Tự đo độ pH của đất với hộp dụng cụ pH-EFS

, Nông nghiệp, 50

Nhằm giúp bà con nông dân tự mình có thể xác định độ pH (độ chua của đất) ngay trên vườn đất nhà mình, Trung tâm Nghiên cứu đất – phân bón và môi trường Phía Nam, số 12 đại lộ Võ Văn Kiệt, Quận 1,  đã cho ra đời hộp dụng cụ đo pH đất rẻ tiền, dễ thao tác và hữu dụng: pH-EFS.

Với bộ đo pH-EFS, bà con có thể tự mình kiểm tra độ pH thực tế tại đất trồng, đồng ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản của chính nhà mình. Từ đó có giải pháp tu bổ “sức khỏe của đất, nước” cho phù hợp, nhằm tạo môi trường tốt nhất cho cây trồng và các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển.

Cách sử dụng bộ đo pH-EFS khá đơn giản. Trước tiên, lấy một ít mẫu đất cần xác định độ pH (khoảng cỡ hạt đậu đen) cho vào lỗ nông nhất (lỗ số 2) trong 3 lỗ của khay nhựa hoặc cho vào ống nghiệm. Sau đó nhỏ khoảng 5 – 8 giọt dung dịch thử pH vào mẫu đất trong khay hoặc 8 – 10 giọt vào mẫu đất trong ống nghiệm rồi lắc nhẹ. Để yên sau 3 phút rồi tiến hành so màu dung dịch với màu của bảng màu đất, ứng với cột màu nào trong bảng màu đất thì đó chính là giá trị pH của đất cần xác định.

Phương pháp cải tạo độ chua đất: Có thể dùng các loại nguyên liệu khác nhau để cải tạo đất nhưng phổ biến nhất vẫn là bột đá vôi (CaCO3) vì giá thành vừa phải và an toàn cho cây trồng. Nếu đất thiếu Magiê thì có thể dùng bột Secpentin hoặc Donomit để cải thiện độ chua của đất, đồng thời bổ sung Canxi và Magiê.

Liều lượng vôi bón cho từng loại đất ứng với các mức pH khác nhau được tính như sau:

-Có độ pH : 3,5 – 4,5 bón 2 tấn vôi/ ha
-Có độ pH : 4,6 -5,5 bón 1 tấn vôi / ha
-Có độ pH : 5,6 – 6,5 bón 0,5 tấn vôi / ha
-Có độ pH : > 6,5  không cần bón vôi.

Cách bón: Rải đều bột đá vôi lên mặt đất, sau đó tiến hành xới để trộn bột đá vôi vào lớp đất canh tác (độ sâu khoảng 10cm). Tốt nhất là bón bột đá vôi trước khi trồng khoảng 1 tháng. Không nên bón vôi chung với phân chuồng, ure, hoặc phân có chứa đạm.

Đối với mỗi loại cây trồng lại có một vùng pH thích hợp khác nhau. Do đó cần điều chỉnh pH đất cho phù hợp với từng nhu cầu của cây trồng. Có những cây trồng và một số loài thủy sản có khả năng thích ứng với khoảng pH rất lớn nhưng năng suất hay chất lượng của chúng lại phụ thuộc rất rõ vào khoảng pH thích hợp.

Giatieu.com (St)

Bảng mẫu để đối chiếu độ pH 

bang do pH

Báo Giá cà phê qua điện thoại
50 Phản hồiGửi phản hồi mới
  1. Rất hay, phải tìm mua 1 cái. Từ trước đến giờ làm nông nghiệp chỉ đoán mò mà bón lân, bón vôi vì vậy dẫn đến cây thiếu cái này cái nọ. Cám ơn anh !

  2. Cũng may là vùng đất nhà tôi được các nhà môi trường kiểm tra nguồn nước và độ pH nên tôi biết chính xác độ pH đất nhà mình là bao nhiêu. Vì vậy việc canh tác cũng dễ dàng. Tôi thích những trang báo mạng như thế này. Ngắn gọn nhưng mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn.

