Sử dụng axit humic cho cây trồng

, Nông nghiệp, Trồng và Chăm sóc Tiêu, 85

acid humicTrong thành phần nhiều loại phân bón gốc và bón lá hiện nay, ngoài chất hữu cơ và các chất đa – trung – vi lượng thông thường còn có  thêm axit humic. Bài viết sau đây nhằm giúp bà con hiểu rõ axit humic là chất gì và tác dụng lên cây trồng như thế nào…

Trong tự nhiên xác bã thực vật được vi sinh vật phân hủy tạo thành một hợp chất hữu cơ phức tạp là chất mùn, một nhân tố quan trọng tạo nên dộ phì nhiêu của đất. Trong chất mùn chứa nhiều loại acit hữu cơ như axit humic, axit fulvic, axit fugavic…, gọi chung là axit mùn. Trong số đó axit humic chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Humic là loại axit hữu cơ phức tạp, cấu tạo bởi nhiều thành phần hóa học, có khối lượng phân tử lớn, màu nâu đen, trung bình chứa 50% cacbon, 40% oxy, 5% hydro, 3% nitơ còn lại là lân, lưu huỳnh và các nguyên tố khác. Thành phần chính của axit humic là các vòng cacbon thơm có gắn các nhóm chức hoạt động như các nhóm cacboxyl, quinon, methoxyl…Hoạt tính sinh học của axit humic phụ thuộc vào hàm lượng của các nhóm chức này và khả năng trao đổi ion của chúng.

Axit humic cùng với các axit mùn khác bón vào đất có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ rễ để hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, cây sinh trưởng phát triển mạnh hơn. Nếu được hấp thu trực tiếp qua lá chúng sẽ giúp tăng cường sự quang hợp của cây do kích thích sự hoạt động của các men tham gia trong quá trình quang hợp. Cường độ quang hợp mạnh cây sẽ sinh trưởng nhanh. Ngoài ra axit humic còn làm tăng sức đề kháng của cây với sâu bệnh và các điều kiện bất lợi như nóng, rét, hạn, úng, chua phèn. Với các tác dụng trên, axit humic đang được khai thác sử dụng phổ biến trong các chế phẩm phân bón gốc và bón lá, chất kích thích sinh trưởng cây trồng và thuốc trừ bệnh cây.

Bình thường nếu bón các phân hữu cơ tự nhiên (như phân chuồng, phân xanh…) cũng sẽ tạo thành chất mùn và axit humic, ngoài việc tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây còn có tác dụng kích thích sự sinh trưởng và tăng sức đề kháng của cây. Tỉ lệ chất hữu cơ được phân hủy tạo thành mùn (gọi là hệ số mùn hóa) trong các loại phân chuồng đã ủ hoai trung bình 30 – 50%, phân xanh 20 – 30%. Than bùn là loại phân hữu cơ tự nhiên chứa một khối lượng khá lớn trong lòng đất, tạo thành các mỏ than bùn.

 Ở nước ta đã phát hiện và thăm dò nhiều mỏ than bùn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thăm dò 8 mỏ than bùn (ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An) với trữ lượng khoảng 500 triệu m3. Than bùn ở các mỏ này có chất lượng tốt, hàm lượng mùn trung bình 40 – 50%, axit humic 20 – 30% và nhiều chất dinh dưỡng khác. Than bùn trở thành nguồn nguyên liệu chủ yếu cung cấp chất hữu cơ và axit humic cho công nghệ sản xuất phân hữu cơ hiện nay.

Axit humic không tan trong nước nên cây không hấp thụ trực tiếp được, phải chuyển thành dạng muối humat tan được trong nước và giảm độ chưa mới sử dụng cho cây trồng. Công việc này gọi là sự hoạt hóa axit humic, có thể dùng các loại muối kiềm như muối natri, muối kali, thường dùng nhất là nước amoniac. Than bùn nghiền nhỏ trộn với 2 -3% nước amoniac rồi ủ khoảng 5 – 6 giờ là phản ứng có thể xảy ra hoàn toàn.

Chất đạm trong nước amoniac gắn với gốc hữu cơ của axit humic tạo thành humat amôn, vừa dễ hòa tan vừa thêm chất đạm và giảm độ chua. Một số bà con ủ than bùn với vôi để bón, như vậy chỉ giảm độ chua và cung cấp thên chất hữu cơ cho đất chứ không có tác dụng hoạt hóa vì tạo thành humat canxi cũng rất khó tan trong nước, cây không sử dụng được.

Cũng có thể dùng vi sinh vật để hoạt hóa than bùn nhưng thời gian hoạt hóa lâu hơn dùng các muối kiềm, có thể phải 2 – 3 tháng.

humixuThan bùn sau khi hoạt hóa có thể dùng làm phân bón ngay hoặc phối trộn thêm với các phân khoáng đa, trung và vi lượng để tạo thánh các loại phân hữu cơ – khoáng, hoặc trộn với vi sinh vật có ích tạo thành phân hữu cơ – vi sinh. Các loại phân hữu cơ được chế biến từ than bùn đã hoạt hóa không những cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật và các chất dinh dưỡng cho đất mà còn sử dụng được tính chất kích thích sinh trưởng vả tăng sức đề kháng cho cây trồng của axit humic.

