắt mà PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khảo nghiệm cây Sachi được gần 2 năm (từ tháng 3 năm 2014). Với tỷ lệ sống 99%, bắt đầu ra hoa sau 3-5 tháng trồng, 6-8 tháng là cho thu hoạch quả chứng tỏ loại cây leo bán thân gỗ này (ngọn là dây leo, dưới gốc hóa gỗ) khá hợp với Việt Nam.

Cây sachi đang cho quả tạ vườn trồng thử nghiệm

Cây sachi đang cho quả tại vườn trồng thử nghiệm

Có bốn mật độ được thực hiện. Thứ nhất 1.111 cây/ha (hàng cách hàng 3m, cây cách cây 3m), thứ hai là 2.500 cây/ha (hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m), thứ ba là 3.333 cây/ha (hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,5m), thứ tư là mật độ 4.444 cây/ha (hàng cách hàng 1,5 m, cây cách cây 1,5m). Mật độ nào tốt nhất? Tôi chất vấn và được trả lời: Mật độ 3.333 cây/ha là phù hợp nhất vì bố trí ở mật độ này có thể tận dụng tối đa diện tích đất, năng suất hạt cao. Mật độ 4.444 cây/ha năm đầu cho năng suất cao nhất nhưng từ năm thứ 2 trở đi khi cây phát triển tốt, ngọn quấn vào nhau khiến đi lại, thu hái khó khăn.

Cây chịu đựng được cả sương muối, lạnh, nóng (có thí nghiệm khi trồng xong gặp sương muối nhiệt độ xuống 7oC nhưng cây không bị chết, có khi nhiệt độ ngoài vườn đo được 48oC cây vẫn ra hoa). Tất cả đều sinh trưởng tốt, ra quả đều (tỷ lệ ra quả đạt 99%). Từ khi trồng chưa phải dùng bất cứ hóa chất nào để phun vì không phát hiện thấy đối tượng sâu bệnh nào đáng kể, chưa tới ngưỡng phòng trừ. Điều này giúp cho có thể phát triển Sachi theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Về năng suất, năm đầu 0,7-1 tấn/ha còn năm thứ hai đang theo dõi nhưng chắc chắn sẽ còn hơn rất nhiều. Đỉnh cao năng suất của Sachi là từ năm thứ 3 trở đi có thể đạt 5-7 tấn/ha tùy theo mật độ trồng cây. Tuổi đời của cây có thể đạt 15-30 năm giúp chu kỳ thu hoạch rất dài.

Bước đầu một số nhà khoa học trong nước thấy loại cây mới này thú vị nên tự ra vườn tìm hiểu trong đó có một giáo sư ngành nông nghiệp trước từng học bên Peru. Hầu như tuần nào ông cũng ra thăm, đưa ra góp ý những kỹ thuật chăm sóc thế nào cho phù hợp. Có nguồn gốc cây rừng nên sức sống của Sachi khỏe. Từ lúc trồng đến 5 tháng tuổi không phải bón phân, khi ra hoa chỉ bón một đợt.

Theo nghiên cứu, hàm lượng omega 3, 6, 9 trong hạt Sachi trồng ở Việt Nam khi phân tích tương đương, thậm chí có mẫu còn cao hơn cả hạt được trồng ở Peru. Không chỉ phù hợp với điều kiện đất có hàm lượng hữu cơ cao, tầng canh tác dày loài cây này còn có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha cát, đất phù sa cổ…, thậm chí cây còn có thể phát triển bình thường cả ở đất núi đá bạc màu là khu vực Tam Điệp (Ninh Bình). Cây Sachi có thể được trồng thuần, xen canh, thâm canh hoặc quảng canh.

Bước đầu cho thấy, loại cây này có tiềm năng phát triển khá tốt ở Việt Nam. Tất cả các chỉ tiêu như từ khi trồng đến ra hoa, đậu quả, thu hoạch đều tương tự như ở nước bản địa Peru. Khi trồng Sachi người ta có thể tận dụng tối đa các loại vật liệu địa phương như tre, gỗ, chàm… để đóng cọc, làm giàn. Ngoài trồng bằng hạt, hiện khoa Công nghệ Sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng quy trình nhân nhanh Sachi bằng nuôi cấy mô tế bào. Nghiên cứu này bước đầu đã xây dựng được quy trình nhân giống invitro với hiệu quả tạo nguồn vật liệu với hệ số nhân chồi cao, nhanh đạt chuẩn. Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình ở giai đoạn tạo cây hoàn chỉnh, nâng cao tỷ lệ ra rễ cũng như giai đoạn sau nuôi cấy mô.

15 Phản hồiGửi phản hồi mới
    • Hết hoàng hậu quả khô giờ tới vua các loại hạt. Các nhà khoa học làm giống cũng khéo nổ chữ nghĩa thế này thì nông dân chạy đâu cho thoát !

  1. Để ý mấy loại cây siêu giàu thường là siêu dễ trồng và giá cây giống siêu cao, người bán cây giống sẽ đạt siêu lợi nhuận và nông dân lại gặp cả một bộ máy siêu lừa…!

  2. Bạn Lượng và Vinh nói chuẩn không cần chỉnh. Tôi thên ý nũa là chiêu gom cướp đất của những tay SIÊU thế lực nhóm lợi ích trong tương lai không xa ?

  3. Cây Sachi trồng được ở Việt Nam nhưng đầu ra thì sao? Cây này có giống cây Mắc ca không? dem ra thí nghiệm khuyến khích dân trồng xong lại không có đầu ra, dân Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk đang điêu đứng đây.
    Xin mấy cô mấy chú khi đưa ra khuyến cáo cái gì thì phải có đầu ra cho dân bớt khổ, mấy chú cứ nói lý thuyết không thì dân khổ lắm, “học đi đôi với hành, làm nông nghiệp thì phải có đầu ra, buôn bán thì phải có thị trường” mấy bác ạ!

    • Bạn đừng lo đầu ra. Không bán được thì để dùng dần , cho , biếu, tặng , khỏi mua dầu ăn, khỏi lo bệnh tật…

  4. vấn đề là loại cây này chưa phát triển, với lại chưa rõ cung-cầu như thế nào, cho nên nhân dân cung không mạo hiểm như thế.. Nếu như có đầu ra thi mới phát triển được

  5. Cây này ở vùng quê tôi đầy rụng không ai thèm lượm, mọi người muốn thì lên rừng chiến khu D tôi sẽ cho

    • Bạn Nam ở khúc chỗ nào ak, mình muốn xin vài cây về trồng được ko? Cảm ơn bạn.

  6. Tôi xem thông tin cây sachi có thể sống ở bất cứ vùng đất nào cũng được nhưng vấn đề quan trọng nhất là vấn đề đầu ra, tôi muốn trồng thử trên vùng đất của mình thì phải mua giống ở đâu giá cả là bao nhiêu?

  7. Tại sao các nhà nghiên cứu lại luôn tìm những loại cây mới chưa phổ biến, trong khi đó lại ko và ít nghiên cứu lai tạo và cải tiến giống mới cho các loại cây có năng suất cao như cây hồ tiêu?

  8. Em muốn thử nghiệm trồng cây sa chi nhưng hiện nay đầu ra của loại cây này chưa có thị trường tiêu thụ. Em đang phân vân quá. Em ở Cư Klông – Krông Năng – Đắc Lắc

    • Ôh ! Bạn ở đâu vậy ? Mình cần tìm nguồn để mua cho khách đặt hàng mà còn thiếu !

Gửi phản hồi mới

(?)