  3. Còn đây là cách đo độ pH của trường ĐH Cần Thơ, rẻ tiền, bà con tham khảo :

    Cách lấy mẫu đất: Trên mảnh vườn bà con lấy 5 mẫu đất ở 5 điểm (4 góc vườn và 1 điểm trung tâm). Ở mỗi điểm lấy mẫu, đào sâu một hố rộng 50x50x50cm, dùng mai xắn theo thành thẳng đứng để lấy một lớp đất mỏng theo chiều sâu từ trên lớp đất mặt cho tới độ sâu 40cm. Mỗi điểm lấy khoảng 0,5kg đất mẫu, đem trộn đều 5 mẫu với nhau, phơi khô, đập nhỏ và cân lấy 100g để đem thử độ chua (pH) của đất.

    Cách thử: Cho 100g đất mẫu đã được phơi khô, tán nhỏ, nhặt sạch rễ cây, rơm rạ, đá sỏi vào chai nhựa có dung tích khoảng 0,5 lít. Đổ nước vào khoảng 2/3 chai, lắc kỹ cho đất hòa tan với nước. Để lắng khoảng 30 phút rồi rót ra một ít nước trong chai để đo pH. Dùng giấy quì tím nhúng nhẹ vào nước rồi đem so với bảng màu để xác định độ pH của đất.

    Bà con có thể đo bằng giấy quỳ, hoặc thuốc thử pH (bán ở các tiệm cá cảnh, quãng 20 ngàn 1 chai, dùng 3 năm mới hết ), lưu ý nước để hòa đất phải là nước có độ pH chuẩn = 7.

    Chúc bà con khỏe!

  4. @Anh Tiêu Sầu thân!
    Hiện tại tôi đang cần dụng cụ đo độ pH nhưng rất tiếc tôi cò tìm đến địa chỉ Trung tâm Nghiên cứu đất – phân bón và môi trường Phía Nam số 12 Võ Văn Kiệt nhưng không có. Ngoài thị trường toàn hàng ngoại nhập ít nhất cũng trên 2 triệu mà nông dân mình làm không chuyên nên tôi đắn đo suy nghĩ không mua, nên tìm bộ dụng cụ đo pH của nước từ đó sẽ đo được độ pH của đất như anh hướng dẫn. Vấn đề tôi băn khoăn là nguồn nước để hòa đất phải là nước có độ pH chuẩn = 7 mà trong tự nhiên tìm nguồn nước pH = 7 khó quá anh ạ. Tôi thấy trong các chai nước uống tinh khiết có để chỉ tiêu chất lượng pH = 6,5 – 8,5. Vậy có được không anh.
    Nhờ anh tư vấn giúp. Chúc sức khỏe. Tôi chờ tin anh. Cám ơn anh nhiều!
    Anh vui lòng cho tôi xin SĐT.

    • Chào anh Phát! Anh nên chỉnh độ pH nước pha trước. Thay vì dùng nước vôi trong anh có thể dùng chai tăng (hoặc giảm) độ pH bán tại các tiệm cá cảnh, khoảng 10 ngàn 1 chai (lưu ý chỉ nên nhỏ từng giọt, vì 1 giọt có thể thay đổi khá lớn đến độ pH của 1 lít nước) và nên làm nhanh (trong 1 buổi thôi), vì để lâu độ pH có thể tự thay đổi do môi trường.

      Theo cách này chỉ cần bỏ ra 50 ngàn có thể sử dụng vài năm mới hết (bảng màu bác nên ép plastic, vì để ngoài không khí sau 1 thời gian màu sẽ phai), hố lấy mẫu cũng chẳng cần đào chi rộng cho cực, lại xấu vườn, chỉ cần đủ mẫu theo chiều sâu từ trên xuống dưới 40cm là được. Nên lấy mẫu sau cơn mưa vài ngày, vì mưa cũng làm thay đổi độ pH sẵn có của đất. Các bác cứ thử lấy mẫu nước của từng cơn mưa để kiểm tra thử, có sự khác nhau đấy.

      P/S : Hình như bữa trước anh có hỏi về ủ than bùn, vì tôi đang tìm hiểu nên cũng có vài tài liệu nói về nó, nhưng dài lắm, cả nấm trico nữa, để tôi gởi anh tham khảo. Rất vui khi được trao đổi với anh. Thân.