Các humat trong than bùn đã hoạt hóa cũng được tách chiết để chế thành các phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng và thuốc phòng trừ bệnh cây. Trong các chế phẩm phân bón thường ghi hàm lượng axit humic, cần hiểu rằng đây là humat, tức là muối của axit humic (giống như trường hợp thuốc trừ cỏ 2,4D chính là muối của axit 2,4D). Tùy loại chế phẩm mà hàm lượng axit humic khác nhau. Trong phân hữu cơ vi sinh bón gốc thường chứa từ 2 – 5 %, còn phân bón lá hàm lượng axit humic thường cao hơn, lên tới 15 – 20%.

Axit humic còn được sử dụng trong các thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh cây, giúp tăng cường sức kháng bệnh cho cây như bệnh nghẹt rễ, lở cổ rễ, đốm lá, sương mai cho cây trồng cạn và các bệnh đạo ôn, khô vằn, vàng lá cho lúa.

Với tác dụng thích thích sinh trưởng và tăng sức đề kháng cho cây, lại tương đối dễ khai thác và chế biến với khối lượng lớn từ các mỏ than bùn, axit humic đang trở thành hoạt chất hữu cơ được sử dụng ngày càng phổ biến, góp phần vào quá trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo: Báo NNVN

Báo Giá cà phê qua điện thoại
85 Phản hồiGửi phản hồi mới
    • – Việc ủ than bùn có thể sử dụng các loại phân như bạn nói : SA, Kali, Lân nung chảy.

    • – Cây bị thiếu phân vi lượng
      – Cây có bộ rễ kém phát triển do nấm, tuyến trùng nên phải kiểm tra gốc xem sao

  1. Dấu hiệu thiếu trung vi lượng trầm trọng giống của mình năm ngoái.
    Sử dụng các loại phân sinh học hữu cơ của Ấn Độ khoảng vài tuần là hết sạch.

  2. Chào mọi người.
    Cho tôi hỏi: A xit humic này bán ở đâu vậy. có dễ mua không ? Và sử dụng cho cây trồng như thế nào. Mong bà con nào đã sử dụng chỉ giúp. Cám ơn mọi người.

    • – Hàm lượng Axit humic có trong phân hữu cơ vi sinh có nguồn gốc từ than bùn rất cao. Nên bạn có thể sử dụng axit humic từ nguồn phân này.
      – Hoặc, có thể sử dụng các axit humic đậm đặc mà rất nhiều cty đang bán trên thị trường.
      Lưu ý: Cần lưu ý đến hàm lượng axit humic (hay humat) đăng ký trên bào bì. Đọc kỹ bao bì, kẻo bà con bị lừa.

  3. Cháu ở Ea H’leo! Cháu mới biết tới diễn đàn nên ít kinh nghiệm. Nhưng cho cháu hỏi một câu là : nhà cháu đào bồn âm xuống khoản 20cm nhưg trong bồn lại lấp lên gốc tiêu cao hơn mặt đất 10cm. Vậy có phụ hợp hay không mong các bác trả lời giùm cháu. Cháu xin chân thành cảm ơn!

    • – Việc đào hố trồng cây nhằm tạo nền để cây sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời, là nơi chứa phân bón, giữ nước cho cây trồng.
      Tuy nhiên, đối với cây tiêu, việc trữ nước quá lâu và nhiều trong bồn là điều kiện thuận lợi cho nấm Phytophthora gây bệnh chết nhanh. Do vậy, việc thoát nước cho cây tiêu trong mùa mưa là rất quan trọng.
      – vậy nên, âm 20cm mà lấp gốc có 10 cm thì gốc tiêu vẫn trũng => không tốt trong điều kiện mưa nhiều như hiện nay.

    • Em thấy ngoài thị trường hiện nay bên cạnh phân hữu cơ còn có loại phân hữu cơ khoáng nữa. Em chưa hiểu phân này lắm, xin nhờ cộng đồng chỉ bảo.
      Em xin cám ơn !

    • Phân khoáng là phân vô cơ. Do phân hữu cơ tác dụng chậm, không đáp ứng mong muốn của nhà nông nên nhà sản xuất phân hữu cơ phối trộn thêm phân vô cơ để tác dụng rõ rệt hơn.
      Cũng không loại trừ nhiều loại phân hữu cơ “có mà như không” nên cần phải trộn thêm phân vô cơ… và thế là phân hữu cơ khoáng ra đời.
      Đại khái là như vậy.