    • Để đo PH đất thì mình có thể dùng giấy quỳ để đo cho rẻ tiền và cũng tương đối chính xác. Trước đây, khi còn là sinh viên của trường đại học Nông Lâm hay là sau này đi làm mình đều sử dụng phương pháp này. Về nước thì có thể sử dụng tất cả nước sạch đều được, miễn sao có PH~7 là được, mình thường sử dụng Lavie hoặc là Aquafina. (Trước khi dùng, nên lấy giấy quỳ để đo pH nước trước cho chắc). Thân

  5. Chào anh Phát : Đây là cách tôi vẫn làm, anh có thể tham khảo. Lấy mẫu đất như anh Tiêu sầu chia sẻ. Dùng giấy quỳ để chuẩn pH của nước pha (dùng nước giếng, sau đó thêm từ từ nước vôi trong để có pH~7). Các bước tiếp theo như anh Tiêu sầu hướng dẫn. Kết quả cũng chấp nhận được. Trân trọng.

  6. Nhờ mấy bác cho hỏi độ pH bao nhiêu là phù hợp với cây tiêu? Nếu cao hơn hoặc thấp hơn thì lượng vôi… để cải tạo nâng hoặc hạ thấp độ pH là bao nhiêu cho phù hợp. Cảm ơn mấy bác.

  7. @Cua thân!
    Theo tài liệu của Viện Thổ nhưỡng -Nông hóa độ pH thích hợp cho cây công nghiệp nói chung cây hồ tiêu nói riêng ( 5,0 – 7,0 ) .

    Theo yêu cầu của anh Nguyễn Vịnh, hôm Chủ Nhật (9/12) tôi có đi tham quan tại xã Bình Ba (rẫy nhà anh Năm), Láng Lớn (nhà anh Cường), Kim Long (nhà anh Linh) huyện Châu Đức, BRVT có đo độ pH đều < 4,5. Riêng ở xã Bảo Bình (vật liệu xây dựng Mười Nga) pH = 5,0 , huyện Cẩm Mỹ (ĐN).
    Thân chào!

    • Thực tế như anh Phát phản ánh thì mong bà con trồng tiêu ở những vùng có độ pH quá thấp (pH dưới 5,5) nên khẩn trương cải thiện độ pH bằng cách bón vôi và lân Văn Điển.
      Độ pH thấp là môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh gây hại dễ phát triển và tiêu không chắc hạt, năng suất thấp.

      Bà con nhớ là vôi có tính sát khuẩn cao nên cần chia ra làm 2-3 đợt để bón, nâng độ pH lên từ từ. Nếu bón 1 lần quá nhiều thì vi sinh vật hữu ích cũng dễ dàng bị tiêu diệt luôn.

  8. Qua các tài liệu Can-xi (Ca) không có triệu chứng dư, tuy nhiên khi lượng Ca cao thường gây thiếu các nguyên tố vi lượng như: B, Mn, Fe, Zn, Cu, (thiếu ta bổ sung qua phân bón lá).
    Bà con nên bón vôi vào mùa nắng là thích hợp nhất (có thể chia làm 2 lần bón). Mùa mưa là thời kì ta nuôi dưỡng vi sinh vật có lợi.

  9. Mình thấy trên thị trường có loại bột cải tạo đất jukata 0-10-15-5 MGO và có độ ph=12 . Các bác tìm hiểu thử xem

  10. Kính chào anh Minh Vịnh, các chú Nguyễn Vịnh, Phan Phát, Tiêu Sầu…

    Con theo dõi trang Giatieu này cũng hơn nữa năm (ngày nào cũng vào xem hơn chục lần). Thật sự là con ghiền tiêu luôn rồi. Nên con có ý định sẽ mua 02 hecta (tiền ba mẹ chia cho con sau này cưới vợ lấy ra làm cho thỏa cái đam mê). Con có ý định trồng 1 ha tiêu và 1 ha bưởi da xanh (ở đây trồng được bưởi da xanh, chanh và dừa). Vấn đề nó nằm ở đây: là đất con mua có thể sẽ bị phèn với pH = 3,5, vì đất ko bị phèn thì đắt quá (may mắn thì kiếm được 1 miếng giá > 1ty/ha)

    Việc con muốn các Chú tư vấn giúp con là nếu bón vôi để nâng độ pH > 6 thì có được hay không. Thiết kế vườn con dự định cách 10m sẽ đào một cái mương sâu 0,6 m để rửa phèn vào mùa mưa (mà 06 có cạn quá không, rửa phèn có được hay không, hay phải sâu 1 m). Tất cả sẽ chãy vào 01 cái ao rộng 1000m2