    • Vậy thì em dùng phân chuồng, phân hữu cơ ủ hoai, kết hợp với phân hóa học hợp lý nữa sẽ tiết kiệm tiền đầu tư hơn.

  4. Cháu chào mọi người. Cho cháu hỏi trị bệnh rệp sáp ở cây tiêu dùng thuốc gì trị thì hiệu quả. Cháu cảm ơn mọi người.

  5. Có nhiều loại thuốc trị rệp sáp bám trên ngọn, khi phun nên pha thêm một ít nước rửa chén Mỹ Hảo để gia tăng hiệu quả. Rệp sáp ở dưới rễ nên đổ thuốc hoạt chất Carbosulfan có hiệu quả nhất.

  6. Humic làm từ than bùn ủ với amoniac thì có gì đâu mà các công ty sản xuất humic nổ vang trời vậy?
    Tôi nghe mấy năm trước có công ty humic nào đó ở miền Trung đã sản xuất phân humic kém chất lượng bị QLTT xử phạt te tua mà !

    • Về Humic hiện nay trên thị trường rất lộn xộn. Khi chưa có tài liệu chính thức từ ngành chuyên môn nên cũng khó trao đổi. Tuy nhiên, các bạn có thể hiểu có 2 nguồn humic tích lũy trong qúa trình hình thành các địa tầng.
      -Loại than bùn: hình thành trong quá trình tích lũy hữu cơ thực vật vài ngàn năm như ở ĐBSCL+ĐBSH hay vài vạn năm như ở 1 số tỉnh miền Trung và khắp các bình nguyên trên thế giới trong lớp phù sa mới.
      -Loại than bùn chất lượng cao, gọi là Leonardite: hình thành qua vài trăm ngàn hoặc vài triệu năm trở lên, tích lũy thêm xác của động vật, rải rác trên thế giới trong lớp phù sa cổ.
      Xin trao đổi vài ý cơ bản về chất hữu cơ humic.

  7. Tự thân vận động đi bạn ơi ! Đợi tài liệu chính thức của ngành chuyên môn có mà mục thất !
    Cây hồ tiêu đã trở thành cây tỷ đô, trong khi người VN mình trồng tiêu đến cả hàng trăm năm nay rồi, mà có ai thấy tài liệu mô tê nào chính thức về cây hồ tiêu chưa? Đừng chờ sung rụng !

  8. Chú ơi, cháu nghe nói axit humic không tan trong nước nên cây không hấp thụ trực tiếp được. Nhưng trên bao bì sản phẩm họ lại ghi có thể pha chung với phân bón lá để phun.
    Xin chú giải thích cho cháu hiểu rõ hơn, cháu cám ơn nhiều.
    Chúc sức khỏe chú !

    • Muốn humic tan được trong nước, cây trồng hấp thụ dễ dàng, nhà sản xuất thường dùng amoniac hay muối kali để hoạt hóa chuyển sang dạng humat. Tùy theo công nghệ và nguồn nguyên liệu mà sản phẩm sau khi hoạt hóa sẽ có chất lượng khác nhau.
      Sản phẩm humic chất lượng cao sẽ tan hoàn toàn trong nước.

    • Cho em hỏi sản phẩm humic dùng cho tiêu kinh doanh theo liều lượng ntn?
      Cần phải kết hợp thêm phân thuốc gì nữa không ?

    • Bạn nên sử dụng sản phẩm humic theo nhà phân phối tư vấn hoặc liều lượng do nhà sản xuất đưa ra.
      Muốn bổ sung thêm gì bạn phải căn cứ vào nhu cầu cây cần theo từng thời kỳ mà trong các sản phẩm bạn dùng chưa có. Tìm hiểu kỹ nhu cầu của cây cần bạn mới tránh được sự chồng chéo, thừa thiếu, đáng tiếc…
      Sử dụng humic lúc này sẽ giúp tăng dung trọng hạt tiêu rất đáng kể.

    • Humic kém chất lượng ! hèn chi mình để một lát sau nó vón lại như bùn.
      Cám ơn bạn.

  9. Bạn Chi Mai cho mình hỏi nhé !
    Có đại lý cạnh nhà mình bán phân bón vi sinh HUMIX nhưng mình thấy trên sản phẩm phân biệt loại bón lót, bón thúc, phun qua lá hay dạng lỏng đổ gốc đều khác nhau mà. Sao ở đây lại nói dùng đổ gốc hay có thể pha chung với phân bón lá? Bạn giải thích giúp cho mình hiểu với.
    Cám ơn bạn nhiều !

    • Có vẻ như bạn đã nhầm lẫn giữa sản phẩm chứa acid humic với thương hiệu phân HUMIX của 1 công ty phân bón ở Đồng Nai… Đụng chạm đến cái riêng cũng khó bàn lắm !
      Dù sao mình cũng mong bạn đọc kỹ bài viết và các thảo luận thì sẽ rõ hơn.