    Về nước tưới: con sẽ đào 1 cai ao rộng 1000m2, sâu 6 đến 7m đễ trữ nước, sẽ dùng hệ thống tưới tiết kiệm. Khoảng cách trồng sẽ là 3,3 x 3,3 m (nọc đôi). Nếu tưới tiết kiệm thì mỗi nọc sẽ là 30 lít nước, 1 ha được 900 nọc => 1 lần tưới sẽ tốn 27 mét khối nước, mùa khô tưới mỗi tuần 1 lần (khi trồng tiêu con sẽ cho thêm nữa bao trấu đễ giữ ẩm cho đất). Nghĩa là 06 tháng mùa mưa lượng nước cần tưới: 27x4x6 = 648 mét khối nước (cái ao sau khi mùa mưa kết thúc chắc cũng được 5000 mét khối nước)

    Vấn đế là việc trữ nước ngọt trong mùa mưa trên đất phèn vậy có ổn hay không, hay cần phải pha thêm vôi vào hệ thống tưới tiết kiệm để nâng độ pH lên > 06.

    Độ pH thấp thì sợ nhất là tuyến trùng đầu vào của các loại bệnh ở rễ tiêu nhưng đây không phải vấn đề quá quan trọng vì mình nâng pH lên > 06 thì tuyến trùng không phát triển được hoặc dùng thuốc Moccap hay trồng bông vạn thọ. Còn các kỹ thuật trồng và chăm sóc, ngừa bệnh, làm bông thì đã có nhiều comment của mọi người rồi.

    Việc bón nhiều phân hữu cơ có cải tạo được đất phèn hay không vì chỗ con phân bò giá 7000đ/bao thực phẩm

    Con xin cảm ơn mọi người

    • Tốt nhất nên:
      1/ làm đối chứng, là trồng thử cây muốn trồng, nếu cây phát triển tốt thì áp dụng trên diện rộng,
      2/tìm hiểu những số liệu đo lường có liên quan, và đo lường những gì chưa có; theo La Voi-si-ê định nghĩa: khoa học là đo lường những thứ đo lường được, và làm cho có thể đo lường những thứ chưa đo lường được.
      Chúc bạn thành công

    • Chào anh Trực,
      Em đã có một bài học xương máu về cải tạo đất chua. Mặc dù vậy, em đắn đo rất nhiều trước khi gửi phản hồi này cho anh vì em chưa có kinh nghiệm trồng tiêu nhưng cuối cùng cũng gửi với mong muốn không có ai bị như em, mong các anh đừng chê cười. Khi mới ra trường, em được nhận vào làm kỹ thuật cho một trang trại trồng măng tây xanh. Khi em về thì măng đã trồng được 3 tháng. Măng tây xanh yêu cầu pH tương đương cây tiêu 6-7, nhưng vùng đất mà trang trại trồng chỉ có pH từ 3,2 – 3,5. Khi mới trồng, không có vấn đề gì hết, măng sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng khi đi vào kinh doanh được một thời gian thì bắt đầu có vấn đề. Nấm bệnh phát triển rất mạnh. Mặc dù trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, bón chủ yếu bằng phân trùn quế ủ Trichodermar (trang trại có nuôi trùn quế), hàng tháng đều rải Trichoderma. Ngoài bón vôi cho đất, nước tưới cũng được xử lý vôi để đảm bảo pH từ 6-7 trước khi tưới vào vườn. Nhưng do pH quá thấp, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển mạnh, ức chế hoạt động của Trichoderma dẫn đến nấm bệnh phát triển mạnh. Khi bón vôi quá nhiều sẽ làm cho đất bị chai, các chất dinh dưỡng bị thất thoát hoặc biến thành dạng khó tiêu, dẫn đến phải bón phân nhiều, đặc biệt là các loại vi lượng. Sau một thời gian, cây sinh trưởng và phát triển cũng bình thường, nhưng chi phí đầu tư cao quá, không có hiều quả kinh tế nên phải bỏ. Từ kinh nghiệm của mình, em thấy rằng, việc chọn đất phù hợp để trồng cây là vô cùng quan trọng. Mong anh xem xét kỹ. Chúc anh luôn khỏe mạnh và thành đạt.

  11. Xin chào các bác trong cộng đồng.
    Cho em hỏi. Vừa rồi em có xịt đồng đỏ cho tiêu, em pha 1 chai 2 phuy để xịt cho cafe sẵn tiện em xịt cho tiêu luôn, xịt xong được 2 ngày thì tiêu bắt đầu rụng bông. Vậy cho em hỏi có phải do em xịt quá liều không và có cách nào để khắc phục không? Em mong các bác giúp cho, em xin cảm ơn!

  12. @Hùng tâm. Có lẻ anh đã nhầm, pha đồng đỏ để quét gốc hoặc rửa cây sau thu hoạch. Tiêu anh đậu bông, cho trái mà anh phun đồng đỏ thì rụng là phải, mới rụng ít là may lắm rồi không thì rụng lóng tháo khớp.

  13. Mình đã mua 2 cái nhưng chưa sử dụng, những việc trước mắt còn nhiều, bao nhiêu đối chứng, phải quan sát, để tự tìm giải pháp tối ưu. Những ý tưởng (lý thuyết) áp dụng hơn 6 tháng qua đã có kết quả như mong muốn. Việc không cho tiêu leo trụ, đã mọc những chồi mới sát đất, sau này sẽ có nhiều dây tiêu. Leo trụ, có đủ rễ, thân, lá để có khả năng sống độc lập (chết dây này còn dây khác).

    • Chào bác Luận!
      Ý của bác là muốn hỗ sinh cho hồ tiêu và ra ác thấp. Bác có thể áp dụng kỹ thuật bấm đọt cho nó ra ác thấp. Còn những lươn ra sau bác cho nó leo lên sau đó lấp thêm đất lên lấy bộ rễ. Cũng áp dụng kỹ thuật bấm đọt. thì sẽ tốt hơn để cho nó bò dưới thấp. Cây tiêu để dây bò sát đất qua mùa khô bác sẽ thấy sự bất lợi của vấn đề này. Nó sẽ bị cháy dây, thậm chí khi tiêu kinh doanh vẫn bị cháy dây. Cây tiêu sẽ rất mau cỗi. Một vài chia sẻ. Ngoài ra cho nó mọc tràn lan tùm lum như thế cây tiêu rất dể bị bệnh chết dây do quá trình bón phân phát cỏ…. Sau đó chết lan sang cả cây. Kỹ thuật hỗ sinh, bấm đọt rất dể áp dụng. Một vài chia sẻ mạo muội.
      Thân!

    • Chào bạn Nguyễn Minh Vịnh, những chia sẻ của bạn trên diễn đàn thật là ý nghĩa, … Mình có cảm nhận là mình làm chưa hết trach nhiệm của mình cho nông dân, cho tuổi trẻ và cho mai sau, …

    • Chào bác Luận!
      Cháu biết bác đã lớn tuổi nhưng có nhiệt huyết với cây hồ tiêu nên cháu cũng quí bác. Tuy nhiên những thứ bác chia sẻ thử nghiệm thì trong vườn cháu đã trãi qua rồi. Phân gà tươi thì vùng cháu đã có người trả giá. Tiêu kinh doanh nó nhạy cảm với bệnh tật lắm chứ không như tiêu con và tiêu tơ. Không đâu xa mùa khô năm ngoái những cây bò sát đất như rau lang bị cháy dây. Phát triển không nổi, hao giống vô số kể nhiều người gặp phải… Vì thế cháu cảnh báo bác để bác phòng. Cẩn thận đề phòng vẫn hơn. Muốn đỡ cháy dây bác chịu khó dùng cỏ, hay rơm rạ, vỏ bắp tấp gốc trong mùa khô. Lưu ý là xịt Trichoderma, bón phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma cho nấm có lợi phát triển trước. Vì khi tấp gốc như thế lại là điều kiện cho nấm bệnh sinh sôi.
      Cháu chỉ nói một vài trãi nghiệm đã gặp phải để bác hay bà con có thêm 1 hướng đi hợp lý hơn cho mô hình mình.
      Thân!