    • Nếu đã gọi nó là PHÂN thì dùng để BÓN, chứ sao còn hỏi nữa?
      Nhưng bạn phải ủ hoai với tricho+EM sẽ tốt hơn để phân hũy tự nhiên !

    • Cám ơn Chi Mai. Tại vì có người nói phân tằm nhiều đạm nên tiêu dễ chết.
      Tôi năm nay mới trồng tiêu nên nhờ anh chị em chỉ bảo. Cám ơn nhiều.

    • Có thể tỷ lệ đạm trong phân tằm cao hơn các loại phân chuồng tí xíu chứ ko thể gọi là quá nhiều đạm, vì cũng chỉ là chất thãi từ tiêu hóa của tằm…
      Nên ủ cẩn thận hơn là để bón tự nhiên.

  10. Cho em hỏi, đại lý bán phân thuốc gần nhà em khuyến cáo mình nên dùng phân humic đổ cho tiêu khi vào chắt hạt có đúng ko? Xin cộng đồng cho em ý kiến tham khảo.

    • Trong hầu hết các loại phân hữu cơ đều có 1 tỷ lệ acid humic nhất định giúp cây phát triển đồng bộ, tuy nhiên trong phân humic thì tỷ lệ này cao hơn. Như trên bài viết nói rõ có nhiều cách để hoạt hóa acid humic tùy theo nhà sản xuất áp dụng theo cách nào. Có thể cách này sẽ gia tăng phát triển cành chồi lá hơn, cách kia gia tăng quả hạt hơn…
      Khi lựa chọn phân humic để sử dụng cần phải chú ý nguồn nguyên liệu và các tác dụng nhà sản xuất công bố. Kể ra đối với bà con nông dân thì yêu cầu này khó thật, nhất là trong lúc phân đểu, phân kém chất lượng tràn lan như hiện nay…

    • Đối với các sản phẩm humic hiện nay trên thị trường rất đa dạng về chủng loại cũng như chất lượng. Bản thân của nó là muối kali humate nên nó vẫn có khả năng nuôi hạt tốt đồng thời cải tạo đất cho trụ tiêu của bạn luôn. cái cần nhất là bạn chọn đúng sản phẩm chất lượng để đem lại hiệu quả cao nhất đối với vườn tiêu của mình.

  11. Cộng đồng cho em hỏi, tiêu em trồng năm ngoái tiêu bị rệp sáp dưới gốc, lá tiêu mỏng và bạc nữa ạ. Giờ em muốn tiêu diệt rệp sáp và phun axit humic trên lá để dưỡng lá + trung vi lượng có được không ạ. Giờ nắng quá mà em phun có ảnh hưởng gì không ?
    Em mới làm tiêu nên mong cộng đồng giúp đỡ.
    Em xin cảm ơn rất nhiều ạ.

    • Trời đang mùa khô nóng, nên chọn sản phẩm hữu cơ, sinh học để dùng, hạn chế dùng sản phẩm hóa học dễ gây cháy lá. Tốt nhất là chọn các loại đổ gốc để kết hợp với tưới giữ ẩm cho cây luôn.
      Mùa này xử lý rệp sáp, tuyến trùng sẽ hiệu quả hơn.

  12. Chào mọi người.
    Hiện tại em đang chuẩn bị đất trồng tiêu và em muốn đi theo hướng canh tác hữu cơ vi sinh.
    Em cũng có lên gooogle tiềm kiếm nhưng thấy mù mờ và nhiều cái mình chưa biết và chưa hiểu nữa.
    Anh chị nào đã và đang canh tác theo hướng này có thể phân tích thêm cho em đc ko ạ.
    Xin cảm ơn anh chị.

    • Chào cháu @ quỳnh như.
      -Đọc phản hồi của cháu, bác thấy cháu chưa thật cẩn thận khi tìm hiểu, nắm bắt những vấn đề có tính học thuật. Hy vọng cháu sẽ thận trọng, kỹ càng hơn.
      -Canh tác hữu cơ sinh học là phương pháp trồng trọt lấy vật chất hữu cơ để xử lý, tác động lên quá trình phát triển sinh học của cây trồng theo từng thời kỳ như vườn ươm, trưởng thành, ra bông, nuôi trái… Tuy nhiên phương pháp này không phủ nhận vai trò của vô cơ, hóa học… mà phải biết sử dụng có kiểm soát, ở mức thấp nhất, nhằm ngăn ngừa những tác hại khách quan gây ra cho con người.
      Vấn đề cháu muốn biết rất rộng và dài dòng. Tài liệu trên Google rất nhiều, cháu cố gắng lên nắm bắt theo từng phần nhỏ. Trong phạm vi 1 phản hồi bác không thể nói hết được. Cháu thông cảm, có thể hỏi từng chi tiết một.
      Thân

  13. Chào chú Nguyễn Vịnh
    Lời đầu tiên cho con gửi lời cảm ơn chân thành đến Chú.
    Cũng gần 2 năm nay con cũng có theo dõi và đọc đc những chia sẻ cũa Chú cho bà con nông dân trên page giatieu.com Thật tình là con rất kính trọng chú…
    Con sẽ tìm hiểu thêm về hữu cơ vi sinh, có chỗ nào ko hiểu con sẻ hỏi chú từng phần nhỏ ạ.