  14. pH thấp thì bạn nên bón lân nung chảy, vì ở đấy còn có các nguyên tố trung vi lượng, nhất là Ca 30% pH=8,5 (đọc lại thành phần ghi trên bao bì). Super lân là phân acid (tính acid nhiều hơn lân nung chảy)

  15. Thấy các Bác, các anh bình luận khá nhiều về cách lấy nước có pH =7, em thiết nghĩ tại sao không lấy nước cất cho dễ, vì theo em biết thì nước cất có pH = 7.

  16. Tôi thấy bộ dụng cụ đo pH của Trung tâm Nghiên cứu đất – phân bón và môi trường Phía Nam rất phù hợp với nông dân sản xuất. Tôi hiện đang ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai, muốn mua bộ dụng cụ này thì liên hệ ở đâu cho thuận tiện? ai biết chỗ nào gần đây thì chỉ cho tôi với.

  17. chào chú Minh Vịnh, bác Nguyễn Vịnh
    Con có thể dùng vôi cục để tăng độ pH của đất hay không, và liều lượng có giống như bột đá vôi không hay như thế nào ?
    Con cảm ơn nhiều, chúc mọi người sức khoẻ ạ!

    • Chào Việt Hưng!
      Vôi cục ngâm nước hoặc té nước cho nó rã ra. Sau đó sử dụng. Liều lượng của nó còn tùy thuộc vào độ pH đất của nhà mình. Với vôi cải thiện pH phải dùng từ từ không cây bị sốc.
      Thân!

  18. chào Bác Vịnh, nếu muốn xác định độ pH của đất thì chỉ lấy một mẫu thì có thể chỉ xác định tính tương đối độ pH của đất nhà cháu thôi nhưng 5 sào, hay cả mẫu hơn thì nhìn sơ qua mình có thể thấy đất khoanh vùng cây trồng khác nhau thế thì cải thiện pH rất khó vậy cháu phải thử mẫu khoanh vùng hả bác? Với lại cho cháu hỏi làm sao nhìn cây tiêu có thể biết thiếu chất gì mà chăm sóc, bón hay hạn chế bác có thể hướng dẫn hoặc cho cháu trang thêm thông tin, web để cháu tìm hiểu thêm. Cám ơn bác! hiện tại đất nhà cháu ở Kim Long, Châu Đức, BRVT.

    • Chào cháu @Nguyễn Thị Lệ Hằng
      Với diện tích lớn, nên khoanh vùng thành từng lô có những đặc điểm nhận diện tương đối giống nhau để đo và điều chỉnh. Tất nhiên, kết quả cũng tương đối.
      Trong cửa sổ Trồng và chăm sóc tiêu, bác đã trang bị kiến thức rất cơ bản để trồng tiêu.
      Bên cạnh còn là những phản hồi chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm của bà con, thực sự là một kho tàng… Tìm đâu cho xa hả cháu !
      Thân

  19. Chào diễn đàn, chào các bác. Xin cho em hỏi bảng màu dùng để đo độ pH của đất thì mua ở đâu, xin mọi người chỉ dùm. Cám ơn nhiều. Chúc mọi người khỏe.

  20. Chào mọi người, vườn tiêu nhà em mới trồng được 1 năm đang xanh tốt tự dưng bữa nay bị vàng lá đồng loạt khắp vườn. Nhờ các bác mách nước chữa trị với.

    • Vàng lá có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trời đang nhiều mưa nên có thể bị thối rễ tơ do úng cục bộ, kiểm tra kỹ nguyên nhân này. Bị vàng lá từ trên ngọn xuống, từ trong thân ra hay ngược lại? Vừa rồi bạn bón phân gì? Đã phòng ngừa các bệnh bằng Tricho đối kháng chưa? … Bạn cũng cần đo độ pH đất xem có bị dư acid không?
      Bạn thấy chỉ một hiện tượng vàng lá mà nảy sinh nhiều vấn đề, do đó chỉ một câu bạn hỏi nhưng không dễ để trả lời. Bạn cần tham khảo các bài viết ở trang Trồng và chăm sóc tiêu để chăm sóc theo lối tổng hợp mới bền vững.
      Bạn phun phân sinh học biosol để xem tiêu có xanh lại không.