    • Chào cháu @ quỳnh như.
      Lời đầu tiên cho chú xin lỗi vì đã dám xưng bác với cháu ( gay go nhỉ ! ).
      Chú rất vui khi được chia sẻ những hiểu biết với cộng đồng và với cháu. Nhưng càng vui hơn nếu đó là những gì thiết thực được mọi người vận dụng. Chú cũng rất ngại khi những gì mình nói mà không nhận được sự tin cậy. Mong cộng đồng và cháu hiểu chú hơn.
      Thân

  14. Chào cộng đồng giatieu.com.
    Cháu trồng tiêu ác được 3 tháng rưỡi tiêu lên đều và đẹp khổ nỗi tiêu lên được vài cành ác là lên thẳng như tiêu lươn. Mọi người nói do đất tốt tiêu sung nên bắn lươn. Có phải như vậy ko ạ. Mong cộng đồng chỉ giúp.

    • Chắc chắn là không, mà là do không cân đối chất dinh dưỡng, nhất là thiếu auxin, GA3 và các trung-vi lượng. Tăng cường đổ gốc phân sinh học hữu cơ sẽ thấy hiệu quả ngay.

  15. Trồng tiêu ác mà tiêu bị lươn có các nguyên nhân : 1- Cớm nắng ; 2- Mất cân đối dinh dưỡng (chủ yếu thừa đạm các loại) ; 3- Không có trụ để leo hay trụ yếu khi gió lay làm tiêu bụng thân, trụ trơn khó bám như gòn không cạo vỏ, không buộc cố định kịp thời như trụ bê tông. Khi rơi vào các dạng này thì ngọn tiêu sẽ bị lươn, bạn nên cắt bỏ từ đoạn bị lươn !

    • Chú ý để tránh nhầm lẫn.
      -Humic là một loại chất hữu cơ được phân rã, hoạt hóa thành phân bón chất lượng cao.
      -Humix là thương hiệu của một công ty phân bón sản xuất tại Bình Dương.
      Không rõ bạn muốn nói loại nào để góp ý ?!

  16. Chào mọi người! Tôi mới bón vôi bột 0,3kg/cây hồ tiêu tơ 6 tháng tuổi được 15ngày. Đã tưới nước 2lần. Nay có thể bón trichoderma được hay không? Tôi ở Chư Sê Gia Lai. Cảm ơn

  17. Chào chú Nguyễn Vịnh, cháu ở Đắk Nông, vuờn tiêu của cháu trồng năm ngoái gần phủ trụ nhưng có mấy trụ có biểu hiện vàng lá từ dưới gốc lên, nó vàng nửa lá, những trụ này kém phát triển hẳn. Chú cho cháu vài lời khuyên nó bị bệnh gì ạ, liệu nó có bị thiếu phân ko ạ? Hay trị bằng cách nào xin chú chỉ cháu với. Cảm ơn chú nhiều kính chào chú !

    • Chắc là vì lý do nào đấy bạn cứ lần lượt kiểm tra xem thật kỹ sẽ tìm ra nguyên nhân. Nếu không tìm ra thì chụp vài tấm hình gửi vào email bác Vịnh xem cụ thể. Mình nghĩ có thể đưới đám đất này có nhiều tổ mối. Chúc bạn xử lý thành công.

    • Chào @ ngoclan
      Tiêu này đã bị ngộ độc hữu cơ do bón phân phân vi sinh chất lượng kém, ủ không đúng cách và làm chua đất. Xử lý bằng cách bón mỗi gốc khoảng 2-3 lạng vôi bột để giải độc và nâng độ pH, đổ gốc phân hữu cơ sinh học tổng hợp, có thể bổ sung humic chất lượng cao, khoảng 20-25 ngày lặp lại, sẽ giúp cải thiện dần… Có thể phun bón lá sinh học tổng hợp để thúc đẩy nhanh hơn.
      Khi lá bớt vàng, bón bổ sung vài lạng lân Văn Điển nữa.
      Thân

  18. Chào bác Vịnh! Bác nói tiêu bị ngộ độc hữu cơ là như thế nào cháu không hiểu, tham gia diễn đàn lâu rồi nhưng nay cháu mới nghe nói. Mong bác giải thích giùm. Cám ơn bác !

    • Chào cháu
      Quá trình phân hũy chất hữu cơ để tạo lớp than bùn, trong điều kiện yếm khí (ngập nước) sẽ sinh ra các chất độc hữu cơ như một số acid hữu cơ, hydro sulphite (H2S), etylen.
      Lấy than bùn này ủ làm phân vi sinh không đúng cách sẽ khiến cây trồng bị ngộ độc hữu cơ.
      Hiện tượng phổ biến là rễ bị thối đen, lá bị vàng xỉn màu, độ pH sụt giảm … như trên hình tiêu của bạn @ ngoclan vậy.
      Do khuôn khổ của phản hồi, bác nói ngắn gọn vậy nhé.
      Thân

  19. Cho ba cháu hỏi, nhà cháu khoảng cuối tháng Giêng âm lịch bắt đầu hái tiêu mới vụ này. Ba cháu nghe nói muốn tăng dung trọng tiêu mình phải tăng cường bón các loại phân amino, axit humic, hữu cơ sinh học… có phải như vậy không? Thị trường hiện bán rất nhiều loại, ba cháu hỏi nên chọn loại nào? mong được cộng đồng tư vấn giúp. Ba cháu xin cám ơn !

    • Các acid hữu cơ sẽ giúp tăng dung trọng tiêu, nhưng cần lưu ý :
      – Amino là tên gọi chung các loại acid amin hay đạm sinh học. Lạm dụng sẽ dẫn tới thừa đạm, tiêu sẽ ra nhiều lá mà ít ra bông.
      – Humic có 2 loại cơ bản do hoạt hóa bằng nước amoniac hay muối kali. Để tăng dung trọng tiêu phải dùng loại humic hoạt hóa bằng muối kali.
      – Phân hữu cơ sinh học được sản xuất từ quá trình lên men hữu cơ, chất lượng hoàn toàn khác với chất thải hữu cơ được xử lý, bổ sung các chất dinh dưỡng và một số chất sinh học nên cũng được gọi là phân sinh học.

  20. Cho em hỏi. Em có dung thuốc trị tuyến trùng nokap. Sử dụng thuốc này sau bao nhiêu ngày thì mới sử dụng nấm trichoderma được.

    • Chào cháu @ Lai thế phương
      Từ lâu diễn đàn giatieu.com đã khuyến cáo bà con không dùng thuốc nokap hay các thuốc có hoạt chất Ethoprophos thuộc nhóm độc I, do độc tính quá cao hầu như thế giới đã loại bỏ từ lâu không dùng nữa. Hy vọng cháu thực sự hiểu rõ khuyến cáo này.
      Cháu có thể bỏ tricho sau khi đổ thuốc tuyến trùng khoảng 1 tuần.
      Thân.

      Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/bao-gio-het-nghich-ly-post122344.html

  21. Cho cháu hỏi tiêu mới thu bói mà sao lá gốc rụng hết còn trơ trái ở trên ngọn, chưa có trái thì không rụng. Xin hỏi tiêu bị bệnh gì.

    • Tiêu nuôi trái bị rụng hết lá còn trơ ngọn chắc chắn là tiêu đói ăn, thiếu ẩm làm mất sức. Nếu không chăm bón kịp thời tiêu có thể suy kiệt và chết. Những cây còn sống mua tới cho năng suất rất thấp nếu không hồi phục được.

  22. Chú Vịnh ơi, cho cháu hỏi tiêu nhà cháu ở Châu Đức BR-VT, tiêu năm thứ 4 trồng bằng trụ lồng mức và gòn, tiêu vừa thu hoạch xong, có phun thuốc trị nấm sâu rầy đầy đủ không hiểu sao có vài gốc bị chết từ trên ngọn xuống dưới gốc sau khi thu hoạch, giống như biểu hiện của chết nhanh mà đa số tiêu chết là tiêu ở trụ cây lòng mức, cho cháu hỏi nguyên nhân và cách xử lý như thế nào, cảm ơn chú ạ.

    • Chỉ có lời khuyên duy nhất là cố gắng tìm mua phân bón, thuốc bvtv có chất lượng để sử dụng. Diễn đàn vì tế nhị nên khó có lời khuyên cụ thể về sản phầm nên dùng..

    • Đây là điều đáng lo ngại nhất ! Cứ đinh ninh mình đã phun thuốc đầy đủ mà không biết được vì thuốc chất lượng kém hay thuốc giả, thuốc nhái. Khi tiêu phát bệnh thì đã không còn cứu chữa kịp nữa, đành bó tay nhìn tiêu ra đi… Xót quá !

  23. Em đổ humic để bổ sung chất hữu cơ cho tiêu vì lượng phân chuồng ủ hoai hơi ít nhưng bạn em bảo không đổ được, đổ làm tiêu chỉ ra nhiều lá mà thôi. Vậy là sao hở anh ?

    • Bạn ấy nói đúng. Sử dụng humic cho tiêu mùa làm bông cần thận trọng, có thể khiến cây ra lá nhiều hơn. Bạn nên tham khảo ý kiến của nhà phân phối, hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì vì tùy loại mà humic có hiệu quả khác nhau. Theo mình, tốt nhất là nên bổ sung sau khi làm bông cho an toàn.