  21. Chào anh Vịnh và cộng đồng giatieu.com. Qua hướng dẫn và chia sẻ của các thành viên trên diễn đàn, tôi đã tìm mua được bộ dụng cụ thử pH của đất và nước. Loay hoay cả buổi sáng lấy đất, nước để kiểm tra theo hướng dẫn và kết quả như sau: pH đất nằm khoảng 4-4,5; còn nước giếng khoan lại có độ pH nước nằm khoảng 7,5-8. Như vậy cho em hỏi: Em có cần bón thêm vôi để cải thiện độ pH không? Hay là dùng nước đó tưới một thời gian nó sẽ nâng độ pH lên (đất nhà em năm nay mới trồng tiêu năm đầu). Mong anh Vịnh và mọi người tư vấn chia sẻ, giúp đỡ. Em xin cảm ơn.

    • Chào @lê văn thắng
      -Nước giếng khoan có độ pH cao hơn 7 chỉ nên dùng để tưới tắm hay các sinh hoạt khác mà không dùng để ăn uống.
      -Độ pH đất như vậy là quá thấp, sử dụng vôi+lân Văn điển để nâng lên, nâng từ từ chia làm nhiều lần để tiêu không bị sốc. Dùng nước giếng khoan đó để nâng e rằng tiêu không đợi nổi.
      Thân

  22. Chào bác Vịnh,
    Bác cho cháu hỏi là mỗi năm sau thu hoạch là con thấy bà con quanh vùng nhà cháu lại khử đất bằng vôi sống. Cháu biết là khử độ chua đất là cần thiết nhưng có nhất thiết cứ sau mùa thu hoạch khử chua hay cứ sau một năm mình đo độ pH của đất rồi biết mức độ của đất nhà ta như thế nào rồi mới dùng giải pháp có thể là bỏ vôi hay không phải không bác? Còn phần vôi bỏ là mình còn phải xem đất mình thiếu sắt, magie,… để khử độ chua,.. của đất nhưng làm sao mình biết là cây trồng mình thiếu những chất nào bác ơi!
    Cháu cám ơn !

  23. Xin chào các bạn, xin cho minh hoi độ pH đất trồng tiêu đo được là 7,3. Vậy làm thế nào để cải tạo, đất còn khoảng 7,0. Xin cảm ơn, chúc sức khoẻ tất cả các bạn.

    • Đất ở đâu mà bạn đo được pH cao như vậy?
      Ở trên vùng núi đá vôi Phong Nha, Quảng Bình chăng?

  24. Cháu chào bác Vịnh, cả nhà trên giatieu.com.
    Cháu xin hỏi, cháu đo độ pH ở đất rẫy 4,5. Cháu có đọc qua bài viết trên chỉ dùng đá vôi khử độ chua cuả đất. Ngoài cách trên mình dùng dolomite có tốt không bác? con thấy trong tp có thêm MgCO3. Trên các tài liệu tham khảo cháu thấy mọi người chỉ bỏ vào đầu mùa mưa nhưng mình có thể bón và tưới sau thu hoạch đảm bảo hạn chế hại chết vi sinh vật có lợi được không bác? Cháu rất mong nhận phản hồi sớm. Cháu cám ơn.

    • Dolomt có thể dùng thay vôi để nâng độ pH đất.
      Dolomit giá đắt hơn vôi do có thêm 1 số vi lượng cần thiết, đặc biệt là Mg cho cây hồ tiêu.
      Nên chia làm nhiều lần bón để không gây hại cho EM có trong đất.

  25. Bạn cháu cho cháu 1 bộ đo ph của nước. Liệu có thể đo ph của đất được không ạ. Và đo như thế nào. Mong mọi người giúp cháu. Cháu xin cảm ơn

  26. Chào bác Vịnh cùng toàn thể diễn đàn, hiện tại vườn tiêu tơ của mình đang có hiện tượng vàng lá rụng đốt cho dù mình chăm sóc bón phân tưới nước rất kỹ, mình đang nghi ngờ độ pH đất thấp. Bây giờ mình muốn dụng cụ đo độ pH của đất để kiểm tra…

    • Làm ngay đi, đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn. Ưu tiên xử lý hiện tượng vàng lá rụng đốt trước !
      Kỹ cái nổi gì mà pH đất vườn của mình bao nhiêu độ bạn lại chưa biết.
      Bạn áp dụng tiến bộ khoa học vào để trồng và chăm sóc tiêu với chứ !
      Chắc dùng nấm tricho phòng bệnh cho tiêu cũng chưa luôn chứ gì?