    • Về humic, như bạn @ Chi Mai đã nới ở trên. Tùy theo sự hoạt hóa mà sản phẩm humic giúp tốt lá hay tốt quả, với nông dân rất khó để nhận biết. Tốt nhất là bà con nên sử dụng theo tư vấn của nhà sản xuất hay nhà phân phối.
      Nếu không có sự chắc chắn thì ý kiến của @Ngok là rất hợp lý !

  24. Cộng đồng cho cháu hỏi. Cháu nghe nói trồng tiêu chỉ nên dùng vi sinh, lân và phân chuồng để giúp tiêu phát triển tốt và không chết. Không nên dùng phân hóa học các loại… có đúng không ạ !

    • Chào cháu @ Đoàn Văn Được
      Nội dung cháu hỏi không chỉ trả lời đơn giản, ngắn gọn một lần mà được. Chú hy vọng sẽ trao đổi nhiều hơn với cháu trên diễn đàn này.
      1. Không thể phủ nhận vai trò của phân hóa học là một thành quả rất lớn của tiến bộ KHKT. Nhờ nó đem lại năng suất vượt trội mà các cuộc cách mạng nông nghiệp mới thành công. Tuy nhiên, nó chỉ đem lại số lượng chứ không thể làm nên chất lượng nông sản.
      Vì thế khuyên dùng hợp lý với cây Hồ tiêu hiện nay là : giảm hóa học xuống mức tối thiểu, tăng hữu cơ, sinh học lên mức tối đa vì những hiệu quả rất cụ thể. Đơn giản vì Hồ tiêu là cây gia vị thực phẩm, rất chú trọng đến hương vị.
      2. Sử dụng hữu cơ, sinh học sẽ giúp cây trồng sản sinh kháng thể phòng chống sâu bệnh. Nói nôm na là hữu cơ, sinh học chính là vắc-xin của cây trồng. Dùng nhiều hóa học sẽ làm cây bị mất khả năng này.. Khi cây bị sâu bệnh tấn công phải tốn kém chi phí thuốc bvtv không kể xiết mà cây vẫn èo uột, thậm chí “tiêu” luôn.
      3. Khi bị sâu bệnh phải dùng thuốc bvtv xử lý ngay tức thì.. Để càng lâu, sâu càng sinh sôi, nấm bệnh khu trú trong tế bào, trong các mạch dẫn, rất khó chữa trị. Lại mua gặp thuốc nhái, thuốc kém chất lượng nữa thì… bó tay ! Sau đợt điều trị, cần bổ sung dinh dưỡng ngay để cây hồi phục nhanh chóng, không bị suy.
      4. Phải ý thức dùng hữu cơ, sinh học lâu dài mới giúp cây tăng kháng thể. Lâu lâu mới dùng như ăn cơn nếm, cơm ngon, chỉ tốn kém mà chẳng được lợi ích gì.
      5. Phải luôn phòng bệnh cho cây sớm nhất bằng vi nấm đối kháng trichoderma sp., các vi sinh vật hữu ích (EM).
      Chú có vài lời chia sẻ cùng cháu và các bạn trẻ. Hy vọng được trao đổi nhiều hơn.
      thân

  25. Em chào anh.
    Anh cho em hỏi chút ạ. Hiện em muốn bón acid humic (50%) cho cây cà phê thì em có cần trộn thêm thành phần nào nữa không ạ.
    Em cảm ơn ạ!

    • Vấn đề là em bón acid hummic gì, mục đích? Trên bao bì sản phẩm thường có ghi rõ tác dụng để tránh dùng trùng lặp, lãng phí.

    • Em cũng mua acid humic (50%) của TQ (PRC). Theo các anh chị, em nên tăng cường thêm gì nữa để bón cho tiêu vào lúc này tiêu đang vào nhân.

    • Dữ liệu bạn nêu không đủ cơ sở để nhận biết loại humic bao mua gồm có những dưỡng chất gì. Có thể chỉ 50% là humic, còn 50% là hỗn hợp kèm theo là các chất đa-trung-vi lượng và phụ gia… Để nhận biết chính xác, bạn có thể chụp hình bao bì, gửi về email bác Nguyễn Vịnh để xem xét cụ thể hơn.

  26. Mấy hôm nay trời hay mưa liên tục vào buổi sáng, lo quá !
    Mưa trong lúc bông tiêu đang phơi mao, hầu hết sẽ bị bồ cào…
    Thua đủ thứ !

  27. Chào các bác. Cho cháu hỏi nếu sử dụng humix acid nhiều và thường xuyên thì môi trường đất có bị ảnh hưởng xấu không ạ. Tại vì đất cháu trồng sầu riêng trên đất có độ dốc cao và thiếu độ mùn nên cháu muốn dùng thường xuyên để cây phát triển rể và tăng chất keo cho đất. Cháu cảm ơn.!!!.