  27. Chào các anh chị diễn đàn, số là hồi chiều mình lấy máy đo pH cầm tay đo 4 chỗ tại 4 bụi tiêu con 5 tháng (tiêu con bị còi cọc, cành và đọt bị trắng móp méo, khi nhổ lên rễ bị tuyến trùng và nấm quá nặng không hồi phục được). Kết quả mặt đất trên cùng độ pH đạt 5.2, đào lỗ xuống sâu 40cm thì độ pH có 3-4.2. Hèn gì tuyến trùng và nấm phá rễ tiêu dữ vậy, bón phân xịt thuốc cũng không ăn được. Liệu bón vôi bột có khử chua nổi tầng đất mặt dưới không anh chị. Bón nhiều quá thì chai đất và vôi dễ bị hoá ra vón cục nếu đất bị ướt. Có cách nào nâng pH tầng đất mặt dưới lên cao được không?
    Xin cảm ơn rất nhiều ạ.

  28. Chào cả nhà! Cho cháu tham khảo ý kiến mọi người chút, bộ thử pH này cháu định mua để về thử độ pH của phân cá liệu có được không ạ? và cách làm thế nào, có giống khi thử với nước không ạ?

    • Chỉ thấy bài viết có giới thiệu dùng để đo pH đất hay pH của nguồn nước tưới thôi.

  29. Chào anh Vịnh va chào cả diễn đàn ạ.
    Xin gửi đến anh câu hỏi như sau:
    Việc nhân sinh khối cho nấm trichoderma trong nước. Dùng 1kg nấm, 1kg đường pha vào 200 lít nước, sục ôxy. Sau 2 ngày đem tưới thi có nhân được sinh khối không ạ. Hỏi nhà sx thì họ ko khuyến khích. Có chỗ thì bảo pha thêm 0,5 kg urê…tôi rối mù. Xin anh và diễn đàn tư vấn, giúp giảm chi phí đầu tư với ạ. Xin cảm ơn !

    • Chào @ Trinh văn Quang
      Muốn nhân phải có vi nấm tricho sơ cấp, có thức ăn phù hợp để nuôi, dụng cụ vô trùng, môi trường tiệt trùng để nhân… không hề đơn giản, cứ theo công nghệ “cuốc xẻng” mà nhân được đâu. Tôi thường khuyên, nếu ta bỏ vào 1 triệu vi nấm, lấy ra được 5-7 triệu bào tử thì mới nhân, nhưng ai đếm được, lấy gì để đếm ?
      Nếu nhân không hiệu quả, không đảm bảo tăng sinh khối mà còn làm nấm yếu thêm rồi đem bón cho cây, không chống nổi sâu bệnh tấn công thì mỗi năm tốn thêm bao nhiêu tiền thuốc nữa… Nói chung là lợi bất cập hại nên tôi không khuyến khích. (Nếu dễ nhân, ai nhân cũng được thì nhà sản xuất nấm dẹp tiệm lâu rồi, vì làm ra để bán cho ai?)
      Mình là nông dân, không đủ công chăm bón, còn phải thuê mượn thì công đâu, điều kiện đâu để làm việc này nữa. Đầu tư mua nấm tricho khoảng hơn 2.000đ/trụ/năm thì không có gì là lớn lắm để phải lo tính toán giảm chi phí.
      Thực ra, trong 2 ngày đầu là chỉ mới kích hoạt bào tử phát triển thành cây nấm. Đến ngày 7-8 là nấm trưởng thành, sau 12-14 ngày là xong 1 chu kỳ. Nấm sẽ tàn… và để lại bào tử nấm cho chu kỳ tiếp theo. Số lượng bào tử nhiều hay ít còn phụ thuộc nhiều điều kiện nữa…
      Cho nên thời gian kích hoạt nấm là thời gian dự bị, sau 2 ngày thả ra là “chiến đấu” được ngay chứ không phải là nhân.
      Thân

    • Anh Quang nên dùng gỉ mật làm thức ăn để kích hoạt vi nấm. Có thể bổ sung thêm Urê nhưng không quá 0,2%.
      Lưu ý, chỉ nên chọn gỉ mật từ các lò đường thủ công, thận trọng khi dùng gỉ mật của nhà máy đường công nghiệp !

Gửi phản hồi mới

(?)