    • -Acid humic có ít chất keo, acid fulvic giàu chất keo hơn. Nhưng đất nhiều keo cũng không tốt, dễ bị váng đất làm rễ tơ khó phát triển, khó rút nước.
      Tuy nhiên, chỉ khi đã được hoạt hóa thì acid humic mới giàu dinh dưỡng, dễ hấp thụ, góp phần cải tạo đất… Do đó bạn phải biết được loại humic mình mua để có hiệu quả cao hơn…

  28. Cảm ơn bác Thanh Hà, vậy sử dụng humix phải chọn đúng loại đất (cát pha, bazan, xám…) cần nhiều hay ít để bón đúng không ạ ? Vì cháu mới tập tành làm nên cái gì cũng mới mẻ hết, ra cửa hàng BVTV axit humic và nấm trichoderma loạn hết cả lên nào là “siêu”, “bom tấn”, “thần dược”… nên cái tốt và xấu cháu không biết đường nào mà lần. Khi ủ phân cháu hay mua ít nhất 2 thương hiệu nấm tricho được cảm nhận là yên tâm ủ với liều lượng gấp đôi để khỏi lầm.

    • Hình như bạn không quan sát kỹ lắm…!
      Ý kiến @ Thanh Hà trao đổi với bạn tuyệt nhiên không có từ nào là humix.
      Quảng cáo “siêu”, “thần dược”, “bom tấn”… còn do bà con mình muốn nghe cho sướng…
      Có cầu ắt có cung !

  29. Lời đầu tiên con xin cảm ơn Bác rất nhiều với những chia sẽ về kiến thức bên trồng trọt. Có một vấn đề con cần Bác tư vấn dùm con. Như trên Bác đã giới thiệu là dùng muối để hoạt hóa humic con đã dùng muối kali, và muối natri kết quả rất tốt. Vậy bây giờ con muốn tăng hàm lượng đạm lên nên con có thể dùng muối amoni cụ thể là NH4Cl được không Bác. Con xin chân thành cảm ơn Bác.

  30. Hoạt hóa humic có 2 cách chủ yếu:
    -Dùng các muối kali. Thành phẩm được dùng trong giai đoạn nuôi củ, quả…
    -Dùng nước amoniac. Thành phẩm được dùng trong giai đoạn nảy chồi, phân nhánh, ra lá…
    Rất tiếc, nhiều người khi sử dụng humic đã không quan tâm điều này.
    Bạn lựa chọn muối amoni để hoạt hóa nhằm tăng hàm lượng đạm là chính xác !

  31. Tiêu tơ nhà em sắp ra bông bói. Em bón humic nhưng trên bao bì có ghi Humic+Amino+NPK+TE… Em không rõ loại này có thích hợp cho cây hồ tiêu không? Xin tư vấn giúp em. Em cám ơn ạ !

    • Đây là loại phân tổng hợp nhiều thành phần hữu cơ lẫn vô cơ. Vấn đề cần quan tâm là giá thành của sản phẩm và tỷ lệ các chất có phù hợp với nhu cầu của cây hồ tiêu.

    • Giá tiêu đang giảm thấp mà dùng các loại phân này càng thua lỗ thêm, vì giá tiền mua không tương xứng với chất lượng hàng hóa !

    • Giảm hóa học, tăng các loại hữu cơ, hữu cơ sinh học mới giúp cây hồ tiêu sinh kháng thể để chống chịu với sâu bệnh… Cần tìm hiểu kỹ các thành phần có trong sản phẩm.
      Môi trường đã thoái hóa, dùng quá nhiều hóa học phải trả giá đấy !

  32. Tôi muốn pha chung Forge SP với humic để tưới gốc được không?
    Do gần Tết nhiều việc quá mà thuê công cũng khó lắm ạ…

    • Còn tùy hàm lượng hóa chất phối trộn trong sản phẩm humic. Hàm lượng hóa chất càng cao sẽ làm hoạt lực của xạ khuẩn càng yếu. Bạn nên chọn humic có hàm lượng hữu cơ trên 70% hoặc cao hơn càng tốt. Theo tôi, nếu không chắc chắn thì nên dùng riêng. Cần tập trung trị bệnh trước đã…
      Có nhiều loại humic nhập của tàu giá trị chỉ như 1 kg phân vi sinh.

    • Em muốn chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ bền vững thì phải ưu tiên dùng các loại phân ủ hoai và humic. Nhưng em thấy thị trường quảng cáo sản phẩm hummic không như trên bài. Em muốn hiểu thêm về humic. Xin được giúp đỡ ạ !

  33. Cho em hỏi, bón trực tiếp axit humic chưa qua hoạt hoá cho cây trồng, như bón phân hữu cơ có ảnh hưởng gì tới cây trồng không ạ?

    • Cây trồng sẽ hập thụ chậm, bị hạn chế vì tùy thuộc vào lượng vsv vật hữu ích (EM) có trong đất.

Gửi phản hồi mới

(?)